14.3.14

Thung lũng tử thần - Phần 1


A20 Vũ Ánh


LTG - Hồi đầu năm cháu nội tôi, Catherine Vũ 11 tuổi hỏi bố nó: “Tại sao ông nội bị tù, có phải ông nội phạm tội hình sự không?” Con trai tôi cũng chỉ trả lời đại khái là sau khi miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản, nhà cầm quyền mới đã bắt tất cả các cựu sĩ quan quân đội và cựu công chức từ cấp chỉ huy thấp nhất đến cao cấp nhất đẩy vào các trại cải tạo để trả thù. Năm nay con trai tôi đã ngoài 40, nhưng không thể nào giải thích chi tiết với con gái nó về những gì đã xảy ra cho ông nội và những người bạn tù khác của ông nội đằng sau những cánh cổng nhà tù ấy. Thực ra, lúc tôi vào tù cải tạo, con trai tôi mới 6 tuổi và khi tôi trở về từ nhà tù thì nó đã là một thanh niên 19 tuổi và nằm trong danh sách những thanh niên không được đặt chân vào ngưỡng cửa của trường đại học vì cái lý lịch của tôi. Ðó là lý do tại sao tôi viết loạt bài này. Tôi hy vọng đây là một lời giải thích, một nhắc nhở với thế hệ thứ hai và thứ ba của không những người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại mà còn ở trong nước để họ đối chiếu và so sánh khi cần. Ngày nay, chế độ lao tù ở Việt Nam có thể đã có nhiều thay đổi, nhưng tôi tin rằng mục tiêu của chế độ này cũng vẫn dựa trên nền tảng cũ: đàn áp và tiêu diệt khả năng đối kháng của con người trong chế độ toàn trị ở đất nước ấy. Tuy nhiên, tôi vẫn nhấn mạnh rằng loạt bài này chỉ phản ảnh cách nhìn của riêng tôi về một giai đoạn lao tù đặc biệt sau ngày miền Nam Việt Nam thất trận. Tôi viết là viết cho thế hệ con cháu tôi và chia sẻ với thế hệ con cháu của những bạn đồng tù khác, chứ không phải là bản lên tiếng, lên án hay cáo trạng gì cả và tôi không phản đối những cách nhìn khác.


Ðặt tên cho một lòng chảo

Cái tên này được các tù cải tạo vốn là những sĩ quan quân đội và các cấp chỉ huy trong công chức VNCH từ trưởng phòng trở lên và tù chính trị án nặng kể cả tử hình đặt cho một cái lòng chảo đặc biệt ở xã Xuân Phước thuộc quận Ðồng Xuân thuộc tỉnh Phú Khánh (tên gọi mới của tỉnh Phú Yên), nơi có trại cải tạo A-20. Từ ga xe lửa La Hai trên Quốc Lộ 1 muốn vào đến lòng chảo này phải vượt qua 60 cây số đường rừng, tức là phải vượt qua trạm cuối cùng nơi có một trại Lực Lượng Ðặc Biệt cũ thời chiến tranh cách A-20 khoảng 10 cây số, vượt qua một vòng đai gồm khu kinh tế mới và một vòng đai gồm gia đình công an và dân làng do Việt Cộng kiểm soát thời chiến tranh. Từ ga xe lửa La Hai vào đến trại, thân nhân các tù cải tạo phải lội qua rất nhiều con suối vào mùa mưa, trong đó nguy hiểm nhất là suối Lạnh, nước lên mấp mé bờ và chảy xiết. Về vị trí thì theo nhiều tù cải tạo rành về địa thế cho biết trại A-20 nằm trong một khu rừng già bên cạnh con đường mòn mới mà người Cộng sản gọi là Trường Sơn Tây bên này dãy Trường Sơn.




Theo lời kể của cựu trung úy bộ đội xe tăng của CSBV tên là Hội thì vào năm thứ hai của thập niên 1980, mẹ tôi đã suýt chết đuối tại con suối này khi cố lặn lội lên trại thăm tôi. Hội chính là người đã cứu bà khi mẹ tôi làm rớt túi bánh mì khô cụ đem lên trại cho tôi nhưng trại không cho gặp vì lúc đó tôi đã bị kỷ luật vô thời hạn trong xà lim cá nhân mà đám tù nhân chúng tôi gọi là “hộp” hay “chuồng cọp.” Hội vốn là chi đội trưởng một chi đội xe tăng T-54 từ Ðồng Hới vượt cầu Hiền Lương vào Huế rồi dừng lại ở Ðà Nẵng đầu Tháng Năm, 1975. Một năm sau, khi đang đóng quân và hoạt động tại Hòa Cầm, Hội bị bắt vì tội biển thủ, một loại tội gán cho hành động trộm xăng quân đội đem bán lấy tiền tiêu xài. Bị đưa ra tòa án quân sự và bị kết án 10 năm tù, viên cựu trung úy xe tăng này đã được giảm án vài lần vì thực ra tội tham ô này chẳng đáng gì so với những “anh lớn ăn cắp và biển thủ công khai” nhưng có ô dù che đỡ nên chẳng sao cả, theo như lời Hội nói. Tôi nghe câu chuyện này do chính Hội kể khi anh ta bị đưa vào biệt giam nơi tôi đang bị cùm vì anh ta liên lạc giúp đỡ các thân nhân đi thăm gặp qua đò ngoài giờ qui định. Ghi lại sự kiện này, tôi muốn nhấn mạnh đến một thành phần khác đặc biệt được đưa đến trại A-20 Xuân Phước để làm những công việc mà chúng tôi không được phép làm. Thành phần ấy là những tù hình sự gồm phần lớn có án tù vì tội danh cướp có vũ khí hay những cựu sĩ quan quân đội CSBV tham ô, biển thủ. Họ được phân bổ các công việc thuộc “diện rộng” mà ban quản trại gọi là diện “tự giác” vì được tin tưởng là thành phần này sẽ không trốn trại.

Trại A-20 Xuân Phước có từ bao giờ và có bao nhiêu phân trại? Thật ra, khó biết được ngày chính xác trại tù cải tạo này được thành lập từ vì có nhiều câu trả lời khác nhau từ các nguồn tin. Nhưng theo lời một bạn tù cải tạo thuộc nhóm người di tản sang Guam rồi đòi trở về trên con tầu Việt Nam Thương Tín vào mùa Hè năm 1975 thì trại được xây dựng khi phần lớn số người di tản trở về từ Guam bị đưa vào cái lòng chảo này và bị bắt buộc phải phá rừng, xây dựng trại cuối năm 1975 và kéo dài sang đến các năm 1976-1977. Một số anh em này được thả dần dần, nhưng cũng có người vẫn còn bị tù cho tới năm 1985. Những tháng cuối năm 1975 khi bị đưa từ trại B-5 Tân Hiệp, Biên Hòa, về biệt giam khu ED ở nhà tù Chí Hòa để thẩm cung, tôi có liên lạc được với một số anh em từ Guam trở về trên chuyến tầu Việt Nam Thương Tín cũng bị biệt giam tại khu này. Một năm sau tôi được chuyển xuống phòng giam tập thể và có dịp sống với họ trước khi bước vào cuộc lưu đầy dài hạn ở các trại lao cải (các trại tù mà trong đó tù cải tạo phải lao động khổ sai).

Thời gian tôi sống trong biệt giam ở khu ED nhà tù Chí Hòa đã xảy ra một số các ngộ nhận, tức giận và có những lời lẽ quá đang đối với các anh em trở về trên chuyến tầu Việt Nam Thương Tín xuất phát từ các phòng biệt giam khác. Vào lúc ấy, tôi đã cho rằng đây là sự bất công vì khi chưa tìm hiểu nguyên nhân khiến họ dù đã di tản đến Guam, có người đã vào tới Camp Pendleton rồi lại đòi trở về thì không nên vội vã khi cùng đồng cảnh với nhau. Khi gặp lại cựu Trung Tá Trần Văn Nam, một trong những viên chức cao cấp của Bộ Chiêu Hồi cũng nằm trong số những người trở về, tôi hiểu được hành trình quay ngược lại đất nước của những tù nhân từ chuyến tầu Việt Nam Thương Tín bắt nguồn từ động lực của trái tim. Ông đã nói với tôi trong bữa cơm tù chúng tôi ngồi ăn chung tại phòng giam 14 khu ED: “Lúc bỏ đi mình như người bị tê liệt suy nghĩ. Nhưng sang đến Guam rồi, bình tâm trở lại nỗi day dứt thương gia đình bố mẹ vợ con còn kẹt lại, ăn một miếng cơm mà như một khúc gỗ chặn lại ở cổ họng, tôi không còn lựa chọn nào hơn là quay lại xứ sở mà tôi biết sẽ bị đày đọa. Nhưng thà là như thế.” Ông Nam bị “vác bao bố chỉ xanh” (bị lưu đày ở ngoài Bắc) năm 1977. Trong chuyến ra Bắc cùng với ông Nam có cựu Bộ Trưởng Thông Tin Nguyễn Ngọc An, Trung Tá Thạch chánh văn phòng của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương và nhiều cựu viên chức cao cấp khác của chính phủ VNCH. Kể từ đó, tôi không còn dịp nào gặp lại họ nữa.

Vài năm sau, khi bị giải giao đến phân trại E thuộc trại A-20 Xuân Phước mà chúng tôi gọi là trại trừng giới, tôi có gặp lại vài anh em nhóm Việt Nam Thương Tín ở cả trại E (trại ngoài cùng) lẫn trại B (cách trại E khoảng 5 cây số). Một phần trong số anh em này lao động ở “diện rộng.” Hầu như không một ai trong số những anh em trên chuyến tầu định mệnh mà khi di tản có trọn vẹn gia đình bên cạnh. Có những người đi cả hai vợ chồng nhưng con bị kẹt lại, có những người cả gia đình di tản, nhưng kẹt lại mẹ già, nên đành để vợ con ở lại Guam còn mình phải quay về, có người di tản với gia đình nhưng không mang được hôn thê sắp cưới theo mà cuối cùng cũng phải theo tiếng gọi của trái tim mù lòa quay lại cố quốc cho trọn tình. Tôi chỉ sơ lược vài nét chấm phá về hoàn cảnh của những người bạn tù thuộc nhóm Việt Nam Thương Tín.

Nói cho ngay là nếu muốn viết lại những trang sử đặc biệt của những người đã bỏ nước di tản trước hay trong ngày 30 Tháng Tư, 1975 đến Guam rồi phải quay trở lại quê nhà vì nhiều nguyên nhân tình cảm gia đình khác nhau, thì vẫn còn nhiều nhân chứng hiện cũng đã được tái định cư lại ở nước Mỹ, nhưng đây không phải là mục tiêu của loạt bài này. Cá nhân, tôi vẫn quí những anh em tù Việt Nam Thương Tín vì thực ra cái giá mà họ phải trả bằng cuộc sống lao tù trong các nhà tù cộng sản sau khi từ Guam trở về dù có bị nhìn theo lăng kính nào thì hành động bất chấp đến hiểm nguy cho cá nhân họ để quay lại với gia đình cũng còn có giá trị văn hóa nhất định của người Việt Nam. Cho nên, bây giờ tôi quay lại câu chuyện của tôi, của chúng tôi, những người tù tại một trong số những trại tù được xếp vào loại khắt khe nhất trên toàn cõi Việt Nam vào giai đoạn ấy.


Chế độ “lao cải” Việt Nam: Một chu kỳ khép kín

Tổng quát về chế độ lao cải ở Việt Nam, tôi có thể vạch ra một chu kỳ khép kín như thế này: tù cải tạo được đưa vào những khu rừng già, phát quang, tự tay dựng trại để “tự quản” nghĩa bóng tức là tự nhốt mình, phải lao động để làm ra “của cải vật chất” để tự nuôi sống và có thể góp phần nuôi sống cả đám cai tù nữa. Trong thời gian lao cải, nếu người tù nào “cải tạo tốt” sẽ được thả, người tù nào chưa tốt hay chưa “an tâm cải tạo” thì phải tiếp tục cải tạo cho đến khi tốt thì mới được “tha ra khỏi trại.” Tôi xin nhấn mạnh ở đây một lần nữa là trong loạt bài này tôi dùng đúng thứ chữ nghĩa che đậy hành động bóp chẹt bao tử để tẩy não tù nhân của nhà cầm quyền Hà Nội. Trong những văn bản nói về các trại cải tạo với các nhà báo nước ngoài, Hà Nội thường dùng chữ “re-education camp” và họ dịch nguyên ngữ là “trại cải giáo.”

Có những trại lao động cải tạo (lao cải) đưa ra một nội qui cấm dùng chữ “tù cải tạo” mà phải dùng chữ “trại viên.”

Bản thân, khi bước vào khu biệt giam của nhà tù B-5 Tân Hiệp Biên Hòa, nơi tạm giam một số cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn thuộc Ðoàn 59 người của VNCH, một số xã trưởng từ miền Trung di tản vào miền Nam bị truy đuổi và bắt giữ sau ngày 30 Tháng Tư, 1975 và một số sĩ quan bị bắt làm tù binh trong trận đánh cuối cùng tại Long Khánh, tôi và một số anh em khác đã được một cán bộ tên là Bé nhắc đi nhắc lại tư cách “trại viên” trong khi tay tôi bị trói và vài phút sau đó hai chân bị cùm cứng bằng chiếc còng tự chế gắn chặt vào bệ nằm trong phòng biệt giam cá nhân. Gần đây có một khán thính giả nghe tôi nói trên màn ảnh truyền hình đã gởi e-mail đưa ý kiến là chúng tôi không nên dùng chữ tù cải tạo hay trại cải tạo mà cứ dùng thẳng là tù nhân hay nhà tù. Vị khán thính giả này nói cũng có lý. Nhưng nếu dùng hai chữ này thì người ngoài có thể đồng hóa chúng tôi với những tù hình sự (trộm cắp, cướp, hiếp dâm, buôn bán ma túy, tham ô, biển thủ...) nên tôi dùng chữ tù cải tạo hay trại cải tạo để đề cập tới một kiểu nhà tù được đặc biệt thiết lập nhằm nhốt và hành hạ những người thua trận. Cá nhân, tôi hiểu cuộc tranh luận về chữ nghĩa sẽ không bao giờ có kết thúc và vì thế nếu thấy tiện thì chúng tôi sử dụng, ngoài ra không có một hậu ý nào khác. Vì theo tôi, vấn đề quan trọng không phải là chữ nghĩa che đậy mà là nhà cầm quyền Việt Nam đề ra mục tiêu cải tạo và áp dụng những biện pháp trừng phạt về thể xác cũng như tinh thần tàn bạo thật đấy, nhưng liệu họ có cải tạo được chúng tôi theo ý họ muốn không, nhất là về khoản bản năng đối kháng. Sự tranh luận và những đánh giá về bản năng đối kháng mà chúng ta đọc được phần lớn là dựa trên cảm tính và lập trường chính trị chứ chưa có một cuộc điều tra nào mang tính chất tâm lý chuyên môn được thực hiện trong số những nhân chứng còn sống ở hải ngoại. Nhưng nếu căn cứ vào sự kiện có những người tù cải tạo chân ướt chân ráo về tới nhà khi được thả ra là đã tìm đường vượt biển ra nước ngoài hoặc khi có chương trình nhân đạo HO nhận những thành phần cựu tù cải tạo từng bị đẩy vào các trại cải tạo ít nhất là 3 năm định cư ở Hoa Kỳ thì chỉ có một số rất ít những người lựa chọn sự ở lại để “góp phần xây dựng đất nước,” còn phần lớn đều lựa chọn sự ra đi đã là những minh chứng cho thấy sự thất bại của chính sách cải tạo con người của chính quyền Việt Nam cộng sản. Cho nên khi những năm gần đây xuất hiện một số những hoài nghi hay cáo buộc người này người nọ bị tẩy não, tôi cho rằng đó là những cáo buộc vô căn cứ và coi nhẹ những chịu đựng và đau khổ mà người tù cải tạo phải trải qua, không nên duy trì mãi những ý tưởng ấy. Nó vừa bất công, vừa không có chứng cớ thuyết phục.





Phương Án 4 và những hồ sơ chết

Không phải do ngẫu nhiên mà nhà cầm quyền Hà Nội đặt tên cho những trại cải tạo bằng những mã số đứng trước một hàng số, chẳng hạn như T-4, T-2, T-10, Z-30A, Z-30C hay Z-30D, hoặc A-20, A-10, A-30 hoặc B-1, B-5, B-7... Thực ra, không một người tù cải tạo nào có thể biết hết tên và mã số của các trại giam trên toàn cõi Việt Nam sau 30 tháng 4 năm 1975, và trong nhiều trường hợp, tù nhân cải tạo còn không biết cả mã số trại lao cải mình đang bị lưu đày nữa, chẳng hạn như họ chỉ biết quan gọi trại Bố Lá (Bà Rịa), Nhà Ðỏ (Bình Dương), Tiên Lãnh (Quảng Nam), Bù Gia Mập (Phước Long), Kinh 5 (Cà Mâu), Tống Lê Chân (Phước Long)... Những trại này phần đông là trại nhỏ thuộc quyền quản lý của tỉnh. Loại trại có chữ “T” hay “B” là những trại tạm giam, loại trại được đánh mã số chữ “Z” là các trại thuộc quyền quản lý của Cục Trại Giam Miền Nam Bộ Công An. Trại mang mã số “A” là trại thuộc quyền quản lý của liên Bộ Nội Vụ và Bộ Công An chỉ dùng để chỉ những trại mà nhà cầm quyền Việt Nam xếp vào loại trại giam dùng để trừng phạt những tù cải tạo “không thể cải tạo được”. Ở ngoài miền Bắc Việt Nam, dường như chỉ có 2 trại giam được xếp vào loại trại trừng phạt, đó là trại Cổng Trời ở Hà Giang gần sát biên giới Việt Trung và trại Thanh Cẩm thuộc tỉnh Thanh Hóa. Cả hai trại này là nơi trước đây được nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam dùng để nhốt những Biệt Kích VNCH nhảy toán ra Bắc và những tù nhân chính trị đặc biệt. Ðây là câu chuyện hết sức phức tạp được các tác giả Sedgwick Tourison trong tác phẩm “Secret Army, Secret War” (Quân Ðội Bí Mật, Cuộc Chiến Bí Mật) và Richard H. Shultz trong tác phẩm “Secret War Against Hanoi” (Cuộc Bí Mật Chống Hanoi) thuật lại đầy đủ, một cuộc chiến được mô tả là một phản đòn mà chính phủ của Tổng Thống John F. Kennedy và sau đó là chính phủ Lyndon B. Johnson “nhắm vào miền Bắc để gây áp lực với Hà Nội để trả đũa những gì mà họ đang thực hiện với đồng minh VNCH của Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.

Tôi nhấn mạnh ở đây rằng, những trại được kể ra ở trên chỉ là những trại mà tôi được biết đến nhờ những vụ chuyển trại giữa các tù nhân với nhau trong hơn 13 năm tù tôi từng trải cũng như qua hàng vài chục lần bị kêu lên “làm việc” (từ ngữ để chỉ việc phải đi khai cung), chứ thật ra vào giai đoạn từ sau 30 tháng 4 năm 1975 cho đến cuối năm 1992, trên đất nước Việt Nam có hàng ngàn trại tù cải tạo đủ loại, đủ kiểu và đủ cấp từ địa phương (tỉnh, quận, huyện) cho đến trung ương (Bộ Nội Vụ và Bộ Công An). Nhưng đây chỉ là con số ước lượng, còn nhà cầm quyền Việt Nam giữ rất kín con số nhà tù kể cả các nhà tù dành riêng cho tù hình sự nam và nữ được che đậy bằng cái tên rất sáo là “trại phục hồi nhân phẩm”.

Những ai chưa từng trải qua một ngày tù nào dưới chế độ Cộng Sản và những ai chưa bao giờ có người thân ruột thịt bị lưu đày sau khi miền Nam Việt Nam bại trận, nếu nghe tôi cho mô tả lại cái vẻ “khang trang bề ngoài” của những trại tù cải tạo dưới chế độ cộng sản có thể sẽ vội vã cho ngay rằng tôi ca tụng chế độ lao tù cộng sản. Nhưng ngay bây giờ đây, chúng ta đang sống trong một đất nước tự do, đang sống trong một thời đại thông tin mà không điều gì có thể che giấu được, đang trong một giai đoạn cần phải có những phán đoán sâu sắc hơn thay vì những phán đoán mang tính tuyên truyền về những gì đã xảy ra cho những người tù cải tạo như chúng tôi trong một giai đoạn đen tối sau biến cố lịch sử xảy ra vào ngày 30 tháng 4, 1975. Tôi xin giải thích một lần nữa lý do tại sao chế độ Cộng Sản cần có những che đậy cái thế giới đầy đọa con người ở những “địa ngục trần gian” bằng bề ngoài của các trại tù cải tạo lao động hay gọi tắt là trại lao cải.

Trước những ngày sụp đổ hẳn mọi người ở miền Nam Việt Nam cũng đã từng nghe những lời khuyến cáo của một một chuyên viên về du kích chiến người Anh, Sir Robert Thompson, theo đó nếu miền đất này rơi vào tay Cộng Sản, một cuộc “tắm máu” sẽ diễn ra. Thực tế, nếu nhìn vào bối cảnh của Sài Gòn sau 30 tháng 4 năm 1975, người ta hẳn thấy những lời khuyến cáo của ông chỉ có giá trị nhất định bởi điều mà ông tiên đoán đã không diễn ra công khai trước mắt. Nhưng tại những vùng đất từ Quảng Trị vào đến Ninh Thuận, nhất là ở Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Ðịnh điều này đã diễn ra một cách tàn bạo qua lời kể lại của những xã trưởng mà tôi đã có dịp sống với họ tại các trại B-5 Tân Hiệp, nhà tù Chí Hòa tức T-10, Hàm Tân Z-30C và A-20, Z-30A. Những xã trưởng này từng trốn thoát các cuộc tắm máu đó, chạy vào Sài Gòn và vùng phụ cận để trốn tránh, nhưng bị truy đuổi và cuối cùng bị bắt. Phần lớn số xã trưởng này bị đưa ra tòa án nhân dân và bị kết án tử hình. Hồ Biên, một xã trưởng thuộc quận Thăng Bình, Quảng Tín bị cùm tại căn biệt giam bên cạnh căn biệt giam cá nhân nơi tôi cũng bị cùm tại trại B-5 Tân Hiệp tháng 10 năm 1975 cho biết đêm 5 tháng 5 năm 1975, cả gia đình của ông gồm vợ và 5 đứa con bị những người chiến thắng kéo ra một cánh đồng trống và bị xử tử sau một ngày chúng truy lùng mà không bắt được ông. Người xã trưởng này vốn là một đảng viên Việt Nam Quốc Dân Ðảng đã tìm mọi cách trốn vào Sài Gòn. Ông sống lẩn tránh ở khu Ngã Tư Bảy Hiền để tìm phương tiện xuống Rạch Giá thoát thân. Nhưng cuối tháng 6 năm 1975, ông bị công an bắt vì sử dụng giấy tờ giả. Ông nói thêm về trường hợp của ông như sau: “Chúng nghi tôi là viên chức xã từ miền Trung chạy vào Sài Gòn lánh nạn chỉ vì cái giọng Quảng đặc sệt của tôi. Thế là chúng giải giao tôi về tạm giam ở trụ sở Tổng Nha Cảnh Sát cũ của mình được sử dụng làm trụ sở của Công An Miền. Chúng cho người về tận Thăng Bình để kiểm tra lý lịch của tôi và tháng 8 năm 1975, tôi bị đưa ra tòa án nhân dân kết án chung thân”. Hằng đêm cứ mỗi lần liên lạc nói chuyện với ông Hồ Biên, tôi đều nghe thấy tiếng khóc. Ông luôn luôn nói rằng ông ân hận đã để vợ và 5 đứa con bị chết chỉ vì ông trốn. Tôi chỉ biết nói với Hồ Biên rằng dù ông có ra trình diện thì cả ông và vợ con đều sẽ không thoát chết đâu. Tôi chỉ còn biết an ủi ông và điều làm đúng nhất của ông trong lúc này là làm sao bảo toàn được sức khỏe và chờ đợi cơ hội khác. Ngày tôi ra khỏi khu biệt giam ở trại B-5 Tân Hiệp Biên Hòa để bị đẩy về phòng giam tập thể, nơi giam giữ hầu như toàn bộ viên chức tiểu khu Long Khánh kể cả Ðại Tá Phúc, tỉnh trưởng, thì Hồ Biên bị đẩy lên xe cùng một số cán bộ Xây Dựng Nông Thôn chuyển trại. Từ đó cho đến mười mấy năm sau này, tôi không còn gặp Hồ Biên tại bất cứ trại tù lao cải nào.

Tuy nhiên, có một câu hỏi mà tôi cần trả lời ngay, đó là tại sao nhà cầm quyền Cộng Sản lại gọi việc lưu đày những tù nhân vào loại trại có mã số “A” là Phương Án 4. Thực ra, ít có tù cải tạo nào hiểu được rằng khi bị giải giao từ các trại khác lên trại A-20, A-30 hay A-10 tức là nhà cầm quyền Cộng Sản đã coi mỗi người tù là một “hồ sơ đã được khép lại”, có nghĩa là họ sẽ phải sống kiếp lưu đày vĩnh viễn. Ðây là một kế hoạch lớn và Hà Nội bắt chước kiểu lưu đày tất cả các nhân sĩ, trí thức, quân nhân chế độ, những quân nhân trong Hồng quân Liên Xô bị nghi ngờ phản động ở Tây Bá Lợi Á thời Stalin từng được văn hào Aleksandr Isayevich Solzhenitsyn kể lại những chi tiết kinh khủng trong các tác phẩm từng được dịch sang Việt ngữ trước 30 tháng 4 năm 1975 như “Một ngày trong đời của Ivan Denisovich”, “Quần Ðảo Gulag” và “Tầng Ðầu Ðịa Ngục”. Ông được trao giải Nobel Văn Học năm 1970. (Khi tị nạn ở Hoa Kỳ, ông viết một số các bài lai cảo trong đó ông khẳng định một cách rõ rệt tư cách tị nạn của ông, theo đó ông ghét cay ghét đắng chế độ cai trị ở Liên Xô nhưng lúc nào cũng yêu đất nước Nga. Sau khi Liên Xô sụp đổ, ông trở về sống nốt quãng đời còn lại ở nước Nga.)

Trong khi đó, tại Việt Nam Cộng Sản, những người tù cải tạo nào bị lưu đầy ra miền Bắc phần đông đều biết câu chuyện được các anh em gọi là câu chuyện về “13 con ma”. Nhóm từ “13 con ma” ở đây là một cách gọi mang tính châm biếm dành cho 13 sĩ quan cao cấp VNCH từ hàng tướng đến cấp đại tá trong một ủy ban được Cục Trại Giam Miền Bắc, Bộ Nội Vụ và Bộ Công An thành lập để nghiên cứu việc thành lập một Tiểu Tây Bá Lợi Á tại một vùng hành lang song song với đoạn khởi đầu con đường mòn Hồ Chí Minh thuộc Ðồng Hới chạy dài xuống phía Nam tận Hương Hóa, Khe Sanh. Khi những tù cải tạo bị đày ra ngoài Bắc được lần lượt giải giao về những trại trong Nam sau khi Trung Quốc đánh chiếm chớp nhoáng 6 tỉnh biên giới Việt Trung năm 1979, anh em chúng tôi gặp lại nhau ở trại A-20 Xuân Phước, các bạn tù bị lưu đày ở miền Bắc kể lại khá nhiều chi tiết về kế hoạch nói trên, nhưng không có chi tiết hoặc nhiều khi câu chuyện lại chỏi nhau. Mãi cho đến năm 1982, các cô chú tôi từ miền Bắc vào thăm bố tôi trước khi ông qua đời, họ có nhắc tới mối lo ngại rằng tôi có thể bị chỉ định cư trú tại một vùng thuộc Nghệ An sau khi được thả và gia đình cũng có thể bị trục xuất ra sống tại vùng đất đó. Dường như “Phương Án 4” đày những tù cải tạo ra các trại A-20, A-30 và A-10 có liên quan đến những tin tức nói trên. Ðỗ Khắc Minh, người bạn tù mà chúng tôi gọi thân mật là Minh “cà chua”, một cựu sĩ quan từng tham dự vào vụ nổi loạn tại trại tù Suối Máu-Biên Hòa Ðêm Giáng Sinh 1978 và một vài vụ khác nữa ở nhà tù Chí Hòa sau đó đã cho tôi biết một chi tiết khá quan trọng khi chúng tôi gặp nhau ở trại A-20 Xuân Phước: “Sau khi vụ nổi loạn năm 1978, bọn tôi những người trong tổ chức lãnh đạo vụ nổi loạn bị đưa vào biệt giam ở nhà tù Chí Hòa, bọn thẩm cung nói thẳng là nhóm chúng tôi sẽ bị đưa đi an trí để có thời gian suy nghĩ về hành động của mình. An trí ở đây theo tôi có nghĩa là anh em chúng mình sẽ là những hồ sơ đã đóng lại và khó lòng ra khỏi nhà tù của họ trừ phi có một biến chuyển nào ghê gớm lắm từ bên ngoài”.

Minh “cà chua” nói đúng những điều mà viên đại úy công an tên là Tý, cán bộ an ninh trại Z-30C, năm 1979 nói với một số đông những người bị gọi lên thẩm cung sau ngày Trung Quốc tấn công 6 tỉnh miền Bắc: “Các anh sẽ được chuyển tới một nơi an toàn để cải tạo lâu dài tại đó”.


Diễn tiến của việc công an trại giam thực hiện “Phương Án 4”

Cả đội 41 phân trại A, trại cải tạo Z-30C Hàm Tân nhốn nháo khi Tống Ðăng Cứ từ ngoài cổng trại bước vào trong sân trại nơi mấy chục đội lao động của tù cải tạo ngồi sẵn để chờ điểm số xuất trại ra bãi lao động. Ði theo Tống Ðăng Cứ, cán bộ trực trại, là một trật tự viên khệ nệ vác một chiếc bàn nhỏ. Cứ cầm một lọ hoa gồm những bông cúc vàng ngắt ở bồn hoa trước cổng trại đặt lên một góc bàn. Cả trại đang ồn ào vì chia nhau những điếu thuốc lào hay trao đổi “hot news,” một loại tin trời ơi đất hỡi chẳng cần chứng cớ, nói ra cho nhau nghe để nuôi hy vọng trong cuộc lưu đầy lúc nào cũng đói khát và căng thẳng... bỗng im bặt. Tù cải tạo chúng tôi thấy trực trại mang bàn “hương án” (chúng tôi gọi chiếc bàn trên có để lọ hoa cúc là bàn hương án) thì chỉ có hai điều xảy ra: Một là có thể một vài anh nào đó được kêu tên thả, hai là có thể có một số đông vào “chuồng cọp” nằm “nghỉ mát”.

Tống Ðăng Cứ rút trong túi áo ra một tờ giấy, có thể là một danh sách. Người đầu tiên ông gọi tên là tôi. Tôi đứng lên. Có tiếng xì xào: “Tên nó mà được gọi đầu tiên thì không có chuyện thả rồi, chắc lại sang chuồng cọp khu nhà đỏ.” (Các buồng giam ở khu đất bên cạnh các buồng giam lợp lá, vách bằng cót, nền bằng đất nện được xây cất thêm, cũng do tù cải tạo xây. Sở dĩ gọi là khu nhà đỏ vì các dãy nhà dùng làm buồng giam được xây bằng gạch, lợp ngói đỏ au, các chuồng cọp, tức xà lim cá nhân, được đổ bê tông và cửa bằng sắt dầy).

Những người tiếp theo là Linh Mục Phan Văn Trọng, vị linh mục thường cử hành lễ riêng cho Tổng Thống Ngô Ðình Diệm ở Dinh Gia Long thời Ðệ Nhất Cộng Hòa, rồi đến Huỳnh Cự (hồi chánh viên cao cấp và làm tham nghị của Bộ Chiêu Hồi), Ðoàn Bá Phụ (cựu đại đội trưởng Tiểu Ðoàn 7 Nhảy Dù), Vũ Trọng Khải (đại úy cảnh sát, trưởng Phòng Căn Cước, Ty Cảnh Sát Ðà Lạt), Trần Bửu Ngọc tự Ngọc “đen” (cựu biệt kích), Nguyễn Văn Học tự Học “thiện xạ” (sĩ quan Biệt Ðộng Quân), chưởng môn Việt Võ Ðạo Lê Sáng, Giáo Sư Châu Sáng Thế (giáo sĩ đạo Hồi), cựu Dân Biểu VNCH Khúc Thừa Văn (bí thư tỉnh ủy Việt Nam Quốc Dân Ðảng Quảng Nam)... và cứ như thế trực trại Tống Ðăng Cứ tiếp tục gọi tên những khuôn mặt được mô tả là “cứng đầu” nhất từng ra vào chuồng cọp như cơm bữa bước khỏi đội và xếp thành hai hàng khác ở góc sân. Ðến lúc này thì anh em không còn bàn tán nữa. Cả một khoảng sân trở nên yên lặng vì họ cảm nhận được đang có một kế hoạch bất thường chỉ hai tháng sau khi Trung Cộng xua quân đánh chiếm sáu tỉnh miền Bắc Việt Nam đầu năm 1979. Cá nhân, tôi không ngạc nhiên vì trước đó cán bộ Lâm, quản giáo đội lao cải mà tôi đang lao động, đã báo cho tôi biết trước tin rằng tôi sẽ bị chuyển trại.

Lâm, người Hải Dương, miền Bắc Việt Nam, là một trong số rất hiếm quản giáo thuộc hàng sĩ quan công an học hết trung học. Anh là người nói năng nhỏ nhẹ, không thấy bắt đội phải kiểm điểm hay dùng chỉ tiêu lao động để đàn áp tù trong suốt thời gian coi đội 41. Có lần không biết lấy thông tin từ đâu, Lâm kêu tôi vào nhà lô (lều dựng tạm để dụng cụ lao động của đội) chìa ra cuốn “English for Today” tập I dành cho những người mới học Anh ngữ và nói: “Chuyện này cũng tùy thuộc anh thôi. Tôi được anh đội trưởng cho biết quá trình của anh cho nên tôi muốn nhờ anh chỉ bảo cho ít tiếng Anh. Nói thật, tôi đang muốn chuyển ngành sang Hải Quan. Ở trong rừng như thế này, tôi không thể nào có cơ hội lên Sài Gòn để học và chi phí lại đắt quá.” Lập tức Lâm đưa tôi vào một thử thách khó vượt qua mà anh không biết.

Trước hết, chỉ nội chuyện hàng ngày không phải cuốc đất trồng khoai mì dưới cái nắng chang chang, bụng đói, nay được vào ngồi trong nhà lô với quản giáo, anh em trong đội sẽ nghĩ không biết là dạy Anh ngữ hay lại “to, nhỏ” gì với cán bộ, với quản giáo, là “chết cả một đời” tôi rồi. Dư luận trong tù mà. Sống trong tình trạng đói khổ hành hạ, con người ta có khi không kiểm soát được mình nữa để bản năng làm chủ ý chí nên chuyện bé thì xé ra to là lẽ thường tình.Thêm nữa, nội qui trại là cấm nói và học tiếng nước ngoài ngay cả tiếng Nga và Trung Hoa. Ngồi mát dạy tiếng Anh cho cán bộ, đỡ phải cuốc là tốt cho cá nhân mình ai mà không muốn? Nhưng đổi lại tôi phải gánh cái gánh nặng điều tiếng này nọ chẳng bõ, thành thử cuối cùng tôi phải dùng đủ mọi lý lẽ để từ chối và sẵn sàng đón nhận những cú “đì” của Lâm. Nhưng cho đến ngày tôi rời khỏi Z-30C, điều này chưa xảy ra. Trái lại, hai ngày trước một giai đoạn khác của cuộc lưu đầy, Lâm còn cho biết tôi sẽ phải đối đầu với một vụ chuyển trại quan trọng.

Tôi được xác nhận cuộc chuyển trại lần này là dưới ảnh hưởng của “Phương Án 4”. Người xác nhận chính là cán bộ Tý, an ninh trại. Sau khi gọi tên ra khỏi đội 41, tôi và khoảng sáu bảy người khác, trong đó có anh Huỳnh Cự, chờ để lên “làm việc” trên ban quản trại, những người khác trở về đội của mình dọn dẹp tư trang để được “biên chế” (chuyển sang đội khác hay thành lập đội mới). Tôi bị dẫn vào phòng an ninh của Tý. Bị gọi đi thẩm cung với ông này là điều tôi mừng rơn. Lý do dễ hiểu: Tý nói nhiều, nói huyên thuyên về chủ nghĩa xã hội mà tôi nghĩ rằng ông cũng không biết nhiều. Viên cán bộ an ninh này ít hỏi mà ngược lại khoái giảng. Kinh nghiệm nhiều lần bị hỏi cung giúp cho tôi chiêm nghiệm một điều. Ðó là, nhân viên thẩm vấn nào của công an mà hỏi nhiều, hỏi liên tiếp, hỏi nhiều câu tưởng như vớ vẩn tức là tay đó có trình độ chuyên môn cao phải coi chừng. Và ngược lại cái tật nói nhiều, hay giảng giải, thích nâng quan điểm là những yếu tố để lộ ra trình độ yếu kém của nghiệp vụ thẩm cung, cho nên việc tránh né những mũi tên ông này bắn ra không khó khăn lắm.

Chẳng hạn như buổi sáng hôm đó, Tý nói với tôi như thế này, về việc chuyển trại, nghe như chọc vào lỗ tai: “Chắc các anh không biết rằng cho tới nay, dân chúng ở ngoài người ta vẫn còn thâm thù cách anh, họ chưa nguôi cơn giận. Nhưng vì lòng nhân đạo, chính quyền nhân dân có bổn phận phải bảo vệ các anh. Gần đây tình hình khá bề bộn sau khi Trung Quốc tấn công chúng ta. Chuyện vẫn chưa yên đâu, phức tạp lắm. Lẽ ra, nhà nước đã phải đem các anh đi bắn hết rồi nhưng chúng tôi khoan hồng cho các anh đi cải tạo, chừng nào tốt thì cho về. Nhưng trước mắt, chúng tôi phải bảo vệ các anh, đưa các anh đến một nơi khác an toàn hơn, cũng ở trong Nam thôi, nhưng có đủ điều kiện an ninh để cải tạo tốt...” Thế là cán bộ Tý, như người bị đồng nhập, bắt đầu “giảng” lý thuyết cộng sản theo đó thì “nhân dân ta mỗi người làm việc bằng hai, của cải sẽ dư thừa và đó là lúc chúng ta hưởng theo nhu cầu”. Tôi không hiểu Tý diễn kịch hay mê thứ chủ nghĩa không tưởng này thật, nhưng phải nhìn ông, một con người thấp bé, da đen sạm, gầy như bơi trong bộ đồng phục vàng của công an, hai cầu vai màu đỏ, giữa có bốn ngôi sao vàng và một gạch vàng ở dưới (cấp bậc đại úy công an) cứ chồm lên khỏi ghế ngồi nói văng cả nước miếng trước mặt một tù cải tạo gầy như xác ve, quần áo tù mới có bốn năm thôi mà đã vá chằng đụp, da xanh mét vì thiếu ăn mới nhận ra được đủ những nét thê thảm của một đất nước khi nó rơi vào tay những con người như Tý.

Trong suốt buổi thẩm cung, tôi chỉ bị cán bộ Tý hỏi có một câu mà tôi cho rằng nó lãng nhách, buồn cười pha nhiều bi phẫn: “Anh thấy tôi nói có đúng không hay lại như nước đổ đầu vịt?” Viên cán bộ an ninh này lại đặt ra cho tôi một thử thách nữa. Ông này, với tư cách là sĩ quan thẩm vấn của công an, đặt ra một cái mốc tốt đẹp cho một thứ chủ nghĩa mà có lẽ đến ngày xuống lỗ chắc cũng không thể tin hay theo được, rồi hỏi tôi nghĩ thế nào. Một người tù như tôi, nếu khen cán bộ là nói hay quá, tôi “quán triệt” được hết thì hóa ra tôi cũng đã tự lừa dối và tự biến mình thành một đứa mất nhân cách nhất, nhưng nếu nói thẳng ra rằng cán bộ là một tên đang bị đồng nhập thì sẽ bị nâng quan điểm là không tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội, mà đã không tin tưởng thì sẽ không an tâm cải tạo, mà không an tâm cải tạo là bị “cùm” rồi. Cuối cùng, trong đầu tôi lóe ra một hình ảnh và tôi trả lời: “Tôi bị cho ăn đói quá, làm việc nặng, lại bị cấm thăm gặp triền miên nên đầu óc mụ đi, cán bộ nói sao thì tôi nghe vậy thôi.” Tý đập bàn gọi vệ binh dẫn tôi về đội chứ không mang đi cùm. Cứ nhìn vào những gì đang xảy ra, cuộc chuyển trại sẽ diễn ra nội nửa đêm hôm đó cho nên nếu Tý có cùm tôi thì cũng chỉ cùm được vài giờ là phải thả tôi ra. Tôi hiểu rất rõ rằng, khi người tù đã nằm xong danh sách chuyển trại, trại mới sẽ không nhận số tù đã được thông báo nếu thiếu một người. Dù sao buổi thẩm cung này cũng là buổi bị thẩm cung ngắn nhất trong đời tù của tôi. Nửa đêm hôm đó, những tù nhân cải tạo bị kêu tên ra khỏi đội hồi sáng bị chuyển trại.


“Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi.”

(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ-Nguyễn Ðức Quang)

Người dân ở ngoài những trại tù cải tạo ít khi được thấy chúng tôi chuyển trại như thế nào. Lý do là tất cả những cuộc chuyển trại mà chúng tôi phải trải qua đều diễn ra vào lúc nửa khuya hay trước hừng đông. Trên lộ trình dẫn tới trại mới, thông thường tù nhân phải tiểu tiện ngay trên xe chứ ít khi đoàn xe dừng lại. Ðể đề phòng bất trắc, toán công an trại giam thường sử dụng khoảng 2 trung đội công an vũ trang với ít nhất là 4 khẩu thượng liên đi kèm đoàn xe chở tù cải tạo di chuyển. Buổi sáng sau khi chúng tôi bị dẫn lên ban quản trại để làm việc, những người nằm trong danh sách chuyển trại được “biên chế” thành hai đội 42 và 43 và dọn vào ở chung nhà 2 tức là láng thứ hai từ ngoài cổng trại trở vào. Tôi loan báo nội dung của buổi làm việc và kết luận: “Chúng ta có nhiều phần bị chuyển trại vào nửa đêm nay”. Tôi và anh Huỳnh Cự cũng khuyên mọi người là ai còn thực phẩm thăm nuôi thì đem ra dùng hết đi chứ đến trại mới có thể bị tịch thu căn cứ theo kinh nghiệm những lần chuyển trại trước mà hai chúng tôi phải trải qua. Vào khoảng 10 giờ đêm, thêm nhiều vệ binh súng dài vác CKC (súng trường do Tiệp Khắc hay Trung Cộng sản xuất) vào tăng cường tuần tiễu trong trại. Họ bắt chúng tôi phải tắt đèn đi ngủ đúng 10 giờ đêm như nội qui, trái với bình thường có khi họ để chúng tôi tắt đèn trong buồng giam khoảng 12 giờ đêm, khiến nhiều buồng giam khác lo ngại vì tình trạng bất thường này.

Nhưng làm thế nào mà ngủ được vì mọi người đều lo lắng không biết tương lai sẽ về đâu. Một số anh em leo lên chỗ tôi nằm để hỏi xem qua buổi “làm việc” tôi có thể đoán biết trại sẽ tới là trại nào không. Tôi nói: “Nếu hắn mà cho biết trại sẽ tới thì cần gì họ phải đặt ra cán bộ an ninh, nhưng theo chiều hướng này chúng ta có nhiều phần trăm bị đưa đi an trí vĩnh viễn đấy, các bạn cũng nên chuẩn bị tinh thần trước, chấp nhận phần xấu nhất về phần mình, như thế mới mong sống tự do trong những cái cũi như thế này được. Ở Bắc, ở Trung, ở Nam đâu cũng chỉ có cũi và lồng cho chúng ta mà thôi”. Tôi nói như vậy cũng vì cho rằng khi chấp nhận cùng lắm là ra “đồi thông” (từ ngữ chúng tôi dùng để chỉ nghĩa trang dành cho cải tạo) thì mọi chuyện trở nên nhẹ nhàng và không còn sợ hãi bất cứ một điều gì. Khi không còn sợ hãi, người tù sẽ cảm thấy thanh thản và tự do.

Tuy mới tù đày được 4 năm, nhưng do trải qua khá nhiều sóng gió kể cả lối tra tấn bằng không cho ngủ và chiếu đèn điện cực sáng vào mặt tôi ở khu thẩm vấn của trại B-5 Tân Hiệp, Biên Hòa, tôi hiểu lý do tại sao mà người Cộng Sản phải thoát ly gia đình khi dấn thân vào con đường tranh đấu chỉ để họ không bị vướng bận gì về gia đình. Nhiều người có cách nhìn khác nhau về điểm này. Cá nhân, tôi có nhiều lý do để tin rằng những vướng bận gia đình có thể trở thành áp lực mà cán bộ trại giam sử dụng để hành hạ mình. Trong biết bao nhiêu cuộc thẩm vấn, tôi không còn sợ bị đánh đập nữa (ở khu biệt giam trại B-5 chuyện cai tù Việt Cộng đánh đập, lên gối tù nhân đến lòi cả cơm ra ngoài là chuyện thường xảy ra), mà điều tôi sợ nhất là nhân viên thẩm vấn vui vẻ mời tôi thuốc hút và nói: “Tôi vừa gặp anh Minh, anh cả của anh và cụ Bôi mẹ anh. Nói chung là gia đình anh vẫn bình yên và dù khó khăn họ cũng muốn anh đừng giấu chuyện gì, cải tạo tốt để sớm trở về với gia đình”. Ðây không phải là một thông tin thông thường tình cảm mà ngược lại vào giai đoạn đó, nó là một lời đe dọa. Bởi vì thông tin này cho tôi hiểu là gia đình tôi không an toàn và có thể họ đã đưa ông anh cả tôi vào tù rồi không chừng. Người anh cả của tôi đang dạy học ở trường trung học Trưng Vương thì bị gọi động viên khóa 16 trường Bộ Binh Thủ Ðức. Ra trường, anh nhận đơn vị tại tiểu khu Long Khánh, sau đó anh bị đổi đi Phước Long phục vụ trong ủy ban yểm trợ Xây Dựng Nông Thôn tỉnh. Sau lần bị du kích Việt Cộng phục kích ở Phước Quả bị thương ở lưng nên sau đó được giải ngũ và trở lại bục giảng ở trường cũ. Thực ra, nếu điều không may ấy xảy ra với người anh cả tôi thì mẹ tôi là sẽ là người bị thử thách nặng nhất. Lúc ấy gia đình tôi sẽ là một gia đình mà 3 con trai đều đi tù hết và mẹ tôi sẽ là người mẹ sống cô độc với mấy đứa cháu nội. Em tôi, Quang, trung úy dược sĩ bị đưa ra trại cải tạo ở đảo Phú Quốc. Nó cùng với một số sĩ quan khác tổ chức cướp tàu đánh cá để trốn trại. Xuống được tàu rồi, các cậu đề máy nhưng máy không nổ. Lý do: Sau một ngày đánh bắt cá các chủ tàu được lệnh phải hút hết dầu ra để sáng hôm sau đổ vào lại để ra biển. Chỉ vì không nghiên cứu và không biết được chi tiết đó, nên vụ cướp tàu thất bại. Cả đám chạy lên núi. Công an bao vây mấy tuần lễ, đói quá họ phải xuống núi đầu hàng. Nó bị đưa về Hàm Tân Z-30D và bị cùm trong connex bằng sắt cả năm trời, sau đó được đưa ra trại lao động và được thả sau 8 năm tù.

Những tin tức vừa kể tôi chỉ được biết khi được thả và trở về với gia đình cuối năm 1988, chứ còn thời gian 4 năm đầu tôi hoàn toàn như sống trong một thế giới khác cách biệt hẳn với bên ngoài vì nhà cầm quyền không cho phép mẹ tôi lên thăm và nếu có được lên thăm thì trại cũng không cho phép tôi ra gặp. Tôi không biết đây có phải là điều may mắn hay bất hạnh cho tôi, nhưng rõ ràng việc phải đối phó với những áp lực nhà tù khiến tôi còn rất ít thời giờ dành cho tình cảm gia đình. Chỉ những giây phút vào giữa đêm khuya thanh vắng, không ngủ được bởi bị dằn vặt bởi cái đói và sự lo nghĩ hành hạ, những kỷ niệm về gia đình về bố mẹ tôi, về anh tôi và đứa con trai mới xuất hiện trở lại trong tâm tưởng và đó là những giây phút tôi khổ sở nhất. Những giây phút chùng lòng như thế đã dẫn tôi tới một quyết định không liên lạc gì với gia đình nữa. Vả lại, mỗi lần trại cho tù nhân viết thư cho gia đình thì phần đông do đói quá, cho nên ai cũng đều kê khai một danh sách dài những thứ họ cần mà không hề biết được ở xã hội bên ngoài, gia đình mình có đủ điều kiện cung cấp không. Nếu gia đình mình nghèo thì những bức thư ấy sẽ chỉ làm cho những người thân của mình áy náy thêm trong khi hàng ngày họ cũng phải đối phó một cách khó khăn lo cho miếng ăn của những người còn lại bên ngoài. Cho nên, tôi nghĩ rằng thà để cho gia đình coi như mình đã chết có lẽ là phương thức hay nhất giúp cho những người ruột thịt còn lại tập trung vào việc bươn chải giữa một xã hội đầy những kỳ thị, đói khổ để kiếm kế nuôi nhau.

Khoảng 1 giờ đêm, trực trại Tống Ðăng Cứ và khoảng 10 vệ binh súng dài đốt đuốc vào trại đập cửa nhà 2 rầm rầm. Giọng anh ta làm ra vẻ khẩn cấp hô lớn: “Tất cả dậy, thu vén tư trang, điểm số và ra xếp hàng ngoài sân để chuyển trại”. Khi trật tự mở cửa buồng giam chúng tôi thấy Tống Ðăng Cứ lăm lăm khẩu K-54 ra lệnh: “Các anh có 10 phút chuẩn bị, bỏ lại hết ca cóng, chỉ mang theo quần áo mùng mền, tuyệt đối không mang theo vật bén nhọn. Anh nào vi phạm, tôi cùm cho mọt gông. Sau khi chuẩn bị tất cả ngồi yên nghe gọi tên. Gọi đến ai thì người đó sẽ hô to có mặt sau đó mang tư trang bước ra ngoài sân xếp thành hàng một, cán bộ sẽ kiểm tra tư trang. Tuyệt đối mọi hành vi đều phải theo lệnh cán bộ, anh nào ngược lại sẽ bị bắn bỏ”. Chúng tôi lần lượt bước ra cửa buồng giam. Sân trại rực sáng và ánh đuốc bập bùng lung linh trong những đôi mắt tù nhân như những ngọn lửa căm hờn. Ðám vệ binh súng dài thỉnh thoảng lại lên cò súng lách cách như một tín hiệu đe dọa là họ sẵn sàng hành động.

Sau khi chúng tôi bị kêu tên điểm số lần thứ hai, một trật tự viên đẩy vào một xe cải tiến trên có chất đầy những cục cơm nắm tròn, mỗi cục bằng gần hai nắm tay. Sau đó một vệ binh cũng đẩy vào một xe cải tiến khác trên đó đầy những sợi dây xích và khóa. Sau khi mỗi người được phát một cục cơm và một ít muối bọt, cán bộ giáo dục trại, một trung sĩ công an chừng khoảng 21-22 tuổi luôn luôn khoe mình đã học hết lớp 10 và đang học tiếng Nga, nói cho chúng tôi biết rằng nắm cơm được phát là dùng cho hai buổi trưa và chiều, đến trại mới chưa có khẩu phần ngay đâu. Sau đó anh hướng dẫn cho các trật tự viên xích tay chúng tôi cứ hai người một sợi dây xích và khóa cứng lại bằng một còng số 8 (loại còng CSQG dùng để còng tay những tội phạm). Tôi bị xích chung với Linh Mục Phan Văn Trọng. Xong xuôi, chúng tôi cứ người một bước ra khỏi cổng trại. Một hàng năm sáu chiếc xe đò nối đuôi nhau trên con đường trước cổng trại cùng với những chiếc “commando car” có bố trí súng thượng liên. Tôi nói với linh mục: “Lần này chúng ta được ngồi xe đò chứ không bị xếp lên motolova trùm kín nữa”. Chúng tôi bước tới những chiếc xe đò này theo lệnh của trực trại. Tiếng xích chạm vào nhau kêu loảng xoảng. Thời chiến tranh, tôi đã từng nghe tranh luận một đề nghị của Hạ Viện là thay đổi quốc ca VNCH bằng một trong hai ca khúc “Việt Nam, Việt Nam” của Phạm Duy và “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của Nguyễn Ðức Quang, nhưng chuyện thay đổi này không thành vì nhiều lý do. Tôi thích bài của Nguyễn Ðức Quang nên vào lúc nghe tiếng dây xích sắt chạm nhau kêu loảng xoảng trong lần chuyển trại ấy, tôi chợt nhớ lại khúc đầu của lời nhạc mà tôi cho là kiệt tác của Quang. Tôi nhẩm trong đầu:

“Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Ðường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
Lê sau bàn chân gông xiềng cuộc đời xa xăm
Ðôi mắt ta rực sáng theo nhịp xích kêu loang xoang!
Ta khua xích kêu vang dậy trước mặt mọi người
Nụ cười muôn đời là một nụ cười không tươi
Nụ cười xa vời nụ cười của lòng hờn sôi
Bước tiến ta tràn tới tung xiềng vào mặt nhân gian!”

Khoảng 3 giờ sáng đoàn xe mới lăn bánh ra khỏi trại Hàm Tân Z-30C.


Vụ chuyển trại vui và buồn nhất trong đời tù

Trời mùa hè cho nên mới có 4 giờ sáng, chúng tôi đã có thể nhìn thấy Rừng Lá Bình Tuy đang “chạy” ngược lại qua cánh cửa chiếc xe đò. Mọi người vui như Tết, nói cười ồn ào như quên hết những thử thách và đe dọa sẽ đến với mình trong năm sáu giờ đồng hồ nữa. Dường như mọi người cũng quên cả đói. Khi lên xe đò, chúng tôi còn bị xiềng chân vào ghế ngồi của mình. Nhưng chẳng có ai buồn quan tâm đến điều đó, cũng không ai cần biết liệu xe đò chạy với tốc độ này, liệu cái túi mà trại gọi là tư trang của chúng tôi gồm vài bộ quần áo, chăn, mùng mề rách để trên nóc xe có bay xuống đường hay không. Tuy thế, dù cười đùa chọc phá nhau nhưng không anh nào quên cầm chắc nắm cơm và ít muối bọt. Lần đầu tiên trong 4 năm tù, chúng tôi được phát một nắm cơm trắng không có độn khoai mì khô. Linh Mục Phan Văn Trọng đang vui vẻ nói chuyện tiếu lâm với những anh em ngồi tại các ghế bên cạnh quay sang tôi hỏi: “Biết chuyện tiếu lâm kể cho vui?” Tôi nói: “Không, thưa bố.” Ngài cười khà khà: “Như thế là mi để mất đi nửa cuộc đời rồi, nhưng tao nói cho mi nhớ nếu sau này có ra khỏi tù gặp nhau thì chớ gọi tao là bố đấy nhé.” Linh Mục Trọng là một trong những linh mục chúng tôi kính mến trong suốt đời tù không phải vì cùng tôn giáo hay vì ông là linh mục mà vì tư cách của ngài, tính tình hiền hòa, vui vẻ, có óc hài hước, suy nghĩ cởi mở với các tôn giáo bạn, nhất là cái tính thẳng thắn, thành thật ngay cả khi trả lời những câu hỏi liên quan đến cố Tổng Thống Ngô Ðình Diệm hay các nhân vật có tiếng thời Ðệ Nhất Cộng Hòa như các ông Võ Văn Hải, Trương Vĩnh Lễ, Phạm Văn Nhu, Trần Chánh Thành, Trần Trung Dung, các bác sĩ Lý Trung Dung, Trần Kim Tuyến và ông Nguyễn Ðình Thuần.

Chúng tôi có tập quán là gặp những tu sĩ thuộc bất cứ tôn giáo nào trong tù, anh em chúng tôi bất kể mình theo tôn giáo nào không ai bảo ai đều gọi họ là “bố” và xưng “con,” bởi vì cách xưng hô này giúp để bảo vệ những nhà tu. Nội qui của trại không cho phép gọi những tu sĩ này theo chức danh tôn giáo. Bọn cán bộ nhà tù nghe được, họ lờ đi thì không sao, nhưng gặp người khó khăn và lòng đầy thù hận thì không những các vị tu sĩ “bị” chúng tôi gọi bằng chức danh tôn giáo mà chính ngay chúng tôi cũng đi “nằm ấp” có khi rất dài hạn. (Nằm ấp = vô xà lim cá nhân, ấp đồng nghĩa với hộp nhỏ, chuồng cọp, cũi, tiểu biệt thự là những ngôn ngữ chúng tôi dùng với nhau trong tù cải tạo). Cán bộ thẩm vấn (thường là an ninh trại) sẽ không ngần ngại nâng quan điểm xưng hô với các tu sĩ thành tội “truyền đạo.” Nâng quan điểm nghĩa là bé xé ra to để trừng phạt tù nhân. Chẳng hạn như tù nhân do đói không kiểm soát được mình bẻ trộm một trái bắp non bị bắp gặp sẽ bị cáo thành tội: “Tàn dư của tay sai đế quốc Mỹ phá hoại kinh tế xã hội chủ nghĩa.”

Thời gian ở trại Z-30C Hàm Tân, ít nhất đã có hai tu sĩ, một Phật Giáo và một Công Giáo nhận những hậu quả của việc nâng quan điểm. Người thứ nhất là Linh Mục Nguyễn Văn Bộ của nhà thờ Fatima. Ngài cũng được anh em tù cải tạo quí mến vì tính tình hài hòa nhưng cương quyết. Linh Mục Bộ thường hay lén làm lễ vào sáng Chủ Nhật cho những anh em tù nhân có đức tin Công Giáo, nhưng ngài đã bị ngay một “ông” con chiên đạo dòng và gia đình có người đi tu báo cáo chuyện này lên an ninh trại. Linh Mục Bộ bị cán bộ an ninh Tý gọi đi làm việc và bắt viết kiểm điểm. Cái khẩu hiệu mà tù nhân nào khi bị làm kiểm điểm cũng phải viết trên đầu tờ giấy, đó là: “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, Ðộc Lập-Tự Do-Hạnh Phúc” thì Linh Mục Bộ viết thành “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, không Ðộc Lập-không Tự Do-không Hạnh Phúc.” Lần thẩm vấn nào linh mục cũng viết như vậy và cuối cùng bọn cán bộ trại giam phải giở hết thủ đoạn đánh đập, o ép tinh thần, không cho nhà thờ lên thăm gặp để tiếp tế cho ngài. Cuối cùng trại Hàm Tân thất bại trong việc ép cung và phải chuyển ngài về lại nhà tù Chí Hòa. Theo tin tức của anh em từ Chí Hòa được chuyển lên trại trừng giới A-20 Xuân Phước vào năm 1982 thì Linh Mục Nguyễn Văn Bộ được thả về một năm trước đó. Cuối 1988 tôi được thả nhưng bị quản chế cho nên mãi năm 1991 mới tìm dịp lên thăm ngài ở nhà thờ Fatima, nhưng nơi đây cho biết ngài qua đời đã lâu.

Người thứ hai mà tôi nhắc tới là Thượng Tọa Thích Huệ Ðăng, một tu sĩ Phật Giáo rất trẻ xuất thân từ một ngôi chùa nhỏ ở Nha Trang. Ngài là người tổ chức qui y cho một số tín đồ, chọn pháp danh cho họ ngay trong nhà tù và trong đó có cả tôi và đổi lại ngài đã phải khăn gói quả mướp vào nằm ấp cùm 2 chân mất 3 tháng. Còn trẻ tuổi, người cao lớn, tiếng nói như lệnh vỡ, vào những ngày rằm, mồng Một Âm Lịch ngồi thiền từ sáng đến tối không ăn, Thượng Tọa Huệ Ðăng trở thành người mà không cán bộ trại giam nào là không “để ý” đến. Nhưng thái độ thong dong, nói năng ôn tồn, trôi chảy như người viết văn với viên chính ủy trại tên là Phan Quang khiến anh em chúng tôi rất quí mến ngài. Trong trại giam mà báo nghỉ không lao động vào ngày rằm và mồng một Âm Lịch hay những ngày lễ trọng của Phật Giáo để ngồi thiền từ sáng đến chiều thì không thể tránh được bị đám an ninh trại giam cáo buộc là hành động thách thức và nặng hơn: phá hoại kỷ luật và trật tự trại giam. Buổi sáng rằm Tháng Bẩy Âm Lịch 1978, Thượng Tọa Huệ Ðăng từ trên sàn ngủ trên leo xuống đất đến báo cho đội trưởng biết là hôm nay rằm Tháng Bẩy ngài xin nghỉ lao động để hành đạo. Ðội trưởng nói: “Thầy nhớ lên bệnh xá khai bệnh cho hợp lệ.” Người tu sĩ Phật Giáo này trả lời tỉnh bơ: “Tôi có bệnh gì đâu mà khai, anh cứ báo cáo cán bộ quản giáo là hôm nay tôi xin nghỉ lao động và sẽ làm bù lại cho trại.” Thế là ngài leo lên bắt đầu ngồi thiền. Khi đội trở về từ bãi lao động, tôi thấy thượng tọa không còn ngồi thiền trên sàn trên nữa. Người bạn tù trực nhà báo cho anh em biết ngay: “Các ông đi lao động rồi, thằng chính ủy Quang nó xuống.” Hắn hỏi thầy Huệ Ðăng: “Bệnh gì mà nghỉ?”

Thầy nói: “Không có bệnh gì cả, nhưng hôm nay là lễ trọng của Phật Giáo trong mùa Vu Lan, tôi cần tịnh tâm để nghĩ về công đức của đất nước, tổ tiên, cha mẹ. Nghỉ hôm nay, nhưng ngày mai tôi sẽ làm bù lại nếu trại cần. Dĩ nhiên cán bộ không chấp nhận chuyện này và sẽ kỷ luật tôi. Nếu như thế thì tôi phải cám ơn cán bộ vì trong biệt giam tôi có điều kiện tốt hơn để tịnh tâm. Ổng đi nằm hộp rồi, còn hẹn mấy tháng nữa sẽ gặp lại chúng ta.” Tuy nhiên, lần này họ chỉ cùm Thượng Tọa Huệ Ðăng đúng 2 tuần lễ thì cho về lại đội. Có lẽ họ cũng bắt đầu nản ông thầy tu vào ra “chuồng cọp” như cơm bữa này rồi chăng? Thượng Tọa Thích Huệ Ðăng được thả trước tôi một năm, và Tết 1989, ngài đến thăm tôi tại nhà. 

Thầy trò nói chuyện và ăn với gia đình tôi bữa cơm chay. Ðó là bữa cơm đầu tiên và cũng là bữa cơm cuối cùng vì năm 1990, ngài bị nhà cầm quyền bắt lại và “bóc” thêm gần chục cuốn lịch khác. Ðược tha về lần thứ hai, ngài chỉ sống đạo được một thời gian ngắn thì viên tịch.

Ðoàn xe chạy với tốc độ nhanh trên Quốc Lộ 1 qua Phan Rang, rồi sau đó vào địa phận Nha Trang. Các xe phía trước đều dạt vào bên đường. Nhìn thấy đoàn xe công an trang bị cả súng thượng liên, các xe trên đường đều biết công an đang giải giao tù cải tạo nên nhường đường. Những người đi xe gắn máy khi dừng xe đều vẫn tay hay nón chào chúng tôi. Khi gần đến địa phận Sông Cầu, đoàn xe phải đổ xuống hết một con dốc và sau đó ngừng lại. Nắng lúc này đã lên cao và chói chang. Xe ngừng hẳn, toán công an giải giao nhảy ra khỏi các xe áp tải, lên đạn các khẩu tiểu liên AK-47. Họ đứng ở dưới mỗi cửa xe đò nói lớn: “Cho các anh xuống xe tạm nghỉ cơm nước, tiểu tiện. Tôi nhắc lại kỷ luật: các anh phải ngồi yên, sẽ có cán bộ đi mở xích chân.” Sau đó mọi người lần lượt xuống xe đến bãi tập trung phía trước, sẽ có cán bộ chỉ dẫn nội qui khi di chuyển ra khỏi bãi để tiểu tiện. Bãi trước mặt chỉ là một đồi cỏ thấp bên cạnh quốc lộ, không có quán sá gì.

Phía bên kia quốc lộ trước mặt chúng tôi là một cánh đồng khoai mì đã thu hoạch rồi, còn trơ lại những gốc khô. Sau khi điểm số, cứ mỗi cặp như vậy lại bị xích chung với nhau thành một chùm 4 người. Cặp xích chung với tôi và Linh Mục Trọng là anh Huỳnh CựÐoàn Bá Phụ. Chúng tôi ngồi xuống cỏ và bắt đầu ăn những nắm cơm chấm với chút muối bọt. Sau đó, cứ một chùm 4 người đứng lên báo cáo cán bộ uống nước. Toán giải giao mang theo hai thùng nước và 4 cái gáo dừa. Cứ 4 người uống xong lại đến 4 người khác. Nếu một trong 4 người mắc tiểu thì cả 4 người phải đứng ra cách vị trí của vệ binh súng dài khoảng từ 8 đến 10 bước nói lớn: “Xin cán bộ cho đi tiểu.” Nếu được chấp thuận thì cả 3 người kia phải đi theo người bạn tù của mình đến bãi đất cách đó khoảng 20 chục thước. Bao giờ cũng có khuyến cáo từ phía sau: “Ðừng có mà chạy đấy nhé, không thoát đâu, chúng tôi sẽ bắn ngay sau lưng đấy.” Có chùm im lặng, nhưng cũng có chùm phản ứng nhẹ nhàng: “Cán bộ ơi, yên trí đi, xích chung hai người một còn không trốn được huống chỉ bây giờ 4 người, bốn người mà bỏ chạy 4 hướng khác nhau có khi trở thành tứ mã phanh thây nhau không chừng.” Vậy mà cũng có vệ binh đáp lại: “Ấy thì tôi nói thế thôi, chứ lơ đà để một anh trốn là đời tôi khốn nạn rồi.”

Chúng tôi ăn chưa hết nắm cơm thì thấp thoáng trên đường lộ, những người bán hàng rong xuất hiện. Có lẽ đây là đội quân hàng rong bán cho khách xe đò như những ngày trước 30 tháng 4, 1975 chúng tôi thường thấy gần bến phà Trung Lương với những lời rao hàng ơi ới, ồn ào như vỡ chợ. Những người bán hàng rong này mới đầu đứng cách xa chúng tôi chừng 30 thước. Họ ngập ngừng như muốn tiến tới chào hàng với chúng tôi, nhưng có thể do nhìn thấy người nào cũng bị xiềng hoặc có thể sợ vệ binh súng dài đuổi nên cứ đứng chỉ trỏ, rồi nói với nhau những gì chúng tôi không nghe rõ. Nhưng rồi một người đàn ông đứng tuổi mặc một bộ quần áo cho công nhân mầu xanh dương tiến tới trước hai vệ binh đang canh gác chúng tôi và nói: “Anh vui lòng cho phép chúng tôi giúp các anh em tù nhân ít thực phẩm, chẳng đáng gì đâu chỉ gồm bánh trái và khoai mì thôi.” Một trong hai vệ binh này trả lời: “Chúng tôi phải bảo vệ họ, anh đi vào kia hỏi thủ trưởng của chúng tôi.” Người đàn ông đi theo hướng chỉ của vệ binh. Ông nói chuyện với một sĩ quan công an dáng chừng cũng mất đến 5 phút, sau đó ra nói với đám đông: “Họ không cho bọn bay tới gần đâu, đứng ngoài thẩy vô cho anh em cũng được.” Những chiếc bánh ú, bánh tét nhỏ, những củ khoai lang, khoai mì, những ổ bánh mì trên nhũng cái thúng đội trên đầu những người hàng rong vơi dần. Thúng hàng mà họ đội ra khỏi nhà có khi mang theo cả hy vọng nếu bán được hết thì ít ra cũng có được bữa cơm thịnh soạn cho gia đình trong ngày. Có lẽ những suy nghĩ đó đã khiến cho dù chúng tôi còn đang đói và đã ăn hết cục cơm với mối đe dọa khi đến trại mới không có phần ăn chiều, ít người trong chúng tôi nghĩ tới chuyện ngay những thứ mà dân vừa cho chúng tôi. Có lẽ xúc động đã chặn đứng được sự thèm khát lâu ngày của chúng tôi? Thứ tình cảm đó chúng tôi vẫn còn tìm lại được 10 năm sau khi được thả ra khỏi trại cải tạo: trên đường từ trại Z-30A về tới nhà, những tài xế xe đò đón chúng tôi lên xe, không những không lấy tiền vé mà còn dừng lại dọc đường để đãi chúng tôi chầu phở hay mì. Người tài xế tự giới thiệu là Tiếng còn khá trẻ nói với tôi: “Em có thể bảo đảm với các anh là quán này cũng như một số quán khác họ không lấy tiền các anh đâu khi thấy da dẻ các anh xanh mét, gầy trơ xương như vầy. Họ biết các anh là những cựu sĩ quan chế độ trước cải tạo mới về. Tình cảm của dân chúng đối với các anh vẫn thế nhưng tình hình xã hội bây giờ đã khác. Người có việc làm kiếm được miếng ăn thì không sao, nhưng người nghèo ngày một nghèo thêm họ trách các anh làm ăn cái gì mà để mất phần đất khiến họ khổ quá.”

Tiếng tự giới thiệu mình là cựu trung sĩ quân vận thuộc Quân Ðoàn III tan hàng vào sáng 30 tháng 4, 1975. Nhưng lời lẽ của anh làm tôi suy nghĩ mãi cho đến sau này.


Món ăn cay đắng đầu tiên ở A-20

Những lời trách cứ của người dân đối với chúng tôi tuy nhẹ nhàng và đầy xót thương là những điều làm chúng tôi buồn nhất. Và có lẽ trong đời tù biết bao nhiêu lần chuyển trại, biết bao nhiêu lần nhìn thấy người dân Miền Nam đang cố gắng tồn tại sau thảm kịch, nhưng lần chuyển trại đến A-20 Xuân Phước là lần chuyển trại buồn nhất. Trước khi chúng tôi được lệnh lên xa tiếp tục hành trình, anh Huỳnh Cự nói với Linh Mục Trọng: “Người cựu binh ấy nói đúng đấy bố ạ. Ðúng là chúng ta làm ăn chẳng ra sao cả nên mới có ngày bị xiềng xích như hôm nay. Không những thế chúng ta còn làm cho hàng triệu người dân ở Miền Nam Việt Nam cũng khổ lây. Dân thì không trách họ được, nhưng chúng ta nên tự trách mình trước.

Trong số anh em tù cải tạo chúng tôi, không có nhiều người nghĩ như người cựu binh chúng tôi gặp trên đường chuyển trại. Bốn năm sau thất bại 30 tháng 4, 1975 vẫn còn không ít những người trong số anh em chúng tôi rúng động. Trong những cuộc tranh luận trong trại giam nhiều người vẫn tin tưởng rằng những nhà lãnh đạo cũ của VNCH đã quay trở lại Miền Nam ẩn náu trong những khu rừng rậm chiêu mộ nghĩa quân để dựng lại cơ đồ. Có anh em còn nói một cách chắc nịch rằng Tướng Ngô Quang Trưởng đã về lập chiến khu ở Bà Rịa, Tướng Nguyễn Cao Kỳ đã về lập căn cứ ở Utapao, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã lập chính phủ VNCH lưu vong ở Cao Hùng (Ðài Loan)... Trong bối cảnh tuyệt vọng sau ngày thất trận và bị đẩy vào môi trường tù đày, ở vào độ tuổi hừng hực lý tưởng của thanh niên, chúng tôi chỉ còn bám vào những hy vọng đó để mà sống. Cho nên điều không ngạc nhiên khi ngay chính bản thân tôi, dù đã ngụp lặn trong 11 năm trời cái thế giới đầu nguồn của tin tức thời sự trong đó những tin tức thật cũng nhiều, tin tức dởm, tin được chế biến theo chiều hướng thuận lợi cho cá nhân một ai đó cũng lắm thế mà đến khi vào tù cải tạo cũng đã có thời gian phải bám vào những “hot news” ấy để vượt qua những khó khăn và giữ vững tinh thần của mình, dù biết chắc chắn một điều đó là những tin tức không thể kiểm chứng được. Tôi đã được những người thầy dạy ở những khóa học, những khóa huấn luyện hay tu nghiệp luôn luôn khuyến cáo rằng loại tin không thể kiểm chứng được, những loại tin dùng một sự kiện có thật mà ai cũng biết rồi lồng vào đó những “vật liệu tự chế,” những loại tin đồn, những bài viết, những bài bình luận không có “dẫn chứng với những luận cứ vu vơ theo sự tưởng tượng của mình” thì tốt nhất nên liệng chúng vào sọt rác và không nghĩ tới nữa.

Nhưng khi phải đối đầu với một thực tế phũ phàng sau một trận thua không còn hy vọng có cơ hội gỡ lại được, sau sự sụp đổ mà người trong cuộc ở VNCH từng nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ họ phải đối đầu với thảm kịch to lớn nhường ấy, chúng tôi đã phải bám vào tên tuổi của những nhà lãnh đạo chính trị và quân đội VNCH đã nhanh chân thoát được ra hải ngoại và tránh được cảnh cá chậu chim lồng như chúng tôi để đốt lên đốm lửa hy vọng cho một tương lai phục quốc. Còn gì thê thảm hơn bối cảnh mà chúng tôi phải sống, phải đương đầu và phải giữ nhân cách, đứng thẳng lưng trước kẻ thù như thế không?

Anh phải sống, dù gì anh cũng phải sống...” Một người bạn cũng khá thân của tôi ở trong những năm còn bị cấm cố ở nhà tù Chí Hòa biết rất rõ rằng cô vợ trẻ 25 tuổi của anh đã lập gia đình khác chỉ 2 năm sau khi anh vào tù cải tạo, nhưng khi chúng tôi được mở cửa phòng giam để có thể đi dạo quanh cái sân nhỏ ở phía trước, anh vẫn tha thiết nhắc tới những lời cô vợ vào thăm anh lần chót nói với anh như tôi trích thuật ở trên. Những lần như thế, tôi không dám khuyên anh một lời nào dù tôi hiểu trong cuộc đổi đời sau 30 tháng 4, 1975 bất cứ một điều gì cũng có thể xảy ra được và xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, nếu tôi mở miệng để nói về một cuộc chung sống nào đó tan vỡ vì nhiều lý do khác nhau và nếu lại “ngứa miệng” biện minh bằng một câu mà tôi hay sử dụng trong chốn lao tù: “Chồng chết 3 năm thì người ta có quyền đi lấy chồng khác, còn bọn mình đi mút chỉ cà tha không có ngày về thì coi như chết mà chưa chôn, họ đi lấy chồng khác cũng là thường thôi” chắc chắn tôi sẽ bị nâng quan điểm ngay: “Mày nói như vậy là quá đáng, đâu phải ai cũng thế, tùy theo giáo dục gia đình chứ.”

Trong chốn lưu đày vẫn có những chuyện lẩm cẩm như thế, nhưng nó rất quan trọng bởi vì nhiều bạn đồng tù với tôi vẫn quan niệm rằng sự chung thủy của người vợ của mình vẫn là bức tường thành cuối cùng của niềm tin. Cho nên sau những cánh cổng của những trại cải tạo, chúng tôi dù có sống đoàn kết với nhau, dù lúc nào cũng phải nắm tay nhau để khỏi bị đổ xuống, phần đông đều cố tránh những sự thật có thể làm đổ vỡ niềm tin của mình. Tôi đã từng thấy, từng nghe các cuộc tranh cãi giữa một số anh em sĩ quan trẻ trong quân đội VNCH và những anh em đồng tù trong lực lượng Phục Quốc tại trại B-5 Tân Hiệp, tại nhà tù Chí Hòa và ngay tại trại Hàm Tân Z-30C. Tôi cho rằng nội dung các cuộc tranh cãi nhiều khi dẫn đến bất hòa này cũng chỉ là biểu hiện của sự thiếu thông cảm lẫn nhau và không chấp nhận một thực tế phũ phàng đến từ sự thất bại. Câu chuyện bắt nguồn từ việc anh em Phục Quốc khi khai lý lịch trích trang họ khai cấp bậc và chức vụ của họ trước khi bị bắt. Họ hãnh diện cho biết trong Lực Lượng Vũ Trang của Phục Quốc, họ mang cấp bậc sĩ quan, có người mang đến cả cấp bậc trung tá. Nhìn nét mặt của họ non choẹt, kiến thức quân sự non nớt, một số anh em sĩ quan quân đội VNCH “nóng gà” vặn hỏi họ tại sao lại có chuyện phong chức cho nhau quá lố đến không thể chấp nhận được như vậy. Thế là cuộc tranh cãi nổ ra vì câu hỏi đó.

Bên Phục Quốc lập luận đại khái là khi “các anh tan hàng và bị lừa khi bị gọi trình diện nhà cầm quyền quân quản thì đâu còn người nào ở ngoài để chúng tôi tìm đến. Mà nếu chúng tôi có tìm đến các anh được thì liệu các anh có theo chúng tôi không. Ðồng ý các anh là người được huấn luyện quân sự rất kỹ và dày dạn kinh nghiệm chiến trường nhưng thử hỏi các anh làm gì được khi đã ở trong các trại cải tạo. Cho nên theo tiếng gọi của những nhà lãnh đạo Phục Quốc, quay đi quay lại chỉ còn chúng tôi ở ngoài xã hội, cho nên ai biết ai thì rủ lập chiến khu, lập chiến khu thì phải có tổ chức, có tổ chức thì phải có cấp bậc, có người chỉ huy. Các anh nên nhớ, chúng tôi mang cấp bậc không những đã không lời lộc gì cho cá nhân chúng tôi mà ngược lại khi bị bắt chúng chúng tôi phải trả giá với những năm tù lâu dài. Những người theo lực lượng Phục Quốc đã có những người mang án chung thân hoặc án tù 25 năm.”

Tôi cũng đã chứng kiến có người trong lực lượng Phục Quốc nói một cách thẳng thắn trong các cuộc tranh luận về ảnh hưởng của tổ chức Phục Quốc: “Chúng tôi nhìn nhận rằng mình ô hợp, không được huấn luyện. Ðiều này đang làm chúng tôi thất bại chỉ vì những người chủ trương không nhìn xa và chưa bao giờ làm những gì mà người cộng sản đã làm từ nhiều thập niên trước. Nhưng ít ra chúng tôi cũng đã bày tỏ được lòng yêu tha thiết quê hương Miền Nam Việt Nam.” Cuộc tranh luận đại loại như vậy chẳng bao giờ có kết thúc. Nhưng điều đáng mừng nhất là cho tới khi chúng tôi rời Hàm Tân Z-30C, tuy những cuộc cãi vã về lực lượng Phục Quốc vẫn còn gay gắt và gây ra bất hòa, nhưng không bao giờ chúng tạo ra được những bất đồng về mục tiêu chung: chống lại chế độ cộng sản!

Ðoàn xe chạy qua ga Lahaye, vượt qua một khu chợ nhỏ để bắt đầu “bò” chầm chậm trên một con đường mòn nhưng hài hun hút vượt qua khoảng 16 con suối mà vào mùa này đều khô cạn. Khi đến gần khu trại mới, vượt qua một xóm kinh tế mới để vào một thung lũng nằm dưới chân một dãy núi đá vôi, chúng tôi mới ý thức được rằng đây là con đường độc đạo từ Lahaye vào trại. Ðoàn xe vượt qua một đoạn đường ngắn nữa thì vào tới sân Bộ Chỉ Huy của một tiểu đoàn công an trại giam. Từ khoảng sân này vào tới phân trại E của A-20 Xuân Phước dài khoảng 300 thước. Trước mặt chúng tôi là những mái ngói đỏ au và những hàng dừa thẳng tắp có cây đang ra hoa. Trước cổng trại là một vạt ruộng trồng lúa nước.

Một ao lớn có hàng rào dây thép gai vây bọc và một bảng gỗ viết bằng sơn đập vào mắt người mới tới: “Tài sản xã hội chủ nghĩa - Ao thả cá trắm cỏ.” Cổng vào trại giam được xây dựng mang hình thức một cổng tam quan ở các ngôi chùa miền Bắc khi xưa. Khi chúng tôi xếp hàng chờ được mở xiềng, Linh Mục Phan Văn Trọng nói nhỏ với tôi: “Tau cảm thấy có điều bất thường. Trại trông như một nơi nghỉ mát để đi săn bắn. Nhưng chúng đưa chúng ta lên đây không phải để cho mình dưỡng sức đâu.” Linh Mục Trọng nói chưa hết lời thì việc chuyển giao tù nhân đã xong. Một cán bộ (sau này chúng tôi biết tên anh ta là Trung Sĩ Luật, trực trại) đi cùng với một trật tự viên da đen bóng, tóc xoắn tít như bất cứ một người Phi Châu nào mà chúng tôi từng biết. Ở vào tuổi của anh ta, chắc chắn trật tự viên này phải là sản phẩm những người lính Mỹ gốc Phi Châu trong đội quân viễn chinh Hoa Kỳ suốt trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trật tự viên tự giới thiệu anh ta tên là Quí thuộc đội tự giác, nhưng được cán bộ trực trại “chiếu cố” để làm trưởng trật tự trại giam này. Sau đó, anh ta thay mặt cán bộ trực trại nói sơ lược về nội qui trại với một lời lẽ dọa nạt: “Các anh nên nhớ và phải quán triệt đây là trại cải tạo khác những trại cải tạo mà các anh đã đi qua. Tội ác của các anh đối với nhân dân như thế nào thì các anh cũng biết rồi, nhưng chính phủ khoan hồng cho các anh đến đây để xem các anh có thể trở thành các công dân tốt được không. Nếu cải tạo không được thì cũng không phải lỗi chính phủ mà do lỗi của các anh. Tuy nhiên, cán bộ quản giáo ở đây đều nhất trí khẳng định: các anh phải cải tạo tốt, không tốt không được vì đây là trại cải tạo chót dành cho mấy anh.” Chỉ vài ngày sau khi đến trại, chúng tôi có ngay tiểu sử của Quí “đen.” Quí “đen” là tù hình sự. Anh ta bị bắt ở Biên Hòa vì tội cướp có súng và hiếp dâm. Ra tòa án nhân dân mở ngay trước rạp chiếu bóng Biên Hùng cũ, Quí “đen” bị kết án 15 năm tù, bị đưa đi lao cải ở Tống Lê Chân một thời gian rồi bị chuyển trại cùng với những tù hình sự khác lên đây để lập đội lao động tự giác. Viên cán bộ trực trại tên Luật không hề đứng nói về nội qui. Hắn cho một người có thành tích từ một xã hội đen thời VNCH mang mức án 15 năm để khẳng định chính sách cải tạo của chế độ mới, không cải tạo không được. Ðây món ăn cay đắng thứ nhất mà trại A-20 Xuân Phước dành để “đón tiếp” chúng tôi.


“Có phải là nhạc cách mạng thật không đấy...?”

Sau một lần điểm số nữa, chúng tôi lần lượt mang túi tư trang bước qua cổng một nhà tù chỉ vẻn vẹn có 3 dãy nhà: một ở ngoài cùng vẫn là dãy nhà lợp lá, nhưng tường được dựng lên bằng đất sét và rơm, ngoài tráng xi măng và quét vôi, còn hai dãy nhà kia xây bằng gạch, mái lợp ngói đỏ au, đường đi có những hàng dừa thẳng tắp. Chúng tôi bị dẫn đi dọc theo những vườn rau cải xanh um thường do phân Bắc tức phân người mang lại để đến một hội trường được xây dựng trên một nền đất nện, cột gỗ, mái lợp lá gồi. Nếu nhìn mặt ngoài thì không người nào nghĩ rằng đây là một trại cải tạo thuộc loại trại trừng giới kiểu Lý Bá Sơ hay Ðầm Ðùn. Anh Huỳnh Cự đi sát tôi ở phía trước nói nhỏ: “Chúng ta sẽ có thể chết vì cái vẻ khang trang của trại này, chỉ những ai sống lâu dưới chế độ này mới nhìn ra được mà thôi.” Khí bước vào hội trường, chúng tôi đã thấy những người bạn tù khác đến trước chúng tôi xếp thành hàng mười ngồi dưới sàn đất nện, trước họ là một dãy bàn dài trên có trưng một vài bình hoa. Ngồi sau bàn là những cán bộ công an trại giam mặc sắc phục làm việc, nhưng trên vai người nào cũng mang cấp hiệu dành cho bộ lễ phục. Ở giữa dãy bàn là hai ghế trống mà tôi đoán là để cho trưởng trại và người phó của ông ta kiêm chính ủy. Trật tự viên Quý “đen” chỉ chỗ để chúng tôi bỏ hết tư trang ở phía dưới và lên ngồi cũng xếp thành hàng mười ngang với các bạn tù đã đến trước. Ngồi yên chỗ và vừa bắt đầu “liên hệ linh tinh” với những bạn tù đến trước, thì một cán bộ công an đứng ra loan báo trưởng trại giam A-20 Xuân Phước đến để nói chuyện về tình hình đất nước với các “trại viên.”

Sau này chúng tôi mới khám phá ra rằng nội qui của trại này là các tù cải tạo phải dùng từ ngữ “trại viên” chứ không được dùng chữ “tù cải tạo” và phải gọi các giám thị (cai tù) là “cán bộ” và xưng “tôi” chứ không được dùng những từ như ông, anh hay gọi họ cấp bậc. Nhưng có thể gọi cán bộ là “ban,” chẳng hạn như “ban cho phép tôi đi tiểu.” Tôi không hiểu “ban” ở đây có nghĩa gì nhưng tôi đoán chữ “ban” là đến từ nhóm từ ban quản trị hoặc ban quản lý trại.

Từ ngày bị giải giao qua nhiều trại giam và nhiều lần bị “ngồi đồng” trong những vụ “lên lớp” (từ ngữ để chỉ hành động lên hội trường ngồi nghe cán bộ trại giam giải thích điều này điều nọ) hoặc để nghe trưởng trại hay chính ủy của trại nói chuyện, không bao giờ thấy cán bộ trại giam buộc tù cải tạo phải đứng chào lá cờ đỏ sao vàng. Hồi ở trại Hàm Tân, có lần tôi tò mò thắc mắc với cán bộ Lâm quản giáo đội lao cải nơi tôi phải lao động trước khi chuyển trại, anh ta trả lời: “Họ đâu có dại, vì sợ nếu bên trên cử bài Tiến Quân Ca thì bên dưới các anh lại hát tướng lên bài Tiếng Gọi Thanh Niên thì cũng phiền (quốc ca VNCH được sửa lại lời một chút từ bài Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước, một đảng viên cộng sản giữ vai trò là bộ trưởng văn hóa trong chính phủ Cách Mạng Lâm Thời Miền Nam Việt Nam). Vả lại họ cho rằng các anh chưa có quyền công dân nên không thể thực hiện nghi thức chào cờ được.” Nghe Lâm giải thích, tôi nghĩ thầm trong bụng: “Mẹ kiếp, nếu bọn mày bắt buộc các tù cải tạo phải đứng nghiêm hát bài Tiến Quân Ca dưới lá cờ đỏ sao vàng thì trại phải xây thêm hàng trăm căn chuồng cọp nữa để nhốt những tù nhân chống đối việc này.”

Những kỷ niệm cũ vừa mới quay trở về thì Thân Yên (trại trưởng), Lê Ðồng Vũ (trại phó) bước vào hội trường. Vào thời điểm ấy, Thân Yên mang cấp bậc trung tá công an và Lê Ðồng Vũ thiếu tá. Thân Yên dáng nhỏ thó, thấp bé, nước da đen sạm vẫn chưa xóa hết dấu vết của sốt rét rừng. Tuy nhiên, ông nói năng vừa phải vơi giọng Tuy Hòa đặc sệt. Vừa để chiếc mũ lưỡi trai xuống bàn, Thân Yên đã hỏi:

- Anh nào làm quản ca ở đây?

Mọi người ngớ ra thì viên trung tá công an này cười và nói:

- Như thế là chưa cải tạo tốt, phải có quản ca các anh ạ. Tôi còn tính tổ chức một ban văn nghệ nữa. Nào, nếu chưa có quản ca thì anh nào xung phong làm quản ca nào. Cải tạo bao nhiêu lâu nay không lẽ các anh không thuộc một bài ca cách mạng nào sao? (nhạc cách mạng tức là nhạc đỏ)

Gần 800 tù cải tạo trong hội trường im phăng phắc. Họ ngồi bất động trong không khí căng thẳng. Chưa có một vụ chuyển trại nào trong đời tù của chúng tôi lại căng thẳng như vụ chuyển đến A-20 chỉ vì không ai trong chúng tôi muốn đứng ra làm quản ca hát nhạc đỏ cả vì người nào đó muốn đứng ra hy sinh để giải quyết bế tắc cũng không dám làm vì sẽ lãnh búa rìu dư luận của một số anh em thiếu thông cảm. Họ thuộc lớp người không biết sức chịu đựng trong chuồng cọp được bao nhiêu, nhưng lúc nào cũng sẵn sàng chỉ trích hay thúc bách những anh em khác phải hành động, nhưng hành động gì, hành động như thế nào thì họ không biết và không bao giờ dám nói rõ. Trong khi ấy đám cán bộ quản giáo ngồi bên cạnh Thân Yên luôn luôn buông ra lời đe dọa nếu không hát một bài cho “khí thế” thì thái độ này đã vị phạm nội qui trại.

Dường như ý thức được sự bế tắc nếu không hướng dẫn anh em hát một bài nên Phạm Ðức Nhì, một cựu thiếu ủy Nhảy Dù phục vụ trong ngành Chính Huấn bị chuyển từ Z-30D đã giơ tay:

- Tôi tình nguyện làm quản ca, cán bộ!

Phía bên dưới có tiếng xì xào. Mặc kệ, Nhì nói rất rõ:

- Tôi sẽ hướng dẫn các bạn hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” nhé, các bạn nghe rõ không, hát thật lớn và vỗ tay.

Thân Yên có vẻ hơi nghi ngờ. Ông vội hỏi:

- Thế anh quản ca có biết bản nhạc cách mạng này ở đâu mà ra, mà có phải là nhạc cách mạng thật không đấy?

- Chắc chắn cán bộ. Các cán bộ cứ nghe đi, không phải là nhạc cách mạng các cán bộ cứ đem đầu tôi đi mà chặt.

Phạm Ðức Nhì hâm nóng lại lời nhạc của ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” của du ca Nguyễn Ðức Quang và dặn dò:

- Các bạn nào thuộc bài thì vừa hát vừa vỗ tay cầm nhịp, bạn nào không thuộc lời thì cứ vỗ tay cho thật to. Hát thật to nghe các anh. Nào tiếng hát bừng sáng nào, một, hai, ba...

Thế là không ai bảo ai, chúng tôi hát lớn hòa cùng tiếng vỗ tay. Không khi hội trường đang căng thẳng, đang bế tắc thì như có một luồng gió mới thổi vào. Chúng tôi hát và vỗ tay bằng tất cả tấm lòng, giống như biết bao nhiều lần chúng tôi tập hợp hát tù ca và sau đó sẵn sàng đi cùm ở những trại trước. Và khi sang lời 2, chúng tôi như muốn điên lên và lao tới những cái bàn trước mặt:

“Ta như giống dân đi tràn trên lò lửa hồng
Mặt lạnh như đồng cùng nhìn về một xa xăm
Da chân mồ hôi nhễ nhại cuộn vòng gân tươi
Ôm vết thương rỉ máu, ta cười dưới ánh mặt trời
Ta khuyên cháu con ta còn tiếp tục làm người
Làm người huy hoàng phải chọn làm người dân Nam
Làm người ngang tàng điểm mặt mày của trần gian
Hỡi những ai gục xuống trỗi dậy hùng cường đi lên!”

(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ - Nguyễn Ðức Quang)

Có lẽ đến lúc xuôi tay, không bao giờ tôi có thể quên được cái giây phút khi chúng tôi bắt sang lời 2 của ca khúc “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” Có nhiều người không thuộc lời, nhưng tôi nghe trong âm thanh của tiếng vỗ tay cầm nhịp có những tiếng hét và chung quanh những ánh mắt sáng lên như sao băng từ những khuôn mặt hốc hác vì thiếu ăn và phải làm việc khổ sai. Có lẽ Phạm Ðức Nhì cũng nhìn thấy sự kích động khi lên tới cùng cực có thể xảy ra chuyện không hay cho anh em tù cải tạo, nên anh kết thúc ca khúc ở lời 2 mà không quay lại phiên khúc hoặc có thể là Nhì đã nhìn thấy ngoài hội trường đám công an súng dài kéo vào ngày càng nhiều vì những âm thanh vang dội của lời ca. Trên dãy bàn dài trước mặt chúng tôi, ngay cả Thân Yên cũng vỗ tay nhịp theo. Thói quen hễ cứ nghe thấy những chữ như Việt Nam, Quê Hương hay Ngạo Nghễ trong lời ca lọt vào tai thì vội vã cho đó là nhạc cách mạng rồi (nhạc đỏ) được thể hiện rất rõ trong nét mặt của Thân Yên. Ngược lại, Lê Ðồng Vũ, Lý “lé” an ninh trại và một số cán bộ quản giáo đội thì có vẻ hơi nghi ngờ, có thể là chưa bao giờ họ thấy một đám tù cải tạo lại hát nhạc “cách mạng” một cách nồng nhiệt như thế.


Tìm công danh trong chốn lao tù?

Ngay sau bài hát, Thân Yên nói một vài lời. Ông nói ngắn gọn, nhưng đầy đe dọa và thách thức. Thân Yên nói thẳng ra rằng những người nào bị lựa chọn lên đây tức là cải tạo chưa tốt, nhưng sẽ phải cải tạo tốt dù có phải “giam giữ các anh lâu dài.” Theo ông, khi đã vào trại này thì đến thép cũng phải chảy chứ đừng nói đến con người bằng da bằng thịt. Ngay sau đó, những tù cải tạo đã đến trước chúng tôi được trở về phòng giam, còn chúng tôi phải ngồi lại để phải trải qua món ăn chơi đầu tiên: khám tư trang.

Cuộc khám xét diễn ra hơn hai tiếng đồng hồ. Theo lệnh của trực trại, các anh em tù hình sự cẩn thận nắn từng gấu quần, gấu áo, từng nếp may trên chiếc ba lô đã bạc màu và đã vá chằng đụp như bộ quần áo chúng tôi đang mặc, rồi cuối cùng mọi thứ thực phẩm của những anh em có gia đình thăm nuôi mang lên từ Hàm Tân Z-30C đều bị ném vào mấy chiếc cần xé lớn. Viên cán bộ trực trại ra lệnh cho tù hình sự mang xuống nhà bếp của tù nhân với lệnh: “Ngày mai đem nấu để phát cho trại viên ăn chung.” Và đúng như lời ông ta, nhà bếp của tù nhân phải bóp bụng tuân lệnh nấu một thứ thực phẩm chè không ra chè, cháo cũng chẳng ra cháo. Mỗi người được phát một nửa tô bằng nhựa một loại thực phẩm loãng gồm cơm khô, bột, lẫn vào đó là những cộng mì ăn liền. Thực ra, bình thường người dễ tính nhất cũng khó ăn, nhưng tù cải tạo đã 4 năm, đói khát triền miên chúng tôi cũng vui vẻ “thưởng thức” món ăn mà trong đời chúng tôi chưa bao giờ được thấy này.

Vừa ăn, chúng tôi vừa kháo nhau là múc mãi không thấy hình bóng của những hũ thịt ram mặn, những gói lạp xưởng hay thịt muối kiểu Tầu cũng bị ném vào cần xé. Một vài bạn tôi khôi hài: “Những thứ đó là để dùng cho tiểu táo chứ đâu phải là đại táo như lũ chúng mình.” Tiểu táo (bữa ăn theo nghĩa Hán tự, thường được dùng từ thời Hồng quân Trung Hoa tức quân đội Trung Cộng) chỉ dọn cho một hay hai người ăn (trưởng, phó trại và an ninh), còn trung táo là từ 4 cho đến 10 người (quản giáo), đại táo là ăn tập thể nhiều người (vệ binh súng dài). Những từ ngữ nghe lạ tai này tới nay không còn được sử dụng ở Việt Nam nữa.

Ngày hôm sau, tất cả số tù cải tạo bị “tuyển lựa” từ Z-30C lên được “biên chế” (chúng tôi gọi diễu với nhau động từ này thành “biến chế”) thành 2 đội, mỗi đội dọn sang ở một nhà khác nhau đồng thời mỗi đội cũng tạm cử ra một đội trưởng.

Những anh đội trưởng tạm này chỉ làm một “nhiệm kỳ” ngắn ngủi, vì trong trại cải tạo nhất là ở các trại lao cải, việc cử nhiệm những đội trưởng là một công tác rất quan trọng, thường do cán bộ an ninh trại quyết định. Nghiên cứu một cách nghiêm túc, chúng tôi có thể rút ra một điểm như thế này: do các đội lao cải được gọi là các đội tự quản cho nên cần phải có người làm đội trưởng và đội trưởng trên nguyên tắc là người thay mặt cán bộ quản giáo để điều hành đội lao cải sau giờ lao động. Bù lại, trại dành một số các ưu quyền cho những đội trưởng, chẳng hạn như có thể thăm gặp gia đình 24 tiếng, 48 tiếng hay có khi 72 tiếng, tiêu chuẩn lượng thực cao hơn, có thể 16 kg/tháng, trong khi các đội viên thường nếu không bị ghi “sổ đen” (đì) thì chỉ được hưởng 12 kg/tháng. Ðối với những tù nhân cải tạo bị nhốt trong biệt giam cá nhân hay còn gọi là xà lim (phiên âm từ chữ cell) hay “chuồng cọp” (từ ngữ mà nhà báo Mỹ Don Luce dùng để chỉ những xà lim mà ông nhìn thấy ở nhà tù Côn Sơn, thời Pháp gọi là Côn Ðảo, khẩu phần có thể thay đổi từ 6 kg đến 9 kg thực phẩm/tháng.

Ðây là những xà lim xây từ thời Pháp mà nhà cầm quyền thuộc địa dùng để nhốt cả thành phần người Việt quốc gia, Việt Minh và sau này là thành phần tù binh phiến Cộng dưới chế độ VNCH. Do cách thiết kế với những song sắt giống như những chuồng cọp ở sở thú nên Don Luce gọi những xà lim ở nhà tù Côn Sơn dưới thời VNCH là những chuồng cọp).

Tôi sẽ đề cập thêm những chi tiết về chuồng cọp tại những trại lao cải của Cộng Sản ở phần sau và bây giờ tôi xin tiếp tục trình bày về vai trò đội trưởng của các đội lao cải.

Thực ra thì khi đã xây dựng các đội lao cải thành đội tự quản, lẽ ra các đội trưởng phải được chính người trong đội bầu ra, nhưng trại cải tạo nhất là những trại lao cải được lập ra đâu phải là để cho những tù nhân học tập dân chủ. Ai cũng hiểu như vậy cho nên khi những người cai tù tập họp đội để chính thức “bầu” ra những đội trưởng và khi họ hỏi “có ai xung phong không” cũng như “có ai đề cử người nào không” thì thường chỉ nhận được sự im lặng. Chỉ khi nào tù cải tạo bị thúc ép lắm thì mới chịu đề cử. Trong nhiều trường hợp, anh em chúng tôi chỉ đề cử những người mà chúng tôi tin rằng khi “bị” làm đội trưởng sẽ không lập công làm hại anh em. Nhưng phần đông những người bị đề cử làm đội trưởng cũng chỉ ngồi ở vị trí “chức sắc” này một thời gian rất ngắn vì những quản giáo sẽ nhìn ra vấn đề và họ thay ngay bằng những đội trưởng do chính họ chỉ định. Theo cách nhìn riêng của tôi, không phải cán bộ quản giáo đội nào cũng muốn o ép các tù nhân cải tạo vào chân tường khiến cho chúng tôi phải phản ứng lại bằng những hành động chống đối. Phần đông các quản giáo đội đều muốn có biên giới mà cả tù nhân cải tạo lẫn quản giáo đều có thể chấp nhận được để tránh gây ra không khí căng thẳng, bởi trong hàng ngũ công an có trách nhiệm điều hành một trại cải tạo, quyền lợi tốt hơn dành riêng cho quản giáo đã khiến cho chung quanh anh ta có rất nhiều “ứng viên” tay cầm những cái cưa rất bén chỉ chờ cơ hội anh quản giáo đương chức có sơ hở là nhảy lên thay thế ngay. Trong hoàn cảnh ấy, các đội trưởng giữ vai trò quan trọng trong việc thương lượng các chỉ tiêu hay kỷ luật lao động với cán bộ quản giáo, giảm được gánh nặng lao động hoặc kỷ luật lao động trên vai anh em. Tại sao?

Ðội trưởng thật ra cũng chỉ người trong số những anh em chúng tôi, cùng là bạn tù, cùng hoàn cảnh thua trận và bị bắt giữ. Nhưng mỗi người một hoàn cảnh và có những suy nghĩ khác nhau. Có người chỉ muốn cắn răng chịu đựng cho qua truông để khi được thả ra có thể thực hiện kế hoạch của họ hoặc là vượt biển hoặc là làm một điều gì đó cho gia đình họ. Cho nên, những đội trưởng này không muốn trại “ghim” họ vì nhận ra những hành động quá ngả theo anh em khiến có thể bị phiền hà trong khi họ cũng không muốn anh em bạn tù trong đội ghét và cô lập họ. Phải thẳng thắn mà nói rằng, kỹ thuật đu dây giữa quản giáo và anh em trong đội của những đội trưởng này phải nói là rất khéo. Họ biết giữ được sự vừa phải trong việc dùng ưu quyền trại dành cho các đội trưởng, không có những hành động khúm núm trước quản giáo hay bất cứ chuyện gì cũng chỉ một điều quản giáo dặn, hai điều quản giáo ra lệnh. Chẳng hạn như khi một đội trưởng được quyền thăm gặp gia đình 24 tiếng hay 48 tiếng đồng hồ thì anh chỉ gặp một thời gian vừa phải độ 4 hay 5 tiếng rồi vào trại hoặc giữa trưa hè nắng gắt, anh xin phép quản giáo cho anh em nghỉ tránh nắng, rồi sẽ bù lại chỉ tiêu ở nhiều buổi lao động khác thời tiết thuận lợi hơn, hay hơn nữa là xin phép cho anh em nghỉ lao động sớm để có đủ thời gian “rau rác linh tinh” ở quanh bãi lao động. Nhưng cái khó nhất của một đội trưởng muốn đu dây là làm sao thuyết phục các đội viên mà mình điều hành. Phần đông anh em tù cải tạo chúng tôi, do trong quá trình họ gặp phải những đội trưởng tồi chỉ biết sống cho cá nhân mình và sẵn sàng thi hành lệnh của quản giáo và trong rất nhiều trường hợp những người đội trưởng này còn “bảo hoàng hơn vua,” cho nên anh em thường bị đẩy vào cách nhìn khe khắt đối với các đội trưởng khi bị chuyển trại sang một trại lao cải khác. Hơn nữa, đôi khi trong đội lại lọt vào một vài người sẵn sàng hay đã làm ăng ten không phải cho quản giáo mà cho an ninh trại.

Trong nhà tù, chúng tôi không bao giờ sợ những loại ăng ten mà chúng tôi gọi là những “tên giặc cỏ” hay những “cần lá lúa.” Những người nào từng mặc áo lính chắc chắn cũng biết là chiếc máy truyền tin dành cho các trung đội trưởng là loại PRC nhỏ và ăn ten tiếp sóng mảnh và ngắn như lá lúa. Tầm hoạt động của loại máy này rất giới hạn chứ không giống như máy PRC-25 dành cho từ cấp đại đội trưởng trở lên, tầm hoạt động rộng rãi. Những ăng ten “lá lúa” dùng để chỉ những anh cam nhận làm điểm chỉ cò con cho quản giáo hay cho trại bằng cách tố cáo anh em đồng tù với mình vi phạm kỷ luật trại như nấu nướng trong phòng giam, tụ tập “trà lá” để nói xấu chế độ, học hay dạy ngoại ngữ cho nhau, bàn kế hoạch chống lại chỉ tiêu lao động, bí mật nhận những “hot news” từ người trong gia đình thăm nuôi, kể chuyện kiếm hiệp phản động của Kim Dung, vân vân và vân vân. Tôi nhớ rằng khoảng độ cuối năm 1978, nghĩa là vài tháng trước khi chúng tôi bị chuyển trại, tại Hàm Tân Z-30C, Ngọc “đen” đã kêu một “cần lá lúa” ra sau nhà và nói thẳng: “Chúng tao biết mày là cần ăng ten từ lâu rồi, nhưng tao hiểu những báo cáo của mày về chuyện linh tinh của anh em trong buồng giam để lấy điểm kiếm ăn, tao không chú ý tới. Nhưng lần này mày báo cáo anh em giấu lưỡi câu trong ba lô làm chúng tao bị an ninh khám tịch thu tất cả mọi thứ mà không tìm ra cái lưỡi câu nào. Ðúng là mày làm hại anh em. Mày sống với cán bộ bao nhiều giờ trong ngày và sống với anh em bao nhiêu giờ? Bỏ trò láo lếu ấy đi, lần sau còn kiểu đó, chúng tao bắt quì xuống và đánh cho mày một trận cảnh cáo. Cho mày đi báo cáo là tao đe dọa trừng phạt mày hôm nay, nghe chưa.” Cái “lá lúa” này bị chúng tôi cắt đi rồi, nhưng trực trại Tống Ðăng Cứ vẫn tin dùng và cho anh ta theo anh em chúng tôi tới A-20 Xuân Phước rồi về Xuân Lộc Z-30A. Ðến Xuân Lộc được một thời gian, anh ta trốn trại bị bắt lại và bị đưa về một trại giam hình sự tỉnh Long Khánh và tại đây anh ta bị căng nọc, bị đánh cho tới chết. (Tôi xin miễn được nêu tên người tù này vì chuyện này qua đi từ gần 3 thập niên và vì không muốn làm thương tổn đến những người còn lại trong gia đình anh).

Nói như trên có nghĩa là, trong những trại tù cải tạo, không thiếu những người cùng là bạn đồng tù nhưng sẵn sàng phản bội anh em. Những kẻ phản bội mà chúng tôi cho rằng nguy hiểm nhất chính là những người được mô tả là những “cần ăng ten” của máy PRC-25. Những báo cáo của họ thường thâm độc hơn và mục tiêu của những cây cần này nhắm vào những thành phần những tù cải tạo có uy tín trong trại, những người mà lời nói của họ được phần đông những anh em tù nhân cải tạo khác nghe theo. Những cần ăng ten này thường rơi vào trường hợp những sĩ quan trung cấp đến cao cấp hay những thành phần được coi là trí thức. Họ báo cáo qua những “hộp thư chết” với cán bộ an ninh trại, phó và trưởng trại giam các vấn đề “lớn” của trại giam chẳng hạn như âm mưu trốn trại (kế hoạch và sự chuẩn bị của những tù cải tạo trốn trại, thí dụ như giấu lưỡi câu, tích trữ thực phẩm khô, chuẩn bị các phương tiện đi rừng hoặc âm mưu phá trại giam, bắt cai tù làm con tin, bí mật liên lạc với các tổ chức phản động đánh vào trại giam, âm mưu kích động nổi loạn hay âm mưu nổi dậy trong trại giam trong đánh ra ngoài đánh vào. Toàn là những chuyện trên trời dưới nước cả, nhưng người ngoài nghe thì ghê gớm lắm. Kỹ thuật báo cáo của họ là dùng những sự kiện có thật (trong thời gian chiến tranh như một vài đồn địa phương quân và nghĩa quân VNCH bị nội ứng để bên ngoài du kích mở cuộc tấn công) lồng vào những điều tưởng tượng của các cần ăng ten PRC-25 này. Những điều có thật dù là cái thật ấy chỉ là quá khứ xa xưa trộn lẫn với phần tin giả sẽ có tác dụng kích thích mối hoài nghi của cán bộ an ninh trại giam khiến cho chúng nhìn đâu cũng thấy kẻ thù và từ đó dồn chúng tôi vào chân tường. Tôi đã từng là một trong những mục tiêu của những cần ăng ten PRC-25 này và hậu quả là đã bị cùm trong chuồng cọp suốt 5 năm liên tiếp. Và tôi cũng sẽ tường thuật tỉ mỉ giai đoạn mà sinh mạng tôi như chỉ mành treo chuông vào những phần sau.

Sở dĩ tôi phải phân tích rõ vai trò của đội trưởng đội lao cải để chúng ta có một cái nhìn bao dung và công bằng hơn là kiểu dư luận cứ ai làm đội trưởng là tay sai cho cán bộ trại giam, dù rằng trên thực tế đội trưởng tốt biết dung hòa giới hạn giữa quản giáo và tù cải tạo để tránh sự căng thẳng vốn đã có của đời tù khổ sai được tăng lên mức độ phải nổi loạn trong tù, chỉ là thiểu số, còn đa số các đội trưởng lao cải đều là những “ông trời con” đi tìm công danh trong chốn lao tù.


Ôi tapioca H-34 có chất độc cyanide lên ngôi thực phẩm chính của tù cải tạo!

Cú ra tay đầu tiên tại phân trại E của A-20 Xuân Phước đối với chúng tôi chính là tiêu chuẩn ăn uống hàng ngày. Quanh năm suốt tháng chúng tôi được cấp phát một khẩu phần được tiếng là “ăn độn” giữa khoai mì xắt lát nấu chung với gạo.

Nhưng trên thực tế, từ lần lãnh thực phẩm đầu tiên tại nhà tù Xuân Phước cho đến lần chót trước khi chúng tôi bị chuyển trại một lần nữa vào năm 1985, tôi chỉ thấy một loại khoai mì xắt lát, trên mỗi lát khoai mì ấy, tôi có thể đếm được bao nhiêu hạt cơm. Thức ăn chỉ có nước muối và canh “đại dương.” Ðã có lần tôi kiên nhẫn ngồi đếm xem cả bữa trưa và tối, khẩu phần của tôi có bao nhiêu hạt cơm. Tôi nghĩ rằng con số mà tôi đưa ra sau đây có thể gây ngạc nhiên cho nhiều người và ngay cả cho nhiều anh em từng là đồng tù với tôi ở những trại khác: khẩu phần buổi trưa, tôi đếm được trong cái tô nhựa được khoảng 7 lát khoai mì khô luộc và số hạt cơm bám trên những lát khoai mì khoảng từ 200 đến 300 hột! Khẩu phần buổi chiều y hệt không có gì thay đổi. Như vậy trung bình một bữa ăn chúng tôi được cấp khoảng 150 gram thực phẩm. Phần buổi sáng thường là 5 lát khoai mì khô luộc chín trước khi đi lao động. Một ngày, cả ba bữa “đình huỳnh,” mỗi tù cải tạo được cấp khoảng từ 300 gram đến 320 gram thực phẩm, trong khi chỉ tiêu một ngày lao động cho mỗi người chúng tôi là đào và di chuyển một khối đất đến đổ ở nơi cách xa hiện trường lao động từ 300 đến 500 thước, hoặc một người phải phát quang 200 thước vông đất, làm cỏ và đánh luống trồng rau, hoặc phải đóng 250 chục viên gạch nếu đội làm ở lò gạch, hoặc phải vào rừng chặt 10 cây tre mỗi cây dài 15 thước mang về trại.

(Ở đây, tôi phải để phần ghi chú về loại khoai mì mà chúng tôi được nuôi ăn trong suốt những năm dài tù đầy dưới chế độ cộng sản trong mở và đóng ngoặc đơn. Nhắc đến khoai mì, chắc nhiều độc giả sẽ tưởng tượng ra những tô khoai mì luộc trắng muốt nhiều bột, ở trên mặt, người bán rắc một ít cùi dừa khô nạo, chút mỡ hành, chút muối mè trộn đường và đậu phọng thơm nhức mũi mà quí vị thường mua ở những quán hàng rong hay tự tay mình chế biến ở nhà cho gia đình dùng. Không làm gì chúng tôi có được loại thực phẩm chế biến mà chúng tôi gọi là thực phẩm thượng đẳng ấy. Ðó là loại khoai mì mà người tiêu dùng ở miền Nam trước đây gọi là khoai mì gòn có lẽ vì nó trắng như bông gòn, còn người miền Bắc gọi là sắn tầu vì gốc mang sang từ Trung Quốc. Tù cải tạo chúng tôi dù ở trại nào cũng phải đi trồng loại khoai mì gòn này, nhưng khi thu hoạch chỉ được nhà bếp tập thể cán bộ luộc chín và cung cấp cho những cán bộ. Còn loại khoai mì mà chúng tôi dùng hàng ngày là loại khoai mì lấy giống từ Ấn Ðộ. Tù cải tạo chúng tôi dùng số hiệu nông nghiệp cho giống khoai mì Ấn Ðộ này là H-34, trùng với số hiệu của loại máy bay trực thăng kiểu H-34 do công ty Sikorsky của Mỹ chế tạo, một loại trực thăng cánh quạt dùng để đổ quân, tản thương hay cấp cứu rất tốt và bền do Hoa Kỳ viện trợ cho Không Quân VNCH từ những năm đầu của thập niên 1960. Cho nên, trong thời tù, anh nào bị say khi khoai mì H-34 do có quá nhiều chất độc đến mức bị chóng mặt ói mửa thường bị chúng tôi đùa cợt là phi công trực thăng H-34 bị Việt Cộng bắn gãy cánh quạt đuôi.

Khoai mì tiếng Anh gọi chung là cassava, tên khoa học là Manihot Esculenta thuộc họ Euphorbiaceae, nhưng khoai mì còn có nhiều tên gọi khác nhau tùy theo từng loại từng vùng, chẳng hạn như manioc, yuca, balinghoy, mogo, mandioca, kamoteng kahoy, tapioca thường được trồng nhiều tại Ấn Ðộ.

Tapioca là khoai mì Ấn Ðộ có nhiều giống khác nhau và năng suất khác nhau. H-34 là một trong vài loại được trồng nhiều tại lục địa này và tại những vùng canh tác của trại cải tạo ở Việt Nam sau ngày 30-4-1975.

Theo nhiều tài liệu khác nhau, nhất là các tài liệu xuất xứ từ viện bảo tàng Larco tại thủ đô Lima của Peru, một viện bảo tàng đồ gốm trong đó có bộ sưu tập gốm mô tả cây nông nghiệp quan trọng của dân tộc này là cây yuca (khoai mì) thì cây khoai mì xuất hiện trong những cánh rừng hoang dại từ 6,600 năm trước Tây lịch ở đồng bằng vùng vịnh Mexico và bắt đầu được canh tác cách đây hơn 1,400 năm cũng ở Trung Mỹ, Nam Mỹ chứ không phải xuất nguồn từ Phi châu như mọi người thường lầm. Nó trở thành thứ thực phẩm chính cho nhiều dân tộc ở Trung và Nam Mỹ, sau đó loại rễ phát triển thành củ có bột này mới lan sang Phi Châu cũng như các châu khác. Khoai mì là loại rễ phát triển thành củ có bột cho một năng suất cao, một củ khoai mì phát triển bình thường ở vùng đất khô cằn, ít mưa có đường kính khoảng 5 phân, chiều dài khoảng 15 phân. Ở những vùng đất tương đối tốt, một củ khoai mì phát triển có đường kính khoảng 10 phân và có khi dài đến 30 phân. Riêng loại tapioca H-34 của Ấn Ðộ có thể phát triển mạnh ở vùng đất cằn cỗi và ít mưa, trung bình một củ khoai mì Ấn Ðộ có thể có đường kính lên tới 12 phân và chiều dài có khi tới 35 phân. Theo Cơ quan Lương Nông Quốc Tế, cho đến năm 2005, Thái Lan là nước xuất cảng khai mì dưới dạng tinh bột lớn nhất thế giới chiếm 77% và tiếp theo là Việt Nam với gần 14%.

Trên thực tế, khoai mì đã trở thành cây kỹ nghệ, nhưng đã có một thời kỳ kéo dài khoảng hơn một thập niên nó trở thành cây thực phẩm chính tại Việt Nam đối với người dân Việt Nam chứ không phải chỉ đối với tù cải tạo chúng tôi.


Tội “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa” trong tù cải tạo!

Cho đến nay, nhiều người còn thắc mắc rằng Miền Nam Việt Nam là một vựa lúa ở Ðông Nam Á và thời kỳ chiến tranh, nhiều vùng đất canh tác lúa trở thành hoang hóa, Miền Nam Việt Nam không đến nỗi thiếu gạo trầm trọng mà tại sao những năm tháng sau biến cố chính trị và quân sự 30 tháng 4, 1975, đất nước thống nhất và hòa bình rồi người dân kiếm ra một hạt gao sao trần ai đến thế? Những tháng cuối năm 1978, khi còn bị cải tạo lao động tại trại Hàm Tân Z-30C, Ban Văn Hóa Thi Ðua do một tù cải tạo vốn là cựu ký giả cho một tờ tuần báo của quân đội VNCH được trại cử làm Trưởng Ban điều hành đã có “sáng kiến” tổ chức một tủ sách (dĩ nhiên gồm toàn là những sách được xuất bản dưới chế độ cộng sản) cho tù cải tạo mượn đọc. Trong một lần anh trưởng ban thi đua để sách vào xe cải tiến đến từng nhà giam rao “hàng” và dĩ nhiên là “hàng” của anh thường “ế độ,” ngoại trừ những tờ tạp chí cộng sản dù nó cũ nhiều so với thời điểm lúc đó. Thời làm phóng viên chiến tranh, Cơ quan đánh giá tình hình an ninh xã ấp và tình hình của đảng Cộng Sản Bắc Việt gọi tắt là HES của Hoa Kỳ, tôi thường xuyên được cho phép đọc những tài liệu này, trong đó những nhà nghiên cứu Mỹ rất hay trích dẫn tờ tạp chí Học Tập.

Cho nên có thể nói, tờ Tạp chí Cộng Sản chính là hậu thân của tờ Học Tập, một loại nguyệt san phát hành hạn chế chỉ dành cho hàng ngũ cán bộ thuộc loại khá cao cấp đọc vì trong đó những bài viết của giới lãnh dạo đảng và họ không ngại ngùng bộc lộ những khó khăn nội bộ tong đảng CSVN. Ở Hàm Tân, tôi thường mượn tờ nguyệt san này. Lúc đầu, những tù cải tạo nào mượn tờ Tạp chí Cộng Sản thường bị các anh em khác chỉ trích nên họ đều bỏ vì chẳng ai muốn anh em làm phiền mình. Cá nhân, tôi giải thích rất rõ ràng tại sao tôi muốn đọc tờ tạp chí đó bởi vì đọc chúng, tôi có thể biết đại khái bối cảnh thực của Việt Nam sau khi người Cộng sản chiến thắng ngày 30 tháng 4, 1975. Tôi nói thẳng ra rằng, dù là bạn đồng tù với nhau, nhưng suy nghĩ không nhất thiết phải là điều gì cũng giống nhau. Ðói khổ và bị hành hạ về vật chất cũng như về tinh thần đã đẩy một số anh em đồng tù đến chỗ cố chấp và hay cắng đắng nhau vì những chuyện nhỏ nhặt. Với những anh em này, tôi nói thẳng với họ rằng trước đây do làm trong hệ thống truyền thông của chính phủ VNCH cho tới sáng 30 tháng 4, 1975, tôi tin mình đủ khả năng để luận đoán những sự việc công khai và những gì đằng sau nó. Ðó là một thứ quyền của người làm truyền thông dù là làm với tư nhân hay với chính phủ. Vả lại, dù đói khổ và bị đàn áp, tôi vẫn còn đủ sáng suốt để hiểu bằng đầu óc của mình rằng không phải bất cứ người nào đọc một vài bài báo, một số tác phẩm của Cộng sản là trở thành người cộng sản ngay. Nếu thế thì những viên chức nam nữ cầm đầu phái đoàn VNCH tại cuộc hòa đàm Paris biến thành cộng sản hết hay sao?

Một trong những số ấn hành từ năm 1977, xuất hiện một bài báo khá dài của tác giả ký bút hiệu là Cửu Long (dường như bút hiệu này được dành riêng cho những nhà lãnh đạo cộng sản sử dụng khi họ viết trên tờ Nhân Dân hay tạp chí Cộng Sản), trong đó tác giả này đã đề cập đến kế hoạch được mệnh danh là kế hoạch đẩy mạnh việc trồng loại khoai mì tapioca lấy giống từ Ấn Ðộ “cho năng suất cao” tại cao nguyên Trung Phần và Miền Ðông Nam Bộ” vì “trong vòng hai kế hoạch 5 năm người dân Việt Nam vẫn còn phải ăn độn từ 40% tới 60%. Gạo sản xuất sẽ phải dùng để xuất cảng, một phần là để trả nợ chiến tranh, phần khác để thu vào ngoại tệ.” Cũng trong bài báo tác giả Cửu Long còn “cảnh báo” rằng đang có tệ trạng những cán bộ địa phương lạm dụng việc đưa dân vào hợp tác xã để “chiếm đất vun quén cho cá nhân mình.” Lúc đó, điều này là một điều mới nhưng ngày nay thực tế rất bê bối của vấn đề đất đai ở Việt Nam là điều không còn gì phải bàn luận nữa.

Cũng trong số các sách cho chúng tôi mượn có một cuốn làm tôi chú ý của tác giả Trần Văn Ðiển, một kỹ sư nông nghiệp nói về các loại củ của một số cây công nghệ như khoai mì, sắn dây, hoành tinh, củ năn, nghệ, gừng... có thể chế biến thành các loại thực phẩm “cứu đói” hay có dược tính chữa bệnh. Tác giả phân tích rất kỹ thành phần các chất trong khoai mì là thứ tù cải tạo chúng tôi đang phải ăn hàng ngày. Theo tác giả này, khoai mì chỉ là một trong những loại củ cho người dùng nguồn chính của carbohydrat và không có gluten, chứ không hề có protein. Vì thế, nếu sử dụng khoai mì với tỷ lệ chế ngự so với gạo trong khẩu phần hàng ngày thì sẽ khiến cho con người bị đẩy vào trong tình trạng thiếu dinh dưỡng, phù thũng hay ốm còi. Hơn nữa, vẫn theo tác giả trên, khoai mì chứa một vài chất độc như cyanide nhất là ở lớp vỏ bọc ngoài, có thể gây nguy hiểm cho người dùng nếu họ không chế biến cẩn thận.

Cho nên, ở ngoài xã hội cũng như trong phần lớn nhà bếp của những trại lao cải tạo hay ở địa điểm lao động tập thể, khoai mì được nhổ lên lấy củ. Muốn luộc ăn, khoai mì phải được ngâm nước ít nhất là hai ngày trước khi chế biến. Nếu là khoai mì lát phơi khô rồi cũng phải ngâm với nước vo gạo ít nhất là một ngày trước khi nấu chín. Có một lần, nhà bếp của phân trại E đem đổ nước đã ngâm khoai mì xắt lát phơi khô xuống hào chung quanh trại có thả cá rô phi, ngày hôm sau những con cá rô phi này chết nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Theo nhiều tài liệu khoa học, trong củ khoai mì không có một chút protein nào, ngược lại trong lá cây khoai mì lại có nhiều protein thực vật. Vì thế, trong trại A-20 Xuân Phước, có một vài anh em vì đói và muốn mưu sinh thoát hiểm nên đã thử ăn đọt lá khoai mì luộc, nhưng họ cho biết rất khó ăn và hơi bị say. 

Phước “Moshe Dayan” là người giới thiệu với tôi loại lá cây khác mà theo anh cũng có nhiều chất đạm. Ðó là đọt lá của “cây hoa cứt lợn” luộc chín. Tôi đã được Phước cho ăn thử một đọt, nhưng do cảm thấy có mùi hắc và nham nhám không thể nuốt được, nhưng Phước “Moshe Dayan” tiếp tục cho đến khi anh lên cơn đau bụng dữ dội. Anh em dìu Phước lên bệnh xá, nơi có một số bác sĩ quân y VNCH (BS Châu và BS Lộc) vốn là những tù cải tạo như chúng tôi được trại đưa lên làm việc ở bệnh xá. Trưởng bệnh xá là một trung úy y sĩ Việt Cộng (ở trong quân đội cộng sản vào thời đó, bác sĩ là từ ngữ để gọi những người tốt nghiệp trường đại học y khoa, còn y sĩ dùng để gọi những người tốt nghiệp trường huấn luyện y tá) và cũng may anh ta còn chút lương tri nên đã chấp thuận đưa Phước “Moshe Dayan” ra bệnh viện Tuy Hòa theo đề nghị của Bác Sĩ Châu và Bác Sĩ Lộc tiếp theo sau cuộc chẩn đoán của họ. Các bác sĩ tại bệnh viện Tuy Hòa đã thực hiện cuộc phẫu thuật và khám phá ra là phân có lẫn bã lá “cây cứt lợn” không đẩy xuống hậu môn để thải ra được làm cho ruột già của Phước bị sưng lên. Ngay chính Phước “Moshe Dayan” khi được đưa trở lại trại đã xác nhận anh sống được là nhờ phép lạ. Phước nói: “Chỉ chậm một chút thôi là chết chắc.

Phước là nông dân miền đồng bằng sông Cửu Long còn giữ nguyên được những đặc tính của miệt vườn: chịu đựng nắng mưa bền bỉ, không sờn lòng trước đói khổ, ngay thẳng và hào phóng. Anh từng là một đảng viên của lực lượng vũ trang của Hòa Hảo. Sở dĩ anh em trong trại gọi anh là Phước “Moshe Dayan” do anh chỉ còn một con mắt. Là một nông dân còn nguyên chất, thông hiểu những loại “rau rác” (từ ngữ của chính anh) có thể kiếm được ngoài đồng hay ở bìa rừng, nên Phước “Moshe Dayan” chỉ cho những anh em bạn tù cách mưu sinh thoát hiểm, nghĩa là chỉ cho biết loài rau dại nào có thể ăn được, loại nào không ăn được, từ rau diệu, cho đến đọt lá khoai mì, rau sam mọc hoang, đọt cỏ thài lài... Mọi điều anh chỉ dẫn đều đúng, nhưng Phước “Moshe Dayan” lầm ở vụ ăn đọt cây hoa “cứt lợn,” vì không phải bất cứ loại lá cây nào có chất đạm là con người có thể ăn được.

Nhưng chỉ ít tháng sau khi đi mổ ruột về, Phước bị vào nằm trong cùm mất gần 1 tháng trời vì tội “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa.” Ở Xuân Phước thường có những cơn mưa lớn hàng năm vào cuối tháng 10. Mưa cũng hay gây ra lũ, nước dâng lên tới bậc thềm buồng giam. Tù cải tạo được nghỉ lao động, nhưng nếu nghỉ lao động thì không thể “cải thiện” rau rác linh tinh ở ngoài bãi lao động được ngõ hầu có thể thêm cặp vào số lượng thực phẩm quá ít hàng ngày. Phước “Moshe Dayan” là người khám phá ra là lá cây cỏ kiểng (hình thù giống lá mồng tơi nhưng chỉ nhỏ bằng móng tay, mầu hơi đỏ trồng dọc theo những hàng gạch trên lối đi từ cổng dẫn vào trại, dọc theo hội trường, nhà văn hóa và quanh các nhà giam).

Phước cắt trộm những lá ấy và cho vào lon gô nấu, cho vào tí nước muối thành canh, rồi hô hoán: “Anh em ơi, cỏ kiểng mà nấu canh ăn hệt như canh mồng tơi.” Một số anh em ăn thử và thấy cũng giống canh mồng tơi thiệt, nhưng cái hậu hơi ngứa ở cổ. Vì cái hậu hơi ngứa ở cổ này nên mới đầu chỉ có một sốt ít anh em hái trộm thôi. Nhưng cái đói Tháng Mười ở Xuân Phước khiến càng ngày càng có đông anh em nấu canh bằng cỏ kiểng.

Như một vài anh em tù cải tạo đã mô tả cái đói của chúng tôi bằng cách ví von chúng tôi như một đoàn quân Mông Cổ, đi đến đâu cỏ không kịp mọc. Cỏ kiểng ở trại A-20 không kịp mọc thật! Vì thế ăng-ten mật báo với trực trại và Phước “Moshe Dayan” bị kêu đi làm việc và sau đó vào nằm chuồng cọp với tội danh do bị “nâng quan điểm” từ việc đói quá cắt trộm cỏ kiểng nấu ăn thành tội “phá hoại tài sản xã hội chủ nghĩa!” Kiểu nâng quan điểm sau những cánh cổng nhà tù cộng sản cùng lắm chỉ mang lại hậu quả là người tù phải vô nằm trong chuồng cọp, nhưng ở ngoài đời mà nhiều người coi chỉ là cái chuồng lớn hơn, người bị nâng quan điểm có khi phải đương đầu với hậu quả là chung thân tù đày, gia đình tan nát.


Miếng bánh bẹp bị cắt: Trò lũng đoạn thâm độc nhưng hiệu quả!

Ðói quá thì không còn sức để lao động nên ra ngoài bãi lao động nhiều anh em tù cải tạo phản ứng bằng cách “chống cuốc,” nghĩa là làm tà tà hoặc không làm, không hoàn tất chỉ tiêu. Khi không hoàn tất chỉ tiêu thì vào những ngày cuối tháng, đội trưởng phải tổ chức các buổi “góp ý, phê và tự phê” rồi “bình bầu” mức ăn hàng tháng cho mỗi tù nhân cải tạo. 

Trên nguyên tắc, mỗi đội phải bình bầu mức ăn theo 4 hạng: A, B, C, D. Nhưng thực tế đội trưởng phải giao nộp danh sách bình bầu chỉ 3 hạng: lao động xuất sắc (hạng A), lao động trung bình (hạng B) và lao động chây lười (hạng C) còn hạng D dành cho những người nằm trong xà lim (chuồng cọp). Về hậu quả, những người bị bình bầu mức ăn hạng C tức “chây lười lao động, khai ốm nhiều lần trong tháng” bị bớt phần ăn vốn một con mèo ăn đã không no của mình để thêm vào phần của những người được xếp vào hạng “lao động xuất sắc.”

Những ai từng sống và từng bị đi tù dưới chế độ Cộng sản đều hiểu rằng cái kiểu “góp ý, phê, tự phê” mà nhà cầm quyền chủ trương vào những năm sau 30 tháng 4, 1975 chỉ là phương thức mà họ dùng để lũng đoạn, bóp bao tử, gây chia rẽ trong khối dân chúng để dễ bề cai trị họ (từ ngữ mà chế độ mới dùng để thay thế cho việc cai trị là từ quản lý). Cho nên, khi ban quản trại A-20 Xuân Phước bày ra trò định mức ăn cho tù cải tạo cũng chỉ với mục đích tạo ra mâu thuẫn để chia rẽ, trừng phạt và hạ nhục anh em chúng tôi mà thôi. Phản ứng của một số những anh em còn sáng suốt và tỉnh táo trong đội lao cải mà tôi đang phải làm công việc khổ sai vào thời điểm đó là giơ tay trong buổi tối sinh hoạt đội khoảng nửa năm sau khi bị đày lên A-20 và nói: “Thôi anh đội trưởng ơi tụi này đồng ý chỉ nhận mức ăn chây lười lao động tức là ăn cái súng lục để đỡ phải bình bầu, gấu ó nhau cho thêm nhục. Các cụ ta đã nói miếng ăn là miếng nhục mà anh đội trưởng, nhưng trong trường hợp chúng ta, miếng ăn là cần thiết. Những ai lao động nhiều hơn thì phải ăn nhiều là hợp lý rồi. Bọn tôi lao động chây lười thì phải ăn ít hơn là lẽ đương nhiên.”

Khi đội trưởng ÐVL, một đại úy thuộc tiểu khu Quảng Trị theo lời khai lý lịch trích ngang của anh ta, còn đang lúng túng chưa biết giải quyết ra sao vì rõ ràng đây là phản ứng chống đối và thách thức trại thì Ðỗ Khắc Minh mà chúng tôi thường gọi anh theo biệt danh thân mật là Minh “cà chua” tương ra thêm: “Ê, tao tình nguyện mức D luôn. Mẹ kiếp, đã đói rồi đói thêm cũng chẳng chết thằng Tây nào chứ tao thấy cứ ngồi mà bình với bầu cấu xé nhau nhục lắm. Ghi vào biên bản ý kiến của tao.” Dĩ nhiên, đội trưởng mà ghi những lời của Minh “cà chua” vào biên bản thì chính đội trưởng cũng mất chức ngay và những ưu quyền được gặp mặt và nhận quà của gia đình của anh ta cũng sẽ thành mây khói. Anh chàng này thì lại thuộc loại ăn khỏe và làm việc hùng hục như trâu để làm sao “vượt chỉ tiêu.” Không biết thời còn phục vụ ở tiểu khu Quảng Trị anh có làm việc xuất sắc như thời tù trong trại lao cải này không, nhưng nếu thấy anh em nào chống cuốc anh cũng xăng xái đến cuốc đất giùm cho đạt và vượt chỉ tiêu quản giáo giao.

Anh em ghét anh ta ở chỗ khúm núm trước cán bộ quản giáo một cách không cần thiết, thứ đến cứ “vượt chỉ tiêu” theo kiểu của anh ta thì chết những anh em kém sức khỏe vì phải ăn đói và phải làm việc nặng. Trong hoàn cảnh bị lưu đày, ai cũng hiểu rằng mình ở cái thế rất yếu nên cũng muốn tìm một giải pháp để không làm “kẹt” anh ÐVL và tương đối dễ thở hơn một chút cho đội. Có hai lý do: Thứ nhất, là những bạn đồng tù sống chết với nhau đã nhiều năm trong trại cải tạo, những người được bình bầu mức ăn hạng A nhận thấy không thể nào muối mặt nhận thêm phần chia được cắt bớt đi của những người bị bình bầu mức ăn hạng C được. Thứ hai, cái đói vẫn có khả năng làm cho một người tù có thể không thấy việc mà một số anh em đồng tù lên án “cướp cơm chim” là muối mặt nữa. Và vụ bớt khẩu phần của những người “chống cuốc” vẫn tiếp tục diễn ra cho đến khi các cựu sĩ quan trẻ tuổi trong đội vận động và áp lực những người nhận thêm miếng ăn của người bị cắt bớt khẩu không nên tiếp tục hành động không xứng đáng với tư cách của một sĩ quan quân đội VNCH. Nhớ lại chuyện này và viết ra, tôi hiểu rằng nhiều người sẽ thắc mắc: “Thế viết ra chuyện nhỏ nhặt này làm gì?”

Và nếu có ai thắc mắc thì đây là lời giải thích của cá nhân tôi:

Thời điểm xảy ra chuyện bình bầu mức ăn, mọi người đã trải qua gần 5 năm đói khổ rồi. Người nào cũng thấy bắp thịt của mình mỗi ngày một teo đi, trong khi hàng ngày mỗi người lãnh được 3 miếng bánh bẹp và nước muối, quanh năm không thấy hơi thịt, cá trừ vào chiều 30 Tết hàng năm mỗi người được phát cho một miếng thịt heo bằng hai ngón tay. Nhiều anh em ngậm miếng thịt vào trong bữa cơm chiều 30 mà không dám suốt, sợ hết. Bánh bẹp là bánh gì? Theo lời những anh em làm nhà bếp, không hiểu sao vào những tháng giữa năm 1980, nhà bếp tù được lệnh đi lãnh bột mì do Canada viện trợ nhân đạo. Bột mì lãnh về, họ cho nước vào nhào thành bánh, cán dẹp xuống, bề dầy hơn nữa phân, diện tích mỗi chiếc bánh bằng lòng bàn tay hình chữ nhật rồi đem luộc chín. Buổi sáng chúng tôi được phát một miếng bằng phân nửa buổi trưa và chiều cùng với một chén nước muối thật mặn.

Những người được bình bầu lao động xuất sắc ngoài phần mình có, họ còn có thêm phần cắt đi từ những miếng bánh của người bị bình bầu mức ăn hạng C. Khi miếng bánh bẹp bị cắt đi một phần thành thử nó biến thành hình của cây súng lục gỗ mà trẻ em Việt Nam được hay chơi. Chỉ có người nào từng qua những trại cải tạo của Cộng sản thuộc kiểu trại Lý Bá Sơ hay Ðầm Ðùn mới thấy được toàn bộ nỗi đau mất nước, nỗi đau của cảnh tan hàng, sụp đổ. Cuối cùng bao nhiêu hy sinh xương máu của thế hệ chúng tôi đã có một kết quả là ngồi trong nhà tù Cộng sản và phải ngồi để tìm cách bớt phần ăn nhỏ nhoi của nhau.

Cái ngạc nhiên nhất của tôi là trong đội vẫn có một số anh em khiếu nại đội trưởng là sao phần bánh của anh ta hôm nay không có phần bánh dành cho người lao động xuất sắc. Còn có nỗi buồn nào, nỗi nhục nào hơn hơn thế không, nhưng đó là thực tế mà tôi thấy những hồi ký về cuộc lưu đày sau 30 tháng 4, 1975 đều không nhắc tới và thay vào đó là những trang sách toàn những gương anh hùng trong trại giam. Tôi cho rằng gương anh hùng cũng nhiều thật, nhưng nó không nhiều bằng những tấm gương của cả một khối người, tuy thất trận, tuy gãy súng như Cao Xuân Huy mô tả đã cắn răng chịu đựng sự hành hạ của cái bao tử lúc nào cũng lép kẹp, trống rỗng để giữ cho mình thẳng lưng trước kẻ thù và chung thủy với anh em. Sự lựa chọn giữa cái đói cào cấu và sự giữ thẳng lưng cũng như nhân cách là một sự chọn lựa khó khăn!

Cuối cùng chỉ có một số rất nhỏ cứ hay nhì nhằng về cái “phần thưởng” hớt từ bát cơm của chính anh em khác. Nhưng chỉ nội chuyện này không đã làm cho kẻ địch cười vào mũi chúng tôi, nên phải có một thái độ. Những anh em sĩ quan trẻ tuổi nhất lãnh đạo kế hoạch “bình định” này: Phạm Ðức Nhì, Nhàn “cụt,” Ngọc “đen, Hải “Bầu, Tú Cường, Minh “cà chua,” Hải “cà”... vốn là những người lúc nào cũng sẵn sàng dùng bạo lực với những kẻ không biết điều và sống với anh em hàng ngày nhưng lúc nào cũng tơ tưởng ngoài trại.

Các anh em này liên lạc với các đội khác và nhà giam khác để cùng thi hành một lúc kế hoạch chung: cứ để cho mọi chuyện diễn ra như bình thường, nhưng sau khi được chia khẩu phần, số đông tự nguyện mang trả lại những anh em bị cắt bớt khẩu phần. Thành phần còn lại anh nào mở miệng ra khiếu nại với đội trưởng về phần thưởng lao động xuất sắc bị cảnh cáo ngay, “Tiếp tục thực hiện tình huynh để chi binh và đoàn kết, ai chống lại thì chỉ có cách ôm mền chiếu ra ngủ ngoài trại với cán bộ thì mới an toàn tính mệnh. Các anh không biết nhục mà không nhìn thấy cảnh mỗi khi chúng ta bị chuyển trại được dân chúng giúp đỡ đầy tình quân dân cá nước hay sao.”

Thông điệp này có kết quả nhờ vào sự cương quyết của phần đông những sĩ quan quân đội trẻ tuổi vẫn còn hừng hực lý tưởng. Cũng chính vì thế mà chúng tôi dù vẫn phải bình bầu mức ăn, dù danh sách bình bầu vẫn được đội trưởng gởi đi, nhưng trên thực tế, chẳng bao giờ nó được thực thi cả. Có những đội sau này vẫn bình bầu mức ăn nhưng anh em nào được cử chia khẩu phần mỗi ngày vẫn chia đồng đều như bình thường, không cần A, B, C nữa và cũng chẳng có cần ăng-ten nào dám giương ra riêng đối với vụ bình bầu mức ăn và chia khẩu phần tại trại A-20 Xuân Phước. Tuy nhiên, nói đi thì cũng nên nói lại cho cân bằng. Dĩ nhiên, khi đọc đến đây có một số độc giả sẽ cho rằng tôi nói quá chứ trong tù chia sớt công bằng khẩu phần với những bạn đồng tù là nghĩa vụ tự nhiên chứ có gì gọi là can đảm. Tôi không phản đối nếu người nào có ý kiến này, nhưng tôi cũng thấy có bổn phận phải giải thích thêm: nghĩa vụ chia sẻ đồng đều và công bằng không phải là một ý thức tự nhiên giữa những người dân sống với nhau trong một xã hội bình thường.

Trong môi trường đói khổ và bị đàn áp, trong môi trường tù đày không thấy có ngày ra, trong điều kiện lao động khổ sai để trả nợ áo cơm hàng ngày bằng cái khẩu phần ít ỏi nói trên, một lát khoai mì, một hạt cơm quí vô cùng. Cho nên, vào hoàn cảnh này phải có một ý thức còn trong sáng về nhân cách, lòng trắc ẩn và sự can đảm mới có thể đối xử được tử tế với các anh em bạn tù chung quanh mình. Hơn thế nữa, bọn cán bộ trại giam Cộng sản sẽ tìm cách triệt hạ bất cứ một người tù nào bằng cách này hay cách khác nếu thấy người tù ấy còn đủ sáng suốt để làm cho những âm mưu hạ nhục và nhất là âm mưu dùng sự kiểm soát bao tử để làm tê liệt suy nghĩ chính đáng của tù cải tạo không thành công.

Một người bạn tù có thể sẵn sàng không lấy phần chia thêm bằng cách bớt khẩu phần của người bạn của mình, nhưng mặt khác anh có thể không thích phần chia của anh ít hơn của người khác. Ðó là lý do tại sao đã có nhiều cảnh diễn ra không được đẹp trong nhũng buổi chia khẩu phần ăn tại một số trại cải tạo. Phải mất nhiều năm sau, hình ảnh này mới không còn tiếp diễn nhờ vào nỗ lực của khối tù nhân cải tạo, không ai bảo ai, đã mở cuộc vận động giữ gìn “đói cho sạch rách cho thơm” chứ không phải nó đến một cách tự nhiên ở một môi trường rất dễ diễn ra cảnh giậu đổ bìm leo như mội trường ở đằng sau các cánh cổng nhà tù dưới chế độ Cộng sản. Từ thuở học vỡ lòng cho đến khi trưởng thành trong một đất nước nội chiến dài dặc, ai cũng thấy ngạn ngữ được rao giảng “đói cho sạch rách cho thơm” nói ra để cho người khác một bài học luân lý đạo đức thì dễ, nhưng thực hiện thì khó muôn trùng.

Cho nên nói những chuyện to tát như chống Cộng, diệt Cộng không có gì khó khăn đối với những người có cái loa miệng, ai cũng có thể nói được. Nhưng không phải ai cũng làm được. Do vậy, trong trại giam cũng có những thành phần không bao giờ hành động nào gọi là chống đối chế độ cả, nhưng họ sẵn sàng lên án người khác “đầu hàng kẻ địch,” “chao đảo,” “không giữ vững lý tưởng quốc gia”... Họ không thể hiểu rằng muốn đứng thẳng lưng trước kẻ thù, ai cũng phải trả cái giá để bảo vệ nó. Rút cục nhân cách, lý tưởng, lập trường chống Cộng đều phải đổi lại bằng những năm tù đầy lâu dài lắm dưới chế độ Cộng sản.


Những quyết định khó khăn nhất trong đời tù

Ăn đói, làm việc nặng, nhưng khi đau ốm thì cũng chỉ có “xuyên tâm liên,” một loại lá thuốc nam sơ chế được cấp phát cho tất cả mọi tù nhân cải tạo khai bệnh tại bệnh xá từ nhức đầu, đau bụng, cao máu cho tới thổ tả, kiết lỵ, nhiễm trùng đường ruột, lao phổi. Chúng tôi châm biếm cái loại thuốc viên từ lá cây xuyên tâm liên nghiền nát đóng thành viên này là thuốc “cải sinh thành tử” hoặc là thuốc “cải tiến thành lùi” lấy từ ý tưởng chiếc xe cút-kít hay chiếc xe bò do người kéo thì được người Cộng sản gọi là “xe cải tiến.” Sự lộng ngôn này quả thực là một sự lăng mạ vào nền văn minh của nhân loại. Và một điều mỉa mai và cay đắng đối với chúng tôi chính những người chủ trương lăng mạ nền văn minh kỹ thuật của thế giới lại là những người chiến thắng, những người nói gì chúng tôi cũng phải nghe chỉ vì thuộc vào phe thất trận. Nhưng chưa hết, ở mỗi trại cải tạo có một bản nội qui, một văn kiện pháp qui rừng rú được đặt ra chỉ nhằm sỉ nhục những người đã ngã ngựa như chúng tôi. Một số tác giả khi viết lại hồi ức về thảm kịch thường gọi những người người Cộng sản là “thằng ngu thắng trận.” Dùng thứ ngôn ngữ này trong các hồi ức của mình hay trong những chuyện dân gian châm biếm sẽ phản tác dụng. Bởi vì nếu bảo rằng những người Cộng sản ngu dốt nhưng vẫn thắng trận thì rõ ràng “đối thủ” của họ còn ngu hơn !

Trở lại câu chuyện, tôi muốn nói tới “8 Ðiều Lệnh Nếp Sống Văn Hóa Mới” buộc các tù nhân trong các trại cải tạo phải “sống một cuộc sống văn minh, ăn ở phải sạch sẽ, dùng các thức ăn nấu chín, giữ trật tự và tự giác giữ an ninh trại giam.”

Nhớ lại thời gian ở Hàm Tân Z-30C, láng trại dù là nhà tranh vách đất, sàn ngủ hai tầng bằng gỗ nhưng sạch sẽ không thấy một cọng rác cũng đều là do công tù. Trại nào mà các tù nhân cải tạo không phải thành lập còn một đội vệ sinh trong trại.

Do nhìn thấy môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của anh em trong trại, nên các tù nhân trong đội vệ sinh trong trại làm việc rất tích cực. Tuy nhiên, sức người có hạn nên ở các khe ván gỗ, một đội quân rệp hùng hậu vẫn núp trong chiếu mùng, con nào con nấy no kềnh vì hút máu tù đến nỗi không bò được, cầu tiêu trong nhà thuộc loại cầu tiêu thùng được kiến thiết theo kiểu cầu tiêu thùng năm 1940 ở ngoài Bắc, nước giội cầu thì ít, giấy vệ sinh là giấy báo hay giấy bao xi-măng do tù tự kiếm lấy, mùa gió lùa vào trong cầu luồn vào láng mùi hôi thối và khai của phân và nước tiểu, buổi sáng, các anh em trong đội rau xanh phải gánh các thùng gỗ chui vào hầm cầu mang những thùng cầu đổ vào một thùng gỗ lớn rồi cứ hai người một khênh ra ngoài bãi lao động hòa với nước và tưới lên các luống rau cải. Cải bẹ xanh lớn như thổi, nhưng đội thu hoặc về chỉ gánh vào nhà bếp cán bộ. Họ gánh ra suối nhúng sơ sơ rồi đem về luộc chín. Ấy vậy mà nhiều lần dịch thổ tả lây lan suốt tiểu đoàn công an vệ binh. Vào những dịp ấy, do sợ bệnh dịch nên một số lượng rau cải mới được đưa xuống nhà bếp tù. Tuy nhiên, những lần tù cải tạo được phát canh cải bẹ xanh, một số anh em tuy đói và thèm rau cũng vẫn không dám dùng. Lý do là sợ bị kiết lỵ và khi tù bị dịch tả xuống bệnh xá khai bệnh mà chỉ được cấp những viên xuyên tâm liên có khi cái chết đến còn mau hơn. Nhưng quyết định không ăn rau cải dù đã nấu chín với muối trong khi bụng đang rỗng cũng trở thành một quyết định rất khó khăn. Cái khó khăn và thử thách ấy cũng giống như tình trạng suốt cả năm chỉ vào ngày Tết mỗi tù nhân mới được một miếng thịt nhỏ, làm thế nào mà một tu sĩ Phật giáo trong chốn lao tù không phá giới nếu các vị tu sĩ ấy không đủ ý chí để vượt thắng chính bản thân mình.

Sự ngược ngạo của cái gọi là “nếp sống văn hóa mới” trong các trại cải tạo của Cộng sản còn nằm ở một điểm, đó là cứ vào mỗi sáng Chủ Nhật kéo dài đến chiều, trại Hàm Tân Z-30C mở nhạc cổ điển Tây phương diễn giải được khuếch đại qua một cái loa lớn treo trên cái cột gần bệnh xá cho chúng tôi nghe trong lúc chúng tôi hì hục suốt cả buổi chỉ để chế biến khoai mì lát, bo bo, bắp hay rau rác tập tàng cho dễ ăn hơn! Một vài bạn đồng tù với tôi không chịu được sự ngược ngạo như thế bực quá văng tục: “Ðm... đáng lẽ thằng Cứ (Tống Ðăng Cứ, một thượng sĩ công an người Tầu lai ở khu Ðông Kinh, Hải Phòng, cán bộ trực trại) phải đem bàn trải khăn trắng rồi đốt nến cho chúng ông xơi khoai mì lát mới là nếp sống văn hóa mới.” Một bạn tù khác, Luật Sư Ngô Quốc Việt chen vào: “Thôi, tôi lạy các ông. Thà cố gắng làm quen với các bác Mozart, Chopin, Beethoven, Brahms... còn hơn nó tra tấn mình bằng cái giọng eo éo của Tầu qua các bài tụng như 'Bác cùng chúng cháu hành quân', “Mùa hoa likima nở', 'Tiểu đoàn 307'... thì điên mẹ nó lên mất.” Ðại khái cái nếp sống văn hóa mới của xã hội chủ nghĩa là như thế ở trong các nhà tù nhỏ cũng như trong các nhà tù lớn hơn tại Việt Nam, chưa kể đến cuộc sống đói khát đến nỗi ra bãi lao động, con gì mà nhúc nhích được cũng bắt đem nướng ăn. Giáo Sư Joe Brinkley, một giáo sư dạy về môi trường ở Ðại Học UC Berkely trước đây từng thăm Việt Nam và cáo buộc người Việt Nam “ngả” hết chó để ăn thịt cho nên ông không còn thấy chúng chạy ngoài đường nữa. Ông đã từng bị phản ứng gay gắt về những lời lẽ quá đáng này. Nhưng chắc ông còn ngạc nhiên hơn nếu vào năm của các thập niên 70, 80 và 90 ông đến thăm các trại cải tạo và lúc đó tôi tin rằng lúc đó ông sẽ mau mắn “phán” ngay: môi trường ở các trại cải tạo Việt Nam sạch đến nỗi không còn một con chuột cống hay chuột chù nào còn có thể sống được!

“Nếp sống văn hóa mới” xã hội chủ nghĩa ở tại A-20 Xuân Phước cũng có những điểm tương đồng như các trại khác, nhưng mức độ “lên gân” gay gắt hơn. Ðói khát như thế, nhưng tù nhân cải tạo nào kiếm được rau rác hay bắt được ếch nhái phải làm cách nào tiêu thụ ngay ở bãi lao động chứ nếu mang về trại là bị khám xét rất kỹ, bị tịch thu và tù cải tạo bị phạt, nhẹ thì kiểm điểm và nặng thì vào cùm, đúng nội qui thì thời hạn trừng phạt là 7 ngày nhưng cũng có thể “nghi can” nằm trong cũi vài ba tháng, một năm không chừng tùy theo đối tượng có thuộc thành phần bị ghi sổ đen hay không. Trong thời gian nghi can bị cùm, cán bộ an ninh trại giam thường gọi các tù nhân bị kỷ luật ra làm việc. Hắn không hỏi tù nhân về tội vi phạm “8 Ðiều Lệnh Nếp Sống Văn Hóa Mới” mà áp lực tù cải tạo phải khai báo về những chuyện khác lớn lao hơn trong đội hay trong nhà giam như âm mưu trốn trại, gởi thư chui ra ngoài, hô hào nổi dậy, tổ chức hát tù ca, tổ chức các lễ trọng của VNCH: Ngày Quân Lực 19-6 và Quốc Khánh 1-11, họp khóa trong số những cựu sĩ quan và cựu công chức. “Nói KHÔNG” hay “Nói CÓ” đều bị nhốt lâu và bị thẩm cung liên miên nếu tù cải tạo bị bị liệt vào danh sách “cứng đầu” trong trại.

Ở trong điều kiện của đời sống như hiện nay tại Hoa Kỳ, đề cập đến chuyện “nói KHÔNG” trong tù thì dễ nhưng trong điều kiện của trại trừng giới A-20 Xuân Phước vào thời điểm từ 1979 đến 1987, việc phủ nhận các lời cáo buộc hay nâng quan điểm của bọn cán bộ trại giam bao giờ cũng trở thành một thử thách với tù nhân. Người tù cải tạo ở những trại không phải là loại trại “A” sẽ rất ngạc nhiên nếu họ nghe thấy một tù nhân nào từ A-20 Xuân Phước nói là mình bị cùm một tháng chỉ vì đem rau rác từ bãi lao động nhập trại hay nấu nướng trong phòng giam. Nhưng tôi có thể giải thích điều này: ở trại A-20, việc một tù nhân bị cùm một vài tháng hay cả năm trời vì “tội phát biểu linh tinh,” “vi phạm điều lệnh nếp sống văn hóa mới” là một án nhẹ so với mức trừng phạt cùm hai chân từ 3 năm tới 5 năm trong xà lim hay chuồng cọp cá nhân.

Nhưng khi quyết định đưa một tù cải tạo vào chuồng cọp thì không phải là bọn an ninh trại giam muốn anh ta phải nhận tội cho chính anh ta mà thôi. Chúng muốn dùng áp lực để người tù nhận tội, nhưng sau khi nhận tội anh ta sẽ phải khai ra tổ chức của mình trong trại giam. Trong khi, điểm quan trọng nhất là một người tù còn nhân cách và không hèn nhát, phản bội anh em thì phải biết “nói KHÔNG” với điều sau này. Nhưng muốn làm một tù nhân cải tạo thật đàng hoàng cần phải hiểu một thực tế: dù mình có nhận tội hay không nhận tội thì vẫn bị cùm như thế. Vậy thì tội vạ gì mà phải nhận tội và khai gian cho anh em. Nằm trong cùm bị bớt khẩu phần và nước uống nhưng không phải lao động khổ sai để đổi lại 300 grams thực phẩm mỗi ngày. Nằm cùm dù bị cắt bớt khẩu phần có đói đến lả đi nhưng sẽ không chết trừ phi bị nhiễm kiết lỵ.

Ngược lại ở ngoài trại, lao động nặng lại ăn uống thiếu thốn kiểu đó, bị lao phổi có khi lại chết mau hơn không chừng. Cuối cùng muốn giữ nhân phẩm, duy trì nhân cách và khí tiết, một người tù cải tạo phải biết chấp nhận phần xấu nhất cho đời tù của mình, đó là sẵn sàng ra nằm ở Ðồi Thông (nghĩa địa của tù nhân cải tạo). Sự chấp nhận ấy là chiếc chìa khóa hóa giải bất cứ sự sợ hãi nào.

Phân tích và quyết định như thế khiến tôi yên tâm và coi việc nằm chuồng cọp là một hình thức nghỉ ngơi. Ðó cũng là lý do tại sao giữa vòng vây của an ninh trại giam và những nội gián trong số bạn đồng tù với mình, tôi gấp rút chuẩn bị cùng với một số anh em khác đồng chí hướng cho ấn hành một nguyệt san lấy tên là “Hợp Ðoàn,” một nguyệt san chỉ có một ấn bản viết tay duy nhất và bí mật lưu hành trong trại, nhưng lúc nào chúng tôi cũng chuẩn bị nếu có cơ hội là gởi qua nước ngoài. Việc lưu hành tờ báo kéo dài tới khi tôi bị đưa vào chuồng cọp vài ngày trước 30 tháng 4, 1981. Sau đó, một vài anh em khác cộng tác với tôi còn ở bên ngoài cố gắng duy trì tờ báo, nhưng sau đó anh em tính toán rằng tôi có thể bị cùm lâu năm nên họ tự động ngưng không hoạt động nữa theo lời yêu cầu trước của tôi mà trong phiên họp đầu tiên của tòa soạn bí mật đã đồng ý với mục đích để bảo đảm an toàn sinh mạng chính trị cho anh em. Bởi vì vào thời điểm ấy chúng khám phá ra được sự việc, bọn an ninh trại giam đem chúng tôi ra bắn ngay.

Thời gian, chúng tôi chuẩn bị ra báo thì trong trại có nhiều biến động. Trước hết là vụ “No Eat, No Work” tức là không cho ăn uống đàng hoàng thì không lao động, một phản ứng của các tù cải tạo mang “án cao su,” mỗi án tập trung là 3 năm lao cải, nhưng người tuyên án thường “cà lăm” khi ra án quyết. Chúng tôi thường nói đùa nhau như thế, nhưng sự thực tất nặng nề hơn nhiều. Về bản án “cao su” mà chúng tôi đang phải mang trên vai, có một câu chuyện cười rất lạ lùng nhưng có thật trong trại A-20 Xuân Phước. MHR là một thanh niên nông dân ở Tân Châu. Anh chỉ là một binh nhì quân dịch thuộc Trung Ðoàn 31 Sư Ðoàn 21 Bộ Binh/VNCH. Sau 30 tháng 4, 1975, anh tham dự Mặt Trận Phục Quốc và bị bắt tại Ðồng Tháp tháng 10 năm 1976 trên đường đi họp tổ kháng chiến. MHR không bị đưa ra tòa mà chỉ bị tập trung cải tạo ở một trại tên là trại cải tạo Kinh 5, sau đó bị đưa lên Z-30D và bị “thanh lọc” rồi bị đưa đi trừng giới ở A-20 Xuân Phước.

Là nông dân chính gốc, MHR hay lui cui tìm những chỗ đất trống nhưng khuất để gieo xuống những hạt cải, đậu bắp hay rau muống. Một hôm, vào khoảng trước tết năm 1980, không biết MHR xin ở đâu được một hạt sầu riêng. Ðang lui cui trên bờ rãnh thoát nước trên bờ giếng nhà giam số 1 thì một vệ binh súng dài đi ngang. Thấy MHR đang chôn giấu gì, anh ta lên tiếng: “Ê, cái anh này, chôn giấu gì đó, moi lên coi.” MHR cúi xuống moi lên một hạt sầu riêng. Anh chàng Vệ binh súng dài mặt non choẹt hỏi: “Hạt gì mà trồng ở đây, chỗ đó đâu phải chỗ để canh tác?” MHR thành thật trả lời: “Thưa cán bộ, tôi trồng sầu riêng.” “Bao lâu cây sầu riêng mới ra trái? Vệ binh súng dài thắc mắc. MHR cười cười rồi nói: “Trồng bằng hạt thì 15 năm mới có trái.” Anh chàng vệ binh cũng bật cười rồi nói trước khi bỏ đi: “Vậy thì anh ở đây chờ ăn trái sầu riêng đầu tiên rồi hãy về nhé.” MHR không phải chờ đến mùa ra trái đầu tiên của cây sầu riêng mới được thả, nhưng anh cũng phải bóc tới 10 cuốn lịch.

Vụ “No Eat, No Work” thất bại vì nói chung là thiếu sự đoàn kết đồng lòng và là một trong những bài học cụ thể cho thấy “nói KHÔNG” đối với người tù không phải là một quyết định dễ dàng dù người tù lúc đó đang bị đẩy vào chân tường. Sau vụ này, những người chủ trương như PĐN, NTC, NVL tự “LBô,” CTT và một số anh em lên từ Z-30D bị đẩy vào chuồng cọp dễ cũng đến nửa năm. Họ bị cùm hai chân và là những người đầu tiên phải đối phó với chế độ thực phẩm được họ gọi là “hai muỗng cơm, hai muỗng nước,” một mức độ trừng phạt có thể nói rằng khắt khe nhất trong số những chuồng cọp được xây dựng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Cơm được chan nước muối mặn chát, nhưng nước uống thì một bữa 2 muỗng. Lối nhục hình ấy khiến người tù phải đối phó một cách tuyệt vọng bởi những cơn khát cháy cổ đến nỗi phải giải quyết bằng cách liều lĩnh uống nước tiểu của nhau. Nhưng nếu không muốn bị lả đi và rơi vào tình trạng hôn mê vì mức độ khát gia tăng thì phải chọn lựa, hoặc là hy sinh chút nước rửa cơm cho bớt mặn hoặc muốn uống cả hai muỗng nước thì chỉ nên ăn một nửa muỗng cơm. Sựa lựa còn này cũng rất khó khắn, hầu như khó vượt qua.

A20 Vũ Ánh

(Còn tiếp)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét