29.8.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 11



Chương Mười Một


Đối với tù ở trại cải tạo lao động thì giờ qua nhanh lắm, quần quật suốt ngày ngoài đồng, buổi tối còn phải ngồi sinh hoạt hai giờ trước khi ngủ, chương trình đều đặn ngày nào cũng giống như ngày nào, cuối tuần chỉ trông mong được nghỉ trọn ngày chủ nhật mà không được vì cứ hai tuần một lần, buổi sáng chủ nhật làm lao động xã hội chủ nghĩa. Chỉ có những ngày mưa là được nghỉ, nhưng miền đông mưa ít, mà chỉ có mưa ban đêm, hoặc mưa ngoài giờ hành chính.

Trông mong một ngày nghỉ, trông mong một ngày mưa, người tù chỉ mong đợi chừng đó, còn thì ngoài tầm tay. Biết quên càng khỏe, còn dễ sống. Nếu cứ ân hận, tiếc nuối, bực tức chỉ thêm khổ thân. Mới hơn 30 tuổi nhiều người tóc đã bạc, trán đã hằn ngang những nếp nhăn. Gặp gia đình cũng lại đếm thời gian ở nếp nhăn trên khóe mắt vợ. Gạt hết tất cả để an tâm mà sống chờ ngày về, dặn dò nhau và dặn chính mình, nhưng đâu phải ai cũng làm được, hoặc là lúc nào cũng quên được. Cứ mỗi lần gặp gia đình là thêm bao đêm không ngủ được. Thời gian qua mau quá, vợ đã khắc khoải mỏi mòn trông chờ - con lớn lên không có người dạy dỗ. Giá như chết được thì đã giải quyết hết mọi chuyện cho người chết lẫn người sống; chết chỉ làm cho người thân buồn khổ một lần, rồi thời gian làm họ quên đi. Chết thì 3 năm vợ đã mãn tang, có thể lập gia đình khác mà không sợ bị dị nghị. Người tù không chết, vẫn sống mà lại không có ngày về, người tù như người đã chết mà chưa chôn, nên mọi việc cứ dùng dằng không giải quyết. Trở thành gánh nặng cho gia đình. Vợ phải chờ đợi, con cái, người thân phải trông mong... Không nỡ dứt tình, một người khổ kéo theo hàng chục người đau khổ - ân hận biết bao, sao không chiến đấu đến phút cuối cùng rồi chết, chết là hết. Tại sao đã không dám chết mà không chạy ra ngoại quốc. Chạy là hèn nhưng còn giúp được cho kinh tế gia đình. Ray rứt từ ngày đầu tiên vào tù, cứ xoáy đi xoáy lại trong đầu làm cho cằn cỗi đi, sự hành hạ đó còn khổ hơn là sự hành hạ thân thể, sự sỉ nhục của bọn cán bộ.

21.8.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 10




Chương Mười

Sáu mươi bảy người tập trung một phòng dưới ô để làm các thủ tục cần thiết để đi trại lao cải. Mọi người lo âu, băn khoăn vì sắp bước qua một giai đoạn mới trong cuộc đời tù tội. Căn phòng chật chội vẫn yên lặng, mỗi người ngồi thừ ra bên cạnh gói hành trang gồm ít áo quần và thức ăn còn lại của đợt thăm nuôi vừa qua.

Cơm chiều xong đa số đã đi nằm, chỉ có những người hút thuốc lào tụm lại với nhau thay phiên kéo chiếc điếu cầy, tiếng nước sôi sùng sục nghe rõ mồn một. Tôi lại nghĩ đến gia đình tôi, không biết thân nhân của tôi sống bằng cách nào trong hoàn cảnh càng lúc càng khó khăn. Qua gói quà gửi tôi hiểu gia đình đã sa sút lắm. Tôi không xin quà, để gia đình gửi cho tùy ý theo khả năng, đỡ cảm tưởng mình là gánh nặng cho thân nhân, vừa để có thể đo lường mức độ sinh sống ở nhà. Đã hơn mười sáu tháng rồi, tôi chưa gặp mặt vợ con. Nhớ lắm.

16.8.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 9




Chương Chín

Tổ chức phục quốc những năm 1975, 1976, 1977 thu hút nhóm học sinh, sinh viên ở các tỉnh miền Nam, nhất là tại Sài Gòn, đa số các anh em ở các khu Công Giáo như Bùi Phát, Chí Linh, Tân Sa Châu, Tân Hiệp, Tân Phú, Tam Hà, Cái Sắn. Các em bị loại ra khỏi trường học vì lý lịch có cha anh đi cải tạo. Vì những khuyết điểm trong khi móc nối tổ chức, các em bị bắt rất nhiều và rất sớm, tổ chức mới hình thành đã bị trinh sát chính trị xâm nhập. Do đó hầu hết các tổ chức đều chưa có tài liệu học tập hoặc rèn luyện cho các em ý thức chống cộng, sự hiểu biết chính trị căn bản.

Chúng tôi được khích lệ để làm việc nguy hiểm đó trong nhà tù, vì quả tình các em thấy thích thú và hăng say trong khi được giải thích các điểm các em cần hiểu.
Chúng tôi quan niệm giúp đỡ các em có được sự hiểu biết chừng nào tốt chừng đó để rồi trong nhà tù và trong cuộc đời các em học hỏi thêm và tùy khả năng và lý tưởng các em sẽ đóng góp hữu ích cho xã hội mai sau.

15.8.12

Hồi ức tháng Ba



Tháng 3 lại về với nắng vàng rực rỡ lấp lánh trên những vòm cây xanh, khí trời trong veo và dịu mát, gió mơn man chạy như đuổi nhau trên cánh đồng sắp vào mùa gặt. Ngoài kia biển đã vào mùa cá chuồn, những con cá chuồn biết bay phóng mình rào rào trên mặt biển đã dịu sóng.

Vậy mà đã 37 năm trôi qua rồi kể từ những ngày tháng 3 năm 1975, lúc đó tôi chỉ là một chàng trai vừa mới lớn. Tôi 16 tuổi, tuổi của một thời hoa mộng hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống yên ả ở cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Tín. Một ngày của tôi đi qua với một buổi đến trường, một buổi rong chơi cùng bè bạn. Chúng tôi rủ nhau về vùng nông thôn để ăn những trái mít chín đầu mùa hoặc “đổ bộ” vào vườn nhà ai đó để mua ổi, vú sữa, mận. Là những thằng “quỷ con” phá làng phá xóm, chúng tôi tha hồ hái vú sữa, ổi, mít mặc cho bà chủ vườn vừa la mắng vừa cười. Bà vui vì chúng tôi trả tiền sòng phẳng, vừa đỡ buồn vì có chúng tôi nên khu vườn yên tĩnh và hơi quạnh quẽ của bà vang lên những tiếng nói cười đùa nghịch.

11.8.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 8



Chương Tám

Cuối tháng 3 năm 1977 được chuyển qua phòng tập thể A Trại Trần Hưng Đạo, tức Nha Cảnh Sát Đô Thành cũ, có 5 phòng tập thể, phòng A, phòng B, phòng I, phòng II, phòng phụ nữ và một khu xà lim 26 phòng. Từ giã xà lim, thấm thoát đã sáu tháng. Người ta nói nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại, tôi lại thấy thời gian đi quá nhanh. Có lẽ tôi kém cảm xúc. Tôi thèm nói chuyện và thèm ăn.
Cửa phòng tập thể vừa mở ra, tự nhiên phải lùi một bước, hơi nóng và mùi khói nồng nặc từ bên trong tỏa ra đủ thứ mùi, mùi thuốc lào, mùi thuốc rê khét lẹt, mùi mồ hôi người tanh tanh muốn lợm giọng. Hành lang hẹp chưa tới một thước bề ngang nằm giữa hai tường nhà cao, gió không thông dù cái quạt nhỏ gắn trên tường chạy suốt ngày để hút hơi ra. Cái cửa ra vào bị che kín một nửa bằng tấm tôle. Chiếc đèn néon một thước hai không đủ chiếu sáng cho căn phòng dài gần 10 thước nên ánh sáng lờ mờ, bệnh hoạn.

9.8.12

A20 Lê Phi Ô trên đài Vietoday television



Lê phi Ô
Tiểu-đoàn trưởng TĐ344/ĐP
Tiểu-khu Bình-Tuy (cựu tù A20)