A20 Nguyễn Liệu
(Trích tặng nhà văn Nguyễn Quang và thi sĩ Nguyễn
Thanh Khiết hai người tù lâu năm ở trại tù Xuân Phước ….)
Nguyễn Liệu
Như thường lệ, khoảng một giờ tập họp đi lao động buổi chiều. Tôi
có tên trong danh sách không đi lao động, ở lại để chuyển trại. Tôi vừa buồn
vừa mừng. Buồn vì xa anh em đã ở chung từ lâu. Mừng vì may ra gặp nhà tù mới
khá hơn, nhất là tránh được các bộ mặt hắc ám dễ ghét của cán bộ Quảng Ngãi.
Người buồn như muốn khóc là anh Hoàng Ngọc Uẩn, một công chức người Huế làm
việc ở Quảng Ngãi trên hai mươi năm nên tôi quen biết anh từ lâu. Vào tù ở
chung lò gạch, sang trại Nghĩa Điền, tôi nằm bên cạnh anh. Anh tuổi đàn anh của
tôi, rất hiền lành, tôi chưa bao giờ thấy anh giận ai. Phòng tôi ở khoảng năm
chục người. Tất cả đều xúc động khi biết tôi phải đi trại khác. Trong tù, nhất
là tù cộng sản, mỗi lần chia tay chúng tôi có cảm tưởng không còn bao giờ gặp
nhau nữa, mỗi lần ra đi là vĩnh biệt, nên ai nấy đều bùi ngùi. Anh em góp tiền
cho tôi tới một trăm năm chục đồng — lúc ấy một đồng mua được hai nải chuối.
Anh em bày cách giấu nhưng cuối cùng tôi vẫn bọc trong túi và hi vọng đến trại
mới dễ dãi hơn may ra mang theo được, nhưng khi đến nơi, tôi tuân hành nội qui,
nộp cho cán bộ ở trại. Tôi nhớ có anh Trần Ngọc Ảnh người Quảng Ngãi, tuy ở
khác phòng nhưng mến tôi nên cho tôi đến hai mươi đồng, nhiều hơn những anh em
khác. Lúc ấy, nhất là trong tù, số tiền rất lớn đối với tôi và đã nói lên tình
cảm của anh em dành cho tôi.
Dù qua trên hai mươi năm rồi, tôi còn nhớ rõ buổi chiều thật buồn
hôm đó. Chúng tôi hai mươi người, dây dừa cột hai cánh tay ra phía sau và người
này dính với người kia. Khó khăn lắm chúng tôi mới leo được lên xe vận tải. Anh
em cả trại bất kể nội qui đều đưa tay vãy chào từ giã. Tôi muốn rơi nước mắt dù
rất muốn rời trại này, vì nghĩ đi trại khác có thể tốt hơn, tệ lắm thì cũng chỉ
như trại này, nhất định không thua. Thật lạ, tù là nơi thê thảm nhất ai cũng
muốn xa, muốn rời nhưng khi xa nó vẫn cảm thấy buồn buồn.
********
Năm năm rồi bây giờ chúng tôi được xuống đồng bằng. Chiếc xe hì
hục vượt suối đổ dốc rồi lại vượt suối đổ dốc. Chúng tôi khi dồn về bên trái,
khi đổ về bên phải như xém tuột xuống hố. Núi non sừng sững. Rừng cây xanh rì
tiếp nối, không một bóng người. Tôi nhớ cũng trên con đường núi hiểm hóc này
năm năm trước từ nhà lao Quảng Ngãi lên, xe chạy khỏi đồng lúa xanh rì bò lên
dốc bên các con suối của dải Trường Sơn lần đầu tiên tôi thấy tận mắt, trong
cái tâm trạng lo âu. Bây giờ trên con đường gập ghềnh hiểm trở này, nhưng ngược
chiều, chiếc xe cũ kỹ già nua, tận tụy cẩn thận từng bước khi đổ những cái dốc
dữ dội, chúng tôi cảm thấy vui vui vì càng lúc chúng tôi càng thấy gần cuộc
sống, gần con người hơn. Bên đường núi đã thấy lơ thơ những chòi đơn sơ của
người Thượng. Một ông già ngồi ở cửa nhìn ra im lặng như pho tượng, một đứa bé
không áo quần đang bò lê lết trước nhà. Nhìn cảnh đơn sơ này, tự nhiên tôi thèm
được như ông già Thượng im lặng đó vì dù sao ông đang sống, đang có tự do hơn
chúng tôi. Tôi lại nghĩ đến cha mẹ, vợ con tôi không biết bây giờ như thế nào.
Tôi đang miên man về bức tranh gia đình, xe đã xuống đường bình và êm ru quanh
co trên con đường có trải nhựa.
Chiếc xe như vui hơn vì đã dùng sức quá nhiều từ đỉnh cao của
Trường Sơn xuống đồng bằng an toàn. Nhà cửa nhiều hơn và tôi đã thấy một trường
học có lẽ là trường tiểu học. Đám học trò dừng hai bên đường ngơ ngác nhìn
chúng tôi. Có lẽ các em biết chúng tôi là ai do bị trói ké phía sau bằng dây
dừa thô bạo. Đồng lúa xanh tốt hai bên đường như giúp chúng tôi hồi sinh. Chỉ
mới năm năm mà tôi thấy như quá lâu, như qua một đời người rồi, vì cái gì cũng
mới lạ cũng tái sinh. Trời ơi, quốc lộ, có phải quốc lộ 1 không? Anh em nhao
nhao la lên. Một dải đen đậm vạch từ tầm mắt bên trái mất hút ở tầm mắt bên
mặt, khi thẳng khi cong giữa hai hàng cây cổ thụ, xẻ ngang qua cánh đồng làng
mạc.
Chiếc xe chậm lại và bắt đần lăn bánh trên mặt đường trơn tru quốc
lộ 1. Trụ cây số bên đường ghi chữ Nha Trang màu đen đã loang lổ, cây trụ thấp
cũ kỹ này được dựng trên một trăm năm từ ngày có con đường. Nó chỉ khoảng cách
không gian, nhưng chính nó cũng mang màu sắc thời gian xa xưa và đã “trơ gan
cùng tuế nguyệt”, một nhân chứng âm thầm lầm lì qua các thời đại. Tôi muốn nằm
trên quốc lộ, chắc là êm lắm mát lắm, muốn hôn lên mặt đường, muốn hôn lên trụ
cây số ngàn này. Lần đầu tiên, những cảm xúc không ngờ được, không tưởng tượng
được. Tôi thương, tôi yêu con đường nhựa, tôi thương trụ cây số !
Năm năm qua, hình ảnh nó chưa bao giờ hiện ra trong tôi dù những
lúc trống trải nhất, những lúc không còn gì để suy nghĩ. Trên đường lơ thơ
người đi bộ. Xe chúng tôi vụt qua hình như họ không thấy gì. Vài người đi xe
đạp có lẽ là cán bộ vì tôi thấy chiếc nón cối đã cũ trên đầu họ. Tất cả như âm
thầm buồn bã. Bất giác những ý nghĩ tôi thường nói với anh em hiện thực một
cách rõ ràng “chắc chắn người cộng sản có một cái tài, một thành tích không ai
địch nổi là làm cho cả một dân tộc nghèo mạt rệp trong một thời gian rất ngắn”.
Một chiếc xe đò ngược chiều và tôi thấy nhớ nhớ chiếc xe đò ngày
trước tôi thường đi từ Sài Gòn về Quảng Ngãi. Xe đò chạy nhanh quá, tôi trườn
đầu ra ngoài để quan sát. Chiếc xe to lớn màu vàng đậm bị bùn đất và bụi đường
trường bám đầy như sơn một màu loạn xà ngầu. Tôi nín thở, không nháy mắt cố thu
hút hết hình ảnh Sài Gòn như con bò cố gặm thật nhiều cỏ để về đêm rảnh rỗi
nhai lại chậm rãi một cách lý thú. Xe vụt qua. Hai xe ngược chiều, gần như tiếp
giáp, tiếng không khí ré lên. Tôi không thấy gì hết, chỉ thấy đám đông chen
chúc trong xe, vài mái tóc uốn của con gái và một người đàn ông ló đầu ra cửa
bên hông xe như cố nhìn chúng tôi có lẽ vì thấy đám người bị trói. Cửa kiếng
phiá sau của xe lấm đầy đất bùn nhưng tôi còn đọc được chữ Thành phố Hồ chí
Minh. Ba chữ Hồ Chí Minh đậm nét và kiểu cách, phiá dưới ghi giờ khởi hành đọc
không được.
Bỗng dưng tim tôi như thắt lại, ba chữ Hồ Chí Minh thay thế chữ
Sài Gòn thân yêu của chúng tôi. Cuộc đời chúng tôi bị tả tơi bị xoá bỏ như tên
thủ đô Sài Gòn bị thay thế bởi ba chữ Hồ Chí Minh. Tôi buột miệng “Hết rồi!”,
nước mắt lăn trên gò má. Không đưa bàn tay lên được, tôi phải cúi mặt sát đùi
lau trên quần. Người bạn tù cột chung sát tôi giật mình, hỏi: “Cái gì anh
Liệu?”. Tôi im lặng không trả lời.
Người bạn tù cạnh tôi người Bình Định, cho biết gần tới quốc lộ
19. Anh mong xe sẽ quanh mặt trên quốc lộ lịch sử đó về An Khê, Tây Sơn, quê
của vua Quang Trung để lên trại Gia Lai Kontum, lúc đó gọi là Gia-Công. Tôi bắt
đầu lo lo vì nếu lên Gia Công thì có khác gì trại Kim Sơn. Ở đó vẫn do những
quản chế quản giáo Quảng Ngãi điều khiển. Hình như chỉ trừ tôi, hầu hết anh em
đều mong lên trại Gia Công để gia đình thăm nuôi cho gần, còn tôi thì muốn đi
thật xa Nghĩa Bình ( ) để tránh những bộ mặt hắc ám nhất thế giới.
Bên lề đường hiện ra bảng đề “Quốc lộ 19”. Tim tôi đập mạnh, xe tự
nhiên giảm tốc độ. Ba bốn anh la lớn “Gia Công rồi! Rồi!” Xe chạy chậm gần như
bò. Tôi nghĩ người tài xế cẩn thận quan sát để quẹo mặt… Nhưng xe không quanh,
qua khỏi ngã tư, tăng tốc lại. Tôi chưa biết là thế nào, thì người bạn cạnh tôi
thở dài chán nản:
- Bỏ mẹ rồi không đi Gia Công!
Tôi mừng hỏi:
- Hay nó lên đường khác?
- Không còn đường nào nữa, bọn chó đẻ thật.
Anh ta nhăn nhó. Tôi thầm nghĩ xa khỏi Nghĩa Bình là tốt rồi còn
nước ăn với nước huề chứ không có thua.
Xe dừng bên lề đường dưới bóng cây cổ thụ sum xuê trước cái quán
sơ sài, vừa là chỗ ở vừa là quán bên đường. Mái lợp tôn, vách cũng bằng những
miếng tôn cũ ráp lại, một cửa sổ, một cửa lớn. Phiá trước cửa sổ kê cái giường
bằng tre, trên giường để vài món hàng tôi có thể đếm được gồm vài chục trứng
vịt, vài chai nước mắm một thẩu kẹo, hai chồng bánh tráng sống, vài cây thuốc
lá, vài nải chuối, một thúng gạo, một thúng bắp đã đập nhỏ. Dưới mái hiên, trên
chiếc giường treo một số bánh tráng đã nướng chín, trên cùng ở một góc mái hiên
cắm lá cờ Giải Phóng Miền Nam bằng trang vở học trò rách xơ phía
dưới. Năm năm rồi bây giờ tôi mới thấy cái quán. Người cán bộ ngồi ghế trước
bên tài xế bước xuống bảo:
- Các anh ăn cơm đi rồi đi.
Tôi yêu cầu được cột một tay còn tay kia mới ăn cơm được. Người
cán bộ nhìn chúng tôi có vẻ ái ngại rồi ra lệnh cho thuộc hạ mở một tay cho
chúng tôi ăn cơm. Chúng tôi mỗi người được một vét cơm phát từ sáng sớm. Đặc
biệt nắm cơm khá lớn có lẽ gấp ba tiêu chuẩn, vì trưởng toán nhà bếp là nhà thơ
Mê Kung, Phan Nhự Thức bạn thân của tôi chiều hôm qua ngang cửa sổ chào tôi
chia tay và nói nhỏ:
- Anh ráng giữ sức khoẻ, em được lệnh nấu cơm vắt làm hai chục
vắt, em nấu gấp ba tiêu chuẩn để anh em no một bữa.
Trong quán chỉ có một thiếu phụ khoảng ba mươi tuổi. Khác với
những người đàn bà tôi thấy trong các vụ thăm nuôi hoặc những người đi ngang
qua lò gạch, cô này ăn mặc đàng hoàng, sạch sẽ nước da không rám nắng, vẻ mặt
không đăm chiêu, không hằn học.
Cô vui vẻ chạy ra chạy vô đưa cho các cán bộ áp tải chúng tôi mượn
cái chảo nhỏ để chiên trứng và nồi để nấu cơm dưới gốc cây. Hai mươi người
chúng tôi, bốn chục con mắt đăm đăm nhìn cô làm cho cô hơi mất tự nhiên.
Cô hỏi lớn trong tiếng cười:
- Các chú có nấu đồ ăn không, cháu cho mượn.
Người cán bộ quát liền:
- Không được liên hệ, mỗi người có nắm cơm rồi.
Cô gái có vẻ bực mình:
- Tôi hỏi vậy thôi chứ có liên hệ gì đâu, nhưng các ông trói như
vậy làm sao người ta ăn.
Khi đám cán bộ áp tải xúm xít quanh cái bếp, tích cực ăn uống, mùi
thơm của trứng chiên ngào ngạt, chúng tôi thấy khó chịu quá. Lâu lắm rồi, tôi
mới ngửi được cái mùi này. Một anh em la lớn:
- Cán bộ cho uống nước!
Một cán bộ ngưng nhai cơm quát:
- Uống rồi đái trong quần à, đến trại hãy uống!
Tôi tiếp:
- Cán bộ cho uống một hớp thôi sáng giờ ngồi phơi nắng khát nước
quá!
Cán bộ làm thinh không trả lời, nhưng tôi thấy cô gái bưng một
thau nước và cái ly nhỏ bằng nhựa đặt xuống đất sát thành xe. Cô múc từng ca
nhỏ đưa cho chúng tôi. Tôi ngồi ở thành phía bên nên khi cô phải đi vòng đưa ly
nước cho tôi. Tôi hỏi nhỏ cô thuộc gia đình chế độ cũ phải không, cô bảo chồng
và cha cô đang cải tạo ở Gia Công. Cán bộ ăn uống xong, nói với chúng tôi có
mua thuốc lá thì mua rồi đi. Trong đám chúng tôi có một người mua hết hai cây
thuốc.
Xe chuyển bánh chúng tôi gục gặc đầu chào cô chủ quán. Cô nói lớn:
- Các chú đi mạnh khỏe, sớm về với gia đình, để vợ con chờ tội
lắm!
Hình như cô khóc. Tôi thấy cô đưa tay lau nước mắt. Câu nói giọng
Bình Định dễ thương quá. Tôi cắn xuống môi dưới và mắt tôi cũng cay cay. Xe
chạy xa rồi, cô gái vẫn đứng ở lề đường nhìn chúng tôi. Tôi cảm thấy âm ấm
trong lòng. Mấy tiếng “để vợ con chờ tội lắm” thật là tội nghiệp, thật là dễ
thương. Hình ảnh cô chủ quán cùng câu nói như nghẹn lời của cô ám ảnh tôi mãi.
Đường tốt, xe chạy nhanh. Nhìn những tượng chàm lở lói xiêu vẹo bên đường, tôi
nhớ đến câu thơ của Chế Lan Viên:
Lũ
ma Hời sờ soạng rủ nhau về.
Nghe tôi ngâm khe khẽ, người bạn cạnh tôi nói:
- Bọn ma Hời sướng hơn bọn ma cải tạo của mình đấy. Bọn nó còn sờ
soạng về được. Bọn ma cải tạo của mình trói tê tay, mót đái ráng chịu, cuộc đời
chó đẻ thật.
Xe đến Phú Yên, tôi không nhớ rõ hình như đến ga La Hai, thì quẹo
phải theo con đường rải đá lên núi. Trời nắng, tay tê cóng, khát nước quá,
chúng tôi đừ người, im lặng không ai nói gì. Đồng lúa Phú Yên chín vàng mênh
mông không còn làm cho tôi lưu ý tới nữa.
Trại Xuân Phước cách quốc lộ bao xa tôi không rõ. Chỉ biết xe lên
dốc xuống đèo vượt nhiều con suối một thời gian độ vài giờ.
Đúng như lúc còn nhỏ sách địa lý dạy, dải Tràng Sơn càng
về Nam càng ăn lan ra biển. Rừng núi đầy âm u hiểm trở và bí mật.
Thật là mỉa mai, các địa danh hay quá nào Hành Tín, Kim Sơn, Nghĩa Điền, Xuân
Phước … lại là nơi ngục tù của những người yêu nước !
Hình như xe đến gần ga La Hai thì quẹo phải theo con đường rải đá
loang lổ chạy lên núi. Chạy một khoảng ngắn xe bắt đầu lên dốc, và núi nào cũng
như núi nào, tôi không muốn nhìn ra ngoài nữa. Hình như tôi chán cảnh rừng núi
rồi. Xe quanh quá gấp làm cho chúng tôi đổ dồn qua một bên như muốn trút ra
ngoài. Tôi nghĩ con đường núi này thật hiểm trở. Vài ngôi nhà người Thượng cheo
leo tồi tàn, chỉ thấy một đứa bé ngồi buồn thiu nhìn ra ngoài, không hề ngạc
nhiên khi xe rú máy vượt trước nhà nó.
Tự nhiên hình ảnh thằng bé ám ảnh tôi. Thằng bé cô đơn kinh khủng
giữa cảnh không một bóng người chỉ có rừng núi âm u nối tiếp chằng chịt. Tôi so
sánh cuộc đời cô đơn tuyệt đối của thằng bé với cuộc đời tù của chúng tôi.
Thằng bé cũng bị khép giam trong cảnh cheo leo hoang vắng. Tôi đang miên man
với ý nghĩ so sánh đó bỗng nghe tiếng la “Tới nơi rồi”.
Trước mặt chúng tôi hiện ra một dải đất rộng, đúng hơn là một cánh
đồng trồng toàn mì. Cây mì mới cao chừng vài tấc tây, lá xanh pha vàng nhạt
trải dài như một tấm thảm mênh mông. Xe đậu trưóc một dải nhà tranh — một trại
tù rào bằng những cây cao vút, bên ngoài nhiều hàng kẽm gai chằng chịt. Chòi
gác cao ở một góc không thấy lính gác. Một cổng lớn có mái lợp lợp bằng lá
rừng. Các toán tù bắt đầu đi làm về. Những bước chậm chạp nặng nề, gương mặt
buồn thảm, nước da xám xịt như chì. Tất cả âm thầm đi trong im lặng, mắt nặng
nề nhìn chúng tôi như không còn cảm xúc. Tất cả đều mặc quần dài, bộ quần áo
màu xanh mốc phát cho tù, một điểm khác cách ăn mặc của tù ở Kim Sơn.
Khác với trại Kim Sơn, Xuân Phước có ba trại A, B, C lợp bằng
tranh vách đất, và cũng khác với trại Kim Sơn, cán bộ ở đây toàn người Bắc, còn
rất trẻ vì trại trực thuộc bộ công an tức thuộc trung ương chứ không thuộc
tỉnh. Với tôi, chắc chắn ở Xuân Phước dễ chịu hơn các trại quê tôi, vì nơi đây
tù đến từ khắp nơi nên cán bộ không thể biết rõ quá khứ lý lịch của tù. Tôi đã
ở cả ba trại, cuối cùng là trại B, nằm giữa hai trại kia. Xuân Phước là một
thung lũng bốn bề núi cao vây kín. Cán bộ trẻ ở Bắc vào có vẻ lè phè không gắt
gao với tù. Ở đây tù bắt buộc mặc quần áo tù và khi đi lao động phải mặc quần
dài, không mặc quần cụt.
Chúng tôi kẻ ngồi, người nằm dựa gốc cây trong sân gần nhà bếp làm
thủ tục nhập trại. Nhìn toán nhà bếp toàn thanh niên khỏe mạnh độ hai chục
người và toán củi cũng độ vài chục toàn tù hình sự, một anh bạn nói:
- Thấy mẹ! Toán bếp, toán củi đông cả đại đội lại toàn thứ ăn như
cọp thì bọn mình đói là cái chắc.
Anh bạn nói có lý vì thánh cũng không giữ nổi bọn chuyên nghiệp ăn
cắp này. Đồ bọc kỹ trong túi áo mà còn bị mất huống chi bọn nó tự làm chủ số
gạo để nấu cho hàng trăm người ăn. Tôi bỗng thấy mình vớ vẩn vì nghĩ tới chuyện
như vậy. Có lẽ lâu nay đói quá khiến tinh thần sa sút nghĩ những chuyện không
đáng nghĩ. Tôi mở cái túi bao cát đựng quần áo, thấy hai cây thuốc lá và một số
thuốc điếu vấn rời lộn xộn trong áo quần. Tôi nhớ ra lúc ở quán cô gái Bình
Định, quán bên đường, một số anh em mua thuốc lá, thuốc quấn từng bó, có cán bộ
xé kiểm soát, vứt lên xe ngay chỗ tôi ngồi nên tôi bỏ hết vào túi để khỏi bị
dập nát chờ đến nơi sẽ đưa lại. Tôi lẩm nhẩm cha nào mua thuốc không nhận được
thuốc cũng làm thinh không hỏi, có lẽ mệt quá chẳng nhớ gì hết. Tôi bỏ thuốc lá
vào cái nón, hỏi lớn anh nào lúc nãy mua thuốc bỏ vào bao của tôi. Một người
lên tiếng:
- Của tôi đấy, lúc nãy nhờ cán bộ mua, thế mà tôi quên mất, cảm ơn
anh. Có lẽ tôi bị con nhỏ chủ quán hớp hồn rồi nên quên ráo hết.
Anh ta cười, vừa nói vừa lấy thuốc trong cái nón lá của tôi. Tôi
thấy vui vui. Thì ra cô nhỏ đó làm cho nhiều người mê rồi. Tôi lại nghe vẳng
mấy tiếng dễ thương “đừng để vợ con chờ tội nghiệp”. Người mua thuốc là đại úy
bộ binh Nguyễn Tấn Yên, nước da
trắng, người ốm mảnh sau này trở thành bạn thân của tôi. Anh hiền lành và dễ
xúc động. Anh thường cho tôi ăn mỗi khi có gia đình vào thăm. Cái ơn này quá
lớn, tôi không thể nào quên. Mãi tới bây giờ anh vẫn là bạn thân của tôi. Có
lần tôi hỏi anh tại sao thân với tôi, anh cho biết do chuyên mua thuốc khi mới
đến Xuân Phước. Anh mua thuốc rồi quên luôn cho tới khi nghe tôi hỏi. Sau đó
đếm lại số thuốc, anh rất ngạc nhiên không mất một điếu nào dù tôi ghiền thuốc
và không có thuốc để hút. Anh ngạc nhiên và từ đó, thích tôi, trở thành thân
với tôi.
Chiều đó, ngay bữa đầu nhận phần cơm, tôi thấy anh bạn đã đoán
đúng. Mỗi phần chừng nửa chén cơm với một chén mì Ấn Độ H34 không lột vỏ.
Tôi và Yên được sắp cùng phòng với số sĩ quan từ vùng IV đưa ra và
vài ba đại tá già trong đó có một đại tá là giám đốc bịnh viện Cộng Hoà, quân y
viện lớn nhất ở Sài Gòn. Đám sĩ quan này có vẻ quá sợ nên rất kỷ luật.
Trại giam nào cũng vậy thường vài ba tháng lại di chuyển tù từ
phòng này qua phòng khác, để phân tán các tổ chức ngầm nếu có và cũng để xét
phòng, phá vỡ mọi âm mưu.
Suốt thời gian ở trại này, chúng tôi chỉ làm một việc đào ao nuôi
cá. Cán bộ ở đây dễ chịu hơn cán bộ ở Quảng Ngãi nên chúng tôi lao động khỏe
hơn chỉ có điều đói quá. Tôi làm quen với một ông già đau bao tử, đổi một chén
cơm lấy hai chén mì để bữa trưa tôi được ăn ba chén mì. Ăn mì nuốt luôn vỏ. Vì
mì phơi trên mặt đất nên gần như miếng nào cũng có cát dù đã ngâm một đêm trước
khi nấu. Gặp cát cũng nuốt luôn vì nhả ra thì còn gì để ăn.
Tôi lại bị đổi phòng và lần này gặp một số bạn tù có án ở miền
Tây, thuộc nhóm “Bảo Long phục quốc”. Người nào cũng án nặng từ mười năm tới
chung thân. Một số bị tử hình đã bị xử bắn. Tôi rất thương những bạn nầy và hận
những người nằm bên Pháp đề xướng không thực tế, xem thường sinh mạng những
người hận cộng sản ở quê nhà. Tôi vẫn nghĩ vua Bảo Đại có tội nhiều với quốc
gia hơn là có công, vì không làm nổi một điều gì có lợi cho đất nước thì Bảo
Long, con vua Bảo Đại, một sĩ quan trong quân đội Pháp làm được gì cho
Việt Nam? Nhưng những người bạn yêu nước, những người Việt Nam hận thù
cộng sản không biết Bảo Long ra sao, chỉ tin theo để cuối cùng bị tử hình và
lãnh các án tù. Một toán tù gồm ba chục người từ miền Nam ra trại
Xuân Phước đưa vào phòng chúng tôi, do đó tôi biết khá nhiều về tổ chức phỉnh
gạt với danh xưng là “Bảo Long phục quốc”. Những anh em đáng thương này biết họ
bị gạt, nhưng cộng sản không cần biết điều đó nên họ lãnh án rất nặng, người nhẹ
nhất là mười lăm năm tù khổ sai. Những người đó đều được phong chức tước, cấp
bậc, cấp thấp nhất là thiếu tá và chức thấp nhất là quận trưởng! Hầu hết đều
không làm gì hết dưới chính thể quốc gia, chỉ có một anh trung sĩ giải ngũ được
phong chức trung tướng tư lệnh quân đoàn! Một anh người Hoa nằm cạnh tôi, nói
tiếng Việt chưa sõi cho tôi biết:
- Ngộ đâu có chính trị, ngộ trốn lính mà, ngộ nấu pếp cho nhà
hàng, thế mà nó dụ ngộ cho ngộ làm thiếu tá. Ngộ mới nhận lời là pị pắt liền,
ra toà xử ngộ mười lăm năm, hết đời ngộ rồi, ngộ puồn quá …
Nói chuyện với anh nấu bếp này tôi cũng buồn và hận bọn lưu manh
chánh trị lợi dụng hoàn cảnh dân chúng đang hận cộng sản.
Một buổi sáng trong giờ tập họp đi lao động, tôi bị kêu tên đứng
riêng ra ngoài toán. Tôi lo lắng lại có chuyện gì sắp xảy ra. Nếu không bị kỷ
luật, bị hỏi cung thì sẽ đưa đi trại khác hoặc đổi phòng…Việc gì cũng mệt và
việc gì cũng phải xa anh em quen biết.
Khi đám tù ra khỏi sân đi lao động, một cán bộ đến hỏi tên tôi và
bảo vào dọn hết đồ để di chuyển. Vậy là tôi phải di chuyển, nhưng đi đâu, đổi
phòng hay chuyển trại? Việc dọn đồ chỉ là bỏ cái chén và đôi đũa vào bao quần
áo. Tôi chào vài anh em đang bị bịnh không đi lao động, nhờ chuyển lại với tất
cả anh em lời chào và chúc gặp nhiều may mắn rồi ra khỏi phòng. Người cán bộ
đang chờ có lẽ không ngờ tôi làm lẹ quá. Không nói một lời, anh ta đi trước và
tôi theo sau. Thấy không ra cổng chính, tôi biết không đưa đi xa trại và không
lên văn phòng nên tôi loại trừ việc hỏi cung lại và kỷ luật.
Theo sau người cán bộ, tôi đi vòng phía sau khu biệt lập rồi cánh
cửa sắt mở ra và tôi bước vào khu vực nhốt mấy vị tu sĩ, các cha, các thầy… Một
nhà tranh trên nền cao, sân trước rộng sạch sẽ xung quanh bờ thành có trồng
hoa. Vắng lạnh đúng là một nhà tù trong nhà tù. Tại sao tôi bị đưa vào đây? Chỗ
này không phải phòng kỷ luật mà là phòng cấm cố dành riêng cho các tu sĩ phạm
tội phản động, tội chống đối chánh quyền. Trong số này có những cha, những
frères dính dáng vụ nhà thờ Kim Sơn, vụ chống đối đầu tiên sau khi cộng sản vừa
chiếm Sài Gòn. Tôi hơi lo nhưng cũng thấy thích cái cảnh yên tịch này. Vào
trong sân rồi tôi quan sát kỹ. Có lẽ đây là nhà tù đầu tiên ở vùng núi non này
vì bốn phía tường cao quá, cao gấp đôi, gấp ba tường thường thấy, trên cùng thêm
mẻ chai cắm đầy và những cuộn kẽm gai tròn dăng rất thẳng. Trong khu vườn có
một giếng nước có thành, có nền tráng xi măng. Sân đất nện cứng quét sạch quá,
sạch đến gần như không có chút bụi. Khi tôi chưa vào khu này, bên ngoài anh em
thầm thì cho biết đó là khu biệt lập dành cho những tội phạm nặng. Anh em còn
dặn dò đừng bao giờ lại gần bức tường cao ngăn cách đó sẽ bị kỷ luật vì bị nghi
lén lút liên hệ với tội phạm hạng nặng. Rồi những thông tin động trời nào trong
đó có vụ cha Minh, vụ nhà thờ Vinh Sơn, nào trong đó có những tử tù sắp bị xử
tử v.v..
Tù ở đây không ai dưới bốn mươi tuổi. Thấy tôi họ gục gặc đầu ra
hiệu chào, im lặng không nói một tiếng. Người tù trưởng phòng gương mặt lạnh
như tiền nói:
- Anh vào để đồ lên đây.
Vừa nói vừa chỉ tôi nằm ở trong cùng từng sạp trên. Ở đâu cũng
vậy, tù mới vào thường phải nằm ở chỗ tệ nhất. Chỗ tôi nằm rộng nhưng sát tường
trong cùng và không có ánh sáng. Mùi mốc ẩm bốc lên và đầy bụi chứng tỏ lâu lắm
rồi không có ai ngự trị vùng hoang vu này.
Với tôi, được nằm rộng thế này là quí rồi còn mốc, bụi, ẩm tối
không quan trọng. Bao quần áo của tôi chỉ đựng vài bộ quần áo tù, một chemise
cụt tay màu xanh đậm, tôi chưa bao giờ mặc trong tù. Tôi đã tính nếu có dịp có
thăm nuôi sẽ xin phép gửi về nhà sửa lại cho con tôi mặc vì tôi biết chúng đang
rách rưới. Do không có thăm nuôi nên cái áo biến thành của gia bảo của tôi
trong tù. Hồi bị thũng nặng, tôi có ý gửi anh em đi làm ngoài bán giùm lấy tiền
ăn vài bữa cho no rồi chết cũng được nhưng tôi lại thôi vì tiếc cái kỷ niệm duy
nhất còn lại. Lần phù thũng đó, hai chân nặng quá đi lại khó khăn, chờ bị đưa
vào phòng riêng để đợi ngày ra nghĩa địa, tôi đã viết một miếng giấy cột vào
cái áo: “Đây là vật kỷ niệm cuối cùng của
tôi, xin ân nhân gửi về cho vợ con tôi, tôi hi vọng ân nhân xót xa đến ý muốn
cuối cùng của người chết.” Trong hoàn cảnh này, trong xã hội này, lời khẩn
cầu của tôi quá mong manh, gần như không có, nhưng tôi vẫn làm và cảm thấy an
lòng đôi chút. Nhưng sau đó tôi khỏi vào căn phòng cuối cùng và còn giữ được
cái áo.
Thông thường mỗi khi có người tù mới nhập phòng, anh em nhao nhao
bu lại hỏi đủ thứ. Ở đây, anh phòng trưởng chỉ hỏi tôi ở đâu đến, tôi bảo ở
phòng B bên ngoài. Rồi thôi, không ai hỏi nữa. Phòng rất yên lặng. Vài người
đang đánh cờ cũng rất yên lặng. Một số khác nằm ngó lên trần. Tôi thầm nghĩ như
thế này làm sao chịu nổi những ngày tù triền miên. Nhưng có điều rất sướng, vì
không phải đi lao động nên đỡ đói, đỡ mệt. Hồi ở nhà lao thị xã Quảng Ngãi bị
nhốt trong phòng cả năm chịu không nổi, mỗi lần cần vài người ra ngoài làm việc
anh em tranh giành mong được ra thoáng khí một chút, thế rồi mấy năm lao động
tuy được hít thở khoáng đạt, nhưng mệt mỏi quá, lại muốn nhốt trong phòng khỏi
đi lao động. Bây giờ vào cái phòng yên tịnh này, tôi thấy dễ chịu dù xung quanh
lạt lẽo bi quan quá. Có lẽ vì một phần là tu sĩ, một phần lớn tuổi nên phòng
này rất tôn trọng nội qui, rất sợ kỷ luật, vì vậy ít người “liên hệ” với nhau.
Tôi thường ra giếng tắm và phơi nắng. Một người nói không nên tắm
nhiều vì đói mà tắm nhiều rất có hại do mất nhiều calorie quá. Tuy vậy tắm cũng
là một cái thú không vi phạm nội qui ở đây, nhất là trong khu cấm cố này. Trong
số tù có ba tu sĩ Phật giáo, còn trẻ, có lẽ trẻ nhất trong nhà cấm cố này. Một
người tới nói chuyện, cho biết cũng gốc Quảng Ngãi nhưng bỏ xứ từ lúc nhỏ vào
miền Nam ở vùng Biên Hòa. Thầy nói có nghe tên tôi, bây giờ gặp lần
đầu. Tôi hỏi tại sao bị bắt, thầy cho biết là sĩ quan tuyên úy và bị cho là
tình báo Mỹ. Thầy bảo: “Tôi nói gì họ cũng không nghe, cứ bảo tôi là tình báo,
là chính trị viên cho quân đội chống cách mạng…” Tôi hỏi ở đây có ăn chay
không, thầy trả lời “Chay đâu mà ăn, đói thấy mẹ, xa quá đâu có ai thăm nuôi.
Ăn chung với hai anh kia.” Vừa nói vừa chỉ hai người đang đánh cờ tướng. Thầy
cho biết nội qui ở đây cấm gọi thầy, gọi cha, chỉ gọi anh mà thôi. Thầy cho
biết trong nhà này toàn tu sĩ và hỏi tôi đạo gì. Tôi trả lời chả có đạo gì.
Thầy cười nói vậy mà khỏe đấy, có tôn giáo cũng mệt làm tu sĩ còn mệt hơn ở
thời đại cách mạng này. Hai thầy kia bắt đầu lên tiếng “hoàn”, “không hoàn”.
Một thầy nói “đánh cờ có hoàn mới cao nước chứ”. Thầy kia nói “hoàn cũng hoàn
vừa vừa chứ hoàn liên tục thì dẹp mẹ chứ cờ xí gì”. Rồi cả hai cùng đến chỗ tôi
chuyện trò vui vẻ. Ba thầy rất hồn nhiên nói năng không cần ý tứ, không cần dè
dặt. Tôi thấy hay hay. Một thầy hỏi tôi tội gì mà vào đây, tôi trả lời tôi đủ
thứ tội quân, cán, chính, đảng phái quốc gia. Một thầy hỏi tôi Quốc Dân Đảng
hay Dân Chủ. Tôi cười không đáp, một thầy nói có người cha làm Quốc Dân Đảng bị
cách mạng ban đêm vào nhà bắn chết do đó cả gia đình vào miền Nam ở Sa Đéc, tu
ở Sa Đéc rồi bị bắt đưa ra đây, lâu nay không ai hỏi gì hết, họ dám quên lắm.
Một thầy nữa có lẽ trẻ nhất trong ba thầy, nói lung tung bảo không có tội,
không ngụy quân, ngụy quyền, không gì hết mà giáng cho mấy năm rồi không ai cứu
xét tới. Rồi thầy tự kể có người anh sĩ quan không quân năm 75 bay qua Thái Lan
rồi đi Mỹ. Bà mẹ không cho thầy đi lính, nhưng chánh quyền cũ làm dữ quá thầy
bị bắt lính mấy lần nhờ người anh lãnh ra, sau đó thầy làm thầy tu cho khỏi bị
bắt lính. Thầy nói “Tôi mà tu cái gì”. Tôi bảo thầy không đi lính thì cộng sản
họ thích chứ, sao lại bắt. Sao thầy không khiếu nại nói hết để họ tha cho thầy.
Một thầy khác nói chả nói không đi lính chớ quá cha đi lính. Chả lấy đồ lính
của anh, áo mão đàng hoàng đeo hai mai trung uý, lấy Honda phóng như điên. Ngày
cộng sản tới, con nít nó tố cáo chả là trung úy chả đắng miệng, càng chối nó
càng bảo thiếu thành khẩn nên cụp chả mút mùa.
Cả ba cười hồn nhiên. Tôi thấy ba thầy hay hay, dễ thương, không
buồn, không lo, khác hẳn mấy tu sĩ khác luôn có vẻ sợ sệt. Ba thầy suốt ngày
đánh cờ, hai người ngồi đánh một người ngồi coi. Chơi vui và cũng hay cãi ồn
ào, chỉ một bài hoàn, không hoàn mà la cả ngày, có lúc cha trưởng phòng phải
đưa một ngón tay ngoài miệng làm dấu giữ im lặng.
Đêm Noel khác với mọi đêm bình thường, có vẻ nặng nề quá. Khoảng 8
giờ, các cha, các thầy về chỗ nằm không ai nói với ai. Tất cả im lặng.
Gần khuya các tu sĩ ngồi trong mùng đọc kinh thầm thì. Trời về
đêm, lạnh. Tôi buồn xa xăm.
MỘT CUỘC KIỂM ĐIỂM CHUA XÓT
Cha nhà trưởng bảo tối nay kiểm điểm có cán bộ quản giáo đến dự.
Nói vậy nhưng cán bộ không đến. Chờ mãi, cha nhà trưởng đành cho kiểm điểm lập
biên bản gửi lên trên. Kiểm điểm anh
Thảo. Do nội qui tuyệt đối cấm xưng hô theo chức tước, tuổi tác… nên tôi
chỉ nghe gọi anh Thảo và không biết gì về anh. Nhìn nét mặt mọi người, tôi đoán
việc kiểm điểm này khá quan trọng, chắc là một vụ ghê gớm. Tôi loại ngay âm mưu
vượt ngục vì nhìn qua không thấy ai đủ táo bạo làm việc này. Mưu hại cán bộ
càng không vì toàn người ốm yếu già nua. Quan hệ phụ nữ thì ở đây không có nữ
tù, không ai được ra ngoài dân. Phát ngôn bừa bãi cũng khó có, vì ai ở đây cũng
không chỉ uốn lưỡi bảy lần mà uốn lưỡi cả trăm lần. Có lẽ chỉ là viết thư ra
ngoài không qua kiểm duyệt của cán bộ. Tôi kề sát tai thầy sư trẻ hỏi nhỏ vụ gì
và được trả lời ngay: “Chuyện ruồi bu”. Câu trả lời không giúp tôi hiểu gì hơn.
Cha nhà trưởng mở đầu với những lời nhắc về nội qui, về hai mươi
điều nếp sống văn hoá mới rồi vào đề. Tôi thấy ông vừa ái ngại vừa hết sức khó
khăn như phải đề cập tới một sự vạn bất đắc dĩ. Cuối cùng ông nói:
- Thưa các anh, hôm nay cán bộ quản giáo bảo tôi tập họp anh em,
kiểm điểm rút ưu khuyết điểm về vụ anh Thảo liên quan vụ…lon chà bông của anh Tâm. Sự vụ như thế này: anh Thảo
nằm kế anh Tâm và thứ năm vừa rồi anh Tâm ra hớt tóc vào, định lấy ít muỗng chà
bông cho anh thợ hớt tóc, khi dở nắp lon thấy lon hao hụt gần một nửa. Anh Tâm
quả quyết bị mất cắp và nghi người nằm gần là anh Thảo, vì anh Tâm nằm sát vách
trong cùng nên không thể nghi ngờ người khác. Bởi vậy, chúng ta đem ra mổ xẻ,
rút ưu khuyết điểm để xây dựng cho nhau. Đó là lý do cuộc họp bất thường này.
Xin anh em cho ý kiến, trước hết là ý kiến anh Tâm và anh Thảo.
Nghe đến đây tôi toát mồ hôi. Thê thảm đến mức này ư! Tôi từng dự
nhiều buổi kiểm thảo ác liệt, nhưng toàn việc chính trị, phe cánh hạ nhau và
chưa bao giờ tôi xúc động bằng khi nghe mấy lời tường trình của cha nhà trưởng.
Anh Tâm và anh Thảo đều trên sáu mươi, ốm yếu đạo mạo một cách đáng thương.
Không ai có ý kiến, dù cha nhà trưởng nhắc đi nhắc lại nhiều lần.
Rồi anh Thảo phát biểu:
- Tôi không có thăm nuôi, lại nằm bên anh Tâm nên anh Tâm nghi là
phải. Nhưng Lạy Chúa, tôi chưa bao giờ làm chuyện bậy bạ như vậy. Nếu các anh
không tin, xin các anh soát xét và hình phạt gì tôi cũng chịu. Tôi xin hết.
Không khí im lặng thê thảm, nước mắt tôi trào ra.
Tôi đứng dậy nói mặc dù cha nhà trưởng chưa cho phép. Tôi nói
trong nước mắt:
- Thưa các cha, các thầy. Tôi lạy các cha, các thầy. Xin thôi đi,
chúng ta đau quá, xót xa quá, đau hơn bị đánh, bị nhốt kỷ luật. Trời ơi, tại
sao lại như thế này! Tù đày chưa đủ sao mà chúng ta còn tự dìm xuống bùn, xuống
ô nhục. Tôi lạy các cha, xin ngưng ngay đi. Lời nói của cha Thảo tội nghiệp
quá, nỡ nào chúng ta còn hành hạ nhau nữa. Cha Tâm không mất, cha Thảo thề
không đụng tới. Tôi yêu cầu đừng nhắc tới nữa, xin cha nhà trưởng chấm dứt nơi
đây đi. Như thế là tốt đẹp, một hiểu lầm nhỏ thôi.
Cả phòng tự động vỗ tay quên luôn nội qui.
Cha Tâm đứng dậy ôm cha Thảo.
Tôi thấy hai cha kéo áo lau nước mắt.
CÁ THIỀU
Tôi ở Xuân Phước gần ba năm, bốn lần được ăn cá thiều. Buổi sáng,
các toán ngồi trước sân nghe phân công đi lao động. Toán nhà bếp dùng xe cải
tiến ( ) kéo con cá to bằng đứa bé lên mười. Mùi cá, mùi mắm bay thơm cả sân
trại. Toán tù tư pháp reo lên mừng rỡ như chào một tài tử đóng phim hoặc một
cầu thủ nổi danh. Các toán tù chánh trị rầm rì bàn tán “cá thiều, trưa nay có
cá thiều, cá thiều thơm quá”. Cả trại đều vui, đi làm hăng hái vì “trưa nay có
cá thiều”. Trên đường đi, nghe đủ thứ về cá thiều, nào cá thiều kho tộ, cá
thiều muối rồi chưng với trứng vịt rắc tiêu thật nhiều ăn với cơm nóng vào mùa
đông… Hình ảnh con cá thiều buổi sáng như làm bừng dậy sức sống của mọi người.
Khu cấm cố chúng tôi tới quá nửa buổi mới tiếp nhận tin vui: Trưa nay có cá
thiều. Ba thầy trẻ liền kiểm chứng tin tức, hỏi người lấy nước sôi dưới bếp có
thật thấy cá thiều không hay là tin vịt. Người lấy nước tươi như hoa tả “Cả khu
nhà bếp thơm phức” làm chúng tôi nuốt nước miếng ực ực.
“Trưa nay có cá thiều, cá thiều”. Không khí trong phòng sinh động
khác hẳn. Có nguời sang đồ ăn trong lon guy-gô ra bao nilon để xem kỹ lon có bị
mội, bị dò chảy không. Ai cũng có kinh nghiệm cá chia rất ít, may mắn lắm thì
được cục cá bằng ngón chân cái, bình thường là cục cá cỡ hai lóng tay. Nhưng
mỗi người sẽ được nửa lon nước cá có thể để dành ăn vài ngày.
Phía dưới tôi về bên trái cách hai người là một ông mập, to lớn
một con mắt bị miếng vải trắng băng chặt. Ông hay nằm, ngay hôm tập họp ông
cũng được miễn vì bịnh con mắt. Ông đang đau mắt nên tôi đến cả tháng chưa nói
chuyện với ông. Ông có người đệ tử lấy cơm nước đem về tận chỗ nằm để khỏi ra
ngoài chói nắng. Người đệ tử hớn hở vào tận nơi ông đang ngồi hỏi nhỏ: “Trưa
nay có cá thiều, cha đau mắt ăn được không?” Tôi nghe từng tiếng của câu hỏi và
không hiểu tại sao, tôi hồi hộp, lo lo. Im lặng đến một phút, hai phút không
chừng, người đau mắt nói trong tiếng cười như cởi mở: “Ăn đại!” Tôi nghe tiếng
“dạ” nho nhỏ như ngỡ ngàng rồi người đệ tử đi ra. Một cảm giác chua cay bỗng ập
tới và tôi không chận nổi ý nghĩ xót xa, tội cho người đau mắt, cho người đệ
tử, cho tất cả chúng tôi. Hai tiếng “ăn đại” làm sụp đổ trong tôi nhiều quá. Kẻ
chiến thắng đã dồn chúng tôi vào cảnh đói và thèm cùng cực đến mức tơi tả cả
tinh thần.
Hơn hai mươi năm qua rồi, khi viết những dòng này tôi vẫn không
xoá nổi cảm giác căm hận, không vì chính kiến, vì lý tưởng mà vì cung cách đối
xử giữa con người. Thản nhiên trước nỗi đau của đồng loại đã biểu hiện thú tính
thì điên cuồng tự đắc với việc tạo ra nỗi đau cho đồng loại, xô đồng loại xuống
đáy vực đoạ đày thật khó có lời để diễn tả. Cho nên tôi biết chắc là cá nhân
tôi không bao giờ thỏa hiệp nổi với cộng sản, kể cả khi họ tạo nổi cho mọi
người cảnh đời ấm no. Cuộc sống luôn có các đường ranh rõ rệt trong đó đường
ranh giữa con người và ác thú chắc chắn sẽ còn mãi mãi.
Ở nhà cấm cố được vài tháng, tôi lại bị di chuyển và trở về với
anh em quen cũ trong số có anh Yên trong một toán tù lao động.
ĐƯỢC THĂM NUÔI
Chiều hôm đó, một toán lao động đi ngang nhà thăm nuôi về trại
loan báo tôi được thăm nuôi. Quá mừng nhưng tôi cũng nghi ngờ không biết có ai
trùng tên không. Đã hố một lần ở lò gạch Kim Sơn rồi nên tôi dè dặt chờ đợi. Một
số anh em cùng toán mừng cho tôi, nhưng tôi nói chưa có gì chắc chắn cho đến
sáng mai khi cán bộ kêu tên. Dù vậy, tôi vẫn ra mé rào hỏi nhà bên cạnh vì khi
chiều họ đi ngang nhà thăm nuôi. Anh em xác nhận có một người đàn ông ở nhà
thăm nuôi hỏi anh em có biết Nguyễn Liệu
không. Người được hỏi nói nghe rõ là Nguyễn Liệu.
Tôi chưa hết nghi ngờ nhưng không ngủ được, cứ thắc mắc tại sao
không phải vợ mà lại là người đàn ông đi thăm mình. Hay là… Tôi không dám nghĩ
bậy nữa.
Sáng hôm sau, quả thật tôi được kêu tên, rời hàng khỏi đi lao động
chờ cán bộ dẫn đi thăm nuôi. So với các trại địa phương trong vùng như Kim Sơn
chẳng hạn, số người thăm nuôi ở các trại không trực thuộc địa phương rất ít.
Sáng đó chỉ mình tôi được thăm nuôi. Toán tù chúng tôi chỉ đào ao nuôi cá gần
trại nên tôi chưa bao giờ tới khu nhà thăm nuôi này. Đường đi nhỏ quanh co theo
mé suối, hai bên cây xanh rậm rạp thật đẹp và tôi càng thấy đẹp hơn vì có niềm
vui được thăm nuôi. Đến nơi mà tôi không biết vì ngôi nhà lợp lá này núp dưới
chòm cổ thụ sum xuê.
- Anh Liệu!
Tôi giật mình nhận ra Chế Quân. Chế Quân thăm tôi!
Quá mừng và ngạc nhiên, tôi quên hết mọi thứ, quên cả người cán bộ
đang đi trước, hỏi lớn:
- Chị Ảnh không đi?
Quân không kịp trả lời vì cán bộ đã đưa tay bắt và xem giấy tờ của
Quân. Tôi đứng sau hồi họp, nước mắt lăn trên gò má. Sau khi đốt điếu thuốc đầu
lọc do Quân mời, cán bộ bước vào phòng trong, chỉ cho Quân và tôi tới chiếc bàn
dài ngay cửa ra vào, hai bên bàn là hai cái bân gỗ bào láng. Quân một bên, tôi
một bên bàn. Tôi không nói được gì. Quân cũng nghẹn ngào. Tôi run run hỏi lại:
- Sao chị Ảnh không đi?
Quân cũng không ngờ xúc động mức đó, nói nhỏ:
- Chị bận mấy đứa nhỏ, vả lại xa quá, tốn lắm không đi được. Ở nhà
tất cả đều bình thường, anh đừng lo gì hết.
Tôi cắn môi dưới như chảy máu vẫn không cầm được nước mắt, bật
khóc. Không lau nước mắt tôi nức nở:
- Sao chị Ảnh không đi? Hay có gì Quân nói thật cho anh, sao chị
Ảnh không đi? Sao vậy, Quân?
Quân nhìn xuống mặt bàn nói lấp vấp:
- Tôi đã nói rồi, chị cả ngày phải làm lấy công điểm, lo mấy đứa
nhỏ, làm sao đi được, tôi đi cho chỉ đây mà.
Quân rút thuốc đưa tôi, quẹt lửa. Kéo một hơi thuốc dài tôi bình
tĩnh lại. Quân đốt một điếu rồi cầm cả bao thuốc bước qua bàn người cán bộ đang
đọc báo mời hút và để bao thuốc ở đó. Tôi nghe giọng Bắc cảm ơn lễ độ. Quân kể
nho nhỏ ở ngoài khổ lắm, vợ con tôi không thể đủ sức mướn xe đi thăm nên tôi
gắng chịu đựng. Quân bảo thấy tôi gầy ốm nhưng vẫn còn thần sắc như xưa. Quân
cho biết vợ chồng Võ Hữu Cảnh – Phạm Thị Hồng Hạnh đi quyên góp cho Quân vào
thăm tôi. Quân nói thật nhỏ:
- Tôi báo anh tin buồn bác trai qua đời rồi, mất ở Sài Gòn, bác
già rồi…
Quân còn nói nhưng tôi ù tai không nghe được. Tôi sững sờ, choáng
váng, im lặng. Rồi tôi bật khóc, mặt gục xuống bàn. Cha tôi qua đời rồi! Làm
sao còn thấy được cha! Bao năm rồi xa cách cha và mãi mãi không còn gặp cha
nữa…Hình như Quân ân hận nói ra điều này sớm quá. Tôi ngửng đầu lên hỏi trong
nước mắt: “Còn mẹ anh ?”
- Bác gái thì khỏe, ở Sài Gòn.
Người cán bộ trả lại bao thuốc cho Quân sau khi lấy thêm một điếu
đốt ngậm phì phà đi ra ngoài. Tôi liên tiếp hít những hơi thuốc, cố đè cảm xúc
tiếp tục hỏi thăm. Tôi hỏi thăm ba má Quân, hai người anh của Quân tập kết về,
nhắc đến bạn bè, cả mẹ vợ Quân và biết bà về Nha Trang với chồng rồi. Tôi hỏi
Sáng, Ni, hai anh này đi Sài Gòn từ lâu, nghe nói Minh Đường chết rồi… Quân bảo
tôi gắng giữ sức khỏe, chắc không có dịp nào vào thăm được nữa. Tôi thấy mắt
cay cay. Tôi nói rất nhỏ với Quân: “Làm sao cho mấy đứa con anh ra nước ngoài,
anh có ông anh ở Mỹ.” Quân tái mặt lắc đầu: “Không được! Không được! Em không
nghe nói chuyện này, nguy hiểm lắm, không được.”
Người cán bộ bước vào cho biết hết giờ.
Quân đứng dậy cảm ơn.
Tôi ôm choàng Quân siết chặt:
- Cảm ơn em, em về nói với chị Ảnh và các con anh… Anh mạnh đừng
lo gì cho anh. Chị cố lo cho con, anh thăm Thu, vợ em nhé và ba má em …
Quân vội vã nói “À, còn xách đồ ăn”. Vừa nói vừa đưa cho tôi. Tôi
bảo trình cán bộ kiểm soát trước. Người cán bộ xem qua loa rồi ra đi. Tôi theo
sau, mặt ngoảnh lại nhìn Quân. Như cây trụ trồng giữa sân bất động, Quân đứng
sững nhìn tôi đến khi khuất lùm cây. Tôi thở dài mệt nhoài người. Tôi lẩm nhẩm
không ngờ thăm nuôi mệt như thế. Người cán bộ đưa tôi cái thư bị xé bì, nói
chững chạc:
- Vì người bạn anh đã báo ông già qua đời nên tôi đưa thư này cho
anh chứ theo nội qui của trại lá thư nào có tin báo thân nhân qua đời không đưa
cho các anh.
Tôi về phòng, anh em đi làm chưa về, phòng vắng quá. Tôi nằm thừ,
mệt mỏi rã rời. Lấy thư ra đọc. Đúng là chữ của Ảnh, vợ tôi viết trên nửa trang
giấy học trò bỏ trong cái bì cũng làm bằng giấy học trò.
Anh,
Anh Quân vào
thăm anh. Em cầu mong anh mạnh và sớm về với gia đình. Ở nhà các con đi học
bình thường. Chúng thiếu lắm nhưng không sao, anh đừng lo. Mẹ con em gắng qua
ngày, anh đừng lo gì cho em và con. À, cha qua đời ở Sài Gòn. Em cũng mới biết
đây do Hạnh, ông Cảnh vào thăm báo cho biết. Em không có gì gửi cho anh chỉ hốt
nắm thuốc hút của ông ngoại gửi cho anh.
Thôi, em mong
anh mạnh khỏe và sớm về với gia đình.
Em, Ảnh.
Tôi đọc đi đọc lại nhiều lần và thầm trách tại sao viết ngắn quá
vầy? Tại sao hà tiện chữ vầy? Tại sao không âu yếm thương yêu gì hết? Tại sao
lạnh như tiền? Còn giấy trắng nhiều quá tại sao không viết cho hết, lần viết
lần khó mà sao tệ dữ vầy? Rồi tôi dừng lại với mấy chữ “chúng thiếu lắm nhưng
không sao anh đừng lo”. Con tôi đói quá, trời ơi! Vợ tôi cũng đói quá, khổ quá
nên không đủ sức kéo dài lá thư, vì còn gì để viết nữa! Chắc em buồn chán và
hận tôi lắm! Làm sao còn nổi những lời trìu mến ướt át đầy tình cảm như ngày
trước!..Nhưng, em có biết tôi đang cần tình thương của em như thế nào không,
hỡi người em lạnh nhạt của anh? Cuối cùng, tôi mỉm cười thấy mình rõ lẩn thẩn.
Hoàn cảnh quá khổ cực, lại là thư gửi vào trại giam bị kiểm duyệt gắt gao thì
làm sao viết như lúc còn ở lớp học tự do ngày xưa. Tôi tự an ủi vậy và an tâm
hơn.
Nguyễn Liệu
(Trích hồi ký Đời Tôi
trang 547 do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Mỹ ấn hành)
Tuyet voi. Xin dung de mai mot nhung bai viet qui gia nay .
Trả lờiXóa-
Tango a20
Quán lá cám ơn bạn Tango a 20 đã đến đây, uống ly cafe với anh em
Trả lờiXóaMong sẽ gặp lại bạn, thường xuyên
Một cảm súc đúng mức và rất thật của một người tù dưới chế độ CS
Trả lờiXóa