8.6.14

Vũ Ánh Và Tôi – Chung Một Đoạn Đời



A20 Phạm Đức Nhì

(Xin gởi đến hương hồn anh Vũ Ánh
như một nén nhang tiễn biệt.
Và đến chị Yến Tuyết
như một lời chia buồn muộn màng)

Một Tâm Hồn Trẻ Trung Sôi Nổi

Ngày đầu tiên bị giải đến Trại Trừng Giới A20 Xuân Phước, tất cả chúng tôi – thành phần cứng đầu, khó cải tạo từ các trại - bị lùa vào hội trường để được dằn mặt và đưa vào khuôn phép. Mở đầu là màn văn nghệ ca tụng đảng và nhà nước có tính cách bắt buộc. Cán bộ giáo dục yêu cầu một người tù trong chúng tôi ra bắt giọng cho mọi người hát một bản nhạc cách mạng để lấy khí thế. Hối thúc hoài cũng chẳng ai thèm ra. Cuối cùng, khi hắn giở giọng đe dọa thì tôi nóng mặt đứng lên bắt nhịp cho anh em hát bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ của Nguyễn Đức Quang. Được gãi đúng chỗ ngứa anh em hát muốn bể tung hội trường. Cán bộ giáo dục và ban thi đua ú ớ chẳng biết gì nên dù "ngờ ngợ có cái gì không ổn" cũng không làm chi được. Sau buổi họp, mấy bạn trẻ như Tú Cường, Nguyễn Hữu Hồng... đến bắt tay tôi tỏ vẻ đồng cảm và ngưỡng mộ một hành động nhanh trí và can đảm, giữa đường thấy chuyện bất bình thì phản ứng liền. Đám trẻ của chúng tôi là như vậy. Tôi bắt tay các bạn một cách vui vẻ rất... bình thường. Riêng anh Ánh, lúc ấy đã gần 40, vẻ mặt trí thức, chững chạc đến vỗ vai, bắt tay tôi đã là... đặc biệt rồi. Anh lại còn ôm chặt tôi ra vẻ rất quý mến: "Tôi tưởng cậu hát nhạc của tụi nó nên đã muốn chửi thề trong miệng, nhưng khi nghe câu hát đầu tiên tôi khoái quá, hát muốn khàn cả cổ". Tôi với anh quen nhau, gần gũi nhau ngay từ hôm ấy. Sau này ra hải ngoai anh còn viết bài Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ Của Nguyễn Đức Quang Trong Nhà Tù Cộng Sản kể lại sự kiện này. Tôi có cảm tưởng ở cái tuổi của anh lúc ấy, đối với một sự việc bình thường như vậy, thái độ "nóng máu muốn chửi thề" của anh, thật giống bọn trẻ chúng tôi: Rất Trẻ Trung Và Sôi Nổi.


Dáng Đứng Hiên Ngang Bất Khuất

Sau 2 tháng bị cùm, bị đánh, bị bỏ đói, bỏ khát cho chết, nhờ có được bản năng và khát vọng sinh tồn mạnh mẽ của tuổi trẻ, tôi đã không chết, và khi cán bộ trực trại mở cửa xà lim, tháo cùm, tôi vẫn còn đủ sức vừa đi, vừa bò khoảng 30 mét ra khỏi khu biệt giam để rồi đươc các bạn tù xốc vai dìu về khu nhà ở. Vừa được anh em giúp tắm rửa xong thì tất cả có lệnh lên hội trường. Trật tự thông báo đích danh tôi (Phạm Đức Nhì), dù đang nằm xoải chân, xoải tay, hết hơi, hết sức, cũng không được ở lại phòng.

Sau vài bài hát "gia nô" của ban văn nghệ, cán bộ Hanh (giáo dục) giới thiệu giám thị Thân Yên lên phát biểu về tính chất nhân đạo, khoan hồng của chính sách cải tạo. Suốt hơn một tiếng đồng hồ tay trung tá công an ngân nga cái điệp khúc mà những người tù, ở thời điểm ấy, đã sống ở cái trại ấy, đều biết rõ là giả nhân, giả nghĩa. Sau đó là phần đóng góp ý kiến của các "trại viên". Vừa dứt lời mời, một A20 (có lẽ đã được ban thi đua giàn xếp trước) hăng hái bước lên trước micro. Phải nói là anh "nâng bi" rất khéo; không quá lố một cách trơ trẽn nhưng cũng đủ làm ban giám thị nở mày nở mặt. Thân Yên gật gù ra vẻ hài lòng. Lê Đồng Vũ (phân trại trưởng) thì dù khuôn mặt đanh ác, hàm răng khít rịt, cũng nhếch mép cười nửa miệng. Thấy buổi học tập đang tiến triển theo chiều hướng tốt, cán bộ Hanh khuyến khích các "trại viên" khác lên phát biểu. Hắn nói 5 lần, 7 lượt cũng chả ai thèm lên. Chính giám thị Thân Yên tuy vẫn ngồi tại chỗ, đã phải nói chen vào: "Các anh được hoàn toàn tự do, nghĩ sao nói vậy, không phải sợ sệt gì hết. Tôi bảo đảm là sẽ không có một ai bị để ý, bị đối xử khác biệt vì những lời phát biểu tại hội trường này." Có lẽ chỉ chờ có thế. Một bóng người gầy, cao như cây sậy đứng lên từ từ đi đến bục diễn giả. Đó chính là Vũ Ánh. Anh sửa micro cho vừa với tầm đứng của mình và bắt đầu...nói. Anh rào đón rất kỹ về lời hứa của giám thị cho tự do phát biểu, không bị trù dập, không bị phân biệt đối xử. Và anh bắt đầu đi vào đề tài chính. "Ông giám thị nói về chính sách nhân đạo khoan hồng rất hay, người tù chúng tôi nghe rất sướng tai, nhưng rất tiếc lời nói và việc làm thường không đi đôi với nhau; người đời thường nói một đàng và làm một nẻo." Anh nói về chế độ ăn uống; chính sách cho tù ăn 15 cân một tháng (quy ra gạo) nhưng nhà bếp đã lươn lẹo chia cho tù 15 cân cơm (và khoai mì đã nấu chín) tính ra chỉ được 8, 9 cân. Anh nói về chính sách lao động khổ sai. Anh nhấn mạnh về việc cán bộ võ trang đánh tù (chính trị có án). Và sau cùng anh nói về chính sách kỷ luật. Đám cán bộ muốn đem tôi - một sọ dừa khô được dính vói một bộ xương cách trí - để dằn mặt các anh em tù có tinh thần chống đối thì Vũ Ánh cũng mời tôi đứng lên để mọi người tù đều thấy rõ sự dối trá, giả nhân, giả nghĩa của chính sách nhân đạo khoan hồng.

Lúc ấy trông anh đẹp quá! Hiên ngang quá! Anh ứng khẩu, giọng chững chạc, đầy uy lực. Cả hội trường há hốc mồm, lắng nghe như uống từng lời nói của anh. Những câu nói của anh rõ ràng, mạch lạc nhưng đặc sệt như những bãi nước bọt, những bãi đờm nhổ vào mặt ban giám thị và hội đồng cán bộ đang ngồi ở dãy bàn danh dự trên khán đài, nhổ vào chính sách nhân đạo khoan hồng, giả nhân giả nghĩa. Mặt Thân Yên, Lê Đồng Vũ dài thuỗn ra trông thật thảm hại, trong khi các bạn tù của anh "được lời như mở tấm lòng" vô cùng hân hoan, thích chí, vỗ tay vang dội.

Tối hôm ấy tôi lại nằm cạnh anh bấm tay nói nhỏ: "Hôm nay anh chơi đẹp quá!" Anh cười cười nói đùa: "Hồi mới tới cậu đã có một màn ngoạn mục thì bây giờ tôi cũng phải có chút đóng góp cho chương trình văn nghệ chứ." Ôi! Làm sao có thể so sánh việc bắt nhịp một bài hát của tôi với cả một bài diễn văn ứng khẩu của anh chửi thẳng vào mặt ban giám thị và hội đồng cán bộ quân phục công an đại cán ngồi chỉnh tề, đường bệ trên khán đài, vạch trần sự dối trá, giả nhân, giả nghĩa của chính sách cải tạo. Việc tôi làm chỉ thể hiện sự liều lĩnh, lì lợm của một thằng lính dù, cộng với chút kỹ thuật sinh hoạt của một sĩ quan tâm lý chiến. Còn màn trình diễn của anh, ngoài cái dũng của kẻ sĩ còn phải có kiến thức sâu rộng và cả tài hùng biện nữa. Hình ảnh của Vũ Văn Ánh hôm ấy, cao khều, mảnh khảnh đứng với một tư thế oai dũng, đầy hào khí trên bục diễn giả biểu lộ sự can trường, bản lãnh của một công chức VNCH, thật khó mà phai mờ trong ký ức tôi.

Một lối sống cởi mở vị tha, biết chia sẻ

Tôi cũng khoái Vũ Ánh ở tính tình bình dân, cởi mở với mọi người. Giữ chức vụ rất cao trong ngành truyền thông lâu năm nên kiến thức của anh rất rộng; anh biết rất nhiều về những nhân vật lãnh đạo và guồng máy chính quyền VNCH trước năm 1975. Anh còn có khả năng diễn đạt rõ ràng, mạch lạc, dễ hiểu nên bọn trẻ chúng tôi thường bu lấy anh hỏi han đủ chuyện. Lúc nào anh cũng vui vẻ trả lời cặn kẽ. Những lúc trời mưa bão không đi lao động được anh còn tóm tắt truyền cho tôi giáo trình anh học mấy năm ở Mỹ về truyền thông.

Đi lao động anh không “thú phé” (1) như tụi tôi mà làm việc chăm chỉ, đúng mực; nếu cần, lúc nào cũng sẵn sàng tiếp tay đỡ đần những anh em khác, không một chút nề hà. Anh đa phần được bình bầu loại khá. Những “cải tạo viên” xếp loại trung bình thì ngoài hơn nửa chén cơm và chút nước mắm thối (hoặc nước muối) còn có thêm một miếng bánh bột luộc hình chữ nhật. Đám xếp loại kém như tụi tôi thì miếng bánh bột luộc bị cắt mất một góc tư (1/4) nên trông giống như khẩu súng lục. Cái góc tư kia thì cho thêm người xếp loại khá. (Đây là chính sách rất thâm độc của cộng sản.) Anh Ánh thường thẩy cho đám kém chúng tôi (bữa đứa này, bữa đứa khác) cái góc tư ấy kèm theo câu nói: “Ráp cho chú mày băng đạn.”

Khi Nguyễn HạnhPhạm Văn Hải trốn trại bị bắt lại, bị đánh thừa sống thiếu chết rồi đẩy vào biệt giam; mấy tháng sau được thả ra trông gầy ốm, thật thảm hại. Lúc đó anh ThuậtNgọc Đen khởi xướng mỗi người một muỗng cơm thì hai trong số những người đầu tiên xung phong là Vũ Hùng Cươnganh Ánh.

Anh rất hiền, sống hòa nhã với mọi người, không ra vẻ ta đây như một vài người cùng đẳng cấp khác. Ngay cả khi bất đồng ý kiến anh cũng giữ thái độ nhã nhặn, không to tiếng gây gỗ với ai bao giờ.

TỜ BÁO HỢP ĐOÀN

Vũ Văn Ánh bằng cách nào tìm sự ủng hộ của các bậc lão thành, có uy tín, để ra tờ báo Hợp Đoàn thì tôi không đươc biết. Bởi lúc ấy tôi thuộc loại "nhóc con", trẻ người non dạ. Thỉnh thoảng làm đươc bài thơ thì lê lết hết chỗ này, chỗ khác đọc cho mọi người nghe. Một buổi tối đi tiểu xong, về chỗ nằm (ở tầng dưới vì bị liệt sau mấy lần bị cùm trong xà lim) tôi thấy anh Ánh đang khẽ tiếng chuyện trò với hai vị trưởng thượng khác. Một vị phát biểu rất rõ ràng, dứt khoát: "Tại sao anh cứ muốn làm một thằng khinh binh, dễ dàng bỏ mạng ngay từ phát súng đầu tiên? Theo tôi, người khôn ngoan lúc này phải biết giữ mình, cứ nằm im chờ đợi, nếu không biết kiên nhẫn giữ mình thì khó có cơ hội được bắn viên đạn sau cùng chấm dứt cuộc chiến." Tôi nằm im lắng nghe mà trong người máu sôi lên sùng sục. Lời phát biểu đó khiến tôi "nóng máu", cao hứng viết bài thơ trong đó có đoạn:

Chúng tôi sẵn sàng nổ phát súng đầu tiên
rồi ngã gục
cho các anh được bắn viên đạn sau cùng
giữa tiếng reo hò vang dậy chiến công
chúng tôi sẵn sàng bắc cầu qua suối
cho các anh xông tới
phất cờ hát khúc khải hoàn ca
chỉ cần ngay bây giờ
các anh đứng vào đội ngũ
giữa lúc mịt mù khói lửa
các anh còn ngái ngủ trên giường
đợi tàn cuộc
các anh tung cửa
ra giữa chiến trường
chỉ trỏ nghênh ngang
các anh sẽ đeo lên ngực mình hàng tá huy chương
trong khi những anh hùng thực sự
vẫn ngực trần lặng bước.

và đoạn cuối, trong lúc cảm xúc (của tuổi trẻ) đang cuồn cuộn chảy, đã xúc phạm hơi nặng đến những vị "chùm mền kín mít, thủ khẩu như bình, chờ... gió đông để phất cờ hát khúc khải hoàn ca." Hai hôm sau tôi đọc cho anh Ánh nghe bài thơ mới ra lò, còn nóng hổi. Nghe xong anh trầm ngâm nói: "Tôi đồng cảm với sự bực tức của cậu, nhưng lúc này, viết như thế không được, sẽ đẩy họ vào thế cô lập, rồi rất có thể, ngả về phía bên kia. Nói thật với cậu là tôi đang chuẩn bị cho ra một tờ báo lấy tên Hợp Đoàn để tập hợp những người tù từ mọi thành phần, mọi chính kiến, trước hết chống lại sự tàn bạo, bất nhân của chính sách cải tạo, đặc biệt là việc đánh đập người tù, kế đến là giúp mở mang kiến thức chính trị cho các anh em trẻ nhất là đám chính trị có án. Rồi sau đó thì tùy cơ ứng biến. Riêng cậu, có bài thơ nào đưa cho tôi để kịp chọn đăng. Còn bài thơ vừa rồi thì sửa lại đoạn cuối cho nhẹ nhàng hơn, đừng để người bị chửi bị mất mặt quá đáng; chờ có dịp thích hợp sẽ phổ biến sau." Và vì thương anh, nể phục anh, tôi đã bóp bụng sửa lại bài thơ cho hợp với nước cờ mới của anh và dìm nó cho đến khi ra hải ngoại.

Sau khoảng hơn một tuần, vào buổi sáng Chủ Nhật, Ngọc Đen đến chỗ tôi nằm giúi vào tay tôi một tờ báo Tuổi Trẻ cuộn tròn và nói nhỏ: "Đọc đi! Tụi tao canh cho." Tôi liếc qua cửa sổ thì thấy Hải Bầu đang dạo bước dọc hàng rào ngăn cách nhà 3 và hội trường, mắt thỉnh thoảng lại nhìn về hướng cổng trại; thì ra cu cậu cũng đang làm lính gác giặc từ xa. Tôi yên tâm mở tờ báo Tuổi Trẻ ra. Trong ruột tờ báo Tuổi Trẻ là tờ Hợp Đoàn.

Đó là một quyển vở học trò khoảng 60, 70 trang bị cắt ngang mất non nửa; giấy trắng tinh, bóng láng, đươc khâu lại cẩn thận. Trang bìa là 2 chữ Hợp Đoàn khổ lớn, được trình bày rất khéo và đẹp. Lật qua vài tờ thì thấy tờ báo được viết tay, chữ đẹp và rõ ràng, dễ đọc, trình bày trang nhã, bắt mắt. Nội dung các bài viết đều là những vấn đề thời sự nóng bỏng hấp dẫn ở trong trại và ngoài đời. Tôi đọc ngấu nghiến một lúc là hết. Hết mà vẫn thòm thèm, cứ tiếc là tờ báo không dầy thêm vài chục trang nữa. Có thể nói giọng văn truyền cảm và các đề tài thiết thực của tờ báo đã chinh phục tôi hoàn toàn.

Xong phần mình, thấy 2 thằng ông nội vẫn còn nghiêm chỉnh canh gác tôi chuyền tờ báo cho một vị lớn tuổi, có tư cách, rất được tin tưởng, kính nể ở trong nhà. Anh xem xong cầm tay tôi nói: "Trước hết, tôi rất kính phục sự dũng cảm của các anh. Cái tay chủ bút của tờ báo này là người có thực tài; kiến thức rộng, vừa khoa bảng, vừa thực tế, lời văn trong sáng, giọng văn rất tình cảm, dễ đi vào lòng người; những bài thơ khá "ướt" mà vẫn bày tỏ được lập trường, chí khí. Nhưng trong hoàn cảnh này mà các anh phổ biến nó thì, theo tôi, các anh liều quá." Ngừng một tý để lấy hơi anh nói tiếp: "Các anh có biết là hậu quả sẽ thảm khốc như thế nào khi tờ báo bị lộ không? Cả trại sẽ biến thành địa ngục." Rồi anh cười cười nói chữa lại: "Bây giờ nó đã là địa ngục rồi, nhưng lúc ấy, cái địa ngục ấy sẽ khủng khiếp hơn, ngột ngạt hơn, khó sống hơn gấp bội. Chúng nó sẽ lập tòa án xử các anh ngay trong trại, và ít nhất cũng có vài cái đầu lìa khỏi cổ. Tôi mong các anh suy nghĩ lại." Tôi chuyển ý kiến của bạn đọc cho anh Ánh và 2 thằng "lưu hành báo" thì được trả lời: "Đồng ý là nguy hiểm nhưng vẫn cứ tiếp tục." Mấy hôm sau, trong lúc chờ đi lao động buổi chiều, anh Ánh nói nhỏ với tôi: "Cậu bảo tụi nó có gì cứ đổ hết cho tôi. Có nhiều tội thêm nữa thì cũng đâu có cái đầu thứ hai cho tụi nó chém; mình tôi chết đủ rồi."

Cứ thế, trong khoảng hơn 5 tháng, Vũ Ánh đã cho ra lò 3 số Hợp Đoàn; số sau đẹp hơn, hay hơn số trước. Khi phong trào chống đối ở trong trại lên cao; những người tù đã đồng lòng chây lười (một cách hợp nội quy) khi đi lao động; khi họp hành, học tập thì miệng câm như hến; khi cần phát biểu thì chỉ trích chế độ ăn uống quá thiếu thốn, lao động quá nặng nhọc mà chế độ thăm nuôi, quà cáp quá khắt khe. Đúng lúc ấy, một số người tù bị coi là "nguy hiểm" lần lượt đi vào xà lim mà không có lý do gì hết. Vũ Văn Ánh là người đầu tiên trong số họ xỏ chân vào cùm. Tờ Hợp Đoàn mất Sáng Lập Viên kiêm Chủ Bút, kiêm Tổng Thư Ký Tòa Soạn tạm thời đình bản.

Sau đó, do độc giả yêu cầu tha thiết quá, anh San, anh Thiệp, Ngọc Đen, Hải Bầu, Vũ Mạnh Dũng đề nghị tôi làm Thư Ký Tòa Soạn. Nhiệm vụ của tôi là đọc, sửa chữa, sắp xếp bài vở rồi giao cho Hải Bầu lên khuôn. Tôi biết kiến thức, khả năng của mình còn chưa tương xứng với công việc có trách nhiệm lớn lao như vậy, nhưng lúc đó tôi bị liệt hai chân, không phải đi lao động nên có điều kiện thuận lợi hơn các anh em khác. Thêm nữa, cái máu liều của thằng lính nhảy dù trong tôi vẫn còn nóng hổi nên tôi đã không từ chối. Hợp Đoàn tiếp tục một cách an toàn được 2 số nữa.

Hợp Đoàn Đình Bản Vĩnh Viễn

Sau sự kiện Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20 một thời gian, chúng tôi đang gom bài chuẩn bị cho Hợp Đoàn số 6 thì một việc đáng tiếc xảy ra. Anh Thiệp đến chỗ nằm của tôi đưa một bài viết ngắn để chuẩn bị đăng báo. Anh hớ hênh thế nào để Trần Thái Viên thấy được. Thế là chỉ một lúc sau cán bộ trực trại và các trật tự ập vào nhà khám xét. Tôi nhanh chóng nhai nuốt được một nửa mẩu giấy; nửa còn lại bị cán bộ trực trại bóp mồm moi ra, nhớt giãi còn lòng thòng. Hắn cầm mảnh giấy ướt nhẹp chăm chú đọc nhưng chắc là chỉ thấy mấy nửa hàng chữ không đầu, không đuôi, chẳng có ý nghĩa gì cả. Tôi bị lôi thẳng xuống xà lim số 4. Năm phút sau cán bộ Tri (an ninh) đã vào xà lim trực tiếp hỏi cung. Tôi vẫn ca điệp khúc "không biết" nên bị hắn dùng giầy đinh đạp tới tấp vào đầu, vào ngực, vào lưng. Bị cùm 2 chân nên tôi phải trân mình chịu đựng. Tối hôm ấy chỗ cột sống tạm hồi phục nay lại chấn thương khiến tôi vô cùng đau đớn. Phân, nước tiểu chui ra khỏi cơ thể tôi một cách tự do không thể kiểm soát. Tôi kêu gào cấp cứu đến khàn cả cổ. Có ai đó ở xà lim khác cũng lên tiếng kêu phụ giúp. Mãi đến sáng (có lẽ điểm danh xong) cán bộ trực trại dẫn bác sĩ Lịch (tù) cùng 2 trật tự vào khu xà lim tìm hiểu bệnh tình của tôi. Sau khi chẩn đoán, bác sĩ Lịch (và sau đó cả bác sĩ Nhiếp) đã khẩn thiết đề nghị, và phân trại trưởng phân trại E Lê Đồng Vũ cùng viên bác sĩ phụ trách y tế toàn trại đã đồng ý trên nguyên tắc, chuyển tôi vào bệnh xá phân trại B.

Hôm nay anh Ánh đã mất. Tôi kể lại sự kiện này hoàn toàn không có ý trách cứ anh Thiệp. Chúng tôi đã ngầm hiểu với nhau; hoàn cảnh khắc nghiệt tôi phải chịu đựng là cái giá phải trả khi tham dự cuộc chơi; sơ suất là chuyện thường tình; dám chơi, dám chịu, hậu quả dù thế nào cũng phải hiên ngang chấp nhận. Thật ra, nhờ sơ suất của anh Thiệp cuộc đời tôi đã qua một bước ngoặt đến chỗ dễ thở hơn, thoải mái hơn (được vào bệnh xá, mỗi khi đau đớn được cấp cứu dễ dàng hơn), và có thể cũng nhờ thế mà tôi còn có cơ hội sống sót trở về.

Trở lại tờ báo Hợp Đoàn, theo 2 thằng "lưu hành báo" thì độc giả vẫn đọc một cách thích thú và hết lòng ủng hộ, nhưng theo tôi, hai số Hợp Đoàn "vắng" Vũ Văn Ánh đã có những khuyết điểm sau đây:

- Phẩm chất của giấy mà Đen và Bầu kiếm được không tốt bằng giấy của Vũ Ánh; việc khâu giấy đóng tập cũng không khéo, không đẹp bằng 3 số đầu.

- Chữ viết, trình bày thì thua sút hẳn.

- Mỗi số thiếu mấy bài "chủ lực" của anh Ánh nên sức hấp dẫn kém hẳn đi.

- Thiếu cái "tính thời sự" của báo chí (Vũ Ánh rất nhạy bén ở khoản này.)

- Thiếu cái "final touch" (o bế lại câu văn, câu thơ) của Vũ Ánh nên một số bài của các cộng sự viên khác đôi khi vẫn còn hơi "thô ráp".

Nếu không có Vũ Văn Ánh thì sẽ không có tờ Hợp Đoàn; điều đó rất dễ được mọi người công nhận. Nhưng nếu không có bộ máy lưu hành thì Hợp Đoàn không thể đến tay anh em ở khắp 5 nhà. Tôi muốn nói đến Trần Bửu Ngọc (Ngọc Đen)Trần Kim Hải (Hải Bầu). Hai tay này rất bặt thiệp, lanh lợi (sau này có thêm Tuấn Bình Định giúp sức) đã lưu chuyển tờ báo đến tận tay từng độc giả. Những cộng tác viên viết bài lẻ tẻ như tôi, như các anh Phạm Chí Thành, Phạm Văn Hải... và ngay cả hai cây viết được coi là đồng sáng lập viên của tờ báo là Trần Danh San, Nguyễn Chí Thiệp, khi đụng chuyện có thể quay mặt, lắc đầu xua tay "Em hổng biết." Còn Vũ Văn Ánh thì khỏi cần nói "Khi ra tờ báo là tôi đã chấp nhận đầu có thể lìa khỏi cổ bất cứ lúc nào" vì trong cái "khí hậu chính trị" của A20 lúc đó chuyện "đầu lìa khỏi cổ" (khi báo bị lộ) là chắc như đinh đóng cột. Còn nếu "bể ra" từ chỗ lưu hành thì ngoài Vũ Ánh còn có thêm 3 con nhạn Ngọc Đen, Hải Bầu, và Tuấn Bình Định ra phơi xác trên "Đồi Vĩnh Biệt". Tôi viết như vậy để người đọc thấy cái "gan" của Vũ Ánh khi chơi trò chơi Hợp Đoàn; anh và mấy thằng em thực sự "dám chơi dám chịu".

Không Nỡ Xuống Tay

Khi bài viết của anh Thiệp suýt bị lộ, mọi người đều đồng ý là phải đình bản tờ báo. Tôi hối thúc Ngọc Đen, Hải Bầu thiêu hủy cả 5 số Hợp Đoàn và tất cả giấy tờ, bút mực liên quan đến tờ báo nhưng 2 thằng ông nội nhất định không chịu nghe; đứa nào cũng đòi giữ làm kỷ niệm. Trong khi chờ quyết định chính thức của giám thị Thân Yên chuyển tôi vào bệnh xá phân trại B, một em tù chính trị án 20 năm ở nhà 1, lợi dụng lúc gánh phân buổi sáng (em là trực sinh) đã lén gặp tôi xin được nhận 3 số báo Hợp Đoàn để gởi cho một tổ chức phục quốc của em ở ngoài đời. Em nói: "Mấy tờ báo hay quá, đẹp quá, rất có ích cho Ban Tuyên Huấn của tổ chức phục quốc." Tôi sợ đến hồn xiêu phách tán, và đã dùng hết hơi sức của mình vừa chửi, vừa năn nỉ 2 thằng Đen và Bầu xuống tay hủy mấy tờ báo.

Sức Mạnh Của “Tinh Thần Hợp Đoàn”

Tại phân trại E của A 20 vào thời điểm ấy, cầm tờ báo Hợp Đoàn trong tay, trong lúc có ít nhất 2 người canh gác cho mình đọc, cũng giống như cầm một trái lựu đạn đã rút chốt, có thể nổ bất cứ lúc nào. Người đọc phải "cứng" (dám đọc) đồng thời phải được nhóm lưu hành, nhóm biên tập xếp vào loại "an toàn, đáng tin" (việc xếp loại hoàn toàn theo cảm tính và quan hệ cá nhân). Do đó, những người quá kín đáo trong việc bày tỏ thái độ, lập trường của mình thường bị "cho qua" vì lý do an ninh.

Các anh, các chú lớn tuổi ở trong trại thì rất dè dặt trong việc bày tỏ thái độ với Hợp Đoàn. Nhiều người cho rằng anh Ánh và những cộng sự viên khác quá liều lĩnh: “làm Hợp Đoàn thì lợi bất cập hại; một sơ suất nhỏ là hàng loạt người mất mạng; những người còn lại sẽ hứng chịu thêm những đè nén, khắc nghiệt không đáng có.” Một vài người khi được đưa báo vào tay đã giẫy nẩy như đỉa phải vôi, xem vội vài ba trang rồi trả lại ngay. Nhưng Hợp Đoàn được ủng hộ rất mạnh mẽ của đám sĩ quan trẻ, những người tù chính trị tuổi trung niên và đặc biệt là đám tù chính trị có án. Theo Tuấn Bình Định báo cáo thì có thể đến hơn 70% những người tù chính trị có án đã thường xuyên đọc tờ báo. Hợp Đoàn chạy được 2 số là tôi đã cảm thấy một chút chuyển biến trong sinh hoạt của trại. Những hoạt động chống đối, tương trợ, cứu trợ không chỉ xảy ra có tính cách riêng lẻ, cá nhân hoặc giới hạn trong khuôn viên của từng nhà mà đã có sự điều hợp trong phạm vi toàn trại. Tết năm Nhâm Tuất (đầu 1982) khi 3 thằng điên Vũ Mạnh Dũng, Hải BầuNgọc Đen đứng ra tổ chức Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20, vâng, đúng những ngày ấy, tôi mới thực sự nhận thấy ảnh hưởng của tờ báo đối với anh em tù. Chính “tinh thần Hợp Đoàn” và guồng máy phát hành của tờ báo đã giúp tổ chức thành công 5 buổi văn nghệ làm nức lòng những người tù ở cái Trại Trừng Giới A20 hắc ám vào thời điểm ấy và dư âm còn vang vọng đến mãi bây giờ. Tôi nghĩ mình sẽ không quá lời khi nói rằng:

Chính những ngày tháng cùng chịu đọa đày, khổ cực, chính những muỗng cơm, những viên thuốc giúp đỡ nhau lúc đói lòng, lúc đau ốm, chính dáng đứng hiên ngang, bất khuất của Vũ Ánh, chính lập trường chống cộng không hề lay chuyển của Nguyễn Văn Đèn (2), chính cuộc tuyệt thực chống chế độ tra tấn, hành hạ người tù một cách vô cùng dã man, ác độc trong biệt giam (3), chính vụ cướp súng vượt ngục của Bảy Cánh Chim Khao Khát Tự Do (4), chính Những Tiếng Hát Bừng Sáng A20, và chính “tinh thần Hợp Đoàn” đã là chất keo nối kết gần một ngàn người cựu tù A20 hiện đang sống rải rác khắp nơi trên toàn thế giới. Hơn thế nữa, cùng với những phong trào đấu tranh tại Bến Tre, Suối Máu, Nam Hà, Ba Sao, Yên Bái ….., những tấm gương bất khuất trong tất cả các trại “cải tạo” ở khắp 3 miền đất nước, những người tù A20 đã trở thành (và sẽ là) niềm tự hào, là niềm tin, là chỗ dựa tinh thần cho lớp trẻ trong công cuộc đấu tranh đòi dân quyền, nhân quyền, đa nguyên, đa đảng, và tự do dân chủ cho dân tộc Việt Nam.

Vũ Ánh Thực Hiện Lời Hứa.

Tháng 3/1983 một phái đoàn y tế của bộ nội vụ đến thanh tra trại A 20. Tôi may mắn được các bác sĩ trong phái đoàn khám và đánh giá thực trạng bệnh tật. Ngày 06 tháng 9/1983 một mình tôi bệnh tật quá nặng, đã được thả vì lý do nhân đạo. Tôi bị liệt không thể về một mình nên phải chờ một tuần sau, trại có người tù hình sự mãn án nhân tiện đưa tôi về. Sau 6 tháng uống thuốc nam và châm cứu cộng với sự phò trợ của ơn trên, tôi bình phục, có thể tự mình đi lại, không cần nạng. Tháng 11/1984 tôi vượt biên bị bắt tại Bến Lức (Long An), sau đó bị đưa đi tập trung cải tạo tại Nhơn Hòa Lập. Tháng 8/1986 tôi bị giải về số 4 Phan Đăng Lưu để trả lời về bài thơ Từ Ngục Tù Cộng Sản trong đó tôi xúc phạm ông Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam hơi nặng. Tôi hỏi dò và mấy tháng sau may mắn biết được anh Ánh, Ngọc Đen, Tú Cường, anh Thiệp, anh San cũng đang ở đây về vụ Hợp Đoàn. Riêng Hải Bầu dính líu tới Hiếu Đầu Bạcông Của trong một vụ khác nhưng cũng bị truy hỏi về Hợp Đoàn. Khoảng tháng 12/1986 (còn đang chấp cung), vào sáng Chủ Nhật một anh bán bánh cuốn chả lụa ghé miệng vào cửa thông gió xà lim 13 khu C1 hỏi: “Phải anh tên Nhì không?” Tôi gật đầu. Anh nói thật nhanh: “Alfa đã mua xe Honda rồi”. Tôi xây xẩm như bị trúng gió, lặng người đi vì buồn bã. Như vậy là anh Ánh đã ôm trọn vụ Hợp Đoàn. Anh đã giữ lời hứa với tôi và 2 thằng "lưu hành báo". Thật ra tôi chỉ bị truy cứu vì bài thơ. Do bị đổi vào bệnh xá B và được về sớm nên đám cán bộ an ninh đã quên tôi trong danh sách những người dính líu tới Hợp Đoàn. Tôi vừa thương lại vừa giận anh Ánh. Tại sao phải nhận chứ? Bọn họ đã có bằng chứng gì đâu? (Sau này tôi mới hiểu là "dòi trong xương dòi ra". Ngô V L đã cộng tác với Sở Công An TP HCM và đã khai tuốt tuột. Hắn, một thời, cũng có tinh thần chống đối mạnh mẽ và dĩ nhiên, biết về tờ báo Hợp Đoàn. Hắn đã khai thì anh Ánh khó lòng chối tội.) Sau Tết Tây (1987) vài ngày, vào một buổi trưa Chủ Nhật, tôi nghe tiếng anh Ánh lên đài. (nói lớn từ nhà này sang nhà khác, từ xà lim này sang xà lim khác). Giọng anh vẫn khỏe, lạc quan và rất khôi hài:

"Chắc là không theo gót Tạ Vinh (7) đâu." Một lúc sau anh cười nói tiếp:

"Nhưng lịch thì chở cả xe GMC cũng không hết."

Không biết vì bằng chứng không đủ mạnh để buộc tội hay vì gặp đúng lúc Nguyễn Văn Linh lên, tuyên bố cởi trói chính trị mà các anh không ai phải theo Tạ Vinh và cũng không ai phải ra tòa. Tất cả bị nhốt thêm một thời gian nữa và rồi đều được thả về. (Anh Ánh về tháng 11/1987)

Gặp Vũ Ánh Ở Sài Gòn

Cuối tháng 8/1988 tôi được thả khỏi Phan Đăng Lưu. Cầm tờ giấy ra trại với tội danh “tuyên truyền phản cách mạng và trốn ra nước ngoài” tôi biết rất nhiều khó khăn, thử thách đang chờ đợi mình ở phía trước. Gia đình khánh kiệt, mẹ già nay ốm, mai đau, các em tứ tán tha phương cầu thực. Cô em gái lấy chồng ở Vũng Tàu đem về cho chiếc xe đạp. Tìm được hai chỗ dạy Anh Văn thì công an đến giải tán. Nghe tin anh Ánh đã thôi đạp xích lô và đang làm cho một xưởng gỗ ở đường Nguyễn Văn Thoại, tôi đạp xe đến thăm. Tôi gặp anh vào khoảng 6 giờ chiều lúc đang thu dọn đồ đạc để nghỉ. Trông anh lam lũ nhưng mặt vẫn cương nghị, đôi mắt vẫn sáng và nụ cười vẫn tươi trên môi. Hai anh em ôm nhau mừng mừng tủi tủi rồi ngồi tâm sự đến khoảng 7 giờ thì chia tay. Đó là lần duy nhất tôi gặp anh ở Việt Nam. Sau này gặp nhau ở Cali, nhắc lại lần gặp mặt hôm ấy, tôi ngượng ngùng nói: “Lúc ấy em chả có đồng nào để có thể mời anh uống ly cà phê hoặc ăn tô hủ tíu.” Anh cười trả lời: “Mẹ kiếp! Tôi thì cũng có hơn gì cậu. Thôi! Bây giờ muốn ăn gì thì tôi chở đi ăn.”

Gót Chân Achilles (6) của Vũ Ánh

Có lẽ điều tôi không thích ở anh Ánh, cho đó là Gót Chân Achilles của anh, đã có lúc tỏ thái độ bực dọc ra mặt với anh, là anh quá đam mê công việc đến độ “tham lam”, cái gì cũng nhận, cũng ôm vào người. Nghe anh đọc thời khóa biểu làm việc mà muốn ớn lạnh; chỉ toàn công việc là công việc; thời gian giải trí vui chơi rất ít. Anh rời cương vị chủ bút báo Người Việt cũng vì bị đâm vào Gót Chân Achilles của mình; trong lúc gấp rút để kịp ra tờ báo Xuân, anh mệt mỏi vì quá nhiều công việc, “ngủ thiếp đi, không kiểm soát hết được bài vở lên khuôn nên đã có kẻ lợi dụng”. (7) Vài năm sau này, viết về quá khứ có lúc anh nhầm lẫn sự kiện này với sự kiện khác, thời điểm này với thời điểm khác. Mỗi lần tìm ra một lỗi như vậy Bà Đầm Nguyễn Đại Thuật lại gọi tôi: "Nhì nói với ông Ánh đi! Nghỉ hưu được rồi đấy." Còn chị Yến Tuyết, vợ anh, thì nói: "Chú gắng khuyên anh chú đi! Chứ tôi thì hết phương rồi". Nói gì thì nói, đầu anh vẫn cứng như đá. Lời hứa của anh với tôi "Được rồi! Cậu để từ từ rồi tôi tính" cứ lặng lẽ bay theo gió mất tăm, mất tích. Giận anh cũng chẳng ích gì. Vì tính anh là như thế, con người anh là như thế. Có thế mới là Vũ Ánh.

KẾT LUẬN

Sau đại họa của dân tộc năm 1975, những cái chết hào hùng của Nguyễn Khoa Nam, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Phú...và vô số những người lính vô danh khác... đã phần nào vực dậy sĩ khí của quân dân miền nam. Vũ Văn Ánh không chết như những vị tướng tuẫn tiết. Anh chấp nhận sống để chiến đấu. Khi thất bại, trong cay đắng, tủi nhục, đọa đày của các trại tù anh vẫn tiếp tục ngẩng cao đầu chiến đấu một cách anh dũng, kiên cường, bảo vệ khí tiết, danh dự, nhân phẩm của người trí thức, chống lại sự tàn ác bất nhân của chính sách tù đày, cải tạo. Anh đã trở thành ngọn đuốc sáng soi đường để các thế hệ kế tiếp vững tin đi tới tương lai.

Sau gần 2 năm ở cùng nhà, cùng đội với anh, nằm gần anh, được anh tận tình chỉ bảo, tôi đã học được nhiều điều; kiến thức được mở rộng thêm, câu văn, câu thơ viết ra trong sáng hơn, ngay đến nhân cách - do ảnh hưởng lối ứng xử của anh - hình như cũng được tốt đẹp hơn.

Anh ra đi ở tuổi 73 (8); vẫn còn một mộng ước chưa thành: được thấy quê hương đất nước thoát họa cộng sản, toàn dân Việt được hít thở không khí dân chủ, tự do. Nhưng đời anh như thế cũng là có hậu; được sống, chiến đấu cho lý tưởng, hết lòng phục vụ cộng đồng, phục vụ dân tộc cho đến giây phút cuối cùng, cho đến hơi thở cuối cùng. Và được chết - an lành, không đau đớn - trong không khí gia đình ấm cúng, vợ hiền, con hiếu thảo và bè bạn hết mực quý mến, thương yêu.

Tôi may mắn được anh tin yêu, dìu dắt, rất hãnh diện đã cùng anh đi chung một đoạn đời.

League City ngày 30 tháng 5 năm 2014

A20 Phạm Đức Nhì

*Chú thích:

1) Thủ, giữ sức, không làm hết mình

2) Anh Đèn tuyên bố trước mặt các cán bộ và anh em: “Bao giờ cộng sản còn cầm quyền là tôi còn chống, ở trong tù tôi cũng chống, ra ngoài tôi cũng chống.”

3) Nguyễn Tú Cường khởi xướng, Hoàng Ngọc Thủy và Phạm Đức Nhì ủng hộ và cùng tham dự.

4) 7 người tù A20 (đội 14) cướp súng đánh gục cán bộ võ trang rồi trốn vào rừng. Sau bị công an và bộ đội Phú Khánh truy lùng bắn chết 6 người, một người bị bắt lại.

5) Người bị chính phủ Nguyễn Cao Kỳ tử hình vì đầu cơ gạo.

6) Là câu ngạn ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu của mỗi con người.

7) Vũ Ánh, Món Nợ Văn Hóa & Tình Chiến Hữu, Phạm Đức Khôi.

8) Trong bài Lần Cuối Cùng Gặp Big Minh anh Ánh viết:

“Ông (TT Dương Văn Minh) chưa mời tôi ngồi đã hỏi:

- Em bao nhiêu tuổi?

- Thưa Tổng Thống 32
.”

Chính vì thế tôi nghĩ trên giấy tờ anh sinh năm 1943, nhưng khi điện thoại hỏi chị Yến Tuyết, vợ anh, thì được biết câu trả lời của anh với TT Dương Văn Minh (30/4/1975) là lầm lẫn. (Đúng ra phải là 34). Anh sinh năm 1941; tuổi trên giấy khai sinh cũng là tuổi thật.

Nếu có ý kiến, phê bình xin e-mail về 
nhidpham@gmail.comhoặc vào trang nhà vanthophamducnhi.com

)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét