25.3.11

Trường ca ngược về vĩ tuyến





Phong Điền


hôm ghé lại Phong Điền trời còn hanh nắng
thiết lộ im nằm theo nhịp thở thời gian
nhà xưa ven đường, dăm cành gãy khô khan
trơ trọi, gậm đau những căm hờn sót lại


Mai Lĩnh
qua Mai Lĩnh, lớp rêu xanh màu tê tái
những lỗ châu mai còn tức tưởi, cô đơn
là gió đông hay hồn tử sĩ chập chờn
ai gọi trong chiến hào chưa phai dấu máu
trời kéo mây đen, trời đè lên cổ tháp
vạch cỏ lau cố tìm lại dấu ngày xưa
giọt máu khô hay rêu mốc bám mùa mưa
ôi! Mai-Lĩnh đang im lìm trong mộ địa

Mỹ Chánh

Con sông vắt ngang, cây cầu nằm trơ đó
nước lũ một màu đỏ đục của bi thương
Mỹ Chánh âm vang, danh gọi một chiến trường
mùa hè, những khởi đầu trên con lộ máu
thoảng trong gió tiếng ầm ầm bầy đạn pháo
mưa bay bay nghe âm ỉ tiếng khóc than
gò đống xác người, chiến tích xếp hàng hàng
sông Mỹ Chánh chưa hết tanh mùi chết rữa

ta về đây, bạn bè xưa còn dăm đứa
sống lạc loài với mảnh đạn cũ trên thân
tuổi chiến trường già hơn tuổi để thành nhân
rồi tàn tạ khi tan hàng về quê cũ
dòng Mỹ Chánh còn như thương ngày chiến trận
bè bạn ơi! tóc đã bạc vẫn còn đau
Mỹ Chánh ơi! ta không dám mở miệng chào
đi lầm lũi, khóc cho một dòng sông chết



Thạch Hãn



























phong ba ngày trước, xác xơ thành quách cũ
trời lập đông làm rét buốt triệu anh linh
tường cổ lam nham dấu đạn, đứng nghiêng mình
máu ai đã chảy đầy con sông Thạch Hãn

Quảng Trị co ro trong đêm trường than oán
ta co ro quanh quẩn góc chiến trường xưa
nhà thờ Long Hưng pháo giặc phá ngày mưa
chết đứng bao năm rồi còn khoe dấu đạn
mùa hè khô trên con sông như lòng chảo
hứng hết đạn bom bên thành cổ quặn đau
ai nghe chăng theo ngọn sóng vỗ rì rào
lẫn theo gió tử thần đang vang tiếng hú


bạn đưa ta ngồi trên bến ghe ngày cũ
nơi vạn xác người chồng kín cả khúc sông
hôm nay lũ về, lũ của mỗi mùa đông
chắc chưa trôi hết nắm xương còn sót lại
ta đứng yên ngó dòng sông cuồn cuộn chảy
trong bạn bè có mấy đứa chết ở đây
chết mấy mươi năm, chết lạnh dưới mộ nầy
chỉ có nước, nước vổ về thân mất nước
bóng vó câu quân qua thành Đinh Công Tráng
như mờ mờ trong bom đạn nổ đâu đây
Quảng Trị ơi! Thạch Hãn hỡi! Cổ thành nầy
xương, máu, giang san còn gì khi tan trận?

Ái Tử

câu hát cổ vang trong đầu bên sông trắng
miếu đền xưa trên cát vắng xương còn phơi
dòng nước nghẹn ngào trôi theo tiếng à ơi
chiều sương lạnh nổi da gà qua Ái Tử
đồn lũy bao năm không còn gì dấu vết
nước mất nhà tan thành quách biết tìm đâu
một cái tên, từ đất chúa thuở công hầu
nghe văng vẳng giữa dòng trôi trong màu cát
ta buồn bã đứng bên cầu nghêu ngao hát
đất hỡi ! linh thiêng, đồi hỡi ! dựng cơ đồ
chinh chiến vạn lần, cồn cát vẫn nhấp nhô
như mộ vô danh của những người chết trẻ



Đông Hà


cũng nhà, cũng chợ, cũng quán nghèo cóc ổi
cũng âm u rờn rợn kiểu của Đông Hà
băng ngang cây cầu con sông nhỏ chạy qua
nhìn đất chết mới thấy thương thằng ở lính

Đông Hà, vùng đạn bom nhiều hơn cây cỏ
nơi trùng trùng không đếm hết bãi tha ma
hai mươi mấy năm, hết lớp trẻ đến già
vùi trong đất để thành người đi giữ nước

bây giờ mất, nói thế nào cũng lỡ mất
bây giờ đau, kệ, đau thêm cũng chẳng sao
chiều qua Đông Hà, ta thăm trước, thăm sau
thăm luôn cả những nhục, vinh còn ở đó

châm điếu thuốc tưởng tới người ra đi trước
rót một ly, nghe nóng mặt tiếc ngày xanh
đứng giữa Đông Hà nhìn quá khứ tan tành
trong căm hận muốn chửi thề dăm ba tiếng

cũng giống như mi, ta không còn vốn liếng
không có màu cờ để phủ lúc ra đi
chỉ là tạt ngang lượm lặt một chút gì
mà ngần đó thời gian dập vùi tàn nhẫn



Hà Thanh

tới cầu Hà Thanh ta giật mình nhớ lại
giọng hát của một thời xa lắc xa lơ
cũng chỗ nầy bạn ta chết lúc cuốn cờ
xác bỏ lại và được thiêu bằng bom lửa
ba mươi lăm năm với cuộc đời thối rữa
ta giống một thằng hề đi tới, đi lui
qua những địa danh nầy ta thấy không vui
chỗ nào cũng có bạn bè xưa nằm xuống
Quảng Trị! có phải ta về thăm quá muộn
như những con sông thoi thóp đợi đò ngang
nghiến răng trên vết thương cũ, buổi tan hàng
chảy đau đớn, khô dần ngang đường số một


Gio Linh


trên đất chết, cây khô, vườn không, nhà trống
ta nhìn Gio Linh thay áo mới mà thương
một chút phấn son không dấu nỗi đoạn trường
khuôn mặt lỗ chỗ còn đầm đìa nước mắt
về Gio Linh còn nghe bước chân chạy giặc
còn thấy trẻ thơ ngơ ngác đứng bên đường
bom tấn, pháo bầy cày xới chẳng tiếc thương
Gio linh chết, cái chết từ từ, đau xé
chợ Cầu già nua lưng còng chân nứt nẻ
nuôi một Gio Linh tàn tật mấy mươi năm
ôi! hôm nay ta đứng ngó, ngó thật gần
sờ da thịt Gio Linh tanh mùi máu giặc
đất khóc, người rên, cỏ cây nằm úp mặt
con trâu cái cày bương bã chạy về Nam
Gio linh chưa quên nửa thế kỷ lầm than
giờ cay đắng dâng xác mình ngày giặc tới




Trên Bến Hải





















ném viên sỏi xuống dòng sông Bến hải
đo độ sâu của xương máu bao năm
đứng giữa Hiền Lương đang khóc âm thầm
ta đang đạp trên lằn ranh vĩ tuyến

ôi Bến Hải, ôi Hiền Lương oan trái
tít mù xa cửa Tùng có kêu đau
bên này cầu ai ứa lệ nghẹn ngào
nhìn bờ Bắc ngày nào căm bóng giặc

nghe gió đông chuyển mình rung nhịp giữa
Hiền Lương xưa, chỗ này gãy làm đôi
dấu biên cương, là lịch sử mà thôi
giặc mấy lượt đưa quân tràn qua tuyến

ta vắt vẻo trên thành cầu sắt lạnh
Bến Hải đỏ ngầu sóng trước, sóng sau
ngó giang san lẫm liệt ngả một màu
tang tóc cũ mờ mờ trôi trên đó

người ta cố nối cho bền nhịp gãy
cố che lên lớp máu bám khung cầu
màu trắng thê lương này sẽ phai mau
hư cấu đó chỉ làm đau Bến Hải

dấu binh lửa trên làn ranh địa sử
dăm bận nghẹn ngào ghi hận xăm lăng
Hiền Lương xưa khóc suốt hai mươi năm
vết thương đó bây giờ còn mưng mủ

tới Bến Hải, ta nhớ ngày rách áo
xót màu cờ nên dừng lại bờ Nam
ngó Xuân Hoà một bãi cỏ khô khan
bên kia lộ kỳ đài không còn nữa

xoá di vết là sợ nhìn lịch sử
phá thành xưa thái độ kẻ bất nhân
đào mồ tử sĩ hành động vô thần
tội lỗi đó hãy gởi dòng Bến Hải

Thạch Hãn mang xương đổ đầy cửa Việt
Bến Hải căm hờn làm cửa Tùng đau
chiều ải quan mây đùn trắng một màu
ta hát khẽ một bài ca năm cũ


nguyễn thanh khiết
11-2010



(Nguồn: http://nguyenthanhkhiet.wordpress.com/)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét