30.4.10

Hãy nói về những người ở lại



Vũ Ánh
(04/03/2010)

Trong cuộc chiến kết thúc cách đây 35 năm, trong số dân chúng hai miền Nam và Bắc Việt Nam, có rất nhiều người Việt Nam yêu nước. Nhưng cách yêu nước của họ khác nhau và sự lựa chọn việc biểu lộ lòng yêu nước cũng khác nhau. Chỉ tính dân số miền Nam Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở xuống tới mũi Cà Mau, chúng ta cũng không thể chối cãi được rằng sự chọn lựa và tư tưởng yêu nước cũng không thể thoát ra ngoài qui luật trên.

Nhưng chiến thắng của người Cộng Sản và họ thống nhất đất nước cho thông thương hai miền Nam Bắc đã giúp dân chúng của hai miền so sánh những thứ mà họ có trong tay, trong cuộc sống hàng ngày. Thực tế ở miền Nam đã giúp thay đổi khá nhiều cách nhìn của những người dân miền Bắc đối với cái mà họ gọi là “giải phóng miền Nam” và làm cho một số người miền Nam trong chiến tranh vẫn còn mơ mộng tới hình ảnh trong sáng của cuộc kháng chiến chống thực dân nay không còn mơ mộng nữa. Nhưng tất cả dân số đó khi nhận chân được sự thật thì đã quá muộn. Tất cả dân chúng từ Bắc chí Nam đều phải sống trong một nhà tù vĩ đại, tinh vi ở Việt Nam. Nó không có những bức tường bê tông cốt sắt, hàng rào kẽm gai, nhưng vẫn xiềng xích, quản thúc được con người.

Tuy thế, cũng có nhiều người may mắn thoát ra được khỏi cái nhà tù vĩ đại ấy: Ðó là chúng ta, những người di tản, vượt biển, vượt rừng, HO, đoàn tụ gia đình. Cái giá để đánh đổi lấy tự do rất lớn. Nhưng bù lại chúng ta có được một cộng đồng tại một nước dân chủ, làm việc cực nhọc nhưng không đói, bị khinh khi lúc chân ướt chân ráo đến đây, nhưng nay dần dần sự đóng góp và hội nhập của cộng đồng Việt Nam tại Mỹ cũng đã làm thức tỉnh rất nhiều người Mỹ dòng chính. Rõ ràng chúng ta là những người may mắn và được che chở bởi một phép lạ.

Nhưng mỗi lần nhìn đến những hình ảnh cũ của sự thất bại của chúng ta, nhớ lại những hình ảnh tan tác của một quân đội không thiếu lòng dũng cảm, không thiếu kinh nghiệm tác chiến, từng là một trong những thành trì vững mạnh ngăn chặn làn sóng đỏ, ai là người đã từng chứng kiến giờ phút đen tối ấy của một tiền đồn thế giới tự do mà không đau, không xót. Nghĩ cho cùng thì cái giá lớn lao mà quân, dân, cán, chính miền Nam Việt Nam phải trả là thiếu lãnh đạo thượng tầng sáng suốt và những đồng minh chung thủy.

Trong 35 năm qua, người Việt Nam ở hải ngoại đã nói nhiều tới cái giá mà mình phải trả để có được tự do. Nhưng chúng ta đã nói gì về cái giá mà những người còn ở lại không có hoàn cảnh như chúng ta chưa? Trước hết, nhiều người về thăm gia đình, khi quay lại Mỹ, được hỏi về một số những bạn cũ, thì phần nhiều đều nói: “Bọn họ bây giờ giầu lắm.

Một cựu phóng viên đài phát thanh Sài Gòn, có thời làm việc dưới quyền tôi, trở lại Việt Nam vì có việc tang chế, cố tìm đến một cựu phóng viên khác khá thân thời còn làm việc chung không ra nước ngoài. Nhưng cả hai chỉ nói chuyện được với nhau đúng năm phút trong lạnh nhạt. Khi anh quay trở lại Mỹ, tôi hỏi thăm về chuyện này, người bạn đồng sự với tôi nói: “Anh ơi, em phải ngồi chờ nó 30 phút, qua 3 cửa an ninh, mới được gặp, nhưng nó lạnh nhạt nên em cũng không muốn nói chuyện lâu.”

Một người bạn tù của tôi trước đây, không đi HO mà “ở lại để chứng kiến sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản” nay sang du lịch vì con gái của anh ở Mỹ mua vé máy bay. Anh sang đây chơi nhưng phải để vợ ở lại. Tôi hỏi: “Mày sống ra sao?” “Cũng tàm tạm vì tao bán được cái nhà, rồi cho vợ đi buôn bán rỉ rả cũng sống được.” Tôi hỏi thăm về những người bạn mà chúng tôi cùng quen, anh nói: “Mẹ kiếp, chưa thằng nào chết, nhưng vất vả nhếch nhác lắm. Thằng L. phải đi bán nhang (hình thức đi xin), bây giờ thì khá hơn. Cu cậu lên chức ca sĩ hè phố rồi.

Dĩ nhiên, những tin tức trên chưa thể mang lại cho tôi một hình ảnh nào rõ rệt về cái xã hội hiện nay ở Việt Nam, trong khi trên các trang mạng, những tin tức được loan báo trái ngược nhau, lại không có độ xác tín cao. Thế còn những quân, dân, cán chính chen chúc nhau, dẫm đạp lên nhau chỉ cố lọt vào được hàng rào sứ quán Hoa Kỳ trên đường Thống Nhất cách đây 35 năm, bây giờ họ sống ra sao? Những người lính tan hàng, cởi bỏ quân phục, súng ống ba lô, để thoát thân sau lệnh đầu hàng, những gia đình có người thân trong quân đội, cảnh sát, tự tử ngày 30 tháng 4, 1975, hoặc tử trận trước và sau giờ đầu hàng, những nghệ sĩ từng góp phần vào mặt trận văn hóa, những cán bộ xây dựng nông thôn của đoàn 59 người đã từng góp phần vào công tác bình định, những người lính địa phương quân, nghĩa quân, bây giờ đời sống của họ ra sao, số phận của con cái họ như thế nào?

Trong suốt 35 năm qua, có được bao nhiêu trang báo, có được bao nhiêu giờ trên các hệ thống truyền thông Việt ngữ, có bao nhiêu lễ tưởng niệm 30 tháng 4 được dùng để nói về họ, có bao nhiêu bài nghiên cứu đề cập đến số phận của những người này?

Ngày 30 tháng 4, 1975 có phải là ngày chỉ dành riêng cho cộng đồng tị nạn Việt Nam không? Thế còn những người quốc gia không có cái may mắn sang đây như chúng ta thì ngày 30 tháng 4 có phải là ngày của họ không?

Ðặt ra những vấn đề đó chỉ là một cái cớ để nói với các nhà làm chính trị, các nhà tranh đấu rằng họ cần phải canh tân đường lối đấu tranh. Ba mươi lăm năm qua, dù muốn dù không, có thể đã có một bức tường giữa người dân trong nước và cộng đồng hải ngoại chỉ do sự hà khắc của chế độ đương thời tại Việt Nam và lòng hoài nghi về sự hữu hiệu của những phương thức tranh đấu của một số tổ chức chống Cộng ở hải ngoại. Người chống Cộng ở hải ngoại cần phải tìm hiểu và phá bỏ nó, nếu không, công cuộc chống Cộng trở thành chống lẫn nhau. (V.A.)



(Nguồn:  http://www.vietherald.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét