Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Liệu. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn Liệu. Hiển thị tất cả bài đăng

20.2.17

Đọc hồi ký “Đời Tôi” của Nguyễn Liệu


Trịnh Bình An



Nguyễn Liệu từng bị kết án lưu đày Côn Đảo bởi Tòa án Quân sự Đặc biệt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa, từng bất chấp khuôn phép hành xử thông thường khi đối đầu với Cộng sản và tệ trạng tham nhũng dưới chế độ Đệ nhị Cộng hòa. Nhưng cũng chính Nguyễn Liệu với hai bàn tay trắng đã tạo dựng Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một cơ sở giáo dục miễn phí cho học sinh nghèo. Ngôi trường này từng thu hút sự hưởng ứng khắp miền Nam và nhiều tổ chức quốc tế.

18.6.12

NĂM RỰA



Tặng mười tám người tù chung thân tại Xuân Phước.
Gửi bà Trần thị Sự chợ Tam Quan, Bình Định


Truyện ngắn của Nguyễn Liệu

Khi đoàn tù hai mươi người từ Kim Sơn đưa vào Phú yên trại Xuân Phước riêng mình tôi bị đưa vào nhà nhốt riêng cùng mười tám người tù có án nặng. “Trâu già không sợ dao phay” nên tôi dửng dưng từ giã anh em, trong khi đó anh em có vẻ lo cho tôi. Vào phòng đặc biệt này, được cái là khỏi đi lao động, tức khỏi bị hạch sách của người dẫn toán tù đi làm việc. Khi bị cấm cố thì mong được đi lao động, nhưng lao động riết rồi lại muốn vào cấm cố cho khỏe tấm thân tù tội. Nhưng thực ra không phải là cấm cố mà chỉ ở riêng trong một khu vườn nhà chung quanh thành cao, cổng đóng kín, không thấy cái xã hội tù bên ngoài. Nói theo cách lập dị kiểu cách “đó là một nhà tù trong nhà tù”. Trong khu đó có cái giếng, tha hồ tắm giặt, nhưng người tù cấm cố ít khi tắm và cũng không có cái gì để giặt. Mười tám người này gần như đồng một tội là tội giết người trong đó có hai người thọ án tử, nhưng sau được giảm thành án chung thân.

20.5.11

MÃN TÙ



A20 Nguyễn Liệu

Bảy cái Tết rồi. Tết nào cũng vậy, khoảng đưa ông Táo về trời là anh em xôn xao về tin sắp được tha. Tin tức thật phong phú. Nào năm nay về nhiều, vì chánh quyền đã mạnh rồi, nào về nhiều để ngoại giao với nước ngoài, nào về nhiều vì có Liên Hiệp Quốc can thiệp, có Mỹ can thiệp… Thậm chí còn biết con số mấy trăm người được ân xá …Từng nhóm, từng nhóm bàn tán xôn xao. Tuy biết tin xạo, tin vịt rất nhiều nhưng nghe cũng khoái, bởi vậy ai nấy đều đi hỏi, đi tìm tin tức. Tôi cũng ưng nghe những con vịt cồ đó nhưng thú thực, chưa bao giờ tôi nghĩ tôi được về. Tôi biết rất rõ tôi không bị giết là may rồi. Nhiều lần tôi nghĩ cộng sản xử bắn tôi cũng là điều công bằng, không có gì oan ức. Thế mà tôi còn sống, còn nhớ con nhớ vợ, còn nhìn những đêm trăng đẹp, còn thưởng thức những bình minh tươi thắm thì cộng sản nói riêng ở Quảng Ngãi là ân nhân của tôi rồi. Phải sòng phẳng, phải có lương tâm mà nói vậy. Thù là thù, hận là hận, ân là ân, oán là oán, đâu đó phân minh không lẫn lộn. Cho nên tôi không nôn nao mất ngủ rồi qua một cuộc thả về không có tên phải buồn chán nhiều ngày như anh em. Không hi vọng nên tôi không chờ đợi, không hồi họp và không thất vọng.Tôi dửng dưng. 

22.4.10

Đến Trại Xuân Phước


A20 Nguyễn Liệu

(Trích tặng nhà văn Nguyễn Quang và thi sĩ Nguyễn Thanh Khiết hai người tù lâu năm ở trại tù Xuân Phước ….) 

Nguyễn Liệu

Như thường lệ, khoảng một giờ tập họp đi lao động buổi chiều. Tôi có tên trong danh sách không đi lao động, ở lại để chuyển trại. Tôi vừa buồn vừa mừng. Buồn vì xa anh em đã ở chung từ lâu. Mừng vì may ra gặp nhà tù mới khá hơn, nhất là tránh được các bộ mặt hắc ám dễ ghét của cán bộ Quảng Ngãi. Người buồn như muốn khóc là anh Hoàng Ngọc Uẩn, một công chức người Huế làm việc ở Quảng Ngãi trên hai mươi năm nên tôi quen biết anh từ lâu. Vào tù ở chung lò gạch, sang trại Nghĩa Điền, tôi nằm bên cạnh anh. Anh tuổi đàn anh của tôi, rất hiền lành, tôi chưa bao giờ thấy anh giận ai. Phòng tôi ở khoảng năm chục người. Tất cả đều xúc động khi biết tôi phải đi trại khác. Trong tù, nhất là tù cộng sản, mỗi lần chia tay chúng tôi có cảm tưởng không còn bao giờ gặp nhau nữa, mỗi lần ra đi là vĩnh biệt, nên ai nấy đều bùi ngùi. Anh em góp tiền cho tôi tới một trăm năm chục đồng — lúc ấy một đồng mua được hai nải chuối. Anh em bày cách giấu nhưng cuối cùng tôi vẫn bọc trong túi và hi vọng đến trại mới dễ dãi hơn may ra mang theo được, nhưng khi đến nơi, tôi tuân hành nội qui, nộp cho cán bộ ở trại. Tôi nhớ có anh Trần Ngọc Ảnh người Quảng Ngãi, tuy ở khác phòng nhưng mến tôi nên cho tôi đến hai mươi đồng, nhiều hơn những anh em khác. Lúc ấy, nhất là trong tù, số tiền rất lớn đối với tôi và đã nói lên tình cảm của anh em dành cho tôi.