28.8.11

Gửi người cô phụ


(cảm tác theo TÌNH NGƯỜI CÔ PHỤ thơ của văn hữu Uyên Thúy Lâm)



Em yêu dấu ! nước non mình khói lửa
Nợ núi sông anh khoác áo chinh nhân
Từ giã nhau, sân ga buồn lặng lẽ
Chân bước đi lòng cứ mãi ngập ngừng

Thôi em nhé từ đây mình xa cách
Đời chiến chinh đâu biết được ngày về
Hẹn ngày mai khi tàn cơn binh biến
Anh sẽ về với sông nước, tình quê

Từ thuở ấy anh đi vào sương gió
Chiến y xưa thấm máu bạn, máu thù
Có những lúc dừng quân nơi lũng thấp
Tiễn bạn mình vào giấc ngủ thiên thu

Rồi từng buổi lăn mình trong lửa đạn
Vẫn còn mơ - em… áo trắng sân trường
Anh cầu nguyện lần nào mình gặp lại
Một đóa hoa rừng trên tóc em thương

Mà em ơi ! quê mình còn khói lửa
Giặc thù còn bom đạn ngập làng quê
Đất nước tang thương, tình mình - đành hứa
Hãy để anh đi mai mốt anh về

Ôi ! tháng tư nào trong cơn biến động ?
Em lạc quê người - anh tận rừng sâu
Mình mất nhau tình yêu còn đâu nữa
Anh cúi đầu... gánh hết những thương đau !


A20 Lê Phi Ô
5/2011






23.8.11

Hoài Niệm


A20 Lê Phi Ô

(Trích đoạn một trong những câu chuyện thật xảy ra trong thời chinh chiến.)

……….

9 tháng quân trường,

12 năm chiến đấu,

7 năm trong trại tù “cải tạo” tập trung.


Sống và lớn lên trong lửa đạn, gian lao và tù đày... thời gian đã tạo cho tôi một hình hài già nua... cằn cỗi.


Bây giờ thì bạn bè mỗi đứa một phương, người tình rồi cũng bỏ tôi mà đi... Xen lẫn trong quá khứ kiêu hãnh là một hiện tại... trống vắng, cô đơn và nhiều... nuối tiếc !


Có nhân...! Cố nhân... xa rồi ! Biết đến bao giờ ta gặp lại cố nhân để được sống lại những lúc huy hoàng trong sắc mùa chinh chiến cũ...!!!


“Người ta đi lính mang lon,

Chồng em đi lính mang xoong mang nồi!”


Hạ Sĩ I Thí, hỏa đầu quân, cùng binh nhì Long đang khiêng cái chảo gang to tổ bố lên gần tới đỉnh đồi... bỗng ông nghiêng vai hất cái đòn gánh làm cái chảo vừa to vừa nặng rơi xuống đất nghe một cái... “bịch” và B2 Long khiêng phía đàng trước suýt té ngửa theo cái chảo. Hạ Sĩ I Thí chửi thề: “Tiên sư cha thằng nào mới nói đó?” rồi ông quắc mắt nhìn chầm chập vào mặt B1 Niên đang đi gần đó.


Ông chửi tiếp: “Mẹ... mày, mày mang chỉ mỗi cái ba-lô. Ngoài cái ba-lô, tao còn mang ruột tượng gạo và khiêng cái chảo nữa... Mệt thấy mẹ, mày không khiêng phụ... còn móc lò nữa hả thằng khốn kiếp?! ... Lát nữa, tao đéo nấu cơm, cho tụi mày đói thấy mẹ tụi mày luôn!” Chửi xong, ông vất cái ba-lô đang mang xuống đất thật mạnh làm cái xoong cột trên ba-lô méo một bên.


B1 Niên nín khe. Nó không ngờ câu nói đùa đã khiến Hạ Sĩ I thí nổi cơn điên như vậy! Mà không điên sao được. Từ sáng đến giờ, Hạ Sĩ I Thí lu-bu với các vật dụng nhà bếp không có cả thì giờ ăn sáng, bụng đói còn phải khiêng cái chảo to nặng lên đồi cho kịp nấu cơm trưa cho cả đại đội... ăn. Mặc dù đã đổi phiên cho hai anh hỏa đầu quân khác khiên chảo rồi, nhưng vì... HS1 Thí lớn tuổi, người lại gầy nhom ốm yếu và lại còn leo đồi giữa trưa nắng cho nên ông mệt muốn... đứt hơi mà lại còn bị cái “thằng khốn nạn” chọc quê, không tức sao được

!


Tối hôm đó, thằng Niên mon men lại gần HS1 Thí, ông Thí trừng mắt ngó nó như muốn đổ lửa. Thằng Niên ấp úng: “Bố, hồi trưa...” HS1 Thí giận dữ: “Bố cái con c..., ai cho mày gọi tao là bố. Mày mà còn giở trò chọc ghẹo nữa, tao phang cho cái xẻng chết mẹ bây giờ!” Thằng Niên thành khẩn: “Hồi trưa con lỡ nói chơi khiến bố giận, con xin bố tha lỗi cho con !” Nó ấp úng tiếp: “Bố đừng buồn con... nha bố !”


Vẻ mặt thằng Niên thành khẩn đến độ thiểu não. HS1 Thí có vẻ nguôi giận, ông nín thinh một hồi rồi đột nhiên ông thấy tủi thân, ông... khóc. Thằng Niên hoảng hốt, nó ôm chầm hai vai HS1 Thí và nó cũng khóc!


Lỗi này là do nơi ông đại đội trưởng. Mới đổi về, ông có ý tốt, chọn những người ốm yếu, lớn tuổi, và nhất là HS1 Thí cũng sắp giải ngũ vì lý do gia cảnh nên ông cho họ ở ban hỏa đầu vụ để đỡ phải hành quân, phục kích đêm... Có lẽ ông nghĩ công việc này nhàn hạ, chỉ ngày hai buổi đi chợ nấu cơm, mà đâu dè cũng là gánh nặng mà ông không biết.


Người ta nói “quả báo nhỡn tiền” đôi khi cũng đúng. Ðơn vị tôi đột kích vào mật khu Việt Cộng. Bọn du kích bỏ chạy, chúng tôi tịch thâu được vài khẩu Carbine, súng Mas. 36, 3 bao gạo, vài chục ký cá khô và cá hộp, v.v... B1 Niên tịch thu được một cái thau nhôm thật lớn, định bụng sẽ tặng ban hỏa đầu vụ, có lẽ tặng HS1 Thí thì đúng hơn.


Nó ôm cái thau trước bụng. Khi di chuyển người đi trước chạm vào nhánh cây thấp và nhánh cây bật ngược đập vào cái thau nghe leng keng. Trung đội trưởng bảo nó úp cái thau vào phía sau đít mà đi, tránh gây tiếng động kẻo bọn Việt Cộng sẽ nghe thấy. Lúc leo dốc, không hiểu B1 Niên trợt chân thế nào mà lại té ngồi lên cái thau... và cứ thế, cái thau như một vật trượt tuyết chở nó lao xuống đồi thật nhanh, va vào hết cây này đến cây kia, các nhánh cây thì quất vào thau, vào người nó tơi tả. Mọi người cố chạy theo cứu nó nhưng không kịp. May sao, một bụi gai tre chận nó lại... cái thau thì móp méo và thủng cả đáy, đít thằng Niên bị trầy trụa rướm máu, còn cái mỏ nó thì bị so le vì bị cây đập vào môi trên sưng vù. Nếu không có bụi gai tre cản lại có lẽ cái thau đã lôi tuột nó xuống đường thông thủy đầy đá lởm chởm thì chỉ có chết hoặc ít ra cũng gãy tay gãy chân. Mọi người vừa thương hại vừa tức cười. Thật đáng đời cái thằng hay nghịch ngợm, hay chọc phá người này đến người nọ. Một người nói: “Ðúng là người gian mắc nạn!”


Chưa hết...


Cạnh đồn có nhà ông Năm Giáp. Ông có hai đứa con trai lớn đều đi lính ở xa, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng già và cô con gái út. Cô Thơm vừa tròn 17 tuổi trông rất... mát mắt. Mấy ông lính nhà ta, nhất là... mấy ông nhóc quân dịch tuổi chừng 19, 20 thường lân la đến nhà cô Thơm thăm... hai bác !


Thằng Long là một trong đám lính đó. Nó “lết bánh” vì cô Thơm. Ngày nào không ghé qua nhà ông Năm Giáp là ngày đó nó thẫn thờ như người mất hồn. Nó thường khoe với bạn là nó thương cô Thơm lắm, thương cũng bằng thương má nó ở nhà và cô Thơm cũng thương... nó nữa! Bất cứ một tân binh nào mới đổi về nó cũng rủ ra nhà cô Thơm... thăm ông bà Năm.


Một hôm, nó vừa bước ra sau vườn thì thấy cô Thơm đang hái me, vừa nhảy cao vừa lấy cây đập nhưng cô Thơm vẫn không làm sao hái được me. Thấy thế, thằng Long nhào tới giúp liền. Nó ấp úng: “Thơm để đó, tôi... hái ‘giùm’ cho” và nó nhanh nhẹn cởi giày, cởi quần trận ra, leo một thoáng là đã ngồi trên cháng ba của cây me.


Nó đứng trên một nhánh lớn, tay trái vịn vào một nhánh khác, tay phải với tìm những trái me “giốt,” loại me gần chín, hái lia lịa và liệng xuống cho cô Thơm lượm.


Nhưng... khi nhìn xuống thì không thấy cô Thơm đâu cả! Nó hỏi thằng bạn đứng dưới gốc: “Ê, Xuân! Thơm đâu rồi?” Thằng Xuân trả lời: “Ði rồi!” Thằng Long ngạc nhiên: “Ủa! Ði đâu vậy ?” Thằng Xuân ái ngại: “Tao không biết, nhưng chắc đi luôn rồi. Thôi... xuống đi.”


Nghe Xuân nói vậy, Long vội tuột xuống, mắt nhìn dáo dác: “Sao bỏ đi đâu vậy ?” Thằng Xuân thấy tội nghiệp bạn mình: “Gặp tao, tao cũng đi nữa là... cô Thơm.” Thằng Long chưa hiểu, lẩm bẩm: “Sao bỏ đi vậy cà!?” Giọng thằng Xuân trở nên gắt gỏng: “Mầy là cái thằng cà chớn! Leo cao hái me mà lại mặc quần xà lỏn, cái quần... rộng rinh. Cô Thơm đứng dưới nhìn lên thấy mẹ nó... hết rồi !” Thằng Long lại vẫn chưa hiểu: “Thấy cái gì?” Tức quá, Xuân nói như gây lộn: “Thấy trái me... của mầy chứ thấy gì!” Lúc nầy, thằng Long mới hiểu, nó sượng chín người, mặt đỏ bừng lên nhưng cặp mắt thì như đứng tròng. Nó lúng ta lúng túng trông thật tội nghiệp, rồi bất thần nó nhắm hướng đồn đi nhanh như chạy, làm thằng Xuân chạy theo muốn hụt hơi.


Từ đó, cô Thơm tránh mặt nó. Mỗi lần đi chợ, ngang qua cổng đồn thì cô Thơm đi vòng ra sau dãy nhà đối diện đồn để khỏi đụng mặt thằng Long. Và thằng Long thì không dám đến nhà ông Năm Giáp nữa... Mỗi khi bất chợt thấy bóng dáng một người con gái xa xa là nó vội tránh mặt liền vì sợ phải gặp mặt cô Thơm. Cũng từ đó, suốt ngày nó lẩn quẩn trong sân đồn, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn về hướng nhà cô Thơm, buông những tràng thở dài nghe mà đứt... ruột. Và cũng từ đó, hai người xa nhau, xa nhau chỉ vì một lý do... thật lãng nhách!


Rồi...


Ðơn vị tôi di chuyển vào trong rừng để truy lùng một đơn vị địch quân cấp tiểu đoàn mà cách đây hai ngày chúng đã phục kích quân ta tại khu vực cầu Lăng Quăng, ranh giới của xã Võ Xu, Hoài Ðức, và xã Duy Cần thuộc quân Tánh Linh, Bình Tuy, gây thiệt hại trung bình cho ta, trong đó có hai sĩ quan bị tử thương là Ðại Úy Hiếu, Chi Khu Phó CK Tánh Linh, và Ðại Úy Khải, Ðại Ðội Trưởng ÐÐ.720/ ÐPQ.


Khoảng 9 giờ sáng, đang di chuyển thì bỗng nhiên cánh quân phía trước khựng lại, tôi chụp ống liên hợp từ tay âm thoại viên hỏi cánh quân đi đầu: “Một... Trung Hiếu... gọi.” (Im lặng vô tuyến). Tôi gọi tiếp... cũng không nghe tiếng trả lời. Tôi lại gọi với giọng gắt gỏng: “Trung Hiếu gọi Một nghe rõ không, nói đi.” Vẫn im lặng, tôi điên tiết... phóng vội lên phía trước định đập anh âm thoại viên Trung Ðội 1 một trận, vì đối với đơn vị tác chiến nhất là đang di chuyển trong vùng có địch thì sự liên lạc vô cùng quan trọng, gọi chưa dứt lời là phải có sự đáp trả tức khắc.


Vừa được mấy bước thì thấy vài anh lính chạy ngược lại, mặt mày hơ hãi... Tôi ngạc nhiên! Lại một tốp lính nữa chạy ngược về phía sau và mặt mày người nào cũng có vẻ hốt hoảng, tôi quát khẽ: “Ðứng lại, cái gì đó?” Họ không trả lời mà còn chạy nhanh hơn. Thật là quái đản !? Tôi chưa kịp hỏi tại sao thì cả đám lính phía trước ùa chạy ngược lại phía sau... mặt họ trông càng khiếp đảm hơn! Lập tức, tôi cho dàn đội hình tác chiến.


Chuẩn Úy Minh, Trung Ðội Trưởng Trung Ðội 1, đi đầu, tay ôm mặt, tay vịn nón sắt chạy vụt qua mặt tôi ngược chiều. Tôi vói tay chụp cái ba-lô kéo giựt Chuẩn Úy Minh lại và nói như thét: “Ðứng lại! Tại sao chạy ?” Chuẩn Úy Minh không nói mà lại đưa một ngón tay chỉ về phía sau lưng hướng lên trời và lại bỏ chạy thật nhanh.


Tôi quá đỗi kinh ngạc! Cái gì làm cho họ sợ đến như vậy?! Nếu gặp Việt Cộng thì họ nổ súng, đàng này... hoàn toàn không có một tiếng súng nào cả! Hay họ gặp thú dữ? Ðiều này cũng không đúng vì rừng này làm gì có cọp beo, chỉ có voi thôi. Nhưng lính tráng súng ống đầy trời như vậy thì cả trăm con voi đi nữa cũng đâu có thể làm họ sợ đến như vậy!? Hay là họ gặp... ma? hoặc gặp... quỷ gì đó?! Nhưng quỷ ma thì chỉ sợ lính chứ lính làm gì sợ ma quỷ!!! Và cứ thế, cả đoàn quân âm thầm bỏ chạy gần hết. Phía trước tôi... bỏ chạy, phía sau tôi... bỏ chạy, chính giữa... ngay cả anh truyền tin mang máy cho tôi cũng... bỏ chạy! Tôi bắt đầu rúng động bởi hiện tượng kỳ quái này mà chỉ có trong sách kiếm hiệp của Kim Dung may ra mới có... Thì, một cái gì, một vật gì thì đúng hơn, nhỏ cỡ ngón tay,... Không phải một mà... là hai, rồi ... ba, chạm mạnh vào má, vào trán tôi đau đến nhảy dựng lên và nước mắt, nước mũi tôi túa ra... Tôi chợt hiểu và bây giờ thì tới phiên tôi... bỏ chạy!!!


Thì ra thằng ôn dịch nào đi đầu... không biết mắt mũi để ở đâu mà nó lại lủi nhằm phải ổ ong vò-vẽ. Lũ ong giật mình hốt hoảng bay túa ra và khi nhận diện được... kẻ thù, bọn chúng xông vào tấn công tới tấp. Khổ nỗi là cánh quân của tôi lại quàng khăn đỏ. Trong rừng, màu đỏ tương phản với màu xanh của cây lá nên bọn ong thấy rất rõ “kẻ thù” nên tấn công rất chính xác. Chạy tới đâu, bọn chúng rượt theo tới đó. Có người bị chích rồi... con khác lại bu vào chích tiếp... quyết không tha.


Ðang chạy trối chết thì có ai đó la lớn: “Liệng trái khói... Liệng trái khói!” thế là đủ các màu vàng, đỏ, tím,... tuông ra mù mịt... Lính tráng lớp bị ong chích, lớp bị hít phải khói màu ho sặc sụa, rên hù hù, trong đó có tôi! Nhưng tất cả phải gồng mình ráng chịu... vì ra khỏi vùng có khói thì sợ ong chích. Khói màu làm lũ ong sợ hãi, chúng không dám đáp xuống tấn công nữa mà lại bay tít tận ngọn cây, quầng qua quầng lại cả ngàn con trông thấy phát ớn lạnh. Tôi từng xem phim The Longest Day... cảnh máy bay đồng minh tấn công quân Ðức tại mặt trận Normandi nhưng vẫn còn thua xa đám máy bay... ong này.


Chưa hết! Trong khi anh em liệng khói màu để cản bầy ong thì... một ông tân binh đứng cạnh tôi hoảng hốt, đưa tay lôi trái lựu đạn đeo nơi dây ba-chạc phía trước ngực định rút chốt, may mà tôi nhìn thấy và ngăn cản kịp lúc nếu không thì... chắc chết cả đám. Vì, thấy người ta liệng khói màu, ổng cũng tưởng là ổng có... khói màu!


Coi như cuộc hành quân... thất bại! Cánh quân trên trăm người chạy tán loạn trong rừng và lạc nhau gần hết. Tới 4 giờ chiều tối chỉ gom lại được phân nửa. (Ong vò-vẽ thường làm ổ ở các lùm bụi thấp chứ không làm trên cao như loại ong mật.)


Ðịnh bắn súng gọi những người đi lạc nhưng lại sợ lộ mục tiêu cuộc hành quân nên tôi gọi pháo binh xin bắn đạn khói. Ðài tác xạ gọi tôi xin cho tọa độ, tôi bảo: “Bắn đâu cũng được... không cần tọa độ !” Họ tưởng tôi điên nên không chịu bắn. Tôi gọi tiếp, họ trả lời là... Họ chưa bao giờ gặp một đơn vị hành quân nào xin bắn pháo binh mà không cho biết... tọa độ! Nghe họ nói, tôi hơi bị “quê” một phút, và tôi bắt đầu giải thích... Văng vẳng trong máy, nhiều chuỗi cười rộ làm tôi thấy “quê” thêm. Thực ra, tôi chỉ muốn anh em chạy lạc trong rừng họ nghe được tiếng súng đại bác 105 ly depart họ sẽ biết hướng chi khu nằm ở đâu để họ tìm đường về. Thế thôi.


Người tôi mệt lả vì cả ngày chẳng có hột cơm vì còn phải lo chạy giặc... ong, phần bị ong chích bắt đầu lên cơn sốt. Loại ong này độ 20 con thôi... chích vào một con trâu thì trâu cũng chết huống chi là con người. Cả đoàn quân khi ra đi thì... Trời nghiêng Ðất lở... bây giờ thì chỉ còn lại một đám bại xụi, đứa thì rên, đứa thì khóc hu... hu vì đau nhức quá không chịu nổi !


Ðêm đó, bệnh viện Quân Dân Y đầy ắp người. Cả hàng trăm người tụ tập ở đó, vừa lính... “bại trận,” vừa thân nhân của họ. Có điều khác lạ là thân nhân không khóc, không kể lể rên rỉ như những lần lính được tải thương từ mặt trận, mà lần này... lính càng rên thì thân nhân, cười rất... vui vẻ, cười rất sảng khoái. Kiểm điểm lại, có bảy ông “bại binh” phải chở vào Tổng Y Viện Cộng Hòa, hơn 20 chục ông phải nằm lại bệnh viện Quân Y để điều trị tiếp, còn lại bao nhiêu trở về hậu cứ để cho y-tá tiểu đoàn chăm sóc.


* * *


Ðã 32 năm trôi qua... kể từ tháng 4-1975 mà nỗi đau thương, bất hạnh đã đổ chụp xuống đất nước và trên đầu dân tộc chúng ta. Cho dù có còn kéo dài bao lâu đi nữa... tôi vẫn không bao giờ quên được những năm tháng tuổi trẻ trong đời, những tháng năm mà tôi đã sống cho lý tưởng, cho tình yêu và cho những nồng ấm trong tình chiến hữu, cho đời lính buồn nhiều hơn vui và đầy bất trắc.


Mỗi tháng 4 về là thời gian làm cho hoài niệm trong tôi bùng lên mãnh liệt nhất. Tôi nhớ bạn bè tôi, tôi nhớ đồng đội tôi, và tôi cũng thấy nhớ chiến trường xưa loang lửa đạn. Những chuyện tôi kể trong bài này là những đặc điểm của từng người làm tôi không bao giờ quên họ được. Ðã 32 năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi mới kể ra, kể ra để san sẻ, để vơi bớt trĩu nặng tâm tư và cũng để... biết đâu, tôi sẽ không còn dịp để kể.


Tôi không muốn kể những chuyện vui nhất là trong Tháng Tư Ðen, đối với tôi đây là những chuyện buồn... Vì những người tôi vừa đề cập đến... họ đã không còn nữa! Họ đã ra đi vĩnh viễn vào một thế giới nào xa xăm khác với thế giới chúng ta đang sống, và... tất cả những người này đã gục ngã vì đạn thù trên bước đường lui binh trong trận chiến Võ Ðắc tháng 3 năm 1975 !


Lê-Phi-Ô

Cựu tiểu-đoàn-trưởng TĐ344/ĐP Bình-Tuy


19.8.11

CUỒNG SĨ BÊN SÔNG


Đọc Thủy Hử
Khoái những anh hùng Lương Sơn Bạc
Cung kiếm nát nhầu
Người kẻ chợ lêu bêu
Gã lớn lên
Giữa phố đời bát nháo
Giữa hận thù đốt cháy tuổi trai tân
Một đời gã
Ai chân tình ai tri kỷ
Lắm mồm đen bạc
Chữ nghĩa đa đoan
Đốt rẫy khai hoang
Lau sậy khói mù ngút bãi
Gã chim trời lượn bậy
Kiếm tai ương lên trang chữ nhập nhòe
Một ngày lửa cháy tiêu tháp bút
Gã thấy tim người nhúm cỏ hoang
Trong chính trị thiếu gì tay lừa đảo
Yêu quê hương lòe lọet trăng hoa
Có nhiều đêm gã say mèm cuộc rượu
Nhìn mặt nhau rách nát mà buồn
Thanh kiếm cùn gãy mẹ cán chuôi
Nếu mai kia làm tên lái kiếm
Xoay nhẹ đường gươm tặng bọn bất nhân

CÁI TRỌNG TY




(nguồn: http://caitrongty.wordpress.com/)

18.8.11

Đọc “Lối Cũ Chẳng Sao Quên” của Bích Huyền



A20 Vũ Ánh

Những đoản khúc của người góa phụ can đảm này được cất lên cùng với tiếng thở dài và những dòng nước mắt lặng lẽ trong những đêm thanh vắng, của những ngày tháng cũ, và của cả những ngày tháng hiện tại. Tôi đã nghe những đoản khúc nhẹ nhàng ấy nhiều lần trên làn sóng phát thanh của Đài Văn Nghệ Truyền Thanh và sau này trên các luồng sóng của một vài đài phát thanh khác. Nhưng khi đọc lại Lối Cũ Chẳng Sao Quên của Bích Huyền mới thấy trọn vẹn được bối cảnh những tùy bút mà bà mô tả.

Một điều dễ hiểu: tôi, chúng tôi, cũng như chồng bà đã trải qua, đã sống trong những bối cảnh ấy.

Bởi vậy, những ngôn ngữ mà bà sử dụng trong mẩu ký ức nhẹ nhàng về cả một quãng đời đau khổ của bà chính là một nỗi dằn vặt đối với chúng tôi. Vâng, tại sao chúng tôi lại không giữ nổi một mảnh đất đáng giữ như vậy, để cho sau khi đã hòa bình rồi còn có những người trở thành goá phụ? Không những thế, biến cố và những biển dâu mà chúng tôi góp phần tạo nên, nó đã biến những người phụ nữ như Bích Huyền, cũng như hàng triệu phụ nữ Việt Nam khác phải nối thêm cuộc đời bằng một đoạn đường long đong, cay đắng.

17.8.11

TỬ THỦ




(TIỂU-ĐOÀN 344/ ĐỊA PHƯƠNG và TRẬN ĐÁNH TẠI VÕ-ĐẮC THÁNG 12/1974)



A20 Lê Phi Ô và Trang Hồi ký máu 33 ngày tử thủ



Tin tức từ phòng nhì Bộ Tổng-Tham-Mưu QLVNCH cho biết: Bắt đầu tháng 11 đến tháng 12/1974 Việt-cộng (VC) sẽ tấn công Tỉnh Phước-Long dồng thời tấn công 2 Quận Hoài-Đức (Võ-Đắc) và Tánh-Linh thuộc Tỉnh Bình-Tuy để cầm chân một số lớn đơn vị của ta để dể bề chiếm Phước-Long.
    Quận (Chi-Khu) Hoài-Đức và Tánh-Linh là 2 Quận cực bắc của Tỉnh Bình-Tuy... phiá bắc giáp Quận Định-Quán thuộc Long-Khánh và Bà-Sa thuộc Lâm-Đồng.

I/ BẠN: Lực lượng phòng thủ Chi-khu Hoài-Đức gồm có :
     - Bộ chỉ huy Chi-khu (Thiếu-tá Xinh là Chi-khu trưởng)
     - 3 đại-đội của Tiểu-đoàn 344/ĐP: ĐĐ/Chỉ-Huy, ĐĐ3/344,  
       ĐĐ4/344 do Đại-Úy Lê Phi Ô trực tiếp chỉ huy.
- Đại-đội 513/Trinh-Sát/ 4 Trung-đội Nghĩa-Quân/ Trung-
   đội Pháo-Binh 105 ly/ Phân-đội Commando Car V-100
   (2 chiếc)

    Ngoài ra Chi-khu Hoài-Đức được tăng cường Liên-đoàn 7 Biệt-động-Quân hoạt động khu vực Gia-Huynh nằm trên Tỉnh lộ 333 về phía nam và cách Hoài-Đức 10 km đường chim bay. Hai đại-đội 1/344 và 2/344 còn lại của Tiểu-đoàn 344/ĐP được đặt dưới quyền điều động của LĐ7/BĐQ.

II/ ĐỊCH: Lực lượng của Quân-khu 7 Việt-cộng gồm có:
     - Sư-đoàn 7 Tân Lập ( gồm có: Trung-đoàn 274, Tr/đoàn 33,
       Tr/đoàn 6, Tr/đoàn Pháo mặt đất và cao xạ, 4 Tiểu-đoàn Đặc-
       công 18, 19, 20 và 200C )*
     - Trung-đoàn 812 Sông Mao thuộc Quân-khu 6 VC tăng
        cường*
- Trung-đoàn E211 địa phương  (* Lực lượng VC gần 2 Sư-
   đoàn, tham khảo tài liệu của Dr. Nguyễn-Đức-Phương tác  
   giả "Chiến tranh Việt-Nam toàn tập")

III/ DIỄN TIẾN: Đầu tháng 12/1974 Việt-công bắt đầu pháo kích CK Hoài-Đức bằng hỏa tiển 107 ly. Đến đêm 9/12/74 đặc công VC đồng loạt tấn công CK Tánh-Linh và CK Hoài-Đức. Tại Tánh-Linh, đồi Lồ-Ồ nơi đặt 2 khẩu đại bác 105 ly bị VC chiếm. Tại Hoài-Đức, Tiểu-đoàn 344/ĐP do Lê Phi Ô chỉ huy đã đánh bật VC ra khỏi vòng đai CK... quân ta thiệt hại không đáng kể.

    Với quân số đông hơn ta gấp 20 lần.... VC siết vòng vây và tiếp tục pháo kích CK Hoài-Đức, cường độ pháo mỗi ngày một tăng gây thương vong đáng kể cho ta. Đêm Giáng-Sinh 25/12/74 CK Tánh-Linh thất thủ (VC bắt sống Thiếu-tá Hoàng Tiểu-đoàn trưởng Tiểu-đoàn 335/ĐP và Thiếu-tá Pilot trực thăng Trịnh-Minh-Nhật khi chiếc này bị VC bắn rơi). Tại mặt trận Hoài-Đức VC dùng chiến thuật biển người mong tràn ngập lực lượng phòng thủ nhưng đều bị TĐ 344/ĐP đẩy lùi.

Tình hình mỗi ngày một nguy ngập... thương vong phía ta mỗi ngày một cao. Pháo binh hết đạn, không có phi cơ yểm trợ vì phải ưu tiên cho mặt trận Phước-Long ... thì được tin LĐ7/BĐQ triệt thoái để nhận nhiệm vụ khác quan trọng hơn (LĐ7/BĐQ cũng bị VC tấn công thiệt hại trung bình), tin nầy gây hoang mang cho quân phòng thủ không ít.

    Hai đại-đội 1/344 và 2/344 của Lê Phi Ô tăng phái cho LĐ7/BĐQ phải tìm cách vượt vòng vây của VC để trở về phòng thủ cứ điểm cuối cùng là CK Hoài-Đức. Đồi Bảo-Đại cách CK Hoài-Đức về hướng bắc 2 km đã bị VC đánh chiếm ngày hôm trước, nơi đây là cao điểm duy nhất, là một đài quan sát tốt nhất để VC nhìn thấy rỏ mọi hoạt động của quân ta... Nên bằng mọi giá phải chiếm lại.
    Hai đại-đội 1/344 và 2/344 đã về được bên ngoài vòng rào CK, quân số của mỗi đại-đội chỉ còn phân nửa. Lê Phi Ô được lệnh chỉ huy 2 đại-đội này tái chiếm lại đồi Bảo-Đại và đẩy lùi VC ra khỏi khu vực chợ cách CK 300 mét về hướng Đông. Lê Phi Ô lịnh cho đại-đội 1/344 của Đại-Úy Trương Kiêm tái chiếm lại khu chợ còn đích thân Lê Phi Ô cùng Bộ chỉ huy nhẹ Tiểu-đoàn và đại-đội 2/344 tái chiếm đồi Bảo-Đại. Đại-đội của Trương Kiêm đánh bật VC ra khỏi khu chợ và truy kích địch thêm 500 mét thì bị khựng lại vì VC quá đông... ngay đêm đó VC phản công và đại-đội của Trương Kiêm tan hàng và mất hẳn liên lạc từ đó. Về phía cánh quân của Lê Phi Ô, sau một đêm phá chốt, đánh cận chiến và dùng đại bác 57 ly đánh sập các hầm hố kiên cố của VC... đến trưa hôm sau đã chiếm lại được đồi Bảo-Đại.

    Qua một đêm tạm yên.... một sự yên lặng ghê rợn, đêm kế tiếp VC tập trung khoảng 2 đại-đội mong chiếm lại đồi từ tay quân ta. Sau khi pháo phủ đầu... VC từ 3 hướng tiến lên đồi.  Đại-đội 2/344 chống trả quyết liệt, đốn ngã từng đợt xung phong của địch... nhưng không thể cầm cự được lâu. May mắn làm sao…! LĐ7/BĐQ chưa hoàn toàn triệt thoái hẳn, vẫn còn pháo đội Pháo binh 105 ly  của pháo-đội Trưởng Nguyễn-Hữu-Nhân (Nhân là anh vợ của Lê Phi Ô) . Nghe tiếng Lê phi Ô kêu cứu... Nhân vội vã quay súng bắn yểm trợ nhiều trăm quả đạn đại bác lên đồi Bảo-Đại, vì là đồi trọc nên bọn VC lãnh... đủ, thiệt hại nặng. Thừa lúc bọn VC xiểng niểng... Lê phi Ô cùng quân sĩ rời hố chiến đấu đánh cận chiến với địch . Bọn VC bỏ chạy xuống đồi quên mang theo vũ khí và xác của đồng bọn.

    Để tránh bị tiêu diệt, Lê Phi Ô được lệnh bỏ đồi. Lại một màn mở đường máu để trở về... khi đi quân số đại-đội 2/344 là 60 người bây giờ còn lại 26 người. Khi về đến CK, đại đội này được lệnh bảo vệ bệnh viện và bãi đáp trực thăng trước mặt CK 100 mét.

Đại-đội 513/ Trinh sát giữ vành đai của Chi khu về phía nam và cách CK 1000 mét... chịu không nổi áp lực địch đông gấp 10 lần phải lùi về bến xe cách CK 200 mét. Ngày hôm sau đại-đội này phải lùi về khu nhà Thờ cách CK 100 mét. Trưa hôm đó Trung-Úy Đường đại-đội trưởng 513/Trinh Sát bị tử thương và đại đội này tan hàng sau đó.

    LĐ7/BĐQ hoàn toàn rút lui, CK Hoài-Đức giờ đây chỉ còn đơn độc Tiểu đoàn 344/ĐP của Lê Phi Ô với quân số còn lại hơn 200 người so với quân số VC từ 8 đến 12 ngàn người. Quân trú phòng không có tiếp tế, không có tải thương, đạn được gần hết . Pháo binh hết đạn, không có tiếp viện, không có máy bay yểm trợ vì cần phải ưu tiên cho mặt trận Phước-Long... Lại thêm 2 sĩ-quan nữa tử thương (Đại-Úy Khương và Trung-Úy Hoàng). Lê Phi Ô cho tu sửa cấp thời các vị trí chiến đấu còn xử dụng được và ra lịnh tất cả sĩ-quan rời bỏ vị trí chỉ huy ra tuyến ngoài cùng anh em binh sĩ chiến đấu đến hơi thở cuối cùng...!

    Bọn VC lại dở trò cũ "Tiền pháo hậu xung"... Bọn chúng hò hét man rợ, từng đợt từng đợt người như những con thiêu thân lao vào ánh đèn  ban ngày cũng như ban đêm. Từng tràng đại liên .30 của ta trên pháo tháp cũng như .50 của Commando Car V-100 đẩy chúng bật ngược trở ra.... chúng lại tiếp tục xông vào, chiến trường ngập máu và đầy xác chết của cả hai bên …!

    Trong giờ phút hấp hối của quân trú phòng... Trong máy truyền tin vang lên giọng nói lạ... đó là tiếng nói của Thiếu-Úy Nguyễn-Phát-Tài, sĩ-quan tiền sát pháo binh của Sư-đoàn 18 Bộ binh. Vị sĩ-quan nầy yêu cầu đơn vị tử thủ cho tọa độ chính xác của ta và địch để pháo binh tác xạ yểm trợ. Sau vài phút trao đổi... hàng ngàn, mhiều ngàn quả đạn 105 ly, 155 ly  của 3 tiểu-đoàn pháo binh thuộc Sư-đoàn 18BB trút xuống đầu bọn VC... Đồng thời tưng đợt, từng đợt máy bay phản lực oanh tạc gầm rú trên đầu trút từng đợt bom lên đầu giặc... biến Võ-Đắc thành biển lửa thiêu rụi bọn Việt-cộng.
   
    Thì ra, sau khi LĐ7/BĐQ rút lui... Thiếu-Tướng Lê-Minh-Đảo đã đưa Sư-đoàn 18BB của ông giải cứu CK Hoài-Đức. Ông xử dụng Trung-doàn 52BB đánh địch từ phía Nam lên. Trung-đoàn 43BB đánh từ phía Bắc xuống mà mũi nhọn "Nỗ lực chính" là Tiểu-đoàn 2/43 của Thiếu-tá Nguyễn-Hữu-Chế (sĩ-quan giỏi nhất và Tiểu-đoàn thiện chiến nhất của SĐ18BB). Đồng thời xử dụng oanh tạc cơ từ 3 phi trường Phan-Rang, Biên-Hòa và Bình-Thủy (Cần-Thơ). Bọn VC đang thắng thế bỗng nhiên một trận bão lửa khủng khiếp dội lên đầu bọn chúng, SĐ18BB như hai gọng kềm kẹp chặt bọn chúng vào giữa làm mồi cho pháo binh và phi cơ  trong tiếng reo hò mừng rỡ của quân trú phòng. Võ-Đắc hoàn toàn được giải tỏa trưa ngày 5/1/1975.

    Từ những gương mặt sạm đen vì khói súng của những người lính tử thủ.... những giọt nước mắt sung sướng lăn dài trên hai gò má rồi lăn xuống chiến bào đã khô cứng vì thuốc súng, cát đất và máu của đồng đội...! Võ-Đắc đã hồi sinh sau 33 ngày đắm chìm trong địa ngục. 
   
Viết để kính dâng lên hương hồn đồng đội tôi, Những người đã chết để người khác được sống...!
LÊ-PHI-Ô  Tiểu-đoàn-trưởng TĐ344/ĐP - Bình-Tuy 
Florida  5/2011