30.4.10

Ngày 30 tháng 4, 1989 tại Bình Thạnh




Vũ Ánh
(03/26/2010)

Ngày 30 tháng 4 đầu tiên ở ngoài xã hội của tôi tại Sài Gòn chính là ngày 30 tháng 4, 1989. Từ trại cải tạo được thả về cuối 1988, tôi được ăn cái Tết đầu tiên không phải ở trong trại tù năm 1989, và vài tháng sau trải qua ngày 30 tháng 4 không phải bị cùm trong nhà kỷ luật. Từ năm 1978 cho đến mãi 1985, không ngày 30 tháng 4 nào là tôi không cùng một số bạn tù khác có tên trong sổ đen của trại giam và bị “mời” vô nhà kỷ luật từ ngày 28 tháng 4 vì họ sợ chúng tôi làm mất trật tự trong trại giam. Chúng tôi có khi bị giam đến hết tháng 5 mới được thả về trại giam chung. Nhưng từ 1980 cho đến hết 1985, họ giữ tôi luôn ở trong biệt giam cá nhân cho “tiện bề sổ sách.”

Năm tôi được tạm tha, theo giải thích của Vinh “thùng rác,” công an khu vực, với thời gian quản chế (quản thúc tại gia) là 5 năm vào cuối năm 1988, năm mà Sài Gòn mới ở những bước đầu hồi sinh, việc có được một việc làm tay chân để mưu sinh không còn khó khăn nữa. Mấy tháng đầu khi trở về, lệnh quản chế còn khắt khe, Vinh “thùng rác” hay ghé qua nhà nhắc nhở tôi: “Này đừng có mà tìm cách trốn ra nước ngoài đấy nhé. Lần này chúng nó mà tóm được ông là án gấp đôi đấy.”

Nói thì nói vậy, nhưng Vinh “thùng rác,” vợ và 6 đứa con không thể sống bằng lương thượng úy, nên anh ta cũng cần “vun quen cá nhân” qua việc thu hụi chết các gia đình sản xuất hàng hóa lậu trong khu vực. Dần dà, tôi không còn phải trình diện công an khu vực hàng tuần nữa. Ngược lại, Vinh “thùng rác” phát cho tôi một cuốn sổ ghi số trang và dặn tôi đi đâu thì phải ghi ngày giờ và nơi đến, gặp những ai, sau đó cứ 3 tháng nộp một lần để anh ta xem, ký tên và đóng dấu. Tôi biết đây là “mưu sâu” của đám công an nên tốt nhất là giới hạn gặp bạn bè hay bà con vì nghĩ mình có thể gây phiền hà những người muốn gặp. Cho đến khi tôi đã ngồi lên yên chiếc xích lô để kiếm ăn hàng ngày thì Vinh “thùng rác” đã bắt đầu chán không muốn đọc sổ trình diện nên ra lệnh cho tôi trình diện nộp sổ một năm một lần.

Ngoài tình trạng quản chế do công an khu vực giám sát, một số thành phần tù cải tạo còn bị các cán bộ chính trị trong Mặt Trận Tổ Quốc “săn sóc” về mặt tinh thần. Ðiều này có nghĩa là hàng năm Mặt Trận Tổ Quốc quận Bình Thạnh cho người đến nhà tôi, năm nào cũng vào sáng 28 tháng 4 nói là mời tôi đi “tập huấn chính trị” tại phường từ ngày 29 tháng 4 cho đến hết ngày 2 tháng 5.

Tháng 4, 1989, tôi vẫn còn đang làm công việc cưa ván sàn cho một xưởng cưa ở Ngã Tư Bẩy Hiền để kiếm sống. Sáu giờ chiều về đến nhà, mẹ tôi đã đón ở cửa, đưa tôi một giấy mời và nói: “Trên phường họ lại mời tập huấn chính trị. Giấy nó đưa từ hồi sáng.” Tôi hơi giật mình tự hỏi không biết chuyện gì hay đây lại là trò mời đi học tập chính trị 10 ngày. Cơm nước xong, tôi chạy đến Vinh “thùng rác” và đưa giấy ra cho anh ta xem. Vinh cười cười rồi nói: “Chúng nó tập trung các ông lên phường để chẻ củi chứ chẳng có mẹ gì đâu. Năm nào chả vậy. Yên trí đi. Ðổi mới tư duy rồi.”

Cả đêm hôm đó tôi không ngủ được, chỉ mong sáng đến mau hơn. Mẹ tôi lo xa. Bà xếp sẵn cho tôi một túi xách gồm vài bộ quần áo, áo lạnh, khăn, kem và bàn chải đánh răng và một số thuốc âu dược cần thiết cảm cúm, tiêu chảy, kiết lỵ, sốt rét... Bà sợ tôi bị “mời” đi luôn. Buổi sáng 29 tháng 4, đúng 8 giờ sáng, tôi đã có mặt tại trụ sở phường, cách nhà tôi không xa lắm, nằm trên đường Chi Lăng. Có mặt cùng với tôi gồm 9 người khác, phần lớn cũng coi như mới được thả về dù trước tôi khoảng từ 4 đến 6 tháng.

Chúng tôi được dẫn vào một căn phòng phía sau trụ sở phường, trên sàn trải 10 chiếc chiếu y chang một phòng giam. Phân phối chỗ ngủ xong, một cán bộ phường dẫn chúng tôi ra ngoài sân xếp hàng. Lát sau, một người ăn mặc thường phục đến tự xưng tên Phinh, cán bộ khoa giáo của Mặt Trận Tổ Quốc. Ông ta nói: “Tôi được lệnh tập trung các anh ở đây để giữ an ninh cho các anh. Ðến nay đã 14 năm rồi, nhưng nhân dân còn giận các anh, họ có thể hành hung các anh trong những ngày này. Tốt nhất là các anh nên ở tạm đây vài ngày rồi về...” Sau đó ông ta nói tràng giang đại hải về chính sách hòa hợp hòa giải rồi dẫn chúng tôi sang lán củi phía bên kia đường thuộc công ty đời sống của quận Bình Thạnh.

Mỗi chúng tôi được phân một thước khối củi để “để lao động xã hội chủ nghĩa.” Anh chàng coi lán củi còn rất trẻ khoảng 20 tuổi phát cho chúng tôi mỗi người một cái rìu rồi nói: “Mấy anh để em chỉ rồi mới làm được. Bổ củi không thể chỉ dùng sức mà còn dùng trí.” Nói xong anh ta để một khúc gỗ lên cái đe cũng bằng gỗ. Anh giơ rìu lên và bổ từ ngoài vào trong khá nhanh và đều. Chỉ thoáng một cái, khúc gỗ đã biến mất, chẳng có điều gì phải sử dụng đến trí cả. Ðây là công việc cần người có sức không cần người có đầu óc.

Tôi được phân phối một thước khối các khúc củi đã chẻ đôi rồi. Chỉ cần chẻ đôi một lần nữa là xong. Có lẽ anh chàng chủ lán củi này thấy tôi cao nhòng, gầy và xanh nên giao cho tôi công việc nhẹ hơn chăng. Chẻ củi đến 12 giờ trưa thì nghỉ ăn trưa. Lau xong mồ hôi và thay được cái áo ướt đẫm, tôi đã thấy mẹ tôi tất tả xách gà men cơm đến. Bà muốn biết chắc xem là tôi còn ở phường không hay là bị đưa đi rồi.

Sau khi nghe kể, bà mới yên tâm. Rồi bà quay sang nói với Tiên, chủ lán củi, rằng: “Con giúp bác, đừng bắt anh làm việc nặng quá, mới về chưa lại sức đâu.” Tiên nhỏ nhẹ, nhưng mau mắn: “Bác yên tâm, con biết mà.” Sau đó tôi thấy lần lượt các người vợ và mẹ của mấy bạn tù với tôi cũng đến đưa cơm trưa. Trong bữa cơm, vợ của một người tù, tóc đã bạc hai bên thái dương, nói lớn để mọi người đều nghe: “Anh ráng cải tạo đi đừng chống lại nhà nước, chỉ khổ vào thân, nghe em đi...” Tôi không thấy Chín nói gì. Anh chỉ lặng lẽ ngồi ăn. Sau khi ăn xong, hớp một hớp nước trà do vợ mang cho, Chín nói: “Anh biết mà, khỏi cần dặn, ra ngoài này vẫn tù mà.” Cơm trưa xong, chúng tôi còn nửa tiếng đồng hồ để nghỉ trưa. Tôi và Chín ngồi trong một góc lán củi, hút thuốc lào bằng chiếc điếu bát do Tiên cho mượn.

Chín mời tôi một bi thuốc Cái Sắn và nói: “Ông hút thử. Thứ này buông điếu mới phê.”

Trong câu chuyện suốt thời gian bị cầm chân ở phường, tôi mới được biết Chín không phải là sĩ quan mà chỉ đi theo mặt trận Vinh Sơn, rồi theo Phục Quốc. Anh bị bắt và bị một “tòa án nhân dân” kết án 12 năm tù. Ở đúng 12 năm mới được thả. Chín hỏi: “Bao giờ đi?” “Ði đâu?” “Thì đi Mỹ chứ đi đâu, ngoài họ đồn dữ lắm.” “Tôi cũng chẳng hiểu, ăn nay biết nay, ăn mai biết mai thôi.” Chín nói: “Tôi làm công chức ở Bộ Tài Chánh. Tháng 8, 1975, theo Phục Quốc. Bị tóm ở Trảng Bom. Chúng lôi ra xử ở huyện Thống Nhất và bóc 12 cuốn. Cũng ngon lành, nhưng hết mẹ nó cả đời rồi.”

Do không muốn phải chui vào phòng “giam” phía sau trụ sở phường sớm, tôi và các bạn tù nhẩn nha bổ củi đến 6 giờ chiều thì xong chỉ tiêu. Ông Phinh lại xuất hiện dẫn chúng tôi về phường giao cho vệ binh: “Tôi giao lại đủ 10 người đấy nhé. Nói cho họ biết chỉ được di chuyển khu vực phía sau này, không được ra trước.” Sau khi tắm rửa xong, chúng tôi cắt cử người theo một vệ binh đi lãnh cơm ở bếp tập thể của phường đội gồm cơm, canh và cá kho. Mang về tới phòng thay vì chia như ở trong trại giam, chúng tôi ngồi ăn chung, nói chuyện và tìm hiểu về nhau. Có điều lạ là 10 người chúng tôi đều ở khác trại giam và cũng nhờ có buổi gặp gỡ này, tôi mới biết rằng, trên khắp đất nước, ngoài những trại nghe tên quen thuộc như Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú, Nam Hà, Sơn Tây, Thanh Cẩm, Thanh Chương, Nghệ Tĩnh, Z-30A, Z-30D... còn có những cái tên nghe lạ hoắc nào là Bố Lá, Nhà Ðỏ, Kinh 5, Bình Ðiền, Bù Gia Mập, Kà Tum, Trảng Lớn. Có lẽ là từ Bắc vào Nam không có thành phố nào là không vài ba trại tù.

Ðến 8 giờ tối, chúng tôi lại phải ngồi đồng nghe ông Phinh “giảng” chính trị. Ông lại nói về hòa hợp hòa giải. Hết hòa hợp hòa giải ông quay lại bản Hiệp Ðịnh Paris 1973. Hết hiệp định Paris, ông tương thêm Hiệp Ðịnh Geneva 1954. Trong lúc ông Phinh say sưa, Chín ghé tai tôi: “Mẹ kiếp, điệu này nó dám tiến tới cuộc cách mạng 1789 lắm à nhen. Dám 2 giờ khuya mới cho đi ngủ.” Nhưng hú vía, ông Phinh chấm dứt bài nói chuyện lúc 12 giờ 30 khuya, nghĩa là ông nói suốt 4 giờ 30 phút.

Câu chuyện thường ngày ở phường của chúng tôi tiếp tục ngày sang ngày 1 tháng 5 và cho đến chiều ngày 2 tháng 5, chúng tôi được thả cho về trước khi tổng kết thành quả của nghĩa vụ “lao động xã hội chủ nghĩa:“ Chẻ 30 thước khối củi, mỗi người ăn 3 bữa cơm trưa do mẹ hay vợ cung cấp, 10 người ăn 2 bữa tối của bếp tập thể phường đội, được nghe ông Phinh nói 9 tiếng đồng hồ toàn là đề tài hòa hợp hòa giải và cách mạng, nhưng chúng tôi chỉ nhớ được có mấy câu cuối cùng: “Ðề nghị các anh ngủ sớm để có sức ngày mai tiếp tục lao động xã hội chủ nghĩa.

Về tới nhà, mẹ tôi hỏi ngay: “Tập huấn chính trị, con có nói gì không con?” Tôi nói “Không mẹ, chỉ có họ nói thôi.” Mẹ tôi cười: “Tốt, như thế là con có thể sống được ở cái xã hội khốn kiếp này rồi. Tao lo lắm. Muốn yên thân ở đây thì phải biết tự làm cho mình điếc, mù và câm.”

Anh cả tôi còn lo xa hơn mẹ tôi nhiều. Anh nói với mẹ: “Thôi để con chở nó đi ăn cơm ở Bà Cả Ðọi, rồi xuống nhà thằng Hảo ngủ đêm nay và mai. Ðể xem chúng có đến nhà bắt nguội không. Nhỡ thằng này lại bướng nói gì đó chúng để ý lại đâm phiền ra.”

Hai tối sau đó, tôi không ngủ ở nhà dù ngày 30 tháng 4, 1989 đã qua đi. Anh cả tôi đến đón tôi vào trưa ngày 4 tháng 4, 1989 sau khi anh được Vinh “thùng rác” cho biết không ai trong số 10 người chúng tôi bị ghi hồ sơ gì cả. Vinh “thùng rác” bán tin này cho anh cả tôi với giá một bao thuốc lá 3 số. (V.A.)


(Nguồn:  http://www.vietherald.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét