Khoảng ba chục tân sĩ quan vừa tốt nghiệp khoá 3/68 trường Bộ Binh Thủ Đức và sáu sinh viên sĩ quan khoá 1 Đại Học Chiến Tranh Chính Trị đang tập họp đông đủ tại hội trường Tiểu Khu Quảng Trị chờ nhận Sự Vụ Lệnh để đến các chi khu công tác trong ba tháng với các quân nhân Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vùng Hoả Tuyến.
Từ trường Mẹ ở Đà Lạt, chúng tôi được C-130 chở về Thủ Đô và sau đó đến trường Bộ Binh nhằm lúc khoá 3/68 vừa mãn khoá. Gần như tất cả Sinh Viên Sĩ Quan khoá 1 tham dự Chiến Dịch Diên Hồng, ngoại trừ một số nhỏ ở lại trường để làm cán bộ huần nhẫn khoá 2 mới từ các Trung Tâm Huấn Luyện đưa về.
Hơn hai năm văn ôn võ luyện ở thành phố sương mù, chúng tôi háo hức chờ đợi một ngày nắng đẹp đầu năm để quỳ xuống sân Vũ Đình Trường nhận lãnh bông mai vàng trên cầu vai và trách nhiệm thử thách lớn lao của những sĩ quan Chiến Tranh Chính Trị đầu tiên trong Quân Lực được đào tạo một cách quy củ cũng như được trang bị khá đủ những kiến thức về chính trị xã hội cấp đại học.
Năm 1968, đánh dấu bằng chiến thắng cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân do Cộng quân phát khởi trên toàn quốc. Quân lực ta đã loại khỏi chiến trường miền Nam hơn 80% quân số chủ lực và địa phương địch. Cả một hệ thống hạ tầng cơ sở địch bị tiêu hủy vì lộ diện trong trận Mậu Thân. Quân Lực VNCH đang trên đà thắng lợi, làm chủ hầu hết các chiến trường và có khả năng thay thế Quân Lực Hoa Kỳ trên các chiến trường 4 Vùng Chiến Thuật.
Nhưng thay vì loan những tin tức chiến thắng của Đồng Minh, bọn truyền thông phản chiến Hoa Kỳ chỉ khai thác các điểm thất lợi và xuyên tạc rằng Quân Lực Mỹ Việt đã bất lực về phòng thủ, để cho địch tấn công đồng loạt trên toàn lãnh thổ. Thế là chiến thắng quân sự của chúng ta, trước mắt công luận Hoa Kỳ, trở thành sự thất bại, yếu kém. Tổng Thống Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson đã phải điên đầu trước những làn sóng phản đối của quần chúng và áp lực của Quốc Hội đòi hỏi Hoa Kỳ sớm chấm dứt sự can thiệp vào chiến cuộc Việt Nam, đem con em của mình ra khỏi cái vùng đất xa xôi bên kia bờ đại dương đầy rẩy những kinh hoàng chết chóc. Cả hai phía Hoa Kỳ và Bắc Việt đều ở thế phải thương thảo để giải quyết cuộc chiến, mà các nỗ lực đã bắt đầu từ tháng 5 năm 1968. Chính Phủ Hoa Kỳ đè nặng áp lực trên Chính Phủ VNCH yêu cầu chúng ta phải tham dự hoà đàm như là một trong 4 thành viên tham chiến. Trong lúc đó, Việt Nam Cộng Hoà không thừa nhận Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam như một thực thể chính trị, mà coi Cộng Sản Hà Nội mới là một đối thủ. Do đó, rất nhiều lần Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố chỉ nói chuyện với Hà Nội mà thôi. Điều này đã đưa đến sự bế tắc của Hoà Đàm Paris. Về sau, qua nhiều lần thương thảo, đã có sự nhượng bộ cho 4 thành phần tham dự Hội Nghị Paris gồm có Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hoà, Bắc Việt và bọn Giải Phóng. Nhưng lần này lại nảy sinh ra một vấn đề khác: 4 phái đoàn sẽ ngồi như thế nào, trong tư cách 4 phe hay là hai phe?
Người Mỹ, dường như đã quên kinh nghiệm về mưu toan thủ đoạn của Cộng Sản trong Hội Nghị Bàn Môn Điếm (1953-1954) giải quyết chiến tranh Triều Tiên, họ không xem việc sắp xếp chỗ ngồi như là một ẩn ý gì quan trọng. Ngoài việc sử dụng ngôn từ trí trá để có thể giải thích tùy hoàn cảnh, Cộng Sản còn quan tâm đến những hình thức tưởng không mấy quan trọng; nhưng đối với chúng, có thể là công cụ tuyên truyền lừa bịp dân chúng. Việc chúng ta quan tâm đến sự lựa chọn hình dạng chiếc bàn bị phía Mỹ coi là gây phiền nhiễu. Phiá VNCH chọn chiếc bàn dài để hai phe tham chiến – VNCH và Bắc Việt - ngồi hai bên, trong lúc các phái đoàn Mỹ và Mặt Trận ngồi chung với đồng minh của họ. Phe Bắc Việt thì muốn loại VNCH như thành viên chính thức, mà cho rằng phe Giải Phóng là đại diện nhân dân miền Nam, đối đầu với Hoa Kỳ.
Tuy thua đậm về quân sự, nhưng bọn Cộng Sản Bắc Việt và bọn côn đồ Giải Phóng Miền Nam chắc chắn sẽ lợi dụng nội tình rối ren của Hoa Kỳ để mặc cả trong các phiên họp tại hoà đàm Paris. Để chuẩn bị tinh thần và tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của quân nhân và quần chúng trong việc VNCH chấp thuận tham gia đàm phán, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã tái khẳng định lập trường Bốn Không, dứt khoát phải đàm phán trong thế mạnh, không nhân nhượng chút nào cho bọn Cộng Sản xâm lươc. Do đó, song song với các hoạt động dân vận thông tin dân sự, Tổng Thống ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu đưa các toán công tác chính trị về tận vùng nông thôn hoạt động “ba cùng”với binh sĩ Địa Phương và Nghĩa Quân cũng như thực hiện dân vận trong các cấp xã ấp, quần chúng nông thôn.
Mục tiêu của Chiến Dịch Diên Hồng là giải thích lập trường dứt khoát của chính phủ và tác động tinh thần quân sĩ địa phương để họ vừa chiến đấu bảo vệ thôn làng một cách hữu hiệu vừa thu phục nhân tâm không cho kẻ địch xâm nhập lôi cuốn.
Đích thân Tổng Thống VNCH đã đến hội trường của Trường Bộ Binh chủ tọa lễ xuất quân rầm rộ chưa từng có trong các lần chiến dịch. Chúng tôi thấy tầm quan trọng được đắt ở một mức độ rất cao, và thâm tâm rất hãnh diện được góp mặt trong một chiến dịch lịch sử.
Các sĩ quan tham gia chiến địch được chia thành khoảng 45 đoàn. Mỗi đoàn do một sĩ quan kỳ cựu hướng dẫn chịu trách nhiệm một Tiểu Khu hay Đặc Khu. Mỗi đoàn sẽ có một số toán tuỳ theo con số chi khu trực thuộc tiểu khu. Toán có 4 người, do một SVSQ/CTCT làm trưởng toán và 3 tân sĩ quan khoá 3/68. Họ sẽ phối hợp với các Chi Khu để được đưa đến tận các đại đội Địa Phương Quân và các Trung Đội Nghĩa Quân hoạt động.
Các quan lớn trong Bộ Tổng Tham Mưu quên mất một điều rất tế nhị là: trong lúc các toán viên là sĩ quan (tuy mới mang cấp Chuẩn Úy), thì người trưởng toán chỉ là SVSQ (dù sắp ra trường mang cấp Thiếu Úy). Không có một huấn thị nào về việc chúng tôi sẽ mang cấp hiệu gì để chỉ huy mấy ông sĩ quan; chúng tôi đã tự giải quyết lấy. Có anh khiêm tốn mua hai cái Omega gắn lên cổ áo; có anh bạo hơn, đeo một bông mai; vài anh cứ giữ nguyên cấp hiệu alpha của SVSQ.
Tôi bắt thăm trúng một chi khu nào đó tận miệt Sa Đéc; nhưng may mắn hoán chuyển cho một người bạn để về Chi Khu Đông Hà là quê nhà của tôi. Dù ở vùng tuyến lửa đầu của Tổ Quốc, Chi Khu Đông Hà may mắn ít chiến sự, vì đó là một thị xã phồn thịnh, lại được đặt bản doanh của Sư Đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và Trung Đoàn 2 thiện chiến nhất của Sư Đoàn 1 Bộ Binh. Nơi đây có một phi trường dã chiến nhưng bận rộn không thua gì phi trường Đà Nẳng. Nếu trí nhớ của tôi không đến nỗi tồi, thì Chi Khu Đông Hà chỉ có một Đại Đội ĐPQ đóng ngay tại bờ Bắc của Cầu Đông Hà, trên đường Quốc Lộ 1 đi ra khu Phi Quân Sự ở Bến Hải. Tôi không nhớ rõ con số các Trung Đội Nghĩa Quân ở các xã là bao nhiêu.
Trước năm 1964, tổ chức quân sự của tỉnh đặt dước quyền một Phó Tỉnh Trưởng Nội An vừa kiêm luôn chức Tỉnh Đoàn Trưởng Bảo An. Các vị này thường là cấp Đại Úy chính quy được biệt phái. Chủ lực của tỉnh là Bảo An Đoàn, và Dân Vệ Đoàn thoát thai các lực lượng Bảo Chính Đoàn (Bắc Việt), Nghĩa Dũng Đoàn (Nam Việt) và Việt Binh Đoàn (Trung Việt), và trực thuộc Bộ Nội Vụ. Tiêu chuẩn theo học Sĩ Quan Bảo An thấp hơn tiêu chuẩn của Sĩ Quan Trừ Bị. Tuy cùng học một học trình và thời lượng như nhau, nhưng tân sĩ quan Bảo An ra trường mang cấp Thiếu Úy trong khi sĩ quan Trừ bị ra cấp Chuẩn Úy. Họ mang một hoa thị 8 cánh màu bạc trên nền xanh lá cây. Trang bị từ quân phục đến vũ khí, lương bổng đều kém xa quân chính quy. Bù lại thì các chiến sĩ Bảo An phục vụ tại quê nhà, không phải chịu chiến trận như các đơn vị Bộ Binh.
Ngày 7-5-1964 Bảo An Đoàn được chuyển thành Địa Phương Quân, thuộc Bộ Quốc Phòng. Ngày 12-5-1965, Dân Vệ Đoàn thành Nghĩa Quân, cũng thuộc Bộ Quốc Phòng. Sắc lệnh số 161/SL/CT ngày 22-5-1964 chính thức sáp nhập Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vào Quân Lực VNCH. Chính Phủ VNCH thành lập các Vùng, Khu Chiến Thuật,Tiểu Khu, ặc Khu, Chi Khu. Từ đó, các vị Tỉnh Trưởng là quân nhân, cấp Trung Tá hay Đại Tá và kiêm luôn chức vụ Tiểu Khu Trưởng. Cấp số Tiểu khu tương đương cấp Lữ Đoàn. Tổ chức, phiên chế của ĐPQ không khác mấy các đơn vị chính quy; chỉ có Nghĩa quân là còn mang sắc thái cũ.
Tâm lý dân chúng thường coi nhẹ binh chủng Địa Phương Quân, do họ thoát thai từ Bảo An Đoàn vốn kém cỏi về nhiều phương diện. Nhưng những năm dài chiến cuộc đã chứng minh sự sai lầm này. Đã có nhiều đơn vị Địa Phương Quân sát cánh chiến đấu cùng Chủ Lực Quân, tạo nên nhiều chiến tích vang dội. Họ là những người canh giữ phố phường, làng mạc để cho chủ lực rảnh tay hành quân diệt địch trong các vùng núi non, rừng rậm.
Những năm 1965-1966, khi tôi còn làm việc cho Cố Vấn Foster của Cơ quan Chống Khủng Bố tại Quảng Trị, chúng tôi đã nhiều lần đi thăm các đơn vị địa phương, gặp nhiều cấp chỉ huy Nghĩa Quân rất xuất sắc, táo bạo. Họ rành rọt từng đường đi nước bước của du kích Cộng Sản; họ biết hết những bí ẩn lý lịch của từng người trong xã. Và đặc biệt, tinh thần chiến đấu của họ rất vững vàng. Thiếu Tá Vũ Đức Vọng, xuất thân từ hàng Hạ Sĩ Quan Bảo An, theo học khoá sĩ quan đặc biệt. Năm 1965, khi còn Thiếu Úy, ông làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Lê Văn Vu của Lực Lượng Biệt Chính. Chúng tôi gặp ông nhiều lần, biết ông bản lãnh và có tài chỉ huy, óc tổ chức. Cố Vấn Foster nói với tôi rằng ông Vọng rất có tương lai trong binh nghiệp. Quả thế, cuối năm 1968 khi tôi trở lại Quảng Trị trong Chiến Dịch Diên Hồng, ông đã là Đại Úy Trưởng Khối Chiến Tranh Chính Trị Tiểu Khu. Ông đã làm các toán viên Diên Hồng thán phục ngay trong cuộc tiếp xúc đầu tiên với giọng nói hùng hồn, đầy sức thuyết phục và một kiến thức về chính trị vững vàng.
Tôi có duyên với ông, trong gần 4 năm cuối cùng ở trại tù khổ sai Xuân Phước A-20, tôi lại gặp ông. Anh em chia sẻ nhau từng miếng đường, hại muối. Gia đình ông nghèo, ở xa, không thăm nuôi tiếp tế. Nhưng ông vẫn giữ tư cách, khí phách hơn người, luôn luôn đứng thẳng trước cường quyền. Ông là một tấm gương rất tốt để chúng tôi học hỏi, sống xứng đáng là một quân nhân QLVNCH giữa vòng lao lý, cùm kẹp, khủng bố của địch. Chúng tôi thật lòng kính phục và yêu mến ông.
Toán của tôi có ba anh Chuẩn Úy: Võ Trung, Lê Văn Nở, và Nguyễn Vâng. Trung và tôi là bạn thưở thiếu thời, đều có nhà ngay ở thị xã Đông Hà. Vâng thì có nhà ở Quảng Trị; chỉ có Nở người miền Nam. Tôi đưa Nở về ở nhà mình, có Mẹ tôi lo cơm nước. Địa bàn Chi Khu Đông Hà không rộng, các xã chỉ quanh quẩn chừng năm mười cây số quanh thị xã. Do đó, chúng tôi thường đi đi về về trong ngày đèo nhau trên hai cái xe Honda. Đầu tiên là Đại Đội Địa Phương đóng ngay cầu Đông Hà do một Thiếu Úy người Nam chỉ huy. Sau đó là lịch hoạt động đến từng trung đội Nghĩa Quân. Chúng tôi ở với mỗi trung đội vài ba ngày. Binh sĩ của chi khu có một số biết tôi. Vì thế, việc “ba cùng” với họ rất dễ dàng. Họ mời luôn cả dân làng đến cùng tham dự rất đông và hào hứng. Sau những buổi sinh hoạt học tập, họ mạnh dạn nêu lên câu hỏi rất mộc mạc, đơn giản; có lẫn cả những chuyện tâm tình riêng tư. Và chắc chắn thế nào cũng có những bữa cơm đạm bạc mang màu sắc địa phương cùng chai rượu trắng thật nồng. Người dân vùng Quảng Trị thường có ý thức chính trị khá cao, và có lòng trung thành với lập trường của mình; dù họ theo bên nào.
Tuần lễ thứ ba, chúng tôi được Chi Khu yêu cầu tham dự một cuộc hành quân thanh lọc kéo dài hơn mười ngày ở một xã xôi đậu phiá tây bắc thị trấn. Trong khi các đơn vị của Trung Đoàn 2 BB của Trung Tá Vũ Văn Giai bất ngờ bao vây và hành quân vòng ngoài để giữ an ninh để nội bất xuất ngoại bất nhập; Chi Khu chịu trách nhiệm tập trung dân xã lại để ban 2 kín đáo thanh lọc, ban 5 lo sinh hoạt dân vận, chính trị. Đại khái công việc thanh lọc gồm có kiểm soát đối chiếu tờ khai gia đình, thẻ kiểm tra, thẻ cử tri để tìm những kẻ khả nghi. Đối với thanh niên và trung niên thì có điềm chỉ viên che mặt để nhận dạng ai là du kích hay là người có liên hệ với du kích. Dân xã phải đem mùng mền chiếu gối vào ở trong khu thanh lọc trong suốt cuộc hành quân. Ban 4 Chi khu lo lắng việc ăn ở chu đáo cho họ, trong khi ban 5 đưa đoàn văn nghệ vào giúp vui mỗi đêm. Chuẩn Úy Lâm Điển, trưởng ban 5, vừa ăn nói nhỏ nhẹ, vừa ca hay, là cái đinh của những đêm vui đó. Điển và tôi là bạn học cùng lớp hồi Tiểu Học. Anh trắng trẻo, hiền lành thường bị bọn học trò ba gai ăn hiếp. Tôi đã có lần đánh lộn với anh Phước để bênh bạn khi Phước cầm ngược cây bút để anh Điển vừa ngồi xuống thì bị đâm vào mông đến chảy máu. Phước sau này cũng đi lính thứ dữ và đã hy sinh đâu đó khoảng 1970.
Thoạt đầu, những ngày chúng tôi mới đến trình Sự Vụ Lệnh, Thiếu Tá Chi Khu Trưởng Đông Hà có vẻ e ngại chúng tôi như là những tai mắt của Trung Ương về dòm ngó tình hình địa phương. Vì thế, ông tiếp đón rất trịnh trọng nhưng dè dặt. Thật sự, chúng tôi chỉ có nhiệm vụ báo cáo hàng tháng trong cuộc họp ở Tiểu Khu, và báo cáo về trung ương các hoạt động và thành quả tạm thời của toán cũng như báo cáo về tinh thần binh sĩ. Hoàn toàn không có chuyện xen vào nội bộ các chi khu, khác với chiến dịch Kiện Toàn Đơn Vị của khoá 4/CTCT tại vùng 4 Chiến Thuật. Sau này thì quan hệ của chúng tôi thật tốt đẹp và cởi mở.
Những ngày sinh hoạt với anh em Nghĩa Quân, tôi được về những vùng quê xa; học hỏi thêm nhiều nếp sinh hoạt văn hoá của đồng bào mình, biết thêm nhiều cảnh sắc mà thiếu thời không có dịp khám phá. Xin nhắc lại trong biến cố Tết Mậu Thân, Đông Hà và các vùng quê lân cận đã được hoàn toàn yên ổn, trong khi Thị Xã Quảng Trị bị hang ngàn Cộng Quân xâm nhập đánh tận vào Cổ Thành nơi có Bộ Chỉ Huy của Tiểu Khu. Những trận đánh lớn giữa Cộng quân và các chiến sĩ Trung Đoàn 1 Bộ Binh đã xảy ra kéo dài nhiều ngày. Cộng quân đã gánh chịu tổn thất rất cao vì không nắm được địa thế, đi lạc vào các ổ phòng ngự kiên cố của ta.
Cũng như hầu hết các chiến dịch, chương trình của chính phủ, khi phát pháo ra quân thì rầm rầm rộ rộ, cờ xí rợp trời, nhạc trống vang lừng. Nhưng khi kết thúc thì âm thầm, lặng lẽ.
Đâu đó khoảng tháng 3, 1969, chúng tôi kết thúc chiến dịch Diên Hồng. Các trưởng toán ghé qua Tiểu Khu nhận mỗi người một bằng Tưởng Lệ cấp Lữ Đoàn rồi lên xe về Huế chờ chuyến bay trở về đơn vị. Không một lễ bế mạc cho ra hồn, tương xứng với lúc xuất phát có cả Nguyên Thủ quốc gia chủ tọa. Không rõ các báo cáo của chúng tôi có được đem ra một ủy ban nào đó trong Bộ Quốc Phòng (hay chí ít tại Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị) nghiên cứu để tìm phương lược cải thiện hay bị xem như đống giấy vụn đi vào quên lãng.
Dù sao, qua ba tháng sinh hoạt với các chiến sĩ Địa Phương Quân, Nghĩa Quân, cũng cho chúng tôi một cách nhìn lạc quan, thiện cảm với những người lính vốn bị nhiều thiệt thòi trong toàn bộ Quân Lực VNCH.,
Đỗ Văn Phúc
Cuối năm Canh Dần, Feb-2011
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét