9.6.20

Ký ức bỏ quên – Bên này vực thẳm


A20 nguyễn thanh khiết
  



VI. Bên này vực thẳm


1. Vũ khúc lên đồi


Đội 15 đi theo hàng hai bò lên đồi giữa trưa gió Lào bốc khói. Lưu Kim Long, tên đội trưởng có gốc bất định khi thì Cảnh Sát lúc là TQLC, đang thỏ thẻ gì đó với tên cán bộ quản giáo phía cuối hàng. Đồi dốc dựng này chúng tôi phải ngày 4 lượt đi và về, cái đồi chó chết toàn đá sỏi, đội 15 là đội nông nghiệp, chúng tôi trồng nơi đây, từ chân lên đỉnh là khoai mì H34 giống của Ấn Độ. Cái thứ khoai chi mà lạ, trên đất đá khô cằn như vậy mà nó cho củ có khi nặng đến 3, 4 kg, mỗi bụi khoai phải còng lưng mà nhổ lên khi thu hoạch.

Hôm nay đội 15 bắt đầu đào hộc trồng khoai, mỗi hố cách nhau 1m và sâu đến 40 cm, sau đó lấy lá rừng hay cây cỏ vớ vẩn bỏ vào lấp một lớp đất mỏng đợi khi bắt đầu mưa thì bỏ hom xuống. Hom là những cây khoai sau khi thu hoạch dựng đứng hàng đống, lấy cây cỏ phủ lên chống nắng, chặt ra từng khúc 20cm, bỏ xuống cái hố tào lao đó, rồi cứ để cho trời sinh trời diệt. Vậy mà nó sống nhăn răng. Nó là lương thực chính ở cái trại chết tiệt A20 này.


“Long điếm” là nick name của hắn và hắn đang chui vô nhà lô báo cáo chi đó. Gọi là nhà lô thực ra nó là một cái chòi che lên cho cán bộ quản giáo và vệ binh súng dài núp nắng. Nghe đâu Long điếm là trung úy, vào tù hắn khai là trung tá, điều này bị phát giác khi đoàn tù từ Suối Máu, Nam Hà và Hà Nam Ninh bị đưa về đây nhốt chung chúng tôi từ khi còn ở phân trại E.
Ở phân trại E, Long điếm chơi thân với tham mưu trưởng biệt kích 81 trung tá Vũ Xuân Thông, Trần Quí Phong, Phạm Văn Tường, mấy tay này thường tổ chức ăn cơm chung nhau ngày chủ nhật nếu không đi lao động xã hội chủ nghĩa.

Đúng như nick name anh em đặt cho hắn. Mặt trẹt, môi mỏng đếch có sợi râu làm thuốc, cái tướng đó theo kinh nghiệm ngàn năm, thứ thiệt là điếm, điếm rặc ri, suốt thời ở chung một nhà, một đội, tôi luôn né hắn.

Tất nhiên là hắn biết tôi không ưa hắn, từ cái ngày “ông đại sứ” danh gọi của trung tá Vũ Bội Ngọc tùy viên quân sự một toà đại sứ thời đệ nhị Cộng Hòa bị tụi chèo kỷ luật. Anh Ngọc là cây đinh của đám trẻ chúng tôi. Anh luôn tươm tất, đi lao động với giày bata trắng, con người đủ tác phong một sĩ quan cấp tá, cái nón vải tự may rất chi là kiêu ngạo. Chủ trương của trại không cho mang giày lúc đi làm, trung tá đại sứ nhà ta tỉnh bơ. Thằng trực trại chận anh lại không cho xuất cổng theo đội, mấy thằng trật tự kè anh vào để cán bộ an ninh làm việc, chuyện nổ ra ầm ĩ, anh em quân đội phản đối, hiên ngang bảo vệ ông đại sứ, chống đối không chịu đi làm, hạ sĩ Nguyễn Văn Đèn phanh ngực áo thách thằng trực trại:

- Ngon thì bắn đi.

Hạ sĩ Đèn, người từng chơi một trò làm thất kinh ban lãnh đạo trại. Tôi không nhớ nổi, anh Đèn làm sao lại lọt vào nhà 3 và ở đội 20 ?

Một tối nhân lúc vắng người chàng hạ sĩ tuổi đời 40 có 20 năm cầm súng nhảy vô cầu tiêu, chơi một mũi tên bằng than, anh tô thật đậm và hướng mũi nhọn vào cái lỗ của thùng cầu, ghi hàng chữ “Lăng HCM”, sáng ra rất nhiều người đã thấy, nhưng đều im re, đến khi nhà trưởng Huỳnh Cự vào cầu tiêu phát giác, chuyện dậy sóng làm cả nhà khỏi đi lao động một ngày, tất cả đồ cá nhân mang ra khám xét, tụi chèo cố tìm một dấu vết, một mảnh than vụn còn lại. Vô phương chỉ có mấy cái lon guizgo bị thua vì cháy đen, vài lò hỏa tốc không kịp dấu và cả nhà từng người phải viết kiểm điểm, phải khai thiệt cho bác và đảng biết ai là họa sĩ. Có trời mới tìm ra trừ phi hạ sĩ nhà ta kề tai nói nhỏ:

- Tao chơi đó.

Trận xét nhà này tôi bị thua mất mấy trang tự điển Anh ngữ nhỏ của Lê Bá Kông, từ vần K đến M, tôi chôn dưới cát phủ cái chiếu và đống đồ xà bần của mình lúc bị xét. Xét xong, tụi trật tự còn tại chỗ tôi không kịp lấy bảo bối, thằng Quý đen vô tình vấp phải đống đồ quý. Thua! Nhưng không ai chịu cha ăn cướp.

Sau này, tôi nghe bạn bè nói tụi nó thả anh Đèn về Vũng Tàu được đâu 2 tháng thì anh bệnh mà chết.

Cái vụ anh Ngọc bị chèo đàn áp, Long điếm là đội trưởng được mời lên báo cáo, nhận xét về thành tích của Vũ Bội Ngọc. Dĩ nhiên là hắn đã khai rằng Vũ đại sứ làm việc lề mề, không có tinh thần học tập, có vẻ quan liêu, do bản thân từng ở nước ngoài, từng làm tùy viên quân sự  vv và vv. Biết là hắn với tư thế đội trưởng thì phải có ý kiến ý cò, nhưng cái ý kiến chết người của hắn đã phụ một tay cùng đám cai tù đẩy Vũ đại sứ đi một phát vô biệt giam. Tụi tôi căm hận hắn đâm sau lưng chiến sĩ. Cuối cùng cái thắng nằm trong tay thằng có súng.

Ông đại sứ hết phép đi cùm, về đội nằm kế tôi. Tôi phải chạy vạy nhiều chỗ để lui cui tẩm bổ cho ngài sau cú nằm ấp 15 hôm trong cùm, Long điếm ấm ức nhìn tôi và đám trẻ bu quanh ngài đại sứ kiên cường, thêm cú châm dầu vào lửa của Tăng Xuân Bá, trung tá Duy Lam Nguyễn Kim Tuấn gởi sang một đống thuốc bổ, vổ béo ông đại sứ làm Long điếm tức ứa máu.

Trung tá Vũ Bội Ngọc được thả về hình như từ 1984 và nghe đâu anh ấy bị bệnh chết, nhất quyết không lên đường theo diện HO.

Trung tá hồi chánh Huỳnh Cự cũng được thả nhưng mãi tới năm 1987, sau tôi mấy ngày. Tôi chưa kịp lên thăm anh và uống ly café ngoài đời với anh thì nghe anh bị ám sát, bằng một chiếc xe Jeep tụi nó tông anh ngả xuống tại chợ Thủ Đức, rồi de xe chạy tới chạy lui hai lần để chắc ăn là anh đã chết. Con người ngày xưa từng phản bội chúng, chúng không giết anh trong tù mà chờ thả anh ra, cho anh hít thở vài ngày không khí tự do trong nhà tù lớn, xong thì thịt. Căn cứ vào câu chuyện cho đi tàu suốt trung tá hồi chánh Huỳnh Cự mới thấy cái tính toán lâu dài, hèn hạ của phe thắng trận. Tôi nhớ có lần tôi hỏi anh về cái án tập trung cải tạo dưới con mắt nhà cầm quyền, Huỳnh Cự cười:

- Ê mày có biết Tây Bá Lợi Á không? Ở đó bây giờ vẫn còn nhiều người bị giam mút mùa lệ thủy bằng cái án Tập Trung Cải Tạo, anh nói mày đừng run, yên chí đó là bản án tù chế độ.

Nói xong anh đứng dậy bước ra sân, cái tướng to con, gân tay nổi cuồn cuộn của anh in rõ trong màu nắng. Hôm nay cái tướng đó chắc khi chết đã bẹp dí dưới sức nặng của chiếc xe Jeep hai lần cán qua.

*****

Tháng 6-1983 chúng tôi, gần 300 con người bị đưa vào phân trại B, cách phân trại E ba cây số đường mòn. Cả đám bị chia ra nhiều đội. Dưới con mắt của đám cán bộ phân trại B, đội 17 là đáng để ý nhất. Đó là một đội lao động nhẹ, canh tác mấy luống rau nằm ngoài và trước cổng trại, đội trưởng được cắt cử là cựu tổng trưởng dân vận và chiêu hồi Hồ Văn Châm, dưới tay ông gồm gần 20 tu sĩ, linh mục, vài cớm cội của các giáo phái, thiếu tướng Lê Văn Tất của Cao Đài, ông này từng có thời làm tỉnh trưởng Tây Ninh, nhân khi chính quyền muốn trấn an lòng dân và cho hợp thức hoá các tướng tá sau đợt truy quét Bình Xuyên thời đệ nhất Cộng Hòa, chưởng môn Cửu Long Võ Đạo Huỳnh Văn Công, ông là người thượng đài ở Chợ Lớn khi chưởng môn Vovinam  Lê Sáng mới tập võ, Thừa sử Cao Đài Lê Quang Tấn, Linh mục nhạc sĩ Huyền Linh….

Phân trại B, cũng y chang trại E, chia nhiều khu, ngăn nhiều nhà, chỉ có mỗi cái khác là bếp trại nằm bên phải cổng vào, rồi kế tiếp là đội 17.

Nhà bếp trại ở B là đội gồm toàn các anh sĩ quan trình diện, trừ đội trưởng là dân ba ke. TQLC đại úy Kiều Công Cự có nhiệm vụ phân phát cơm cho từng đội, tôi nhớ lúc đó tôi chơi chung với Khổng Hữu Diệu, anh đau bao tử kinh niên, luôn được miễn lao động của đội 15. Anh Cự mỗi ngày nén cho anh Diệu một bo cơm nấu nhão, trong tâm ý có chút nhiều hơn để nuôi cái bao tử sắp tiêu tùng của anh Diệu, khi nào anh có thăm nuôi hay quà cáp thì kèm bo cơm nhão đó là túi quà, đa số là những thứ cần cho con bệnh. Cái tình huynh đệ chi binh trong khốn cùng chỉ chút xíu đó thôi, nhưng nó là sự san sẻ không thể có được ở ngoài đời.

Đội 15 trấn tại nhà 4, sát hàng rào trại, cách đội 17 một khoảng sân tập hợp thật rộng, cuối sân có cái chòi văn hoá cất theo kiểu mái lục giác bằng toàn gỗ rừng, gối đầu với hội trường dài ngoằn có sức chứa hơn ngàn mạng. Cập bên hông hội trường là nhà kỷ luật, đó là nơi những chúa ngục bị kiên giam nhiều ngày tháng cư ngụ.

Là đội nông nghiệp nên ngày hai buổi chúng tôi trấn trên đồi cao, đầu đội trời nắng Hạ Lào, chân đạp sỏi đá Trường Sơn. Nói là tù như kiểu khổ sai, kỳ thật chúng tôi mà đi lao động ai mà nhìn thấy là phát ghét. Cuốc giơ lên trời thì chim đậu, bổ xuống đất thì mối xông. Nói chung làm tất cả thứ gì có thể ngược lại cái qui định chó chết dán chần dần ở cổng hội trường hay đọc như vẹt trong các buổi họp nhà, họp tổ thì chúng tôi làm. Châm ngôn phải học thuộc lòng là “phá được cứ phá”, nhưng phải an toàn và cẩn thận.

Đội 15 có diện tích trồng tỉa là 3 ngọn đồi, tôi ở trại B hơn 3 năm, tính tròm trèm đã đi lên và đi xuống những ngọn đồi đó hằng triệu triệu bước chân, mà mỗi bước là một vết thù khắc trong tim.

Là đội chuyên nhà nông nên khi trại có kế hoạch trồng dừa che nắng trên đường dẫn vào phân trại. Dừa giống do đội lâm sản chuyển về đặt dọc hai bên lề. Đội 15 vác cuốc ra đào hố trồng, cả đám rỉ tai nhau, chọc thủng cái ngọn lấy cơm dừa rồi cắm trở lại bỏ xuống hố. Dừa là loại chịu đựng khá lâu, 10 ngày sau một số cây bị héo dần, bọn cán ngố cho đội khác ra thay, moi lên thì thấy bên dưới là cơm dừa hoặc mộng dừa có cái còn dấu răng cắn dở. Cú này cả đội phải làm kiểm điểm suốt một tuần, bọn cán cố truy tìm thủ phạm nhưng ai cũng lắc đầu không biết. Rốt cùng thì huề vốn, phần thiệt hại duy nhất là cả đội bị phạt ăn ở mức ăn thấp nhất 13.5kg nguyên một tháng, riêng tôi từ ngày đi tù chưa bao giờ tôi ngoi lên được mức ăn trung bình nên chuyện đó không ăn nhậu gì tới tôi.

Mấy mươi năm sau có lần trong chuyến về thăm trại cũ, khi vào phân trại B để lên Đồi Vĩnh Biệt, tôi còn nhận ra hàng dừa xưa nhưng nó đã cao lêu khêu giữa rừng chồi, con đường bị hẹp lại, toàn bộ các phân trại B, C, D chìm dưới đáy hổ thuỷ lợi Phú Xuân được xây vào thập niên 2000-2010. Tôi đi dọc hàng dừa có một chút bùi ngùi khi nhớ lại, pha thêm một chút tiếc, sao nó không chết sạch hết cho rồi để hôm nay khỏi nhớ.

Từ năm 1982, khi tôi còn ở phân trại E thì có một đợt tù được thả về đầu tiên, rồi qua năm 1983, lai rai cũng có vài con nhạn ra về. Lúc đó tin tức khá tin tưởng từ bên ngoài chuyển vào trại qua đường thăm nuôi. Đại khái là phía Mỹ đã can thiệp để việt cộng thả hết những quân dân cán chính bị giam giữ, một vài trại giam ở miền Nam có phái đoàn nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tới viếng. Ban đầu thì nó cũng bị xếp vào những bản tin cà giựt ru ngủ và nuôi con bệnh tù như kiểu ở Z30D. Đến lúc có người về, mà chắc mẫm là không do chạy chọt hay gốc cớm ké việt cộng nào cả, niềm tin mới dần dà có lại. Điều này làm dậy lên tinh thần chống đối trong cộng đồng tù A20.

Khi vào phân trại B, đường xa hơn, gia đình đi thăm phải qua một khoảng rừng chồi 3 cây số vắng và nguy hiểm. Mùa mưa là khỏi đi, con đường chìm hoàn toàn trong nước hàng tháng trời. Địa hình ở phân trại B khó hơn nhiều so với phân trại E. Có lần đội 15 đi làm bên kia sông Trà Bương, khoảng sông này ngay trước trại là đoạn rộng nhất, khi lũ về, nước ầm ầm đổ xuống chúng tôi chẳng kịp thu dọn dụng cụ, đội đến bờ sông thì nước đã lênh láng, tên quản giáo đội đành cho dùng tất cả dây có được trong nhà lô, nối với dây rừng, tìm chỗ hẹp nhất căng dây cho anh em níu qua sông. Đây là lần đầu tiên tôi ở trại lao động, đi làm về tới cổng trại là 7 giờ tối.
Xa mặt trời nên sinh hoạt của tù cũng dễ thở hơn. Phân trại B có mấy đội hình sự, chuyên phụ trách lâm sản, mang củi rừng về bếp trại. Đám này chính là mối liên lạc để mở ra thị trường trao đổi, mua bán, giữa tù và dân sống quanh khu vực. Tôi nhớ vào 85-86, cứ mỗi bộ đồ trại mới phát có giá 10 lon guizgo gạo đầy, một cái mền bông loại lớn giá 30 lon guizgo gạo, nhưng một bộ đồ lính bằng vải nylon lên tới 50 lon guizgo. Dĩ nhiên trong cái đói thì mặt hàng chiến lược là gạo. Một thứ không kém phần quan trọng là thuốc hút. Tại phân trại B, dân chung quanh trồng thuốc lá loại thơm và vàng như thuốc lá từng thấy ở miền Nam, dân thượng là đa số nên họ dùng phương pháp xỏ xâu lá thuốc đến hạn thu hoạch bằng nang tre rồi phơi trong mát cho đến khi nó khô, nhưng không dòn, không làm bể vụn lá thuốc. mỗi xâu thuốc lá như vậy tương đương 5 lon guizgo gạo. Thị trường này dù có cay đắng qua mấy đợt ăn chận ăn lời, nhưng nó có một bảo đảm tương đối dựa vào uy tín của những tên tù trong đội lâm sản, hàng hóa từ trong trại đưa ra tất nhiên phải theo đường dây có ăn chia của trật tự và trực trại. Một thằng trực trại, coi hết một phân trại có một lối ra vào duy nhất, làm sao không biết những gì có trong trại, rượu thịt, cá khô, gạo trắng, thuốc lá, trà những thứ đa số là cấm nhận lúc thăm nuôi, nó xuất hiện tràn lan trong trại thì do từ đâu?

Chuyện mua bán bằng cách đổi hàng xem ra khó khăn, nên sau đó thị trường này giải quyết gọn gàng hơn, có thể nhận tiền mặt, khi nào cần mua chi thì cứ nghe báo giá và đưa tiền mặt cho tụi lâm sản, nó dễ dấu hơn, mua và bán gọn, nhanh hơn, từ đó vài thứ xa xỉ bắt đầu xuất hiện, rượu đế, rượu cần, thịt rừng bắt đầu có trong phân trại B. Dĩ nhiên đời sống thăng hoa hơn chỉ dành cho kẻ lắm tiền, nhiều của, những quan to ngày xưa thường và luôn được đãi ngộ.

Đội 17 vẫn là cái đinh của phân trại, các ông linh mục, tu sĩ, đa số là béo mập nhất, con chiên thường sợ cha xứ đạo bị đói, thầy chùa có nhiều chỗ đễ gởi thư xin tín đồ món này món nọ. Những thứ quí hiếm cho đời sống trong tù, tại đội này có sẵn. Buồn một nỗi, người tù đau bệnh cần một viên thuốc kháng sinh, kiếm cả trại không đâu có, hỏi mấy cha, cha lắc đầu, hỏi thầy chùa, thầy chùa bảo không có, nhưng thằng cán bộ nào đó bệnh cảm sơ sơ, nói trực trại một tiếng vào đội 17 xin thuốc thì ôi thôi các đấng mang cả túi nylon to đựng toàn tân dược quí: “Cán bộ lấy thứ này, tốt lắm, lấy thêm mấy viên kháng sinh uống cho mau hết bệnh.. Dạ dạ cán bộ nếu cần thêm thì vào đây nói tôi một tiếng, tôi không có, sẽ hỏi anh em khác chắc là có”.

Tôi biết được mấy cái mắc ma mắc ếch này là do thiếu tướng Cao Đài Lê Văn Tất kể cho nghe và dặn “chớ có nói cùng ai, nguy hiểm chết người, đó nghen”

Biết ông vào trại này, thỉnh thoảng tôi cũng thay mặt ba tôi tới vấn an người chỉ huy của ông thuở trước, như một lời cám ơn ông đã có ít nhất hai lần tới nhà thăm gia đình tôi khi ông còn ngồi ghế tỉnh trưởng. Có lần tôi hỏi ông về Thừa Sử Cao Đài Lê Quang Tấn, chú Ba Tất lắc đầu:

- Cái ông Tấn này mới tệ, hôm trước ông ấy hỏi chú Ba, địa chỉ của thánh thất Trảng Bàng. Con biết sao ông ấy hỏi vậy không?

Tôi lắc đầu.

- Ông Tấn thường thư về các thánh thất, nhất là thánh thất Đô Thành ở Sài Gòn, xin các chức sắc tại đó gởi đồ tiếp tế cho ông ta.

- Trời sao tệ quá vậy?

- Con không biết đâu, ở chung với ông Tấn chú Ba quá mệt khi nghe ông kể hoài chuyện ông ấy đi dự hội nghị tôn giáo ở Ấn Độ, ông ấy kể đến nỗi chú Ba thuộc lòng luôn, mà đâu phải chỉ có chú, mấy linh mục trong đội bị ông ấy kể nghe riết khùng luôn.

Ở chung với ông một phân trại, tôi hay gặp ông ở góc hội trường khi rảnh rỗi vào chủ nhật hay ngày không đi lao động. Có lẽ chỉ có người rất thân với ông mới biết ít nhiều đời tư của một cựu tỉnh trưởng Tây Ninh lừng lẫy của giáo phái Cao Đài.

Cựu tỉnh trưởng Lê Văn Tất sống độc thân cho đến khi nằm xuống, bên cạnh cuộc đời xem như thánh tử đạo của ông còn có bóng một kiều nữ mang tên Mộng Điệp, ông nói với tôi chỉ là tình bạn, nhưng trong ánh mắt của ông, tôi hiểu từ sâu thẳm đó là mối tình vừa bạn vừa tình chung, có từ thời Tây uýnh Pháp, lúc ông còn đóng binh ở Gò Kén Tây Ninh và quí bà cố cựu này là người duy nhất lâu lâu đi thăm nuôi ông trong suốt thời ông đi tù. Khi làm giấy đi thăm nuôi, chắc chắn quí bà phải khai là em gái, chứ không lẽ khai là vợ ?

Sau năm 1975, tụi băng đỏ giam lỏng ông một thời gian ở Tây Ninh, rồi đưa về Chí Hòa, sau cùng bốc một phát giam ông ở trại này. Ở đội 17 thiếu tướng Tất chơi chung với chưởng môn Cửu Long Võ Đạo Huỳnh Văn Công, tuổi hai ông cùng xấp xỉ, nên cái thời ông Công thượng đài ở Chợ Lớn ông Tất từng thấy, những người cố cựu thường khoái chơi chung, hình như ở họ có một chút gì đó thâm tình như thể cùng nhìn một món đồ cổ. Ở phân trại E có lúc Huỳnh chưởng môn cùng đội với tôi, thấy tôi mồ côi và trực tính ông thương nên dạy tôi khí công của phái ông, chỉ tiếc là tôi tập mãi chẳng thành, không phải như ông đặt một miếng thịt bò trên tay có thể làm tái nó.

Năm 1987 tôi được thả ra, tới thánh thất Đô Thành tìm hỏi thăm ông cựu tỉnh Tây Ninh, mới biết rằng ông đã chết 1 năm rồi. Một người đơn độc đã chết trong đơn độc.

Những cái đồi đá tôi leo lên leo xuống mỗi ngày, hình như nó càng lúc càng cao hơn, bước chân càng về lâu càng chậm và mỏi hơn. Hơn 3 năm tôi ở đây ngày ngày cuốc lạch cạch trên lớp sỏi đá, những viên sỏi có khi bất thần cắn vào chân để lại vết sẹo, hết lớp sẹo này tới lớp sẹo khác, nó phai chầm chậm như cuộc đời tù của mình, như kỷ niệm dần dà phai đi. Tôi ít khi nhớ nhà, vì không dám nhớ tới.

Ở phân trại E có một lần em gái út tôi tới thăm, con bé đi theo người hàng xóm vợ anh Bùi Tấn Sĩ, lúc đó anh Sĩ làm bếp trưởng khu E, gần 7 năm gặp lại con bé đã thành thiếu nữ, nó nắm tay tôi và chỉ biết khóc.

Vào trại B, vợ tôi lên thăm một lần trong mùa mưa bão, nàng già đi nhiều lắm, cái chịu đựng của người đàn bà nghèo khó nuôi chồng đi tù mà ngày về không biết quả thật là đau, nàng mang theo tấm hình con gái tôi chụp khi nó lên 3, tội nghiệp con tôi chưa có cơ hội nhận ra cha, ngày tôi đi nó mới 10 tháng tuổi. Lúc ở Z30D nàng cũng tới thăm, đúng lúc tôi nằm biệt giam, tụi chèo đuổi về không cho nhận quà cáp chi cả, nàng nói nàng lủi thủi theo con đường cát trắng, đi tới chiều mới đón được xe về Sài Gòn, nhìn gói quà mang theo thăm chồng mà khóc.


2.    Cuộc chơi dang dở nửa chừng

Phân trại B không có giếng nước trong trại, từ cổng trại nhìn thẳng ra là nhà trực trại, trước mặt là một diện tích canh tác rau do đội 17 phụ trách, qua khỏi nó là bờ sông Trà Bương. Con đường từ phân trại E vào phân trại C và D phải đi ngang cổng này, sinh hoạt tắm giặt đều phải xuất cổng quẹo trái về phía phân trại E 100m, có một bãi cát thật rộng đó cũng là nơi đội bếp lấy nước uống cho trại, qua khỏi bãi tắm 500m thì đến Đồi Vĩnh Biệt của phân trại. Đội nhà bếp trại B nằm đối diện cái ao cá khá lớn, khác với E, ao cá này nằm trong hàng rào trại, đại tá Lý Thành Cầu được cắt cử trông coi ao cá này, suốt mấy năm ở B tôi chưa từng được ăn con cá nào từ cái ao đó, dù là thực phẩm nuôi chúng bị trích ra từ lương thực của chúng tôi, mỗi lần bắt cá lên là đám các đảng bu đông đen quanh ao, thằng lớn ăn con lớn ăn nhiều chút, thằng nhỏ ăn con nhỏ và ăn ít một chút. Cái ao có hàng rào chống trộm, có khi tôi thấy ông Cầu lui cui mở cổng, cái dáng già nua nhẫn nại cho cá ăn buồn như cảnh sống của ông ta, ngày tôi rời trại A20 ông Cầu vẫn còn ở đó, khi ấy tôi thấy ông hom hem lắm rồi, e rằng khó có cơ hội cho ông rời cái ao khi tắt nghỉ.

Tôi nhớ có một ngày tôi khai bệnh ở nhà, các đội xuất trại đi lao động thì Quách Văn Trung thiếu tá Cảnh Sát quay vào chuẩn bị đi thăm nuôi. Theo sau anh là thằng Tiến trật tự, anh Trung nằm ngay tầng trên ở cửa ra vào, anh leo lên và với tay lấy mấy cái giỏ đựng đồ thăm nuôi trên kệ, tự nhiên anh nói:

- Sao tôi chóng mặt quá!

Anh ngả xuống sàn tầng trên chết ngay lúc đó, cái chết do cơn đột quỵ chóng vánh vô cùng, bệnh xá cho người xuống khiêng anh đi. Thông thường một tù nhân chết bọn cán bộ sẽ cho chôn ngay trong ngày. Chúng để anh Trung nằm lại dù đã bỏ anh vào hòm.

Bên ngoài gia đình anh đợi mãi không thấy anh ra thăm, cả nhà sinh nghi, quyết chí ở lại yêu cầu cho gặp mặt. Chẳng biết trại đã vụng về giải quyết thế nào, tối hôm sau nữa khi chiếc xe cải tiến mang anh Trung ra Đồi Vĩnh Biệt, gia đình đã theo ánh đuốc của đám lâm sản tới tận huyệt mộ. Một trận chửi bới vang lên một góc rừng, dù vậy gia đình vẫn không được phép nhìn mặt anh lần cuối.

Mẹ anh Trung dập đầu lạy như tế sao, xin cho mang xác anh Trung về quê mai táng, trưởng trại Thân Di Yên vào tận nơi, hắn phán một câu:

- Tên này có tội ác với nhân dân, chết ở trong trại thì theo chính sách phải chôn tại trại, căn cứ vào chính sách nhà nước dành cho phạm nhân của bộ công an, Quách Văn Trung phải chôn tại phân trại E, trại Xuân Phước không được phép mang xác về nhà. Và hắn ra lệnh lấp đất.

Một cái chết đau, người nằm xuống trong ngày gặp gia đình, chỉ một gang tay, một tấc khoảng cách tới cái nắp quan tài, mà thiên thu không thể nhìn nhau. Vợ và mẹ anh Trung ôm nhau khóc vang cả con đường lên Đồi Vĩnh Biệt, rồi cuối cùng đành quay về. Tội nghiệp bà mẹ già lết trên đường rời khỏi trại, đám lâm sản còn nghe bà than một câu “đảng cộng sản đã cướp con của mẹ rồi”.

Cái chết của Quách Văn Trung để lại trong lòng anh em một vết hằn trong năm 1981 tại phân trại E.

Trại Xuân Phước này từng có những cái chết đau như vậy:

Năm 1983, vào thời cao điểm của bệnh lao, tại phân trại E các tù nhân có mặt ở đó, từng thấy cái đau không thể quên khi Võ Văn Thắng chết.

Gia đình họ Võ, gồm Võ Hiếu Nghĩa, em trai ông là Võ Văn Thắng, con trai lớn của ông Võ Hiếu Trinh. Cả ba bị bắt vì tội âm mưu lật đổ chính quyền, ra tòa mỗi người nhận một án, ít nhất 15 năm, qua nhiều trại giam sau cùng cả ba người bị giam chung một đội, một nhà tại phân trại E.

Tháng 6-1983 Võ Văn Thắng bị lao và qua đời, Võ Hiếu Trinh cũng bệnh nhưng nhẹ hơn. Ông Thắng chết, xác nằm trên bệnh xá, bên cạnh là anh trai và cháu gọi người chết là chú, chỉ biết vuốt mắt tiễn đưa. Khi đội lâm sản mang anh Thắng đi chôn, lúc đó Võ Hiếu Nghĩa, Võ Hiếu Trinh phải vào phòng sau buổi điểm danh chiều. Người thân ruột thịt chết trên tay mình mà không thể theo cái xe cải tiến ra khỏi cổng trại để đưa tang, đừng nói là thắp nén nhang vĩnh biệt trên mộ chí.

Võ Hiếu Nghĩa qua đời năm 2008, sau khi chung đủ cái án 18 năm và chết do kiệt sức sau thời gian dài tù tội dưới một chế độ ăn uống thê thảm cùng những đòn tra tấn dã man trong tù.

Võ Hiếu Trinh cũng chung đủ cái án 20 năm, anh chết sau cơn bạo bệnh vào năm 2015 tại Tây Ninh.

Võ Hiếu Nghĩa là đại úy cựu sĩ quan Cao Đài cùng một khóa với ba tôi. Có lẽ vì thế tôi không thể nào quên gia đình họ Võ.

Vả lại, sau 1975 những gia đình có hai, ba thậm chí là năm người đi tù là chuyện bình thường, một gia đình có 3 hay 5 anh em là sĩ quan, không rời khỏi Việt Nam sau giờ thua trận, buộc phải trình diện đi tù thì có chứ. Nhưng, không dễ gì có cả một gia đình lên đường đi giành lại núi sông sau ngày tan trận, mà cả ba người thân thuộc cùng bị tù đày.

Bên cạnh những cái chết đau đó, còn có những cái chết bình thường nhưng anh em khó quên.

Khúc Thừa Văn, Tỉnh Ủy Việt Nam Quốc Dân Đảng, ông chung một đội với tôi từ E tới B, tôi vẫn luôn nhớ cái dáng gầy gò của ông, khuôn mặt xương xương, cương nghị phong thái của một nhà giáo thật rõ nét khi ông nói với Lâm Sơn Hải:

- Hải là con tướng Lâm Thành Nguyên, vậy anh phải làm người dẫn đầu cho anh em ở Long Xuyên tại đây, nói với họ, đừng quá khích mà thiệt thân lúc này, phải nhẫn nhịn, ráng mà nhịn, không được cũng phải nhịn để còn về, còn nhiều chuyện phải làm, đừng coi đây là nơi cuối cùng.

Lâm Sơn Hải học chưa thuộc lòng câu đó của Khúc Thừa Văn, họ Khúc bất thần trở bệnh, ông nằm ở bệnh xá gần nửa tháng, anh em kẻ lui người tới, nhìn ông ngày một cạn kiệt dần, rồi một trưa trong gió Lào nóng cháy da ông đi khuất, tụi chèo đóng vội mấy miếng ván làm quan tài đưa ông về đồi vĩnh biệt, khi đội đi làm về, chúng tôi ghé thăm, bác sĩ Lịch nói nhỏ:

- Thầy Văn đi rồi và đã chôn hồi chiều.

Khúc Thừa Văn, một người trầm lặng nhất trong những người lớn tuổi của đội. Giọng miền Trung nhỏ nhẹ của ông, cái dáng cầm cái điếu cày từ tốn ngồi trên bục xi măng chỗ ông nằm, lấy tay rút cây đóm dưới chiếu, châm lửa, rồi chờ một chút cho lửa cháy phân nửa cây que mới chầm chậm rít một hơi, nhẹ nhàng đặt cái điếu xuống, ngước mặt lên thở hơi khói dài. Đó là chân dung của một lão tù đáng kính trong đội tôi, đến nỗi Nguyễn Huỳnh Danh Vũ, tay hay chơi chung đại úy Cao Hữu Vốn, dân Long Xuyên chính gốc, thuộc người giang hồ trên sông nước miền Tây cũng bùi ngùi:

- Những người tốt sao hay chết vội vậy không biết?

Ngày về thăm trại cũ, tôi đến mộ ông, nghe anh Vũ Ngọc Tạm nói ông đã được gia đình cải táng về quê nhà rồi. Tôi đã đứng tần ngần ở đó nhớ cái dáng vẻ của người đồng tù xưa, lòng buồn vô cùng. Nhớ phải nhớ chứ, ngày tôi bị bắt làm đội trưởng đội 8, ông nói với tôi:

- Thế trên đe dưới búa này, anh không có quyền lựa chọn, trừ phi anh chạy khỏi nó.

Làm việc với thằng an ninh trại về, tôi cười cười nói với ông:

- Ngày mai hay mốt tụi nó sẽ nhốt tôi, lão đại à, ông mừng cho tôi thoát nợ đi.

Khúc Thừa Văn cười:

- Vậy là xong rồi đó, một lựa chọn hợp lý, nếu nó không nhốt anh, nó cũng kiếm thằng khác thay anh, anh thoát thiệt rồi, nè phê một điếu đi.

Cuối 1983 và 1984 là năm mà Đồi Vĩnh Biệt nhận nhiều, rất nhiều chiến binh bỏ cuộc chơi nửa chừng. Trong một danh sách dài lê thê của các cựu tù ở Trại Trừng giới, đã có:
- Võ Văn Hải, chánh văn phòng cố tổng thống Ngô Đình Diệm.- Bùi Ngọc Phương ứng cử viên tổng thống đệ I Cộng Hòa.- Thiếu tá Lê Danh Chấp, gốc Đại Việt ra đi ngày 03-07-1984.- Thiếu tá Bùi Hữu Nghĩa, truyền tin, chết trong kiên giam B.- Lê Kiên Bùi Lượng, tổng thư ký Công Đoàn Tự Do.- Thiếu tá Lê Minh Chiêu, sĩ quan thanh tra tỉnh Bạc Liêu.- Thiếu tá TQLC Nguyễn Văn Châu (Châu Campuchia).- Linh Mục Nguyễn Văn Luân chết trong kiên giam.- Linh mục Nguyễn Văn Vàng chết trong kiên giam.
Tuổi tên này, còn dài lắm, ở đây chỉ gọi tên dăm người lỡ bỏ cuộc chơi, gươm đao để lại trên Đồi Vĩnh Biệt khu B. Đó không phải là nén nhang cho người đã nằm xuống, mà trong ký ức của người từng sống sót trở về từ Thung Lũng Tử Thần ngày xưa, chợt một chiều mắt đã ráo lệ, tim đã không còn cách gì rung động hơn nữa, rớt vào đám quá khứ rối mù, chợt thấy hình như anh em, bè bạn xưa còn đứng đó trong hiu quạnh với nỗi buồn của bên chiến bại.

Đi qua đồi vĩnh biệt

chiều đi ngang chân đồi vĩnh biệt
sương rừng treo mờ mịt lối qua
thằng chết rồi như đứng ngó ta
đang khập khểnh bước về phía trại
đồi vĩnh biệt hàng bia xiêu vẹo
bóng thời gian phủ xuống mộ người
gió Trường Sơn như tiếng ma hời
đau đớn thổi ru đời tù tội
mưa xói mòn đá rơi, cát chảy
phơi áo quan cũ mục ven sườn
cái chết trong tù đã thảm thương
vùi trong đất, đất không thèm chứa
đồi vĩnh biệt mùa đông gió rét
lạnh căm căm dưới bóng rừng già
đám dây leo trải thảm từ xa
nuốt dần di vết người quá cố
nhớ hôm đi phát cỏ bên rừng
trong lau sậy còn bia Lương-Thiện
áo quan rã, xương còn dăm miếng
gom chưa đầy một vốc trên tay
Võ văn Thắng mới chết nằm đây
bia đã gãy ngả nghiêng dưới hố
bạn bè ta chiến chinh mấy độ
giờ chết đau, ôi! một kiếp tù


chiều đi ngang qua đồi vĩnh biệt
ngơ ngác nhìn quanh chọn chỗ nằm
mai đây lỡ ta chết âm thầm
chắc cỏ dại xanh thêm chút nữa
chín năm tù có gì dám hứa
chết như vầy quả xót đời ta
một màu cờ đợi chín năm qua
chưa thấy lại trước giờ nhắm mắt

nguyễn thanh khiết
A 20 1986 mùa thanh minh
(một nén nhang cho những người tù đã nằm xuống)

Ở những trại giam khác những trường hợp bị cùm thì lâu nhất là một hoặc hai tháng. Trại A20 như đã nói từ cửa miệng Lê Động Vũ một đại úy cai tù gốc liên khu 5, trại này dành nhốt tù cho tới chết, vì thế một lệnh biệt giam 15 ngày có thể kéo dài 6 tháng hay một năm, có khi nhiều hơn thế nữa. Vũ Văn Ánh, Linh mục Nguyễn Văn Vàng là thí dụ điển hình. Linh mục Vàng ở trong kiên giam cho tới chết, Vũ Văn Ánh sơ sơ vài đợt, mỗi đợt 1 năm hơn. Khi đã vào biệt giam, tù nhân không được mang theo bất cứ thứ gì, mỗi ngày hai bữa ăn, mỗi bữa là 2 hoặc 3 muỗng cơm tùy theo thái độ trong thời giam bị cùm, nước uống cũng hai hoặc ba muỗng. Bọn cai ngục gốc liên khu 5 dã man hơn, chúng lấy 3 muỗng nước muối làm thức ăn đổ chung trong ba muỗng cơm, khi ăn tù nhân biệt giam phải gạn bỏ nước muối, nhưng khoảng 50 đến 100 hạt cơm đó đã mặn chát. Người tù chỉ sau 20 ngày hay 1 tháng là toàn thân sưng phù, cái cùm trở thành quá chật, nó sẽ ăn sâu vào da, nếu người nào bị cùm bằng cùm nhỏ từ lúc đầu thì thê thảm. Ai từng ở Trại Trừng Giới thì phải biết tới đòn thù này, đó là một trong những trò có một không hai trong các trại tù trên khắp đất nước sau 1975. Có thể nói là dưới chế độ hung hiểm đó con người chỉ là một khối thịt xương cho bọn chúng tập luyện kỹ năng coi tù. Còng tay theo thế rút kiếm ở Chí Hòa, cùm tréo chân ở T20, vừa cùm, vừa còng ở Z30D chỉ là đồ bỏ so với A20. Những phương thức cổ điển, chỉ được dùng trong một thời gian nhất định, như còng rút kiếm, cao lắm 4 giờ sau tù nhân sẽ ngẹt tim mà chết. Trại A20 không cho tù chết liền, chúng bắt tù phải chết từ từ, thử xem cây sắt xỏ cái cùm làm bằng sắt gân 18 tới 20 ly nó bén cỡ nào, cái cùm không tròn tria mà dập ra kiểu vừa tròn vừa vuông. Mấy món đồ chơi này nghiến vào da thịt, cổ chân mỗi ngày mỗi sưng lên trong hàng năm trời thì sẽ ra sao?

A20 nguyễn thanh khiết


Còn tiếp...........>VII. Vinh nhục đời người





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét