Tháng 3 lại về với nắng vàng
rực rỡ lấp lánh trên những vòm cây xanh, khí trời trong veo và dịu mát, gió mơn
man chạy như đuổi nhau trên cánh đồng sắp vào mùa gặt. Ngoài kia biển đã vào
mùa cá chuồn, những con cá chuồn biết bay phóng mình rào rào trên mặt biển đã
dịu sóng.
Vậy mà đã 37 năm trôi qua rồi
kể từ những ngày tháng 3 năm 1975, lúc đó tôi chỉ là một chàng trai vừa mới
lớn. Tôi 16 tuổi, tuổi của một thời hoa mộng hồn nhiên, vô tư trong cuộc sống
yên ả ở cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé thuộc tỉnh Quảng Tín. Một ngày của tôi đi qua
với một buổi đến trường, một buổi rong chơi cùng bè bạn. Chúng tôi rủ nhau về
vùng nông thôn để ăn những trái mít chín đầu mùa hoặc “đổ bộ” vào vườn nhà ai
đó để mua ổi, vú sữa, mận. Là những thằng “quỷ con” phá làng phá xóm, chúng tôi
tha hồ hái vú sữa, ổi, mít mặc cho bà chủ vườn vừa la mắng vừa cười. Bà vui vì
chúng tôi trả tiền sòng phẳng, vừa đỡ buồn vì có chúng tôi nên khu vườn yên tĩnh
và hơi quạnh quẽ của bà vang lên những tiếng nói cười đùa nghịch.
Tam Kỳ lúc đó rộn ràng sinh
hoạt về đêm, đèn điện sáng choang trên mọi ngả đường của thành phố nhỏ, rạp xi
nê, rạp hát, quán ăn, quán cà phê tấp nập khách hàng… mùi nước hoa của cá bà
các cô phảng phất dịu dàng và mùi mực nướng, bắp non nướng thơm lừng.
Chung quanh tôi là một không
gian ấm cúng, đầy đủ. Mặc cho chiến tranh ở đâu đó rất gần, mặc cho những vụ
đánh phá của du kích VC hàng đêm vẫn len lõi vào thị xã để gây nên những tàn
phá chết chóc và sợ hãi.
Lúc đó tôi còn quá nhỏ để
biết rằng cái bình yên và hạnh phúc tôi đang hưởng phải đổi bằng máu của những
người lính VNCH từng giây từng phút và sự bình yên hạnh phúc đó chỉ là những
cái ốc đảo giữa hoang mạc chiến tranh trùng trùng. Chúng tôi vẫn đi học vẫn vui
đùa và rủ nhau đi tắm sông ăn quà vặt, cho đến một ngày tất cả những người lớn
và cha mẹ tôi nói là chiến tranh đã vào thành phố và chúng tôi phải di tản.
Những ngày giữa tháng 3 tôi
đến trường thấy chung quanh mình thưa thớt hẳn, lớp của tôi hơn 40 thằng con
trai bây giờ chỉ còn phân nữa, mỗi một ngày đi qua lại có thêm một vài thầy cô
giáo hoặc lặng lẽ ra đi hoặc đến lớp để chào từ biệt. Chúng tôi là những thằng
con trai “cứng đầu cứng cổ” nên chỉ buồn một chút chứ không khóc như các cô giáo.
Riêng tôi và một vài thằng bạn thì tin rằng: Không có gì đâu, mọi việc rồi sẽ
ổn, ra đi rồi lại về, cũng như năm 1968, năm 1972 thôi mà.
Một hôm tôi đến trường thấy
thông báo “Trường tạm đóng cửa vì chiến tranh, chờ thông báo mới”.
Buồn kinh khủng, lòng hụt
hẫng tôi đạp xe về nhà, bình thường cái thị xã nhỏ bé này đông như nêm cối, bây
giờ rộng ra thênh thang vì vắng người.
Đến nhà mấy thằng bạn “tâm
huyết” thì thấy cửa đóng then cài… chúng đã cùng gia đình di tản rồi.
Nhìn qua bên kia sông, trên một
bãi cỏ rộng mà chúng tôi vẫn thường đá banh, trên đó bây giờ là dàn pháo 105 li
(hay gì đó), nghếch họng súng về phía núi, những thùng đạn chất thành đống cao
ngút, người ta bố trí những khẩu pháo này từ đêm qua.
Một mình đạp xe về vùng nông
thôn, đến những nơi mà chúng tôi đã từng đến, dựa xe vào một thân cây lớn rồi
lững thững bước lên đồi, dưới chân tôi là những cây hoa dại, màu hoa tím ngát
cánh mịn màng, chợt thấy lòng buồn vô kể, lần đầu tiên trong đời phải đối diện
với cô đơn. Tôi đi tìm những ổ chim chiền chiện mà cách đó không lâu chúng tôi
tìm gặp…chim non đã bay mất rồi chỉ còn lại chiếc tổ bé xíu xinh xinh đong đưa
trong gió.
Tôi thấy lòng mình tê tái,
cảm giác trống vắng vây quanh…nhìn về phía Tây những rặng núi xanh rực rỡ trong
nắng chiều thật đẹp, thật tráng lệ.
Trời xanh biếc không một gợn
mây, bất chợt tôi thấy hai chiếc máy bay màu trắng bạc xuất hiện và những chùm
bom từ thân máy bay rơi xuống như bầy quạ đen lao xuống núi, đất dưới chân rúng
động vì từ đây đến đó không xa, lần đầu tiên tôi chứng kiến cảnh máy bay ném
bom và hiểu rằng chiến tranh đang ở đâu đây rất gần.
Chiều đã tàn, tôi vội trở về.
Cả nhà đang chờ cơm, cha mẹ
tôi dịu dàng hơn mọi ngày mỗi khi tôi về muộn. Trong bữa cơm chiều đó, gia đình
tôi bàn đến chuyện di tản. Tôi cảm thấy thực sự bất an vì tình hình mỗi ngày
một nghiêm trọng .
Tối hôm đó, VC tấn công vào
thị xã, cả nhà tôi chui vào hầm trú ẩn kiên cố mà gia đình nào cũng có. Tôi
ngồi dựa lưng vào tường hầm mát lạnh, nhìn ra ngoài cửa hầm, những tia chớp
sáng lòe nối tiếp nhau không dứt…xa gần những tiếng nổ theo sau những ánh chớp
như một bản nhạc hỗn mang và đầy đe dọa. Cuộc đấu súng dữ dội kéo dài cho tới
rạng sáng thì thưa thớt và chấm dứt. Cha mẹ tôi lên trước để xem xét tình hình,
mấy anh em chúng tôi ngồi nói chuyện nhưng không còn coi những diễn biến của
chiến tranh không hề liên quan đến mình.
Ba mươi phút sau ba mẹ gọi
anh em chúng tôi lên ăn mai.
Tôi đạp xe dạo một vòng quanh
thị xã, nhìn xác những người lính VC chết, tôi thấy họ thật tội nghiệp. Họ ăn
mặc nghèo nàn đến sơ sài, đàn ông tóc cắt nham nhở, phụ nữ tóc đánh con tít,
tôi thấy họ xa lạ như không thuộc về thế giới này, họ đến từ một nơi nào đó
không liên quan đến nền văn minh tôi đang sống. Họ chết vì những vết thương quá
nặng, có người không toàn vẹn xác thân. Những bữa cơm sau đó tôi không thể nào
nuốt nổi vì cảm giác buồn nôn và nỗi ám ảnh kinh hoàng.
Buổi chiều, cha tôi dẫn về
một gia đình gồm 7 người lánh nạn từ Tiên Phước xuống mấy ngày trước vì mối
quan hệ xa xôi nào đó. Họ đang cần một chỗ ở vì số người tị nạn thì đông quá mà
khả năng của chính phủ lúc này thì vô cùng hạn hẹp.
Tôi nhìn những người dân từ
Tiên Phước xuống, trông họ xốc xếch, sắc mặt căng thẳng, đôi mắt thâm quần vì
mất ngủ. Tôi tự hỏi, đến bao giờ thì thân phận của mình sẽ như những người này?
Và thấy thương họ vô cùng vì mình cũng sắp bỏ nơi này mà đi rồi, còn họ sẽ ra
sao?
Tối hôm đó Tam Kỳ lại tiếp
tục hứng chịu những đợt pháo kích dữ dội. Sáng ra tôi thấy chung quanh mình đã
thật sự hỗn loạn, người ta tìm mọi phương tiện để ra đi, làn sóng người di tản
dáo dác sợ hãi. Có người thuê xe đò di tản ra hướng Đà Nẵng, có người ra đi
bằng tàu thuyền, có người cả nhà chất hết trên một chiếc Honda, họ sử dụng mọi
phương tiện để tìm đường sống.
2h chiều ngày 23/3/1975, gia
đình tôi di tản ra Đà Nẵng cùng với gia đình của hai bà cô ruột và gia đình
người chủ chiếc xe Renaul. Chỉ có đàn bà và trẻ con được ngồi ở trong, người
lớn và thanh niên phải đu phía ngoài. Xe chạy ì ạch vì chở quá nặng và đường
thì bị hư hỏng, mặt đường loang lổ vì đạn pháo cộng sản băm vằm.
6h chiều chúng tôi đến Đà
Nẵng, gia đình chúng tôi hơn 20 người trú ngụ trong ngôi nhà một ông thiếu tá
cảnh sát ở đường Quang Trung , ngôi nhà này một người bà con của tôi đã tìm
thuê từ mấy ngày trước rồi. Gia đình ông ấy Thiếu tá ấy đã di tản cách đó không
lâu.
Khác với Tam Kỳ lúc tôi ra đi
đã trở nên hoang vắng, Đà Nẵng là nơi hội tụ của nhiều dòng người khắp nơi đổ
về, từ Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Chu Lai đi ra, từ Quảng Trị, Thừa Thiên Huế
vào…thành phố Đà Nẵng lúc đó chỉ thấy toàn là người, di chuyển vô cùng khó
khăn, nạn kẹt xe không giải quyết được…chợ Cồn và trên đường Ông Ích Khiêm,
người ta bán đổ bán tháo, nào là vải vóc, ly tách, chén đĩa, quạt máy,tủ lạnh.
Tôi không biết hàng hóa ở đâu mà nhiều thế, họ bán như cho để mà ra đi.
Tôi theo mấy ông anh đi tìm
người thân quen từ Tam Kỳ ra, buổi trưa ngày 24 tháng 3 năm 1975 thì nguồn tin
từ những người mới bỏ Tam Kỳ chạy ra cho biết là Tam Kỳ đã thất thủ.
Những ngày ở Đà Nẵng từ 23/3
đến 29/3,( ngày Đà Nẵng thất thủ ) tôi rong chơi khắp thành phố này để tận mắt
chứng kiến một điều là: người dân VN ở bất cứ đâu cũng không hề mong muốn những
người cộng sản đến để “giải phóng” họ, họ tìm mọi cách để di tản, kể cả những
phương tiện mạo hiểm nhất.
Ngày 27/3 ,hai ngày trước khi
Đà Nẵng thất thủ , gia đình chúng tôi xuống bến tàu với hy vọng mong manh rằng
sẽ tìm được cơ hội để di tản vào Sài Gòn…nhưng nhìn cảnh tượng hỗn loạn tại bến
tàu, nhìn rừng người chen chúc nhau trên mấy chiếc tàu và xà lan, chúng tôi
đành bỏ cuộc. Mấy người đàn ông và thanh niên trong gia đình chúng tôi liều
mạng lên tàu, còn trẻ con và đàn bà thì ở lại.
Ngày 29 tháng 3 năm 1975, gia
đình chúng tôi nấp trong nhà thập thò nhìn ra đường, lòng hoang mang khi thấy
những chiếc xe T54 đi qua, , vết xích nghiến trên đường phố ,họng súng hướng về
mọi phía đầy đe dọa,mọi người biết rằng Đà Nẵng bây giờ đã đổi chủ.
Ngày 2/4/1975 chúng tôi kéo
nhau về Tam Kỳ… con đường trở về thật gian nan, cầu Câu Lâu đã bị sập, chúng
tôi phải đi bộ từ bờ Nam Điện Bàn về đến Tam Kỳ. Dọc đường chúng tôi ngủ lại
trong một ngôi nhà rất đẹp của ai đó đã bỏ đi, trên đường về Tam Kỳ, tôi nghĩ
sẽ gặp lại bạn bè nhưng trước mắt tôi là một Tam Kỳ hoang vắng, thỉnh thoảng
mới gặp một người dân, những con chó mất chủ gầy trơ xương ngơ ngác nhìn chúng
tôi. Tam Kỳ giờ đây là thành phố chết.
Một tháng sau ngày 30/4/1975,
những người bị kẹt lại lác đác, rụt rè trở về nhưng có rất nhiều người mãi mãi
không về, nhà cửa của họ bị bỏ hoang, có thể họ may mắn đến được bến bờ Tự do,
có thể họ không đến được đâu cả, thân xác của họ nằm lại đâu đó trên rừng,
trong lòng đại dương.
Chỉ một tháng sau ngày cưỡng
chiếm Miền Nam, người dân đã mang máng nhận thức được sự kỳ quặc của cái chính
quyền gọi là “Cách mạng”, từ cách ăn mặc, cách nói năng, câu chữ đều xa lạ.
Cuộc sống “mới” hé lộ sự bế
tắc và kinh hoàng, không buôn bán gì được, không có việc làm, không điện nước,
không hàng hóa, người dân sống qua ngày bằng những gì mình có được từ sự phồn
vinh của chế độ cũ. Họp hành liên miên, thâu đêm suốt sáng: Thanh niên họp, phụ
nữ họp, lão thành họp, thiếu nhi họp. Ủy ban Quân quản tập trung người dân lại
để nghe nói về chiến thắng “vinh quang”của họ. Họ bắt người dân ca hát để ngợi
khen Đảng,ca ngợi chế độ mới, họ bắt người dân nghe ngâm thơ “Hồ chủ tịch”,
ngâm thơ Tố Hữu. Nhưng có một điều họ không hề nói cho người dân biết là tương
lai người dân sống bằng cái gì, sống như thế nào,người dân chỉ được hứa hẹn về
một “thiên đường” xa xôi nào đó. Bi thảm nhất là những gia đình thuộc chế độ cũ,
cha và chồng của họ bị tập trung “cải tạo”, họ bị tịch thu nhà cửa, không công
việc, không lương hướng, cũng chẳng có của cải gì được tích tụ như mấy ông quan
VC thời nay. Họ bị phân biệt đối xử một cách bất công và vô cùng nghiệt ngã.
Lịch sử đã sang trang nhưng là một trang đen tối.
Chiều nay, một buổi chiều
cuối tháng 3… cậu bé ngày xưa bây giờ tóc trên đầu đã bạc, lững thững đạp xe về
miền quê, leo lên ngọn đồi cũ nhìn về phía Tây nơi dãy núi vẫn đẹp rực rỡ trong
ráng chiều. Cúi xuống nâng niu những bông hoa dại màu tím ngát như cách đây 37
năm lòng buồn rười rượi…vùng đồi núi này người ta đang san lấp để xây tượng đài
“Mẹ Việt Nam anh hùng”. Tôi cảm thấy khỉnh bỉ cho những kẻ nào đặt ra cái từ
quái gở đó. Mẹ VN mãi mãi là mẹ VN, chẳng có bà mẹ VN nào đứng về một phía mà
giết hại những đứa con của mình, để được gọi là “anh hùng”. Mẹ VN đau buồn vì
những đứa con của mẹ đã giết hại người anh em của mình để chiếm đoạt tài sản,
đất đai và giang sơn gấm vóc của tổ tiên để lại , rồi hôm nay lại mưu toan san
nhượng cho kẻ khác với hy vọng sẽ được tiếp tục ngồi ở ngôi cao, thật là hão
huyền cho những kẻ có tâm địa thấp hèn, nô lệ.
Sau 37 năm nhìn lại VN ngày
hôm nay thua kém các nước trong khu vực về mọi phương diện. Về chính trị, Việt
Nam Cộng hòa là một nhà nước dân chủ non trẻ nhưng là một nhà nước dân chủ nhất
trong khu vực lúc đó chỉ sau Nhật Bản. Chúng ta có một nền dân chủ hơn hẳn Đài
Loan và Hàn Quốc.
Về Kinh tế VNCH hơn Mã Lai,
Indonesia…vậy mà các quốc gia một thời so với ta ngang bằng về kinh tế, thua kém
về chính trị bây giờ họ đã là con rồng, con hổ, dân chủ về chính trị, văn minh
nhân bản về xã hội, phồn vinh về kinh tế. Hôm nay sau 37 năm cầm quyền của
những người cộng sản,VN vẫn là một chế độ độc tài toàn trị bất nhân và dối trá
với một nền kinh tế lạc hậu, bất cập và thiếu bền vững. Một xã hội bệnh hoạn,
bất ổn, hố ngăn cách giàu nghèo rộng lớn đến mức kinh dị. Công bằng và sự hài
hòa xã hội bị phá vỡ, người dân VN đi làm thuê cho Hàn Quốc, Đài Loan, Mã
Lai…người phụ nữ VN là một món hàng để đàn ông các nước lựa chọn, chủ quyền
quốc gia bị xâm hại, danh dự dân tộc bị coi thường. Vậy mà những người CS vẫn
an nhiên hưởng thụ cuộc sống xa hoa vô độ.
Luồn cúi trước bá quyền, cao
ngạo, trịch thượng với dân chúng, nuôi ảo vọng phục vụ “thiên triều” để tiếp
tục hưởng đặc quyền đặc lợi. Thật là mỉa mai và tủi nhục.
Huỳnh Ngọc Tuấn
5/2012
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét