19.7.13

Cám ơn người... tuổi trẻ



Xin cám ơn những người trẻ hôm nay
đã đứng lên vươn cao cờ tranh đấu
đã hiên ngang trên đôi chân rướm máu
đạp xích xiềng cứu chuộc một nước Nam 

Xin cám ơn những tâm hồn cao cả
đang dựng cho đời mái ấm tự do
vươn những bàn tay như một bến đò
rước sông núi bước qua ngày giông bão

Xin cám ơn những hùng ca rót xuống
tưới mát quê hương mấy thuở khô cằn
cám ơn người đang rửa sạch tối tăm
thắp ngọn nến sáng soi trời nước Việt

Xin cám ơn những lời thơ thép chảy
thổi bay ngục tù kìm kẹp hôm nay
xin cám ơn tuổi trẻ của tương lai
đang gánh vác thay tuổi già bóng xế

A20 nguyễn di ngữ
7-2013


18.7.13

Tuổi trẻ hôm nay


Hãy đứng lên mà nhìn rừng còi cọc
hãy đứng lên nghe biển khóc nhớ bờ
hãy bước trên xiềng xích khạc thành thơ
hãy dụi mắt ngó sơn hà nghiêng ngửa

Người đừng đợi trời Đông về thắp lửa
người đừng chờ gió Tây dậy phong ba
máu xương, cõi bờ dựng thuở ông cha
giờ sắp tan tành dưới chân xâm lược

Lớp đàn anh mỏi mòn bao năm trước
đã hụt hơi theo người trẻ hôm nay
một màu cờ khư khư giữ trên tay
cột gãy thành tan, còn chi mong đợi

Mặc kẻ sống quơ quào theo danh lợi
mặc bọn điên khùng nguyền rủa lẫn nhau
chiếu bạc này bất kể kẻ thấp cao 
ván quyết định chỉ dành cho tuổi trẻ

Ngại gì lửa binh, chân trần nứt nẻ
ngại chi hung tàn kìm kẹp hôm nay
cùng đứng lên mới có được ngày mai 
mất nước ! chúng ta một đời nô lệ.

A20 Nguyễn Di Ngữ
07-2013


 


17.7.13

thời gian không đi qua.



Chục năm rồi ngày đêm là lẫn lộn
khi nhắm mắt trời bừng lên sáng lạn 
đêm mịt mù trừng mắt đợi ngày lên 
mưa nắng có qua 
sao đã lạt như bài kinh vô thức.

Cuộc đời đem tháng ngày bứt rứt
xâu chuỗi vào nhau thành tràng hạt
cho ta phiêu bồng trong mộng tưởng
về một ngày rất đẹp sẽ diễn ra 

Về một ngày đồng hoa thơm rực rỡ
những đàn chim rủ nhau về từ muôn hướng
hót tiếng tình ca dạt dào
bên những lũy tre làng đàn trẻ đùa nô cười khúc khích

Đến bao giờ đừng là mơ mà thực
nếp áo em thơ in tình người chan chứa 
đôi mắt mẹ hiền nhân ái đàn con lạ 
bốn nẻo quay về mồ tổ thơm khói hương 

… có những ngườ lính xưa tìm nhau bắn giết
biết ngậm ngùi ca khúc đoàn viên 
của nghìn xưa máu mủ lập ấp khai hoang
xây dựng nên nước Việt trải trăm đời cay đắng chống quân xâm lấn

Có những người vợ 
cả đời không biết đến mùi đàn ông 
có những người vợ 
tảo tần mưa nắng khốn nhục nuôi chồng tù tội hết sạch tuổi xuân

Sẽ nhìn nhau thân mật và gần gũi 
cùng nhau đốt lên ngọn lửa ấm 
đốt đi manh chiến bào thù hận vô lý của ngày xưa 
thuở bắc nam say cuồng điều miêu mỵ.

Chục năm rồi ngày đêm là lẫn lộn
nơi tôi sinh là ngày
nơi tôi sống là đêm 
quê hương là mây bay ngàn dặm thẳm
thắt thẻo trông mong một lối về còn mù xa tít tắp.

A20 Phạm Văn Thanh
Paris 17.7.13


13.7.13

Biệt thự thời thượng cổ - 3


*Phân trại E, Thung Lũng Tử Thần.


Nó là cái trung tâm canh giữ những sự nổi dậy trong trại A20, Đồng Xuân, Phú Khánh mang Hòm Thư 1870.
Chung quanh bốn phía là hào sâu, với những cuộn thép gai cao 3m, bốn góc là tháp canh, luôn có những mũi súng hướng vào sân trại.

Phía đông của nó là cổng phân trại, một căn nhà nho nhỏ xây bên ngoài làm nhà cho cai ngục phụ trách phân trại này, khi hắn đi vào hay ra, tiếng kêu vang của xâu chìa khoá trên tay hắn như âm thanh của bầy quỉ đói.

Nằm cách ngôi nhà không quá 20m là ao cá, cái ao chứa đầy mồ hôi tù nhân thời khai trại. Ao cá đối diện căn nhà cai ngục. Đi qua cổng là lối trải sỏi có nhà y tế, cách một cái sân rộng làm nơi tập hợp, đối diện nó là bếp trại, qua khỏi bếp trại người ta thấy một tường cao ngăn dãy biệt giam, nơi gông cùm khua rổn rảng. Tiếp nối sân tập hợp là nhà văn hoá, cất bằng gỗ, theo hình bát quái, qua khỏi đó, bên trái là dãy nhà tập thể ngăn nhiều khu, bên phải là một hội trường sức chứa 1500 người. Toàn bộ cái phân trại như một công viên, dưới bóng dừa Phú Yên cao ngất ngưỡng. Dưới những bóng mát đó là máu, nước mắt, là những ý thức đấu tranh từng giờ.

8.7.13

A20 - NGƯỜI TÙ SƠN BIA.



A20 Phạm Văn Thành

 1994

Từ cổng chính lớn của trại A20 đi xuyên qua khoảng sân chung sẽ tới một ô sân vuông được đắp đất be gạch cao chừng 40cm. Khu sân ấy có hòn non bộ với bể nước cùng nhiều cây cảnh gọt tỉa công phu. Qua vuông sân ấy sẽ tới khu nhà được gọi là Văn hóa. Đầu nhà văn hóa sát với đường đi và ô sân cây cảnh là một gian nhà được một tù thuê lại, làm thành căng-tin. Căn-tin ở đây đa phần là “bán chịu”, ghi sổ và khi thân nhân tù thăm nuôi sẽ trả. Đương nhiên giá cũng khác đi. Tuy nhiên, không phải là quá quắt như nhũng căn-tin của các trại phía Bắc, nơi con người ta bóc lột nhau hình như không còn biết ngượng.

Dãy nhà văn hóa buổi trưa thường rất vắng lặng. Đầu dẫy phía trong cùng sát với một ao cá là một căn phòng rộng cỡ chừng 60 mét vuông. Đó là nơi trực thường xuyên của một người tù được sĩ quan tư tưởng chọn lựa để làm các công việc phụ tá sổ sách cho ban tư tưởng. Sơn là người tù đặc biệt ấy.


7.7.13

Biệt thự thời thượng cổ - 2


 
*Thung Lũng Tử Thần mùa lũ tới.

Tháng mười, mưa là mưa. Trận bão qua và chấm dứt sau một tuần gầm thét rung rinh trời đất, đá núi Trường Sơn đổ ầm ầm phá nát độc đạo từ La Hai vào cái thung lũng chết tiệt đang giam cầm hơn 5000 tù nhân của chế độ.

Trại Trừng Giới A20 bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, chung quanh nó giờ chỉ toàn là nước, nước trắng xóa bao hết một vùng phía đông. Sau lưng dãy trại giam mang tên phân trại A, B, C, D, E và trại Hốc Kè là núi và núi. Nó là rặng Trường Sơn Tây ngút mắt đầy chết chóc và bí hiểm.

Tháng mười năm 1981, thung lũng này không còn phương tiện ra vào, mọi thứ dậm chân tại chỗ và những tù nhân bệnh tật, đói, rét cũng dậm châm tại chỗ, run cầm cập trong cái lạnh dã man của miền Trung mùa mưa bão.

Khi con tàu Việt Nam Thương Tín, dưới sự chỉ huy của hạm phó Thiếu Tá Hải Quân Mai Văn Trị về tới VN, sau khi họ đã cặp bến bờ tự do tại đảo Guam. Chuyến qui cố hương này làm một số trong họ bị đày đến đây dưới danh gọi “tù vượt biên”. Chính họ đã xây dựng cái trại này, chính họ đã mở thêm những phân trại từ những năm 1979. Người ta cũng còn nhớ rõ Thiếu Tá Trị cho tới tháng tư năm 1977 vẫn còn ở trại T20 (thành Gia Định), chỉ có điều ông không có mặt ở đây để cùng những thuyền nhân của ông xây dựng trại.

6.7.13

Đứng lên đi !



Gông xiềng đỏ khua vang bầu trời Việt
đứng lên đi !
tuổi trẻ hôm nay
dù máu đổ xương tan
sát vai ta đứng dậy
trong lớp lớp ngục tù đây đó
hồn oan sông núi đợi từng giây
đừng ngồi chờ gió đông, gió tây
giang san này chỉ trong tầm tay Việt
tiền nhân bao đời là những trang anh kiệt
từng phơi thây để giữ vẹn cơ đồ
lũ tay sai chễm chệ ở thành đô
biến nước Nam thành gia nô Hán tộc
đứng lên đi !
tuổi trẻ Việt Nam
can đảm trên chông gai mà tiến
nước mất, nhà tan bao nhiêu chinh chiến
qua lửa binh ta còn lại những gì
một bọn cường hào thống trị ngu si
khom lưng triều cống dần dà sông núi
dân lầm than kêu vang trời đất
người trọ tha phương – tổ quốc không còn
bao nhiêu thế hệ nữa đầy tai ương
dưới gông cùm của bầy quỉ đỏ
đứng lên đi !
tuổi trẻ Việt Nam
phá xích xiềng – đi cứu trăm họ
sứ mạng này là tuổi trẻ hôm nay
đứng dậy đi – đừng ngồi khoanh tay
đừng đánh mất danh thơm người nước Việt
đứng lên đi !
ngục tù nào nhốt được trái tim chung
đứng lên đi !
dù không là hào kiệt
ta đáp đền nợ nước hôm nay

A20 Nguyễn Di Ngữ
06-2013


1.7.13

Người Việt trước hiện tình đất nước


A20 Quách Vĩnh Niên

Biển Đông dậy sóng! Tình hình Đông Á và Đông Bắc Á nóng bỏng! Chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào giữa một bên là Trung cộng (TC) và bên kia là Nam Hàn, Nhật Bản, Philippine, Ấn Độ và Hoa Kỳ (HK). Những động thái quân sự, ngoại giao đã và đang diễn ra là chỉ dấu của giai đoạn áp chót của sách lược Hoa Kỳ nhằm một mục đích giúp dân tộc các vùng tự trị phía Bắc, Đông Bắc, Tây Bắc và Nam Trung cộng (kể cả Đài Loan) giành lại độc lập cho xứ sở của họ. Quốc gia Trung Hoa sẽ là một lãnh thổ nằm giữa những quốc gia (trái độn) vừa mới giành độc lập: những vùng tự trị sẽ giành được độc lập gồm Tân Cương (tây bắc), Tây Tạng (tây), Quảng Tây (nam), Ninh Hạ (bắc), Nội Mông (đông bắc) và có thể Mãn Châu, Cam Túc, Thanh Hải, Tứ Xuyên, Vân Nam cũng sẽ giành được độc lập. Bất chấp mọi diễn biến ngoại giao giữa một bên là TC và phía bên kia chủ yếu là HK đã đang và sẽ diễn biến như thế nào thì mục tiêu kể trên vẫn là tối hậu nhằm triệt tiêu mộng bá quyền Đại Hán của Hán tộc Trung Hoa.