14.7.14

Câu chuyện cùm thứ hai: Long, Thành, Hòa


 A20 tháng Chín 1993. 


Từ đường ngoài cổng thăm nuôi, đi qua dãy nhà cơ quan, bước qua cổng trại giam sẽ thấy ngay bên tay mặt là hai dãy nhà của khu A. Ðó là nhà 1A và 2A. Nhà 1A và 2A nối với nhau bằng một khu nhà cầu xây bệ cao chừng 80cm. Mỗi nhà cầu có bốn bệ ngồi, ngăn cách nhau bằng những bức tường lửng cao chừng 70cm. Hai nhà là 8 bệ cầu. Giữa 8 bệ cầu có một tường bê tông xây bít để ngăn cách riêng biệt cho hai nhà. Mỗi bệ cầu có một lỗ thông 18/20cm để phân lọt xuống một cái thùng sắt đã để sẵn, có lối thông ra phía tường sau của hai nhà buồng. Mỗi sáng, tù trực sinh sẽ khênh các thùng phân ra ngoài các đội để hoặc cho cá ăn, hoặc tưới cho các luống rau muống.

Khu nhà buồng 1A và 2A có tường cao 2,50m chung quanh. Trên đầu tường là hàng rào kẽm gai, giăng mắc nhiều làn dây điện nối với nhà máy phát điện độc lập của trại. Kiến tạo cũng y như vậy với khu nhà 3A, 4A. Ðây được coi là các khu nhà giam nhốt những tù trọng án.



Ði qua hai khu trọng án 1,2A và 3,4A sẽ lọt vào tầm mắt là một khu vườn rau xanh ngát. Coi sóc khu vườn rau này là hai người tù can tội vượt biên. Cả hai đều đã già. Một trong hai chỉ còn một chân. Ðây cũng là nơi nhân ra những cây bông kiểng, chủ yếu là vạn thọ và cúc, không có những thứ lay ơn hay thược dược, mào gà… diêm dúa như ngoài trại 5 Thanh Hoá.

Qua khu vườn rau là khu vực nhà bếp. Ðây là nơi Phạm DũngLê Sơn làm việc cùng với Trương Văn Sương, Thượng tọa Tuệ Sĩ, Linh mục Hiếu dòng Ðồng Công, Ðinh Văn Bé , Ðỗ Bạch Thố, Hoàng Đình Mỹ, người tù Fulro có ánh mắt xanh và chừng chục người khác làm bên khâu chất đốt.

Bên cạnh nhà bếp là khu cùm kiên giam 1. Ðây là khu vực nổi tiếng vì đã cùm dài ngày những nhân vật được phong lên hàng huyền thoại của A20. Từ linh mục Nguyễn Văn Vàng đến các linh mục Minh vụ án Vinh Sơn, nhà báo Vũ Ánh, Nguyễn Thanh Khiết, Lê Thụ, Trần Minh Tuấn, Hoàng Xuân Chinh, Vũ Đình Thụy, Trần Văn Long, Lê Quý Hòa, Ðỗ Bạch Thố… đều đã kinh qua những đêm dài tươm máu và đói khát ở đây.

Cạnh nhà bếp, phần giáp ranh với nhà văn hóa có một khoảnh vườn rộng, xưa là vườn thuốc nam, nay mọc toàn giềng. Trên là tán dừa phủ kín dưới là giềng. Những câu chuyện kiên giam cùm xích… các anh đã cho tôi được nghe, đa phần là ở khu vườn này trong những buổi trưa vắng lặng. Tôi ngồi nghe lặng lẽ, với ấm trà mộc, với con chó hoàng đầu bé tí, bên những khuôn mặt khắc khổ của những người tù lưu cữu. Tôi những khi chuyển trại đều phải cùm chân còng tay với những người khác, nhưng cái sự cùm ấy so với cảnh tù cùm biệt giam thật không thấm tháp gì. Tôi muốn biết cảm giác của những con người chỉ sống với bê tông, cùm kẹp, đói lạnh và bệnh tật. Ðiều gì đã làm cho họ vượt qua được sự đói khát nhục nhã và cô đơn khổng lồ ? Tôi có 7 tháng biệt giam điều tra ở B34 Sài gòn, sau 4 tháng đầu vật lộn vần cung, là những tháng còn lại rất rất thèm nghe tiếng người. Bất cứ thứ tiếng gì, thậm chí điều tra hay chửi bới. Tôi thật sự cảm thấy rất thèm được nghe, được nhìn con người. Cảm giác thèm thuồng khao khát này, tôi chưa bao giờ chuẩn bị cho mình, trong suốt những năm tháng đã qua, khi từ giã tuổi thanh niên bước chân vào cuộc tranh đấu chống cộng. Từ ô cửa gió 15cm của cánh cửa sắt, tôi khom mình ghé mắt đăm đăm nhìn ra ô tường gạch hoa thông ra bên ngoài nhà giam, nơi có vài vồng  sắn với những lá cây khoai mì xanh thẫm. Ở đó mỗi buổi sáng có vài con chim sẻ nhảy nhót choãnh chọe nhau. Sáng nào tôi cũng khom khom như vậy, cảm giác thèm tự do, thèm nghe tiếng con người dâng lên thật da diết…

Vậy mà những người trước mặt tôi đây, có những người hàng năm trời sống đời kiên giam lặng lẽ. Ngày vài lát khoai mì và nửa chén nước muối, độc chiếc quần xà lỏn vừa đủ che nắm củ giống dặt dẹo. Chân thì dính chặt với ổ cùm sắt.

Tôi hỏi Trần Văn Long:

- Chế độ ăn uống ra sao ?

- Mấy lát khoai mì, nửa bát nước muối !

- Vậy thôi à ?

- Ừ !

- Tắm rửa ?

- Miễn đi ! -  Long vừa nói vừa cười như mếu.

- Cha Vàng cũng vậy à ?

- Không biệt lệ !

Long mình trần, người Long kín đặc hình hai con rồng. Hai con rồng ốm quắt queo như hai con lươn đang bị treo phơi nắng. Tôi bật cười khi dõi mắt tìm mấy sợi râu rồng mà chắc chắn  người xâm đã phải vẽ trên  ngực Long. Long chột dạ nhìn tôi:

- Nhìn chi dữ vậy cha ?

- Kiếm cái râu rồng !

- Thôi đi cha ! Khùng vừa vừa thôi ! Long kéo manh áo tù vắt trên hàng rào. Tôi hỏi tới:

- Xâm ở đâu vậy ?

- B4 Trà Ếch Hậu Giang ! Sau đó là tụi nó kêu tui là Long rồng ! Lúc ấy còn ngon lành. Cùm mấy trận, tiêu hết trơn !

Tôi ngậm ngùi nhìn xuống hai đầu gối Long. Hai bàn tay Long đan chéo vào nhau đặt trên đầu gối. Thân hình này cân cả chì lẫn chài may ra được hơn bốn chục, trong khi Long cao gần bằng tôi.

Có tiếng con chó con hực hực mấy cái, đầu hướng về phía nhà bếp. Cả tôi và Long cùng quay nhìn về cổng nhà bếp. Nguyễn Thành đang ưỡn ẹo đi về phía chúng tôi, một tay chống cái gậy con con, một tay múa may giữ thăng bằng. Cả thân hình Nguyễn Thành lúc nào cũng như muốn ngã ngửa ra phía sau. Trong trại này, duy nhất có Nguyễn Thành mang dép cao su Bình Trị Thiên. Ai cũng hiểu đó là cách Thành tìm chỗ dựa thêm cho hai gót chân vốn đã đứt mất gân nhượng.

Thành đến, khó nhọc mới ngồi xuống được cái ghế đôn tôi vừa đẩy sang. Thành da trắng, mắt cực sáng, quơ tay cầm lấy cây đàn dạo ngay vào khúc nhạc “cô hái mơ”. Long đứng lên, tay đưa tôi chiếc ghế rồi đứng tựa vào gốc dừa. Thành đàn và hát một mình. Hàm răng trắng đều gần như chiếm hết cả khuôn mặt khi Thành hướng mắt về phía hàng rào có lũy tre cao ngất nghểu sau tường trại. Năm ngón tay khẳng khiu của Thành vừa rải dây vừa đập vừa gõ. Âm điệu nửa Rhumba nửa Bacha làm tôi như đăng đắng ở cổ họng. Ðiệu nhạc nhảy êm đềm rộn rã vẫn là đây nhưng Paris hoa đèn giờ tôi chắc không bao giờ còn thấy nữa, những mái tóc buông lơi của bạn bè mượt mà dưới ánh đèn không còn nữa, mà là những bẽ bàng ngang trái. Tôi và bạn hữu mới nơi đây bây giờ là những người tù trọng phạm. Bên tôi giờ này đây là Nguyễn Thành đã tù 14, 15 năm ! Mẹ già không ai nương tựa. Người yêu xa vắng với Thành là hai đầu của một con sông đục ngàu ý thức ! Khối tình oan trái không biết ai để sẻ chia ! Thân vừa là tù trọng phạm, vừa là phế nhân. Thành chỉ còn cái đầu và trái tim nồng nàn nhân ái. Tôi nhớ đêm đầu tiên cầm trong tay những bài thơ do chính tay Thành thủ bút, bảo tôi gởi ra công luận quốc dân quốc tế, có bài viết về người em gái Ðồng Lộc ! Tôi hiểu được khối tình năm xưa của Nguyễn Thành không bao giờ chết, dù cho người con gái  ấy đã làm Nguyễn Thành chết đứng suốt cả một cuộc đời.

¤

 A20 sau khi chưởng môn Lê Sáng rời đời tù, còn lại ba người tù mang đẳng cấp võ sư. Lê Ngọc Vàng người miền nam và Lê Kim, Lê Quý Hòa người Huế. Lê Kim tướng pháp dềnh dàng, tính tình sởi lởi cởi mở khác hẳn với Lê Quý Hòa. Hòa luôn mang những nụ cười tắt ngấm bất ngờ ở đoạn cuối đường băng. Lê Kim chọn cách trung hòa để có thể ra ngoài trại luyện tập võ công, xây dựng nhân lực môn phái. Học trò của Lê Kim không phân biệt xuất xứ, cả công an, cả con em công an, cả dân lành và người dân tộc, cả những người tù làm rộng sắp hết án. Trong đầu của Lê Kim chỉ thao thức đến mệnh hệ môn phái. Lê Kim là con của chưởng môn trong khi Quý Hòa là đệ tử xuắt sắc tâm đắc nhất của chưởng môn…

Với Hòa, chân trời võ thuật đã tắt hẳn, còn chăng là những thổn thức của một nền tinh hoa võ học. Hoà là một con chuồn chuồn tiêu biểu của A20. Ðể tra tấn Hòa, người ta đã bắt anh em Hòa ngồi nhìn cảnh Hòa làm con chuồn chuồn đẻ trứng trên mặt nước !

Trong chúng ta, có mấy ai được lớn lên nơi thôn dã để nhìn được cảnh những con chuồn chuồn đẻ trứng trên mặt ao hồ hay trên mặt sông mặt suối ? Chúng dang cánh đứng chập choạng sát mặt nước rồi khum khum cong cái đuôi cho đụng xuống nước. Vừa chớm đụng mặt nước lại tức tốc hơ hãi bay lên, như một cuộc yêu đương vụng trộm...

 Họ bẻ ngược hai cánh tay Hòa, bàn tay mặt vắt chéo qua vai, bàn tay trái vòng ra sau eo lưng rồi se duyên cho hai ngón tay cái dính chặt với nhau bằng một sợi dây dù cực chắc. Sợi dây dù ấy nối với xà nhà và cả thân hình Lê Quý Hòa đươc kéo, nhấc bổng lơ lửng trên mặt đất chỉ bằng sợi dây ấy, nối với hai ngón tay cái nơi đã được se duyên thành một !

Hòa không được cho ra đội. Quanh quẩn chỉ với nồi cám heo, từ nhà bếp trại ra cổng và rẽ phải dẫn vào nhà lô của đội chăn nuôi. Hàng chục năm con đường đi hằng ngày của Hòa chỉ lèo tèo vài trăm bước như thế. Heo nuôi ở đây cũng chỉ cán bộ hưởng với nhau. Tù đừng mơ mộng viễn vông. Mồ hôi của một võ sư ưu tú hằng ngày đổ xuống chỉ đổi được sự chín mọng thêm nỗi niềm cay đắng nhục nhằn.

Qui định chào cán bộ, người tù đứng cách cán bộ đúng từ 1 đến 2 mét. A20 có hai trường hợp dị kỳ. Ðó là tù nhân Lê Sáng mỗi khi phải chào hay báo cáo cán bộ, khoảng cách phải chính xác từ 8 đến 10 mét và Lê Quý Hòa từ 3 đến 5 mét. Báo cáo do vậy, chẳng khác gì cãi nhau.

Hoà ngồi đây, bên cạnh là giáo Đào. Bàn tay đen đúa của giáo Đào luôn tay khượi khượi chiếc tim đèn dầu. Đầu dẫy buồng tù là màn hình tivi trắng đen với la liệt những tiếng í ới của phim bộ Đài Loan ỉ ôi dai nhẵng hết đêm này sang đêm nọ. Giọng chuyển ngữ nửa chệt nửa Việt ngô nghê sống sượng đến gai người ! Cuối buồng tù luôn là mấy anh em chúng tôi tầng dưới, trên góc phản tầng trên là thượng tọa Tuệ Sĩ bận rộn  kinh niên với những trang sách.

Tôi hỏi Hòa về cái vụ lụt năm 87. Hòa xua xua hai tay như múa quạt.

-          Thôi đi ông ơi. Nhắc chi ba cái chuyện hãi hùng đó nữa !

Giáo Đào cười khằng khặc:

-          Thằng em nó đang tìm nguồn năng lượng sống để viết ký sự. Chiều nó tí đi Lê Chuồn Chuồn !

-           Mà có chắc là còn sống mà về không đấy ! Ở đấy mà ký sự với cân sôi !

-          Bậy nà ! Sao lại không về. Nói năng linh tinh thế.

Giáo Đào lúc nào cũng vậy. Êm ả và chỉ thích nhe răng ra cười. Long cời than cho cái bếp bằng hộp sữa guizgo bé tí hồng lên, chậm rãi.

-          Bữa đó mấy thằng chèo (*1) quýnh quáng hết. Nước ngập đến sát mồm lão rồi. Chìa khóa bọn hắn đánh rơi đâu mất tiêu !  Chả la quá trời la…

-          La đâu mà la ! – Hòa cười khúc khích chống chế. Long tố thêm:

-          Ở đó mà không la. Tụi tui chạy bơi bên ngoài sút quần hết ráo.

-          Mấy thằng chèo không dám vô buồng chả, làm giả ra là mất chìa khóa. Chớ mất sao nổi chùm chìa khóa lóc xóc bự chảng đó. - Giáo Đào khề khà  tán vào rồi hỏi xóc Hòa:

-           Mà… bữa đó thầy sợ không ?

-          Sợ chớ sao không sợ ? Nước nó cứ lù lù dâng lên trong khi hai chân đều cùm ! Bộ… đười ươi hay sao mà không sợ ?

Có tiếng phì cười của thày Tuệ Sĩ trên sàn trên. Ra là ổng đương ngồi nghe đám chúng tôi bù khú.

-          Rồi sao cha ra được ? - Tôi hỏi Hòa.

-          Không nhớ nữa. Lúc đó uống một bụng no nê rồi !

-          Tuấn điên với mấy người nữa nạy cửa bằng xè beng. Trên nóc buồng cùm cũng mấy anh vác búa xây dựng đập tá lả bùng binh.- Long vừa nói vừa cười hô hố, kéo dài câu sau cùng.

-          Chả la quá trời la mà nào ai nghe được. Nước ngập mũi chả rồi…

-          Thôi qua chuyện khác đi ! Chuyện này có gì hay mà nhắc lại vậy trời.- Hòa tìm cách lảng chuyện.

-          Guê xệ rồi phải không thằng em ? Làm cái đi, cho hết guê…

Giáo Đào châm thêm trà vào tách cho năm anh em. Ánh than hồng lên trong đêm tối soi ánh sáng long lanh lên từng ánh mắt đám người tù bạt mạng.

¤

20 năm sau 1993.

Quý Hoà lặng lẽ sống đời sống một người lái xe ôm trên những cung đường xứ Huế. Lê Kim thành một chưởng môn đặc thù nơi đất thần kinh. Nguyễn Thành mài sách dạy học trò ê a những vần thơ nước lạ xen giữa tiếng sóng sông Hương. Trần Văn Long soải cánh vào mưa mù trên xứ Thái. Lê Ngọc Vàng trăn trở mãi bài quyền phục Việt và lão giáo Đào đem ngọn hải đăng nhẫn nhục sang tận xứ Boston làm cuộc thí nghiệm cho việc lắp đặt trái tim heo thay tim người !


A20 Phạm Văn Thành
11.07.14 Paris.

(*1) Chèo: Quản giáo quản chế, đối nghịch với chống (cộng) .


Tưởng nhớ:
-          cựu tù giáo sư Đào Đăng Nhẫn 16 năm.
-          Chung thân Lê Quý Hòa.
-          Chung thân Trần văn Long.
-          18 năm Đỗ Bạch Thố.
-          16 năm Châu Văn Tới.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét