Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Văn Long. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Trần Văn Long. Hiển thị tất cả bài đăng

8.4.11

A20 TRẦN VĂN LONG Đã Đến Bến Bờ Tự Do



MỘT HỘI VIÊN HỘI ÁI HỮU TÙ NHÂN CHÍNH TRỊ VÀ TÔN GIÁO VIỆT NAM: TRẦN VĂN LONG SAU 20 NĂM TÙ ĐÀY ĐÃ ĐÀO THOÁT KHỎI NHÀ TÙ LỚN VIỆT NAM


Từ: Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước

Kính thưa quý vi hữu, quý chiến hữu và quý niên trưởng,

Cựu tù nhân Trần Văn Long, một tù nhân chính trị đã trải qua 20 năm trong các nhà tù của cộng sản Việt nam, ra tù đã đào thoát sang Thái Lan tỵ nạn. Từ Nancy, Pháp Quốc, nhóm phóng viên Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước đã liên lạc được với cựu tù Trần Văn Long và thực hiện cuộc phỏng vấn sau đây.

 (Ảnh: cựu tù Trần Văn Long và gia đình tại Trung Tâm Tỵ Nạn Bangkok)


PV.PTPNVNHDCN: Xin chào anh Long, thưa anh, tôi là An Khương, phóng viên của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước từ Nancy, Pháp quốc xin chúc mừng anh đã thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam. Thưa, xin anh giới thiệu sơ lược với độc giả của Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước về nhân thân, được không thưa anh.


CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Vâng, chào chị An Khương, tôi là Trần Văn Long sinh năm 1958 tại Vĩnh Long, biệt danh Long Rồng, là cựu tù chính trị với bản án chung thân, bởi tội âm mưu lật đổ chính quyền, nhưng nhờ vào sự vận động của Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế và sự can thiệp của các Tổ Chức Quốc Tế Nhân Quyền nên hầu hết anh em chúng tôi được phóng thích sau 20 năm giam cầm, tuy nhiên mang tiếng là được trả tự do, nhưng lại phải ở trong nhà tù lớn với mức án quản chế vĩnh viễn tại gia, tôi có thấy hơn gì đời sống trong nhà tù nhỏ đâu, ấy là lý do mà tôi phải tìm cách để vượt thoát ra khỏi cái nhà tù lớn đó.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh, xin anh cho độc giả biết rỏ hơn về những hoạt động nào của anh khiến anh phải bị tù đày, cũng như những nhà tù nào anh đã phải trải qua và chế độ lao tù của CSVN như thế nào ạ?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, thưa chị An Khương, cũng như hầu hết những người Việt nam yêu nước khác, sau khi Việt Nam Cộng Hòa bị bức tử, sau khi cộng quân Bắc Việt cưỡng chiếm miền nam vào những ngày cuối tháng Tư năm 1975 đó thì không phải chỉ riêng các sỹ quan, hạ sỹ quan và binh sỹ của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cùng gia đình của họ chịu sự trả thù hèn hạ của đảng và nhà nước CSVN, mà hầu như toàn thể đồng bào Việt nam từ vĩ tuyến 17 trở vào đều trở thành nạn nhân của nền chuyên chính vô sản CSVN: Sỹ quan, hạ sỹ quan và đảng viên của các đảng phái chính trị tại miền nam thì bị quy thành ngụy quyền bán nước để rồi bị tập trung cải tạo mà không ít trong số họ đã vĩnh viễn gởi lại nắm xương tàn ở đâu đó tại những chốn nước độc rừng thiêng trong các trại lao cải mà đến nay gia đình thân nhân của họ vẫn chưa tìm được mộ phần của họ, còn hầu hết cư dân ở các đô thị thì bị lùa hết ra khỏi nhà, đưa đến định cư tại các vùng kinh tế mới nếu không phải ở những chốn nước độc rừng thiêng thì cũng là những nơi đồng chua nước mặn, để dành cửa nhà và tài sản của họ lại ở đô thị cho những lớp cư dân mới từ các tỉnh thành miền bắc XHCN chi viện vào để giúp làm cán bộ nòng cốt trong chiến lược cải tạo Miền nam và giúp miền nam sớm tiến nhanh tiến mạnh, tiến vững chắc lên Xã Hội Chủ Nghĩa, và với chiến lược đó từng đợt nam tiến cứ nối đuôi nhau đưa hàng triệu gia đình đảng viên CS ở miền Bắc XHCN vào nhuộm đỏ Miền Nam. Rồi tiếp nối là những đợt “Cải Tạo Tư Sản” bằng những chiến dịch đổi tiền, kê biên tài sản và hàng chục ngàn lương dân miền nam lại bị bắt bớ, bị tập trung cải tạo chỉ vì họ có nhiều tiền của, có nhà rộng cửa cao là “thành phần tư sản, là giai cấp bóc lột, là kẻ thù của dân tộc” nên “cần phải được chính quyền cách mạng nghiêm trị”. Đây là khoảng thời gian mà lòng người vô cùng ly loạn và là thời kỳ mà hàng triệu đồng bào Miền nam đã phải vượt biển đi tìm tự do mà không ít trong số họ đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển cả. Đó cũng là lúc chúng tôi thành lập tổ chức Nghĩa Quân Phục Quốc với khát vọng giải phóng đồng bào Miền nam khỏi họa cộng sản. Cũng bởi thiếu sự hậu thuẩn từ bên ngoài mà lại nóng vội trong việc phát triển lực lượng, nên tổ chức của chúng tôi đã tạo nhiều sơ hở do vậy mà đến năm 1977 thì tổ chức của chúng tôi bị bại lộ và đến ngày 27 tháng 7 năm 1977 thì tất cả chúng tôi đã bị bắt tại tỉnh Hậu Giang. Sau khi bị bắt chúng tôi bị giam giữ để điều tra thẩm vấn tại trại B4 Trà Ếch, trước khi cơ quan an ninh hoàn chỉnh hồ sơ để đưa chúng tôi ra tòa.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh, thế rồi anh và những anh em chung vụ Nghĩa Quân Phục Quốc này bị chuyển ra trại Kiên Giam A20 Xuân Phước từ bao giờ a?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG:
Dạ, thưa chị, chuyện hơi dài dòng chị ạ! Khi bị tạm giam và điều tra thẩm vấn tại trại B4 Trà Ếch hầu hết cán bộ điều tra là người Bắc Kỳ, được đào tạo nghiệp vụ điều tra thẩm vấn từ các nước cộng sản ở Đông Âu nên chúng tàn ác đến mức không tể nào hình dung nổi, hàng ngày với chiến thuật Xa Luân Chiến, chúng thay nhau tra tấn nhục hình anh em chúng tôi bằng tất cả mọi hình thức tra tấn dã man nhất mà chúng từng được học, để buộc chúng tôi phải khai thêm ra những anh em chưa bị bắt, nhưng vì không ai trong chúng tôi ai chịu khai báo gì thêm, nên việc tra tấn này cứ tiếp tục kéo dài từ tháng này sang tháng khác. Mà chị biết không ngày nào chúng tôi cũng bị treo lên trên xà nhà để chúng tha hồ tra tấn. Rồi một chiều nọ khi anh em chúng tôi vẫn đang bị treo trên xà nhà như thế, các cán bộ điều tra thẩm vấn tạm ngưng tay tra tấn để ra khu thể thao thi đấu bóng chuyền thì Chúa Mẹ đã ban cho chúng tôi phép lạ để cứu chúng tôi: Tôi bỗng nhiên phát hiện sợi dây thừng treo trói tôi bị lơi ra, nên tôi đã tìm cách tuột ra khỏi dây thừng và tôi đã mở dây giải thoát cho tất cả anh em đã bị treo trói cùng phòng, rồi anh em chúng tôi cùng phá khóa cho các phòng giam khác và giải thoát cho hầu hết phạm nhân khác trong trại giam B4 này. Anh em chúng tôi đã vượt thoát ra khỏi trại B4 thuộc khu vực Trà Ếch này suốt một ngày một đêm với nhiều hướng khác nhau trong các khu dân cư của vùng sông nước này nhưng chẵng may, địa hình của vùng Thới Lai, Cờ Đỏ, Phong Điền này quá hiểm trở, kênh rạch quá chằng chịt khó di chuyển nên chỉ sau một ngày bị truy bắt, một số anh em chúng tôi bị bắn chết và cuối cùng những người còn sống sót chúng tôi đã bị bắt trở lại hầu hết và ngay sau khi bị bắt trở lại, chúng tôi bị dẫn giải về khám lớn Cần Thơ tại số 8 Ngô Gia Tự, thành phố Cần Thơ, nơi đây chúng tôi cũng bị nhục hình bị tra tấn hết sức dã man, bởi cơ quan an ninh muốn biết ai là người chủ mưu trong vụ phá ngục và giải thoát phạm nhân này.

Dù bị tra tấn đến thừa chết thiếu sống để bức cung, nhưng anh em chúng tôi cũng chỉ một mực khai cho những người đã chết, nên không ai chịu án tử hình. Nhưng tất cả anh em chúng tôi sau khi ra tòa vào năm 1980, đều phải nhận mức án chung thân và bị chuyển ra và thọ án tại Thung Lũng Tử Thần A20 Xuân Phước, Đồng Xuân, Phú Khánh vào đầu năm 1981.

Cũng tại trại giam A20 Xuân Phước này, chúng tôi được thử rèn cùng các sỹ quan cao cấp của QLVNCH như Thiếu tá Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Pháo Binh Thủy Quân Lục Chiến Võ Đằng Phương. Trung Tá Vũ Xuân Thông, Trung Tá Nhạc Sỹ Vũ Đức Nghiêm, Đại Úy Bác Sỹ Nguyễn Kim Long…, cùng các đấng Trưởng Thượng, khác như Linh Mục Nguyễn Luân, Linh Mục Nguyễn Văn Vàng, frère Phạm Quang Hồng, Linh Mục Nguyễn Văn Minh, Thượng Tọa Thích Thiên Minh, Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, Giáo Sư Đoàn Viết Hoạt, Bác Sỹ Nguyễn Đan Quế,…Đây chính là những người Thầy vĩ đại của những anh em tù nhân chính trị chúng tôi, đã đào luyện chúng tôi và nung đúc ý chí của chúng tôi để không ai chùn bước, không úy kỵ trước uy vũ của bạo quyền cộng sản để dù đang ở đâu cũng tiếp tục công cuộc đấu tranh giành tự do cho quê hương.


Sau 20 năm bị đọa đày trong các nhà tù nhỏ, tôi được phóng thích trở về với nhà tù lớn Việt nam năm 1997 với gia đình hoàn toàn tan nát, cha mẹ qua đời không thấy mặt, anh em ly tán không tông tích, với mức án quản chế tại gia vô thời hạn tôi vẫn âm thầm tiếp con đường mình đã chọn, móc nối lại với các anh em cùng tổ chức trước kia, công việc đầu tiên mà chúng tôi có thể làm được lúc bấy giờ là làm kinh tế để đùm bọc, trợ giúp những cựu tù chính trị và gia đình của họ đang gặp khó khăn do bị chính quyền địa phương bao vây kinh tế cũng như tổ chức thăm nuôi định kỳ các anh em tù chính trị “mồ côi”. Công việc thực hiện được hơn 1 năm thì chúng tôi lại bị chính quyền phát hiện, toàn bộ phương tiện làm kinh tế cũng như tài sản bị tịch biên, tôi bị bắt trở lại, bị tra tấn nhục hình bởi chính quyền CSVN cho rằng chúng tôi làm kinh tài cho Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam nhằm gây dựng nhân lực và tài lực nhằm âm mưu lật đổ chính quyền.

Sau hơn 1 tháng điều tra thẩm vấn nhưng không khai thác được gì, cơ quan an ninh điều tra bộ công an buộc phải trả tự do cho tôi với án mức quản chế tăng lên là không được làm bất cứ một ngành nghề nào, không được tiếp xúc thăm gặp bất cứ cựu tù nào và muốn rời khỏi nhà để đi khám chữa bệnh đều phải báo, phải trình. Trước đại hội đảng cộng sản Việt nam khóa 11 vào tháng giêng năm 2011 vừa qua và nhất là khi cuộc cách mạng Dân Chủ ở các nước Bắc Phi nổ ra, các cựu tù chính trị chúng tôi lại bị câu lưu, bị tập trung “quán triệt đường lối chính sách của đảng”, chúng tôi lại bị răn đe lại bị sách nhiễu bởi nhà nước CSVN thừa hiểu rằng chính chế độ nhà tù khắc nghiệt của CSVN đã không thể khuất phục được ý chí của chúng tôi, mà ngược lại còn làm cho chúng tôi quyết tâm hơn trong việc đấu tranh để thủ tiêu chế độ cộng sản, giành tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân Việt.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh rồi cơ may nào mà anh đã vượt thoát khỏi nhà tù lớn Việt nam để đến được Thái Lan xin tỵ nạn và tình trạng tỵ nạn của anh hiện thời ra sao?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, thưa chị, như tôi đã trình bày với chị rằng dẫu ra khỏi nhà tù nhỏ, nhưng tôi lại chịu án quản chế vô thời hạn, cho nên cho đến nay tôi vẫn chưa được nhập hộ khẩu, chưa có bất cứ một quyền công dân nào của một công dân Việt nam, vì vậy mà tôi hiện vẫn là người vô quốc tịch, con chúng tôi sinh ra không được làm giấy khai sinh, nên dầu đến nay cháu đã 13 tuổi rồi nhưng cũng không được học hành. Để chấm dứt tình trạng sống lưu vong trên chính quê hương của mình như thế, Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam quốc nội đã liên lạc với Chi Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo Việt Nam ở Cambodia và Thái Lan nhờ giúp đở. Nhờ vậy chúng tôi được hướng dẫn cho đường đi nước bước và đến được Bangkok an toàn và đã trình diện với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc để xin quy chế tỵ nạn, trước mắt chúng tôi đã được cấp giấy tờ tỵ nạn và đã được bảo vệ quốc tế. Hy vọng tôi sẽ được phỏng vấn và được cấp quy chế tỵ nạn trong thời gian tới.

PV.PTPNVNHDCN: Thưa anh, xin cho biết là hiện nay điều kiện anh ninh và đời sống của anh ở Thái Lan như thế nào ạ?

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, thưa chị, không riêng gì chúng tôi mà ngay cả những người đã được cấp quy chế tỵ rồi cũng luôn bị đe dọa về phương diện an ninh, bởi Thái Lan là một quốc gia không ký công ước 1951 và nghị định thư 1967 với Liên Hiệp Quốc về người tỵ nạn nên cảnh sát di trú Thái Lan luôn xem chúng tôi là dân nhập cư bất hợp pháp và sẵn sàng bắt giam chúng tôi bất cứ lúc nào họ phát hiện ra chúng tôi vì vậy mà chúng tôi suốt ngày phải ở trong phòng và chỉ đi ra ngoài khi thực sự cần thiết. Hiện nay tôi đang ở cùng phòng với gia đình một cựu tù khác cũng vừa đào thoát đến Thái lan vào đầu tháng 2 vừa qua. Về pháp lý thì chúng tôi cũng được một mục sư người Việt đang làm việc cho một tổ chức quốc tế Speak Up For The Poor, hết lòng giúp đở nên mọi công việc đàm luận với Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cũng không đến nổi quá khó khăn, đời sống vật chất thì tất nhiên là rất khó khăn, nhưng bù lại là chúng tôi đã được thoát khỏi sự kềm kẹp của chế độ cộng sản nên cũng thấy vui lòng.

PV.PTPNVNHDCN: Vâng, thưa anh thay mặt Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước, An Khương xin chúc anh và gia đình gặp vạn điều may mắn, sớm được cấp quy chế tỵ nạn và sớm đến được bến bờ tự do để tiếp tục con đường đấu tranh cho tự do dân chủ cho quê hương.

CỰU TÙ TRẦN VĂN LONG: Dạ, xin cảm ơn chị An Khương và Phong Trào Phụ Nữ Việt Nam Hành Động Cứu Nước.





XÁC NHẬN VỀ CỰU TÙ CHÍNH TRỊ TRẦN VĂN LONG CỦA THƯỢNG TỌA THÍCH THIỆN MINH



XÁC NHẬN

Tôi Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Nguyên Hội Trưởng Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị Và Tôn Giáo VN xin xác nhận:

Trần Văn Long, sinh ngày 2/05/1958 tại Vĩnh Long,

Án: Chung Thân, địa chỉ cũ khi ra tù: Khu phố 9, phường Tân Biên, thành phố: Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, trước đây có ở tù chung với tôi tại trại A20 (Xuân Phước, tỉnh Phú Yên) và trại Z30A (Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai)

Long là thành viên Hội Ái Hữu Tù Nhân CT và TGVN. Cùng vụ án “Chống phá trại giam” với tôi và BS. Nguyễn Kim Long tất cả đều tăng án. Long là một người tù Chính Trị học lực không cao nhưng có bản lĩnh và tư cách, một người nhiệt thành và trung kiên chịu đựng nhiều năm tháng lao tù và bị cấm cố biệt giam nơi trại thung lũng tử thần. Sau khi ra tù đời sống gia đình khốn bách khó khăn và luôn bị chính quyền o ép, sách nhiễu.

Kính mong các đoàn thể CT xã hội, các nhà hảo tâm, quan tâm giới thiệu, giúp đỡ hay bảo lĩnh để Long sớm được UNHCR cứu xét.

Số Điện Thoại Liên Lạc Của Trần Văn Long: +66859784047, +66859784057

Thích Thiện Minh


(*Quán Lá xin chân thành cám ơn anh Ngô Đắc Lũy đã chuyển đến gia đình A20 tin vui này.)