25.3.11

Trường ca ngược về vĩ tuyến





Phong Điền


hôm ghé lại Phong Điền trời còn hanh nắng
thiết lộ im nằm theo nhịp thở thời gian
nhà xưa ven đường, dăm cành gãy khô khan
trơ trọi, gậm đau những căm hờn sót lại


Mai Lĩnh
qua Mai Lĩnh, lớp rêu xanh màu tê tái
những lỗ châu mai còn tức tưởi, cô đơn
là gió đông hay hồn tử sĩ chập chờn
ai gọi trong chiến hào chưa phai dấu máu
trời kéo mây đen, trời đè lên cổ tháp
vạch cỏ lau cố tìm lại dấu ngày xưa
giọt máu khô hay rêu mốc bám mùa mưa
ôi! Mai-Lĩnh đang im lìm trong mộ địa

Mỹ Chánh

Con sông vắt ngang, cây cầu nằm trơ đó
nước lũ một màu đỏ đục của bi thương
Mỹ Chánh âm vang, danh gọi một chiến trường
mùa hè, những khởi đầu trên con lộ máu
thoảng trong gió tiếng ầm ầm bầy đạn pháo
mưa bay bay nghe âm ỉ tiếng khóc than
gò đống xác người, chiến tích xếp hàng hàng
sông Mỹ Chánh chưa hết tanh mùi chết rữa

ta về đây, bạn bè xưa còn dăm đứa
sống lạc loài với mảnh đạn cũ trên thân
tuổi chiến trường già hơn tuổi để thành nhân
rồi tàn tạ khi tan hàng về quê cũ
dòng Mỹ Chánh còn như thương ngày chiến trận
bè bạn ơi! tóc đã bạc vẫn còn đau
Mỹ Chánh ơi! ta không dám mở miệng chào
đi lầm lũi, khóc cho một dòng sông chết



Thạch Hãn



























phong ba ngày trước, xác xơ thành quách cũ
trời lập đông làm rét buốt triệu anh linh
tường cổ lam nham dấu đạn, đứng nghiêng mình
máu ai đã chảy đầy con sông Thạch Hãn

Quảng Trị co ro trong đêm trường than oán
ta co ro quanh quẩn góc chiến trường xưa
nhà thờ Long Hưng pháo giặc phá ngày mưa
chết đứng bao năm rồi còn khoe dấu đạn
mùa hè khô trên con sông như lòng chảo
hứng hết đạn bom bên thành cổ quặn đau
ai nghe chăng theo ngọn sóng vỗ rì rào
lẫn theo gió tử thần đang vang tiếng hú


bạn đưa ta ngồi trên bến ghe ngày cũ
nơi vạn xác người chồng kín cả khúc sông
hôm nay lũ về, lũ của mỗi mùa đông
chắc chưa trôi hết nắm xương còn sót lại
ta đứng yên ngó dòng sông cuồn cuộn chảy
trong bạn bè có mấy đứa chết ở đây
chết mấy mươi năm, chết lạnh dưới mộ nầy
chỉ có nước, nước vổ về thân mất nước
bóng vó câu quân qua thành Đinh Công Tráng
như mờ mờ trong bom đạn nổ đâu đây
Quảng Trị ơi! Thạch Hãn hỡi! Cổ thành nầy
xương, máu, giang san còn gì khi tan trận?

Ái Tử

câu hát cổ vang trong đầu bên sông trắng
miếu đền xưa trên cát vắng xương còn phơi
dòng nước nghẹn ngào trôi theo tiếng à ơi
chiều sương lạnh nổi da gà qua Ái Tử
đồn lũy bao năm không còn gì dấu vết
nước mất nhà tan thành quách biết tìm đâu
một cái tên, từ đất chúa thuở công hầu
nghe văng vẳng giữa dòng trôi trong màu cát
ta buồn bã đứng bên cầu nghêu ngao hát
đất hỡi ! linh thiêng, đồi hỡi ! dựng cơ đồ
chinh chiến vạn lần, cồn cát vẫn nhấp nhô
như mộ vô danh của những người chết trẻ



Đông Hà


cũng nhà, cũng chợ, cũng quán nghèo cóc ổi
cũng âm u rờn rợn kiểu của Đông Hà
băng ngang cây cầu con sông nhỏ chạy qua
nhìn đất chết mới thấy thương thằng ở lính

Đông Hà, vùng đạn bom nhiều hơn cây cỏ
nơi trùng trùng không đếm hết bãi tha ma
hai mươi mấy năm, hết lớp trẻ đến già
vùi trong đất để thành người đi giữ nước

bây giờ mất, nói thế nào cũng lỡ mất
bây giờ đau, kệ, đau thêm cũng chẳng sao
chiều qua Đông Hà, ta thăm trước, thăm sau
thăm luôn cả những nhục, vinh còn ở đó

châm điếu thuốc tưởng tới người ra đi trước
rót một ly, nghe nóng mặt tiếc ngày xanh
đứng giữa Đông Hà nhìn quá khứ tan tành
trong căm hận muốn chửi thề dăm ba tiếng

cũng giống như mi, ta không còn vốn liếng
không có màu cờ để phủ lúc ra đi
chỉ là tạt ngang lượm lặt một chút gì
mà ngần đó thời gian dập vùi tàn nhẫn



Hà Thanh

tới cầu Hà Thanh ta giật mình nhớ lại
giọng hát của một thời xa lắc xa lơ
cũng chỗ nầy bạn ta chết lúc cuốn cờ
xác bỏ lại và được thiêu bằng bom lửa
ba mươi lăm năm với cuộc đời thối rữa
ta giống một thằng hề đi tới, đi lui
qua những địa danh nầy ta thấy không vui
chỗ nào cũng có bạn bè xưa nằm xuống
Quảng Trị! có phải ta về thăm quá muộn
như những con sông thoi thóp đợi đò ngang
nghiến răng trên vết thương cũ, buổi tan hàng
chảy đau đớn, khô dần ngang đường số một


Gio Linh


trên đất chết, cây khô, vườn không, nhà trống
ta nhìn Gio Linh thay áo mới mà thương
một chút phấn son không dấu nỗi đoạn trường
khuôn mặt lỗ chỗ còn đầm đìa nước mắt
về Gio Linh còn nghe bước chân chạy giặc
còn thấy trẻ thơ ngơ ngác đứng bên đường
bom tấn, pháo bầy cày xới chẳng tiếc thương
Gio linh chết, cái chết từ từ, đau xé
chợ Cầu già nua lưng còng chân nứt nẻ
nuôi một Gio Linh tàn tật mấy mươi năm
ôi! hôm nay ta đứng ngó, ngó thật gần
sờ da thịt Gio Linh tanh mùi máu giặc
đất khóc, người rên, cỏ cây nằm úp mặt
con trâu cái cày bương bã chạy về Nam
Gio linh chưa quên nửa thế kỷ lầm than
giờ cay đắng dâng xác mình ngày giặc tới




Trên Bến Hải





















ném viên sỏi xuống dòng sông Bến hải
đo độ sâu của xương máu bao năm
đứng giữa Hiền Lương đang khóc âm thầm
ta đang đạp trên lằn ranh vĩ tuyến

ôi Bến Hải, ôi Hiền Lương oan trái
tít mù xa cửa Tùng có kêu đau
bên này cầu ai ứa lệ nghẹn ngào
nhìn bờ Bắc ngày nào căm bóng giặc

nghe gió đông chuyển mình rung nhịp giữa
Hiền Lương xưa, chỗ này gãy làm đôi
dấu biên cương, là lịch sử mà thôi
giặc mấy lượt đưa quân tràn qua tuyến

ta vắt vẻo trên thành cầu sắt lạnh
Bến Hải đỏ ngầu sóng trước, sóng sau
ngó giang san lẫm liệt ngả một màu
tang tóc cũ mờ mờ trôi trên đó

người ta cố nối cho bền nhịp gãy
cố che lên lớp máu bám khung cầu
màu trắng thê lương này sẽ phai mau
hư cấu đó chỉ làm đau Bến Hải

dấu binh lửa trên làn ranh địa sử
dăm bận nghẹn ngào ghi hận xăm lăng
Hiền Lương xưa khóc suốt hai mươi năm
vết thương đó bây giờ còn mưng mủ

tới Bến Hải, ta nhớ ngày rách áo
xót màu cờ nên dừng lại bờ Nam
ngó Xuân Hoà một bãi cỏ khô khan
bên kia lộ kỳ đài không còn nữa

xoá di vết là sợ nhìn lịch sử
phá thành xưa thái độ kẻ bất nhân
đào mồ tử sĩ hành động vô thần
tội lỗi đó hãy gởi dòng Bến Hải

Thạch Hãn mang xương đổ đầy cửa Việt
Bến Hải căm hờn làm cửa Tùng đau
chiều ải quan mây đùn trắng một màu
ta hát khẽ một bài ca năm cũ


nguyễn thanh khiết
11-2010



(Nguồn: http://nguyenthanhkhiet.wordpress.com/)






22.3.11

Tìm gặp




Tống Phước Hiến


Tôi đã nếm những gì là vinh nhục
Nhục và vinh đã thử ghé vào đời
Vinh thì nhỏ, nhục đau nhiều vô kể
Qua nhục vinh tôi thấy được mặt người.

Xin cám ơn đời cho tôi dâu bể
Nỗi buồn vui in bằng dấu chân di
Mỗi vấp ngã thêm một lần chợt ngộ
Mỗi đoạn đường thêm viên gạch từ bi

Cây trỗ nhánh, đâm cành đơm hoa nở
Đời đổi thay như gió nhạt bâng khuâng
Cũng có lúc thử xòe tay bắt nắng
Nắng vuột bay thơ thẩn nhập trầm luân.

Đấng sinh thành, mãi miết đi rất sớm
Không có gì để được gọi trắng tay
Từ độ ấy, ngẩn ngơ cùng gió cát
Mắt vẫn thường ướp lệ dưới mi cay.

Tuổi hoa bướm chỉ nghe bằng ngôn ngữ
Màu tương lai bầm tím ngát chân trời
Tôi ngơ ngác đau vết roi nhân thế
Viết đời mình bằng những nét chơi vơi

Cây cỏ úa thèm nước sông hờ hững
Sông lững lờ xa cỏ úa bâng khuâng
Đá thầm hỏi giòng sông trong hay đục?
Sông thở dài tự hỏi đục hay trong !

Đời lẩn thẩn quẩn quanh màu trong đục
Năm tháng dài đuổi bắt chuyện đục trong
Rồi mệt mỏi đếm dấu chân trên cát
Bỗng vụt cười huyền ảo những ước mong,

Chân đã bước, tay ôm là đã sống
Tóc đổi màu pha dấu bụi thời gian
Mắt bảo chân cuộc đời là phía trước
Nhưng lắm lần chân lạc bước lang thang.

Đêm hôm qua, trườn tay rờ huyệt mộ
Nơi tôi về và từ đó tôi đi
Tôi bỗng thấy kim thời gian xoay ngược
Thấy đời mình trôi giạt giữa mê si

          Sinh nhật lần thứ 67 – 23.08.2010
            Tống Phước Hiến



18.3.11

cũng từ chuyện Tháng Ba Gãy Súng



Tưởng Niệm Cao Xuân Huy

ngồi đây nơi ngã ba tắt nắng
cô hàng ơi cho một cốc xây chừng
nâng chén muộn phiền đợi bạn
như có lời của gió mùa sang
gọi từ nghìn trùng xanh thẳm
xúm xít quanh đây
những hồn ma thức dậy
dưới trời chiều loang loáng máu tươi
tiếng ai điên dại nói cười
tháng Ba cửa Thuận An bẫy chết
những người lính Kình Ngư
Thủy Quân Lục Chiến
màu áo hoa rừng đẫm máu
giày trận rách bươm
xương tàn cốt rục
những mộ phần đào vội lấp nông
xác người lính Miền Nam
thua trận tháng Ba
tháng Ba cửa Thuận An
những bia thịt bấy nhầy
trước họng súng kẻ thù
lính, dân dồn cục rối mù
chiến trường nước mắt hận thù anh em
ôi những cái chết hào hùng
chưa một lần được biết
của người lính vô danh
THÁNG BA GÃY SÚNG đoạn đành
bốn bề biển nước loanh quanh chết dần
giữa bến chiều Cai Hạ
sau lưng kẻ thù rượt tới
vũ khí trên tay mà thêm nặng nợ
ĐẠN KHÔNG CÒN
lấy thân mòn chống lại kẻ thù
như con rắn bị chặt đầu
chiếc đuôi quẩy đạp ngập tầu máu xương
thế rồi giữa biển chiều thoi thóp
địa ngục vỡ toang
một người ngồi lại trên bờ cát *
giòng người tiếp tục chạy
một người nữa ngồi lại trên bờ cát
giòng người vẫn chạy
và những người khác nữa….
kết thành vòng tròn chết
quả lựu đạn nổ bung ở giữa
máu và xác người tung toé
đỏ rợn người nơi bãi cát trắng tươi
ôi Tổ Quốc tôi
bi thương man rợ
những người lính bơ vơ
đã chết một ngày như thế
những người lính cùng đường
đã bị bội phản
bán đứng thảm thương
bị bỏ lại giữa đường
cho kẻ thù tập bắn bia người
ngoài khơi tầu bè qua lại
trong bãi cát lầy
những vòng tròn chết vẫn dài ra
những tiếng sóng êm đềm vẫn vọng từ xa
giữa tiếng súng
tiếng lựu đạn
nổ tung trời cõi chết
một trời vô vọng
giòng người bỗng chậm dần ngong ngóng
rồi ngưng lại
đụ mẹ sao không chạy tiếp *
chạy con mẹ gì nữa cha ơi
ôi cửa Tư Hiền đã quá xa vời

CÁI TRỌNG TY

* trong ngôn ngữ Tháng Ba Gãy Súng




VIỆT- KIỀU


                                                                        Tống-Phước-Hiến
                                                                                                              *

    Cuộc chiến-tranh vừa qua, nhiều người lầm tưởng đã kết thúc vào 30.4.1975 và bị đánh giá là cuộc nội-chiến Nam Bắc, mà Cầu Hiền-Lương vắt qua giòng sông Bến-Hải, trên Vĩ-tuyến 17 là biểu-tượng cho một giai-đoạn xót-xa của lịch-sử. Thật ra, cuộc chiến-tranh đó vẫn được tiếp-diễn, nhưng theo thế-trận khác và ý-nghĩa cũng được nhận-định lại đúng đắn hơn !

Sau 30.4.1975 Cộng-sản phơi bày chân-tướng là một lũ phỉ quyền tham ác lưu-manh; nên Người Quốc-Gia giành đoạt được chính-nghĩa và tiến-hành cuộc chiến-tranh giải-phóng Dân-tộc hầu có điều-kiện đưa đất-nước đến phồn thịnh, nhân-dân được tự do. Trận quyết đấu nầy, người Quốc-Gia đang thắng-thế, từng bước chứng-minh Cộng-sản Việt Nam là tội-phạm nhân-loại, là tội-đồ Dân-tộc. Nhưng bỗng nhiên hàng-ngũ chúng ta có hiện-tượng giao-động, địch biết tránh né, thoát hiễm. Thì ra, chúng ta đang bị một loại “nội thù” rất nguy-hiểm mà mọi người thường gọi bằng tên nghe khá hiền lành “Việt-kiều” !.

Tất-cả những người Việt Nam (VN), nếu không là bọn có quyền thế sống hoan-lạc trên nỗi thống-hận Dân-tộc, và nếu có điều-kiện đều phải đành lòng chấp-nhận gian-nan, nghiệt-ngã, nguy-hiểm, đau nhục để đào thoát ra đi. Sóng nước đại-dương, rừng sâu, hải tặc, thổ-phỉ…... không cản ngăn được ý chí. Họ đào thoát khỏi Cộng-sản dưới nhiều hình-thức như vượt biên, vượt biển, con lai, bảo-lãnh đoàn tụ, cựu tù nhân (H.O), Cựu nhân-viên Chính-phủ Hoa-Kỳ (U.11), thuyền-nhân hồi hương (ROVR); đào tỵ khi xuất ngoại như công-tác, biểu-diễn nghệ-thuật, thi đấu, công-nhân trong chương-trình"xuất-khẩu lao-động"; ngay cả những du-học-sinh hay du-lịch… v.v...phần đông trong thâm tâm họ cũng mơ ước cho toàn dân Việt Nam thoát khỏi ách nạn Cộng-sản.

    Ðối với Việt-cộng (VC), những người hội đủ điều-kiện được tái định-cư ở nước ngoài khi trở về Việt Nam đều bị xếp vào loại người có danh xưng là “VIỆT-KIỀU” (VK).


13.3.11

Thư Gửi Anh Em A-20 (bài chót)



A20 Vũ Trọng Khải 

Anh Em A-20 Thân Quý.

Thưa Quý Anh,

Đến bài này, tôi xin vào ngay sự việc đã hứa với Quý Anh và Anh Phạm Kim Minh, và xin một lần nữa cảm ơn Anh Phạm Kim Minh đã chuyển bài viết của Ông Nguyễn Đình (ngoài Emailgroups của chúng ta ).

Đó là việc liên quan đến lá thư của Ông Nguyễn Đình Bình, cựu Chánh Thanh Tra Giám Sát Viện của VNCH, nói về cái chết trong tù của Đại Tá Sơn Thương.

Thưa Quý Anh,

Trước đây vài năm , khoảng trên dưới 7 năm gì đó, tôi không nhớ rõ.

Nhân dịp gặp một người Bác Họ của tôi, Ông có đề cập đến dư luận cho rằng Đại Tá Sơn Thương chết trong tù là tại Vũ Thành An (VTA).

11.3.11

Thư gửi Anh Em A-20 (bài 1)



A20 Vũ Trọng Khải

Anh Em A-20 thân quý,

Đích thực, các Anh là những Anh Em Thân Quý của tôi.

Vì thế hôm nay tôi cần phải thưa cùng các Anh đôi điều, mà đáng lẽ, tôi đã phải trình bầy từ lâu … từ khi tôi phản bác bài viết  “CON NGƯỜI TA CÓ DUYÊN SỐ HAY KHÔNG” của A-20 Toại Chí.

Rồi đến việc tôi chuyển lời mời Anh Em A-20 San Jose tham dự lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Hoàng Sa cùng buổi nói chuyện của Luật Sư Nguyễn Thành.

Cả hai sự kiện này tôi đều bị nhiều Anh lên tiếng trách móc (tôi còn lưu giữ những Email ý kiến của Quý An ).

8.3.11

TẠ ƠN MẸ




Quán Lá cũng xin giới thiệu cây viết Nguyễn Thụy Giáng Sinh là ái nữ của A20 Nguyễn Văn Học. Để chúng ta thấy rằng A20 “hổ phụ sinh hổ tử”.



TẠ ƠN MẸ


Vài dòng tâm sự với các bạn đồng trang lứa, về những người Mẹ của chúng ta.

Nguyễn Thụy Giáng Sinh.



        Năm nay tôi vừa tròn ba chục tuổi, sống ở Mỹ gần mười ba năm, đã có chồng và một con, về công việc học hành cũng như làm ăn sau ngày ra trường. Tôi cảm thấy không có gì phải phàn nàn cuộc đời cả - Tôi biết, sở dĩ cuộc đời tôi được mọi chuyện tốt đẹp như ngày hôm nay, ngoài sự an bài của Thượng Đế, còn có sự tài bồi, lo lắng của cha mẹ, nhưng đặc biệt hơn hết là của Mẹ - Tôi chỉ dùng một tiếng Mẹ, mà không dùng mẹ tôi, vì e rằng các anh chị cho là tôi giành hết mẹ chăng - Tôi có tới sáu anh chị em, và người nào trong chúng tôi, cũng đều có những ý nghĩ, tình cảm riêng thật đậm đà đối với Mẹ - Điều này chắc hẳn anh chị em chúng tôi cũng giống các anh chị mà thôi - Riêng tôi cảm nhận được tình mẹ đối với tôi thật bao la, bát ngát, có thể nói hầu như lúc nào cũng bao trùm hết cuộc đời tôi, khi thì bàng bạc như sương khói, lúc lại nồng nàn, ấm áp như nắng xuân. Từ khi có trí khôn, tôi chỉ biết có Mẹ, và duy nhất chỉ một mình mẹ - Mọi chuyện tôi đều trông cậy, phó thác nơi Mẹ, từ khi còn ẵm ngửa, đến lúc hiểu biết và cả khi đã khôn lớn.
     

7.3.11

Ngậm Ngùi Tuổi Hạc


  
Chia tay nhau từ những năm sau 1980, A20 Nguyễn Văn Học đã bay một mình giữa trời gió bão
Hôm nay anh  về Quán Lá, căn nhà của những cánh chim đã mỏi, bằng bao năm chinh chiến, bằng bao tuổi ngục tù, A20 Nguyễn Văn Học đã viết lại trăn trở của mình từ những năm 2008, anh viết cho anh, cho bè bạn, cho thế hệ mai sau.
 Quán Lá mời các anh lắng nghe tiếng kêu gần như tuyệt vọng của con hổ ngày xưa trên chiến trường đẫm máu, tiếng kêu dưới màu cờ mà anh đã một đời dâng hiến cho đến ngày buông tay, Hãy lắng nghe tâm sự của một A20 từng chia với chúng ta ngọt bùi suốt những tháng năm trong Trại Trừng Giới .


Ngậm Ngùi Tuổi Hạc

A20 Nguyễn Văn Học


       Cuộc đời tỵ nạn đã là những chuỗi ngày bàng bạc nỗi buồn - Đến mùa Quốc Hận, nỗi buồn tăng thêm cường độ, vì những kỷ niệm đau xót lại trở về - Đầu óc cũng trở nên lãng đãng bởi những suy tưởng về ý nghĩa cuộc đời.

       30 tháng Tư năm 1975 đến 30 tháng Tư năm 2008, đã qua 33 năm - Những chàng trai phương cường, những thiếu phụ xinh tươi thuở ấy, tuổi ngoài ba chục, đến nay đã tròm trèm bảy chục - Gần bảy chục tuổi của các ông, bao gồm cả thời gian đại hạn, khổ sai trong lao tù cộng sản, đa số bề ngoài cũng đã hom hem lắm lắm . Trong những người hom hem đó có tôi - Chuyện này không làm tôi buồn, vì bè bạn, nhiều người giống mình, nên gặp nhau, chẳng có gì lạc lõng, cứ vui cười thoải mái.


Thư cho A.20




Thưa tất cả các Niên Trưởng, Huynh Trưởng và anh em A.20,

Tôi không phải là người biết viết lách như anh Alpha Vũ Ánh, như Bùi Đạt Trung (Điên), như anh Tống Phước Hiến, chị Lê Thị Xuân (Tống Phước Hiến phu nhân) hoặc ngay cả cháu Tống Phước Xuân Hà (con gái út của anh chị Tống Phước Hiến), và một số anh em khác viết rất hoa mỹ và làm cho người đọc rung động.

Nhưng tôi xin đến với quý vị trong Trại Trừng Giới A.20 với tất cả tấm lòng của tôi.

Tôi nhờ Phật độ nên “được” về tương đối sớm (cuối năm 1981 sau 2 năm 10 tháng tại A.20) cùng toán với anh Trung Tá Ngân (không tin tức gì nữa sau khi anh bước xuống ga Nha Trang rồi hình như đi vượt biên rồi mất tích luôn trong khi toán còn lại xuôi Nam).

Đến giữa năm 1992 thì tôi qua Mỹ theo diện “Quân nhân đi tù trên 3 năm được chính phủ Mỹ cho qua Mỹ với tư cách tỵ nạn chính trị” nhờ ít nhiều có sự can thiệp của bà Khúc Minh Thơ.

Sau một thời gian thật là lâu, đột nhiên tôi gặp trang nhà của Trại Trừng Giới A.20 trên mạng, khi tôi đọc được một bài viết ca tụng cháu gái con anh Đoàn Bá Phụ được giải thưởng Bill Gates. Tôi mò vào trang nhà đó và sau đó được công nhận là một thành viên của A.20, và tôi hãnh diện ký tên A.20 LHÂn.

Xin cho tôi được phép nói dông nói dài như vậy để thưa với quý vị rằng như tôi đã nói trong một email trước đây khi chúng ta lo cho A.20 Hải Bầu là: “A.20 một ngày là là A.20 trong máu suốt đời, không bao giờ quên”, đâu có gì lạ khi chúng ta cùng chung lưng đấu cật để chu toàn cho một người anh em của chúng ta.

Chúng ta dùng trang nhà để nói lên tiếng nói của chúng ta, những chàng trai trẻ tuổi, gác bút nghiên theo việc đao cung, để dấn thân cứu nước và bảo vể Tổ Quốc. Bảy anh em “Anh Hùng A.20” còn đó, những ngưòi khác vào cùm ra khám còn đó, chứng minh tinh thần bất khuất của những chàng trai “coi nhẹ cuộc đời nhưng coi nặng lòng ái quốc và tình bạn”.

Chúng ta đã thua trên bàn cờ quốc tế, nhưng tâm huyết của chúng ta còn đó. Chúng ta không thua vì chúng ta dở, hèn nhát hay gì đó, mà chúng ta thua vì Washington muốn chúng ta thua. Và người ta muốn gỡ danh dự nên cho một số chúng ta qua đây, không phải vì thương chúng ta, nhưng vì không làm gì khác được.

Tôi xin đưa một lời nói cụ thể của tôi khi trả lời những người nói về cuộc chiến tại Việt Nam như sau:

Có nhiều người ngoại-quốc, phần đông là người Mỹ, để một phần bào-chữa cho chính-sách rút quân của họ vào đầu năm 1973, đã nói với chúng tôi rằng:

 Cuộc chiến tại Việt-Nam là một cuộc chiến nội-bộ, một cuộc huynh-đệ tương-tàn lớn giữa người Việt-Nam các anh với nhau”.

Chúng tôi chua-chát nói với họ:

“Các ông lầm to rồi. Đó không phải là một cuộc nội-chiến. Đó không phải là một cuộc huynh-đệ tương-tàn. Đó là sự xâm-lăng của một quốc-gia này vào tới một quốc-gia khác kia. Đó là sự xâm-lăng của một Ý-THỨC-HỆ này vào một Ý-THỨC-HỆ khác kia. Quý-vị nói là chúng tôi là người Việt-Nam cả, và do đó chúng tôi là anh em mà lại chém giết lẫn nhau, tại sao quý-vị lại có thể đặt một vấn-đề như thế? Chúng tôi đã được phân chia rõ-rệt, qua hiệp-định Genève ngày 20 tháng 07 năm 1954, một bên là Quốc-Gia, một bên là Cộng-Sản, mang tên hai quốc-gia khác nhau, một bên là Việt-Nam Cộng-Hoà, một bên là Việt-Nam Dân-Chủ Cộng-Hoà, hai quốc-gia có địa-giới, không-giới, hải-giới rõ-ràng cơ mà. Vậy mà chúng tiến-hành xâm-chiếm đất đai của chúng tôi. Nếu quý-vị cho rằng chúng tôi là người cùng một màu da, cùng một dân-tộc, mà lại chém giết lẫn nhau, quý-vị cho là nội-chiến, là huynh-đệ tương-tàn, quý-vị không thể tiếp-tục can-thiệp được, thì vậy quý-vị thử nhìn lại xem lịch-sử của chính đất nước quý-vị xem sao. Quý-vị có phải là người gốc Anh không? Quý-vị đánh lại nước Anh để có được hai chữ TỰ-DO, có đúng thế không? Quý-vị có nhận viện-trợ của nước Pháp không? Người Pháp với Tướng Lafayette có bỏ rơi quý-vị không? Thế thì cùng một công việc, cùng một hành-động, mà chỉ có hành-động đấu-tranh dành TỰ-DO của quý-vị là đúng, còn hành-động bảo-vệ TỰ-DO của đất nước chúng tôi là sai sao? Như vậy, người Anh đánh người Anh là đúng, còn người Việt đánh người Việt thì sai sao? Thế sao bây giờ quý-vị tiếp-tục giúp người Đại-Hàn? Người Nam-Hàn có khác với người Bắc-Hàn không? Thế sao sau cuộc thế-chiến thứ hai quý-vị lại giúp Tây-Đức không cho Đông-Đức lấn chiếm? Thế sao cho đến bây giờ quý-vị vẫn tiếp-tục giúp những người Cuba lưu-vong chống lại sự cầm quyền của Fidel Castro? Thế sao quý-vị tiếp-tục giúp những người Tầu ở Đài-Loan chống lại Trung-Cộng? Như vậy, người Anh đánh người Anh là đúng, người Đại-Hàn đánh người Đại-Hàn là đúng, người Đức đánh người Đức là đúng, người Cuba đánh người Cuba là đúng, người Tầu đánh người Tầu là đúng, chỉ có người Việt-Nam đánh người Việt-Nam là sai? Như vậy rõ-ràng quý-vị thiên-vị, chỉ làm những gì lợi cho quý-vị, chứ trên thực-tế quý-vị chẳng thương một ai cả, có đúng thế không nào? Một sự biện-minh, một sự nguỵ-biện con nít. Thật là mỉa-mai, thật là chuyện trò hề, có đúng không quý-vị?”

Lập trường của những người xuất thân từ A.20 thật vững chắc, ngoại trừ như tôi đã nói là có một số ít người phản thùng, chê bai người này, nói xấu người nọ, chụp mũ người kia, nhưng số này rất ít không đáng kể, cho ra rìa cũng còn được, và tôi xin hoan hô tinh thần tương thân tương trợ của những anh em A.20 có một không hai. Chúng ta ai cũng biết là khi chúng ta qua Mỹ, chỉ có hai bàn tay trắng và một giấc mơ là sớm ổn định để còn nghĩ đến việc quang phục quê hương khỏi ách thống trị của bọn nguỵ quyền cộng sản, qua súng đạn nếu có thế (mà chắc chắn không được vì nhìn thấy gương Tướng Vàng Pao) hoặc qua ngòi bút, và chúng ta đã tương đối thành công. Chưa một ai bị đói rách như anh em của chúng ta còn ở lại Việt Nam, ý tôi muốn nói đến những thương phế binh QLVNCH, chúng ta hằng có hằng ngày mấy bữa cơm, còn rủng rỉnh uống vài lon bia nữa, rồi bên cạnh còn có vợ hìền, con thảo nữa. Chẳng may khi người bạn đời của ta sớm ra đi, thì thứ nhất có thể do duyên nợ đã hết, và thứ nhì biết đâu do tu hành từ nhiều kiếp trước nên đã đến lúc đắc quả trên cõi Phật. Nhìn hình ảnh chị Hải nằm thư thản, tôi có cảm giác như chị đã đắc quả rồi, và chị đang hướng dẫn cho chúng ta tu hành để cũng đạt được kết quả như chị. Đối với Phật Tử, chỉ cần niệm lục tự “Nam Mô A Di Đà Phật” là chúng ta sẽ đạt được cứu cánh Niết Bàn. Chị Hải đã làm được, anh Hải sẽ làm được, và chúng ta sẽ làm được. Anh Hải không nên buồn mà phải hãnh diện là Chị đã đắc quả Tu Đà Hoàn.

Trong khi chờ đợi tôi xin nhắc lại mục đích của lá thư của tôi:

Chúng ta là A.20, là những chàng trai đã từng vào sinh ra tử cho lý tưởng của chúng ta, với bao nhiêu trận đánh, với những vết thương lớn nhỏ trên thân thể chúng ta hay ngay trong tâm hồn của chúng ta, nay là những cụ già ai cũng trên 6 bó, thậm chí 7, 8 bó, (như tôi đã là 71 rồi đó HuHuHu!!!) nhưng tinh thần của chúng ta vẫn mãi mãi trẻ trung, và chúng ta vẫn còn lý trí, ý chí, để mong một ngày nào đó thật sớm quang phục được quê hương, ngõ hầu cúu vớt dân tộc Việt Nam khỏi ách cộng sản, và xây dựng một nước Việt Nam hoàn toàn tự do, dân chủ, phú cường, dân giầu nước mạnh, đồng thời mang những nụ cười đến cho toàn bộ dân chúng Việt Nam cũng như cho anh em để an ủi nhau trong tuổi già, để khích lệ anh em trong những lúc hoạn nạn, cơ hàn, buồn bã.

Chúng ta không làm chính trị, nhưng chúng ta phải có thái độ chính trị. Không tham gia ngụy quyền VC, không hưởng ứng những gì VC nói và làm, và chỉ có hai nhiệm vụ chính: chống cộng và lo cho anh em A.20.

Tôi nghĩ là những gì tôi viết ra không đến nỗi trái tai quý vị trong A.20 cho lắm, tuy nhiên nếu tôi có động chạm đến vị nào thì xin niệm tình tha thứ cho tôi.

Việt Nam Cộng Hoà muôn năm,
Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà muôn năm,
A.20 muôn năm,

A.20 Lê Hoàng Ân
5/3/2011




DI HUẤN TRONG HUYỀN THOẠI



Trong thế giới của chúng ta, những người đi trước thường để lại dấu ấn cho thế hệ đi sau .
Chính nó dẫn dắt cái thế hệ đó đi theo con đường đã hướng. Trọng trách mà chúng ta vác trên vai không phải là chỉ khu xử với nhau, nhìn nhau trong cái nhìn của một thời tù ngục không thôi. Ngoài cái trách nhiệm cho chính chúng ta, còn một trách nhiệm không sao quên bỏ ... Những người trẻ..
Quán lá xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tống Phước Xuân Hà con gái của A20 Tống Phước HiếnCựu CSQG thiếu uý Lê Thị Xuân, bài được viết khi cháu lên 16 tuổi.

---------------
  
DI HUẤN TRONG HUYỀN THOẠI

                                               Tống Phước Xuân Hà

Tôi nhớ thuở còn thơ dại, ba tôi hay kể cho nghe những câu chuyện huyền thoại trong lịch sử Việt Nam. Trong những câu chuyện ấy, có một chuyện thật đặc biệt mà tôi khắc ghi trong lòng, đó là chuyện về “Thánh Gióng”. Tôi thích, vì câu chuyện này mang tính chất thần kỳ.
 
Chuyện kể lại rằng: Vào đời Hùng Vương thứ 6, tại làng Phù-Đổng, thuộc bộ Vũ-Ninh, Nước Văn-Lang (tên nước Việt-Nam thời bấy giờ) có một cậu bé bị dị tật bẩm sinh vì đã ba tuổi mà còn nằm nga; không biết nói, không biết cười, không biết lật, không biết bò; nhưng sau đó lại trở thành một vị Anh Hùng Dân Tộc.

 Tới khi tôi lớn lên, ba tôi mới giải thích cho tôi hiểu rõ hơn mục đích của câu chuyện.  Hôm nay, tôi xin được chia xẻ với các bạn những gì tôi đã học được từ câu chuyện thần thoại này.
 
Theo tôi thì trong câu chuyện Thánh Gióng, Cha Ông ta đã để lại lời di huấn như sau :


6.3.11

Tâm tình với các đồng đội A-20 Xuân Phước


Vũ Ánh

Tôi không phải là người đầu tiên được Hải bầu báo tin cho biết người bạn đời của anh đã ra người thiên cổ ở tuổi 60. Cái tật ít nghe lời nhắn trên cell khiến tôi chùng xuống vì ân hận khi vào sáng tinh mơ, Phạm Đức Nhì ở Galveston gọi cho tôi báo hung tin. Tôi không gọi cho Hải bầu, vì tôi biết trong giờ phút ấy, những lời an ủi chẳng có tác dụng gì giữa cái mất mát to lớn của người bạn tù thân thiết của mình. Hải làm ở gần tòa soạn tôi, thỉnh thoảng anh em gặp nhau để bàn về chuyện tổ chức gặp mặt vào Tháng Bẩy này. Tôi biết hoàn cảnh của Hải bầu rất khó khăn, tôi lại không giầu có gì, nhưng không hiểu sao vào giây phút khẩn cấp ấy tôi nghĩ  những anh em nào đã chia nhau từng miếng khoai hà, từng chén canh đại dương, canh giây thép gai, mắm đã có giòi trong những bữa cơm tù, từng nhìn thấy cảnh một bi thuốc lào mà bốn năm đứa chuyền tay nhau kéo, từng vá cho nhau những miếng vá trên các bộ quân phục đã bắt đầu mục rách… có thể giúp tìm ra một giải pháp.

BÔNG HỒNG TRÊN VẾT DẦU LOANG


Ngày buồn rồi sẽ qua đi, sinh hoạt Quán Lá cũng sẽ trở lại bình thường, nhưng dư âm vẫn còn đọng lại trong chúng ta với quá nhiều cảm xúc, tự hào và hãnh diện vì mình là “A.20”

Khi biến cố xảy đến cho gia đình Hải Bầu, một số A.20 xa gần thường liên lạc với “Bầu” rất lo lắng, quan tâm và chia xẻ…., lên net thông báo cho Quán lá, những chỉ có lẻ tẻ hồi đáp, hầu như gặp “bức tường im lặng” vì đa số không có xử dụng computer và không có theo dõi sinh hoạt Quán Lá qua email.

Lúc đầu Quán có vẻ thất vọng và muốn bỏ cuộc, sợ rằng sự tồn tại sẽ không còn bao lâu nữa, nhưng bây giờ mới thấy ý nghĩ đó hoàn toàn sai lầm.