Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Văn Phúc. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Đỗ Văn Phúc. Hiển thị tất cả bài đăng

19.6.15

Án Cải Tạo!


A20 Đỗ Văn Phúc

Ðúng là ở Xuân Phước không thấy ngày về:

Ðến đây thì ở lại đây,
Ðến khi bén rễ xanh cây, chửa về.

Vài vị linh mục trong nhóm Vinh Sơn, ra toà nhận án 5 năm. Thời gian trôi qua, hết hạn 5 năm, chờ hoài không thấy kêu lên làm thủ tục trả tự do, các vị mới hỏi và được trả lời:

– Tội các anh lớn lắm, đáng ra phải ra toà nhận thêm án, nhưng cách mạng khoan hồng chuyển qua tập trung cải tạo, khi nào xét thấy tiến bộ sẽ cho về.

Không Nơi Ẩn Nấp


A20 Đỗ Văn Phúc


Ở các trại khác còn nghe chuyện tù trốn thoát chứ tại Xuân Phước thì con kiến cũng không ra lọt. Ðể phòng ngừa tù trốn trại, bọn cán bộ cấm ngặt gia đình tiếp tế các thực phẩm khô. Những đội tù gồm quân nhân chế độ cũ chỉ được lao động quanh quẩn gần trại; bao quanh là các đội hình sự. Khi xuất trại, dù mưa hay nắng, anh em phải đi chân đất. Mùa hè, cơn nắng miền trung nung cháy con đường đất, bước chân đi như dẫm lên than hồng. Mùa mưa, đường sá ngập bùn lầy lội, trong lúc bọn cán bộ ngồi trong căn nhà lô, ăn uống lu bù, thì anh em tù vẫn phải làm việc. 

18.6.15

Mưu Sinh Trong Trại Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Khó mà nói cho thật hết hay thật rõ ràng để cho mọi người thấy được những đày ải, khổ nhục mà những người tù nhân phải chịu đựng nhiều năm trong các trại tù cải tạo sau khi miền Nam bị Bắc Việt chiếm đoạt. Những người bị giam giữ này lại không phải là thành phần hình sự, can án cướp của giết người; mà là hàng trăm ngàn quân nhân, viên chức từng phục vụ trong chính quyền Cộng hoà Việt Nam đối kháng với Cộng Sản miền Bắc. Họ được Cộng Sản gọi bằng mỹ danh là “các trại viên học tập cải tạo”, nhưng thực ra là “các tù khổ sai vô hạn định” mà chủ trương cải tạo chỉ là một sự trả thù dã man của những người thắng thế đối với kẻ bại trận.

Tù Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Trong căn phòng tối mịt mù này, tôi không còn ý thức rõ rệt về thời gian. Tôi chẳng nhớ đã bị đưa vào cùm nơi đây bao nhiêu ngày rồi. Dễ cũng đến hơn hai tháng chứ không ít đâu. Những người tù thay phiên nhau vào ra ở phòng hai bên đã nhiều bận mà tôi thì vẫn cứ trụ trì trên chiếc bệ xi măng lạnh cóng này; với hai cổ chân xích cứng vào thanh sắt 12 li bằng hai chiếc cùm xoắn oan nghiệt.

Mỗi ngày, tên cai tù cùng một tên trật tự vào đưa cơm một lần. Theo thông lệ là phần ăn trưa. Có lúc chúng đem vào khoảng 9 giờ sáng, khi nhà bếp vừa ra chảo bánh khoai mì đầu tiên. Có khi mãi đến giờ lao động buổi chiều mới nghe tiếng dép lẹp kẹp của chúng. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ chờ đợi, chỉ để nhận khi thì vài lát khoai mì luộc, khi thì một góc chiếc bánh cũng bằng bột khoai mì chỉ nhỏ bằng phần tư bao thuốc lá. Chẳng phải vì đói mà chúng tôi mong sớm đến bữa ăn đâu. Chẳng qua là muốn cho ngày tháng qua mau kẻo nằm mãi trong xà lim cũng buồn chán và kiệt sức quá đỗi.

Tết Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc


Người ta bảo rằng: “Nhất nhật tại tù, Thiên thu tại ngoại”. Tôi ở tù gần mười năm, từ tháng 5 năm 1975 đến tháng 2 năm 1985, tổng cộng ba nghìn bốn trăm sáu mươi lăm ngày, nhân lên một nghìn, vị chi là ba triệu bốn trăm năm. Nếu bỏ đi con số lẻ chẳng thèm tính, thì tôi đã sống lâu hơn cụ Bành Tổ bên Tàu. Ðó là nhờ “lượng khoan hồng nhân đạo của Ðảng và nhà nước Việt Nam Cộng Sản anh hùng, đỉnh cao nhất của trí tuệ loài người, lương tâm nhân loại, vân vân và vân vân.” Cũng nhờ ân điển vời vợi đó, anh em chúng tôi được hưởng trọn bao nhiêu cái tết tù cô đơn, đói khát tưởng ở tận cùng vực sâu của nhân loại, con người dù cơ hàn đến đâu cũng không mường tượng nổi.

Những Khuôn Mặt Đáng Nhớ



A20 Đỗ Văn Phúc

Không thể không nhắc đến những người đặc biệt trong trại ít nhiều đã để lại trong lòng anh em tù nhân, những ấn tượng đặc biệt..

Sư huynh Phạm Quang Hồng, thuộc dòng Đa Minh (?), bị án 20 năm khổ sai vì tội tham gia lực lượng chống đối. Sư huynh còn trẻ, cao ráo, khôi ngô. Tuy cuộc sống trong tù khổ ải, anh vẫn luôn tỏ vẻ vui tươi vì anh cũng là Hướng đạo sinh nên tuân theo điều luật “gặp khó khăn vẫn vui tươi.” Qua anh, tôi học được rất nhiều điều. Anh dạy cho tôi hát các bài hát trong các phim The Inn of the Sixth Happiness, The Sound of Music, và các bản Thánh Ca… Tôi không nghe các tác giả nhắc đến Sư huynh trong các hồi ký. Hiện nay, Sư Huynh đã là Linh Mục Chánh Xứ tại một Giáo Xứ ở Perth, Tây Úc.

17.6.15

Hạt Vàng Trong Bãi Bùn Đen


A20 Đỗ Văn Phúc

Có lẽ vì thù ghét Cộng Sản quá, nên chúng ta chỉ nhìn thấy những xấu xa của họ, coi tất cả cán bộ Cộng Sản đều hung ác, thâm hiểm và dốt nát, ngờ nghệch. Nhưng thực tế, đôi khi trong chặng đường khổ nạn, chúng tôi cũng tìm thấy đó đây những tấm lòng nhân hậu, chưa biến chất bởi sự giáo dục đồi trụy của chủ nghĩa Cộng Sản vô luân, vô nhân. 

Cán bộ Ngà coi đội 13 chúng tôi rất lâu. Câu nói thường xuyên của anh là:

– Các anh cải tạo lâu dài, làm vừa vừa để còn sức khỏe mà về với gia đình.

Anh không bao giờ đặt ra chỉ tiêu cho đội hay cá nhân các đội viên. Trong lúc đội làm việc, thì anh chạy ngược chạy xuôi kiếm khi thì mớ khoai, khi mớ sắn đem về cho đội nấu ăn tại chỗ. Trong một thời gian dài, không có anh nào trong đội bị làm khó dễ hay la mắng nặng lời.

No Eat, No Work


A20 Đỗ Văn Phúc

Phùng Văn Triển vốn dân từ Bộ binh chuyển qua Không quân. Cái Trọng Ty là sĩ quan An ninh Quân đội. Cả hai anh đều thuộc loại bất khuất, khí tiết. Hôm đó, hai anh gánh chung một cần xé gạo từ kho về nhà bếp cán bộ trại. Trên đường, họ cố làm vung vãi đổ xuống đường rất nhiều. Việc phá hủy hoa màu, tài sản trại cũng là một biểu hiện của sự chống đối. Việc này, không may, lại lọt vào mắt tên cán bộ quản giáo đội tên Quyền.

Khi đội ra lao động bên ngoài phiá Tây Bắc của trại. Cán bộ Quyền gọi hai anh vào nhà lô của đội. Nơi đây đã có sẵn cán bộ Hoà, quản giáo đội của tôi – đang lao động gần đó – và ba tên công an bảo vệ. Vừa bước qua cánh cửa tre, Quyền và Hoà xông vào đánh anh Triển tới tấp. Anh Ty thấy vậy, định chạy ra, thì ba tên võ trang chĩa súng ra ngăn lại. Ty đã la hét thật lớn để các đội lao động quanh đó có thể nghe được:

– Cán bộ đánh anh em chúng tôi là sai. Không được quyền đánh tù.

16.6.15

Gương Bất Khuất Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội như những vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, hay các vị tướng lãnh thống soái như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nhờ chế độ Cộng Hoà và nền văn minh dân chủ khai sáng, người Việt Nam đã nhìn đến những người anh hùng ở các tầng lớp thấp hơn như các thiếu úy, trung úy, các hạ sĩ, binh nhì, thậm chí đến những chị Ba Hàng Xanh, em học sinh Quách Thị Trang. Mỗi lần Bộ Tổng Tham Mưu tưởng thưởng chiến sĩ anh hùng, đều có đủ mặt các cấp từ tướng tá trở xuống đến binh nhì, có đủ quân binh chủng từ Dù, TQLC, BDQ cho đến ĐPQ và Nghĩa quân. Nói đến anh hùng thời chiến là nói đến nhưng chiến sĩ quả cảm, lập nên chiến công hiển hách trong phạm vi khả năng của họ. Thời bình hay nơi hậu phương là nói đến những nhân vật có những hành vi hơn người, vượt thắng khó khăn sợ hãi để bảo toàn danh dự, hay lý tưởng; hoặc có hành vi hy sinh bản thân để cứu người. Sự phong tặng danh vị Anh Hùng của chúng ta không quá lạm dụng như trong chế độ Cộng Sản. Họ phong anh hùng cho ngay những tên ngu muội, điên rồ bị lừa gạt chết oan nghiệt cho cái lý tưởng sai lầm; hay những kẻ vai u thịt bắp, đem sức mình ra làm hùng hục để kiếm tiếng khen. Kiểu anh hùng gánh phân, anh hùng thủy lợi làm cho hai chữ cao quý này trở thành mỉa mai, lố bịch.


Hung Thần Trong Trại Giam


A20 Đỗ Văn Phúc

Về tên trưởng trại Lê Đồng Vũ (Xú danh Lê Văn Nhừ)

Chuyện là như thế này. Tên phân trại trưởng là Lê Ðồng Vũ, người miền núi Thanh Hoá có lẽ thuộc sắc dân Mường. Khuôn mặt y bèn bẹt vô tri vô giác, trên đó có đôi mắt lèm nhèm và cái miệng mỏng dính, thâm sì trông vô cùng nham hiểm. Chúng tôi đặt tên nó là Lê Văn Nhừ. Nó đúng thuộc con cháu ba đời của Chí Phèo, tượng trưng cho loại người hạ đẳng của xã hội, mang đầy mặc cảm thân phận đớn hèn, nên khi có chút quyền thế là ra tay sinh sát thậm tệ với đồng bào đồng loại. Tên này ít nói, vô học đến nỗi đọc lại lời trong trang sách cũng sai bét sai be. Có lần nó đọc đoạn viết về phát triển nhà ở bên Liên sô. Thay vì: “năm nay, có 10000 căn hộ đủ tiện nghi được đưa vào sử dụng,” nó đọc thành “có 10000 cán bộ đầy đủ tiện nghi…” Cũng có lần, vì không biết ngừng đúng nơi dấu chấm câu, nó đã đọc một đoạn văn như sau: “Nhân dân ta, sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ, đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân loại.” thành: “nhân rân ta sau khi chiến thắng, đế quốc Mỹ đã trở thành biểu tượng anh hùng của nhân noại.”

Hai Muỗng Cơm, Hai Muỗng Nước


A20 Đỗ Văn Phúc

Mấy ngày sau khi tôi bị cùm, trại kiếm đủ cớ để đưa vào biệt giam thêm khoảng chục anh. Chẳng bao lâu sau đó, các phòng biệt giam chật ních người. Vì sắp đến lễ Giáng sinh, chúng lựa những người có thành tích đấu tranh cho vào giam trước đề phòng chuyện không hay xảy ra. Thế là chúng tôi, bốn người nằm một phòng, hai người trên một bệ chia nhau thanh sắt cùm. Chúng tôi bắt đầu gửi tín hiệu thăm hỏi nhau và tôi được biết bên ngoài cũng đang vô cùng căng thẳng. Nhất cử nhất động đều có ăng ten theo dõi và báo cáo. Vì thế các anh khuyên tôi nên ứng xử thật khéo léo để tránh bị gán thêm tội.

14.6.15

Những Ngày Cùm Biệt Giam


A20 Đỗ Văn Phúc


Khi nghe tiếng khoá lách cách bên ngoài, tôi cảm thấy nhẹ nhàng. Dù sắp phải đối phó với những màn ép cung mà một lời nói sơ suất có thể mang lại những hậu quả phiền toái; hoặc có thể xảy ra màn tra tấn đánh đập như từng xảy ra khi chúng tôi bị gán tội sách động đòi yêu sách hồi còn ở trại K5 Suối Máu. Tuy nhiên, công tâm mà nói, ở Xuân Phước hơn sáu năm, anh em tù nhân có thể bị khủng bố nghiêm trọng về tinh thần, nhưng cảnh tra tấn thì không dã man bằng ở trại Kà Tum, hay các trại miền đồng bằng Cửu Long, nơi bọn du kích, địa phương Việt Cộng quản lý trong những năm đầu. Chúng tôi vẫn coi thường những màn hỏi cung của bọn công an vì trình độ học thức, lý luận chúng rất kém cỏi. Vấn đề là phải làm sao để không hớ hênh khai báo gì mà có thể liên lụy cho các bạn mình hay để chúng chụp thêm tội. Dù có nhận tội hay không thì thời gian bị cùm cũng chẳng thay đổi gì. Đơn giản là nếu không nhận tội, thì chúng cho là ngoan cố; mà có nhận đại cho xong, thì chúng nó đoán sẽ còn nhiều điều cần truy cứu thêm. Nên trong cả hai trường hợp, chúng sẽ biệt giam cho đến khi nào gần quỵ gục thì mới thả ra.

13.6.15

Người Tù, Chiếc Lon Gô, và Nhà Kỷ Luật




A20 Đỗ Văn Phúc

Sống trong chế độ Cộng Sản hàng chục năm ngoài miền Bắc trước năm 1975, người dân đã quên đi chiếc bàn ủi để ủi áo quần. Có lẽ sau khi giặt xong, vài người chỉ biết xếp áo quần lại rồi lót dưới gối cho thẳng. Vì thế chúng ta thường thấy những cán binh Cộng Sản khi vào Saigon, ăn mặc luộm thuộm, lùng thùng như những con rối.

Mãi cho đến những năm 78-79, có những anh em tù muốn lấy điểm, đã bày vẽ cho bọn cán bộ việc dùng bàn ủi. Văn minh miền Nam từ chiếc bàn ủi điện đã nhờ chế độ Cộng Sản, tụt xuống bàn ủi than mà chúng ta còn nhớ hình thù thô kệch với con gà trống trên đầu mũi để làm cái khoá mở ra đóng vào khi đổ than. Loại bàn ủi này đã biến mất những năm cuối thập niên 1950. Có còn chăng, hoạ hoằn là ở vùng nông thôn heo hút.

Bọn cán bộ Cộng Sản thì dĩ nhiên không dám nghĩ đến việc xa xí là sắm một cái bàn ủi than này. Lo chi, đã có bọn tù khốn kiếp bày mưu tịch thu vật dụng bằng nhôm của tù cải tạo để đúc bàn ủi xài tạm.

12.6.15

Trại Tù A-20, Xuân Phước


A20 Đỗ Văn Phúc
Trại A-20 được thế giới biết đến nhiều như một trại giam man rợ nhất. Ngay cả trong danh sách những tù nhân mà các chính phủ, hội đoàn đã và đang tranh đấu với Cộng Sản Việt Nam để được trả tự do, trại A-20 vẫn chiếm hàng ưu tiên một. Trại A-20 từng giam giữ những chiến sĩ Ðoàn Viết Hoạt, Phạm Trần Anh , các vị thượng tọa, đại đức, linh mục tranh đấu cho nhân quyền như Thích Thiện Minh, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Quang Minh. Ðây là một trại tù trừng giới ở miền Nam nơi giam giữ lâu dài những anh em quân cán chính Việt Nam Cộng Hoà được chúng liệt vào thành phần bất trị, các bạn chiến sĩ đấu tranh cho tự do dân chủ sau ngày 30-4, và đám tù hình sự mang án chung thân hoặc tử hình. Ðã đến đây thì chẳng ai nghĩ đến ngày về nữa. Ngay cả trong giấc ngủ, cũng chẳng mơ được chuyện thoát ra khỏi trại. Muốn biết thêm về trại A-20, quý vị có thể tìm đọc trong “Hồi Ký 26 Năm Lưu Đày” của Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Chủ Tịch Hội Ái Hữu Tù Nhân Chính Trị và Tôn Giáo Việt Nam; “Trại Kiên Giam” của Nguyễn Chí Thiệp; “Đoạn Trường Bất Khuất” của Phạm Trần Anh; và nhiều bài của Vũ Ánh đăng trên nhật báo Người Việt hay nguyệt báo KBC Hải Ngoại.

21.12.13

Trả lại sự thật cho chiến sử VNCH


Một Chiến Công Bị Quên Lãng


A20 Đỗ Văn Phúc



Trận tử thủ An Lộc được xem là một trong ba trận đánh lừng danh nhất trong quân sử Việt Nam Cộng Hoà vào mùa hè năm 1972, mà sau này được nhà văn Dù Phan Nhật Nam đặt tên là “Mùa Hè Đỏ Lửa”.

Bốn mươi mốt năm về trước, đúng vào 7 tháng 4, 1972, Cộng quân đã tung ba sư đoàn bộ binh (5, 7, và 9) cùng thiết giáp ồ ạt tấn công vào thị trấn bé nhỏ An Lộc, nơi đang là tỉnh lị của tỉnh Bình Long, chỉ cách thủ đô Sài Gòn khoảng một trăm cây số. Mục tiêu tối hậu của Cộng Sản Hà Nội là chiếm bằng được An Lộc để làm thủ đô cho cái gọi là “Chính Phủ Lâm Thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam”, nhằm hỗ trợ cho mục tiêu chính trị của Hà Nội là tạo một uy thế cho đám bù nhìn Mặt Trận Giải Phóng để có tiếng nói tại Hội Nghị Paris.

Nhưng sau ba tháng bao vây tấn công một thị trấn nhỏ bé có diện tích chỉ khoảng 4 cây số vuông, sử dụng đến hàng chục ngàn binh sĩ, hàng trăm xe tăng tối tân, bắn hàng trăm ngàn viên đại pháo, hoả tiễn, Cộng Quân đã chuốc lấy thảm bại và rút lui sau khi để lại trên 10000 xác chết cộng với khoảng 25 ngàn khác bị thương.
Trận tử thủ được xem là chấm dứt vào ngày 7 tháng 7, 1972 khi các đơn vị tăng viện của Quân Lực VNCH tiến vào An Lộc, bắt tay với các đơn vị phòng thủ và tiếng súng địch đã ngưng hẳn.

Đã có nhiều bài viết về trận An Lộc với nhiều chi tiết và nêu danh các quân nhân anh hùng đã tham gia trận đánh. Gần đây, Trung Tá Nguyễn Ngọc Ánh cho ra mắt cuốn sách Chiến Thắng An Lộc 1972 dày 418 trang vớí nhiều sử liệu đáng giá.
Nhưng không rõ lý do gì, trong hơn 400 trang giấy, một trong những người anh hùng có công đầu trong trận đánh đã bị bỏ quên, hoặc chỉ được nhắc qua một cách mờ nhạt trong vài câu như chỉ là một trong những chiến binh có mặt, tham gia trận chiến. Trong các trang 181-183, Phần 1, Chương 11 ghi công trận các vị chỉ huy từ các Tướng Nguyễn Văn Minh, Lê Văn Hưng, đến các Đại Tá Lê Quang Lưỡng (Nhảy Dù), Trần Văn Nhật (TQLC), Mạch Văn Trường (Trung Đoàn 8 BB), Lý Đức Quân (Trung Đoàn 9 BB), Nguyễn Văn Biếc (BĐQ), Phan Văn Huấn (Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù), tuyệt đối không có một câu nào cho Đại Tá Lê Nguyên Vỹ. Chỉ đến gần cuối, ở trang 188, mới thấy ghi qua loa như sau:

23.6.12

Một Chuyến Thăm Anh


Đỗ Văn Phúc
(Kính tặng các chị, vợ tù nhân chính trị Việt Nam)

Lắc lư trên chiếc xe đò nêm chật người đã hơn hai tiếng đồng hồ, Thoa cố nhướng mắt chống lại cơn buồn ngủ vì đã gần như thức trắng mấy đêm nay. Con đường từ Vũng Tàu, Sài Gòn ra Ngả Ba Chí Thạnh chỉ vài trăm cây số nhưng phải mất hai ngày mới tới. Một phần do đường sau chiến tranh đã bị tàn phá nặng nề mà không sửa chữa; phần do cái phương tiện thổ tả là chiếc xe đò già nua, chạy bằng than đá cứ khục khặc như những cụ già ho suyển đềm mùa đông. Khổ tâm nhất là số lượng hành khách nhồi nhét trên xe còn hơn cá mòi sắp trong hộp Sumaco, cộng với nạn cắp trộm xảy ra ngay trên xe làm hành khách cứ phải cố tỉnh táo, khư khư ôm hành lý vào lòng, từng phút canh chừng người đồng hành bên cạnh, người đồng hành phía sau.

30.1.11

Ba Tháng Với Những Chiến Sĩ Nông Thôn



Đỗ Văn Phúc


Khoảng ba chục tân sĩ quan vừa tốt nghiệp khoá 3/68 trường Bộ Binh Thủ Đức và sáu sinh viên sĩ quan khoá 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị đang tập họp đông đủ tại hội trường Tiểu Khu Quảng Trị chờ nhận Sự Vụ Lệnh để đến các chi khu công tác trong ba tháng với các quân nhân Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vùng Hoả Tuyến.
Từ trường Mẹ ở Đà Lạt, chúng tôi được C-130 chở về Thủ Đô và sau đó đến trường Bộ Binh nhằm lúc khoá 3/68 vừa mãn khoá. Gần như tất cả Sinh Viên Sĩ Quan khoá 1 tham dự Chiến Dịch Diên Hồng, ngoại trừ một số nhỏ ở lại trường để làm cán bộ huần nhẫn khoá 2 mới từ các Trung Tâm Huấn Luyện đưa về.
Hơn hai năm văn ôn võ luyện ở thành phố sương mù, chúng tôi háo hức chờ đợi một ngày nắng đẹp đầu năm để quỳ xuống sân Vũ Đình Trường nhận lãnh bông mai vàng trên cầu vai và trách nhiệm thử thách lớn lao của những sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị đầu tiên trong Quân Lực được đào tạo một cách quy củ cũng như được trang bị khá đủ những kiến thức về chính trị xã hội cấp đại học.
Năm 1968, đánh dấu bằng chiến thắng cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân do Cộng quân phát khởi trên toàn quốc. Quân lực ta đã loại khỏi chiến trường miền Nam hơn 80% quân số chủ lực và địa phương địch. Cả một hệ thống hạ tầng cơ sở địch bị tiêu hủy vì lộ diện trong trận Mậu Thân. Quân Lực VNCH đang trên đà thắng lợi, làm chủ hầu hết các chiến trường và có khả năng thay thế Quân Lực Hoa Kỳ trên các chiến trường 4 Vùng Chiến Thuật.
Nhưng thay vì loan những tin tức chiến thắng của Đồng Minh, bọn truyền thông phản chiến Hoa Kỳ chỉ khai thác các điểm thất lợi và xuyên tạc rằng Quân Lực Mỹ Việt đã bất lực về phòng thủ, để cho địch tấn công đồng loạt trên toàn lãnh thổ. Thế là chiến thắng quân sự của chúng ta, trước mắt công luận Hoa Kỳ, trở thành sự thất bại, yếu kém. Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã phải điên đầu trước những làn sóng phản đối của quần chúng và áp lực của Quốc Hội đòi hỏi Hoa Kỳ sớm chấm dứt sự can thiệp vào chiến cuộc Việt Nam, đem con em của mình ra khỏi cái vùng đất xa xôi bên kia bờ đại dương đầy rẩy những kinh hoàng chết chóc. Cả hai phía Hoa Kỳ và Bắc Việt đều ở thế phải thương thảo để giải quyết cuộc chiến, mà các nỗ lực đã bắt đầu từ tháng 5 năm 1968. Chính Phủ Hoa Kỳ đè nặng áp lực trên Chính Phủ VNCH yêu cầu chúng ta phải tham dự hoà đàm như là một trong 4 thành viên tham chiến. Trong lúc đó, Việt Nam Cộng Hoà không thừa nhận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như một thực thể chính trị, mà coi Cộng Sản Hà Nội mới là một đối thủ. Do đó, rất nhiều lần Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố chỉ nói chuyện với Hà Nội mà thôi. Điều này đã đưa đến sự bế tắc của Hoà Đàm Paris. Về sau, qua nhiều lần thương thảo, đã có sự nhượng bộ cho 4 thành phần tham dự Hội Nghị Paris gồm có Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Bắc Việt và bọn Giải Phóng. Nhưng lần này lại nảy sinh ra một vấn đề khác: 4 phái đoàn sẽ ngồi như thế nào, trong tư cách 4 phe hay là hai phe?
Người Mỹ, dường như đã quên kinh nghiệm về mưu toan thủ đoạn của Cộng Sản trong Hội Nghị Bàn Môn Điếm (1953-1954) giải quyết chiến tranh Triều Tiên, họ không xem việc sắp xếp chỗ ngồi như là một ẩn ý gì quan trọng. Ngoài việc sử dụng ngôn từ trí trá để có thể giải thích tùy hoàn cảnh, Cộng Sản còn quan tâm đến những hình thức tưởng không mấy quan trọng; nhưng đối với chúng, có thể là công cụ tuyên truyền lừa bịp dân chúng. Việc chúng ta quan tâm đến sự lựa chọn hình dạng chiếc bàn bị phía Mỹ coi là gây phiền nhiễu. Phiá VNCH chọn chiếc bàn dài để hai phe tham chiến – VNCH và Bắc Việt - ngồi hai bên, trong lúc các phái đoàn Mỹ và Mặt Trận ngồi chung với đồng minh của họ. Phe Bắc Việt thì muốn loại VNCH như thành viên chính thức, mà cho rằng phe Giải Phóng là đại diện nhân dân miền Nam, đối đầu với Hoa Kỳ.
Tuy thua đậm về quân sự, nhưng bọn Cộng Sản Bắc Việt và bọn côn đồ Giải Phóng Miền Nam chắc chắn sẽ lợi dụng nội tình rối ren của Hoa Kỳ để mặc cả trong các phiên họp tại hoà đàm Paris. Để chuẩn bị tinh thần và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quân nhân và quần chúng trong việc VNCH chấp thuận tham gia đàm phán, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tái khẳng định lập trường Bốn Không, dứt khoát phải đàm phán trong thế mạnh, không nhân nhượng chút nào cho bọn Cộng Sản xâm lươc. Do đó, song song với các hoạt động dân vận thông tin dân sự, Tổng Thống ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu đưa các toán công tác chính trị về tận vùng nông thôn hoạt động “ba cùng”với binh sĩ Địa Phương và Nghĩa Quân cũng như thực hiện dân vận trong các cấp xã ấp, quần chúng nông thôn.
Mục tiêu của Chiến Dịch Diên Hồng là giải thích lập trường dứt khoát của chính phủ và tác động tinh thần quân sĩ địa phương để họ vừa chiến đấu bảo vệ thôn làng một cách hữu hiệu vừa thu phục nhân tâm không cho kẻ địch xâm nhập lôi cuốn.
Đích thân Tổng Thống VNCH đã đến hội trường của Trường Bộ Binh chủ tọa lễ xuất quân rầm rộ chưa từng có trong các lần chiến dịch. Chúng tôi thấy tầm quan trọng được đắt ở một mức độ rất cao, và thâm tâm rất hãnh diện được góp mặt trong một chiến dịch lịch sử.
Các sĩ quan tham gia chiến địch được chia thành khoảng 45 đoàn. Mỗi đoàn do một sĩ quan kỳ cựu hướng dẫn chịu trách nhiệm một Tiểu Khu hay Đặc Khu. Mỗi đoàn sẽ có một số toán tuỳ theo con số chi khu trực thuộc tiểu khu. Toán có 4 người, do một SVSQ/CTCT làm trưởng toán và 3 tân sĩ quan khoá 3/68. Họ sẽ phối hợp với các Chi Khu để được đưa đến tận các đại đội Địa Phương Quân và các Trung Đội Nghĩa Quân hoạt động.
Các quan lớn trong Bộ Tổng Tham Mưu quên mất một điều rất tế nhị là: trong lúc các toán viên là sĩ quan (tuy mới mang cấp Chuẩn Úy), thì người trưởng toán chỉ là SVSQ (dù sắp ra trường mang cấp Thiếu Úy). Không có một huấn thị nào về việc chúng tôi sẽ mang cấp hiệu gì để chỉ huy mấy ông sĩ quan; chúng tôi đã tự giải quyết lấy. Có anh khiêm tốn mua hai cái Omega gắn lên cổ áo; có anh bạo hơn, đeo một bông mai; vài anh cứ giữ nguyên cấp hiệu alpha của SVSQ.
Tôi bắt thăm trúng một chi khu nào đó tận miệt Sa Đéc; nhưng may mắn hoán chuyển cho một người bạn để về Chi Khu Đông Hà là quê nhà của tôi. Dù ở vùng tuyến lửa đầu của Tổ Quốc, Chi Khu Đông Hà may mắn ít chiến sự, vì đó là một thị xã phồn thịnh, lại được đặt bản doanh của Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Trung Đoàn 2 thiện chiến nhất của Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Nơi đây có một phi trường dã chiến nhưng bận rộn không thua gì phi trường Đà Nẳng. Nếu trí nhớ của tôi không đến nỗi tồi, thì Chi Khu Đông Hà chỉ có một Đại Đội ĐPQ đóng ngay tại bờ Bắc của Cầu Đông Hà, trên đường Quốc Lộ 1 đi ra khu Phi Quân Sự ở Bến Hải. Tôi không nhớ rõ con số các Trung Đội Nghĩa Quân ở các xã là bao nhiêu.
Trước năm 1964, tổ chức quân sự của tỉnh đặt dước quyền một Phó Tỉnh Trưởng Nội An vừa kiêm luôn chức Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An. Các vị này thường là cấp Đại Úy chính quy được biệt phái. Chủ lực của tỉnh là Bảo An Đoàn, và Dân Vệ Đoàn thoát thai các lực lượng Bảo Chính Đoàn (Bắc Việt), Nghĩa Dũng Đoàn (Nam Việt) và Việt Binh Đoàn (Trung Việt), và trực thuộc Bộ Nội Vụ. Tiêu chuẩn theo học Sĩ Quan Bảo An thấp hơn tiêu chuẩn của Sĩ Quan Trừ Bị. Tuy cùng học một học trình và thời lượng như nhau, nhưng tân sĩ quan Bảo An ra trường mang cấp Thiếu Úy trong khi sĩ quan Trừ bị ra cấp Chuẩn Úy. Họ mang một hoa thị 8 cánh màu bạc trên nền xanh lá cây. Trang bị từ quân phục đến vũ khí, lương bổng đều kém xa quân chính quy. Bù lại thì các chiến sĩ Bảo An phục vụ tại quê nhà, không phải chịu chiến trận như các đơn vị Bộ Binh.
Ngày 7-5-1964 Bảo An Đoàn được chuyển thành Địa Phương Quân, thuộc Bộ Quốc Phòng.  Ngày 12-5-1965, Dân Vệ Đoàn thành Nghĩa Quân, cũng thuộc Bộ Quốc Phòng.  Sắc lệnh số 161/SL/CT ngày 22-5-1964 chính thức sáp nhập Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vào Quân Lực VNCH. Chính Phủ VNCH thành lập các Vùng, Khu Chiến Thuật,Tiểu Khu, ặc Khu, Chi Khu. Từ đó, các vị Tỉnh Trưởng là quân nhân, cấp Trung Tá hay Đại Tá và kiêm luôn chức vụ Tiểu Khu Trưởng. Cấp số Tiểu khu tương đương cấp Lữ Đoàn. Tổ chức, phiên chế của ĐPQ không khác mấy các đơn vị chính quy; chỉ có Nghĩa quân là còn mang sắc thái cũ.
Tâm lý dân chúng thường coi nhẹ binh chủng Địa Phương Quân, do họ thoát thai từ Bảo An Đoàn vốn kém cỏi về nhiều phương diện. Nhưng những năm dài chiến cuộc đã chứng minh sự sai lầm này. Đã có nhiều đơn vị Địa Phương Quân sát cánh chiến đấu cùng Chủ Lực Quân, tạo nên nhiều chiến tích vang dội. Họ là những người canh giữ phố phường, làng mạc để cho chủ lực rảnh tay hành quân diệt địch trong các vùng núi non, rừng rậm.
Những năm 1965-1966, khi tôi còn làm việc cho Cố Vấn Foster của Cơ quan Chống Khủng Bố tại Quảng Trị, chúng tôi đã nhiều lần đi thăm các đơn vị địa phương, gặp nhiều cấp chỉ huy Nghĩa Quân rất xuất sắc, táo bạo. Họ rành rọt từng đường đi nước bước của du kích Cộng Sản; họ biết hết những bí ẩn lý lịch của từng người trong xã. Và đặc biệt, tinh thần chiến đấu của họ rất vững vàng. Thiếu Tá Vũ Đức Vọng, xuất thân từ hàng Hạ Sĩ Quan Bảo An, theo học khoá sĩ quan đặc biệt. Năm 1965, khi còn Thiếu Úy, ông làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lê Văn Vu của Lực Lượng Biệt Chính. Chúng tôi gặp ông nhiều lần, biết ông bản lãnh và có tài chỉ huy, óc tổ chức. Cố Vấn Foster nói với tôi rằng ông Vọng rất có tương lai trong binh nghiệp. Quả thế, cuối năm 1968 khi tôi trở lại Quảng Trị trong Chiến Dịch Diên Hồng, ông đã là Đại Úy Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu. Ông đã làm các toán viên Diên Hồng thán phục ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với giọng nói hùng hồn, đầy sức thuyết phục và một kiến thức về chính trị vững vàng.
Tôi có duyên với ông, trong gần 4 năm cuối cùng ở trại tù khổ sai Xuân Phước A-20, tôi lại gặp ông. Anh em chia sẻ nhau từng miếng đường, hại muối. Gia đình ông nghèo, ở xa, không thăm nuôi tiếp tế. Nhưng ông vẫn giữ tư cách, khí phách hơn người, luôn luôn đứng thẳng trước cường quyền. Ông là một tấm gương rất tốt để chúng tôi học hỏi, sống xứng đáng là một quân nhân QLVNCH giữa vòng lao lý, cùm kẹp, khủng bố của địch. Chúng tôi thật lòng kính phục và yêu mến ông.
Toán của tôi có ba anh Chuẩn Úy: Võ Trung, Lê Văn Nở, và Nguyễn Vâng. Trung và tôi là bạn thưở thiếu thời, đều có nhà ngay ở thị xã Đông Hà. Vâng thì có nhà ở Quảng Trị; chỉ có Nở người miền Nam. Tôi đưa Nở về ở nhà mình, có Mẹ tôi lo cơm nước. Địa bàn Chi Khu Đông Hà không rộng, các xã chỉ quanh quẩn chừng năm mười cây số quanh thị xã. Do đó, chúng tôi thường đi đi về về trong ngày đèo nhau trên hai cái xe Honda. Đầu tiên là Đại Đội Địa Phương đóng ngay cầu Đông Hà do một Thiếu Úy người Nam chỉ huy. Sau đó là lịch hoạt động đến từng trung đội Nghĩa Quân. Chúng tôi ở với mỗi trung đội vài ba ngày. Binh sĩ của chi khu có một số biết tôi. Vì thế, việc “ba cùng” với họ rất dễ dàng. Họ mời luôn cả dân làng đến cùng tham dự rất đông và hào hứng. Sau những buổi sinh hoạt học tập, họ mạnh dạn nêu lên câu hỏi rất mộc mạc, đơn giản; có lẫn cả những chuyện tâm tình riêng tư. Và chắc chắn thế nào cũng có những bữa cơm đạm bạc mang màu sắc địa phương cùng chai rượu trắng thật nồng. Người dân vùng Quảng Trị thường có ý thức chính trị khá cao, và có lòng trung thành với lập trường của mình; dù họ theo bên nào.
Tuần lễ thứ ba, chúng tôi được Chi Khu yêu cầu tham dự một cuộc hành quân thanh lọc kéo dài hơn mười ngày ở một xã xôi đậu phiá tây bắc thị trấn. Trong khi các đơn vị của Trung Đoàn 2 BB của Trung Tá Vũ Văn Giai bất ngờ bao vây và hành quân vòng ngoài để giữ an ninh để nội bất xuất ngoại bất nhập; Chi Khu chịu trách nhiệm tập trung dân xã lại để ban 2 kín đáo thanh lọc, ban 5 lo sinh hoạt dân vận, chính trị. Đại khái công việc thanh lọc gồm có kiểm soát đối chiếu tờ khai gia đình, thẻ kiểm tra, thẻ cử tri để tìm những kẻ khả nghi. Đối với thanh niên và trung niên thì có điềm chỉ viên che mặt để nhận dạng ai là du kích hay là người có liên hệ với du kích. Dân xã phải đem mùng mền chiếu gối vào ở trong khu thanh lọc trong suốt cuộc hành quân. Ban 4 Chi khu lo lắng việc ăn ở chu đáo cho họ, trong khi ban 5 đưa đoàn văn nghệ vào giúp vui mỗi đêm. Chuẩn Úy Lâm Điển, trưởng ban 5, vừa ăn nói nhỏ nhẹ, vừa ca hay, là cái đinh của những đêm vui đó. Điển và tôi là bạn học cùng lớp hồi Tiểu Học. Anh trắng trẻo, hiền lành thường bị bọn học trò ba gai ăn hiếp. Tôi đã có lần đánh lộn với anh Phước để bênh bạn khi Phước cầm ngược cây bút để anh Điển vừa ngồi xuống thì bị đâm vào mông đến chảy máu. Phước sau này cũng đi lính thứ dữ và đã hy sinh đâu đó khoảng 1970.
Thoạt đầu, những ngày chúng tôi mới đến trình Sự Vụ Lệnh, Thiếu Tá Chi Khu Trưởng Đông Hà có vẻ e ngại chúng tôi như là những tai mắt của Trung Ương về dòm ngó tình hình địa phương. Vì thế, ông tiếp đón rất trịnh trọng nhưng dè dặt. Thật sự, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ báo cáo hàng tháng trong cuộc họp ở Tiểu Khu, và báo cáo về trung ương các hoạt động và thành quả tạm thời của toán cũng như báo cáo về tinh thần binh sĩ. Hoàn toàn không có chuyện xen vào nội bộ các chi khu, khác với chiến dịch Kiện Toàn Đơn Vị của khoá 4/CTCT tại vùng 4 Chiến Thuật. Sau này thì quan hệ của chúng tôi thật tốt đẹp và cởi mở.
Những ngày sinh hoạt với anh em Nghĩa Quân, tôi được về những vùng quê xa; học hỏi thêm nhiều nếp sinh hoạt văn hoá của đồng bào mình, biết thêm nhiều cảnh sắc mà thiếu thời không có dịp khám phá. Xin nhắc lại trong biến cố Tết Mậu Thân, Đông Hà và các vùng quê lân cận đã được hoàn toàn yên ổn, trong khi Thị Xã Quảng Trị bị hang ngàn Cộng Quân xâm nhập đánh tận vào Cổ Thành nơi có Bộ Chỉ Huy của Tiểu Khu. Những trận đánh lớn giữa Cộng quân và các chiến sĩ Trung Đoàn 1 Bộ Binh đã xảy ra kéo dài nhiều ngày. Cộng quân đã gánh chịu tổn thất rất cao vì  không nắm được địa thế, đi lạc vào các ổ phòng ngự kiên cố của ta.
Cũng như hầu hết các chiến dịch, chương trình của chính phủ, khi phát pháo ra quân thì rầm rầm rộ rộ, cờ xí rợp trời, nhạc trống vang lừng. Nhưng khi kết thúc thì âm thầm, lặng lẽ.
Đâu đó khoảng tháng 3, 1969, chúng tôi kết thúc chiến dịch Diên Hồng. Các trưởng toán ghé qua Tiểu Khu nhận mỗi người một bằng Tưởng Lệ cấp Lữ Đoàn rồi lên xe về Huế chờ chuyến bay trở về đơn vị. Không một lễ bế mạc cho ra hồn, tương xứng với lúc xuất phát có cả Nguyên Thủ quốc gia chủ tọa. Không rõ các báo cáo của chúng tôi có được đem ra một ủy ban nào đó trong Bộ Quốc Phòng (hay chí ít tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị) nghiên cứu để tìm phương lược cải thiện hay bị xem như đống giấy vụn đi vào quên lãng.
Dù sao, qua ba tháng sinh hoạt với các chiến sĩ Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, cũng cho chúng tôi một cách nhìn lạc quan, thiện cảm với những người lính vốn bị nhiều thiệt thòi trong toàn bộ Quân Lực VNCH.,


Đỗ Văn Phúc
Cuối năm Canh Dần, Feb-2011



15.7.10

Dòng Sông Chia Cắt




Kỷ niệm 55 năm ngày Quốc Hận (20-7-1954 – 20-7-2010)


Đỗ Văn Phúc

Trong đời người, ít ra ai cũng có một dòng sông kỷ niệm. Thời ấu thơ thì đó là dòng sông nơi ta thường bơi lội nhỡn nhơ vui đùa vô tư cùng các bạn. Tuổi đôi mươi thì đó là dòng sông nơi hò hẹn lần đầu với người yêu trong những chiều tà hay đêm trăng. Sông ngòi Việt Nam nhiều đến nỗi có đủ để ban phát cho mỗi người ít nhiều kỷ niệm êm đềm, nên thơ hay đắng cay hờn tủi, có khi cả kỷ niệm chia ly, đau buồn. Ðối với cả dân tộc thì hai con sông Gianh và Bến Hải là chứa chan bao kỷ niệm chia lìa, nhục nhã của sự phân tranh Nam Bắc. Hai trăm năm trước đây, hai họ Trịnh, Nguyễn cắt đôi núi sông vì tranh giành quyền bính trước một cơ đồ nhà Lê đã đến thời suy mạt. Hai trăm năm sau, thực dân và cộng sản lại nỡ đang tâm phân rẽ đại gia đình Việt Nam vì những giấc mộng ngông cuồng của chủ nghĩa đại đồng Cộng Sản. Chinh chiến điêu linh kéo dài hai mươi năm đã hủy diệt mầm sống của dân tộc: hàng triệu thanh niên ưu tú của hai miền gục ngã trên con đường Trường Sơn, trong rừng già Tây nguyên, sình lầy Ðồng Tháp... Tài nguyên thiên nhiên bị hủy diệt, thành phố, nông thôn tiêu điều; gia đình ly tán, niềm tin mai một. Cũng chỉ vì một dòng sông, cũng chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai phi nhân bản, cũng chỉ vì một loại người vô lương...
Tôi sinh ra và sống hết thời thơ ấu bên người mẹ hiền ở một huyện lỵ nhỏ bé nơi vùng giới tuyến phân chia Nam Bắc. Mở mắt chào đời chưa bao lâu, tôi đã mất người cha vào tay bọn Việt Minh trong ngày gọi là tổng khởi nghĩa. Chúng đưa người ra Bắc biệt tăm từ đó. Mẹ tôi không thể tiếp tục cuộc đời làm dâu tôi đòi, dù rằng hai bên nội ngoại tôi đều làm quan rất lớn trong triều. Bà đã bồng bế tôi ra miền Gio Linh lập nghiệp. Ban đầu buôn bán theo những chuyến xe hàng, sau mở cửa hàng bán vải vóc ngay góc phố chính của Gio Linh. Phía sau nhà tôi là cơ quan huyện đường, nơi người cậu của mẹ tôi làm huyện trưởng. Tuổi thơ của tôi hồn nhiên và hạnh phúc, vì mẹ tôi thương con rất mực. Chiến tranh lúc đó cũng cận kề. Quân đội Pháp thì có đồn Ba Dốc trấn giữ ngay đỉnh đèo cũng tên Ba Dốc. Sau này, đó là căn cứ A-1 do một tiểu đoàn của Trung Đoàn 2 Bộ Binh trú đóng.  Từ đây chúng ta có thể nhìn thẳng ra cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải chỉ cách đó chừng năm cây số. Việt Minh thỉnh thoảng bắn súng cối vào huyện. Có lần hai trái đạn nổ ngay nhà tôi, làm chết mấy người khách xin ngủ trọ. Mẹ tôi may mắn trong đêm đi ra ngoài vườn làm vệ sinh nên thoát chết; còn tôi đang ở cùng người chị ruột tại tỉnh lỵ Quảng Trị. Sau này, nhà vẫn còn giữ những bàn ghế và tầm ván ngựa gỗ trắc bị miểng đạn băm nhiều vết.
Tôi sớm thấy Việt Minh. Một đêm, chúng tấn công huyện đánh cho đến sáng thì rút lui. Bọn trẻ con kháo nhau đi xem Việt Minh chết. Tôi cũng tháp tùng trong đám trẻ, mon men lại gần xác chết.  Ðó một người mặc quần áo ka ki vàng, chân đất, nằm sòng soại xéo bên cổng huyện, mặt phủ một tấm khăn trắng. Có đứa dạn tay lật chiếc khăn ra xem thử Việt Minh có mấy mắt mấy miệng. Tuy còn bé, tôi đã ý thức được đây chính là kẻ thù đã bắt cha mình đi biệt. Tôi thù ghét Việt Minh từ đó.
Ai có về vùng Gio Linh mới thấy hết cảnh nghèo của thôn quê địa đầu giới tuyến. Ðất không nghèo, vì đất đỏ có thể trồng tiêu, chè cho lợi tức cao. Dân không thiếu và thường là dân chăm chỉ, cần cù. Gio Linh nói riêng, hay Quảng Trị nói chung nghèo là vì chiến tranh. Mùa hè, người nông dân làm ruộng dưới cơn nóng hừng hực do ngọn gió Lào thổi về; mùa đông cái rét căm căm cộng với những cơn mưa triền miên kéo dài hàng vài ba tháng làm cho cảnh sắc tiêu điều thêm. Gio Linh với bài hát của Phạm Duy gợi lên hình ảnh bà mẹ già nhẫn nhục: “Mẹ già cuốc đất trồng khai, nuôi con đánh giặc đêm ngày....” Rồi đêm nghe tin con mình bị giặc chém đầu, “Mẹ già không nói một câu, đem khăn gói  đi lấy đầu.” Thê lương thay, hình ảnh “lá vàng khóc lá xanh rơi” mà mãi hàng chục năm sau vẫn còn tiếp diễn.
Ngày đất nước chia đôi, hai bên bờ sông Bến Hải trở thành khu Phi Quân sự. Cái đồn canh của Pháp trên đỉnh đèo Ba Dốc trở thành đồn của Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Ngưng bắn gọi tắt là ICCS. Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải được chia hai, phần trong Nam sơn màu xanh, phần ngoài bắc sơn đỏ; giữa là vạch sơn trắng. Đó là biên giới của hai miền, của tự do và nô lệ, của dân chủ và độc tài, của cái mỹ danh Tiền đồn chống Cộng của Thế giới Tự do và Tiền đồn phe Xã hội chủ nghĩa. Từ đó bắt đầu cuộc chạy đua, một bên tiến lên phía trước của văn minh phát triển, một bên tụt lại hàng chục năm để trở về thời đồ đá.
Ðứng trên đèo Ba Dốc nhìn ra phương Bắc, con đường quốc lộ 1 thẳng tắp vượt qua cầu , qua huyện Vĩnh Linh rồi chạy sâu vào lãnh thổ huyện Ðồng Hới của tỉnh Quảng Bình. Hai bên bờ là hai cột cờ mà mỗi năm mỗi được xây cao thêm, vì bên nào cũng muốn tỏ ra hơn hẳn đối phương. Lá cờ rộng có lẽ bằng cả sân làng. Bên kia, nhiều cán bộ đã chết oan ức vì leo lên đỉnh gỡ rối lá cờ.
Tôi có nhiều dịp đến tận sát đầu cầu nhìn qua bên kia. Cũng có vài lần ra đến chợ Cao Xá, nơi khoảng cách hai bờ hẹp nhất. Con sông Hiền Lương bắt nguồn từ núi Trường Sơn đổ ra biển Ðông ở cửa Tùng, nước chảy lặng lờ, sóng gợn nhẹ buồn mênh mang. Trên sông, vài con thuyền trôi êm, không tiếng hò, câu hát. Chợ Cao Xá nằm sát bờ sông. Những ngày phiên họp đông đúc, bày bán đủ thứ hàng phong phú của miền Nam kinh tế tự do. Người qua lại lũ lượt áo quần màu sắc rực rỡ. Dãy loa công suất lớn gồm hàng chục cái chỉa sang bờ Bắc, phát ra những bài ca tình tứ, ca ngợi cuộc sống êm đềm, ấm no của miền tự do. Phiá bên kia bờ, cảnh vật đìu hiu. Một ngôi nhà ngói đỏ lạc lỏng giữa vài căn lều xơ xác. Vài người nông dân đứng âm thầm giữa cánh đồng buồn hiu; trên đường có chiếc xe ba càng nặng nề kêu cút kít. Hàng loa tròn ngoài đó không mạnh đủ để đưa những luận điệu tuyên truyền vượt qua con sông hẹp. Phải những ngày nghịch gió, ta còn nghe văng vẳng vài câu hát the thé toàn chuyện chăn nuôi, sản xuất.
Nơi đây, vùng phi chiến. Không có bóng dáng người chiến binh. Chỉ thấy anh cảnh sát mặc đồng phục trắng qua lại. Sau này, chính quyền ta lập ra quận Trung Lương nhỏ bé để đảm trách phần hành chánh của vài ba xã nằm trong vùng. Tôi có dịp ra chơi nhiều lần trong những dịp hè, vì Lễ Môn là quê hương của người anh rể tôi. Những ngày nắng đẹp, chúng tôi chạy đuổi bắt nhau qua những rừng đầy trái sim chín và trái chu mòi chua chua, ngọt ngọt. Sáng sớm thì đi đâm chuột ở các thửa ruộng vừa gặt xong; những con chuột đồng béo mập, lông vàng hoe, đem về cho vào hông với lá sả là tuyệt.

Thế rồi...
Cảnh thanh bình đột ngột biến mất. Uỷ Hội Quốc Tế rút đi vì cũng bất lực trước sự ngoan cố vi phạm của Cộng Sản, thay vào đó là toán Hiến Binh Việt Nam Cộng Hoà đội nón cát két đỏ. Tiếng sáo chiều nhẹ nhàng đã bị thay bằng tiếng đạn cối đêm đêm vọng về. Chiến cuộc bắt đầu từ các vùng Cam Lộ, Hướng Hoá lan dần xuống. Ðông Hà trở thành căn cứ quân sự lớn với các chàng trai trẻ Sư đoàn 1 Bộ binh kiêu hùng. Cộng sản phản bội Hiệp định Geneve, thành lập cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam trong kỳ Ðại hội đảng 20-12-1960 nhằm thôn tính miền Nam. Du kích nằm vùng bắt đầu quậy trở lại. Chiến tranh lớn dần, lan dần ra tận khu phi quân sự. Ðạn đại pháo từ bên kia bờ ngang nhiên bắn phá vào làng mạc miền Nam. A-1, Côn Thiên trở thành pháo lũy kiên cường, nơi những người chiến sĩ Trung đoàn 2 của Ðại tá Vũ Văn Giai ngày đêm gian nguy chống giữ. Sông Bến Hải lại lần nữa chứng kiến cảnh huynh đệ tương tàn.
Năm 1965, tôi đang làm cho một cơ quan chống khủng bố của Toà Ðại Sứ Hoa Kỳ tại Quảng Trị. Ngày đưa ba tên Tôn Thất Dương Kỵ, Trịnh Ðình Thảo và Nguyễn Văn Huyến (tôi không nhớ chính xác lắm về tên sau này) tống cổ ra Bắc vì tội ăn cơm Quốc gia, thờ ma Cộng sản; tôi lại lần nữa ra tận chân cầu Hiền Lương. Trước khi đi, cố Vấn Kenwood Foster dặn không mặc quân phục mà thay vào đó bộ bà ba đen như của cán bộ Xây Dựng Nông Thôn. Phiá VNCH hình như có ông Nguyễn Cao Kỳ, lúc đó là Phó Tổng Thống. Ông mặc bộ vét 4 túi, đội mũ jockey đen. Chỉ có Cảnh Sát và viên chức dân sự  mới được đi đến gần cầu, toán Quân Cảnh áp giải tù phải chờ ở Quận Lỵ Trung Lương. Con sông vẫn chảy lặng lờ, như vô tình trước cơn binh lửa. Sóng gợn nhẹ lăn tăn, lấp lánh ánh mặt trời như một điệu ru buồn não ruột.
Hai mươi lăm năm sau, đất nước lại thanh bình, tôi qua Hiền Lương trong một chuyến xe đò đi Hà Nội thăm cho biết quê hương miền Băc một lần trước khi ra đi về miền tự do Hoa Kỳ. Cảnh trù phú rộn rịp của những năm “cởi mở” đã thực sự chấm dứt ở Ðông Hà, cách đó 15 cây số về phía nam. Từ Đông Hà cho đến tận Hà Nội là cảnh tiêu điều hoang sơ, nghèo ơi là nghèo. Nghèo ngoài sự tưởng tượng. Chiếc cầu Hiền Lương còn trơ khung sắt đã tróc rỉ. Mặt cầu không còn lớp ván mà thay bằng những cây rừng gác tạm bợ, buộc với nhau bằng đủ loại dây nhợ. Hai móng cầu đã nứt nẻ, người ta dùng dây kẽm gai chằng néo chống đỡ. Ðã mười lăm năm sau chiến tranh mà cộng sản vẫn chưa vãn hồi được cảnh thanh bình an lạc nơi miền quê đau khổ này. Bên bờ Bắc, vẫn những tấm áo nâu sồng rách bạc, lầm lủi đi trong mưa. Ðường lộ không còn nền nhựa mà chỉ đá đất lởm chởm đầy ổ gà. Hai bên, thỉnh thoảng thấy những cụ già, những bé thơ gầy còm run rẩy đứng xin ăn. Các thiếu nữ thì che tấm chiếu chờ những chuyến xe từ miền Nam ra gạ gẫm bán thân, đổi lấy lon gạo cho bữa cháo ngày mai của gia đình. Dân chúng ở dọc hai bên đường nơi chúng tôi dừng lại mượn chỗ nấu cơm, đã thèm thuồng nhìn bát cơm trắng của chúng tôi mà than :”Cả một đời chưa hề ăn được bữa cơm với gạo trắng như dân miền Nam.”
Con sông Gianh, nơi phân chia thời Trịnh Nguyễn, nước đục ngầu, chiếc cầu bắc qua đã bị phá hủy trong chiến tranh vẫn chưa được xây lại. Xe cộ phải qua cầu phà ghép bằng đủ loại ca nô và tấm gi sắt cũ. Người dân xứ Nghệ Tĩnh, cục cưng của chế độ Cộng sản thật khó thương. Họ vừa cục cằn, thô lỗ, vừa bẩn tính. Xe tôi dừng ngủ đêm chờ sáng. Trước khi qua phà, tôi cầm ca và bàn chải đánh răng bước vào một căn nhà xin nước sạch để rửa mặt, súc miệng. Chưa đặt chân qua cổng, đã nghe cái giọng trọ trẹ dễ ghét: “Khoông cho mô, đừng vô.” Thử tưởng tượng, cái giếng nước thì đầy nhóc, mà lòng người thì quá khô cạn. Thì ra, thống nhất từ lâu, nhưng Nam Bắc vẫn không thể chan hoà được. Ranh giới địa lý đã xoá mờ, nhưng ranh giới ý thức hệ, ranh giới của văn hoá, ranh giới của tình người, ranh giới của sự phát triển vẫn còn kéo dài cho đến cả nhiều thập niên về sau.
Còn một con sông Bến Hải mới giữa những người không phương kế, phải ở lại và những người ra đi đến bến bờ tự do trên hàng chục nước khác nhau khắp hoàn cầu. Ba mươi lăm năm với hai lối sống hoàn toàn khác biệt đã tạo ra một khoảng cách rất xa giữa hai nếp suy nghĩ mà dễ gì rút ngắn nếu một ngày mai trong tương lai, dân chủ tự do lại vãn hồi trên quê hương.

 Đỗ Văn Phúc



22.4.10

Gương Bất Khuất Trong Tù


Thời còn đi học, chúng tôi bị ảnh hưởng bởi những truyện lịch sử truyền thống Việt Nam, chỉ quan niệm các vị anh hùng phải là thuộc giai tầng ưu tú xã hội như những vị vua Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Lê Lợi, Quang Trung, hay các vị tướng lãnh thống soái như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi… Nhờ chế độ Cộng Hoà và nền văn minh dân chủ khai sáng, người Việt Nam đã nhìn đến những người anh hùng ở các tầng lớp thấp hơn như các thiếu úy, trung úy, các hạ sĩ, binh nhì, thậm chí đến những chị Ba Hàng Xanh, em học sinh Quách Thị Trang. Mỗi lần Bộ Tổng Tham Mưu tưởng thưởng chiến sĩ anh hùng, đều có đủ mặt các cấp từ tướng tá trở xuống đến binh nhì, có đủ quân binh chủng từ Dù, TQLC, BDQ cho đến ĐPQ và Nghĩa quân. Nói đến anh hùng thời chiến là nói đến nhưng chiến sĩ quả cảm, lập nên chiến công hiển hách trong phạm vi khả năng của họ. Thời bình hay nơi hậu phương là nói đến những nhân vật có những hành vi hơn người, vượt thắng khó khăn sợ hãi để bảo toàn danh dự, hay lý tưởng; hoặc có hành vi hy sinh bản thân để cứu người. Sự phong tặng danh vị Anh Hùng của chúng ta không quá lạm dụng như trong chế độ Cộng Sản. Họ phong anh hùng cho ngay những tên ngu muội, điên rồ bị lừa gạt chết oan nghiệt cho cái lý tưởng sai lầm; hay những kẻ vai u thịt bắp, đem sức mình ra làm hùng hục để kiếm tiếng khen. Kiểu anh hùng gánh phân, anh hùng thủy lợi làm cho hai chữ cao quý này trở thành mỉa mai, lố bịch.