13.4.16

Về thăm trại cũ



Tôi đến Tuy Hòa giữa trưa nắng của thượng tuần tháng tư năm 2016. Tới ngã ba Tuy Hòa tôi hướng về Chí Thạnh cách đó 22km, để vào trại giam A20 hay trại Xuân Phước hoặc “Thung Lũng Tử Thần” như cách gọi trong hồi ký của cố nhà báo Vũ Ánh người đã từng nhiều năm bị kiên giam ở đây. “Trại Kiên Giam” đó cũng là cách mà cựu phó tỉnh trưởng Quảng Nam Đà Nẵng, A20 Nguyễn Chí Thiệp gọi cho tập hồi ký hơn 400 trang của ông. Và ông cũng chính là người đã một thời nếm mật nằm gai, người đã nhiều lần bị cùm trong những dãy xà lim tối tăm, chết chóc của nhiều phân trại thuộc cái Thung Lũng Tử Thần này.




                                              

Đi dọc theo đường tàu vào La Hai

Vào Trại Xuân Phước chỉ có một con đường dễ nhất là đi dưới cây cầu vượt mới xây tại ngả ba Chí Thạnh, dọc theo đường xe lửa đi vào ga La Hai. Ngày nay đã có nhiều con đường khác đi qua thị trấn này.

Nói như vậy, thực ra rất khó biết lối vào để thấy từng ngóc ngách của trại A20, thấy những nấm mồ hoang lạnh của những A20 đã gởi nấm xương tàn trên những ngọn đồi đó, bởi chúng bị che lấp bởi đám rừng chồi chung quanh.


Từ ga La Hai đi ra đường Lê Lợi, quẹo trái khi gặp đường Trần Phú, dọc theo các bản doanh của nhiều cơ quan địa phương, về phía đông là đến đường Nguyễn Huệ của thị trấn, con đường này nằm trên trục lộ 19C.





Đi theo đường 19C, đến ngả ba này có ghi rõ trên cột cây số Xuân Phước cách 10 km, quẹo phải để vào chợ Phước Lộc. Men theo lối này sẽ đến trại Xuân Phước. Tới ngả ba có tấm biển chắn ngang trước mặt. Tôi đã đến và đi ngang cổng phân trại A, Trại Trừng Giới. Trước nó bên mé lộ còn có cột cây số ghi rõ “Xuân Phước 0 km”

                                  

 Cổng phân trại A, trại giam Xuân Phước.

Từ cổng này chúng ta sẽ thấy một ngả ba. Quẹo phải là lên đồi Vĩnh Biệt của phân trại A, E ngày xưa. Bây giờ nó được gom thành một phân trại là khu A. Một phân trại mới đã mọc lên, khu B cách đó không xa. Sau khi người ta ngăn một cái đập thủy nông, làm cái hồ Phú Xuân và đã nhận chìm ba phân trại B, C và D cũ.

                                

 Đồi Vĩnh Biệt phân trại A chỉ còn dăm nấm mộ



Các mộ chí tại phân trại A này là những ngôi mồ của các trại viên đa số chết vào những năm 2000 trở về sau. Bia mộ có ghi rõ số thứ tự cho người đã chết vào chính năm đó. Như vậy, mộ bia mang số 64, Lê Trường Giang, chết ngày 06-11-2002. Nó có nghĩa là A20 này là người chết thứ 64 trong năm 2002.




Cũng có một số các mộ được bốc cốt, di dời.

Quẹo trái là con đường mới dẫn vào phân trại B, C và D. Nó cắt ngang chân đồi Vĩnh Biệt của phân trại A, E. Và nằm ngay nơi mà linh mục Nguyễn Văn Vàng cùng linh mục Nguyễn Văn Luân được chôn cất, nay mộ của hai người đã được cải táng. Một số khác đã được các cựu A20 di dời trước khi quá muộn.

 Ngày trước con đường này nằm cách đó 100m về phía phân trại B.


Khi mở con đường này, ban chỉ huy trại đã phá hủy rất nhiều ngôi mộ. Bởi ngày xưa, từ trước năm 1987, đồi này có mộ chôn từ chân lên đỉnh. Là cựu A20 tôi từng có mặt trong phân trại E, từng theo đội làm cỏ mồ mả và phát quang rừng chồi trên đồi Vĩnh Biệt này. Anh Lương Thiện, cũng được chôn ở chỗ kia, hôm nay mộ anh không còn dấu vết gì nữa.

Phân trại B mới đã mọc lên phía phải phân trại A, chếch phía sau, cách một khoảng không xa, Trên đường vào trại B, C, D cũ, có thể nhìn thấy một phần cảnh vật và cổng phân trại B mới, với vòng đai an ninh như xưa, thép gai, tháp canh và chết chóc.


 Hơn 30 năm trước, tính tới 1990. Trại Xuân Phước là trại trực thuộc bộ nội vụ, chuyên giam những thành phần có án nặng hay những tù nhân chế độ, hoặc là những kẻ chống đối không thể cải tạo được, theo cái nhìn của chính quyền.

Sau khi xóa bỏ án tập trung cải tạo, tức là cái án dành cho các sĩ quan trình diện và những thành phần chống cộng nổi lên sau ngày 30-4, mà vụ án không ra tòa.  Số lượng mang án tập trung tại các phân trại của Trại Trừng Giới này lên đến vài ngàn người.

Do sự mặc cả chính trị, họ được thả về.

Bên cạnh đó có hàng ngàn người có án từ 10, 15, 20 năm hay chung thân, họ là những người nổi dậy có tổ chức, bị bắt và ra tòa với bản án hẳn hoi. Lần lượt cũng ra về, sau khi chung đủ cái giá cả đời người, hay do nhu cầu chính trị, nhà cầm quyền đã giảm án, thả họ về để trút gánh nặng. Dĩ nhiên đa số phải chung đủ số năm mà họ bị kết án.

Từ đó trại Xuân Phước chỉ giam thành phần hình sự. Cho tới vài năm gần đây mới có chính trị phạm xuất hiện ở trại này.

Đường vào phân trại B cũng như xưa, băng qua nhiều cánh rừng chồi, đi trên đường đất đá đến Cây Me. Một địa danh mà những cựu A20 từng bị giam ở trại này phải biết và thường nhắc đến. Nơi Phạm Văn Be một chiến binh chống cộng tận xương máu bị bắt và giam giữ ở Bến Tre. Anh bị đưa lên đây và bị xử bắn tại cây me này. Mộ chí của anh vẫn hiên ngang trụ ở đó phơi cùng sương gió, như dấu vết một đòn thù dành cho kẻ tay không của những người tự cho là phe chiến thắng.



Tôi biết rất rõ, tên anh là Phạm Văn Be . Vậy mà không hiểu vì cớ gì trên bia mộ lại ghi là Phan Văn Be.  Năm 1983, trong lần chuyển trại từ E vào B. tôi đã đi ngang đây, lúc đó mộ anh chưa có tấm bia này, nó chỉ có một tấm bia làm bằng gỗ rừng mong manh, như một đánh dấu cho có mà thôi, lúc đó tôi đã vờ cột lại hành lý đeo lưng, tách khỏi hàng và cúi xuống để từ cây me bên đường nhìn rõ mộ anh hơn.

Khi chúng tôi tới bên mộ anh, đã có ai đó đặt trước chân bia một dĩa bánh ngọt, dăm viên kẹo và một bó nhang. Chắc một cựu A20 nào đó đã đến thăm anh. hay một dân địa phương đến tạ lễ với anh, đối với dân trong khu vực này Anh Be được coi như một thần linh.



Thắp nén nhang cho người nằm xuống, thì thầm khấn vái đôi câu cùng kẻ sĩ năm xưa. Tôi quay về thị trấn khi đã quá trưa. Vả lại tôi phải nhanh chóng rời khỏi khu vực này. Bởi khi tôi đi vào gần đến nơi chôn anh Be, có vài đội đang đốn mía bên đường, dưới sự canh giữ của mấy tên cai ngục. Đã có những cái nhìn dò xét. Địa phương này chắc chắn sẽ không đãi ngộ một cựu tù từng ở đây nhiều năm như tôi. Hơn thế nữa, từ ngoài cổng trại, ngay trên lối vào đây, một tấm biển to đùng “Cấm quay phim, chụp ảnh”. Tôi cũng không dại gì để dây dưa mà mất trắng những gì tôi ghi lại được trong chuyến về thăm trại cũ của mình. Cho đến hôm nay sự trù dập căn cứ vào lý lịch cá nhân ở địa phương này vẫn còn nặng mùi, xem ra khó thay đổi. Dĩ nhiên hơn ai hết tôi phải hiểu điều đó.

Chưa thỏa mãn cho chuyến về thăm. Hôm sau tôi lại lên đường rất sớm, lần này, theo sự hướng dẫn, chúng tôi không đi theo đường qua chợ Phước Lộc mà đi xa hơn, không quẹo phải tại ngả ba, chúng tôi chạy thẳng.




Băng ngang một cánh rừng chồi. Tôi thấy một vùng ký ức mở ra trước mắt, Con sông Trà Bương cắt ngang, vào mùa khô xe chạy qua trên đá cuội, xăm xắp nước. Ngày xưa năm 1980 khi bị đày lên trại này tôi cũng đi qua Trà Bương mùa khô và chính khúc sông này như vòng đai giam hãm tôi suốt 6 năm ở cái trại chết tiệt đó.
 



Bên hồ Phú Xuân, xa xa là bãi cát nơi tôi cùng anh em đi tắm sau một ngày lao động khổ sai, cho dù mấy mươi năm, cho dù khúc sông đã cạn, chỉ còn mờ mờ dấu rong rêu đọng lại, tôi cũng nhận ra. Kia là khu trồng rau xanh của đội 17, đội gồm các linh mục và tu sĩ, mà đội trưởng là cựu tổng trưởng Dân Vận và Chiêu Hồi Hồ văn Châm. nó nằm ngay trên cửa đập. Phía sau là chỗ sâu nhất của đoạn sông này.



Chỗ đó, dòng Trà Bương nước tràn bờ mùa lũ. Tôi có lần hụt hơi khi vượt ngang sông. Lúc lũ về, đội 15 đi làm xa bên kia sông nên không kịp kéo nhau về trại. Chúng tôi phải căng dây sang bờ từng người một vượt sông dưới họng súng lăm lăm từ hai phía bờ.

Cổng phân trại B chỗ này, phía trái là bếp trại, bên kia con đường trước cổng trại có gốc sung già. bao năm làm bóng mát và cho tôi dăm quả sung chín, lén lút nhặt vội khi đi làm về ngang.

Theo lối này cái đập của hồ Phú Xuân, nằm bên trái con đường mòn dẫn lên đồi Vĩnh Biệt. Trước khi chạm chân vào thửa đất đang trồng mía, nơi có mộ anh Be cách đó chừng 100 m, về hướng bắc đông bắc.




Quẹo trái, bỏ xe gắn máy dưới chân đồi, tôi đạp lên đám cây khoai mì H34 chắc dùng làm hom để trồng cho vụ sau. Bước lên đồi, trước mặt tôi, những hàng bia mộ nằm hiu quạnh theo đường cánh cung từ chân lên đến đỉnh đồi.

Nước mắt ứa ra, tôi nói với người bạn:

-       -   Trời hỡi anh em chúng mình nằm như vầy sao?


Đồi Vĩnh Biệt của phân trại B ngày xưa. Hiện nay còn có hơn 300 ngôi mộ hoang lạnh nằm đó, có mộ đã bốc cốt, có vài mộ xây lại bằng gạch để không bị xói mòn, nhưng họ còn ở lại, những cựu binh đã chết vẫn ở lại với bè bạn và ở lại trên đồi Vĩnh Biệt.


                        Toàn cảnh đồi Vĩnh Biệt phân trại B nhìn từ đỉnh

                                 

 Anh là người chết thứ 180 trong năm 1984


                                        
Chân dung người chết sớm chôn tại đồi này

Mộ đã di dời nhưng bia người vẫn ở lại




Bởi từ 1981-83 là thời vi trùng lao bay khắp trại. Dịch Lao phổi đã giết hàng ngàn người ở trại giam Xuân Phước vào thời điểm này


Một tên mặc bộ áo công an đi ngang dưới chân đồi theo sau là một trại viên hướng về phía rẫy mía. Người bạn đưa đường bảo tôi hãy xuống đồi để tránh những chuyện không hay. Bởi ở đây là khuôn viên của trại Xuân Phước.

Nghe đâu, mấy năm trước có lần gia đình ông Khúc Thừa Văn về đây thăm mộ ông, đã bị lôi thôi lục tung cả hành lý để tra xét. Khúc Thừa Văn cùng một đội với tôi 6 năm tại trại này. Tôi đến bên mộ ông, chỉ còn là một hố trống không, ông đã được người nhà đưa về một nơi bình an hơn, để không còn bị xét hỏi dù đã chết.

Thật là tội nghiệp, tội nghiệp cho chúng tôi những người còn sống hay kẻ đã chết đang hụt hơi trên đất nước điêu linh này.


Tôi rời khỏi vòng đai an toàn của Trại Trừng Giới, của Thung Lũng Tử Thần, trại A20 khi trời đứng bóng.

Dĩ nhiên tôi phải tới hồ Phú Xuân. Cái hồ khốn nạn đã ngâm nước thân xác biết bao bè bạn, anh em của tôi, những nấm mồ hoang không kịp cải táng từ các trại B, C và D.
 


Đứng bên hồ tôi ghi vài hình ảnh để nhắc nhở riêng mình. Trên đất núi này, một thời mình đã qua, đã bị cùm kẹp và sống còn.

Hôm nay về thăm trại cũ trong mùa Tháng Tư Đen, lòng tôi buồn lắm.

A20 nguyễn thanh khiết
Tháng Tư, 2016



1 nhận xét: