19.12.11

TÔI ĐÃ GẶP Ở ĐÂY


Sau khi bị đánh đập, cùm kẹp đến liệt hai chân và rối loạn cơ tròn, không kiểm soát được đường tiểu tiện và đại tiện, tôi nằm chờ chết trong xà lim. Nhờ sự can thiệp tận tình của hai bác sĩ tù Trần Quý Nhiếp và Trần Văn Lịch, cộng thêm đề nghị của một phái đoàn Thanh Tra Y Tế từ trung ương, tôi được chuyển vào một bệnh xá nhỏ ở Phân Trại B, nơi giam giữ tù hình sự. Tôi đã sống chung với đủ mọi loại tội phạm: giết người, trộm cướp, hiếp dâm, lừa đảo, xì ke ma tuý …v. v.


Tôi đến đây
trong một lần đi trốn
khi đang trong cuộc một trò chơi lớn
trò chơi đấu tranh
nhìn quanh
tôi thấy toàn thú dữ

CHIẾC KẸP TÓC

Bài thơ này viết về sự việc có thật tại trại A 20 Xuân Phước. Nhân vật chính trong bài thơ là một anh bạn trẻ, tù chính trị có án tại nhà 4. Tôi đem bài thơ đến len lén tặng anh. Mấy ngày sau anh gặp tôi và nói “Tụi nó đạp gẫy cây kẹp tóc ; tôi đã nhờ gởi bài thơ của anh về tặng em gái tôi để thế cho cây kẹp. Chắc nó hiểu lòng tôi

Chiếc kẹp tóc xinh xinh
anh dành tặng cô em gái
ngày anh đi tù còn nhỏ dại
giờ đã bước vào tuổi mộng mơ
chiếc kẹp tóc đơn sơ
nhưng ấp ủ
biết bao tình thương
của nguời anh tha hương

16.12.11

TRIỆT THOÁI




A20 Lê Phi Ô

(Những cứ điểm mà việt cộng cần phải triệt-hạ trước khi tiến đánh Xuân-Lộc, Long-Khánh)

I/ Tháng 12/1974 Việt cộng mở chiến dịch "Tánh-Linh & Hoài-Đức" với mục đích đánh chiếm hai quận Tánh-Linh và Hoài-Đức thuộc tỉnh Bình-Tuy. Nếu thành công chúng sẽ cắt đứt được Quân-khu II và Quân-khu III tại cây số 125 thuộc Quốc lộ 20 đường đi Đà-Lạt và chúng cũng sẽ kiểm soát được ngã ba Ông Đồn nằm trên Quốc lộ I đây là con đường huyết mạch đi các tỉnh miền Trung, đồng thời bao vây và cô lập trước khi đánh chiếm thị xã Xuân-Lộc cửa ngỏ vào Saigon.

13.12.11

TRẬN CHIẾN CÔ ĐƠN !


(Những ngày cuối cùng của chi-khu Hoài-Đức/Bình-Tuy)

Cuối năm 1974, việt cộng mở chiến dịch "Tánh Linh - Hoài Đức" hòng đánh chiếm hai quận Tánh-Linh và Hoài-Đức thuộc tỉnh Bình-Tuy, nếu thành công chúng sẽ kiểm soát được một vùng lãnh thổ rộng lớn của 3 tỉnh Long-Khánh, Lâm-Đồng, Bình-Tuy và Quốc-lộ 20 đường đi Đà-Lạt tại cây số 125 thuộc xã Phương-Lâm, quận Định-Quán, tỉnh Long-Khánh (theo tài liệu của Dr. Nguyễn Đức Phương - London, tác giả "Chiến tranh VN toàn tập”).

16.10.11

PHỎNG VẤN 20 NGUYỄN VĂN MƯỜI


A20 NGUYỄN VĂN MƯỜI ĐÃ ĐÀO THOÁT
KHỎI NHÀ TÙ LỚN VIỆT NAM




Nguyễn Văn Mười (Mười rụng)


Kính thưa quý vị, chúng tôi được tin A20 Nguyễn Văn Mười, một cựu Thủy Quân Lục Chiến, một cựu lính trấn đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa cho đến ngày miền nam gãy súng, đã trải qua hơn 21 năm trong lao tù cộng sản, vừa đào thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam, đến tìm tự do tại Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan. Từ San Jose, phóng viên Kim Anh của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước đã liên lạc được với A20 Nguyễn Văn Mười và thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây:
Phóng Viên PTPNVNHĐN: Chào anh Mười, Thưa anh tôi là Phóng viên Kim Anh, của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước từ San Jose, xin chúc mừng anh đã đào thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam. Thưa anh xin anh giới thiệu với độc giả của PTPNVNHĐCN sơ lược về nhân thân, về những hoạt động của anh rồi những năm tháng lao tù và hành trình đi tìm tự do của anh được không, thưa anh?
A20 Nguyễn Văn Mười: Dạ thưa chị, tôi là Nguyễn Văn Mười, những người bạn tù thường gọi tôi là Mười Rụng, bởi khi bị bắt, trong thời gian điều tra, cùng với nhiều nhục hình khác, công an điều tra của CS đã đánh tôi một báng súng AK vào miệng, lấy đi của tôi 3 chiếc răng cửa.

9.10.11

Tình Buồn

Từ giã thư sinh đi làm lính trận
Lang bạt giang hồ gối đất nằm sương
Nhớ mái trường xưa với hàng hoa Phượng
Sắc đỏ rụng rơi phủ kín sân trường

Từ đạo quê hương ngập tràn khói lửa
Súng đạn quân thù xé nát làng quê
Thầy cũ, bạn xưa lên đường lánh nạn
Chinh chiến bao năm tôi vẫn chưa về

Rồi một hôm quân hành qua phố thị
Một màu tang phủ lấp mái trường xưa
Phượng xác xơ, tường vôi loang vết đạn
Bóng dáng bạn, thầy khuất nẻo mờ xa

Tôi quay bước hồn xót xa nhỏ lệ
Giữa quê nhà như lạc chốn xa xôi
Thôi từ đây lìa xa nơi chốn cũ
Ngửa mặt nhìn trời thầm gọi... Phượng ơi !

A20 Lê-Phi-Ô
25/04/2011




Lui binh



A20 Lê Phi Ô

I. Mở đầu:

Trận đánh tại Chi Khu Hoài Ðức (Võ Ðắt) và Chi Khu Tánh Linh tháng 12, 1974, Quân Khu 7 Việt Cộng đã sử dụng lực lượng khoảng 2 sư đoàn gồm có: Trung Ðoàn 33 Quyết Thắng, Trung Ðoàn 812 Sông Mao, Trung Ðoàn 4 thuộc Sư Ðoàn 6 VC tân lập. 

Ngoài ra, chúng còn có Trung Ðoàn E.211, 2 trung đoàn địa phương thuộc Lâm Ðồng và Bình Tuy, 2 trung đoàn Pháo & Phòng Không và một Tiểu Ðoàn D200 Ðặc Công.
- Tại Hoài Ðức (Võ Ðắt): Việt Cộng tấn công Liên Ðoàn 7 Biệt Ðộng Quân với gần một sư đoàn Bộ Binh và một trung đoàn Pháo tại khu vực Gia Huynh, ấp Chính Tâm 2 và ấp Chính Tâm 1 nằm phía Nam Chi Khu Hoài Ðức từ 10 đến 12 cây số đường chim bay… Mục đích của Việt Cộng là muốn tiêu diệt LÐ7/ BÐQ tại đây để không cứu viện được CK Hoài Ðức. Vị trí pháo binh 105 ly của Pháo Ðội Trưởng Nguyễn Hữu Nhân phải dời vị trí nhiều lần vì VC pháo khá chính xác. Những chiến sĩ dũng cảm Biệt Ðộng Quân đã đẩy lui nhiều đợt tấn công của địch, bẻ gãy ý định ngông cuồng của chúng, gây tổn thất nặng nề và làm giảm khả năng chiến đấu của Cộng quân (theo tin tức ghi nhận sau trận chiến).

30.9.11

Địa danh của tôi



Ý Cơ ( A20 Vũ Trọng Khải phu nhân )


Khi còn ở lứa tuổi học trò, trong giờ học môn địa lý, ngồi nắn nót vẽ bản đồ quê hương, hay được thầy chỉ cho xem, vị trí các quốc gia trên qủa địa cầu nho nhỏ, vào lúc đó, mình ao ước, sẽ có ngày được du lịch đến một quốc gia nào khác.

Nhưng bây giờ, vào lứa tuổi không còn trẻ, nghĩ lại, không nơi nào đẹp hơn quê hương mình.

Cuộc đời mỗi người, từ khi sinh ra cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, ai trong chúng ta có hai tờ giấy quan trọng. Để chứng minh cho sự hiện hữu của ta trong cuộc đời này, là giấy khai sinh, trên đó ghi rõ địa danh nơi ta chào đời, và tờ giấy thứ hai, giấy khai tử, trên đó cũng ghi rõ địa danh lúc lìa trần.


12.9.11

Tiễn biệt đồng môn Lại Tình Xuyên


Cánh Bằng Đã Gặp Bóng Mây

Đỗ Tiến Đức

Đám già chúng tôi lại vừa mất thêm một người bạn thân quí. Tin báo về Lại Tình Xuyên đã qua đời khiến bạn bè ai cũng bàng hoàng gọi điện thoại hỏi thăm nhau mà không ai biết gì hơn vì điện thoại của nhà Lại Tình Xuyên không ai nghe. Nhưng không ai dám nghĩ cái bản tin ngắn ngủi từ một đồng môn ở Seattle gởi đi là tin thất thiệt. Thế rồi điện thoại reo, tôi bắt lên, chưa kịp “alô” thì đã nghe tiếng òa khóc của chị Xuyên như tiếng vỡ của chiếc độc bình cổ từ tầng cao rớt xuống: “Anh Đức ơi, anh Xuyên mất rồi. Anh Xuyên bỏ chúng ta mà đi rồi”...

6.9.11

TRẠI GIAM XUÂN PHƯỚC


Hồi Ký 26 năm lưu đày

Thích Thiện Minh
CHƯƠNG 6
TRẠI GIAM XUÂN PHƯỚC:
NƠI RỪNG THIÊNG NƯỚC ĐỘC…
“THUNG LŨNG CỦA TỬ THẦN !”
1. NGƯỜI NỮ ANH HÙNG: THÁI THỊ KIM VÂN
Sau vụ đào tường trốn trại bất thành. Tôi bị cùm quyện suốt ngày đêm, bị cúp thăm nuôi, không được nhận quà gia đình đã hơn một năm, đôi chân teo nhỏ lại và gần như bại liệt, đôi mắt trở nên mờ, thân thể ốm dần. Bất ngờ một hôm có một sĩ quan an ninh đến tại cửa phòng và thông báo tôi phải chuẩn bị đồ đạc cá nhân di chuyển gấp, chưa đầy năm phút sau, họ đến mở cửa, anh em các phòng bên cạnh đến kè tôi ra xe … một chuyến đi xa chưa biết sẽ về đâu?.
Chúng tôi tất cả gồm 21 người, 20 người nam và 1 nữ như sau :
1. Ông Huỳnh Quang Tiên, nguyên Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Công binh tỉnh Bạc Liêu.
2. Ông Danh Hồng, nguyên Hạ sĩ quan Ban Quân nhạc Sư đoàn 21
3. Ông Trương Hồng Phến, nguyên Hạ sĩ quan Tiếp liệu Quân đoàn 4.
4. Quách Văn Hoạch, nguyên Hạ sĩ quan Tiếp liệu Địa Phương quân tỉnh Bạc Liêu.
5. Huỳnh Hữu, nguyên Sĩ quan Đà Lạt.
6. Nguyễn Hồng Phúc, nguyên Sĩ quan Thủ Đức.
7. Nguyễn Long Hội.
8. Thái Kim Lái.
9. Trương Văn Nam
10. Đặng Văn Hai
11. Trịnh Thanh Sơn
12. Lê Văn Tài
13. Võ Anh Dũng
14. Lâm Văn Hoàng
15. Nguyễn Văn Mạnh
16. Nguyễn Thanh Xuân
17. Nguyễn Thanh phong
18. Huỳnh Văn Ba
19. Lâm Hồng Sương
20. Lý Son
21. Chị Thái Thị Kim Vân, nguyên sĩ quan huấn luyện viên trường Nữ quân nhân.

5.9.11

Xuân Trong Mắt Nàng




Bài của A20 Phạm Ngọc Cửu


Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Cho đến chừng này tuổi đầu - cái tuổi mà nhiều người nói rằng: gần đất xa trời, tuy cuộc đời đã trải qua trăm cay nghìn đắng, córất nhiều điều muốn nhớ mà không có cách gì để moi ra thì vẫn có những dấu ấn tuổi thơ không bao giờ phai mờ, nó vẫn ngọt ngào, vẫn thanh tao thanh khiết. Nó hiện đến vào cái lúc cô đơn, bốn bề là bóng tối vây bọc, là rét lạnh tê cứng xương da, là cơn nóng ập xuống ngột ngạt, là cái nhức nhối của cái móng cùm cứa vào ống chân, là mùi tanh tửi của phân, nước tiểu... nhờ có nó mà mùa Đông đi qua, muà Hè xuất hiện, tôi đã vượt qua được, sống được để khi cánh cửa sắt nặng nề rít lên với sức lực của tay tù hình sự trẻ tuổi ỳ ạch mở ra, tôi phải nhắm mắt vì ánh nắng đã làm nhức nhối không sao chịu được. Người tù hình sự đã dìu tôi đứng lên để nghe đọc lệnh tha ra khỏi xà lim, sau đó mở cùm và tiếp tục dìu tôi vượt qua khoảng sân rộng của trại giam để về đến chỗ của đội... Anh em đồng cảnh với nhiều cánh tay đón tôi vào chỗ nằm, tôi lả đi, mê mệt, bên tai là âm thanh của tiếng nói quen thuộc mà đã gần cả năm tôi không có dịp nghe...

28.8.11

Gửi người cô phụ


(cảm tác theo TÌNH NGƯỜI CÔ PHỤ thơ của văn hữu Uyên Thúy Lâm)



Em yêu dấu ! nước non mình khói lửa
Nợ núi sông anh khoác áo chinh nhân
Từ giã nhau, sân ga buồn lặng lẽ
Chân bước đi lòng cứ mãi ngập ngừng

Thôi em nhé từ đây mình xa cách
Đời chiến chinh đâu biết được ngày về
Hẹn ngày mai khi tàn cơn binh biến
Anh sẽ về với sông nước, tình quê

Từ thuở ấy anh đi vào sương gió
Chiến y xưa thấm máu bạn, máu thù
Có những lúc dừng quân nơi lũng thấp
Tiễn bạn mình vào giấc ngủ thiên thu

Rồi từng buổi lăn mình trong lửa đạn
Vẫn còn mơ - em… áo trắng sân trường
Anh cầu nguyện lần nào mình gặp lại
Một đóa hoa rừng trên tóc em thương

Mà em ơi ! quê mình còn khói lửa
Giặc thù còn bom đạn ngập làng quê
Đất nước tang thương, tình mình - đành hứa
Hãy để anh đi mai mốt anh về

Ôi ! tháng tư nào trong cơn biến động ?
Em lạc quê người - anh tận rừng sâu
Mình mất nhau tình yêu còn đâu nữa
Anh cúi đầu... gánh hết những thương đau !


A20 Lê Phi Ô
5/2011






23.8.11

Hoài Niệm


A20 Lê Phi Ô

(Trích đoạn một trong những câu chuyện thật xảy ra trong thời chinh chiến.)

……….

9 tháng quân trường,

12 năm chiến đấu,

7 năm trong trại tù “cải tạo” tập trung.


Sống và lớn lên trong lửa đạn, gian lao và tù đày... thời gian đã tạo cho tôi một hình hài già nua... cằn cỗi.


Bây giờ thì bạn bè mỗi đứa một phương, người tình rồi cũng bỏ tôi mà đi... Xen lẫn trong quá khứ kiêu hãnh là một hiện tại... trống vắng, cô đơn và nhiều... nuối tiếc !


Có nhân...! Cố nhân... xa rồi ! Biết đến bao giờ ta gặp lại cố nhân để được sống lại những lúc huy hoàng trong sắc mùa chinh chiến cũ...!!!


“Người ta đi lính mang lon,

Chồng em đi lính mang xoong mang nồi!”


Hạ Sĩ I Thí, hỏa đầu quân, cùng binh nhì Long đang khiêng cái chảo gang to tổ bố lên gần tới đỉnh đồi... bỗng ông nghiêng vai hất cái đòn gánh làm cái chảo vừa to vừa nặng rơi xuống đất nghe một cái... “bịch” và B2 Long khiêng phía đàng trước suýt té ngửa theo cái chảo. Hạ Sĩ I Thí chửi thề: “Tiên sư cha thằng nào mới nói đó?” rồi ông quắc mắt nhìn chầm chập vào mặt B1 Niên đang đi gần đó.


Ông chửi tiếp: “Mẹ... mày, mày mang chỉ mỗi cái ba-lô. Ngoài cái ba-lô, tao còn mang ruột tượng gạo và khiêng cái chảo nữa... Mệt thấy mẹ, mày không khiêng phụ... còn móc lò nữa hả thằng khốn kiếp?! ... Lát nữa, tao đéo nấu cơm, cho tụi mày đói thấy mẹ tụi mày luôn!” Chửi xong, ông vất cái ba-lô đang mang xuống đất thật mạnh làm cái xoong cột trên ba-lô méo một bên.


B1 Niên nín khe. Nó không ngờ câu nói đùa đã khiến Hạ Sĩ I thí nổi cơn điên như vậy! Mà không điên sao được. Từ sáng đến giờ, Hạ Sĩ I Thí lu-bu với các vật dụng nhà bếp không có cả thì giờ ăn sáng, bụng đói còn phải khiêng cái chảo to nặng lên đồi cho kịp nấu cơm trưa cho cả đại đội... ăn. Mặc dù đã đổi phiên cho hai anh hỏa đầu quân khác khiên chảo rồi, nhưng vì... HS1 Thí lớn tuổi, người lại gầy nhom ốm yếu và lại còn leo đồi giữa trưa nắng cho nên ông mệt muốn... đứt hơi mà lại còn bị cái “thằng khốn nạn” chọc quê, không tức sao được

!


Tối hôm đó, thằng Niên mon men lại gần HS1 Thí, ông Thí trừng mắt ngó nó như muốn đổ lửa. Thằng Niên ấp úng: “Bố, hồi trưa...” HS1 Thí giận dữ: “Bố cái con c..., ai cho mày gọi tao là bố. Mày mà còn giở trò chọc ghẹo nữa, tao phang cho cái xẻng chết mẹ bây giờ!” Thằng Niên thành khẩn: “Hồi trưa con lỡ nói chơi khiến bố giận, con xin bố tha lỗi cho con !” Nó ấp úng tiếp: “Bố đừng buồn con... nha bố !”


Vẻ mặt thằng Niên thành khẩn đến độ thiểu não. HS1 Thí có vẻ nguôi giận, ông nín thinh một hồi rồi đột nhiên ông thấy tủi thân, ông... khóc. Thằng Niên hoảng hốt, nó ôm chầm hai vai HS1 Thí và nó cũng khóc!


Lỗi này là do nơi ông đại đội trưởng. Mới đổi về, ông có ý tốt, chọn những người ốm yếu, lớn tuổi, và nhất là HS1 Thí cũng sắp giải ngũ vì lý do gia cảnh nên ông cho họ ở ban hỏa đầu vụ để đỡ phải hành quân, phục kích đêm... Có lẽ ông nghĩ công việc này nhàn hạ, chỉ ngày hai buổi đi chợ nấu cơm, mà đâu dè cũng là gánh nặng mà ông không biết.


Người ta nói “quả báo nhỡn tiền” đôi khi cũng đúng. Ðơn vị tôi đột kích vào mật khu Việt Cộng. Bọn du kích bỏ chạy, chúng tôi tịch thâu được vài khẩu Carbine, súng Mas. 36, 3 bao gạo, vài chục ký cá khô và cá hộp, v.v... B1 Niên tịch thu được một cái thau nhôm thật lớn, định bụng sẽ tặng ban hỏa đầu vụ, có lẽ tặng HS1 Thí thì đúng hơn.


Nó ôm cái thau trước bụng. Khi di chuyển người đi trước chạm vào nhánh cây thấp và nhánh cây bật ngược đập vào cái thau nghe leng keng. Trung đội trưởng bảo nó úp cái thau vào phía sau đít mà đi, tránh gây tiếng động kẻo bọn Việt Cộng sẽ nghe thấy. Lúc leo dốc, không hiểu B1 Niên trợt chân thế nào mà lại té ngồi lên cái thau... và cứ thế, cái thau như một vật trượt tuyết chở nó lao xuống đồi thật nhanh, va vào hết cây này đến cây kia, các nhánh cây thì quất vào thau, vào người nó tơi tả. Mọi người cố chạy theo cứu nó nhưng không kịp. May sao, một bụi gai tre chận nó lại... cái thau thì móp méo và thủng cả đáy, đít thằng Niên bị trầy trụa rướm máu, còn cái mỏ nó thì bị so le vì bị cây đập vào môi trên sưng vù. Nếu không có bụi gai tre cản lại có lẽ cái thau đã lôi tuột nó xuống đường thông thủy đầy đá lởm chởm thì chỉ có chết hoặc ít ra cũng gãy tay gãy chân. Mọi người vừa thương hại vừa tức cười. Thật đáng đời cái thằng hay nghịch ngợm, hay chọc phá người này đến người nọ. Một người nói: “Ðúng là người gian mắc nạn!”


Chưa hết...


Cạnh đồn có nhà ông Năm Giáp. Ông có hai đứa con trai lớn đều đi lính ở xa, ở nhà chỉ còn hai vợ chồng già và cô con gái út. Cô Thơm vừa tròn 17 tuổi trông rất... mát mắt. Mấy ông lính nhà ta, nhất là... mấy ông nhóc quân dịch tuổi chừng 19, 20 thường lân la đến nhà cô Thơm thăm... hai bác !


Thằng Long là một trong đám lính đó. Nó “lết bánh” vì cô Thơm. Ngày nào không ghé qua nhà ông Năm Giáp là ngày đó nó thẫn thờ như người mất hồn. Nó thường khoe với bạn là nó thương cô Thơm lắm, thương cũng bằng thương má nó ở nhà và cô Thơm cũng thương... nó nữa! Bất cứ một tân binh nào mới đổi về nó cũng rủ ra nhà cô Thơm... thăm ông bà Năm.


Một hôm, nó vừa bước ra sau vườn thì thấy cô Thơm đang hái me, vừa nhảy cao vừa lấy cây đập nhưng cô Thơm vẫn không làm sao hái được me. Thấy thế, thằng Long nhào tới giúp liền. Nó ấp úng: “Thơm để đó, tôi... hái ‘giùm’ cho” và nó nhanh nhẹn cởi giày, cởi quần trận ra, leo một thoáng là đã ngồi trên cháng ba của cây me.


Nó đứng trên một nhánh lớn, tay trái vịn vào một nhánh khác, tay phải với tìm những trái me “giốt,” loại me gần chín, hái lia lịa và liệng xuống cho cô Thơm lượm.


Nhưng... khi nhìn xuống thì không thấy cô Thơm đâu cả! Nó hỏi thằng bạn đứng dưới gốc: “Ê, Xuân! Thơm đâu rồi?” Thằng Xuân trả lời: “Ði rồi!” Thằng Long ngạc nhiên: “Ủa! Ði đâu vậy ?” Thằng Xuân ái ngại: “Tao không biết, nhưng chắc đi luôn rồi. Thôi... xuống đi.”


Nghe Xuân nói vậy, Long vội tuột xuống, mắt nhìn dáo dác: “Sao bỏ đi đâu vậy ?” Thằng Xuân thấy tội nghiệp bạn mình: “Gặp tao, tao cũng đi nữa là... cô Thơm.” Thằng Long chưa hiểu, lẩm bẩm: “Sao bỏ đi vậy cà!?” Giọng thằng Xuân trở nên gắt gỏng: “Mầy là cái thằng cà chớn! Leo cao hái me mà lại mặc quần xà lỏn, cái quần... rộng rinh. Cô Thơm đứng dưới nhìn lên thấy mẹ nó... hết rồi !” Thằng Long lại vẫn chưa hiểu: “Thấy cái gì?” Tức quá, Xuân nói như gây lộn: “Thấy trái me... của mầy chứ thấy gì!” Lúc nầy, thằng Long mới hiểu, nó sượng chín người, mặt đỏ bừng lên nhưng cặp mắt thì như đứng tròng. Nó lúng ta lúng túng trông thật tội nghiệp, rồi bất thần nó nhắm hướng đồn đi nhanh như chạy, làm thằng Xuân chạy theo muốn hụt hơi.


Từ đó, cô Thơm tránh mặt nó. Mỗi lần đi chợ, ngang qua cổng đồn thì cô Thơm đi vòng ra sau dãy nhà đối diện đồn để khỏi đụng mặt thằng Long. Và thằng Long thì không dám đến nhà ông Năm Giáp nữa... Mỗi khi bất chợt thấy bóng dáng một người con gái xa xa là nó vội tránh mặt liền vì sợ phải gặp mặt cô Thơm. Cũng từ đó, suốt ngày nó lẩn quẩn trong sân đồn, thỉnh thoảng liếc mắt nhìn về hướng nhà cô Thơm, buông những tràng thở dài nghe mà đứt... ruột. Và cũng từ đó, hai người xa nhau, xa nhau chỉ vì một lý do... thật lãng nhách!


Rồi...


Ðơn vị tôi di chuyển vào trong rừng để truy lùng một đơn vị địch quân cấp tiểu đoàn mà cách đây hai ngày chúng đã phục kích quân ta tại khu vực cầu Lăng Quăng, ranh giới của xã Võ Xu, Hoài Ðức, và xã Duy Cần thuộc quân Tánh Linh, Bình Tuy, gây thiệt hại trung bình cho ta, trong đó có hai sĩ quan bị tử thương là Ðại Úy Hiếu, Chi Khu Phó CK Tánh Linh, và Ðại Úy Khải, Ðại Ðội Trưởng ÐÐ.720/ ÐPQ.


Khoảng 9 giờ sáng, đang di chuyển thì bỗng nhiên cánh quân phía trước khựng lại, tôi chụp ống liên hợp từ tay âm thoại viên hỏi cánh quân đi đầu: “Một... Trung Hiếu... gọi.” (Im lặng vô tuyến). Tôi gọi tiếp... cũng không nghe tiếng trả lời. Tôi lại gọi với giọng gắt gỏng: “Trung Hiếu gọi Một nghe rõ không, nói đi.” Vẫn im lặng, tôi điên tiết... phóng vội lên phía trước định đập anh âm thoại viên Trung Ðội 1 một trận, vì đối với đơn vị tác chiến nhất là đang di chuyển trong vùng có địch thì sự liên lạc vô cùng quan trọng, gọi chưa dứt lời là phải có sự đáp trả tức khắc.


Vừa được mấy bước thì thấy vài anh lính chạy ngược lại, mặt mày hơ hãi... Tôi ngạc nhiên! Lại một tốp lính nữa chạy ngược về phía sau và mặt mày người nào cũng có vẻ hốt hoảng, tôi quát khẽ: “Ðứng lại, cái gì đó?” Họ không trả lời mà còn chạy nhanh hơn. Thật là quái đản !? Tôi chưa kịp hỏi tại sao thì cả đám lính phía trước ùa chạy ngược lại phía sau... mặt họ trông càng khiếp đảm hơn! Lập tức, tôi cho dàn đội hình tác chiến.


Chuẩn Úy Minh, Trung Ðội Trưởng Trung Ðội 1, đi đầu, tay ôm mặt, tay vịn nón sắt chạy vụt qua mặt tôi ngược chiều. Tôi vói tay chụp cái ba-lô kéo giựt Chuẩn Úy Minh lại và nói như thét: “Ðứng lại! Tại sao chạy ?” Chuẩn Úy Minh không nói mà lại đưa một ngón tay chỉ về phía sau lưng hướng lên trời và lại bỏ chạy thật nhanh.


Tôi quá đỗi kinh ngạc! Cái gì làm cho họ sợ đến như vậy?! Nếu gặp Việt Cộng thì họ nổ súng, đàng này... hoàn toàn không có một tiếng súng nào cả! Hay họ gặp thú dữ? Ðiều này cũng không đúng vì rừng này làm gì có cọp beo, chỉ có voi thôi. Nhưng lính tráng súng ống đầy trời như vậy thì cả trăm con voi đi nữa cũng đâu có thể làm họ sợ đến như vậy!? Hay là họ gặp... ma? hoặc gặp... quỷ gì đó?! Nhưng quỷ ma thì chỉ sợ lính chứ lính làm gì sợ ma quỷ!!! Và cứ thế, cả đoàn quân âm thầm bỏ chạy gần hết. Phía trước tôi... bỏ chạy, phía sau tôi... bỏ chạy, chính giữa... ngay cả anh truyền tin mang máy cho tôi cũng... bỏ chạy! Tôi bắt đầu rúng động bởi hiện tượng kỳ quái này mà chỉ có trong sách kiếm hiệp của Kim Dung may ra mới có... Thì, một cái gì, một vật gì thì đúng hơn, nhỏ cỡ ngón tay,... Không phải một mà... là hai, rồi ... ba, chạm mạnh vào má, vào trán tôi đau đến nhảy dựng lên và nước mắt, nước mũi tôi túa ra... Tôi chợt hiểu và bây giờ thì tới phiên tôi... bỏ chạy!!!


Thì ra thằng ôn dịch nào đi đầu... không biết mắt mũi để ở đâu mà nó lại lủi nhằm phải ổ ong vò-vẽ. Lũ ong giật mình hốt hoảng bay túa ra và khi nhận diện được... kẻ thù, bọn chúng xông vào tấn công tới tấp. Khổ nỗi là cánh quân của tôi lại quàng khăn đỏ. Trong rừng, màu đỏ tương phản với màu xanh của cây lá nên bọn ong thấy rất rõ “kẻ thù” nên tấn công rất chính xác. Chạy tới đâu, bọn chúng rượt theo tới đó. Có người bị chích rồi... con khác lại bu vào chích tiếp... quyết không tha.


Ðang chạy trối chết thì có ai đó la lớn: “Liệng trái khói... Liệng trái khói!” thế là đủ các màu vàng, đỏ, tím,... tuông ra mù mịt... Lính tráng lớp bị ong chích, lớp bị hít phải khói màu ho sặc sụa, rên hù hù, trong đó có tôi! Nhưng tất cả phải gồng mình ráng chịu... vì ra khỏi vùng có khói thì sợ ong chích. Khói màu làm lũ ong sợ hãi, chúng không dám đáp xuống tấn công nữa mà lại bay tít tận ngọn cây, quầng qua quầng lại cả ngàn con trông thấy phát ớn lạnh. Tôi từng xem phim The Longest Day... cảnh máy bay đồng minh tấn công quân Ðức tại mặt trận Normandi nhưng vẫn còn thua xa đám máy bay... ong này.


Chưa hết! Trong khi anh em liệng khói màu để cản bầy ong thì... một ông tân binh đứng cạnh tôi hoảng hốt, đưa tay lôi trái lựu đạn đeo nơi dây ba-chạc phía trước ngực định rút chốt, may mà tôi nhìn thấy và ngăn cản kịp lúc nếu không thì... chắc chết cả đám. Vì, thấy người ta liệng khói màu, ổng cũng tưởng là ổng có... khói màu!


Coi như cuộc hành quân... thất bại! Cánh quân trên trăm người chạy tán loạn trong rừng và lạc nhau gần hết. Tới 4 giờ chiều tối chỉ gom lại được phân nửa. (Ong vò-vẽ thường làm ổ ở các lùm bụi thấp chứ không làm trên cao như loại ong mật.)


Ðịnh bắn súng gọi những người đi lạc nhưng lại sợ lộ mục tiêu cuộc hành quân nên tôi gọi pháo binh xin bắn đạn khói. Ðài tác xạ gọi tôi xin cho tọa độ, tôi bảo: “Bắn đâu cũng được... không cần tọa độ !” Họ tưởng tôi điên nên không chịu bắn. Tôi gọi tiếp, họ trả lời là... Họ chưa bao giờ gặp một đơn vị hành quân nào xin bắn pháo binh mà không cho biết... tọa độ! Nghe họ nói, tôi hơi bị “quê” một phút, và tôi bắt đầu giải thích... Văng vẳng trong máy, nhiều chuỗi cười rộ làm tôi thấy “quê” thêm. Thực ra, tôi chỉ muốn anh em chạy lạc trong rừng họ nghe được tiếng súng đại bác 105 ly depart họ sẽ biết hướng chi khu nằm ở đâu để họ tìm đường về. Thế thôi.


Người tôi mệt lả vì cả ngày chẳng có hột cơm vì còn phải lo chạy giặc... ong, phần bị ong chích bắt đầu lên cơn sốt. Loại ong này độ 20 con thôi... chích vào một con trâu thì trâu cũng chết huống chi là con người. Cả đoàn quân khi ra đi thì... Trời nghiêng Ðất lở... bây giờ thì chỉ còn lại một đám bại xụi, đứa thì rên, đứa thì khóc hu... hu vì đau nhức quá không chịu nổi !


Ðêm đó, bệnh viện Quân Dân Y đầy ắp người. Cả hàng trăm người tụ tập ở đó, vừa lính... “bại trận,” vừa thân nhân của họ. Có điều khác lạ là thân nhân không khóc, không kể lể rên rỉ như những lần lính được tải thương từ mặt trận, mà lần này... lính càng rên thì thân nhân, cười rất... vui vẻ, cười rất sảng khoái. Kiểm điểm lại, có bảy ông “bại binh” phải chở vào Tổng Y Viện Cộng Hòa, hơn 20 chục ông phải nằm lại bệnh viện Quân Y để điều trị tiếp, còn lại bao nhiêu trở về hậu cứ để cho y-tá tiểu đoàn chăm sóc.


* * *


Ðã 32 năm trôi qua... kể từ tháng 4-1975 mà nỗi đau thương, bất hạnh đã đổ chụp xuống đất nước và trên đầu dân tộc chúng ta. Cho dù có còn kéo dài bao lâu đi nữa... tôi vẫn không bao giờ quên được những năm tháng tuổi trẻ trong đời, những tháng năm mà tôi đã sống cho lý tưởng, cho tình yêu và cho những nồng ấm trong tình chiến hữu, cho đời lính buồn nhiều hơn vui và đầy bất trắc.


Mỗi tháng 4 về là thời gian làm cho hoài niệm trong tôi bùng lên mãnh liệt nhất. Tôi nhớ bạn bè tôi, tôi nhớ đồng đội tôi, và tôi cũng thấy nhớ chiến trường xưa loang lửa đạn. Những chuyện tôi kể trong bài này là những đặc điểm của từng người làm tôi không bao giờ quên họ được. Ðã 32 năm rồi, đây là lần đầu tiên tôi mới kể ra, kể ra để san sẻ, để vơi bớt trĩu nặng tâm tư và cũng để... biết đâu, tôi sẽ không còn dịp để kể.


Tôi không muốn kể những chuyện vui nhất là trong Tháng Tư Ðen, đối với tôi đây là những chuyện buồn... Vì những người tôi vừa đề cập đến... họ đã không còn nữa! Họ đã ra đi vĩnh viễn vào một thế giới nào xa xăm khác với thế giới chúng ta đang sống, và... tất cả những người này đã gục ngã vì đạn thù trên bước đường lui binh trong trận chiến Võ Ðắc tháng 3 năm 1975 !


Lê-Phi-Ô

Cựu tiểu-đoàn-trưởng TĐ344/ĐP Bình-Tuy