10.6.15

Hồi Ức của cựu tù A20 Lê Ngọc Vàng



Bài của tù nhân chính trị 20 năm Lê Ngọc Vàng (Z30A Xuân Lộc, A20 Xuân Phước & Đầm Đùn Thanh Hóa) - nhuận sắc bởi Thư Viện Phạm Văn Thành - tháng 5/2015

Lê Ngọc Vàng 2013
Đấu tranh

Đất Nước Việt Nam trải qua gần thế kỷ, quằn mình gánh chịu nhiều nỗi tang thương và mất mát.

Dân Tộc Việt Nam phải chịu đắm chìm trong tủi nhục, bị đàn áp, bắt bớ tù đày, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán, thậm chí đến giờ phút nầy vẫn còn người bỏ nước ra đi, không ít người chết nơi đất khách quê người !!!

Từng chặng đường lịch sử của dân tộc từ sau hiệp định Geneve 1954, đến nền đệ nhứt, đệ nhị Cộng Hòa cho tới chế độ Cộng sản, một quãng thời gian dài để cho chúng ta suy nghĩ ??!

Có phải Dân Tộc Việt Nam ôm nỗi trông chờ và khát khao cho xứ sở một cuộc Cách Mạng càng xa thăm thẳm?!!!


Những lời nói của bác Huỳnh Văn Trọng, ưu ái hơn thời anh Lê Minh Đảo làm Tỉnh Trưởng Định Tường, anh Đỗ Kiến Mười làm Trưởng Ty Cảnh Sát Quốc Gia, Phong Trào Thanh Niên Yêu Nước đã được hình thành và bao tấm gương đã thể hiện từ lúc ấy. Vận Nước cũng thay chiều!!!

Sau năm 1975 không lâu tôi đã gặp và tiếp xúc với những con người bằng xương bằng thịt từng "Vang bóng một thời" mà thời cỡ tuổi Cha Má tôi có khi nghe danh thôi chứ chưa từng gặp và những cấp cao của "Mặt trận dân tộc giải phóng miền nam" cũng như Trung Ương đảng Cộng sản, khi nghe họ cẩn thận kể ra mới hiểu thế nào là Cộng sản!!! Ai đã lọt vào vòng Cộng sản thì đừng hòng mà thoát ra được, họ khống chế đủ điều thậm chí thủ tiêu và cũng không ít người bị giết chết, số nào kín kẽ còn lại phải ngậm miệng cho tới ngày xuôi tay nhắm mắt.

Cộng sản họ không từ bất cứ một thủ đoạn đê hèn nào miễn sao đạt được mục đích: Láo khoét tuyên truyền, mị dân, giết người răn đe, khủng bố nhiều mặt, lưu manh quỷ quyệt không gì chừa...

Bối cảnh của "Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết" ra đời rất sớm từ sau 1975, lập chiến tuyến để phân định Chính Tà, lấy Núi và Rừng làm chỗ dưa cho chiến khu, chuẩn bị cho trường kỳ mai phục từ Chiến khu Miền Đông cho tới Mật khu Miền Tây, tất cả các nơi đều đã được xây nền móng chờ ngày đồng loạt khởi nghĩa với những trận đánh kéo dài hàng tháng, hai bên giao tranh bên nào cũng sứt đầu mẻ trán, vang dội thời bấy giờ…

Trận đánh sau cùng tại khu rừng Bãi Đầm cửa biển Hàm Luông -1978- như một kết thúc thất bại chấm dứt ước mơ cách mạng lật đổ bạo quyền, chúng tôi bị bắt với một số đồng đội và 4 năm sau ra Tòa Án của Việt cộng ở tỉnh Bến Tre, tức năm 1982.

Một cuộc đấu lý công khai giữa 2 bên ngay tại phiên tòa, chúng tôi to tiếng dõng dạc xác lập tư tưởng và con đường Cách Mạng, vì đó là sự sống còn của dân tộc trong đó có gia đình, bạn bè và đồng đội, và như kế hoạch chúng tôi đã thống nhất từ trước là chấp nhận máu đổ xương tan nếu đại sự không thành.
 
Phiên tòa 1982 rất đông người đến dự, đồng bào các tầng lớp từ các nơi Bến Tre- Trà Vinh- Mỹ Tho- Gò Công - Long An - Hàm Tân đều có người đến dự, anh em chúng tôi rất vui và nếu có phải chết thì cũng vừa lòng.

Tòa tuyên án:
 
"Lê Ngọc Vàng đáng lý bị giết chết (anh Tô văn Mạng, giáo sư dạy Trung học Ba Tri, đạp chân tôi), nhưng xét vì hoàn cảnh gia đình là con một, tuổi trẻ có máu yên hùng, có tinh thần dân tộc, nhưng Lê Ngọc Vàng hãy ngẩng đầu lên nhìn sự phát triển của Cách Mạng...."

Lời nói sau cùng của tôi: 

“Trải qua bao nhiêu thời kỳ, chế độ chưa có trường đào tạo Chính trị, ai gần dòng nước nào thì bị dòng nước ấy lôi cuốn, cho nên hôm nay chúng tôi mới đứng trước tòa, mong quý tòa hãy hướng về chúng tôi vì đây là lợi ích của dân tộc của quốc gia” 

Lúc đó Chủ tòa án Nguyễn Quang Minh hỏi viện phó kiểm sát Lê Thị Minh Nghĩa có ý kiến gì không? chỉ cái lắc đầu



Tù đày

Sau khi xử bắn anh tôi (1982) là cai tổng Lê Văn Yên (cùng vụ "Mặt Trận Dân Tộc Tự Quyết" với tôi) tại huyện Thạnh Phú- Bến Tre, họ chuyển tôi đi nhà tù Xuyên Mộc, không hiểu vì sao nơi đây lại không nhận nên họ mới chuyển tôi qua Z30A Xuân Lộc- Đồng Nai, nơi đây tôi được gặp hầu như tất cả các thành phần trung kiên với lý tưởng quốc gia trước và sau 1975. 

Suốt thời gian trong nhà tù với ngôn từ Cách Mạng và Phản Cách Mạng là một đề tài sôi nổi và kéo dài cho tới ngày hết án. Và khi ở tù là chấp nhận mọi thử thách kể cả cái chết, đày ải bất cứ nơi đâu miễn sao gặp được anh em, những con người tâm huyết, đấu tranh cho tới cùng, và A20 là nơi HỘI NGỘ anh em, là nơi thử thách SỐNG CÒN của chế độ Cộng sản Việt Nam và tù chính trị Việt Nam. 

Vì tiếp tục hoạt động trong nhà tù nên tôi hay bị biệt giam, những lúc ấy, tên Phước, Hoạt là An Ninh nhà trại theo dõi tôi rất gắt gao. 


A20 Xuân Phước hội ngộ

Sau 8 năm, bọn chúng chuyển tôi cùng 40 anh em tù chính trị Z30A Xuân Lộc ra Thung Lũng Tử Thần tức trại giam A20 - Xuân Phước – Phú Yên, cùng đi trong chuyến chuyển trại nầy có thầy Tuệ Sỹ, anh Phan Văn Bàn, Trương Văn Sương, Lầu Sĩ Phúc, Phạm Văn Dạn...

Tôi ra A20 Xuân Phước trước nhóm của Phạm Văn ThànhPhạm Anh Dũng khoảng 3 năm, lúc nầy nhìn qua thấy toàn là những thành phần chống cộng & chống đối chế độ lao tù, có thể nói những “khuôn mặt cộm cán” đều tập trung về đây, đúng như lời trưởng nhà giam Bến Tre Tống quốc Việt đã nói khi chuyển chúng tôi ra A20: "Tao đưa tụi bây đi vào chỗ chết, rục xương trong rừng sâu, xem còn chống đối nữa không?" 

Vào một buổi chiều tôi có gặp Thành và Dũng tại nhà 2B. 

Anh em tù chính trị là vậy, khi mới đến gặp nhau liền tìm hiểu nhau, xem chân tướng ra sao… Qua cuộc tiếp xúc tôi nhận thấy cả hai người rất chân thành và khiêm tốn, bầu nhiệt huyết tràn đầy, niềm tin vững, Thành rất lo cho anh em, hy sinh cả miếng ăn của mình cho anh em, dù trong tù rất đói khổ!!!


A20 Xuân Phước nổi dậy

Trước cuộc nổi dậy tại A20 (từ 26 tháng 10/1994) vài tuần, tình hình rất lộn xộn, nào hoán đổi tù chính trị cho tập trung chung dãy nhà 1A-2A, đưa các toán làm rộng về trại, các thành phần cho là có tư tưởng chống đối đều bị theo dõi ngay ngoài đội, tôi lúc đó đang làm lò gạch đội 6 bị Nguyễn Văn Bình và Thái Phi Kích kềm kẹp và hăm dọa sẽ bị giết chết nếu có động thái chống trại.

Một buổi sáng tôi được anh em báo tin Phái đoàn Nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ ghé trại A20 và hiện nay đoàn đã tới Đà Nẵng, thế là anh em chúng tôi quyết định sẽ tố cáo trước phái đoàn về việc nhà tù đày đọa, vắt kiệt sức lao động anh em tại lò gạch đội 6 nầy. 

Bỗng dưng có hiện tượng lạ, ngay chiều hôm đó tất cả các đội tù chính trị đều bị quản trại dẫn đi giấu sâu trong các hốc núi, bìa rừng mãi đến tối mịt mới cho về. Khi về lại trại thì một cảnh bát nháo nữa xảy ra, điện cúp, phát cơm, lấy nước… hỗn loạn, cán bộ trực trại thì nôn nả hối thúc... Trong những ngày nầy hình như nhà trại đánh hơi được có tình thế gì đó khác lạ trong khu trại tù chính trị cho nên chúng luôn thăm dò, bắt lên làm việc, thẩm vấn cân não với Phạm Văn Thành, tình hình rất căng thẳng…

Khi có điện trở lại (trong đêm nầy điện lúc có lúc tắt bất thường), Phạm Văn Thành dõng dạc đứng trước nhà thông báo đêm nay có Phái đoàn Nhân quyền LHQ tới viếng trại và công khai việc đến lúc phải đấu tranh vì quyền làm người của chúng ta, cả nhà lặng thinh lắng nghe và sau đó anh em tụ năm tụ ba bàn tán.

Tôi và Trần Minh Tuấn (còn có biệt danh là Tuấn Bình Định hay Tuấn điên) đang ngồi gác trên ngay cửa chính ra vào, tôi kêu Tuấn cho anh em tập trung các xô nước lại ngay cửa phòng để chuẩn bị, mục đích là vừa làm chướng ngại, vừa để phong thủ cho anh em dùng nếu phải nổ ra cuộc đấu tranh dài ngày, vừa chuẩn bị chanh trái chống cay và hơi ngạt, khăn choàng cổ vừa làm vũ khí vừa phòng vệ, tập trung gạt tàn thuốc hoặc những thứ gì tự vệ và gây sát thương được…

Tuấn lớn tiếng trước nhà dặn dò với tất cả anh em: “Xin nhắc lại anh em lưu ý là những sô nước dự trữ, xin đừng gạt tàn thuốc rơi vào vì đây nước uống dùng phòng bị cho những anh em ta sẽ đấu tranh trong trường hợp sẵn sàng tử thủ …"

Thấy chỗ nằm anh Luật Sư Nguyễn ChuyênTrương Nhật Tân, thầy Lê Hiếu, tôi nhào qua trao đổi, anh Chuyên hỏi tôi: “Được 30 phần trăm anh em đồng lòng không? Yêu cầu được 30% là chúng ta thành công”.

Tôi trả lời: “Nắm chắc 100% vì sau khi sự việc xảy ra các lô cốt sẽ bắn súng báo động, dồn hết anh em mình lại trong buồng, có ai dám chối bỏ việc mình làm trước đây đâu”

Sau đó tôi và Trương Nhật Tân tiếp tục đi vận động anh em. 

Tôi đến gặp Lê Văn Triệu và nói thẳng đây là cơ hội cho anh em chúng ta chờ đợi biết bao lâu mới có ngày nầy, Triệu trả lời thẳng với tôi: "Không tham gia, người ta ở Tây, Mỹ về có gì bên đó can thiệp, mình ở lại lãnh đủ" 

Tôi xuống chỗ Thầy Mai Đắc Chương (dòng Đồng Công) hỏi ý kiến, Thầy trả lời: "Anh em làm sao thì tôi làm vậy, yên chí", tôi cả mừng, nói Thầy dời chỗ vô bên trong, vì chỗ nầy để phòng khi có gì cần thiết thì em và Tuấn (điên) trám lại không để cho bọn chúng nó vào. Thầy trả lời: "anh em sao tôi vậy, sống chết vẫn ở chỗ nầy". 

Nhắc đến thầy Chương tôi còn nhớ một câu Thầy nói lúc ở Đầm Đùn: "nơi nào có các anh là tôi an tâm", trong lòng tôi luôn luôn kính trọng Thầy.

Sáng hôm sau mọi diễn biến mà Phạm Văn Thành kể lại (1) là chính xác, riêng chi tiết anh Trần Văn Lương tay cầm chổi và hô "Đả Đảo Cộng sản" tôi xác nhận là có vì lúc ấy anh Lương đang đứng gần tôi, tiếng anh hô lạc giọng và việc hô câu khẩu hiệu "Đả Đảo Cộng sản" này là ngoài kế hoạch đã thống nhất trước.

Sáng sớm, sau một đêm trằn trọc trong buồng không ai ngủ được vì chờ đợi.. 
Khi cán bộ Luận trực trại mở cửa buồng giam thì Phạm Văn Thành nhào ra phản đối việc đêm qua và nhờ chuyển kiến nghị cho nhà trại, rồi vài anh em cũng tràn ra hỗ trợ cho Phạm Văn Thành. Lúc đó tôi ngồi đối diện ngay cửa ra vào nên nghe Luận nói: “Gì nữa đấy anh Thành…” rồi quay ra ngay.

Luận mới bước ra mấy bước là nghe tiếng Phạm Văn Thành xướng lên: "Nhân Quyền cho Việt Nam" là anh em cả nhà lại vang theo, rồi "Tự do cho Việt Nam" lại to hơn lúc đầu, "Dân chủ cho Việt Nam" anh em lại phấn khích và kêu anh em la to lên cho thân nhân thăm nuôi bên ngoài nghe đặng bà con về Sài Gòn truyền lại cho mọi người biết… 

Cứ hết Phạm Văn Thành, tới Phạm Anh DũngNguyễn Ngọc Đăng thay phiên nhau xướng bằng 3 thứ tiếng Việt (Thành), Anh (Đăng) và Pháp (Dũng). Anh em hô tiếp ứng vang vang theo một cách rất trật tự, dòn dã, khí thế hừng hực dâng cao. Hết xướng tiếng Việt thì tới tiếng Pháp, rồi tiếng Anh. 

Khi cán bộ Luận đi nhanh ra khóa cổng chánh, tôi thấy Thầy Tuệ Sỹ hổn hển chạy về và vừa nói vừa cười: "Tui nghe mấy ông la tôi lật đật chạy về liền chớ để bỏ tui ra ngoài sao!"

Sau đợt hô hào đầu tiên của anh em nhà 2A thì Thầy Tuệ Sỹ vận động bên nhà 1A (số nầy đa phần làm nhà bếp và các anh em làm rộng bên ngoài): "Chẳng lẽ anh em chúng ta là tù chính trị, thấy anh em bên 2A làm vậy, mà mình ngơ được sao???" 

Nhờ có tiếng nói của Thầy nên anh em bên nhà 1A nhào ra ủng hộ và la nhoi một góc trời Xuân Phước. 

Cứ đúng 3 đợt hô là anh em tự động vô phòng, chỗ nào lo phòng thủ chỗ đó, mỗi ngày nhiều lượt như thế kéo dài đến ngày thứ 3.

Trong đêm thứ hai thì anh em phát hiện có nhiều đặc công vào nấp mấy gốc dừa xung quanh nhà, đầu chụp nón vải màu cứt ngựa giống nón các bác sĩ phẫu thuật, quần măc sì líp, người không cao to, chứng tỏ đây là trinh sát từ Bộ Tổng mới về, sau đó về khuya càng dịu dần cho tới sáng, sáng ra thấy dưới gốc dừa còn để lại hộp giấy ghi bằng tiếng Anh mới biết đó là loại trái hơi ngạt chớ không phải trái hơi cay bình thường.

Sang đến ngày thứ ba thì Giám thị trưởng Trần ngọc Bôi cầm loa tay vào, giới thiệu tên, chức vụ, kể lể nào là gốc gia đình và chính bản thân là nhà giáo, gợi ý với anh em đang đấu tranh là có điều gì bất ý cũng có thể thương lượng và trầm tĩnh nói chuyện với nhau được. v.v…

Phạm Văn Thành và anh em thống nhất nói chuyện với nhau, đưa kiến nghị và ra tập họp trước sân nhà cùng nhau giải quyết, chính miệng ông Bôi đứng trước anh em nói: "Tôi không chọn cái nghề làm quản tù nầy và sau nầy tôi cũng không để cho con cháu tôi làm nghề nầy". 

Khi cán bộ An nói gì đó (2) thì Phạm Văn Thành đứng lên đưa tay chịu còng, không một cán bộ nào dám còng, đứng sớ rớ như gà mắc đẻ, Đăng đứng lên chung sức với Thành, Trung-lai cũng đứng lên. Họ liền dẫn Thành và Đăng đi vào buồng cùm. 

Nhà trại lúc bấy giờ đã thấm mệt và quá căng thẳng trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ, nên họ khó dấu được sự thở phào nhẹ nhõm, chúng tôi cũng không muốn kéo dài thêm nữa vì cuộc đấu tranh nổi dậy đã tạo được khí thế ấn tượng quá rồi nên đồng loạt giải tán, ai về buồng nấy. 


Đầm Đùn Thanh Hóa

Sau 3 ngày nổi dậy đòi Nhân quyền - Tự do của anh em tù chính trị Việt Nam tại nhà tù A20 Xuân Phước - Phú Yên, chúng tôi bị nhà trại luân chuyển ra các đội nhằm phân tán thực lực, tình hình lúc nầy các cán bộ quản giáo đối xử với anh em tù chính trị cũng có phần mềm mỏng hơn trước và không khí sinh hoạt hình như có một cái gì bất thường sắp tới sẽ diễn ra.

Vào một buổi sáng sau sự kiện nổi dây nổ ra vừa rồi khoảng mười ngày, anh em trong nhóm trụ cột như Hoàng Xuân Chinh, Trung-lai, Tuấn, Thụy.... chuẩn bị lập kiến nghị gởi cho Bộ và nhà trại đòi phải thả Phạm Văn Thành và Nguyễn Ngọc Đăng ra.

Trong mấy ngày nầy anh LS Chuyên, thầy Hiếu, Chinh và tôi ngồi bốc quẻ dịch mấy lần đều nhằm quẻ "Phượng tập đăng san", tức trỏ tới khả năng sẽ có chuyến đưa chúng tôi ra Bắc, nơi có núi cao và địa linh.

Đúng như dự đoán, chẳng bao lâu sau, họ chuyển nhóm Phạm Văn Thành, Dũng, Đăng đi trước, nhóm tôi chung với BS Nguyễn Kim Long, LS Chuyên, GS Bảo, NS Lê Thụ v.v… đi sau. Chuyến đi nầy tôi xác định rất rõ, tù thì ở đâu cũng tù, đày đọa cỡ nào thì cứ đày quan trọng ý chí và tinh thần mình phải vững vàng để chịu đựng đừng để chết chúng nó khinh, tôi nói với anh em, những chuyến xe nầy, những con người nầy sẽ đem ngọn gió mới Tự do - Dân chủ về trên đất Bắc, gieo mầm tốt chờ ngày gặt.

Khi xe gần tới Thanh Hóa trời chưa tối, tôi thấy những rặng đá vôi hình con Rồng rất đẹp nhưng không có đầu, tới ngã ba Voi xe rẽ trái về phía tây hướng Lào, nhà cửa nhỏ mà thấp toàn bằng đá ong.

Tới lúc xe dừng chờ phà anh em hỏi tên con sông, tên cán bộ áp tải trả lời: Sông Mã. 

Tôi nói với anh Long: “Đầm Đùn rồi”, nơi đây là di tích lịch sử của nước Nam ta và bản nhạc "Ông Lái Đò" (của Hiếu Nghĩa) cũng từ đây phát xuất, tôi đã xem sách và từng nghe kể về chúa ngục Lý Bá Sơ, cỡi ngựa với roi da từng quất thẳng vào đầu những người tù nào dám nhìn khi hắn ta ngang qua, chúng tàn ác cho tù nhân ăn gạo sống uống nước lạnh ỉa cứt cò (kiết lỵ), xiềng 1 chân còn chân kia phải đứng, sự khắc nghiệt nầy chẳng thua gì khi so sánh với trại tù của Liên xô đày 1500 người tù vùng Siberia - Tây Bá Lợi Á trước đây (xứ cực lạnh và ngày sau cùng chỉ còn cấp cứu được có 1 người vì tất cả đều đã chết).

Xe dừng lại trước trại giam, nhìn lên cổng thấy hàng chữ "Trại giam số 5", tất cả anh em đều lạnh cóng. Họ lại bắt đầu lục xét các giỏ đồ tù. Xét xong anh em chúng tôi vào buồng giam, buồng trống chắn bằng song sắt nên rất lạnh và nhà trại cho phép đốt lửa để sưởi, tôi nhào xuống tập thể dục cho bớt cóng. 

Còn vài tuần nữa Tết tới, tôi quất luôn bản nhạc "Xuân nầy con không về", vài cán bộ súng dài canh bên ngoài bu lại nghe mà không có lời nào. 

Anh em mới hỏi: 

- " đây là đâu vậy cán bộ?" 
- "Lam Sơn đó. Núi ngày xưa Lê Lợi dấy binh đó" 

Nhân cơ hội nầy anh em hỏi tới, riêng tôi giựt mình và liên tưởng: "Chẳng lẽ ổng kéo con cháu về đây, vì tôi họ Lê???" 

Mới ra Đầm Đùn được mấy hôm thì Bộ CA và nhà trại thử phổi anh em chúng tôi liền với màn "Học tập chính trị". Đại diện Bộ là Tr/tá La minh Tiếp, Sáu và một số cán bộ có trình độ chính trị của trại. Vừa phát biểu bằng miệng vừa viết bản “thu hoạch” .

Tôi viết ra giấy bản kể tội tất cả các tay tổ cộng sản, từ Mác - Lê - Mao - Hồ ... không chừa một ai, và còn thách thức "đối thoại" với họ. Trong thư tôi viết gởi về gia đình, tôi còn hăm, ngày ra tù tôi sẽ không về nhà mà còn đi thẳng ra Hà Nội gặp Lê Đức Anh và Võ Văn Kiệt để hỏi chuyện. 

Sau đó anh Trần Văn Lương ở chung với nhà Phạm Văn Thành kiếm chuyện gây lộn, đòi đánh Nhà trưởng (do trại chọn), và yêu cầu nhà trại để tôi làm Nhà trưởng.

Không dừng ở đó, mấy “ông Thần Miền Trung” của tui như: Hoàng Xuân Chinh, Huỳnh Ngọc Tuấn tiếp tục đấu tranh với nhà trại về cơm, canh nấu dơ làm hại sức khỏe tù nhân, cử tôi đi trình bày với cán bộ và xuống nhà bếp kiểm tra, rồi Trần Văn Lương chạy qua đòi nhà trại phải phát tiêu chuẩn hàng tháng về nhu yếu phẩm, sau cùng nhà trại chỉ phát cho tù chính trị và đặt tại chỗ nằm của mỗi người, anh Lương lại chạy qua nói với tôi: "Chúng ta không nhận chỉ khi nào phát hết cho toàn thể tù nhân trong trại thì mình mới nhận".
 
Thế rồi nhà trại cũng chìu theo, họ phát hết cho các anh chị em tù hình sự nữa, nhân đó các anh chị em tù nhân (hình sự) ngoài đó rất kính trọng anh em tù chính trị miền Nam.

Khi đi làm hàng ngày, dù là Nhà trưởng, tôi vẫn cầm búa tạ đập đá phụ với anh em, cầm cuốc trồng rau quả cải thiện cùng với anh em và trực tiếp chuyển về cho cả trại cùng ăn, dọn dẹp nơi ăn chốn nghỉ khang trang, sạch đẹp, gây niềm tin và giá trị về tù chính trị miền nam trên đất Bắc. Tay đại tá Đỗ Năm Cục trưởng V26 về trại cho anh em chúng tôi một giàn Phong Lan rừng dễ thương, tôi cũng thường xuyên chăm chút, giữ gìn cho tới ngày về.


MINH ĐỊNH - HIÊN NGANG - THÁCH THỨC

Anh Em chúng tôi, những người tù chính trị A20 Xuân Phước - Phú Yên là những con người bằng xương bằng thịt như những con người khác, cuộc sống hàng ngày trong tù đối xử với nhau hết lòng, hiểu nhau qua ánh mắt, giúp nhau bằng hành động và chấp nhận hy sinh cho nhau, nhất là xả thân vì đại nghĩa. 

Giờ đây dù anh em ở khắp các phương trời, trong hay ngoài nước nhưng hình ảnh từng khuôn mặt các anh, các bạn luôn trong trái tim tôi.

Tinh thần A20 bất diệt, đúng là mãi mãi bất diệt, cũng vì chính chủ trương của đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam đã vô tình tuyển lựa những người tù chính trị sừng sỏ, bất khuất, kiên cường, mình đồng gan thép, dám bất khuất chống lại cái tập đoàn ác đảng bọn chúng, bị chúng gom đưa hết về đây để hủy diệt như bọn chúng đã từng xác định thách thức không dấu diếm tà ý này trước bao nhiêu lớp người tù chính trị Việt Nam, bằng cách nầy hay cách khác chúng đày ải người tù trong thời bình hòng giết dần giết mòn tầng lớp sĩ phu của dân tộc bằng cực hình khổ sai, bỏ đói, nhịn khát, cùm kẹp biệt giam man rợ hơn cả thời trung cổ… một cách lén lút thầm lặng hòng che đậy tội ác đê hèn ấy với thế giới bên ngoài…

Cuộc nổi dậy tại nhà tù A20 đúng là một kỳ công, từ định hướng đúng, nắm bắt cơ hội, biết kết hợp nhân lực, tài lực và đỉnh cao của tinh thần và vật chất, sáng tạo kịp thời đáp ứng đươc thời gian, kế hoạch hoàn hảo dẫn tới thành công đó là điều tất yếu. 
Chứng minh điều đó khi Phạm Văn Thành nghe ngóng biết phái đoàn Nhân quyền LHQ sắp sang Việt Nam, nhịn ăn để mua đài radio, vận động, phân công, sắp xếp bài vở, mướn người đưa tin..v.v.. phải nói đúng nghĩa là một kỳ công sắt đá để có một thành quả để đời như thế. 
Với chủ đề đề đấu tranh "Nhân quyền cho Việt Nam", "Tự do cho Việt Nam", "Dân chủ cho Việt Nam" từ nhà tù A20 dù trong rừng sâu núi thẳm nhưng dõng dạc hô lên đủ vang xa khắp dư luận trong ngoài nước, khai mở cho một thời kỳ đấu tranh mới, kết hợp tiếng nói chung của đồng bào trong ngoài nước, kết hợp giữa dân tộc Việt Nam với các dân tộc yêu chuộng Hòa bình - Tự do trên Thế giới.

Những người tù Chính trị Việt Nam có đủ tư cách chính trị để đại diện cho toàn dân Việt đối đầu thẳng với đảng và nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam và đã chuẩn bị những gì đồng bào, đất nước cần cho hiện tại, cho tương lai hầu phụng sự cho Tổ Quốc, Dân Tộc được trường tồn, vinh quang và phát triển thật sự.

Trong một trao đổi riêng (tháng 3/2015), Phạm Văn Thành đã viết cho tôi nguyên văn như sau:

"Anh Vàng.
 
Chuyện xảy ra ở A20 tháng 10/1994, theo em, như là một nhân duyên quả ứng. Sự tàn bạo nào rồi cũng có lúc phải tự hủy hoại. Phía người cầm được quyền bính đã hành xử quá thiếu văn hóa và cực kỳ tàn bạo ngu muội mới để hiện hữu một thứ nhà tù trung cổ như nhà tù Xuân Phước A20. Em chỉ là một thanh niên bình thường khi vào trại, chút liều lĩnh tom góp của cha ông cũng chỉ dám đau đáu chuyện vượt ngục cho riêng mình...

Nhưng càng tìm hiểu càng biết ra những điều man rợ mà với lương tri một con người bình thường, đã có cơ hội sống nơi các xà hội dân chủ phương Tây... đã không cho phép mình yên lặng hay âm thầm chỉ tìm kiếm phần giải pháp tự do cho chỉ mình thôi...
Và các anh Châu văn Tới, Trương nhật Tân, Lê văn Trung, Nguyễn văn Trung, Trần nam Phương, Lê Thiện Quang, Võ Đằng Phương, Đoàn viết Hoạt, Nguyễn Thành, Trần văn Long, Đỗ Bạch Thố, Trần Đế, Công Đoan, Dương văn Sĩ và các tu sĩ đạo cao đức trọng Nguyễn Hiền, Hữu Tín, Tuệ Sĩ, Mai đắc Chương, Lê Thanh Hùng... chính là những nhân động lực đã vận hành thành công một hành động xác lập tư thế chính trị của hàng ngũ đối lập quyết liệt đại diện dân chúng Việt Nam phía nam của vỹ tuyến 17 thời điểm bấy giờ.

Tất cả chúng ta đều đã vui lòng trả giá đắt theo bước chân khổ sai lưu đày hàng ngàn cây số xa gia đình vốn đã quá nghèo túng!

Chúng ta đã đồng cam cộng khổ những năm dài đói khát và cô đơn trên xứ bắc. 

Tất cả sự đồng lòng vui vẻ chịu chung sự trả thù man rợ ấy, là một hành động rạch ròi khắc tạc lên trang lịch sử đẫm máu đào mà em là người được chia chung niềm vinh dự. 

Cảm ơn các anh. 

Nếu trong chúng ta, chỉ năm ba người ngã bước trước sự đe dọa khủng bố khi bị đem ra đất Bắc... thì sự kiện đã trở thành xôi hỏng bỏng không!!! 

Tạ trời đất! Tạ nhưng người anh em đã chết, lớp người ngã sấp trước sự đe dọa triền miên của kẻ thù đã không đếm đủ ngón trên một bàn tay... khắp ba trại Phủ Lý, Thanh Cẩm, Lam Sơn.... nên đối phương đã phải ngậm nỗi nhục bại trận A20 đến tận hôm nay.

Cuộc bại trận ấy là khởi đầu cho cuộc đổ sập đang xảy ra bất khả tránh khỏi sắp tới của bạo quyền Hà Nội"

Nhớ lại chuyến chuyển trại từ Z30A Xuân Lộc ra trại trừng giới A20 Xuân Phước năm 1990 của 41 người tù thuộc dạng cứng đầu trong đó có tôi, lòng tôi lúc ấy cảm thấy hân hoan vì sắp gặp lại được anh em cùng chung hoạt động trước đây bên ngoài và những bạn tù ở Bến Tre - Tiền Giang cũng như các tỉnh.

Vả lại, quan niệm của tôi thì tù nơi đâu củng là tù, chấp nhận mọi đối xử, đọa đày của đương quyền.

Muốn chiến thắng được CS phải bền chí, trực diện, đấu tranh thẳng với nhà cầm quyền Hà Nội đầu não của tham lam và tội ác !!!

Cám ơn Phạm Văn Thành và tất cả anh em tù chính tri A20 một thời, đã khơi dậy niềm tin và sự sống cho nhau, có dịp bộc lộ, cởi mở được nỗi lòng suốt trong thời gian u uất tù đày!!! 
Cũng tại nơi đây chúng ta mới thật sự là đồng đội, dấn thân và chấp nhận hy sinh, cũng tại nơi đây minh định cho việc làm chính nghĩa của các anh chị em đấu tranh sau 1975 và cũng tại nơi đây chúng ta lập nên chiến tuyến "Bất cộng đới thiên" với cộng sản.

Những hình ảnh trong tôi mỗi khi nhắc đến sự kiện lịch sử tháng 10 năm 1994 tại nhà tù A20, Thầy Chương dòng Đồng Công là biểu tượng, hun đúc tinh thần tôi trong suốt thời gian "Nổi dậy" tại A20, anh LS Nguyễn Chuyên, thầy Lê Hiếu bàn luận đánh giá tình hình để hỗ trợ cho việc làm của Phạm Văn Thành.

Nói chung công cuộc đấu tranh mang tính cách mạnh bạo, đòi hỏi Nhân Quyền đó ngay trong nhà tù dưới chế độ CS là rất khó khăn, nhưng nhờ máu lửa A20 đã hun đúc ý chí, tinh thần cho tất cả anh em chúng ta đi đến Đoàn Kết và Thắng Lợi.
Trong công cuộc đấu tranh nào cũng vậy, chúng ta không sợ cô đơn, nếu việc làm đó là chính nghĩa, không bè phái hay riêng tư, việc khởi xướng của Phạm văn Thành tại nhà tù A20 đã thể hiện được điều đó.

Cũng nên nhắc lại, trước khi Việt cộng xóa sổ tù chính trị tại A20, anh LS Chuyên và thầy Hiếu có bốc quẻ dịch "Phượng tập đăng San" nên chúng ta biết trước việc đưa ra Bắc lần nầy, đúng như dự tính, nhóm anh em chúng tôi hội ngộ nhóm của Phạm Văn Thành tại nhà tù B5 Đầm Đùn - Thanh Hóa. Những ngày cuối năm đậc biệt 1994 Miền Bắc rét đậm nhưng trong lòng mỗi anh em tù chúng tôi nghe ấm áp lạ thường (3).

Bộ CA, đảng và nhà cầm quyền CSVN tưởng rằng khi họ hèn hạ ỷ mạnh hiếp yếu, âm mưu đày chúng tôi ra đất Bắc, xa xôi, giá rét để làm nhụt chí, lụn bại tinh thần đấu tranh của anh em chúng tôi ư? Họ đã lầm!!! Chúng tôi lại càng mãnh liệt, bất khuất, kiên cường hơn trước dã tâm tiểu nhân đớn hèn đó của người cộng sản VN, minh chứng cho việc nầy qua mấy buổi "học tập chính trị" do bộ CA trực tiếp tổ chức nhằm "tố khổ" Phạm Văn Thành và anh em tổ chức vụ Nổi Dậy A20. Cái không ngờ và sai lầm của bộ CA và nhà cầm quyền CSVN:

1/ Phong trào đấu tranh từ Miền Nam đã lan tỏa và liên kết được anh chị em đấu tranh nơi đất Bắc (thật là cám ơn họ!!!)

2/ Có dịp anh em chúng ta thỏa sức lên án từ Hồ Chí Minh, đảng cộng sản cho tới nhà cầm quyền Hà Nội hiện tại.
a/ Lên án Hồ Chí Minh với tội ác man rợ trong cải cách ruộng đất, giết hại đồng bào miền Bắc vô tội.
b/ Không chấp nhận chủ nghĩa ngoại lai trên đất nước nầy.
c/ Yêu cầu đối thoại trực tiếp bộ Chính Trị và nhà cầm quyền CSVN

Tất cả đều rất rõ ràng trên giấy trắng mực đen còn đang nằm trong hồ sơ của bộ công an, bộ Chính Trị nhà cầm quyền CSVN, với sự chứng kiến của ông La minh Tiếp đại diện bộ công an thu tài liệu trực tiếp chuyển về 2 bộ nói trên.

Vẫn là trao đổi của Phạm Văn Thành với tôi, những ý kiến rất đáng trân trọng: 

"Anh Vàng,

Tuần lễ học tập ấy mang khẩu hiệu rõ ràng "Xác Định Tính Nhân Đạo Của Nhà Nước Đối Với Chế Độ Giam Giữ Tù Nhân", đây là tuần lễ học tập trá hình, mục đích chính là đánh giá trực tiếp đội ngũ tù A20 để quyết định có đem sự kiện "Nổi Loạn A20" ra xét xử hay không.
 
La Văn Tiếp hàm đại tá, công khai là nhân lực của trung ương cộng đảng. Tuy nhiên ,theo hiểu biết của tôi, Tiếp còn dưới quyền ba bốn người khác mặc thường phục của Cục A11 (Cục Tham Muu TC2). 

Tuần lễ học tập ấy tôi chống lệnh, không tham gia nhưng theo dõi được tất cả các cuộc họp nhóm và họp chung ở Hội Trường. Ở các cuộc họp nhóm, nổi lên những nhân lực lý luận sắc bén là tù nhân Hoàng Xuân Chinh (dẫn nội dung tranh luận đến Tính Chính Danh của đảng csvn đối với nhà nước ...). Nhóm của anh Chinh là trung tá Lê Khả Hùng phụ trách. Nhóm này được đánh giá là tâm điểm của sự chú ý từ trung ương (cộng sản). Trong nhóm, bác sĩ Nguyễn Kim Long lý luận danh thép, tiếc rằng chất quân đội trong ông còn quá nóng nên ý tưởng phát biểu có phần mất mạch lạc. Tù nhân Nguyễn Văn Trung ở một nhóm khác và lý luận của anh Nguyễn Văn Trung không có vị sĩ quan an ninh nào trấn áp được. Anh Huỳnh Ngọc Tuấn dù bệnh nặng, cũng làm cho hàng ngũ cán bộ về từ trung ương sững sờ! 

Tại phiên họp chính đúc kết, anh Trương Văn Sương giơ tay yêu cầu được phát biểu ngay khi một vị Tuyên giáo Trung Ương vừa xong bài trình bày về "Tính Nhân Đạo của đảng trong việc Ân Xá Tù" ... chính ông đại tá giám thị Phạm Ngọc Ninh đã từ trên góc bàn chủ tọa, yêu cầu anh Sương tự nhiên phát biểu.

Hội trường trong ngoài khoảng 600 tù và khoảng 80 người về từ Trung Ương, có cả báo chí ... im phăng phắc! 

Anh Trương Văn Sương đứng trong hàng tù chính trị miền Nam giữa hội trường. Giọng sang sảng (tôi ngồi ở chiếu nằm trong buồng giam cách ly, không tham gia ra hội trường, buồng giam cách hội trường khoảng 250 mét mà nghe rõ mồn một):

"Tôi, tù nhân Trương Văn Sương, tính tới hôm nay đã là đi qua bốn trại tù với hơn 18 năm tù đày. Điều tôi ghi nhận được hết sức rõ ràng, đó là tôi nhận thấy lời nói của ông Tổng Thống VNCH Nguyễn văn Thiệu là luôn luôn đúng, đó là: ĐỪNG NGHE NHỮNG GÌ CỘNG SẢN NÓI _ MÀ HÃY NHÌN KỸ NHỮNG GÌ CỘNG SẢN LÀM ...Câu nói ấy tôi không bao giờ quên"!

Hội trường im như tờ cho đến khi ông giám thị Phạm Ngọc Ninh đứng lên rời bàn chủ tọa đến trực tiếp bắt tay anh Trương văn Sương, nói "cá nhân tôi tôn trọng sự thẳng thắn của anh". 

Hơn tháng sau, Trương Văn Sương, Nguyễn Văn Trung, Vũ Đình Thụy, Phạm Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Đăng, Hoàng Xuân Chinh và tôi cắp chiếu vào các buồng cùm kỷ luật dài ngày ..."


Mãi mãi nêu cao tinh thần TIÊN LONG

Tới ngày hết án (đầu 1998), ngay bản thân tôi và anh em không ai nghĩ rằng tôi sẽ được thả mà sẽ chuyển sang tập trung.
 
Chiều trước ngày tôi về, Phạm Văn Thành (ra tù cuối 1998) và anh em xin cán bộ Huy làm tiệc nước tiễn tôi, nhà trại không cho và sáng hôm sau, lúc biết chắc tôi được thả về, Phạm Văn Thành có đưa cho tôi một cái thơ nhờ chuyền cho thân nhân, tôi đã nuốt vào bụng, liền sau khi về, tôi đã ghé nhà anh Trợ ở gần 10 ngày cốt để canh đi cầu đặng lấy lá thư ấy mà rốt chẳng thấy, không biết đến giờ nó có còn trong bụng không. 

Sáng ngày hết án, tôi cũng mặc duy nhất một bộ đồ dính da, hên xui cho một cuộc xuôi Nam về quê mình sau 20 năm tù đày khổ sai. Ở phía sau nhà trại, tôi tìm gặp để chia tay với mấy anh em trụ cột trong tù như: Phạm Văn Thành, Hoàng xuân Chinh, Phan Văn Bàn, Trần Nam Phương.....

Phạm Văn Thành nhờ tôi chuyển một lá thư quan trọng, vừa nuốt vào bụng xong, cán bộ Huy xuống kêu tôi soạn đồ cá nhân. 

Tôi bắt tay từ giã anh em mà không dám nhìn lại, nếu thời chia tay nhau ở Miền Nam không đến nỗi phải buồn nhiều, vì chuyến đi ấy là sát cánh cùng anh cùng em và chấp nhận chơi với lửa thì phút chia ly này như thể nửa chừng cuộc chơi mà phải chia tay!!!

Ra trước văn phòng nhà trại, làm thủ tục xong, có chiếc xe U oát chờ sẵn, chở tôi chạy từ ngõ nầy sang ngách nọ nhằm cho tôi không nhớ đường, sau đó họ chở tôi đến bến phà Sông Mã bỏ tôi xuống và chỉ cho tôi đón xe ra Thanh Hóa, từ bến xe Thanh Hóa đón xe về Sài Gòn.

Chiếc xe đò chạy (từ Thanh Hóa) đến Nha Trang thì bị hỏng máy, tôi phải bỏ xe xuống tìm nhà anh LS Chuyên, gặp nhau, anh em năm điều ba chuyện ở trước nhà xong, anh lấy xe gắn máy chở tôi ra bến xe về Phan Rang, mục đích để vừa ghé thăm anh em bạn tù cũ, vừa “giải quyết” cái thư của Phạm văn Thành. 

Tôi ở tại nhà anh Giáo Sư Nguyễn Thành Trợ gần 10 ngày, sáng nào hai anh em cũng ra bến xe Phan Rang uống cà phê và giới thiệu với bạn bè của anh tôi là bạn tù ở Bắc mới về, đi Ninh Chữ thăm anh Sạn, anh Tư Trời Biển, thăm nhà Solayman.
 
Quan trọng những ngày ấy tôi luôn kiểm tra mà sao không thấy lá thư của Thành gởi đã được nuốt vào bụng trước khi ra tù??? Mãi cho đến giờ cũng không biết lá thư ấy còn trong bụng không nữa?

Sau cùng đến lúc phải về Sài Gòn. Đến nơi, tôi chuyển thẳng sang xe đò đi Mỹ Tho, ghé Đại Chủng Viện Gioan 23 gặp Cha Đệ, nơi đây trước năm 1975 tôi và thầy Oanh cũng từng dạy cho các thầy nơi đây… 

Giờ về thăm trường cũ, kỷ niệm xưa sống lại bồi hồi… Cha Đệ điện thoại về cho Cha Thượng họ đạo Thạnh Phú, quê hương tôi, cho Cha Má tôi hay và buộc tôi phải về liền, sau khi trình diện tại phường 4 thành phố Mỹ Tho.

Về lại nhà cũ mới hay sau khi tôi bị bắt mấy năm, địa phương ép Cha Má tôi phải bán nhà giá rẻ cho cán bộ nhà nước bấy giờ. 

Trước đây 20 năm những người xóm giềng đi dự phiên Tòa xử tôi tại Bến Tre, thì nhân hôm nay tôi còn sống trở về lại cũng nhiều người đến thăm và chia xẻ!

Tôi về quê, Cha Mẹ, Cô Chú không ai ngờ tôi còn sống trở về!!! Điều quan trọng cần phải đối phó tiếp theo là "bản án phụ" 4 năm quản chế quái đản, nếu tôi chấp hành thì sẽ bị gia đình, dòng họ xem thường là tại sao ở tù 20 năm thả về rồi, giờ còn tù gì nữa??? 

Sau nửa tháng đoàn tụ với Cha Mẹ, tôi lại tiếp tục cho cuộc hành trình mới, tìm tư thế chuẩn bị cho giai đoạn đấu tranh mới. Và Đồng Tháp với rừng tràm bạt ngàn từ đây theo dõi tôi, và tôi chọn nơi đây làm chốn tạm dung chờ cơ hội. 

Khoảng một năm sau, tôi nhận cú điện thoại với âm giọng Phạm Văn Thành từ Pháp gọi về, đó là người mà tôi luôn chờ đợi, tới giờ phút nầy tôi không hiểu từ đâu mà Phạm Văn Thành tìm ra được số điện thoại của tôi vì tôi đã chuyển đổi chỗ ở ba lần. Thành ân cần hỏi thăm sức khỏe, cuộc sống của tôi (lúc nầy tôi đang bán thuốc Tây và vựa cừ tràm) và gởi tiền về cho tôi để cùng với Nguyễn Trọng Nghĩa và Trần Văn Long tổ chức chuyến ra Bắc thăm anh em vẫn còn đang ở tù ngoài Thanh Hóa, nhân dịp nầy tôi giới thiệu với Nghĩa -người được Phạm Văn Thành cử từ Pháp về- cho gặp một số anh em tâm huyết (nếu Phạm Văn Thành không bị đảng Việt Tân đánh hội đồng bên đó (1999), chắc chắn anh em tôi sẽ có một cuộc chơi lớn, rất tiếc!!!) trong đó có những người (nay đã quá vãng) như: Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Cha Nguyễn Văn Đệ, Bác Trần văn Giỏi, anh tư Hiểu, anh Bảy Miên, sáu Hựu...

Thôi, mọi sự mình cứ chuẩn bị, còn Hồn thiêng sông núi, còn đồng bào nữa...

Chặng đường lưu vong tháng 5/2015
A20 Lê Ngọc Vàng


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét