24.10.12

MỘT CHÚT TÂM TÌNH



                
            Một người bạn chuyển cho tôi bản tóm tắt bài nói chuyện của Tiến Sĩ
            Nguyễn Văn Lương. Sau đó lại thấy rất nhiều người trên nhiều diễn đàn
            khác nhau phụ họa. Bèn viết bài thơ cho đỡ ngứa ngáy.
            Phạm Đức Nhì


Ngày 30-4-2012, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lương, chuyên gia kinh tế tài chánh tị nạn 1975 tại Hoa Kỳ đã phát biểu và thảo luận về chiến dịch ngừng du lịch Việt Nam, ngừng gửi đô-la Mỹ (hay còn gọi là chiến dịch xiết kiều hối) trên mạng PALTALK nhân dịp tưởng niệm ngày Quốc hận 30-4. Bài phát biểu được tóm tắt thành 7 điểm:

1)      Đồng bào hải ngoại tị nạn không du lịch Việt Nam
2)      Dừng việc gửi tiền kiều hối quá mức về Việt Nam (chỉ gửi hạn chế không quá $50/tháng)
3)      Tẩy chay hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam 
4)      Không ủng hộ, quyên góp cho các tổ chức tôn giáo, từ thiện, danh nghĩa tại Việt Nam
5)      Vận động chính phủ quốc gia nơi đồng bào cư trú ban hành đạo luật cấm gửi tiền và du lịch Việt Nam
6)      Du lịch và gửi đô-la Mỹ về Việt Nam là PHẢN QUỐC!
7)      Du lịch và gửi đô-la Mỹ là nuôi chế độ VC sống lâu thêm!



“Con ơi!
Đây là cây vàng
nhà mình có bốn chỉ
sáu chỉ kia mượn của bà con
lạy trời chuyến này con đi trót lọt
qua đó gắng đi làm
gởi tiền về trả nợ nghe con”
đó là hậu cảnh vượt biên
không đủ vàng, không đủ tiền
nên nhiều gia đình
phải chấp nhận hy sinh
người đi kẻ ở

với những người tù cải tạo
may mắn sống sót trở về
bị công an quản chế khắt khe
sống những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn
khi được chương trình HO phỏng vấn
rồi lúc vui mừng bước lên phi cơ
“miếng khi đói, gói khi no”
không khỏi bâng khuâng
nghĩ đến ân nghĩa
của bao người đã ra tay giúp đỡ
có thể nói
hầu hết người Việt Nam
đang sống tự do nơi hải ngoại
đều ít nhiều mắc nợ người ở lại
món nợ ân tình

21.10.12

Ra đất Bắc


Trung thu này là đám cưới của Khánh Vy và Minh Đức, nhà của Đức ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Cũng như chuyến đi vào Sài Gòn trong dịp đám cưới Thục Vy, lần này chúng tôi cũng đi xe lửa cho rẻ tiền và an toàn. Đi xe lửa dễ chịu hơn đi xe ô tô vì được đi lại trên tàu, được ngồi uống trà, ăn cơm và trò chuyện cùng nhau.

Xe lửa VN vẫn còn rất thô sơ và lạc hậu, toa tàu cũ kỹ như của thời Đệ nhị Thế chiến, phòng vệ sinh bẩn thỉu, người ta xả xuống đường tất cả cho nên mỗi lần tàu dừng lại là cái mùi xú uế bốc lên ngộp thở. Nhưng khó chịu nhất là tiếng ồn, khi tàu tăng tốc thì như tiếng máy bay phản lực bay sát đầu rất kinh khủng, toa tàu thì rung lắc dữ dội, người nào lần đầu tiên đi tàu không khỏi phải sợ hãi.

Cả nhà tôi có 8 người, để tiết kiệm chúng tôi mang thức ăn theo. Buổi trưa chúng tôi ăn cơm với thịt xíu, buổi chiều ăn bánh mì chà bông, khuya thì ăn nhẹ bánh biscuit, hoặc uống sữa.

Chúng tôi hưởng được trọn vẹn cái không khí đầm ấm của một gia đình dù đang ở trên tàu trong một chuyến đi xa.

6.10.12

Trại Kiên Giam – Nguyễn Chí Thiệp: Chương 18



Chương Mười Tám


Tôi được thả ra khỏi trại cải tạo Long Khánh ngày 13 tháng 2 năm 1988 tức là 26 tháng chạp năm Đinh Mão. Lần thả tù này được quảng cáo rầm rộ để chứng tỏ với dư luận trong và ngoài nước chính sách cởi mở của Nguyễn Văn Linh. Chúng tôi được xe đưa đến tận Ty Công An Quận Hai để nghe Phó Giám đốc Công An Thành Phố nói chuyện. Ngoài nội dung tuyên truyền về chính sách cởi mở, y lưu ý chúng tôi hai điểm, thứ nhất là đừng quá ngạc nhiên về sự thay đổi của xã hội và ngay cả gia đình chúng tôi, thứ hai đừng lo lắng về cán bộ công an phường quận, cán bộ những đoàn thể nhân dân sẽ thường xuyên thăm viếng chúng tôi tại nhà. Chúng tôi sẽ không bị quản chế và được nhập hộ khẩu tại thành phố ngay sau dịp nghỉ Tết. Không bị quản chế và được nhập hộ khẩu là những thay đổi rất quan trọng đối với người tù cải tạo được về. Trước đây một người tù về địa phương phải chịu chế độ quản thúc rất chặt chẽ, mỗi người phải giữ một quyển sổ ghi công việc hàng ngày và sự quan hệ tiếp xúc với người khác trong ngày, cuối mỗi tuần phải đưa lên công an phường để đóng dấu chứng nhận. Muốn đi khỏi địa phương phải xin phép, và chỉ được cho đi trong thời gian vài ba ngày. Người bị quản chế thường bị huy động đi làm những công việc lao động nặng nhọc và bị nhục nhiều hay ít tùy tính tình của những tên công an phường, xã, luôn luôn muốn chứng tỏ quyền uy trên người chiến bại. Có được hộ khẩu tại Sài Gòn không phải là điều dễ; trước đây người tù cải tạo về bị bắt buộc phải đi kinh tế mới, nếu nấn ná sống ở Sài Gòn là tạm trú và tùy vào khả năng xoay xở đút lót của gia đình cho trưởng công an phường xã và công an khu vực.

5.10.12

Trở lại Sài Gòn và Tây Nguyên




 Đã 22 năm rồi bây giờ mới trở lại Saigon và Tây nguyên.

Sau khi đám cưới của Thục Vy diễn ra thật tốt đẹp vì được bảo vệ bằng tình thương yêu và trân quý của thân hữu và các bậc trưởng thượng, tôi từ biệt đất Saigon với rất nhiều bịn rịn vì những tình cảm bạn bè nồng ấm, những cái bắt tay còn lưu luyến, những câu chuyện chưa kịp nói hết, những khuôn mặt thân thương chưa kịp nhìn trọn, những cuộc hẹn chưa thành, những ân tình chưa một lần đền đáp…

Rời Saigon lúc 7 giờ tối, sau khi chiếc xe “trung chuyển” chật vật luồn lách trên những đường phố đông đúc người để ra đến quốc lộ 1.

Tôi thở phào nhẹ nhõm khi được “xa” Saigon, vì tôi không thích nghi được với cái sinh hoạt quá náo nhiệt và bất hợp lý nơi này.

Đường phố Saigon quá nhiều người và xe cộ chen nhau, nó cũng giống với cuộc sống bon chen tại đây, không khí ngột ngạt vì khói bụi, những con kênh, những dòng sông chết bốc mùi hôi thối kinh khủng.