12.8.10

Chuyện Người Vợ Tù Cải Tạo


Người viết: Dương Thị Năng
(phu nhân của A20 Vũ Đức Nghiêm)

Tháng 4-1975, ngày giặc Cộng vào cưỡng chiếm miền Nam, ngày oan khiên nghiệt ngã nhất trong lịch sử Việt nam hiên đại. Chồng tôi, một sĩ quan cấp Tá, Quân lực Việt nam Cộng hoà, cũng bị đi tù, và kể từ 15 tháng 6 1975, gia đình chúng tôi bị tan tác, chia lìa, một mình tôi phải chịu trách nhiệm nặng nề nuôi dạy bẩy đứa con, đứa lớn nhất, 19 tuổi và nhỏ nhất mới lên 8.

Ngày chồng tôi đi tù, anh đang ở Sài gòn, gia đình ở Đà lạt nhận tin anh sẽ đi trình diện ngày 15 tháng 6 và nhắn tôi về Sàigòn, nhưng thư đi chậm, tôi về tới nơi thi đã quá muộn, anh đã đi trước một ngày.


 Ta có câu, “Con có cha như nhà có nóc’’, nay chồng tôi đi xa, 8 mẹ con tôi bàng hoàng trước cơn lốc thời cuộc,và từ đó,bắt đầu chuỗi ngày thê thảm cùng cực dưới sự cai trị bạo tàn và ngu xuẩn của lũ giặc dép râu nón cối.

Mới đây, tôi đọc ‘’Lối Cũ Chẳng Sao Quên’’ của Bích Huyền,và ngậm ngùi cảm thương chị vô cùng. Nếu Bích Huyền không thể quên được những con đường khổ nạn đi đến Trại Tù K1, K2, K3,K4 ở rừng núi Việt bắc chập chùng, thì những ngày tháng chồng tôi đi tù là Những Ngày Tháng Không Thể Nào Quên Được. Tôi ghi lại những dòng này để nhắc nhở cho mọi người, nhất là cho các thế hệ con cháu tôi KHÔNG QUÊN những sự tàn bạo, dã man, đê tiện của bọn giặc Cộng cướp nước đã đày đọa dân tộc Việt nam vào một cuộc sống thấp hèn,khổ cực và người dân bị áp bức, bóc lột nhất trong lịch sử của dân tộc Việt nam.


Những ngày đàu tiên, chồng tôi bị giam giữ tại Long Giao, rồi chuyển đến Trại Suối Máu, Biên Hoà. Khoảng giữa năm 1976, tôi dược tin V.C đã chuyển tù ra Bắc. Mấy năm không gặp mặt chồng, nhưng tôi đã mường tượng nhìn thấy thân hình thấp nhỏ và gầy yếu của chồng tôi vì ăn uống thiếu thốn và lao dộng cực khổ.


Cuối năm 1978, tôi được thư anh cho biết đã chuyển về Trại Tù Nghệ Tĩnh số 6 (NT6) và trại cho tù được thăm gặp gia đình. V.C. không cho tù nói là thăm nuôi, vì trại đã NUÔI tù rồi, gia đình chỉ đươc thăm gặp, với một số đồ ăn tối thiểu. Tôi lấy vé xe lửa đi Vinh, lòng khấp khởi vui mừng và bồn chồn, mong sao thấy mặt chồng sau hơn 3 năm xa vắng. Ngồi chen chúc trên toa xe chật chội và dơ dáy, tôi vừa co chân lên cho thoải mái, lúc nhìn xuống thì một chiếc dép đã bị lấy mất rồi.


Xe lửa tới Vinh, tôi còn phải đi một đoạn đường dài trên 20 km trên một xe hơi cũ kỹ, chạy lắc lư trên đường đầy ổ gà và bụi cát bay mù mịt. Xe chạy lắc mạnh đến nỗi đầu tôi đụng mạnh vào trần xe đau điếng. Đến bờ sông, xe dừng lại, chúng tôi phải khiêng các bao đựng đồ ăn xuống đò ngang. Tôi thuê 3 chiếc xe đạp thồ, 2 chiếc chở mấy gói bao bị, còn tôi ngồi sau yên xe chiếc thứ ba. Đến những con dốc, tôi phải xuống xe đi bộ trên những đoạn đường gập ghềnh lồi lõm lởm chởm đá dăm nhọn sắc làm chân tôi rướm máu và đau buốt vì một chiếc dép đã bị mất. Lúc lên xe trở lại, tôi hoảng hốt vì không thấy 2 chiếc xe đạp chở đồ đâu cả, tôi lo sợ rằng họ có thể đạp xe vào những lối mòn ở hai bên đường, nên họ lấy mất đi, làm sao tôi có thể mang đồ ăn cho chồng, thật uổng công nhịn ăn, góp nhặt chắt chiu từng món ăn trong thời buổi khó khăn này.Tôi cúi đầu thầm nguyện, và tạ ơn Thượng Đế, một lát sau, qua khỏi khu rừng, tôi thấy 2 chiếc xe ngừng ở ven đường. Chỉ còn hơn 1km nữa thì tới trại Nghệ Tĩnh 6 (NT6), tôi phải mướn hai người gánh mấy bao bị thực phẩm về trại NT6. Đến khu nhà thăm nuôi, trời đã gần tối, mấy chị em vợ tù chúng tôi được cho tạm trú ở khu nhà thăm nuôi, trong một căn nhà lá ọp ẹp, trong căn phòng nhỏ ngăn vách bằng tấm liếp nứa. Gần khu thăm nuôi, có mấy ngôi mộ mới, đất mầu đỏ quạch, nằm chơ vơ dưới nắng chiều, tôi thầm nghĩ “đây hẳn là mộ mấy anh tù xấu số”. Qua một đêm gần như thức trắng vì những con rệp đói nhào ra tấn công, làm chúng tôi ngứa ngáy hầu như khắp mọi chỗ trong người. Chị bạn nằm gần tôi kể lại là có lần có chị đi thăm chồng ở một trại khác, nửa đêm có người bịt mặt, vào trong phòng, lấy các đồ thăm nuôi rồi rút êm, làm tôi mất ngủ vì lo sợ.


Sáng hôm sau tiếng kẻng báo thức vang lên, tôi thức dậy cùng các chị bạn, chuẩn bị nấu chín một ít đồ ăn, và nấu một nồi xôi, chờ đợi các anh tù. Một tên cán bộ mặt mũi nghiêm trọng bước đến tự giới thiệu và căn dặn: “Khi gặp các anh ấy, các chị phải động viên các anh học tập tốt “nao động’’ tốt, trở thành người công dân “nương thiện’’. Sớm được hưởng “nượng’’ khoan hồng của cách mạng. Các chị không được khóc, vì sẽ “nàm’’ các anh ấy “nụt’’ chí, như vậy các anh ấy còn bị phạt nữa”. Chúng tôi cũng dặn nhau phải can đảm, phải nén lòng, đừng để các anh ấy bị rắc rối; mấy chị em đều gật đầu, nhưng mọi người đều nước mắt lưng tròng rồi.


Chúng tôi cùng ra cửa ngóng về phía trại, một lát sau, có một toán người tù, kẻ vác bị, người đẩy xe cải tiến, lầm lũi đi về phía nhà thăm nuôi, có một tên V.C vác súng dài di áp tải. Tất cả đều ăn măc quần áo lành lặn, nhưng phần lớn đều gầy gò, nét mặt tiều tụy, ẩn nhẫn và chịu đựng. Tôi chăm chú nhìn toán người tù, nhưng không thấy chồng tôi đâu cả, mãi về sau, mới thấy một người gầy ốm, thấp nhỏ bước vào, bước chân lảo đảo. Tôi nhận ra chồng tôi, xưa anh uy nghi mạnh mẽ bao nhiêu thì giờ đây xơ xác, tiều tụy bấy nhiêu. Ý nghĩ đó làm lòng tôi quặn thắt; anh đội chiếc nón lá rách rưới, chỉ còn chiếc chóp nhỏ như nón người lính thú đời xưa; đôi chân mốc meo khẳng khiu lê trên đôi dép râu buộc chằng chịt bằng giây thép. Nước da anh nhợt nhạt như người sốt rét kinh niên, đôi mắt lờ đờ, tròng trắng đã ngả vàng, không còn vẻ tinh anh như trước. Anh bước đi, lao đao như muốn ngã, tôi muốn chạy lại đỡ anh, nhưng tên V.C đã ngăn tôi lại.


Tên cán bộ phụ trách thăm nuôi gọi từng tên người tù và thân nhân ngồi ở hai bên một chiếc bàn lớn, và hắn ngồi chính giữa.T ôi cho chồng tôi biết tin tức gia đình, anh lắng nghe, giọng xúc động, hỏi thăm tin tức cha mẹ, anh vui mừng khi biết cha mẹ ở California vẫn bình yên và hằng cầu nguyện cho anh sớm được trở về đoàn tụ. Nhìn mắt anh hướng về phiá tên V.C với cái nhìn căm hờn, tôi sợ hãi, xin anh nhịn nhục “nín thở qua sông’’ để còn có ngày về gặp lại vợ con .


Chỉ 20 phút sau, tên cán bộ cho lệnh mở các gói quà để “điểm nghiệm’’, mọi món đồ phải tháo giây buộc, đổ ra một cái thau để xem có giấu thư từ, tiền bạc trong đó không, và tôi phải để lại một số đồ ăn, mà chúng cho là quá quy định, mặc cho tôi năn nỉ hết lời. Tôi ngậm ngùi nhìn theo anh chất mấy món đồ lên xe cải tiến đẩy vào trại. Giờ đây, nước mắt tôi mới trào ra, không những tôi, mà các chị em khác cùng khóc thương những người chiến sĩ sa cơ, nay bị lũ giặc đày đọa trong cảnh ngục tù. Trên đường về, tôi gặp mấy anh tù đi làm gần cổng trại, tôi tặng hết mấy món đồ còn lại cho các anh.


Về Sài gòn, tôi đau lòng nhìn lũ con dại bơ vơ vì thiếu bố, tinh thần tôi bị suy sụp, không biết phải xoay xở cách nào để nuôi đàn con. Tôi cầu nguyện xin Thượng đế cho tôi đủ sức mạnh và lòng can đảm để vượt qua chặng đường thử thách cam go này.

Sau những ngày mệt mỏi chán chường và quẫn trí, tôi đã lấy lại bình tĩnh, suy nghĩ đến trách nhiệm và bổn phận, nên tự nhủ là sẽ hết sức phấn đãu, chịu đựng mọi hoàn cảnh thử thách, thay chồng nuôi dạy con nên người. Tôi cũng bắt chước các chị em bạn buôn bán lặt vặt ở bên hông chợ Bến Thành. Hồi đó, Công an Cộng sản được lệnh không cho ai buôn bán bất cứ một món gì trên hè phố. Tôi lấy một miếng nylon trải trên lề đường, bày ít đồ lặt vặt thường dùng và những quần áo cũ, các chị bạn tôi thường nói đùa là “chà đồ nhôm’’ (chôm đồ nhà) để sống qua ngày. Mỗi lần Công an VC xuất hiện và có tiếng hô: “Bò vàng! Bò vàng!’’ là tôì túm bao nylon bỏ chạy, văng cả dép, tóc tai xổ tung trông chẳng giống ai! Chịu đựng nắng mưa, sớm đi tối về, cuộc sống thật là trăm ngàn nỗi đắng cay tủi nhục. Có những lúc cơn mưa rào đổ xuống thật bất ngờ, tôi ôm túi quần áo cũ, nép dưới mái hiên nhà, lòng buồn nhớ chồng trong chốn ngục tù, thương các con nhỏ dại bỏ bê ở nhà không ai chăm sóc mà căm hờn quân giặc nước. Con gái thứ tư của tôi, cháu Duyên Thơ, có viết mấy câu lục bát làm tôi bồi hồi vô hạn:

...... “Mẹ tôi núp dưới hiên nhà
Từng cơn mưa lạnh, xót xa mẹ hiền’’
Từng cơn mưa lạnh, xót xa mẹ hiền’’
Có những buổi đi chợ về, người rã rời mệt mỏi, muốn nằm nghỉ cho rãn xương cốt, nhưng lại nghe tiếng con gọi: ’’Mẹ ơi, Công an Phường bảo chiều nay đi họp.’’
Trong căn phòng trụ sở phường, một tên cán bộ đứng nói về chính sách của cách mạng, đường lối khoan hồng của Bác, Đảng; những thính giả bất đắc dĩ, phần lớn là phụ nữ, ngồi lê lết trên sàn xi măng lồi lõm, trong bóng tối mờ mờ, người thì ngủ gật, kẻ thì ngồi ngáp dài vì đã nghe nói quá nhiều.


Cuộc sống trôi qua trong buồn thảm vì thiếu thốn, về vật chất là lẽ đương nhiên, nhưng về tinh thần, sự kiềm chế của Cộng sản làm người dân Sài gòn cảm thấy ngay từ ngày giặc vào cưỡng chiếm miền Nam là Tự do bị cưỡng đoạt .


Trong hoàn cảnh khó khăn ấy tôi tự nhủ là phải cố gắng sống vì tương lai của các con, nên dù vất vả nhục nhằn đến đâu tôi cũng cố gắng chịu đựng. Tôi không còn trẻ nữa, lúc chồng tôi đi tù, tôi ở tuổi ngoài 40. Tôi không nghĩ rằng mình còn trẻ, đẹp, nhưng bạn bè đều nói tôi là một phụ nữ khả ái; điều nay được chứng tỏ là có những tên VC, có thể chúng là sĩ quan Cộng Sản hay cán bộ cao cấp gì đó, thường đến sạp hàng của tôi ở chợ An Đông, lân la, gợi chuyện, mua chuộc tình cảm, có tên sỗ sàng dám sà vào ngồi cạnh chỗ ngồi bán hàng của tôi, nhưng lần nào cũng bị tôi nghiêm sắc mặt nhưng lịch sự đuổi nó đi chỗ khác.


Những ngày tháng gian khổ, thiếu thốn, một nắng hai sương, tôi hết sức dành dụm, dè sẻn, mua được món gì ngon là tôi để riêng ra cho lần đi thăm tới. Có lần tôi nhận được một lá thư nhỏ bằng bàn tay có viết 4 câu thơ:

Đã mấy năm nay quằn quại đói,
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo.
Mẹ ơi! Con nhớ thời thơ dại
Những món ăn mà mẹ chắt chiu
Thèm ăn như đứa trẻ con nghèo. Mẹ ơi! Con nhớ thời thơ dại Những món ăn mà mẹ chắt chiu...”(thơ Tô Thùy Yên)
Dưới bài thơ, có chữ ký tắt: G.N.Y.D. Tôi bồi hồi đọc bài thơ chỉ có 4 câu và biết chắc đó là chồng tôi nhắn tôi ra thăm, vì bốn chữ G.N.Y.D là viết tắt của Gọi Người Yêu Dấu là một bài hát chồng tôi viết trước năm 1975. Tôi lập tức cho cháu Quỳnh Giao ra Nghệ Tĩnh thăm bố. Cháu Quỳnh Giao được bố cho biết rằng bốn câu thơ trên là của Tô Thùy Yên do bố cháu chép lại, đề địa chỉ người nhận, rồi khi đi lao động, bố cháu bỏ ở bên đường. Đồng bào nhặt được biết là của tù, liền mua tem, gửi về cho gia đình. Cháu Quỳnh Giao có viết mấy dòng ghi lại buổi gặp mặt của hai bố con như sau:
“Ngày 17-10-1979.. Thế là ta đã gặp bố rồi. Trông thấy bố, ta chạy lại ôm choàng lấy bố, khóc nức nở. Bố vuốt tóc ta: “Nín đi, con gái yêu quý của bố. Lớn rồi còn khóc người ta cười cho!” Sau hơn 4 năm ngục tù, bố đã già đi và gầy ốm quá! Những sợi tóc đã bắt đầu lốm đốm bạc, nhưng mắt bố vẫn sáng ngời sau cặp kính long lanh. Bố tháo kính cầm tay, rồi lại đeo kính vào: “Để bố nhìn con gái bố rõ hơn. Xem nào! Con đã 22 tuổi rồi mà vẫn xinh xắn dễ thương như ngày nào’’. Thấy bố nói vậy, ta thương bố không cầm được nước mắt. Bố nắm tay ta, kể vài câu chuyện vui để làm ta bật cười mà nước mắt vẫn tuôn rơi lã chã. Bố có vẻ vui mừng khi nghe ta nói chuyến này mẹ gửi cho bố các món ăn bố ưa thích. Giờ phút gần bố thật ngắn ngủi. Khi chia tay rồi, ta ngậm ngùi nhìn theo bố cong lưng kéo chiếc xe cải tiến chất đầy quà, hình như bố có vẻ hí hởn lắm! Khi bố ngoảnh lại ở chỗ rẽ, bố có nhìn thấy con gái bố tựa cửa nhìn theo, trên mặt đầm đìa nước mắt không? Ta còn nán lại nhà thăm nuôi hai ngày, và đứng ngóng đoàn tù đi lao động xem có thấy bố một lần nữa không, nhưng chẳng thấy.. Hẳn là các chú các bác tù cũng ngạc nhiên thấy một cô bé mắt đỏ hoe, đứng ngóng đoàn tù như muốn tìm kiếm ai... ’’
Tôi tình cờ đọc mấy giòng chữ của con mà thương chồng, thương con vô hạn....

Hồi đó, phong trào vượt biên làm xôn xao Sài gòn. Tôi suy nghĩ về tương lai các con. Phải đi tìm đường song cho các con vì nếu ở lại thì sợ có ngày con trai tôi đến tuổi phải đi nghĩa vụ rồi sẽ phải làm bia đỡ đạn cho giặc Cộng ở Campuchia thì khi gặp lại chồng tôi, tôi biết ăn nói làm sao? Vả lại, viễn ảnh kinh hoàng khi con một Sĩ quan Quân lực Việt nam Cộng Hoà phải đội mũ cối, đi dép râu, mang khẩu AK trên vai cũng làm tôi rùng mình khi nghĩ tới điều sỉ nhục ấy. Cho nên, tôi đã bán tất cả nữ trang và các đồ vàng bạc, đá quý, đã dành dụm được cho các con vượt biên. Tôi cũng rất e sợ khi nghĩ tới sóng biển, hải tặc, nhưng xin phó thác các con tôi vào tay Chúa, với niềm tin các con tôi sẽ tới được bến bờ tự do. Lần thú nhất, con gái thứ tư, Giao Duyên, tới Malaysia bình yên, được ông bà nội bảo lãnh về Pasadena, California. Lần sau, ba đứa lớn, Quỳnh, Giao, Dũng bị bắt giam mấy tháng, riêng Dũng bị giam hơn 2 năm. Trong thời gian ấy, tôi phải chuẩn bị nhiều bao bị khác nhau để đi thăm chồng và ba con. Tôi như lên cơn sốt vượt biên, có chút tiền để dành nào cũng gom góp cho con đi tìm tự do; sau hàng chục lần thất bại, nhưng không nản lòng. Rút cục, Dũng cũng đã ra tù, vượt biên qua ngả đường bộ đến Thái lan và tới Mỹ năm 1983, riêng vợ chồng Quỳnh Giao và Dũng Tuấn, con trai út mãi tháng 9-88 mới đến Mỹ, đúng vào thời gian chồng tôi được trả tự do!

Khoảng giữa năm 1986, ở trại tù Xuân Phước một anh tù trẻ được tha về, đưa cho tôi một ca khúc chồng tôi viết tựa đề là “Đóa Hồng Cho Vợ Hiền’’. Anh tù trẻ kể lại rằng: “Em nói với anh N. là nếu anh ký tên thật thì VC không cho mang về đâu. Sau anh phải viết là: nhạc của Liên Xô nên đã mang về được!’’. Các con tôi đàn và hát bài này, tôi rất cảm động khi nghe bài hát anh gửi cho tôi. Phần mở đầu, anh viết về một gia đình sống êm đềm ở một thành phố thơ mộng kia, bỗng đâu một ngày trời làm biển dâu, giặc tràn vào, gia đình tan tác chia lìa, nhưng hãy tin rằng mùa đông băng giá rồi sẽ qua đi, đêm tối sẽ tan dần, ngày vui sẽ tới, sẽ không còn nước mắt, không còn ly tan.
Anh kết luận :
Xin cho tôi hôn mái tóc điểm sương Xin cho tôi hôn vầng trán ưu phiền. Xin cho tôi hôn đôi mắt héo hon Năm tháng mỏi mòn, chờ người xa vắng. Cho tôi nâng niu bàn tay chai sần Thay chồng nuôi con một đời vất vả, Cho tôi dâng em một đoá hoa hồng, Đóa hoa tuyệt vời trong đáy lòng tôi...
Tôi nghe bài hát mà lòng xúc động vô cùng vì tôi biết rằng trong tận cùng khổ đau, tâm hồn chồng tôi vẫn lãng mạn, và như nhà văn Duyên Anh đã nói, một thứ  “lãng mạn ngục tù’’, nhờ đó anh vẫn làm thơ, viết ca khúc để nguôi vơi những nỗi khổ đau trong tháng ngày tù ngục. Và tôi tự hào về chồng tôi, cũng như bao anh em cựu sĩ quan, cựu chiến sĩ dù sống hơn 10 năm trong ngục tù Cộng sản, nhưng vẫn vững tin vào chính nghiã tự do và tương lai dân tộc.

Đầu năm 1988, nhân dịp Tết Mậu Thìn, Sài gòn xôn xao về tin: sẽ có rất nhiều người được thả về, sẽ đi xe lửa về ga Hòa Hưng Sài gòn. Lòng chứa chan hy vọng, tôi đi cùng cháu Duyên Thơ ra ga chờ đoàn tàu về. Quả là có khá nhiều người tù vui mừng bước xuống sân ga được thân nhân tiếp đón mừng rỡ. Chờ đợi mãi cho đến khi người tù cuối cùng rời khỏi sân ga, mà không thấy anh, mẹ con tôi mới quay về, cháu Duyên Thơ ôm tôi khóc nức nở, còn tôi thì không khóc nhưng lòng tôi tan nát, không biết có chuyện gì không may đã xẩy ra cho anh và tại sao Tết này anh vẫn chưa được về? Đêm ấy trước khi ngủ, tôi cầu nguyên Chúa với một trái tim tan vỡ vì tuyệt vọng, và tôi xin Chúa cho tôi can đảm và nghị lực chờ ngày anh về. Chừng 1/2 tháng sau, tôi được thư anh nói là bị đau nặng, tôi vội gửi gấp thuốc men và thực phẩm cho anh.


Cho đến đầu tháng 9/1988, anh mới được trả tự do, một mình một danh sách; anh là người tù cải tạo cuối cùng được trở về từ trại Xuân Phước sau 13 năm, 2 tháng, 16 ngày tù ngục. Rốt cục, sau nhiều ngày tháng chờ đợi và làm thủ tục xuất ngoại, gia đình chúng tôi đã tới phi trường San Francisco ngày 1 tháng 11-1990, theo chương trình HO-04. Đến nay chúng tôi đã định cư ở California được hơn 12 năm.


Gia đình chúng tôi được xum họp gần như toàn vẹn, chỉ còn gia đình con gái Duyên Thơ đang xin visa, hy vọng sẽ qua Mỹ trong năm tới. Tôi muốn nói lên lòng biết ơn Thượng Đế đã phù hộ, gìn giữ che chở gia đình chúng tôi trong những ngày tháng khốn cùng, với những cơn sóng gió bão bùng kinh hãi nhất của đời người. Chúng tôi cũng biết ơn Chính phủ Mỹ và dân tộc Mỹ đã mở rộng vòng tay cho chúng tôi được nhập tịch và sống tại vùng đất trù phú này.Dù ở một nơi tương đối thanh bình trong một đất nước giầu mạnh, nhưng lòng chúng tôi luôn hướng về quê hương khổ đau và cầu nguyện cho quê hương và đồng bào sớm được giải thoát khỏi tay bọn giặc Cộng bạo tàn và được sống trong tự do, thanh bình và no ấm.

Người viết: Dương Thị Năng
(phu nhân của A20  Vũ Đức Nghiêm)

1 nhận xét:

  1. Lê Hoàng Ân nói:

    Anh Nghiêm ơi,

    Đây là Lê Hoàng Ân, vừa là đồng nghiệp của Anh tại Trường Sinh Ngữ Quân Đội (đàn em Anh thật xa vì là khoá 25 TĐ), đồng thời cũng có một thời gian nằm tại A.20 Xuân Phước (1979-1981) thành ra cùng đồng tù với Anh. Hôm nay đọc được bài Chị viết, quá hay. Xin cám ơn Anh đã post lên bài của Chị viết. Tôi sẽ chuyển cho gia đình và bạn bè tôi đọc.

    Trân trọng,

    LHÂn KBC.3095 + A.20 TTGXP


    ************

    Cái Trọng Ty nói:

    Kính anh Nghiêm,

    Thưa huynh trưởng, tôi là Cái tr. ty, một thời ở trại A20, hân hạnh được nằm kế cận anh, cùng chung một đội với anh nữa, anh có nhớ không. Cám ơn bài viết của bà chị, hay, cảm động và rất giá trị, cho con cháu chúng ta biết được một đọan đời đau thương của những người trong cuộc, trong đọa đày đến tận cùng. Kính chúc Anh Chị luôn sức khoẻ và Hạnh Phúc.

    Kính
    GĐ Cái Tr. Ty

    Trả lờiXóa