Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Đức Nhì. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Phạm Đức Nhì. Hiển thị tất cả bài đăng

8.6.14

Vũ Ánh Và Tôi – Chung Một Đoạn Đời



A20 Phạm Đức Nhì

(Xin gởi đến hương hồn anh Vũ Ánh
như một nén nhang tiễn biệt.
Và đến chị Yến Tuyết
như một lời chia buồn muộn màng)

Một Tâm Hồn Trẻ Trung Sôi Nổi

Ngày đầu tiên bị giải đến Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tất cả chúng tôi – thành phần cứng đầu, khó cải tạo từ các trại - bị lùa vào hội trường để được dằn mặt và đưa vào khuôn phép. Mở đầu là màn văn nghệ ca tụng đảng và nhà nước có tính cách bắt buộc. Cán bộ giáo dục yêu cầu một người tù trong chúng tôi ra bắt giọng cho mọi người hát một bản nhạc cách mạng để lấy khí thế. Hối thúc hoài cũng chẳng ai thèm ra. Cuối cùng, khi hắn giở giọng đe dọa thì tôi nóng mặt đứng lên bắt nhịp cho anh em hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Được gãi đúng chỗ ngứa anh em hát muốn bể tung hội trường. Cán bộ giáo dục và ban thi đua ú ớ chẳng biết gì nên dù "ngờ ngợ có cái gì không ổn" cũng không làm chi được. Sau buổi họp, mấy bạn trẻ như Tú Cường, Nguyễn Hữu Hồng... đến bắt tay tôi tỏ vẻ đồng cảm và ngưỡng mộ một hành động nhanh trí và can đảm, giữa đường thấy chuyện bất bình thì phản ứng liền. Đám trẻ của chúng tôi là như vậy. Tôi bắt tay các bạn một cách vui vẻ rất... bình thường. Riêng anh Ánh, lúc ấy đã gần 40, vẻ mặt trí thức, chững chạc đến vỗ vai, bắt tay tôi đã là... đặc biệt rồi. Anh lại còn ôm chặt tôi ra vẻ rất quý mến: "Tôi tưởng cậu hát nhạc của tụi nó nên đã muốn chửi thề trong miệng, nhưng khi nghe câu hát đầu tiên tôi khoái quá, hát muốn khàn cả cổ". Tôi với anh quen nhau, gần gũi nhau ngay từ hôm ấy. Sau này ra hải ngoai anh còn viết bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Của Nguyễn Đức Quang Trong Nhà Tù Cộng Sản kể lại sự kiện này. Tôi có cảm tưởng ở cái tuổi của anh lúc ấy, đối với một sự việc bình thường như vậy, thái độ "nóng máu muốn chửi thề" của anh, thật giống bọn trẻ chúng tôi: Rất Trẻ Trung Và Sôi Nổi.


18.11.13

NÉN NHANG CHO MỘT ANH HÙNG


A20 Phạm Đức Nhì

(Luật sư Trần Danh San, người đọc Tuyên Ngôn Nhân Quyền Cho Những Người Việt Nam Khốn Cùng tại Vương Cung Thánh Đường năm 1977, đã ra đi.)
  
Giữa Trần Danh SanVũ Văn Ánh, do vị trí chỗ nằm ở nhà 3 lúc mới đến phân trại E, A20 Xuân Phước, tôi gần và thân Vũ Văn Ánh hơn. Với Vũ Văn Ánh, tôi có thể đặt câu hỏi trực tiếp về những điều mình muốn biết và được anh trả lời đầy đủ, cặn kẽ. Với Trần Danh San, tôi phải rình những lúc anh trò chuyện với mọi người để len lén đến ngồi nghe ké. Nguyễn Hữu Hồng, một sĩ quan trẻ và cũng hay ngồi nghe ké như tôi, có lần phát biểu: “Tay này đúng là trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, cái con mẹ gì hắn cũng biết. Đáng nể thật.” Nhờ những lần nghe ké như vậy sự hiểu biết của tôi được mở mang rất nhiều.

2.2.13

NỤ CƯỜI CỦA TĂNG NGỌC HIẾU (*)


A20 Phạm Đức Nhì

Lúc mới đến Trại Trừng Giới A20 tôi với anh Tăng Ngọc Hiếu tuy khác đội nhưng cùng ở nhà 3. Cả hai đều ở tầng trên; tôi nằm cách anh 5, 6 người; tuy gần…mà xa. Cả tháng chỉ nhìn nhau chứ không ai nói với ai câu nào. Sau khi điểm danh đóng cửa phòng anh Hiếu ngồi ra mép ngoài tầng trên, chân xếp bằng, mắt đeo kính cận, thả hồn về một cõi xa xăm. Mặt anh lúc nào cũng nghiêm và buồn, lại thêm đôi kính cận dầy cộm nên trông khó đăm đăm. Tôi có cảm tưởng như anh đang bị bệnh táo bón kinh niên. (Sau này mới biết hoàn cảnh gia đình anh thật đáng…lo đến táo bón. Năm 1975 lúc anh đi tù gia cảnh một vợ 6 đứa con, 3 trai, 3 gái; đứa con gái lớn nhất sinh năm 1968, mới 7 tuổi, đứa nhỏ nhất mới tượng hình còn nằm trong bụng mẹ, mãi đầu năm 1976 mới chào đời)

24.10.12

MỘT CHÚT TÂM TÌNH



                
            Một người bạn chuyển cho tôi bản tóm tắt bài nói chuyện của Tiến Sĩ
            Nguyễn Văn Lương. Sau đó lại thấy rất nhiều người trên nhiều diễn đàn
            khác nhau phụ họa. Bèn viết bài thơ cho đỡ ngứa ngáy.
            Phạm Đức Nhì


Ngày 30-4-2012, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lương, chuyên gia kinh tế tài chánh tị nạn 1975 tại Hoa Kỳ đã phát biểu và thảo luận về chiến dịch ngừng du lịch Việt Nam, ngừng gửi đô-la Mỹ (hay còn gọi là chiến dịch xiết kiều hối) trên mạng PALTALK nhân dịp tưởng niệm ngày Quốc hận 30-4. Bài phát biểu được tóm tắt thành 7 điểm:

1)      Đồng bào hải ngoại tị nạn không du lịch Việt Nam
2)      Dừng việc gửi tiền kiều hối quá mức về Việt Nam (chỉ gửi hạn chế không quá $50/tháng)
3)      Tẩy chay hàng hóa nhập cảng từ Việt Nam 
4)      Không ủng hộ, quyên góp cho các tổ chức tôn giáo, từ thiện, danh nghĩa tại Việt Nam
5)      Vận động chính phủ quốc gia nơi đồng bào cư trú ban hành đạo luật cấm gửi tiền và du lịch Việt Nam
6)      Du lịch và gửi đô-la Mỹ về Việt Nam là PHẢN QUỐC!
7)      Du lịch và gửi đô-la Mỹ là nuôi chế độ VC sống lâu thêm!



“Con ơi!
Đây là cây vàng
nhà mình có bốn chỉ
sáu chỉ kia mượn của bà con
lạy trời chuyến này con đi trót lọt
qua đó gắng đi làm
gởi tiền về trả nợ nghe con”
đó là hậu cảnh vượt biên
không đủ vàng, không đủ tiền
nên nhiều gia đình
phải chấp nhận hy sinh
người đi kẻ ở

với những người tù cải tạo
may mắn sống sót trở về
bị công an quản chế khắt khe
sống những tháng ngày khó khăn, thiếu thốn
khi được chương trình HO phỏng vấn
rồi lúc vui mừng bước lên phi cơ
“miếng khi đói, gói khi no”
không khỏi bâng khuâng
nghĩ đến ân nghĩa
của bao người đã ra tay giúp đỡ
có thể nói
hầu hết người Việt Nam
đang sống tự do nơi hải ngoại
đều ít nhiều mắc nợ người ở lại
món nợ ân tình

11.4.12

Thiên thần trong ngục tối: “Long Bô”



A20 Phạm Đức Nhì 


        Tôi vừa cầm ly nước mía lợn cợn đá mát lạnh đưa lên miệng thì giật mình tỉnh dậy. Cơn mơ bị gián đoạn. Có tiếng lao xao nói chuyện của cán bộ Tri an ninh và mấy tên trật tự. Và tiếng lọc cọc mở cửa xà lim số 1 và số 2. “Sao lại mở cửa xà lim giờ này?” Tôi tự hỏi. Cơm chiều đã phát, tôi đã cho vào bụng lâu rồi. Tính đến hôm nay tôi đã nằm chịu sự đày đọa của Thân Yên (1), Lê Đồng Vũ (2) và đám cán bộ an ninh, trực trại được 16 ngày. Bao phủ bởi cái khí lạnh mùa đông của đồi núi miền trung, lại chỉ có trên người phong phanh một bộ đồ tù mỏng dính, tôi ngồi co ro tê cóng trên bệ đá. Sự thiếu nước lưu cữu (mỗi ngày chỉ được phát nước 2 lần, mỗi lần 2 muỗng canh nhỏ cùng với lúc phát cơm) đã làm môi tôi khô rát, cổ đắng ngắt; chợp mắt một tý là lại mơ uống nước mía Viễn Đông (3) hoặc ăn thạch chè Hiển Khánh (4). Mỗi bữa chỉ có 2 muỗng cơm nên hậu môn của tôi đã ngừng hoạt động được 15 ngày (ngày đầu tiên phải làm việc để tống khứ những thức ăn cũ có sẵn trong bụng.)

19.12.11

TÔI ĐÃ GẶP Ở ĐÂY


Sau khi bị đánh đập, cùm kẹp đến liệt hai chân và rối loạn cơ tròn, không kiểm soát được đường tiểu tiện và đại tiện, tôi nằm chờ chết trong xà lim. Nhờ sự can thiệp tận tình của hai bác sĩ tù Trần Quý Nhiếp và Trần Văn Lịch, cộng thêm đề nghị của một phái đoàn Thanh Tra Y Tế từ trung ương, tôi được chuyển vào một bệnh xá nhỏ ở Phân Trại B, nơi giam giữ tù hình sự. Tôi đã sống chung với đủ mọi loại tội phạm: giết người, trộm cướp, hiếp dâm, lừa đảo, xì ke ma tuý …v. v.


Tôi đến đây
trong một lần đi trốn
khi đang trong cuộc một trò chơi lớn
trò chơi đấu tranh
nhìn quanh
tôi thấy toàn thú dữ

CHIẾC KẸP TÓC

Bài thơ này viết về sự việc có thật tại trại A 20 Xuân Phước. Nhân vật chính trong bài thơ là một anh bạn trẻ, tù chính trị có án tại nhà 4. Tôi đem bài thơ đến len lén tặng anh. Mấy ngày sau anh gặp tôi và nói “Tụi nó đạp gẫy cây kẹp tóc ; tôi đã nhờ gởi bài thơ của anh về tặng em gái tôi để thế cho cây kẹp. Chắc nó hiểu lòng tôi

Chiếc kẹp tóc xinh xinh
anh dành tặng cô em gái
ngày anh đi tù còn nhỏ dại
giờ đã bước vào tuổi mộng mơ
chiếc kẹp tóc đơn sơ
nhưng ấp ủ
biết bao tình thương
của nguời anh tha hương

3.2.11

NHỮNG TIẾNG HÁT BỪNG SÁNG A 20



A20 Phạm Đức Nhì

    
Kỷ niệm 29 năm ngày khai hội Tù Ca tại trại A20, Quán Lá xin giới thiệu cùng tất cả cựu tù Xuân Phước và thế giới đấu tranh, một trường ca bất khuất không bao giờ lãng quên trong lòng những con đại bàng.  A20 Phạm Đức Nhì sẽ dẫn chúng ta sống  lại những ngày tháng kêu hùng của Tết năm 1982, dưới gông cùm khắc nghiệt của trại Trừng Giới, dưới bạo tàn của các cai tù mang giòng máu liên khu 5. Hãy nhìn một chặng đường oan nghiệt mà những cựu tù Xuân Phước đã qua. Trong ngời ngời đao kiếm đó tinh thần của các con đại bàng A20 vẫn bất tử.




NHỮNG  TIẾNG  HÁT  BỪNG  SÁNG  A 20


Lời nói đầu

Cách đây 29 năm, vào ngày mồng 1 tết năm Nhâm Tuất (1982) ở phân trại E, A 20 có 3 thằng điên - giữa lúc không khí căng thẳng, kỷ luật khắt khe, ăng ten lộng hành, đã tụ họp, bàn tính tổ chức một buổi văn nghệ “ phản cách mạng “ biểu dương tinh thần bất khuất, ý chí quật khởi của những người tù chính trị, những chiến sĩ đấu tranh đòi tự do, nhân quyền. Tôi và một số anh em khác bỗng biến thành những kẻ dại khờ bị 3 thằng điên gây máu lửa đẩy vào cuộc chơi. Sau này ngồi nghĩ lại những hành động điên khùng, dại khờ lúc đó, lòng bỗng thấy vui vui. Té ra hình ảnh những ngày tết năm ấy đã chiếm một khoảng trong tâm hồn mình, đã thành một kỷ niệm khó quên. Xin được phép chia sẻ kỷ niệm ấy với các bạn tù A 20
                   Phạm Đức Nhì


GẦY  SÒNG  THẤT  BẠI

          Khoảng giữa năm 1979 tôi bị giải từ Bù Gia Mập - Phước Long - về Z30D Hàm Tân. Ở đây tôi làm bạn với Vũ Mạnh Dũng - một sinh viên bị bắt vì tham gia những hoạt động của sinh viên đại học chống chính quyền Cộng Sản. Dũng chơi guitar khá nhuyễn, biết nhạc lý và hát cũng rất hay. Dũng cho tôi biết ở trại có ca sĩ Duy Trác (một trong hai nam ca sĩ hát hay nhất miền nam trước 75) và anh Trác đã sáng tác hai bản nhạc được anh em ưa thích là "Lời Nguyện Trong Tù" và "Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về". Tôi nhờ Dũng đưa đến gặp anh Trác. Anh Trác vui vẻ trò chuyện với tôi và đồng ý về một buổi văn nghệ bỏ túi để các bạn tù từ các trại trao đổi tù ca với nhau. Dũng cũng cho biết ở đội trốn trại bên một khu khác có "Mưa Trên Ngục Tù" của Nguyễn Hưng Đạo và "Nếu Quả Ta Là Người" – không biết của ai – mà anh Ruyệt hát rất hay.

30.4.10

Vì Thế Tôi Ra Đi




Bước chân xuống thuyền
coi như ngồi vào chiếu bạc
một còn một mất
tôi đặt cả cuộc đời mình
có thể lát nữa đây tôi sẽ lênh đênh
trên biển cả
hướng về một bến bờ xa lạ
tìm lại cuộc đời
có thể chỉ lát nữa đây thôi
tôi sẽ thấy mình nằm trong ngục tối
chân bị cùm tay bị trói
bắt đầu chuỗi ngày tra tấn tù đày
nhưng tôi tin
            con người có rủi có may
tôi cũng tin
            người ngay trời không nỡ phụ
nên nhìn lại lần cuối
            những đường xưa phố cũ
tôi bước đi
            lòng xao xuyến bồi hồi
ôi tổ quốc bất hạnh của tôi
giải đất hình chữ S
mà trên ấy tôi yêu tha thiết
từng nắm đất ngọn cỏ con nguời
đến những dòng sông lững lờ trôi
bảo sao lúc thuyền ra khơi
            tôi chẳng rơi nước mắt
giá ngay ở đây
      tôi được cầm súng
                  một còn một mất
với quân thù
thì dù ở bên kia trái đất
có phú quý vinh hoa tôi vẫn chối từ 
ngày mai trên nước Mỹ tự do
nếu có ai hỏi
“Cần giúp đỡ gì ?” tôi sẽ nói
“Hãy cho tôi một chỗ đứng trong đoàn quân
tiến về Sài Gòn
bút của tôi chưa mòn
tôi cũng một thời cầm súng
tôi sẽ xông vào chiến trận
với cả hai thứ vũ khí trên tay “ 
trước mắt tôi
      giữa trời Sài Gòn phất phới bay
cờ vàng ba sọc đỏ
có bao người thân
            mặt mày rạng rỡ
đứng đón tôi về
và tôi lại buông súng
            viết tiếp những vần thơ
ngợi ca cuộc sống

Phạm Đức Nhì 





29.4.10

Tiếp Những Bước Chân



Viết nhân ngày giỗ đầu của 7 anh hùng đội 14, trại A 20 Xuân Phước
Bài này được chính tác giả diễn đọc trong 5 buổi văn nghệ tại 5 nhà giam 1, 2, 3, 4, 5
Trại A 20 Xuân Phước nhân dịp tết Canh Thân 1980 (đầu năm 1981)


Hỡi những con người dũng cảm
Hôm nay anh em, bè bạn
Kỷ niệm một năm
Ngày các anh
Đã ghi một điểm son vào trang sử đấu tranh
Trong ngục tù cộng sản

Làm sao chúng tôi quên được các anh
Và buổi chiều hôm đó
Tháng 11 miền trung trời lộng gió
Dáng các anh lam lũ, hiền lành
Tên công an võ trang đang thả hồn vào một khoảng trời xanh
Có biết đâu
Các anh chợt biến thành sư tử
Lao thẳng tới quân thù
Chiếc nón cối vàng biểu tượng của ngục tù
Cùng với xác tên công an đổ xuống
Khẩu AK liền trở thành bầu bạn
Theo các anh trên mỗi bước tự do
Bỏ lại sau lưng quân thù điên vì tức giận
Và đồng đội mừng vui đến độ sững sờ
Đêm ấy trời đổ mưa
Giữa núi rừng rét mướt
Vẫn lầm lũi bay đi
Bảy cánh chim phiêu bạt

Ngày lại ngày trôi qua chậm chạp
Không bị đưa đi hành xác
Chúng tôi thơ thẩn trước sân
Hướng về xa tít cánh rừng
Chờ tin các anh

Rồi tin vui vọng về
Hạ thêm quân thù trên đường vượt thoát
Tên xã trưởng mang nhiều tội ác
Với dân lành
Đền tội trước các anh
Thêm khẩu K54 theo làm bạn đồng hành
Chúng tôi nửa mừng, nửa lo nhưng vẫn đầy hy vọng
Các anh sẽ thành công trong việc đi tìm lẽ sống
Và những mơ uớc rất người
Cho riêng mình và cho cả cuộc đời

Nhưng tin lại về như sét đánh ngang tai
Ruột chúng tôi thắt lại
Các anh hùng tưởng sẽ còn đi mãi
Đã phải mang số phận đau thương
Ngã xuống sau một trận chiến kinh hồn
Với quân thù đông hơn gấp bội
Hơn 5 năm trong ngục tù lặn lội
Các anh mới làm chủ được đời mình
Vỏn vẹn 13 ngày ngang dọc tung hoành
Rồi trở về với đất trong tư thế người chiến sĩ
Để lại tiếc thương cho cha, cho mẹ
Cho anh em, đồng đội bạn bè
Ôi ! Biết tìm ở đâu và biết lấy những gì
Để bù đắp nỗi đau buồn mất mát
Cho cái chết
Của những anh hùng

Nằm bên nhau giữa núi rừng
Chắc các anh cũng biết
Tổ quốc chúng mình bây giờ
Cả cây lúa, cây ngô
Cũng khao khát được tự do
phất phơ trong gió
Mà không bị những đôi mắt từ đâu đó
Nhìn soi mói từng phút từng giờ
Mới ngậm sữa đã lăm le chờ thu thuế
Người dân Việt mình hôm nay
Khổ đau đã hằn trên mặt
Thấm vào thịt da
Tràn ra khoé mắt
Và trong cả nụ cuời
Những niềm tin ở một ngày mai
Vẫn rực sáng trong lòng người đi tới
Bởi mặt đất giờ vẫn còn nóng hổi
Máu xương các anh vẫn đốt lửa căm thù
Vẫn khao khát mang tự do
ấm no
Hạnh phúc
Cho mấy mươi triệu người đang cùng cực
Dưới vuốt nanh lũ quỷ đỏ hung tàn
Thôi hãy nằm yên
Dưới lòng đất mẹ
Để lắng nghe những bước chân tuổi trẻ
Của chúng tôi đồng đội các anh
Trong tim cũng mang niềm khao khát chân thành
Niềm khao khát của các anh
Vững vàng đi tới

Phạm Đức Nhì

Tập Vẽ



Thuở bé thầy giáo thường khen em
Có hoa tay vẽ nhanh vẽ đẹp
Chỉ cần vài nét
Là có hình người, muông thú, cỏ hoa
Thế mà suốt mấy năm qua
Em luôn bị điểm hai môn vẽ
Chăm chỉ miệt mài tính em vẫn thế
Chứ có đâu biếng nhác ươn hèn

Nhớ hôm vẽ cờ búa liềm
Em đã ngắm kỹ từng đường cong nét thẳng
Em cung ướm thử từng đoạn dài đoạn ngắn
Nhưng đến hết giờ
                    em vẽ cũng vẫn sai
Đưa lưng cho thầy quất mấy roi
Em ngỡ liềm cứa thịt da em rách
Thước kẻ thầy đánh vào tay
Em tưởng búa đập xương em dập nát

Một hôm khác
Lớp em vẽ hình Lê Nin
Em hết nhìn thẳng lại nhìn nghiêng
Để ý từ chòm râu sóng mũi
Nhưng lạ chưa ?
                     Lê Nin của em vào cuối buổi
Trông cứ như đang múa vuốt nhe nanh
Xem bài em thầy giáo giật mình
Đánh em ngã lăn giữa lớp

Hôm vẽ bác Hồ lòng em hồi hộp
Thầy đứng bên em chẳng phút nào rời
Thầy nhắc em bác nhân đức yêu người
Thầy sánh bác với vua Hùng dựng nước
Em cố vẽ theo lời thầy
                     nhưng không sao vẽ được
Tay chén chè tầu tay ly ruợu vốt-ka
Bác Hồ của em trông gian ác điêu ngoa
Em lại bị thêm trận đòn tím bầm thân thể

Tấm bản đồ Việt Nam
                     một hôm em đang vẽ
Này biển này sông
                     này rừng núi ruộng vườn
Này những thành phố quê hương
Em để hết tâm hồn vào trang giấy nhỏ
Thầy đứng sau lưng
                     cầm cây cọ đỏ
Bôi kín tấm bản đồ tổ quốc em yêu
Đỏ nước đỏ cây
                     đỏ những đê điều
Đỏ đất đỏ nhà
                     đỏ cả những con đường xe chạy

Em bỏ ngôi trường làng
                      ra đi từ dạo ấy
Lang thang như một khách giang hồ
Ôi nhớ làm sao
                       những lần tập vẽ ngày xưa
Ồ! Giá trường em lại có thầy giáo mới
Em sẽ chạy về ngay
                      không để lỡ một ngày, một buổi
Ngồi vào hàng ghế ngày xưa
Thầy dậy những câu hát mẹ ru
Còn em háo hức chờ đến giờ tập vẽ

Phạm Đức Nhì