Đỗ Văn Phúc
(Kính tặng các chị, vợ tù nhân chính
trị Việt Nam)
Lắc lư trên chiếc xe đò nêm chật người đã
hơn hai tiếng đồng hồ, Thoa cố nhướng mắt chống lại cơn buồn ngủ vì đã gần như
thức trắng mấy đêm nay. Con đường từ Vũng Tàu, Sài Gòn ra Ngả Ba Chí Thạnh chỉ
vài trăm cây số nhưng phải mất hai ngày mới tới. Một phần do đường sau chiến
tranh đã bị tàn phá nặng nề mà không sửa chữa; phần do cái phương tiện thổ tả
là chiếc xe đò già nua, chạy bằng than đá cứ khục khặc như những cụ già ho
suyển đềm mùa đông. Khổ tâm nhất là số lượng hành khách nhồi nhét trên xe còn
hơn cá mòi sắp trong hộp Sumaco, cộng với nạn cắp trộm xảy ra ngay trên xe làm
hành khách cứ phải cố tỉnh táo, khư khư ôm hành lý vào lòng, từng phút canh
chừng người đồng hành bên cạnh, người đồng hành phía sau.
Từ khi nhận được thư của chồng báo tin
trại cho phép thăm nuôi, cùng với một “đơn đặt hàng” hơn nửa trang giấy, Thoa
vừa mừng vừa lo. Mừng vì sau hơn hai năm không được gặp chồng vì anh cứ bị trại
biệt giam và trừng phạt cúp thăm nuôi, nay sắp có dịp được gặp lại nhau, dù chỉ
trong vòng nửa giờ ngắn ngủi. Xa đến đâu, gian nan đến đâu, nàng cũng không
ngại ngùng để đi đến tận nơi thăm viếng người chồng đang bị đày đọa trong cái
địa ngục mang mỹ danh “Trại Cải Tạo Xuân Phước”.
Mừng chưa trọn, thì nỗi lo lại kéo đến. Từ
gần cả chục năm nay, sau ngày bọn Cộng Sản vào chiếm miền Nam bắt các anh vào
trại tù; thì các chị cũng hứng chịu vô vàn khốn đốn. Trước hết là mất sinh kế.
Chỉ có lác đác vài chị trong nghề giáo thì còn được tạm lưu dụng với đồng lương
kém cỏi và bị theo dõi hà hiếp ngày đêm. Làm vợ một quân nhân rày đây mai đó,
Thoa chẳng thể nào có một việc làm nhất định dù có đủ bằng chuyên môn. Ngày
trước, lo cho một mẹ chồng và bốn đứa con, cả gia đình chỉ trông cậy vào đồng
lương của anh và nguồn thu nhập ít ỏi từ hai bàn bi da đặt trước nhà. Nay Việt
Cộng vào, ai còn vui vẻ mà chơi nữa. Lớp trai tráng thì phần đi vào tù, phần
nào không dính chế độ cũ thì đi thanh niên xung phong. Nhiều gia đình phải bị
buộc rời thành phố để đi xây dựng khu kinh tế mới mà thực chất là một sự lưu
đày để trả thù đối với thành phần thị dân khá giả, cũng như để công khai cưỡng
chiếm nhà cửa tài sản họ.
Rồi qua hai lần đổi tiền mà dân miền Nam
coi như mất trắng.
Rồi qua những chiến dịch đánh từ tư sản
xuống đến tiểu thuơng để dọn đường cho cái gọi là cải cách thương nghiệp xã hội
chủ nghĩa.
Cả gia đình sáu miệng ăn của Thoa chỉ còn
trông cậy vào tài xoay chuyển của nàng. Khi thì mua mớ cá lén lút đem lên Sài
Gòn bán; khi thì nửa đêm cùng đứa con trai lớn mới 6. 7 tuổi ra tận bãi Dâu,
chở ì ạch trên chiếc xe đạp những thứ cá vụn đem về làm mắm bán cho bà con lối
xóm. Có khi phải lặn lội xuống tận miền Tây mua chục ký gạo đem về kiếm chút
lời. Một thiếu nữ xinh tươi mơn mởn ngày nào của xứ Hoa Anh Đào nay chỉ còn lại
hình dạng tồi tàn, ốm o đen đúa của một “con buôn chui nhủi”. Nàng phải học bao
mánh mung thủ đoạn để qua mặt bọn đao phủ thuế vụ dày đặc trên những chặng
đường. Nàng phải quen với lối ngủ bờ ngủ bụi vất vả trăm bề để bảo vệ miếng ăn
nghèo nàn cho mẹ già và đàn con thơ.
Vì thế, khi nhận lá thư của chồng, khô
khan đầy những câu đúng bài bản rập khuôn cải tạo - lại kèm theo bản kê khai
những thứ nhu yếu phẩm mà anh đã đắn đo rất nhiều mới viết ra, nàng bồi hồi và
lo lắng. Lấy đâu ra tiền để vửa chi phí cho chuyến đi xa hàng trăm cây số từ
Vũng Tàu ra tận miền Trung và mua những thức ăn, đồ dùng cần thiết cho người
chồng tù tội.
Biết hoàn cảnh của gia đình bên ngoài, đa
số tù nhân chính trị đều rất khổ tâm khi phải xin vợ con. Trong tù, hàng năm
dài với những bữa ăn không đủ với khoai mì và nước muối - thậm chí có khi không
có muối để ăn- thì cái gì cũng thèm cả. Người tù đã phải ăn bất cứ con
vật nào kể cả côn trùng, bò sát nào vô phúc lọt vào tầm tay của các anh. Các
anh cũng chẳng chừa loại cỏ nào, miễn là nhét cho đầy cái bao tử luôn luôn
trống rỗng. Trừ một số ít mà gia đình còn khá giả hay có thân nhân từ ngoại
quốc gửi về tiếp tế, thì đa số chỉ dám xin vài ký cơm khô, ít cá khô hay sang
hơn là mắm ruốc xào sả ớt. Đường tán thì rất cần vì cơ thể không thể thiếu nó.
Vật dụng cần thiết thì cái khăn mặt, bánh xà phòng, bàn chải răng… Thư xin quà
của Đức cũng đơn giản thế thôi nhưng anh vẫn thấy áy náy vô cùng.
Nhưng chớ nghĩ rằng nó đơn giản đối với
những gia đình bên ngoài đang lo vật lộn với cuộc sống. Người tù, khi có dịp
lén lút gửi lá thư về nhà, có thể không ngại gì mà không thành tâm bộc lộ hết
những hoàn cảnh của mình. Nhưng trái lại, ít thấy trường hợp mà những bà mẹ,
những người vợ dám kể ra nỗi cơ cực của họ. Họ âm thầm chịu đựng và giữ im lặng
để cho người đang khổ nạn trong bao lớp hàng rào kẽm gai kia còn ấp ủ chút hy
vọng mà sống sót trở về. Kể lể đau thương ra phỏng có giải quyết được gì? Họa
chăng chỉ làm cho người tù trong kia thêm quẩn trí mà có những hành vi có hại
cho bản thân. Đã có nhiều trường hợp còn đau thương hơn sự nghèo đói về vật
chất. Có những bà vợ không chịu nổi khó khăn, đã nén lòng mà bỏ con cái sang
ngang, có khi với chính bọn thù. Có những người cha, mẹ già đã quá mỏi mòn chờ
tin con mà ra đi về bên kia thế giới trong uất hận cô đơn. Có lẽ sức chịu đựng
của những người tù khó vượt qua những cơn mất mát đau thương này dù họ còn
nhiều dũng cảm và nghị lực để đứng vững trước tra tấn, hành nhục của quân thù.
Suốt cả tuần lễ trước ngày đi, Thoa phải
vất vả lắm mới xin xong giấy phép đi đường. Chạy từ khóm, lên phường rồi
lên huyện; nơi đâu cũng chỉ thấy những đôi mắt cú vọ, gầm gừ và những lời khi
thì mỉa mai, khi thì giáo điều. Nào là: động viên chồng lao động tốt, học tập
tốt, động viên; cách mạng khoan hồng… Nàng cứ già mù sa mưa vâng vâng dạ dạ để
được việc.
Bà Hai, mẹ chồng, thì đã nấu những nồi cơm
đem sấy khô và mua mắm ruốc về xào với sả thêm chút thịt bằm. Biết con đói
thèm, bà cũng rán gói thêm vài cặp bánh chưng. Nhờ chiếc tủ lạnh cũ, mẹ làm
nước đá bán cho bà con lối xóm dành dụm cả năm trời để chờ dịp bới xách cho đứa
con trai độc nhất của mình. Đã có rất nhiều thời điểm mẹ và con dâu, cháu phải
ăn bo bò, khoai lang sùng. Có khi cả nhà đi nhặt rau sam, rau dệu mọc ven đường
để ăn. Lòng người mẹ, người vợ là thế đó. Nó còn bao la hơn cái đại dương mà
người ta thường ví von trong những câu thơ, bài hát.
Xế chiều, sau khi qua chiếc cầu Đà Rằng
dài nhất nước và chạy thêm chừng vài cây số, xe đã đến ngả ba Chí Thạnh, nơi
các bà vợ tù Xuân Phước sẽ đón xe làm để vào tận Đồng Xuân. Thoa xuống xe, khệ
nệ xách hai tay hai xách túi quà nặng trĩu lê lết qua bên vệ đường để tìm xe
lam đi tiếp. May thay, còn một chuyến xe chót. Cùng đi trên xe đó có hai chị
cũng đi thăm chồng nên họ nhập bọn với nhau dễ dàng và cởi mở. Chị Son, vợ anh Phạm Hoàng Duyên trước đây là sĩ quan
Cảnh Sát, cũng đi từ Vũng Tàu nên tỏ vẻ thân thiện và giúp đỡ nhất. Chị hướng
dẫn từng chút làm thế nào để tránh bị cướp giật, móc túi; chị nhắc thức ăn gì
có thể qua được sự khám xét của trại, thứ nào có thể nấu ngay tại nhà thăm
nuôi, thứ nào để tù có thể cất dành ăn lâu, vân vân và vân vân. Chị đi thăm
nhiều lần nên rành lắm.
Xe lam chạy chậm trên con đường đất đi vào
quân Đồng Xuân và đỗ tại ga Xuân Phước. Từ đây, hai bên đường đã có rải rác nhà
dân vừa mới xây dựng trở lại. Những căn nhà tranh vách đất ba gian nho nhỏ như
những chiếc bánh ú. Dân tình xứ này chán lắm. Họ toàn là dân từng theo và sống
trong vùng chiến khu của Việt Cộng nên được bố trí ở quanh trại tù như để tạo
thêm một vòng đai ngăn tù. Họ được hứa hẹn một số gạo thưởng nếu báo cáo hay
bắt được tù trốn trại. Như thế, cộng với một vòng núi bao quanh, trại A-20 Xuân
Phước được xem là kiên cố và là nơi mà con kiến cũng khó lọt ra ngoài được.
May chỉ mang ít quà, nên Thoa cũng lết vào
cổng trại A theo kịp các bà bạn. Họ trình giấy tờ cho một anh công an có bộ mặt
non choẹt nhưng cố làm ra mình là quan trọng.
-
Chị này thăm Phạm Hoàng Duyên ở phân trại E thì chờ đây. Chị kia thăm Võ Văn
Đức thì đi vào phân trại B.
-
Trại B là ở đâu anh?
-
Chị phải gọi tôi nà cán bộ, không được gọi anh.
-
Vậy thì ở đâu cán bộ?
-
Ra ngoài kia, đi rẽ sang tay trái theo con đường xe bò chừng hai ki nô mét.
-
Giờ này tối rồi làm sao mà đi thêm được. Cán bộ cho ở lại tạm chờ sáng mai được
không?
-
Được nàm thao mà được. Ai cho chị ở đây! Đi đi.
Nhìn ra bên ngoài, trời đã tối sầm lại.
Ngoài ngọn đèn mù mờ trong cái chòi tiếp thân nhân này, chỉ còn bóng đêm đầy đe
dọa. Thoa rùng mình nghĩ đến khoảng đường bất trắc còn lại. Biết không thể năn
nỉ được những anh cán bộ vô cảm này, nàng lặng lẻ quay bước. Hai tay đã mỏi đừ
vẫn phải cố nâng hai túi quà giờ này như đã nặng thêm lên.
Con đường vào phân trại B đi qua xuyên
rừng. Hai bên đường là những lùm cây rậm có vẻ rình rập. Bóng đêm và thú dữ,
rắn rết thiếu gì. Trong lòng nàng đã thấy chột dạ, chỉ muốn ngồi bệt xuống gần
nơi cổng trại E rồi ra sao thì ra, để chờ trời sáng; một phần tình thương nhớ
chồng thôi thúc giúp nàng tăng thêm sức mạnh và lòng can đảm. Nàng vừa đi vừa
lâm râm cầu nguyện. Nhớ những ngày đi thăm chồng trong vùng hành quân, súng đạn
bom mình cũng nguy hiểm vô vàn nàng còn vượt qua được kia mà. Thỉnh thoảng,
nàng lại nghĩ về các con ở nhà. May mà không đem chúng theo; nhưng dù sao có
chúng, cũng đỡ cho mình cô đơn.
Đường thì vẫn thấy xa hun hút. Đi mò mẩm
trong gần một tiếng mà tưởng chừng như càng đi vào hoang dã. Những ánh sao trên
trời cho chút ánh sáng mờ mờ để còn thấy lối đi. Qua những khoảng đường có cây
cao, thì phải nói là hoàn toàn tối tăm.
Thoa phải thỉnh thoảng đứng lại đặt hai
túi xách xuống mà thở dốc. Hai cánh tay đã mỏi nhừ, không còn sức để nâng. Sau
cùng, nàng nghĩ ra một cách, tuy chậm, nhưng đỡ vất vả. Thoa để một túi xách
bên đường, dùng cả hai tay ôm túi còn lại. Đi khoảng hai chục mét, để xuống và
quay trở lại bê túi xách kia. Cứ thế, nàng đi tới đi lui như một con kiến tha
mồi. Bổng, vụt một cái. Một bóng người từ đâu đó nhảy xổ ra. Thoa hoảng hốt
giật nẩy mình và cảm nhận sự hiểm nguy của một thân đàn bà giữa chốn rừng hoang
vắng. Nàng dụt túi xách xuống và dợm bỏ chạy. Nhưng cái bóng người đó đã chắn
ngay trước mặt. Từ khuôn mặt không thấy được, thốt ra một câu hỏi rất hiền hoà:
-
Chị đi thăm ai mà khuya khoắt thế này? Không sợ sao?
Vẫn chưa hoàn hồn, nhưng cảm thấy tạm an tâm, Thoa
đáp:
- Tôi đi thăm chồng ở trại E, họ chỉ
vào trại B. Đã tối mà họ không cho ở tạm để chờ sáng.
- Chị thăm anh nào thế? Tên gì?
- Tên Đức, Võ Văn Đức, ở đội 7.
- Ôi dà, anh Đức thì ai mà
không biết. Em là tù hình sự đi tự giác, giờ này mới về trại. Để em mang phụ
chị hai túi xách. Chị cứ đi theo em, không sao đâu.
Nghe đến đây, Thoa thấy càng yên tâm. Hai
người vừa đi vừa trò chuyện. Long, người tù hình sự kể cho Thoa nghe những
chuyện về Đức.
- Anh ấy lì lắm chị. Cán bộ
quản giáo trực trại gì cũng phải né anh. Tội nghiệp, anh cứ vào cùm liên tục. Chống
đối mà! Trại họ đâu có tha. Em hồi đó cũng đi lính, “giải phóng” vào em theo
bạn bè đi cướp bị bắt xử 15 năm. Ở được 7 năm rồi, chờ giảm án.
- Chú về rồi làm gì mà sống?
- Chưa biết, chị. Chắc phải vượt biên
thôi. Chớ không khéo lại vào tù.
Cho đến khi hai cẳng chân đã rả rời, Thoa
mới thấy vài ánh đèn từ trại hắt ra.
- Tới rồi đó. Chị đi vào căn
nhà bên trái mà trình giấy. Ngày mai anh mới ra được. Chị mượn nồi mà nấu
nướng. Tụi em có chất củi sẵn gần bếp cho mấy gia đình thăm nuôi.
Thoa ngỏ lời cám ơn và lấy ra một cặp bánh
chưng biếu cho Long. Nhưng Long không nhận
- Chị để dành cho anh ấy. Tụi em đi
tự giác kiếm ăn được thoải mái, thịt cá gì không thiếu.
Thoa cảm động thầm nhủ: “Chú ấy là lính cũ
hèn chi tốt đến thế.”
Trong căn nhà tranh nhỏ dựng đơn sơ chếch
phiá ngoài cổng trại, đã có hai gia đình đang lui cui nấu nướng thức ăn. Vài em
bé bồn chồn đứng chờ bên mẹ. Thoa chờ chừng khoảng 10 phút thì thấy có một anh
công an lùn từ trong dãy nhà trại đi ra. Anh ta tự xưng là cán bộ giáo dục. Với
một giọng xách mé, anh ta hất hàm hỏi:
- Thăm ai? Đội mấy?
- Dạ, chồng tôi là Võ Văn Đức,
Đội 7.
- Chị chờ đây. để tôi vào xem
lại hồ sơ.
Lại chờ. Một bà đã lớn tuổi đến bên nhỏ
nhẹ nói:
- Em kiếm một chỗ cất đồ và dọn dẹp
nghỉ lưng đi. Em ở đâu tới? Đường xa chắc mệt lắm.
Anh cán bộ giáo dục đã quay trở lại, lần
này thêm một anh khác trông còn hách dịch hơn. Anh này dáng cao, ốm, có cái
miệng chu ra như mõm chuột chù.
- Tôi báo cho chị biết, anh Đức vi
phạm nội quy nhiều lần, chây lười lao động, có thái độ chống đối. Chúng tôi cúp
thăm nuôi một kỳ này. Khi nào anh Đức tiến bộ, chúng tôi sẽ cho gặp gia đình.
- Mấy cán bộ thông cảm, tôi có giáy
báo của trại. Đi từ trong Nam ra mất cả hai ngày trời. Xin cho tôi gặp chồng
tôi năm mười phút cũng được.
- Nói không là không. Chị phải viết
thư giáo dục anh ấy thực tâm cải tạo thì mới hưởng lượng khoan hồng của đảng và
nhà nước cho về sum họp.
- Tôi van cán bộ. Đã hai năm nay
không được thăm gặp anh ấy…
- Chị đừng van nài vô ích. Trại đã có
chính sách. Đánh kẻ chạy đi chứ không đánh người trở lại. Những người như anh
Đức lẽ ra là bắn bỏ, nhưng trại tạo điều kiện cho cải tạo. Thời gian nhanh chậm
là do anh ấy. Chị phải động viên anh ấy.
- Thì cán bộ có cho tôi được gặp một
vài phút, tôi mới động viên được chứ.
- Chị này lý sự nhỉ! Thôi ở đây tạm
rồi ngày mai đi về. Không cho là không cho.
- Đã không cho thăm thì sao lại cho
gửi giấy báo? Làm mất bao nhiêu công sức người ta.
Hai anh cán bộ lườm Thoa một phát sắc như
dao rồi lạnh lùng bỏ đi.
Ngồi thụp xuống chiếc giường tre, Thoa bật
lên khóc nức nở. Bao nhiêu công sức lặn lội đường xa ra thăm chồng mà không
được gặp mặt. Đã có ít lắm hai lần khi anh còn ở trại Hàm Tân, nàng cũng nghe
những lời cảnh cáo răn đe về anh. Nhưng họ còn cho gặp gỡ năm mười phút để trao
chút quà và vội vàng nói lời thương nhớ ủi an. Tủi thân, nàng lại đâm ra trách
chồng. Đi cải tạo sao không chịu an phận qua ngày như mọi người. Cứng đầu cứng
cổ làm chi cho khổ thân mình, khổ lây vợ con. Cứ thế biết ngày nào về anh ơi!
Thoa lại khóc. Vợ chồng chỉ cách nhau
không hơn trăm mét, qua hai lớp hàng rào và một cái hào sâu kia thôi, mà chẳng
được thấy nhau. Giờ này chắc anh đã ngủ, có biết vợ anh đang ngồi thổn thức ở
đây không? Hai giỏ quà mang cả tình thương gia đình cho anh họ cũng không cho
gửi vào. Biết bao giờ mới lại được gặp nhau đây?
Mấy bà thăm nuôi kéo đến vỗ về an ủi. Một
bà nhanh trí đưa ra đề nghị.
- Thế này em. Ngày mai em đưa
giỏ quà cho chị, chị nhờ chồng chị đem vào cho chồng em. Em muốn nhắn gì thì
nhắn miệng. Chị cố giúp cho.
- Em cám ơn chị. Chỉ xin chồng chị
nói với anh ấy biết là có em ra thăm. Anh ấy đừng cương quá, chỉ hại thân mình
không về được với vợ con. Đã gần mười năm tù tội rồi. Ai cấp nhỏ như anh cũng
đã về từ lâu.
- Thôi chịu vậy. Không năn nỉ chúng
nó được đâu. Chị biết cái thằng cán bộ cao cao đó. Nó là thằng Hùng. Nó ác lắm
và hỗn nữa.
Phía bên trong những hàng rào tre nhọn
chơm chởm, tiếng kẻng báo giờ đã vang lên nghe rợn người. Có lẽ đó là lúc tù
nhân phải đi ngủ. Vài tiếng lên đạn rắng rắc của mấy vệ binh trên chòi làm cho
Thoa chợt thấy sợ hãi bâng quơ. Nàng để nguyên cả áo quần đang mặc, nằm dài
xuống quay mặt vào vách mà suy nghĩ mông lung. Nàng thầm nguyện sao cho đêm
nay, được mơ thấy anh và anh cũng nằm mơ thấy nàng để ít ra họ còn gặp nhau
trong giấc mộng.
Bên kia, các bà cũng đã thu dọn xong và
lục tục đi ngủ. Một cây đèn dầu leo lét đặt ngay trên chiếc bàn giữa nhà.
Thoa buông một tiếng thở dài sườn sượt.
Đêm nay sẽ rất dài, dài chừng vô tận. Tiếng côn trùng ngân nga trong đêm rừng
tịch mịch như ru thêm điệu buồn ai oán trong lòng người vợ tù nhân.
Đỗ Văn Phúc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét