18.6.15

Những Khuôn Mặt Đáng Nhớ



A20 Đỗ Văn Phúc

Không thể không nhắc đến những người đặc biệt trong trại ít nhiều đã để lại trong lòng anh em tù nhân, những ấn tượng đặc biệt..

Sư huynh Phạm Quang Hồng, thuộc dòng Đa Minh (?), bị án 20 năm khổ sai vì tội tham gia lực lượng chống đối. Sư huynh còn trẻ, cao ráo, khôi ngô. Tuy cuộc sống trong tù khổ ải, anh vẫn luôn tỏ vẻ vui tươi vì anh cũng là Hướng đạo sinh nên tuân theo điều luật “gặp khó khăn vẫn vui tươi.” Qua anh, tôi học được rất nhiều điều. Anh dạy cho tôi hát các bài hát trong các phim The Inn of the Sixth Happiness, The Sound of Music, và các bản Thánh Ca… Tôi không nghe các tác giả nhắc đến Sư huynh trong các hồi ký. Hiện nay, Sư Huynh đã là Linh Mục Chánh Xứ tại một Giáo Xứ ở Perth, Tây Úc.

Trung tá Vũ Đức Nghiêm , người nhạc sĩ tài hoa mà chúng ta từng thổn thức những câu hát mượt mà của ông qua giọng ca ngọt ngào của ca sĩ Thanh Lan:
Thương em dáng vai gầy xinh xinh
Thương em mắt nai vàng long lanh
Thương em tóc buông lơi dịu dàng
Thương em mong manh, như một cành lan

Anh từ trại Nam Hà ngoài Bắc chuyển về Xuân Phước vào khoảng 1980 cùng đợt với hàng trăm sĩ quan cấp tá khác. Anh em tại Phân trại E và B (về sau này) đã đón tiếp anh rất niềm nở. Vì ngoài tư cách một đàn anh trong quân đội, một nhạc sĩ tài hoa, anh còn là một người nhân hậu đáng mến mà đã quy kết xung quanh anh một nhóm tín hữu Tin Lành ngày đêm cùng cầu nguyện. Khi cao trào chống đối của anh em tù nhân lên cao, anh đã viết những bản nhạc xuất sắc để động viên. Tôi còn nhớ bài hát mà anh diễn tả tâm trạng của một người tù cám ơn người vợ yêu của mình đã lặn lội núi non đi thăm chồng nơi trại tù xa xôi rừng thiêng nước độc. Bài hát có tựa đề “Muôn Trùng Xa Em Về” rất cảm động và được các anh em trong trại yêu thích:

Khi nụ hôn trao nhau vội vàng
Còn ấm chút hương môi
Ta đã xa nhau rồi.
Tay rời tay, con tim bồi hồi
Sầu chất ngất chia phôi,
Thương nhớ dâng nghẹn lời.
Muôn trùng xa, em về
Bụi mờ vương theo bước em đi
Mặn nồng xưa ray rút cơn mê
Đưa em về, biết nói gì, giây phút từ ly.
Gượng cười bên nhau phút cuối,
Nghẹn ngào bâng khuâng tiếc nuối
Xót xa người nơi chân mây
Âm thầm tháng năm lưu đày
Miệng cười nhưng tim héo hắt
Ngậm ngùi long lanh ánh mắt
Dáng em, đường dài đơn côi,
Vai gầy, chiếc bóng lẻ loi.
Bao ngày qua, trong nơi ngục tù
Chợt thoáng chút hương xưa
Sao đắng cay không ngờ
Thương tuổi xanh, phôi pha đợi chờ
Đành sống với ước mơ
Năm tháng trôi hững hờ
Mong thời gian nhiệm mầu
Làm người quên bao nỗi thương đau
Lời thề xưa đêm sáng muôn sao
Hẹn cùng ta muôn kiếp bên nhau
Xin đợi chờ, anh sẽ về, chung sống dài lâu.

Một người, mà cái tên cũng đủ nói lên tấm lòng của anh: Nguyễn Thi Ân . Có lẽ khi song thân anh đặt tên cho anh, đã nhìn thấy ý muốn của Chúa (Ân là một tín hữu Tin Lành rất ngoan đạo) gửi gắm vào anh. Anh rất nhân hậu, điềm đạm và rộng rãi chia sớt với hay bất cứ ai đến hỏi xin anh, dù thân hay sơ, hay dù chưa quen biết. Anh lại là một người ngoan đạo. Tôi chưa thấy anh bỏ một lần cầu nguyện nào trước các bữa ăn. Mỗi lần thăm nuôi, anh giao tất cả thức ăn cho bạn cùng mâm. Muốn cho ai thì cho, muốn lấy gì ăn thì lấy. Trong điều kiện thiếu thốn, đói khát ở trại tù, mà xử sự như thế thật hiếm có trên đời.

Tôi sực nhớ đến Thiếu tá Bửu Chí, làm đội trưởng đội nông nghiệp một thời gian dài. Anh hiền lành và vui vẻ. Tuy nhiên trong cương vị đội trưởng, anh phải thúc dục chúng tôi làm việc để khỏi bị rầy rà. Tôi rất ân hận vì đã có vài lần nóng nảy xúc phạm anh. Giờ này trên hành tinh bao la này, không biết anh đang sống nơi đâu. Xin anh rộng lòng tha thứ cho đứa em hỗn láo này. Tôi vẫn quý mến anh và cầu chúc anh một cuộc đời an lạc, phù hợp với bản chất hiền hoà của anh..

Vào những thời điểm tương đối dễ chịu, mỗi tốì chúng tôi thường quây quần nghe kể chuyện. Có ba người nổi tiếng về tài kể chuyện. Một anh tù chính trị còn trẻ gốc ở Ban Mê Thuột mà tôi đã quên tên. Người thứ hai là Thiếu tá Phan Vĩnh Thánh (phi công L-19) chuyên kể chuyện vui. Người thứ ba là Võ Xuân Hy . Hy là cựu Hướng đạo sinh ở Huế; dáng cao cao, đẹp trai và dễ mến. Hy kể chuyện rất có duyên và hấp dẫn. Anh thường đệm hai tiếng “biết chưa” như ta thường dùng “you know” khi nói chuyện bằng Anh ngữ tại Hoa Kỳ. Từ truyện kiếm hiệp Kim Dung đến các loại truyện trinh thám kiểu Hoàng Hải Thủy. Anh thuộc lòng từng tên nhân vật, từng chi tiết; mà có khi anh còn thêm thắt cho tăng phần hấp dẫn.

Cả hai anh Thiên ÂnXuân Hy đều là những sĩ quan bất khuất và tư cách vững vàng. Họ là những tấm gương cho nhiều anh em khác noi theo.

Vào giữa năm 1980, trại cho gọi khoảng 40 người để yêu cầu viết lý lịch chi tiết, mà chúng tôi gọi đùa là “tiểu sử đời tù”. Họ cung cấp giấy bút không hạn chế, và cho thời gian cũng vô hạn:

– Các anh cứ thư thả, suy nghĩ cho kỹ. Viết cho thật đầy đủ, thật chính xác, thật nhiều chi tiết về cuộc đời mình từ khi sinh ra cho đến ngày hôm nay. Đừng giấu giếm điều gì, vì cách mạng đã biết hết về các anh.

Biết hết rồi thì bắt viết làm gì? Rõ xạo. Tuy nhiên, chúng tôi cũng cứ lợi dụng thời gian này để khỏi đi ra ngoài cuốc đất; ở trong trại lại có dịp “ca cóng” , tha hồ liên lạc tiếp xúc trò chuyện với các anh từ các nhà khác tụ họp lại.

Vì không có ai theo dõi ra mặt, chúng tôi cứ lề mề lo chuyện riêng tư cho đến gần 9 giờ sáng, mới đem giấy viết ra bắt đầu. Đến chừng ba bốn giờ chiều là kéo nhau xuống nhà bếp đun nấu thức ăn.

Chuyện thửa còn bé thơ rồi đi học tiểu học thì mấy ai nhớ được. Thay vì viết các chi tiết hệ trọng, chúng tôi viết ba hoa những đoạn văn tả cảnh, tả tình lê thê kéo dài hàng chục trang giấy. Vì trại ra chỉ tiêu mỗi ngày phải viết vài ba trang, tôi đã viết với khổ chữ lớn mà đứng xa chục mét vẫn có thể đọc được. Lại viết hàng đôi, nên mỗi trang nhiều lắm chừng vài chục chữ.

Ba tuần sau, trại đã thấy âm mưu kéo dài của chúng tôi, nên bắt chúng tôi phải tập trung lại trong những nhà ăn và không cho đi đâu cả.

Nhiều anh đã chán nản bỏ cuộc. Họ viết vội vàng cho xong rồi giao nộp. Từ gần bốn chục anh, chỉ còn lại khoảng năm anh. Cán bộ trực trại xách còng vào còng chân chúng tôi vào chân bàn từ sang cho đến chiều để chúng tôi khỏi chạy lui chạy tới, ca cóng linh tinh.

Có lẽ tôi đã viết hơn trăm trang giấy mà vẫn chưa nói hết giai đoạn ở quân ngũ. Chỉ riêng việc tả cảnh Đà Lạt, tôi đã xài hết hơn mười trang giấy. Sau khoảng 40 ngày, chỉ còn lại Phạm Chí Thành và tôi. Rồi trại mất kiên nhẫn trước, ra lệnh chúng tôi ngưng viết, trở về đội đi lao động như cũ.

Phạm Chí Thành đã ở xà lim nhiều hơn ở tập thể trong suốt tám năm tù, nhưng không biết tại sao đã không chịu đi định cư trong chương trình Tị nạn HO. Đến nay, sau gần 20 năm, anh mới làm đơn xin đi. Nhưng do rắc rối nào đó, anh bị người phỏng vấn của Ủy Ban tái xét từ chối vì họ nghi giấy tờ giả mạo.

Có lẽ chúng tôi phải soạn một bộ “Who’s Who in Prisons” mới kể hết những người tù công chính trong các trại giam của Cộng Sản, những người mà ngày nay gặp lại, chúng tôi rất hãnh diện vì được từng quen biết với họ.

Điều đáng khâm phục không phải chỉ vì họ công chính, bất khuất; mà vì tấm lòng son sắt đối với lý tưởng sống mà họ từng theo đuổi, cho dù trong hoàn cảnh hoàn toàn vô vọng.

Ngày về giải phóng Sài Gòn đối với chúng tôi giờ chỉ còn trong ước mơ.

Tôi đã gặp em, bỡ ngỡ tình cờ.
Đôi mắt nai tơ, đến từ thành phố.
Ngục tù tối tăm, nói với cuộc đời,
Sài Gòn có vui, Sài Gòn có vui?
Em ngước nhìn tôi, cúi đầu nói nhỏ
Còn gì nữa đâu, thành phố mộng mơ
Sài Gòn dấu yêu, vẫn thường nhắc nhở
Sài Gòn chỉ vui khi các anh về
Tôi sẽ về, đòi lại quê hương đã mất,
Tôi sẽ về, cùng em lau khô giòng nước mắt
Đem tiếng hát cười, dâng đời khúc hát yêu thương
Cám ơn Sài gòn, Tôi sẽ trở về
Tôi sẽ về, quỳ bên Thánh giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu, cho tình yêu và cuộc sống
Tôi sẽ cùng em, dạo chơi phố xá thênh thang,
Cám ơn Sài Gòn, tôi sẽ trở về
Sài Gòn dấu yêu, Sài Gòn dấu yêu
Tôi sẽ trở về”
(Sài Gòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về / nhạc và lời Duy Trác)

A20 Đỗ Văn Phúc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét