27.11.23

 


Nhìn theo bóng núi

Vâng, cái bóng lừng lững đó, to và cao như dãy Trường Sơn chạy dọc nước Việt hình chữ S đã chỉ còn là dáng tiều tụy của một đời như du thủ, lưng áo của một thiên lý độc hành. Tôi nhận tin Thích Tuệ Sỹ thở hơi cuối cùng tại chùa Phật Ân sau hơn nửa tiếng khi người rời bỏ thế gian. Tôi nhận tin cựu tù A20 Phạm Văn Thương, buông đao bỏ kiếm lúc 14g ngày 24-11-2023, trong tình huống lo lắng sau những tin tức dồn dập rằng Tuệ Sỹ ngả bệnh nặng hơn và đang nằm bệnh viện, dù rằng sáng nay tôi còn biết tin ông vừa được đưa về chùa Phật Ân ở Long Thành, Đồng Nai.

Tôi không có cơ may sống cùng ông trong Trại Trừng Giới. Tôi ra khỏi trại này từ năm 1987, nhưng tôi biết khá rõ về ông qua những bài thơ để lại cho đời, trên các thông tin của thế giới mạng. Tôi kính ông một hòa thượng suốt đời tận tụy với chánh pháp, và đã truyền đạt cho đời biết bao điều, mà suốt chiều dài lịch sử Phật Giáo tại Việt Nam hiếm có một nhà sư nào làm cho hậu thế kính phục và coi đó là khuôn mẫu trong cái nhìn về Phật Pháp.

Tôi phục cái cao ngạo của cựu tù A20 Phạm Văn Thương trước những áp lực của nhà cầm quyền đối với ông. Như lời kể của các cựu tù từng một thời ở chung với ông tại Trại Trừng Giới hay Thung Lũng Tử Thần.


Tôi biết ông bị hốt vào trại lần đầu trong chiến dịch Sông Vĩnh, cùng lúc với các sư sãi, các văn nghệ sỹ trong trận càn quét của nhà cầm quyền mới sau 1975.

Năm 1978. Lần này Tuệ Sỹ Phạm Văn Thương bị tống giam vì một cái tội bá vơ “Cư Trú Bất Hợp Pháp” lúc ông ở chùa Già Lam và bị giam ở một trại nào đó trong miền Nam, Nhưng chắc chằn không có mặt trong Thành Gia Định - trại T20 Phan Đăng Lưu, bởi từ nằm 1977 tôi đã có mặt trong trại này. Qua can thiệp của thế giới bên ngoài ông được thả vào cuối năm 1980.

Cho đến khi phong trào nổi dậy tại Miền Nam vào giai đoạn cực thịnh, Dĩ nhiên Tuệ Sỹ là một trong những máu mặt của các sư sãi miền Nam trong Hội Đồng Liên Tôn, Tuệ Sỹ cùng Trí Siêu và một lô các sư sãi khác bị hốt vào năm 1984, bị kết án Tử Hình vì Âm Mưu Lật đổ Chính Quyền.

Trước áp lực của thế giới bên ngoài, nhà nước đành giảm án ông xuống chung thân và sau nữa xuống 20 năm. Giam ông tại Z30A Xuân Lộc, sau đó đày ra trại A20, Đồng Xuân, Phú Khánh hay còn gọi là Trại Kiên Giam (theo cách gọi của cựu Phó tỉnh Quảng Nam Nguyễn Chí Thiệp) hoặc như tên chính thức của nó Trại Trừng Giới. hoặc Thung Lũng Tử Thần

Ngày cựu tù A20 Phạm Văn Thương được kín đáo nhốt tại Trại Trừng Giới tôi đã chia tay cái nhà giam khốn kiếp này lâu rồi. Phải chi nhà cầm quyền đưa ông ra đó sớm hơn biết đâu chừng tôi và ông sẽ chung một phân trại, và chắc chắn không thể cùng đội, bởi nơi đây án tập trung sẽ không chung cùng một đội với người đã ra tòa và có án, dù rằng chung một khuôn viên, một trại dành cho chính trị phạm.

Về sau tôi có nghe nói rằng A20 Phạm Văn Thương bị đưa từ trại A20 ra trại Ba Sao, Nam Hà và được thả về từ trại này.



Tuệ Sỹ viên tịch là một chủ đề tìm kiếm trên mạng mấy hôm nay.

Tôi ngồi một mình trong phòng vắng nghe và đọc nhiều bài viết từ bè bạn bốn phương, theo dõi từ khi ông nằm xuống, cho đến lúc này, thời điểm mà nhục thân của lão hòa thượng đang quàn tại chùa Phật Ân đầy khói nhang, nhưng với một cái chết bình thường như ông đã di chúc, ngày mốt 29-11-2023 người dương trần sẽ tiễn đưa ông, cả nước Việt đang cúi đầu cung tiễn một Tuệ Sỹ, chỉ có điều.

Những ngày qua, rất đông người chỉ biết một Tuệ Sỹ với những bài thơ để đời, với những lời dặn dò cho hậu thế một chữ Tâm. Ít ai nhắc đến những công phu mà lão Hòa Thượng vừa viên tịch để lại cho đời qua những pho sách đồ sộ. Bởi nó như một thứ quí hiếm trong Tàng Kinh Các, khó tiếp cận, khó thông suốt, chẳng biết sau khi nhục thân thành tro bụi, những con chữ trong tàng kinh các đó có được phổ biến đại trà không nữa.

Điều này cũng dễ hiểu vào thời đại 4.0 những con chữ đầy màu sắc tôn giáo như cung thỉnh, đảnh lễ nó gần như xa lạ phủ đầy khói sương của nghĩa ngữ, Những hóa thân, kim quan… Trong cái văn minh nhuộm máu hôm này cực kỳ khó tiêu hóa.

Tôi chỉ là tên khờ dại may mắn, có từng qua nơi A20 Phạm Văn Thương trú trọ. bằng cảm tình của một gã không từng ghé qua thiền môn, chưa có duyên may đọc những con chữ quí hiếm mà Tuệ Sỹ lão trượng để lại trong tàng kinh các kia. Chỉ bằng tình cảm của một thất phu biết và đọc dăm bài thơ bất tử, có hình bóng của một lão trượng tu tiên, có cái nhẹ nhàng phảng phất chút hương hoa, mơ mộng, có chút hồn quê hương trong thời mạt pháp. Nên xót chút tình viết vội bài thơ lúc Thích Tuệ Sỹ vừa lìa bỏ trần gian nhiễu nhương này.

Nhìn theo bóng núi

Càn khôn một gánh ngàn cân ấy

bỏ lại cho đời những bi thương

nhục thân đã lắm, đành thôi vậy

người của ngàn năm đã lên đường

 

Gậy trúc khua khan đồi nhân ái

má hóp lưng cong trả nợ trần

bước du tử còn vương khổ ải

thiên thu chờ rực lửa hóa thân

 

Thương tích xưa hằn trên áo vải

mấy bận lưu thân hỏa ngục này

múa bút cho đời vơi oan trái

thiền môn rụng rời chiếc lá phai

 

U tịch xói mòn quanh cửa Đạo

chuông đau mõ khóc tiếng kinh cầu

người đi một bóng mờ lưng áo

nghiệp căn nào rớt lại đêm thâu

 

nguyễn thanh khiết

19g00 24-11-2023

(ngày Thích Tuệ Sỹ bỏ trần gian)

 

Tôi không dám nhân danh một cựu tù viết để vĩnh biệt một cựu tù, không dám ghi cái danh gọi A20 Tuệ Sỹ, cũng chẳng thể viết để vĩnh biệt A20 Phạm Văn Thương. Như tôi từng viết cho anh em, bè bạn từng chung một trại tù với mình và đã vội ra đi.

Thôi thì hậu bối nguyễn thanh khiết xin vĩnh biệt tiền bối Tuệ Sỹ, mà lòng thầm nhủ ngàn năm nữa nước Việt này không thể tìm đâu ra một bóng núi sừng sững như đã từng.

 

A20 nguyễn thanh khiết

27-11-2023

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét