5.9.11

Xuân Trong Mắt Nàng




Bài của A20 Phạm Ngọc Cửu


Nhà nàng ở cạnh nhà tôi
Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn
Cho đến chừng này tuổi đầu - cái tuổi mà nhiều người nói rằng: gần đất xa trời, tuy cuộc đời đã trải qua trăm cay nghìn đắng, córất nhiều điều muốn nhớ mà không có cách gì để moi ra thì vẫn có những dấu ấn tuổi thơ không bao giờ phai mờ, nó vẫn ngọt ngào, vẫn thanh tao thanh khiết. Nó hiện đến vào cái lúc cô đơn, bốn bề là bóng tối vây bọc, là rét lạnh tê cứng xương da, là cơn nóng ập xuống ngột ngạt, là cái nhức nhối của cái móng cùm cứa vào ống chân, là mùi tanh tửi của phân, nước tiểu... nhờ có nó mà mùa Đông đi qua, muà Hè xuất hiện, tôi đã vượt qua được, sống được để khi cánh cửa sắt nặng nề rít lên với sức lực của tay tù hình sự trẻ tuổi ỳ ạch mở ra, tôi phải nhắm mắt vì ánh nắng đã làm nhức nhối không sao chịu được. Người tù hình sự đã dìu tôi đứng lên để nghe đọc lệnh tha ra khỏi xà lim, sau đó mở cùm và tiếp tục dìu tôi vượt qua khoảng sân rộng của trại giam để về đến chỗ của đội... Anh em đồng cảnh với nhiều cánh tay đón tôi vào chỗ nằm, tôi lả đi, mê mệt, bên tai là âm thanh của tiếng nói quen thuộc mà đã gần cả năm tôi không có dịp nghe...

Dấu ấn biến mất - không - nó không biến mất, nó lui vào nằm im ở một chỗ nào đó trong ký ức, nó nhường chỗ cho những chuyện hàng ngày, chuyện lao động, chuyện kiểm điểm, chuyện học tập... để rồi nó xuất hiện khi khi có ai đó ngâm lên với giọng trầm trầm, buồn buồn của hai câu thơ nói trên hay hai câu thơ khác:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân

thì tôi nhớ đến nàng và thế nào nàng cũng đến với tôi khi tiếng kẻng báo giờ đi ngủ và tôi nằm xuống trên chiếc chiếu của mình, cái thế giới riêng được chiếc mùng che chắn mà không phải chờ đợi nàng đã hiện diện.
Nàng: cô bé hàng xóm của tôi, kém tôi 3 tuổi cách nay 55 năm, tay chân khẳng khiu, chiếc cổ nhỏ nhắn, mái tóc nâu màu của nắng gió cũng như phần da thịt mà bộ quần áo ngắn tay, ống quần chỉ lưng chừng ống quyển... nàng không khác những cô bạn cùng lớp tuổi lớn hơn hay nhỏ hơn trong làng lúc bấy giờ, nhưng đôi mắt của nàng với tôi có một điều gì đó thật lạ lùng, luôn luôn thu hút và đôi mắt đó đã đến trong những giờ phút cô đơn vây bọc, tối tăm, bị đàn áp đe dọa. Và cũng thật lạ lùng đôi mắt ấy chỉ là của tôi ở thời kỳ ấy mà thôi?
Buổi sáng, khi nắng vàng trải kín một phần của chiếc sân gạch khá rộng trước thềm nhà, không gian trở thành im vắng vì trâu bò đã được mở chuồng, người lớn ra đồng, đi chợ... Tôi đã làm xong phần công việc nhà được giao phó: quét nhà trên nhà dưới, lau bàn ghế, múc nước từ giếng đổ vào chum, rải một bơ thóc cho đàn gà đang chờ đợi đầu hè, ăn sáng với cơm nguội và miếng đường chang, tôi phải lo công việc thứ hai mà Ba tôi luôn nhắc trước khi rời nhà:
- Nhớ làm xong công việc rồi ngồi vào bàn học bài...

Ngồi vào bàn học, ba tôi nhấn mạnh vì ông biết nếu không thể hiện nó trong âm sắc thì chiếc võng đang tòn ten giữa nhà sẽ quyến rũ tôi cầm sách nằm đong đưa để thời gian không lâu giấc ngủ sẽ đến.
Tôi ngồi vào bàn học, các bài toán tập trước mắt - từ nhỏ và cho đến tuổi đời lúc này, tôi ghét các con số - nói chung là môn toán, ở bậc tiểu học, ba cái động tử cùng chiều ngược chiều đã làm tôi điêu đứng với các lần bị thước kẻ lên bàn tay, bị bẹo tai bởi thầy giáo. Thầy được quyền làm điều đó do chức năng đã đành mà thầy còn được ba tôi đến tận nhà xin thầy không nương tay:
- Trăm sự nhờ Thầy... thương cho roi cho vọt...

Nhưng khi tôi ngồi vào bàn học, bên kia chấn song cửa sổ mở rộng, trước mắt tôi là tàng ổi đang có những nụ hoa màu trắng các chú ong đang bay vù vù, là cây bưởi thanh trà - cây bưởi độc nhất trong làng mà chỉ có nhà tôi trồng với giống ba tôi xin được lấy đâu từ ngoài Huế, tàng cây lớn, sum sê vì nó được hưởng ưu tiên chăm sóc không chỉ phân bón mà còn nước tưới, các cây khác chỉ hai hay ba đôi gầu thì nó phải năm. Bù lại thì trái nhiều, trái không lớn như bưởi hồng, bưởi bánh xe, núm nhòn nhọn và không the, ngọt. Cơm vỏ không dày, trong miệng càng tăng thêm hương vị... khiến ăn cả trái dễ dàng và không cần phải chấm muối ớt.
Cây bưởi này cũng lạ, ngày đó việc chiết cành chưa ai biết, muốn trồng nó phải lấy hạt ương; bưởi lấy từ hạt phải sau năm năm mới có trái, cùng giống nhưng chưa chắc đã ngon, đã ngọt như giống nhà tôi. Cây bưởi cũng đã cho tôi một số kỷ niệm. Tôi đã cùng nàng ngồi bên nhau trên khúc gỗ dưới gốc, tôi lột bưởi để hai đứa cùng ăn, nàng nhìn tôi lột vỏ bưởi, đôi mắt - lại đôi mắt để có lúc sau này lớn lên tôi bắt gặp đâu đây lời cắt nghĩa: "mắt là cửa sổ của tâm hồn" hay "trong đôi mắt anh em là tất cả" hay có lần tôi đã bạo dạn: "mắt em cho anh biết em yêu anh..."
Vì cây bưởi có một không hai này, nên má tôi không phải mang xuống chợ Ninh Hòa (chợ Dinh) cách gần hai cây rưỡi số để bán; các cô cậu choai choai ở dưới phố rủ nhau năm ba cặp đèo xe đạp lên tận nhà mua. Những năm tháng tôi còn học bậc tiểu học thì việc leo lên hái bưởi để bán là việc thường - phải hái vì nếu dùng sào thọc, bưởi rụng sẽ bị dập không để được lâu. Nhưng khi tôi vào bậc trung học, thời kỳ phải rời Nha Trang về nhà để học thi, lúc bấy giờ tôi đã trổ mã nên việc hái bưởi bán cho các cô cậu ở chợ quận tôi chẳng thích tí nào... vì cái tâm lý trẻ con: trong đôi mắt của các cô cậu này: tôi là cậu trai vườn không có gì đặc biệt. Đến khi các cô cậu ấy biết tôi là cậu Tú 1, đang thi học thi Tú 2 thì các cậu ấy, các cô ấy gặp tôi dưới thân cây bưởi, thái độ đều thay đổi với một ít nhiều nể nang, có cả những đôi mắt tò mò. Còn tôi thì dửng dưng như sự có mặt của họ chẳng có gì quan trọng, giá cả sòng phẳng không có việc trái nhỏ trái lớn hay thêm bớt giá tiền, cái việc mà má tôi rất dễ xiêu lòng với mấy tiếng: Thôi cũng được... Khi nhận tiền và đứng nhìn theo nhóm cô cậu đèo nhau ra cổng có lúc Bà giải thích: Đỡ phải gánh xuống chợ mà giá bán lại cao...
Trở lại việc học - đang để tâm làm bài thì linh tính cho biết có nàng đang đứng bên kia khung cửa sổ, ngước mặt nhìn lên, vóc dáng đó, khuôn mặt đó, đôi mắt đó...
- Em đây, ra vườn đi anh...

Và thật là kỳ cục, không hiểu tại sao, chỉ cần nghe tiếng gọi chừng ấy thôi, thì cho dù đang học bài, làm toán tập tôi cũng ném bút, xếp sách vở, xô ghế đứng lên nhanh chóng ra với nàng... để hai đứa lang thang trong khu vườn rộng. Không gian thật im vắng vì khoảng cách giữa nhà này và nhà khác khá xa, thỉnh thoảng mới có tiếng của chú gà trống cất lên như muốn báo tin đang hiện diện, có tiếng chó sủa hay cắn nhau ở đầu ngõ hay tiếng chiếc mo cau khô rơi xuống từ trên cao hoặc tiếng của người già trông cháu: mày... đâu rồi.
Tôi chìu nàng - nếu đó là trái ổi còn sót lại cuối mùa ở tít đầu cành, nếu đó là trái xoài sắp chín, nếu đó là trái mảng cầu chín nứt sắp sút cùi, nếu đó là trái đu đủ sắp rụng... Tôi cắn một miếng, bẻ chia đôi, nhường nhau phần nhiều phần ít để cùng cười, để dùng tay phủi cho nhau chút thức ăn dính trên mép. Chìu nàng như tự nguyện, như không được phép để nàng buồn, nên mặc dù nàng lên tiếng: anh ơi! đừng ra xa quá, cành sắp gãy, té bây giờ... biết là nàng nói đúng nhưng tôi lại quyếùt làm bằng được khi nhìn xuống bắt gặp đôi mắt của nàng nhìn lên, chiếc miệng hé mở đợi chờ... và hạnh phúc biết bao khi nàng reo lên mừng rỡ: hay quá được rồi, để khi tôi vừa đặt chân chạm đất nàng đã thật gần với cả hai bàn tay giữ lấy bàn tay tôi, cho em đi... và trong khi hai đứa cùng thưởng thức hương vị của trái cây vừa mới hái, nàng đã biết nũng nịu: hồi nãy em sợ quá chừng... nhánh cây quặt xuống như sắp gảy. Tôi nghe trong lòng lâng lâng nhưng vẫn trả lời với một chút lạnh lùng: sợ gì, người lớn nói: xoài dòn, ổi dẻo, me dai...
Lang thang trong vườn từ đầu này đến đầu kia, nhưng cũng lạ không cần phải có đồng hồ, bao giờ cũng vậy nàng chợt đứng dậy: Má sắp về rồi - em về nghe anh... mai em qua. Và không đợi tôi đồng ý nàng thoăn thoắt phút chốc đã khuất bên kia hàng rào. Tôi cũng giật mình, vội vả vào nhà ngồi vào bàn học như thể từ sáng đến giờ chưa đi đâu...
Những mùa Hè đẹp của bậc tiểu học qua mau, tôi và nàng cùng lớn cao thêm, nàng có những chỉ dấu của người con gái, tuy thế chúng tôi vẫn bên nhau như ngày nào, ngoại trừ khi ra sông đã không còn dám cởi hết áo quần để cùng nhau lặn hụp trong dòng nước trong vắt không xa trước nhà bao nhiêu.
... Ngày tháng đó tôi và có thể cả nàng không hề có chút mảy may nghĩ đến: Có một ngày nào đó sẽ không còn được như vậy nữa... Tôi phải vào Nha Trang theo học bậc trung học, một tháng đôi tuần mới về lại nhà, thời gian quá ít của ngày thứ Bảy, Chủ nhựt đã không còn thuận tiện cho việc gặp nhau. Thỉnh thoảng chúng tôi đứa bên này, bên kia hàng rào nói với nhau đôi câu, thái độ không còn tự nhiên, nàng phải liếc chừng như sợ người lớn bắt gặp... Lóng này trông anh khác nhiều, trắng ra... Tôi nhìn nàng: Còn em cũng vậy... Em có gì khác đâu đen thui, nàng cướp lời, em nhà quê còn anh là dân thành phố... biết bao giờ em mới có dịp vào Nha Trang... Đôi mắt trở thành buồn, buồn với nỗi xa xăm...
Nhưng rồi, vào mùa Hè của năm Đệ Tứ, tôi trở về nhà để đèn sách học thi, nàng đã không còn ở nhà. Tôi hỏi thăm, chị tôi trả lời: Hương nó có chồng rồi, quê chồng đâu tận ngoài Quảng. Gần đây nó thường qua nhà mình, có lúc đứng ngắm một cách chăm chú tấm ảnh của cậu trên khung kính, tôi đến gần mà nó không hay, chị nghĩ là nó thương cậu.
Tôi không có câu trả lời cho chị tôi, không có câu trả lời cho chính tôi, có một cái gì đó mơ hồ, khó cắt nghĩa, mất mát mà không mất mát, buồn mà không hẳn là buồn. Nó nằm trong ký ức, sống trong ký ức, để có dịp nó thức giấc nguyên si cho dù đã trên 60 năm.
Thời gian không chờ đợi, tôi phải xong trung học, phải xong đại học vào đời, chiến tranh lấy đi nhiều vô tư, những thân thể căng tràn nhựa sống mời gọi. Rồi lập gia đình, có con cái...
Một lần về thăm nhà, chị tôi cho tin: phải chi tuần trước cậu về gặp Hương rồi, cô ấy dắt con về thăm, bây giờ cô ấy đẹp hẳn ra, chồng là sĩ quan... Cô ấy dắt con qua thăm nhà mình, hỏi thăm cậu, cô cũng có nhắc lại: Hồi đó chúng em hai đứa cứ lang thang trong vườn... Phải chi con người sinh ra cứ mãi là tuổi thơ.
Tôi nghe, lòng cảm thấy dễ chịu. Đó là một tin tốt: nàng đẹp ra, có con cái, chồng là sĩ quan. Mừng cho nàng; mong sao nàng mãi mãi được như vậy...
Năm tháng theo nhau kéo đến, trách nhiệm trở thành nặng nề với chiến trường, tai quen thuộc với tầm đạn, tầm pháo, mắt bắt gặp thường xuyên thân xác gục ngã. Tin Quảng Trị, tin miền Trung, các cuộc di tản, có lúc tôi thầm lo và cầu nguyện cho nàng...
Rồi chiến tranh chấm dứt, cuộc chiến tranh khác mở ra giữa con người với con người. Tuổi đời sung mãn nhất của tôi dành cho cuộc chơi với hai chữ “cải tạo”. Năm 1988, tôi ra tù về quê... quê hương đã đổi khác, nhà cửa nhiều hơn, người đông hơn, cờ và khẩu hiệu chỗ nào cũng có... Buổi sáng tôi đứng nhìn qua cửa sổ. Tàng ổi đã không còn. Cây bưởi cũng vậy. Chị tôi trồng nhiều chuối để lấy thân nuôi heo, trồng khoai lang, rau muống... Nhà nàng đã xác xơ. Chị tôi nói: Gia đình Hương không còn ai. Tin tức nhắn về, tất cả đã chết trên đường di tản... tội nghiệp.
Tội nghiệp. Hai chữ sau cùng - nó là một điệp khúc của nỗi đau buồn trong cuộc sống, hai chữ đó được nhắc đến, sử dụng nhiều và nhiều lần trong suốt chiều dài của cuộc chiến tranh.
Tôi đến Hoa Kỳ năm 1991 để đoàn tụ với gia đình sau 16 năm. Đất Florida có thể trồng được bưởi. Tôi đi tìm mua mấy cây bưởi về trồng. Hai năm sau bưởi ra trái. Hoa bưởi là hoa tôi yêu thích. Đâu đây có hương bưởi trong tóc nàng... Trả lời câu: Bộ ông thích bưởi lắm sao? Tôi trả lời: Đúng vậy, không những thế, tôi còn trồng mấy cây mồng tơi, cắm chà để cho nó bò lên phủ kín hàng rào... Một chút hơi hám quê hương trên xứ người. Một gợi nhớ kỷ niệm thanh khiết của thời niên thiếu mà không bao giờ có thể quên.
Viết cho mùa Xuân sắp đến.
PHẠM HOÀI HƯƠNG

*Phạm Hoài Hương là bút hiệu của A20 Phạm Ngọc Cửu
(Nguồn: http://vannghetudo.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét