7.7.13

Biệt thự thời thượng cổ - 2


 
*Thung Lũng Tử Thần mùa lũ tới.

Tháng mười, mưa là mưa. Trận bão qua và chấm dứt sau một tuần gầm thét rung rinh trời đất, đá núi Trường Sơn đổ ầm ầm phá nát độc đạo từ La Hai vào cái thung lũng chết tiệt đang giam cầm hơn 5000 tù nhân của chế độ.

Trại Trừng Giới A20 bị cách ly hẳn với thế giới bên ngoài, chung quanh nó giờ chỉ toàn là nước, nước trắng xóa bao hết một vùng phía đông. Sau lưng dãy trại giam mang tên phân trại A, B, C, D, E và trại Hốc Kè là núi và núi. Nó là rặng Trường Sơn Tây ngút mắt đầy chết chóc và bí hiểm.

Tháng mười năm 1981, thung lũng này không còn phương tiện ra vào, mọi thứ dậm chân tại chỗ và những tù nhân bệnh tật, đói, rét cũng dậm châm tại chỗ, run cầm cập trong cái lạnh dã man của miền Trung mùa mưa bão.

Khi con tàu Việt Nam Thương Tín, dưới sự chỉ huy của hạm phó Thiếu Tá Hải Quân Mai Văn Trị về tới VN, sau khi họ đã cặp bến bờ tự do tại đảo Guam. Chuyến qui cố hương này làm một số trong họ bị đày đến đây dưới danh gọi “tù vượt biên”. Chính họ đã xây dựng cái trại này, chính họ đã mở thêm những phân trại từ những năm 1979. Người ta cũng còn nhớ rõ Thiếu Tá Trị cho tới tháng tư năm 1977 vẫn còn ở trại T20 (thành Gia Định), chỉ có điều ông không có mặt ở đây để cùng những thuyền nhân của ông xây dựng trại.


Thung Lũng Tử Thần này là trung tâm lưu giữ những thành phần mang án tập trung mà nhà cầm quyền cho là không thể cải tạo, nó cũng giữ luôn những trọng án chính trị vào thời điểm đó mà mức án nhẹ nhất phải từ 15 năm trở lên. Nó là nơi vào mà không có ngày ra tính cho đến mười năm sau.

Cái đói làm tê liệt mọi sinh hoạt, cái lạnh giết đi rất nhiều sinh mạng, cả trại không lao động. Hàng tháng trời. Mưa, mưa hết cơn này đến cơn khác, một bầu trời ảm đạm bao trùm nơi đây.

Tù nhân, 6 giờ sáng thức dậy xếp hàng hai đứng co ro dưới mái hiên đội những hạt mưa tạt qua, lạnh buốt chờ điểm danh. Chiều tối, đúng 5 giờ lại đội mưa đếm số “vô chuồng”.

Buổi sáng, 5 lát khoai mì Ấn Độ phơi khô, thái dầy cui, còn nguyên vỏ luộc lên phát cho tù, những lát khoai có màu xanh tái, nhớt nhau, ruồi nhặng bu quanh.
Buổi trưa và chiều đều như nhau, cũng 5 lát khoai như vậy cộng với nửa chén cơm nhỏ, nấu bởi thứ gạo tồn kho lâu ngày có đủ mùi ẩm mốc cùng dăm lít nước muối nấu từ muối hạt của đất Phú Yên, nước muối luôn có lớp váng màu đen bọt bèo. Đó là thức ăn thời tiền sử của trại A20.

Hơn 5000 tù nhân sống và chết như vậy.

Đói rét kéo dài cho hết tháng mưa, gia đình tù nhân, suốt thời gian mưa bão đó vẫn cố gắng gởi quà cho thân nhân, và quà chỉ gởi theo đường bưu điện, mỗi gói quà chỉ được phép không quá 3 ký. Những gói quà ghi tới “Hòm Thư 1870” này lang thang đâu đó, cho mãi đến hai tháng, ba tháng sau, khi nước rút, độc đạo thông thương, chúng mới được di chuyển bằng những chiếc xuồng con vượt khúc sông Trà Bương. Xe tải chỉ tập trung quà từ ga La Hai vào bên kia bờ đông của con sông, từ đó những gói quà này bắt đầu vượt lũ về trại.

Thảm trạng và “tinh thần nhân đạo” cùng “ý thức cách mạng” được thể hiện rõ ràng nhất trong những chuyến áp tải mà chính những cai tù của Trại Trừng Giới làm “bảo tiêu”.

Tiêu cục A20 gồm những tù hình sự, lao động rộng, lâm sản chuyên vào rừng vác củi về bếp trại. Trong đám hình sự này, dĩ nhiên có rất nhiều cán bộ nhà nước vì can một tội chi đó đã đến để gỡ lịch tại đây.

Qua sông chỗ này, không như một Kinh Kha qua sông Dịch một đi không trở lại. Qua sông chỗ này xuồng của tiêu cục phải dựa vào sợi dây thừng căng chéo ngang sông để giảm sức nước lũ ầm ầm từ trên nguồn đổ xuống, và sẽ qua nhiều, rất nhiều lần để mang hết những đống quà chất cao như núi bên kia bờ. Lỡ tay quà rớt xuống sông thì đành chịu, lỡ dại xuồng có bị chìm thì cũng là điều mong mỏi của những áp tiêu vốn có nhiều kinh nghiệm nơi đây.
  
Đoàn bảo tiêu thường đặt dưới quyền điều động của cán bộ phụ trách giáo dục và an ninh của trại. Tiêu cục đông người, hành trình xa hơn 15 cây số, đoàn bảo tiêu thưa thớt kéo nhau đi, mỗi cỗ xe “cải tiến” có một cán bộ áp tải.

Hàng chục ngàn gói quà, không ai có thời gian kiểm hay lập danh sách. Khi xe tải ùn ùn đổ xuống bên sông, không ai hưỡn để đếm xem được bao nhiêu gói, cho đến khi nó về tới trung tâm trại. Đó là miếng mồi ngon cho những cái nhìn thèm thuồng từ một xứ sở nghèo khó chưa biết hết cái trù phú của miền Nam, chưa nếm được hương vị của những món ngon mà cả đời họ chưa từng. Dĩ nhiên thân nhân tù nhất là những gia đình Nam bộ, tình thương dào dạt, luôn chắt chiu những cái ngon nhất bổ nhất cho thân nhân của mình đang ngày một lụn dần dưới “chế độ ăn uống” mà không cần tưởng tượng, họ cũng đã biết.

Độc đạo này, nó như con đường tơ lụa thuở xa xưa. Khi đoàn bảo tiêu đi qua, trong những lùm cây, bụi cỏ ven đường còn rơi rớt lại những gói quà, thậm chí có những gói quà nguyên xi chưa tháo dây đại cột quanh, có cả tên người nhận. Nó sẽ biến mất sau đôi ba ngày tiếp theo, và chợ La Hai sẽ có thêm nhiều mặt hàng mà trước đó không thể tìm thấy loại hàng cao cấp như vậy dù phải đi tận huyện Đồng Xuân, ngược ra quốc lộ hàng 15 cây số.

Những thân tù đói lả, được tập trung ra sân phân trại, im lặng nghe xướng danh lên nhận quà, sau khi chuyến bảo tiêu tập trung về trung tâm trại và phân phát tới các phân trại. Những khuôn mặt xanh xao, những cặp mắt lạc thần, im lặng, mong mỏi có tên mình, như những con chiên nghe đọc bài kinh cứu nạn.

Ai mà biết được người tù đó chính thức có bao nhiêu gói quà, dù thư nào gia đình cũng báo đã gởi dăm ba gói, đã gởi món này, món nọ. Người tù nhận được bao nhiêu cũng chẳng thể viết thư về báo cho gia đình, những cái thư ghi rõ những việc cỏn con như vậy, khi bị kiểm duyệt thì thiên thu không bao giờ tới.

Tháng mười năm 1981, với mùa mưa và lũ dậy miền Trung, có biết bao nhiêu tù được đưa lên “Đồi Vĩnh Biệt”, một ngọn đồi cao ngất ngưỡng là bãi tha ma của Trại Trừng Giới A20. Những kẻ chết sớm được đưa lên đỉnh cao, họ có cơ may nhìn giang san gấm vóc một màu trên đỉnh đồi chiều gió lộng. Những kẻ chết sau, kém may mắn bị vùi nông một chỗ, trên sườn đồi, họ nằm kề nhau theo hình rẻ quạt, có cây rừng che hết tầm nhìn. Xấu số hơn chút nữa, qua mùa mưa như vầy mộ chí bị xói mòn, trơ những nắm xương trong những cổ áo quan là những mảnh ván sơ xài, không thể trụ được sau những lần mưa bão.

Tháng mười năm 1981, bên ngoài cửa sổ, mưa bay bay, phía xa là những ngọn núi cao sương che mù mù, những thân tù co ro, khoác trên người tất cả những gì có thể khoát, họ chống chọi với cái rét bằng những manh áo vá chằng chịt. Có kẻ ngồi rút từng sợi của cái bao cát màu xám xanh xuất xứ từ Mỹ quốc, nó là tàn tích mà họ đã mang theo được trên bước đường tù đày sau ngày tan trận. Cây kim được khéo léo mài trên gạch, trên đá từ sợi thép gai, những sợi thép gai đã che chắn phần nào đó cho thân thể họ trong quãng đời chinh chiến vừa qua. Những chiến binh đã gãy súng và buông súng đó đang lặng lẽ ngồi vá lại mảnh chiến bào mà họ vẫn còn mặc trên người, sau nhiều năm tháng đã tả tơi. Nó biến dạng, không còn là manh áo chiến nữa, nó là mảnh áo tù đang được đấp dầy lên hoặc gấp đôi lại để chống lạnh. Họ là những tù nhân của chế độ, bản án tập trung kéo dài tuổi tù và rút ngắn tuổi đời của họ.

Với tất cả sự khôn khéo, người tù tìm mọi cách sống còn, tạo tất cả những phương tiện có thể, để sống còn. Những cái lon Guigoz, sử dụng nhiều lần móp méo, được gò, sửa lại, những lỗ thủng được cẩn thận tán lại bằng vỏ ống kem đánh răng, họ lợi dụng thời gian mưa bão để tu bổ hành trang cho mình, vì họ biết chuyến đi sẽ dài vô tận.

Cái sinh hoạt mỗi người một kiểu này vẽ lên một bức tranh tù ngục mà những ai đã từng đến đây, đã qua cái thung lũng này, có lẽ không thể nào quên được. Nó không là cái cay đắng cho một đời tù tội, nó là những cực cùng thiếu thốn mà những con người bất khuất phải vượt qua.

Tháng mười năm 1981. Bắt đầu có những cơn ho khan khi hoàng hôn xuống, bắt đầu có đám vi trùng lao thấp thoáng ở chỗ này. Những tiếng chuông chiêu hồn của thần chết đã vang lên nơi đây, nó báo hiệu cho những sinh ly tử biệt, những chuyến đi lẻ loi không có người thân đưa tiễn.

Tù nhân cạn kiệt không còn sức đề kháng trước cái đói triền miên, cái lạnh thấu xương xé vụn ý thức sống còn. Lao phổi tràn xuống từng nhà, từng phân trại.
“Đồi Vĩnh Biệt” vẫn còn và còn rất nhiều chỗ trống cho những người phải ra đi dù thực lòng họ chưa muốn phải đi, và họ ra đi trong cơn ho làm vỡ tung lồng ngực, máu ứa hai bên khoé miệng và chẳng có một người thân gần kề để vuốt mắt lần cuối. Bên cạnh họ chỉ có đám bạn tù lặng lẽ nhìn trong căm hận, trong buồn tủi, xót xa cho một lần vĩnh biệt nhau.

A20 nguyễn thanh khiết





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét