Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn thanh-khiết. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nguyễn thanh-khiết. Hiển thị tất cả bài đăng

27.11.23

 


Nhìn theo bóng núi

Vâng, cái bóng lừng lững đó, to và cao như dãy Trường Sơn chạy dọc nước Việt hình chữ S đã chỉ còn là dáng tiều tụy của một đời như du thủ, lưng áo của một thiên lý độc hành. Tôi nhận tin Thích Tuệ Sỹ thở hơi cuối cùng tại chùa Phật Ân sau hơn nửa tiếng khi người rời bỏ thế gian. Tôi nhận tin cựu tù A20 Phạm Văn Thương, buông đao bỏ kiếm lúc 14g ngày 24-11-2023, trong tình huống lo lắng sau những tin tức dồn dập rằng Tuệ Sỹ ngả bệnh nặng hơn và đang nằm bệnh viện, dù rằng sáng nay tôi còn biết tin ông vừa được đưa về chùa Phật Ân ở Long Thành, Đồng Nai.

Tôi không có cơ may sống cùng ông trong Trại Trừng Giới. Tôi ra khỏi trại này từ năm 1987, nhưng tôi biết khá rõ về ông qua những bài thơ để lại cho đời, trên các thông tin của thế giới mạng. Tôi kính ông một hòa thượng suốt đời tận tụy với chánh pháp, và đã truyền đạt cho đời biết bao điều, mà suốt chiều dài lịch sử Phật Giáo tại Việt Nam hiếm có một nhà sư nào làm cho hậu thế kính phục và coi đó là khuôn mẫu trong cái nhìn về Phật Pháp.

Tôi phục cái cao ngạo của cựu tù A20 Phạm Văn Thương trước những áp lực của nhà cầm quyền đối với ông. Như lời kể của các cựu tù từng một thời ở chung với ông tại Trại Trừng Giới hay Thung Lũng Tử Thần.


14.5.22

Ba mươi chín năm gặp lại

 


Screenshot 2022-05-07 213136


Ba mươi chín năm mới gặp nhau
giữa Sài Gòn nhiễu nhương mất mát
lũ chúng ta những thằng tóc bạc
còn cù cưa nhắc chuyện đời xưa

Chiều xuống trước cà phê Năm Dưỡng
ngồi ngó nhau, ngó xóm Bàn Cờ
ly cà phê lạc lõng bơ vơ
giữa cái đau, đau tình đất khách

Hải Bầu ơi xa xôi vạn dặm
thăm ta chi một kiếp cút côi
thương chi ta kẻ đứng giữa trờ
chân đã lún mấy tầng địa ngục

Nụ cười nhăn nheo đuôi mắt mỏi
bàn tay nào ôm núi sông khô
bàn chân teo dẫm một cơ đồ
đã lụn bại từ hôm thua trận

Dậm cẳng kêu trời như Trí Ghẻ
anh hùng ngã ngựa buổi qua sông
chén rượu tiễn đưa nợ tang bồng
đáy bình khô còn dòng máu nóng

Cứ chia tay coi như lần cuối
như bọt bèo trôi nổi chiều hôm
như ta, như ngươi còn lồm cồm
bươn bã sống, sống như đã chết

A20 nguyễn thanh khiết
Sài Gòn 07-05-2022
Với Thiết Giáp A20 Trần Kim Hải và A20 Nguyễn Hữu Trí





16.6.20

Ký ức bỏ quên – Vinh nhục đời người


A20 nguyễn thanh khiết
  



VII. Vinh nhục đời người


1. Ranh giới sống còn


Chiến đấu trong tù là một điều không dễ chút nào, bên cạnh người tù còn có bè bạn, có danh dự có trách nhiệm, nói gì thì nói mấy thứ này không thể quên được. Hàng tá người đã rớt đài trong tù, chỉ trong một tích tắc mềm lòng.

Bạn muốn viết thư về nhà ư, bạn đang bị kỷ luật cấm hết thư từ, vậy bạn phải nghe lời dụ khị của thằng nhóc cán bộ quản giáo hay an ninh. Cứ báo cáo những gì bạn thấy được, biết được chung quanh, nhất là anh A anh C, thái độ thành thật của bạn sẽ được đền đáp. Cán bộ Y hay X đi phép lần này, thư của bạn sẽ được trao tận tay gia đình. Thề có chân dung Hồ chủ tịch cán bộ đây sẽ không nói dối.

Vậy bạn có tin không? Có muốn vợ gởi cho ít thuốc kiết lỵ hay tiêu chảy trong vòng 1 tuần là có không? Cứ thành thật khai báo.

Đang bị cùm mà cán bộ an ninh xuống tận phòng giam, khuyên bạn khai hết những tên đồng lõa, cán bộ sẽ lập tức tháo cùm cho bạn về đội, sẽ không ghi vào hồ sơ tù của bạn, ban khai không?

9.6.20

Ký ức bỏ quên – Bên này vực thẳm


A20 nguyễn thanh khiết
  



VI. Bên này vực thẳm


1. Vũ khúc lên đồi


Đội 15 đi theo hàng hai bò lên đồi giữa trưa gió Lào bốc khói. Lưu Kim Long, tên đội trưởng có gốc bất định khi thì Cảnh Sát lúc là TQLC, đang thỏ thẻ gì đó với tên cán bộ quản giáo phía cuối hàng. Đồi dốc dựng này chúng tôi phải ngày 4 lượt đi và về, cái đồi chó chết toàn đá sỏi, đội 15 là đội nông nghiệp, chúng tôi trồng nơi đây, từ chân lên đỉnh là khoai mì H34 giống của Ấn Độ. Cái thứ khoai chi mà lạ, trên đất đá khô cằn như vậy mà nó cho củ có khi nặng đến 3, 4 kg, mỗi bụi khoai phải còng lưng mà nhổ lên khi thu hoạch.

Hôm nay đội 15 bắt đầu đào hộc trồng khoai, mỗi hố cách nhau 1m và sâu đến 40 cm, sau đó lấy lá rừng hay cây cỏ vớ vẩn bỏ vào lấp một lớp đất mỏng đợi khi bắt đầu mưa thì bỏ hom xuống. Hom là những cây khoai sau khi thu hoạch dựng đứng hàng đống, lấy cây cỏ phủ lên chống nắng, chặt ra từng khúc 20cm, bỏ xuống cái hố tào lao đó, rồi cứ để cho trời sinh trời diệt. Vậy mà nó sống nhăn răng. Nó là lương thực chính ở cái trại chết tiệt A20 này.

4.6.20

Ký ức bỏ quên - Thung Lũng Tử Thần


A20 nguyễn thanh khiết
  



V. Thung Lũng Tử Thần


1. Ngược dòng Trà Bương


Đoàn xe pha đèn, quét một vùng sáng, xoá tan cái yên tỉnh của Rừng Lá. Ra quốc lộ, quẹo phải về hướng miền Trung, đã có những tiếng xì xào vang lên trong chiếc xe bít bùng.

   - Ra Bắc?

   - Ra Trung, trại Củng Sơn?

Những người tù bắt đầu tiên đoán vận mệnh sắp tới cho mình. Tôi qua rồi chí ít hai lần dời đổi vậy mà cũng có chút hoang mang.

Quả thật tôi chẳng thể đoán mình sẽ bị đày về đâu, nhưng căn cứ vào một ngày ăn đi đường mà tất cả được lãnh trước khi lên xe, thì cũng có thể biết rằng chuyến đi không quá một ngày, cùng lắm là đêm nay sẽ tới cái nơi phải đến. Dù biết rằng có suy nghĩ đến điều này cũng vô ích, nhưng rồi cũng phải nghĩ tới. Dựa vào thành xe cho đỡ mỏi, nhìn những người bạn đồng cảnh như những con cá hộp trong chuyến xe đêm, thấy thương cho thân tù tội. 

30.5.20

Ký ức bỏ quên – Những chuyến đi quên về


A20 nguyễn thanh khiết
  



IV. Những chuyến đi quên về


1. Rừng đã phai chưa

Mùa hè, những đụn cát bỗng nhiên nóng hơn, dưới cái nắng tháng tư theo những cơn gió thỉnh thoảng thổi qua khe lá. Đất Bình Thuận quả không thương người, không thương những đứa con da vàng đang giẫy chết trong Rừng Lá. Mưa không về, con Suối Lạnh tang thương phơi những lớp đá cuội dưới đáy, từng tảng rong rêu màu đỏ gạch nổi lều bều trên mặt nước. Con suối chạy ngang qua một thung lũng hẹp dẫn vào trại giam, nơi mà hàng ngàn tù nhân đang chết dở vì thiếu nước.

Buổi chiều, dưới cái nóng như lò lửa sau một ngày chật vật dưới đám lồ ô. Cắt, cưa, đục đẽo, để dựng lên một căn nhà mới nằm bên lộ chính dẫn vào trại.

Khu A của trại giam Z30D, thuộc địa bàn Bình Thuận, Hàm Tân. Căn nhà có cái tên rất tội nghiệp “Nhà hạnh phúc”, đó là nơi thân nhân của những người tù ở khu A làm nơi thăm nuôi, gặp mặt.

22.5.20

Ký ức bỏ quên – Đường đi không đến


A20 nguyễn thanh khiết
  



III. Đường đi không đến

1. Sau ngày tan trận

Tháng 6 năm 1975. Tôi một mình vác ba lô lên núi Bà Đen. Nhà tôi chỉ cách 5 cây số là tới chân núi. Trong thời giao chiến, tất cả những con đường dẫn vào đây toàn mìn bẫy. Ít có ai đơn độc qua những đoạn đường chết chóc rình rập thế này.

Từ đầu tháng 6 năm 1975, người ta đã tháo dỡ mìn và có nhiều đoàn đông người tái tạo lại những chuyến hành hương lên núi Bà Đen. Tôi có mặt trong đám đông này nhưng mục đích của tôi thì khác hẳn. Tôi sẽ qua khỏi chùa Hang, tới núi Phụng, tìm những khu giáp giới với Campuchia như Kà Tum, Khe Dol, thậm chí có thể quan sát đường rừng đi về núi Cậu.

Với tấm bản đồ thu nhỏ của vùng này mà tôi có được từ đống bản đồ hành quân của ba tôi ngày trước. Cắt nó ra theo đúng đường XY của khu vực. Tôi hiên ngang đi hành quân một mình.


10.5.20

Ký ức bỏ quên – Tuổi trẻ điêu linh


A20 nguyễn thanh khiết
  




II. Tuổi trẻ điêu linh

Tôi có một thời tuổi trẻ chẳng hay ho gì lắm, nếu không nói là phải cực lực chê trách nhiều mặt thì đúng hơn. Cái tuổi trẻ trong thời nhiễu nhương, mỗi bước chân đi là đạp trên tang tóc của chiến tranh, tan vỡ trong ý niệm con người, một con người sống đúng với châm ngôn đạo đức và trách nhiệm.


Đất nước chiến tranh, những bậc đàn anh ra đi và nằm xuống nhan nhản ngày một. Trong cái nhìn của chúng tôi thời đó, cái chết treo trên đầu như sợi dây thòng lọng, nó sẽ thắt lại.

Vào một ngày nào đó khi rời bỏ trường học, vĩnh biệt tuổi thơ, ưỡn ngực về thăm nhà trong bộ đồ lính. Nằm xuống, có thể chỉ còn một cái xác mang về cho cha mẹ, cũng có khi mất hẳn không dấu vết trên một chiến trường đang ném binh như vãi đậu ngoài kia, hay mất một chân, một tay, lăn xe về trong thân phận người phế binh của một trận chiến nghe hoài đến nhức nhối. Cuộc chiến chống cộng mỏi mòn.

5.5.20

Ký ức bỏ quên – Thành Gia Định


A20 nguyễn thanh khiết
  



I. Thành Gia Định

 1. Khai trận

Ngày 17 tháng 10 năm 1977. Tôi bị bắt ở quận 4, với những tang chứng không chối cãi - Tổ chức chống chính quyền cộng sản. Nằm ở công an quận 7 ngày, tôi bị đưa lên trại giam T 20, chính là thành Gia Định được xây dựng từ thời Pháp.

Khi được mở băng bịt mắt trên suốt chặng đường từ lúc bước ra khỏi phòng tạm giam ở quận 4. Cái không gian mà tôi thấy được làm tôi muốn ngạt thở. Tiếng cánh cửa sắt đóng sầm thô bạo, tiếng khoá bên ngoài vang lên chói tai, căn biệt giam tối mờ mờ, một ngọn đèn bóng tròn trên tận nóc cao, rọi xuống xuyên qua lớp lưới chống B40, mùi ẩm mốc bốc lên trong khoảng không gian chật hẹp, bít bùng như một trấn áp đầu tiên khiến tù nhân phải sợ. Chắc khoảng gần một phút sau tôi mới trấn tỉnh và quan sát thật kỹ chung quanh.

23.7.19

Lên đỉnh Charlie



Núi trùng trùng đường rừng gai góc
dốc lên dốc xuống - lạnh buốt da
đồi trở mình cao theo vạt nắng
nghe hồn tử sĩ khóc bên ta

ôi Charlie đỉnh cao ai nằm lại
đất đá tan hoang - chinh chiến tàn
gió thét gió gào - mây sà xuống
trên nắm xương vùi không khói nhang

châm điếu thuốc cho người chết trẻ
cô đơn giữa đá núi ngổn ngang
lòng ta đau - đau gần nửa kỷ
chưa phai dù lấm bụi thời gian

Charlie ! Yankee ! Delta ! mù trong núi đá
mỗi bước chân - ớn lạnh sống lưng
hố này, vực kia người chết trận
trên đó dưới đây - chết lưng chừng

anh hùng ngã xuống trong bão lửa
có sá gì một nấm mồ ma
hồn thiêng sông núi còn nghiêng ngửa
thương cho người và tội cho ta

nửa đời - ta mơ lên chóp núi
đứng hát ru người giữa cheo leo
bài ca vang dội vào vách đá
như thuở nào ngàn tiếng quân reo

rời Charlie ngước nhìn mây trắng
tụ trên đồi như tiễn như đưa
một lạy biệt người - hồn tử sĩ
ta xuống đồi - giọt nắng lưa thưa

A20 nguyễn thanh khiết
Đồi Charlie 14-03-2018


                      

10.6.18

Xuống Đường 10-06-2018


A20 Nguyễn Thanh Khiết

                 "chống gậy xuống đường"







20.7.17

Những viên gạch cũ



(Viết cho Trại Trừng Giới A20)

Những viên gạch cũ còn trên đất
đất nhuộm máu ai đỏ một màu
những viên gạch vỡ từ quá khứ
chồng lên nhau thành đống thương đau
viên lớn bể đôi rêu đã bám
viên nhỏ thời gian sớm phai màu
trên lối này chân thấp chân cao
đá sỏi dọc ngang làm chảy máu
Đám gạch lót đường trăm năm ấy
đón đưa chi triệu bước chân qua
kẻ thất phu dẫm lúc chiều tà
người cao quí đạp ngày nắng ngả
ta lăn lóc trong bầy gạch đá
mấy mươi năm tên tuổi không còn
phút cuối đời ngó núi cùng non
thành quách dở dang - vô phương chọn
Nhìn kẻ cùng đường vung tay hét
múa giáo gươm diệu võ dương oai
chỉ mua danh bán đức vô tài
dẫm đám gạch lót đường qua ải
Ôi đám gạch giờ nằm vương vãi
bốn hướng tha hương chẳng một lời
thuở xa xưa lót dặm đường đời
tan thành bụi, trên đường chưa tới
          A20 nguyễn thanh khiết
          (nhớ ngày Quốc Hận)
          20-07-2017

7.5.17

Vĩnh biệt "Cô Ba"


Bỏ hết mày đi ! mày đã đi !
chưa nói câu nào đã biệt ly
Cà phê hẹn hò ! mình tao uống !
tiếc thương mày tao biết nói chi ?

Lứa tụi mình đâu còn mấy mạng
mày tha hương vẫn muốn về đây
gánh sơn hà- cái nợ gió sương
trả hết, trong một lần đứng dậy    

Hôm tao xuống đường - từ xa xôi
mày gọi về dặn dò trăm thứ
lâm trận-đã có mày nung chí
tao hiên ngang giữa đám giặc thù 

Mày mong một lần cùng tuổi trẻ
chống gậy với tao đi biểu tình
hát vang bài ca ngợi quê hương
bằng trái tim thằng từng ở lính


Mày mong đi thăm lom bằng hữu
một lần để trút hết tình xưa
mày về chi tháng tư - trời nắng?
sao lai đi tháng năm - ngày mưa?

Trình ơi! làm sao quên tù ngục
Phú Khánh nóng ran giữa xà lim
Đồng Xuân lũ về đêm ướt mưa
cây đàn vỡ - còn ai so phím?

Chỗ này, mày ngồi đọc thơ tao
bàn tay gõ cố tìm cung bậc
Trình ơi! nhắc chi làm thêm nhớ
âm điệu đau mang theo vào đất?

Vĩnh biệt "cô ba" ! thôi vĩnh biệt !
ngủ yên đi chí cả bằng không
nhục vinh, thân thế mày đâu cần
cứ coi như vừa qua giấc mộng

Trình hởi ! Trình ơi! thôi vĩnh biệt
đường trần, thui thủi một mình tao
hận nước, thù nhà đợi kiếp sau
tao, mày lại cùng nhau một dạo

"Cô Ba" ơi ! lệ lăn trên má
tiễn mày đi ! tao tiễn mày đi!

A20 nguyễn thanh khiết
 06-05-2017
  

8.12.16

Một chuyến ra Trung


Chạy một mạch từ Sài-Gòn ra tới Hàm Tân trên chiếc xe gắn máy, tôi nghe chừng đã mỏi, mới biết ở cái tuổi hơn 60 không dễ dàng cho những chuyến đi xa. Dù vậy cũng phải đi, đi cho bỏ những ngày trói chân trong thành phố tù túng, bực bội bởi cái không gian như quá chật, quá hẹp cho cái thú dong ruỗi của mình.

Hàm Tân, danh gọi không quên. Ba năm tôi ở đó, trại Z30D. Cho dù bây giờ nó thay tên đổi họ, cho dù nó được xây dựng nguy nga hơn, kiên cố hơn. Quẹo phải tôi đi thẳng vào cổng trại giam, tất cả thay đổi hoàn toàn, ba mươi mấy năm chứ ít gì. Dù rằng, vào năm 2006 có lần tôi đu dây theo một thằng anh em xâm nhập vào trại này với tư cách là thành viên của một công ty mua bán gỗ, vào trại để thương lượng giá cả cho mấy hecta rừng tràm bông vàng sắp khai thác do trại này trồng. Lúc đó tôi ngang nhiên bước qua khỏi cái cổng luôn được chắn ngang lối vào to đùng như trước các dinh thự, khi bước qua cánh cổng này, tất cả điện thoại cầm tay đều vô dụng. Tôi không nén được  kinh ngạc khi nhìn mấy tòa nhà xây đường bệ theo phong cách, kiểu mẫu của Toà Đô Chính Sài Gòn, nó còn có vẻ lớn hơn và tân kỳ gấp bội.

13.4.16

Về thăm trại cũ



Tôi đến Tuy Hòa giữa trưa nắng của thượng tuần tháng tư năm 2016. Tới ngã ba Tuy Hòa tôi hướng về Chí Thạnh cách đó 22km, để vào trại giam A20 hay trại Xuân Phước hoặc “Thung Lũng Tử Thần” như cách gọi trong hồi ký của cố nhà báo Vũ Ánh người đã từng nhiều năm bị kiên giam ở đây. “Trại Kiên Giam” đó cũng là cách mà cựu phó tỉnh trưởng Quảng Nam Đà Nẵng, A20 Nguyễn Chí Thiệp gọi cho tập hồi ký hơn 400 trang của ông. Và ông cũng chính là người đã một thời nếm mật nằm gai, người đã nhiều lần bị cùm trong những dãy xà lim tối tăm, chết chóc của nhiều phân trại thuộc cái Thung Lũng Tử Thần này.


21.3.16

Cao Lãnh và bạn ta





Bạn đón ta khi trời gần tắt nắng
sau chuyến qua phà thấm mặn mồ hôi
vất vả chi dù vạn dặm xa xôi
thấy được mặt nhau là quá đủ rồi

thuở chung chiếu đoạn trường - còn chi nói
kẻ chết nhiều hơn đứa sống lất lây
gặp nhau thì đủ thứ chuyện trời mây
nhắc tới y như mình vừa ở đấy

mới rửa mặt đã bày như tiểu yến
mồi đưa cay vàng hực chuột nướng lu
hễ gặp nhau là chén tạc chén thù
kệ - ngươi rót không lẽ ta thúc thủ

uống thì uống nhưng chỉ say vừa đủ
để còn nghe bạn khóc nước thương non
bởi tại ngươi sinh ra để sống còn
vác đao mài kiếm không cần lựa chọn

ngươi đón ta như tên khùng thất trận
nói nói, cười cười cho hết cuộc chơi
dẫu sao ta, ngươi cũng thua lâu rồi
không cơ hội làm bàn như lính mới

mai ta đi, đi khắp vùng lục tỉnh
để nhớ về tuổi trẻ lỡ mất đi
bởi sợ rồi đây ta chẳng còn gì
khi vắt kiệt nhiều năm làm chốt thí

đừng tiễn, chớ đưa - khỏi cần bịn rịn
cứ như là gặp lần cuối - vậy thôi
cám ơn ngươi - chuột nướng lu làm mồi
Cao Lãnh và ngươi cần gì phải  nói

A20 nguyễn thanh khiết
Về Cao Lãnh thăm  A20 Lâm Mỹ Thuận
tháng ba -2016



10.8.14

Người chết lo cho người sống

  
A20 Vũ Hùng Cương thư cho tôi, chỉ vắn tắt một câu “đây là email của phu nhân Vũ Ánh”. Một câu nhắn gãy gọn nhưng nó chứa biết bao nhiêu điều để nói, để làm.
Tôi thư cho chị Yến Tuyết, vợ anh Vũ Ánh, người chị dâu tôi chưa bao giờ biết mặt. Hai chị em bắt tay vào việc thực hiện tâm huyết của người đã ra đi.

Khi còn sống anh chú bảo chị hãy xuất bản quyển Thung Lũng Tử Thần gây quỹ giúp cho các cựu binh A20 còn ở lại Việt Nam, đó là tâm nguyện cuối cùng của anh ấy


15.3.14

Vĩnh biệt Vũ Ánh




Anh từng hứa về thăm trại cũ
lên đồi vĩnh biệt đốt một nén nhang
sao đành đi lúc chiều chưa tàn
mà khăn gói vẫn đầy nguyên kiếp nạn

Nhớ xưa
dưới cái nóng hạ Lào cháy khô thung lũng
cùm chữ U máu mủ ứa cổ chân
anh hiên ngang gõ sắt mà ca
trên xiềng xích đọc vang bài Bắc Tiến

Sáu năm biệt giam
ba muỗng nước, ba muỗng cơm
chưa lần lung lay ý chí
một đời anh - một đời sĩ khí
bước thấp, bước cao cắn nhục mà đi
ngọn bút hiên ngang
thay làn tên mũi đạn
giữa trại thù nét mực chưa phai
bây giờ
tờ Hợp Đoàn để lại cho ai?

Vũ Ánh ơi!
trên sàn tù lạnh lẽo
áo lính sờn vai 
hơi thuốc thổi bay qua đồi vĩnh biệt
anh khóc cho thằng nằm lại bơ vơ
đã lỡ không được chết dưới cờ
lủi thủi như anh - lên đường ra trận
mười ba năm - nằm gai nếm mật
bây giờ - thôi đã trắng tay thua

Tiễn anh đi 
      - mười ba năm tù
          - sáu năm biệt giam
      - ba lát khoai khô
                         - cõng mấy hạt cơm gạo mốc
một thời lẫm liệt
trước gông cùm kìm kẹp
còn ai ngồi nhắc, có ai thương ?

Vũ Ánh ơi!
con tằm già chết ở cuối đường tơ
Chí Hoà, T 20, Z30A, A20
những trại thù anh từng qua
lổn ngổn sau lưng 
vẫn còn đây bầy xiềng xích 
ôi! Trường Sơn có nghe chăng
giữa khuya đau lòng tiếng anh than
chí cả năm xưa - theo tới ngày tàn
trong thiên hạ ai chia bùi xẻ ngọt?

Và lớp lớp người đi - người đi trước
nợ nần gom đầy - chỉ một anh mang
lũ bọ dòi rút rỉa tan hoang
anh vẫn lồm cồm
một thân đứng dậy
mà thôi 
hãy quên đi những gì không đáng nhớ
cầm trên tay thanh kiếm gãy năm nào
về lại đây - trở lại đèo cao
đồi vĩnh biệt bạn bè vẫn đợi
cứ múa bút
                                           - cho ngày đang tới
                                           - cho Trường Sơn rung lá như xưa
                                           - cho Trà Bương lúc mưa là mưa
                                           - cho bút pháp đi vào thiên cổ
nhớ mà chi
một lần qua sông Dịch
lưỡi gươm cùn bỏ lại dưới trăng tan

Vũ Ánh ơi!
bài thơ xưa gởi anh ngày bóng xế
còn trên tay dù đã ố vàng
cứ cầm như - như một nén nhang
tiễn anh đi - dù xa ngàn dặm

A20 nguyễn thanh khiết
15-03-2014





Trả lời thư Vũ Ánh


đọc thư anh thằng em buồn thúi ruột
cũng muốn xẻ chia như thuở tù đày
biết anh một thời lừng lẫy, đắng cay
bị cùm mút chỉ, sống còn vì bạn

đại ca – anh là thằng ưa gánh nạn
nên suốt đời bị trù dập thẳng tay
tưởng ra đi đã vứt nợ trần ai
cái nghiệp dĩ trói anh thêm lần nữa

đọc thư anh – trả lời như đã hứa
tội cho anh làm kỷ niệm tháng tư
chỉ với khoai mì, muối ớt, khư khư
thì chắc chắn chẳng ma nào tới dự

lần đầu tiên mười lăm thằng – quá dữ
lần thứ hai chỉ vỏn vẹn còn ba
lần tới nầy sẽ không một bóng ma
kéo ghế ngồi với anh cùng mặc niệm

đại ca ơi! phải chi anh ra quán
café Bolsa – mấy em phục vụ ở truồng
hoặc ở nhà hàng, cờ quạt bốn phương
may ra bạn bè ngày xưa xúm lại

cái thói xứ người mồm loa mép giải
ngày tan hàng đã vất mẹ nước non
mấy mươi năm cứ chửi rủa, om sòm
rủ về nước mặt xanh như tàu lá

súng đạn quăng bừa đạp nhau chạy trốn
miệng la làng vì chống cộng mà đi
đại ca – anh nhắc chi, làm mẹ gì ?
cái đám đó bây giờ đông như kiến

cám ơn anh đã một lời thành thực
biết thẹn mình, vì đã lỡ buông tay
còn tưởng nhớ mười năm hơn ăn khoai
trong lúc nhiều thằng cố tình quên nó

nhục theo anh gần bốn mươi năm dài
mà có kẻ cứ vinh danh hoài mới chết
thôi đại ca, anh tuổi già mỏi mệt
đã một đời, hãy để đám đàn em

nguyễn thanh khiết
03-2011




13.11.13

Gởi người cố cựu


như cơn lốc từ trong quá khứ
hốt bụi - tung mù cõi trần ai
rồi bay đi biết mấy năm dài
giờ rớt xuống buồn hiu một cõi

rong chơi một dạo thôi đã đủ
bàn tay nắm lại - bàn tay không
chốn xưa, chuyện cũ giờ như mộng
người đi, rửa sạch nợ tang bồng

hồn về thung lũng thăm trại cũ
đừng đau lòng qua đỉnh núi cao
bạn bè nằm đó thời rách áo
chốn ấy ngày xưa một chiến hào

người đi ! ừ cứ đi như thể
đã cạn một vò rượu tiễn đưa
từ phương Nam theo gió theo mưa
lời vĩnh biệt gởi người cố cựu

nguyễn thanh khiết
12-11-2013

để vĩnh biệt A20 Trần Danh San