21.6.15

Xuân Lưu Đày !


Tân Trương / Vũ Bình Nam
(Quảng Nam/20 năm khổ sai /cấm cố).


Xuân Ất Hợi lưu đày ra đất Bắc
Ta nhớ ngày đánh giặc của Quang Trung
Nhưng hôm nay không binh dũng tướng hùng
Không vó ngựa vẫy vùng thanh kiếm thép

Ta về đây không rượu nồng đón tết
Không hoa đèn cờ xí rước quân vương
Hai tay còng siết chặt một tình thương
Ta ôm trọn nỗi đoạn trường vong quốc

Căng mắt giận vẫn nghe lòng lạnh buốt
Nén căm hờn cho máu hận về tim
Hỡi anh linh của nòi giổng Rồng Tiên
Có hiểu được nỗi niềm cho hậu thế

Kinh thành đó sao bao đời hoang phế
Lũ sói lang ô uế trước cung đình
Cánh đào không chúm chím nụ cười xinh
Hay ấp ủ mối tinh chung vạn kỷ

Ta về đây quốc hồn nung chính khí
Nhìn non sông hùng vĩ tự bao đời
Mỗi bước chân là mỗi nắm xương rơi
Mỗi tấc đất là mỗi trời thương nhớ

Tình dân tộc chảy qua từng hơi thở
Ta cúi đầu xin khất nợ tiền nhân
Ai đã từng vị quốc vong thân 
Trên chiến trận mấy lần xông lửa đạn

Rồi hôm nay trước quân thù cộng sản
Tổ quốc còn trao sứ mạng thiêng liêng
Nguyện làm chiến sĩ trung kiên
Ra đi bẻ gãy xích xiềng cộng nô
Văng Lang xây lại cơ đồ
Nhân quyền dân chủ thắm cờ tự do  .

Việt Nam 20/6/2015
A20 Tân Trương/Vũ Bình Nam 
(tặng Tango, Ngọc Vàng và các CH lưu đày ra bắc năm1994)


19.6.15

Án Cải Tạo!


A20 Đỗ Văn Phúc

Ðúng là ở Xuân Phước không thấy ngày về:

Ðến đây thì ở lại đây,
Ðến khi bén rễ xanh cây, chửa về.

Vài vị linh mục trong nhóm Vinh Sơn, ra toà nhận án 5 năm. Thời gian trôi qua, hết hạn 5 năm, chờ hoài không thấy kêu lên làm thủ tục trả tự do, các vị mới hỏi và được trả lời:

– Tội các anh lớn lắm, đáng ra phải ra toà nhận thêm án, nhưng cách mạng khoan hồng chuyển qua tập trung cải tạo, khi nào xét thấy tiến bộ sẽ cho về.

Không Nơi Ẩn Nấp


A20 Đỗ Văn Phúc


Ở các trại khác còn nghe chuyện tù trốn thoát chứ tại Xuân Phước thì con kiến cũng không ra lọt. Ðể phòng ngừa tù trốn trại, bọn cán bộ cấm ngặt gia đình tiếp tế các thực phẩm khô. Những đội tù gồm quân nhân chế độ cũ chỉ được lao động quanh quẩn gần trại; bao quanh là các đội hình sự. Khi xuất trại, dù mưa hay nắng, anh em phải đi chân đất. Mùa hè, cơn nắng miền trung nung cháy con đường đất, bước chân đi như dẫm lên than hồng. Mùa mưa, đường sá ngập bùn lầy lội, trong lúc bọn cán bộ ngồi trong căn nhà lô, ăn uống lu bù, thì anh em tù vẫn phải làm việc. 

18.6.15

Mưu Sinh Trong Trại Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Khó mà nói cho thật hết hay thật rõ ràng để cho mọi người thấy được những đày ải, khổ nhục mà những người tù nhân phải chịu đựng nhiều năm trong các trại tù cải tạo sau khi miền Nam bị Bắc Việt chiếm đoạt. Những người bị giam giữ này lại không phải là thành phần hình sự, can án cướp của giết người; mà là hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức từng phục vụ trong chính quyền Cộng hoà Việt Nam đối kháng với Cộng Sản miền Bắc. Họ được Cộng Sản gọi bằng mỹ danh là “các trại viên học tập cải tạo”, nhưng thực ra là “các tù khổ sai vô hạn định” mà chủ trương cải tạo chỉ là một sự trả thù dã man của những người thắng thế đối với kẻ bại trận.

Tù Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Trong căn phòng tối mịt mù này, tôi không còn ý thức rõ rệt về thời gian. Tôi chẳng nhớ đã bị đưa vào cùm nơi đây bao nhiêu ngày rồi. Dễ cũng đến hơn hai tháng chứ không ít đâu. Những người tù thay phiên nhau vào ra ở phòng hai bên đã nhiều bận mà tôi thì vẫn cứ trụ trì trên chiếc bệ xi măng lạnh cóng này; với hai cổ chân xích cứng vào thanh sắt 12 li bằng hai chiếc cùm xoắn oan nghiệt.

Mỗi ngày, tên cai tù cùng một tên trật tự vào đưa cơm một lần. Theo thông lệ là phần ăn trưa. Có lúc chúng đem vào khoảng 9 giờ sáng, khi nhà bếp vừa ra chảo bánh khoai mì đầu tiên. Có khi mãi đến giờ lao động buổi chiều mới nghe tiếng dép lẹp kẹp của chúng. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ chờ đợi, chỉ để nhận khi thì vài lát khoai mì luộc, khi thì một góc chiếc bánh cũng bằng bột khoai mì chỉ nhỏ bằng phần tư bao thuốc lá. Chẳng phải vì đói mà chúng tôi mong sớm đến bữa ăn đâu. Chẳng qua là muốn cho ngày tháng qua mau kẻo nằm mãi trong xà lim cũng buồn chán và kiệt sức quá đỗi.

Tết Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc


Người ta bảo rằng: “Nhất nhật tại tù, Thiên thu tại ngoại”. Tôi ở tù gần mười năm, từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 2 năm 1985, tổng cộng ba nghìn bốn trăm sáu mươi lăm ngày, nhân lên một nghìn, vị chi là ba triệu bốn trăm năm. Nếu bỏ đi con số lẻ chẳng thèm tính, thì tôi đã sống lâu hơn cụ Bành Tổ bên Tàu. Ðó là nhờ “lượng khoan hồng nhân đạo của Ðảng và nhà nước Việt Nam Cộng Sản anh hùng, đỉnh cao nhất của trí tuệ loài người, lương tâm nhân loại, vân vân và vân vân.” Cũng nhờ ân điển vời vợi đó, anh em chúng tôi được hưởng trọn bao nhiêu cái tết tù cô đơn, đói khát tưởng ở tận cùng vực sâu của nhân loại, con người dù cơ hàn đến đâu cũng không mường tượng nổi.

Những Khuôn Mặt Đáng Nhớ



A20 Đỗ Văn Phúc

Không thể không nhắc đến những người đặc biệt trong trại ít nhiều đã để lại trong lòng anh em tù nhân, những ấn tượng đặc biệt..

Sư huynh Phạm Quang Hồng, thuộc dòng Đa Minh (?), bị án 20 năm khổ sai vì tội tham gia lực lượng chống đối. Sư huynh còn trẻ, cao ráo, khôi ngô. Tuy cuộc sống trong tù khổ ải, anh vẫn luôn tỏ vẻ vui tươi vì anh cũng là Hướng đạo sinh nên tuân theo điều luật “gặp khó khăn vẫn vui tươi.” Qua anh, tôi học được rất nhiều điều. Anh dạy cho tôi hát các bài hát trong các phim The Inn of the Sixth Happiness, The Sound of Music, và các bản Thánh Ca… Tôi không nghe các tác giả nhắc đến Sư huynh trong các hồi ký. Hiện nay, Sư Huynh đã là Linh Mục Chánh Xứ tại một Giáo Xứ ở Perth, Tây Úc.

17.6.15

Hạt Vàng Trong Bãi Bùn Đen


A20 Đỗ Văn Phúc

Có lẽ vì thù ghét Cộng Sản quá, nên chúng ta chỉ nhìn thấy những xấu xa của họ, coi tất cả cán bộ Cộng Sản đều hung ác, thâm hiểm và dốt nát, ngờ nghệch. Nhưng thực tế, đôi khi trong chặng đường khổ nạn, chúng tôi cũng tìm thấy đó đây những tấm lòng nhân hậu, chưa biến chất bởi sự giáo dục đồi trụy của chủ nghĩa Cộng Sản vô luân, vô nhân. 

Cán bộ Ngà coi đội 13 chúng tôi rất lâu. Câu nói thường xuyên của anh là:

– Các anh cải tạo lâu dài, làm vừa vừa để còn sức khỏe mà về với gia đình.

Anh không bao giờ đặt ra chỉ tiêu cho đội hay cá nhân các đội viên. Trong lúc đội làm việc, thì anh chạy ngược chạy xuôi kiếm khi thì mớ khoai, khi mớ sắn đem về cho đội nấu ăn tại chỗ. Trong một thời gian dài, không có anh nào trong đội bị làm khó dễ hay la mắng nặng lời.

No Eat, No Work


A20 Đỗ Văn Phúc

Phùng Văn Triển vốn dân từ Bộ binh chuyển qua Không quân. Cái Trọng Ty là sĩ quan An ninh Quân đội. Cả hai anh đều thuộc loại bất khuất, khí tiết. Hôm đó, hai anh gánh chung một cần xé gạo từ kho về nhà bếp cán bộ trại. Trên đường, họ cố làm vung vãi đổ xuống đường rất nhiều. Việc phá hủy hoa màu, tài sản trại cũng là một biểu hiện của sự chống đối. Việc này, không may, lại lọt vào mắt tên cán bộ quản giáo đội tên Quyền.

Khi đội ra lao động bên ngoài phiá Tây Bắc của trại. Cán bộ Quyền gọi hai anh vào nhà lô của đội. Nơi đây đã có sẵn cán bộ Hoà, quản giáo đội của tôi – đang lao động gần đó – và ba tên công an bảo vệ. Vừa bước qua cánh cửa tre, Quyền và Hoà xông vào đánh anh Triển tới tấp. Anh Ty thấy vậy, định chạy ra, thì ba tên võ trang chĩa súng ra ngăn lại. Ty đã la hét thật lớn để các đội lao động quanh đó có thể nghe được:

– Cán bộ đánh anh em chúng tôi là sai. Không được quyền đánh tù.

16.6.15

Gương Bất Khuất Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội như những vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, hay các vị tướng lãnh thống soái như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nhờ chế độ Cộng Hoà và nền văn minh dân chủ khai sáng, người Việt Nam đã nhìn đến những người anh hùng ở các tầng lớp thấp hơn như các thiếu úy, trung úy, các hạ sĩ, binh nhì, thậm chí đến những chị Ba Hàng Xanh, em học sinh Quách Thị Trang. Mỗi lần Bộ Tổng Tham Mưu tưởng thưởng chiến sĩ anh hùng, đều có đủ mặt các cấp từ tướng tá trở xuống đến binh nhì, có đủ quân binh chủng từ Dù, TQLC, BDQ cho đến ĐPQ và Nghĩa quân. Nói đến anh hùng thời chiến là nói đến nhưng chiến sĩ quả cảm, lập nên chiến công hiển hách trong phạm vi khả năng của họ. Thời bình hay nơi hậu phương là nói đến những nhân vật có những hành vi hơn người, vượt thắng khó khăn sợ hãi để bảo toàn danh dự, hay lý tưởng; hoặc có hành vi hy sinh bản thân để cứu người. Sự phong tặng danh vị Anh Hùng của chúng ta không quá lạm dụng như trong chế độ Cộng Sản. Họ phong anh hùng cho ngay những tên ngu muội, điên rồ bị lừa gạt chết oan nghiệt cho cái lý tưởng sai lầm; hay những kẻ vai u thịt bắp, đem sức mình ra làm hùng hục để kiếm tiếng khen. Kiểu anh hùng gánh phân, anh hùng thủy lợi làm cho hai chữ cao quý này trở thành mỉa mai, lố bịch.


Hung Thần Trong Trại Giam


A20 Đỗ Văn Phúc

Về tên trưởng trại Lê Đồng Vũ (Xú danh Lê Văn Nhừ)

Chuyện là như thế này. Tên phân trại trưởng là Lê Ðồng Vũ, người miền núi Thanh Hoá có lẽ thuộc sắc dân Mường. Khuôn mặt y bèn bẹt vô tri vô giác, trên đó có đôi mắt lèm nhèm và cái miệng mỏng dính, thâm sì trông vô cùng nham hiểm. Chúng tôi đặt tên nó là Lê Văn Nhừ. Nó đúng thuộc con cháu ba đời của Chí Phèo, tượng trưng cho loại người hạ đẳng của xã hội, mang đầy mặc cảm thân phận đớn hèn, nên khi có chút quyền thế là ra tay sinh sát thậm tệ với đồng bào đồng loại. Tên này ít nói, vô học đến nỗi đọc lại lời trong trang sách cũng sai bét sai be. Có lần nó đọc đoạn viết về phát triển nhà ở bên Liên sô. Thay vì: “năm nay, có 10000 căn hộ đủ tiện nghi được đưa vào sử dụng,” nó đọc thành “có 10000 cán bộ đầy đủ tiện nghi…” Cũng có lần, vì không biết ngừng đúng nơi dấu chấm câu, nó đã đọc một đoạn văn như sau: “Nhân dân ta, sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân loại.” thành: “nhân rân ta sau khi chiến thắng, đế quốc Mỹ đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân noại.”

Hai Muỗng Cơm, Hai Muỗng Nước


A20 Đỗ Văn Phúc

Mấy ngày sau khi tôi bị cùm, trại kiếm đủ cớ để đưa vào biệt giam thêm khoảng chục anh. Chẳng bao lâu sau đó, các phòng biệt giam chật ních người. Vì sắp đến lễ Giáng sinh, chúng lựa những người có thành tích đấu tranh cho vào giam trước đề phòng chuyện không hay xảy ra. Thế là chúng tôi, bốn người nằm một phòng, hai người trên một bệ chia nhau thanh sắt cùm. Chúng tôi bắt đầu gửi tín hiệu thăm hỏi nhau và tôi được biết bên ngoài cũng đang vô cùng căng thẳng. Nhất cử nhất động đều có ăng ten theo dõi và báo cáo. Vì thế các anh khuyên tôi nên ứng xử thật khéo léo để tránh bị gán thêm tội.

14.6.15

Những Ngày Cùm Biệt Giam


A20 Đỗ Văn Phúc


Khi nghe tiếng khoá lách cách bên ngoài, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Dù sắp phải đối phó với những màn ép cung mà một lời nói sơ suất có thể mang lại những hậu quả phiền toái; hoặc có thể xảy ra màn tra tấn đánh đập như từng xảy ra khi chúng tôi bị gán tội sách động đòi yêu sách hồi còn ở trại K5 Suối Máu. Tuy nhiên, công tâm mà nói, ở Xuân Phước hơn sáu năm, anh em tù nhân có thể bị khủng bố nghiêm trọng về tinh thần, nhưng cảnh tra tấn thì không dã man bằng ở trại Kà Tum, hay các trại miền đồng bằng Cửu Long, nơi bọn du kích, địa phương Việt Cộng quản lý trong những năm đầu. Chúng tôi vẫn coi thường những màn hỏi cung của bọn công an vì trình độ học thức, lý luận chúng rất kém cỏi. Vấn đề là phải làm sao để không hớ hênh khai báo gì mà có thể liên lụy cho các bạn mình hay để chúng chụp thêm tội. Dù có nhận tội hay không thì thời gian bị cùm cũng chẳng thay đổi gì. Đơn giản là nếu không nhận tội, thì chúng cho là ngoan cố; mà có nhận đại cho xong, thì chúng nó đoán sẽ còn nhiều điều cần truy cứu thêm. Nên trong cả hai trường hợp, chúng sẽ biệt giam cho đến khi nào gần quỵ gục thì mới thả ra.

13.6.15

Người Tù, Chiếc Lon Gô, và Nhà Kỷ Luật




A20 Đỗ Văn Phúc

Sống trong chế độ Cộng Sản hàng chục năm ngoài miền Bắc trước năm 1975, người dân đã quên đi chiếc bàn ủi để ủi áo quần. Có lẽ sau khi giặt xong, vài người chỉ biết xếp áo quần lại rồi lót dưới gối cho thẳng. Vì thế chúng ta thường thấy những cán binh Cộng Sản khi vào Saigon, ăn mặc luộm thuộm, lùng thùng như những con rối.

Mãi cho đến những năm 78-79, có những anh em tù muốn lấy điểm, đã bày vẽ cho bọn cán bộ việc dùng bàn ủi. Văn minh miền Nam từ chiếc bàn ủi điện đã nhờ chế độ Cộng Sản, tụt xuống bàn ủi than mà chúng ta còn nhớ hình thù thô kệch với con gà trống trên đầu mũi để làm cái khoá mở ra đóng vào khi đổ than. Loại bàn ủi này đã biến mất những năm cuối thập niên 1950. Có còn chăng, hoạ hoằn là ở vùng nông thôn heo hút.

Bọn cán bộ Cộng Sản thì dĩ nhiên không dám nghĩ đến việc xa xí là sắm một cái bàn ủi than này. Lo chi, đã có bọn tù khốn kiếp bày mưu tịch thu vật dụng bằng nhôm của tù cải tạo để đúc bàn ủi xài tạm.

12.6.15

Trại Tù A-20, Xuân Phước


A20 Đỗ Văn Phúc
Trại A-20 được thế giới biết đến nhiều như một trại giam man rợ nhất. Ngay cả trong danh sách những tù nhân mà các chính phủ, hội đoàn đã và đang tranh đấu với Cộng Sản Việt Nam để được trả tự do, trại A-20 vẫn chiếm hàng ưu tiên một. Trại A-20 từng giam giữ những chiến sĩ Ðoàn Viết Hoạt, Phạm Trần Anh , các vị thượng tọa, đại đức, linh mục tranh đấu cho nhân quyền như Thích Thiện Minh, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Quang Minh. Ðây là một trại tù trừng giới ở miền Nam nơi giam giữ lâu dài những anh em quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà được chúng liệt vào thành phần bất trị, các bạn chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ sau ngày 30-4, và đám tù hình sự mang án chung thân hoặc tử hình. Ðã đến đây thì chẳng ai nghĩ đến ngày về nữa. Ngay cả trong giấc ngủ, cũng chẳng mơ được chuyện thoát ra khỏi trại. Muốn biết thêm về trại A-20, quý vị có thể tìm đọc trong “Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày” của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam; “Trại Kiên Giam” của Nguyễn Chí Thiệp; “Đoạn Trường Bất Khuất” của Phạm Trần Anh; và nhiều bài của Vũ Ánh đăng trên nhật báo Người Việt hay nguyệt báo KBC Hải Ngoại.

10.6.15

Hồi Ức của cựu tù A20 Lê Ngọc Vàng



Bài của tù nhân chính trị 20 năm Lê Ngọc Vàng (Z30A Xuân Lộc, A20 Xuân Phước & Đầm Đùn Thanh Hóa) - nhuận sắc bởi Thư Viện Phạm Văn Thành - tháng 5/2015

Lê Ngọc Vàng 2013
Đấu tranh

Đất Nước Việt Nam trải qua gần thế kỷ, quằn mình gánh chịu nhiều nỗi tang thương và mất mát.

Dân Tộc Việt Nam phải chịu đắm chìm trong tủi nhục, bị đàn áp, bắt bớ tù đày, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán, thậm chí đến giờ phút nầy vẫn còn người bỏ nước ra đi, không ít người chết nơi đất khách quê người !!!

Từng chặng đường lịch sử của dân tộc từ sau hiệp định Geneve 1954, đến nền đệ nhứt, đệ nhị Cộng Hòa cho tới chế độ Cộng sản, một quãng thời gian dài để cho chúng ta suy nghĩ ??!

Có phải Dân Tộc Việt Nam ôm nỗi trông chờ và khát khao cho xứ sở một cuộc Cách Mạng càng xa thăm thẳm?!!!

5.6.15

“Ông Be” - chuyện người tù A20 bất khuất 33 năm trước



Với những ai đã từng biết những quái ác tàn độc của những trại tù trong hệ thống nhà tù cải tạo dày đặc tại Việt Nam sau biến cố Saigon thất thủ 30 tháng Tư năm 1975… đều không chút ngạc nhiên về cách thế xưng hô bắt buộc do kẻ thắng trận là Việt cộng miền Bắc bày ra giữa tù nhân cải tạo (quân cán chính VNCH) với quản giáo (Việt cộng) ở những trại giam tù cải tạo trên toàn quốc sau tháng Tư đen 1975.

Tù nhân bị buộc phải gọi cán bộ quản giáo bằng cán bộ, hay bằng “ông” [“ông”: ở các trại tù Phú Túc (quận Hiếu Đức nay VC nhập chung vào thành quận Hòa Vang), trại An Điềm (Đại Lộc), trại Sườn Giữa (thuộc trại An Điềm nhưng cao hơn, xa hơn An Điềm và nước độc hơn), trại Tiên Lãnh (quận Tiên Phước)… thuộc vùng ngược miền núi tỉnh Quảng Nam đầy hiểm trở và ma thiêng nước độc), và tự xưng là tôi… dù “ông” đó tuổi chưa đáng tuổi con của những tù nhân VNCH vừa bại trận.

“Ông Be”, chính là tù nhân chính trị A20 còn rất trẻ, cho tới ngày anh bị tà quyền xử bắn 1982 chỉ mới ba mươi tuổi… nhưng sao lại được anh em chiến hữu đang ở tù lẫn bọn cán bộ quản giáo trại tù khét tiếng tàn ác Thung Lũng Tử Thần này gọi bằng ÔNG sau khi bị xử bắn vì vượt ngục???


4.6.15

Trước giờ vĩnh biệt !



(Kính tặng hương hồn các anh em đã bị xử tử hình
tại Bình Điền, Quảng Nam và Phú Yên 
Đặc biệt tưởng nhớ Kiều Đình Thanh, Tạ Hồng Nhạn, Phạm văn Be ...)
 
Anh ra đi không một lời từ giã 
Tôi nghẹn ngào bên vách đá thâm u 
Kỷ niệm nào ròng rã mấy mùa thu 
Đã sống bên nhau trong lao tù Cộng sản
 
Rồi giờ đây trên con đường sứ mạng 
Anh đến pháp trường  bỏ lại một mình tôi 
Tiếc thương anh tôi nói chẳng nên lời 
Ôm vách đá rong rêu còn hơi ấm !
 
Cũng nơi đây đã bao lần máu đẫm 
Những trận đòn như thịt nát xương tan
Thôi hết rồi đâu còn thủa dọc ngang 
Đường Cách mạng nửa đường anh gãy cánh !
 
Bỏ lại đây suốt cùm trong khám lạnh 
Mới ngày nào hai đứa xích cùng nhau 
Chia sẻ từng hạt muối  cọng rau 
"Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ "
 
Tình chiến hữu luyến lưu là thế đó 
Mà giờ đây anh vội bỏ đi rồi  
Tôi nuốt hờn sao lệ vẫn trên môi 
Hồn tấy máu !
Tiễn anh 
giờ phút cuối
 
Chốc nữa đây anh trở về cát bụi 
Có lẽ nào !.. hay Thượng đế bất công ...
Nghe hung tin - Cả dân tộc đau lòng 
Tựa núm ruột của mình dao ai cắt !
 
Vợ con anh lệ nhòa trong giếng mắt 
Tiễn đưa chồng không kịp mặc áo tang 
Than than ôi ! Đã gãy cánh chim bằng 
Chọn cái chết hiên ngang giòng kiêu hãnh
 
Anh đã bước theo tiền nhân dũng mãnh 
Đem máu mình tô đất Mẹ thân yêu 
Tôi ngồi đây trong ngục tối sáng chiều 
Qua lỗ gió chắt chiu lùa nỗi nhớ
 
Có phải Anh đang về trong hơi thở 
Thăm bạn hiền hay nhắc nhở điều chi 
Vâng - tôi nghe Anh gọi: Dậy mà đi 
Dậy nối tiếp chặng đường Anh dang dở
 
Tôi đã thấy bên kia trời rực rỡ 
Ánh bình minh đang nở nụ môi hồng 
Nắng xuân về xua giá lạnh đêm đông 
Đời trỗi dậy như thành đồng bất tử
 
Tên của Anh đã đi vào lịch sử 
Nhưng giống nòi giữ mãi một niềm thương 
Anh đi quét sạch màu sương 
Ngày mai nắng ấm quê hương thanh bình 
Chia tay giữa chốn ngục hình 
Vắt hồn rướm máu khúc tình non sông.
 
A20 Vũ Bình Nam
1993 A20 Phú Yên
 
 
 

3.6.15

Đêm vượt ngục!



(tưởng niệm anh Phạm Văn Be cùng các bằng hữu
đã hy sinh trong cuộc vượt ngục 1981.)
 
Ai đã thấy ngang trời rực lửa 
Bóng mây vờn cây lá chốn hoang vu 
Ai đã nghe tiếng đất rít căm thù 
Đêm vượt ngục lòng tôi ghi nhớ mãi !
 
Một người bạn đã nghìn thu ở lại
Khép mi sầu miên viễn giữa đồi hoang 
Quốc dân ơi, đây rừng núi Trường Sơn 
Quốc dân ơi, đây tù ngục chứa căm hờn 
Đây xiềng xích những người yêu tổ quốc 
Yêu độc lập tự do, yêu hạnh phúc 
Yêu tương lai dân tộc giống Tiên Rồng ! 
 
Đêm nay gió thổi lạnh lùng 
Rừng thiêng sương trắng phủ trùm sơn khê 
Âm vang rờn rợn bốn bề 
Kìa bao chính khí bay về Trường Sơn
Đêm nay mưa đổ từng cơn 
Phải chăng tiễn một linh hồn ra đi... 
Ai đổ lệ phân ly 
Ai rượu nồng tiễn biệt 
Có gì đâu ! 
Một kiếp lưu đày !
 
Mộ hoang một nấm sơ sài 
Cỏ tàn hoa dại tháng ngày tiêu sơ 
Nào ai sương khói sớm trưa 
Từ đây phó mặc gió mưa phũ phàng 
 
Đêm nay mười sáu tháng năm 
Suối vàng anh đến nhà giam tôi cùm.
 
Anh nằm xuống nơi này 
Nghìn thu - thôi vĩnh cách 
Chúc hồn người thiên cổ 
Miền cực lạc siêu thăng 
Chúng tôi còn ở lại 
Nói làm sao hết khó khăn 
Đòn thù tơi tả
xác thân rã rời .
 
Gian nan nào xá anh ơi 
Xà lim cùm thép trò chơi mạt đời... 
Nấu nung chí vững gan bền 
Hẹn ngày vùng vẫy báo đền non sông.

 A20 Bảo Giang Lê Văn Triệu
1981-1993


2.6.15

Phạm Văn Be, bậc yên hùng của A20

 

... anh hùng tử, khí hùng bất tử !
 

Phan Văn Be*. Sanh năm 1952.
Nguyên quán Bến Tre. Tử hình tháng 2/1982.

Trại Viên A20 Lập Mộ !

 
"Anh nằm xuống 
sau một lần đã đến đây..."

1.6.15

Cái Trọng Ty với "Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển"


 A20 Trần Yên Hòa

Tôi biết Cái Trọng Ty từ những ngày ở Trại Cải Tạo Suối Máu. Anh ở nhà 1, tôi ở nhà 8. Giữa 2 dãy nhà có một sân bóng chuyền, nên buổi chiều tôi thường hay ra đây đánh banh độ. Cái Trọng Ty không chơi banh, nhưng là một ủng hộ viên đắc lực. Ủng hộ đây có nghĩa chỉ là đứng xem rồi vỗ taycổ vũ một khi có một đường chuyền hay một cú bỏ bóng đẹp. La ó và vỗ tay râng trời là của đám đứng bên ngoài. Chuyện vui ở trại cải tạo chỉ có thế. Anh là bạn của Hải cà (Hải sau này ra Xuân Phước trốn trại bị bắt lại, bị biệt giam gần năm trời). Hải cà là bạn với Cái Trọng Ty, cùng người Huế. Tôi quen với Hải từ ngày làm ở Bộ Tư Lệnh QĐI & QK1, nên qua Hải tôi quen Cái Trọng Ty.

Thật ra, quen là chỉ quen vậy thôi, biết mặt nhau, chào hỏi nhau vài câu chứ không thân lắm. Nhìn gương mặt và con người Cái Trọng Ty rất thật thà, giản dị, có lẽ anh lớn hơn tôi mấy tuổi. Những lần gặp nhau như vậy chỉ trao đổi những chuyện tào lao xịt bợp, không đâu vào đâu. Không bao giờ và chưa bao giờ nói với nhau một tiếng về "Thơ" cả.

Mãi đến những ngày sau này, khi tôi đã qua Mỹ, đã góp một ít bài viết trên các báo, tạp chí…Và khi tôi tìm gặp lại được ông thầy dạy cũ, ngày trung học của tôi ở trường Trần Cao Vân, Tam Kỳ, là nhà văn, nhà thơ Trần Hoài Thư, và cả đến khi Trần Hoài Thư làm chủ biên Thư Quán Bản Thảo, tôi mới gặp một tác giả ký tên là Cái Trọng Ty, đã có những bài thơ rất hay đăng ở đây. Cái Trọng Ty nào vậy cà? Có phải là Ty bạn tù với mình không? Nếu một cái tên như Dũng, như Quang, như Hoàng chẳng hạn, thì có thể trùng nhau được, nhưng một cái tên Cái Trọng Ty…một tên rất lạ, khó có thể ai trùng lặp được.

Rồi sau đó, không biết, tôi tìm anh trước hay anh tìm tôi trước…Hình như anh đã gởi bài cho Web Bạn Văn Nghệ của tôi, và từ đó chúng tôi nối kết tình Thơ với nhau…Đến một ngày… tháng… năm 2011 thì phải, Cái Trọng Ty, đi dự Đại Hội cựu tù Suối Máu ở San Jose, và anh về Nam Cali thăm khu Little Sài Gòn, tôi mới gặp lại anh ở khu Phước Lộc Thọ…đúng là Cái Trọng Ty, người bạn tù của tôi…cũng gần hơn 30 năm mới gặp lại…một người.

Bây giờ xin vào đề:

Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển.

Trước đây, Cái Trọng Ty có làm một CD Thơ của anh, với những giọng ngâm khá nổi tiếng ở VN như Hồng Vân, Ngô Đình Long…nghe cũng rất hay, nhưng lời ngâm thường thoáng qua tai nên không thấm bằng đọc, nên lần này, Cái Trọng Ty gởi biếu tôi tập thơ đầu tay của anh Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển, tôi đọc chăm chỉ hơn, trân trọng hơn, nên nay tôi xin viết ít lời giới thiệu cùng độc giả xa gần.
Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển là tập thơ đầu của Cái Trọng Ty.

Sách do Thư Ấn Quán xuất bản tháng 4 năm 2015. Tranh bìa của họa sĩ Đinh Cường. Trình bày bìa: Phạm Cao Hoàng. Tranh phụ bản: Đinh Cường, Thân Trọng Minh.

Sách dày 175 trang, in đẹp với bìa láng, gồm khoảng 66 bài thơ của Cái Trọng Ty và  Phụ trang gồm bài của 3 tác giả viết về Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển là Phạm Văn Nhàn, Phan Xuân Sinh, Lương Thư Trung.

Trước tiên, qua lời Giới Thiệu của Nxb Thư Ấn Quán (hay của nhà thơ Trần Hoài Thư) như sau:

“Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển” là những nỗi niềm của một người lính cũ miền Nam.

Chỉ một câu ngắn như vậy là tôi đã thích rồi, bởi vì tôi cũng là một người lính cũ miền Nam.

Thôi thì đọc tiếp theo để nghe Trần Hoài Thư viết gì thêm:

Nó như có ma mị dẫn dắt người yêu thơ đi trên con thuyền “Thơ” của một người lính một thời cầm súng, một thời tù đày. Nó như dòng sông thơ bất tận chảy mãi. Khi thì tình yêu bao dung bát ngát vô lượng. Khi thì dào dạt tình đồng đội thủy chung. Khi thì uất nghẹn như bật lên trên những giọng rỉ máu, đau xót đến tận tâm can. Khi thì hào khí ngang tàng của một thời ba lô và nón sắt….

Như vậy đây chính là thơ của một người lính cũ, người chiến hữu của tôi. Để coi vào tập với bài đầu tiên:

Đó là bài:

Tháng tư bẻ súng.

Bởi tình tụ tán từ muôn kiếp
trăng nửa phần trôi trôi lênh đênh
chiều quanh bếp muộn thềm thôn vắng
cuộc rượu đêm tàn vỡ chén xưa 
Lương Sơn xa lắc đồi rỉ máu
ngựa cuồng quay quắc chiến trường xưa
đồng đội cũ đâu lưng nỗi chết
ngẫm chung thân cuộc thế phiêu du

biển gầm núi hú quân tan rã

….
(trang 7)

Đó là tháng tư bẻ súng chứ không phải là tháng tư gãy súng. Hành động bẻ súng là hành động của mình, mình tự làm bởi vì quanh quẩn quan quân đã tan tác…thì còn giữ súng làm gì. Tôi nghĩ hành động bẻ súng là một hành động bi thương, kèm trong nổi thất vọng khôn cùng về những ngày cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam trước 30-4-1975.

Quân về xuôi tan tác phương Nam
mịt mờ chiến trận
mây lửa mông mênh
chênh vênh biển dựng sóng phù hư
tình chiến chinh một đời tan vỡ
 (trang 8 & 9)

Đó là nổi đau thương của người lính thua trận, là tiếng thét tuyệt vọng trước khi qụy xuống, cả một triệu lính với mọi sắc áo mà phải bẻ súng như vậy sao?

Tiếp theo là những bài thơ như là hành trình đời lính của Cái Trọng Ty. Đời lính xô giạt anh và bè bạn nổi trôi khắp chốn, từ Tuy Hòa, Kontum, sông Mao. Những bè bạn Lý đui, Cường đakao, Phong quá tải, bên bàn rượu, ngoài kia là chiến trận:

Chuyện trời ơi
chuyện gái gù râm ran
những con người
những cái chết như mây
những kiểu chết nhẹ hều như gió
(trang 11)

Đó là một trong những người lính một thời của Cái Trọng Ty. Đọc đến đây, tôi tự nhiên thương mình, thương bạn. Ừ thì chúng ta cùng gặp nhau ở một mẫu số chung, là ngày xưa cùng là lính, cùng biên cương hành đâu có khác nhau đâu.

Thêm một bài thơ tôi rất thích:

Đời lính

ném ba lô quăng luôn nón sắt
ta thở phào duỗi thẳng đôi chân
nghìn cân gánh nặng vừa buông xuống
chiều Tuy An chờ đợi chuyển quân

anh bạn chiến trường thèm xị đế
sương chiều trắng sữa nhớ làng quê
xa nghe âm vọng gầm sắt thép
thần chết chờ mi góp núi xương

gió xoay lửa khói mùi hung khí
mìn bẫy địch gài trên lối đi
mấy khi còn sống không thương tật
vợ con thôi thế cũng đành thôi

người về con nước tràn sông Lũy
những địa danh nặng nợ máu xương
anh bạn xác vùi trong túi xách
ta đưa người về tận cố hương

ta người chia chác đời cơ cực
sống cũng như mây chó cỏ thi
chiều qua đụng trận vùi thân xác
thịt xương tan mồ mả ích gì

đời lính nở tàn như nấm rạp
sớm triền đông chiều chết đồi tây
trượng phu ghê gớm cây trụi lá
tình em đành níu đám mây qua
(trang 113, 114)

Tôi đã qua đời lính, đã từng đi hành quân, đã là một người lính trận, đọc bài thơ này mới thấy thấm thía một nỗi buồn của người lính tác chiến. Thơ Cái Trọng Ty viết về người lính không hô xung phong, không kèn xung trận, không kêu gọi bắn giết, không khẩu hiệu gì cả. Đó là thân phận của một con người, giữa cái chết và sống, giữa còn và mất, của xác thân. Nó mang nổi buồn thê thiết của một kiếp người “sớm triền đông chiều chết đồi tây”.

Thơ Cái Trọng Ty mang mang một nỗi buồn, chàng nhìn đời bằng con mắt vô ưu của kiếp người vô thường, cả trong tình yêu trai gái, với anh, với thơ anh, là những câu chữ hiền hòa, nhỏ nhẹ, như tiếng kinh bát nhã, như bài kệ…tất cả chìm ẩn trong sương khói mơ hồ, dù bên đời bao nhiêu chuyện xảy ra, như bài lục bát mắt bão sau đây:

khởi duyên từ cội vô thường
em duyên hạt bụi thiên phương dặm đường
nòi tình một đóa hồng dương
tiếng mơ hồ gọi vô phương kiếp người

buổi thế gian lạnh tiếng cười
thân tôi ở trọ đười ươi cố cùng
em đi xa khuất hoài dung
tìm em khắp chốn trên vùng dôc mơ

Khắp tập thơ Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển là những tấu khúc êm đềm, nhẹ nhàng và rất thơ như thế.

Tôi đọc những bài thơ của Cái Trọng Ty trong một buổi chiều sau 30-4. 30-4.15 gợi tôi nhớ vế bốn mươi năm trước, những ngày thất vọng nhất của người lính bại trận. Hôm nay đọc những lời thơ của Cái Trọng Ty, tôi thấy lòng mình thanh thản hơn, nó như có một phù phép nào đó lôi tôi ra khỏi cơn mộng dữ 40 năm. Thơ Cái Trọng Ty làm cho tôi tỉnh lại, như người vừa đi qua những chặng đường gai lửa, tôi đã an nhiên, tự tại và êm đềm theo những câu thơ của anh.

Tập thơ Cái trọng Ty đã dẫn tôi đi suốt những chặng đường anh đã đi qua, những địa danh miền trung nước Việt, từ Lương Sơn, Phan Rí, Phan Lý Chàm, Trảng Táo, Chợ Lầu, Bình Định, Phú Phong, Sông Côn…những địa danh tôi chỉ nghe tới chứ chưa đến bao giờ. Bây giờ đọc lên nghe thấp thoáng những hình ảnh quê hương rất cảm động.

Cảm ơn Cái Trọng Ty cho tôi được đọc những bài thơ rất đẹp của anh, lời thơ anh nhẹ gọn, không cầu kỳ, nhưng không phải anh không có những từ hay và mới.

Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển chỉ in để biếu chứ không bán, bạn đọc yêu thơ khắp nơi muốn có một tập thơ hay, in đẹp, xin hãy liên lạc ngay với tác giả Cái Trọng Ty ở địa chỉ email:

tycai46@yahoo.com
hoặc điện thoại:
(832) 538-2585

Chúc Mừng Cái Trọng Ty đã  có một tập thơ hay trình làng. Mong anh có thêm những đứa con tinh thần xuất sắc trong tương lai nữa, nhé.

 Tình thân.
Trần Yên Hòa
1.5.2015