30.4.14

Trên bức tường đá đen


TƯỞNG NIỆM
Ngày 30 tháng Tư 1975

những vần thơ viết trên bức tường đá ngục
là thông điệp người lính bại vong
gửi đến thời gian phía trước cho Em

tháng sáu bảy lăm
chàng sĩ quan trẻ Biệt động
theo Cha Hiệu xứ đạo Biên hòa
vào rừng lập mật khu chống Cộng
bị bắt đưa về trại giam Chí hòa
nhốt vào xà lim tử tội

cuối năm bẩy tám
tôi bị xiềng cách ly
đối diện phòng Anh
những ngày dài như trăm năm
bỗng một sáng tinh mơ
vẳng nghe tiếng hát buồn day dứt
“em đến thăm anh trời mưa gió
đường xa lạnh lùng”
tôi bàng hoàng đau đớn
một chiều mưa nào
nơi hạnh phúc cố quên
người vợ trẻ.hai đứa con thơ
thành phố biển
chỉ một vách tù
mà muôn trùng tội nghiệp

ngày lại ngày.tôi ngóng chờ
tiếng hát buồn thảm vọng từ đáy ngục
nỗi hào khí khốn cùng
ngọn dao đâm phế tạng
thời gian đi lở lói vết thương sâu

thế rồi một hôm
tiếng hát kia vụt tắt
người sĩ quan bị mang ra trường bắn
tôi ngồi lặng im ứa nước mắt

chua xót nhìn quanh
trong bóng tối lờ nhờ chốn biệt giam
những hình tượng Phật Chúa
vẽ ngoằn ngoèo trên Bức Tường Đá Đen
cùng tuổi tên chín Anh Hùng tận tuyệt
tuần tự lên máy chém
Họ là Ai.lịch sử bỏ quên
chốn cô hồn khuất lấp

tôi cô đơn hãi hùng trong xà lim ma quái
rờn rợn sống lưng
những nhát chém vô hình phụp xuống
người chiến sĩ phục quốc Trần Việt Sơn
hồ trường.đứt bóng

chàng bỏ lại người vợ trẻ
nơi đồng ruộng Long Xuyên
từng nét chữ vô vọng nhoẹt nhòe vệt máu
Anh yêu Em
vĩnh biệt
không một ai được biết
tôi rùng mình sởn gáy
khí lạnh đùn quanh
một bóng một mình.tôi nhìn tôi sợ hãi

ôi người bạn không quen
chiều sông Dịch còn vang vang gươm dáo
mối thù kia còn đeo đẳng kiếp người

chân tay tôi bị xích bị xiềng
nghe tiếng sáo mơ hồ gió thoảng
tôi kéo lê dây xích
trong đau thương tột cùng
vói bàn tay sờ soạn bức tường dày
đọc tên từng người
giọt nước mắt cay
những đứa con yêu.Tổ Quốc đoạn đành

A20 Cái Trọng Ty

18.4.14

Hoài Niệm


39 năm trôi qua
Tôi vẫn đời viễn xứ
Sống cuộc sống tha phương
Nơi đất khách quê người
Nhưng lòng vẫn ghi nhớ
Những kỷ niệm ngày xưa
Nhớ những ngày cắp sách
Ngồi trên ghế giảng đường
Với bao nhiêu ước vọng
Một tương lai sáng tươi

Nhưng mùa hè đỏ lửa
Khi giặc cộng tràn về
Tàn phá quê hương tôi
Gây bao cảnh đau thương
Cho dân lành vô tội
Nên bút nghiên sách vở
Đành tạm gác sang bên
Theo tiếng gọi quân trường
Sống đời trai thời loạn
Và sau ngày mãn khoá
Mỗi đứa về một nơi
Thằng Nhảy Dù, Biệt Động
Đứa Địa Phương, sư đoàn
Thằng Thủy Quân Lục Chiến
Kẻ chắp cánh trên cao
Thằng bạn bè sông nước ...
Ngày đêm trên chiến địa
Mặt đối mặt quân thù
Sống chết tựa như tơ
Vì hai chữ tự do
Xả thân cho lý tưởng

Tháng tư ngày ba mươi
Đang chiến đấu cộng thù
Lệnh truyền buông vũ khí
Uất hận trong nghẹn ngào
Rời bỏ mảnh chiến y
Còn vương mùi chiến trận
Trở thành tên hàng binh
Sống cuộc đời nhục nhã
Với kiếp sống lao tù
Tôi vẫn luôn nhớ đến
Những thằng bạn cùng thời
Đồng chung trong cảnh ngộ
Trong kiếp sống tù đày
Nhưng không hề khuất phục
Trước loài thú thành người
Cùng tìm đường vượt trại
Chấp nhận mọi hy sinh
Bỏ xác trong rừng sâu
Hay dập bầm thân thể
Trong gông cùm hầm tối
Vẫn bền gan chịu đựng
Không một lời oán than
Nhớ đến những bạn tù
Đêm giáng sinh bẩy tám (78)
Trong tay không tấc sắt
Mặc cộng thù vây kín
Súng đạn nổ qua đầu
Năm K cùng cất hát
Một bài ca đấu tranh
Cho tự do con người
Nhớ những ngày gian khổ
Trong thung lũng tử thần
Khi cộng thù hiểm ác
Hành hạ bạn thân thương
Nên cùng nhau sát cánh
Đấu tranh với giặc thù
Với tinh thần bất khuất
Lính Việt Nam Cộng Hoà
Ngẩng cao đầu nhìn thẳng
Loài cộng thù gian manh
Nhớ những lúc biệt giam
Chia xẻ từng thìa cơm
Giúp nhau từng giọt nước
Để cùng nhau vượt qua
Những chặng đường gian khổ
Hun đúc chí căm thù
Chờ đến ngày phục hận
Đánh đuổi loài cộng nô
Mang lại ngày tươi sáng
Cho quê hương Việt Nam.

Kính hương hồn: Cao Hữu Hoàng, Nguyễn mậu Nội, Châu hoàng Lộc, Nguyễn thanh Sơn, Nguyễn văn Liêm, Hùng (sư tử)… đã bỏ mình khi vượt ngục
Tặng bạn tù Suối Máu, A20 Xuân Phước trong những ngày đấu tranh.

A20 Trương Mạnh Hùng
15-4-2014