19.6.15

Không Nơi Ẩn Nấp


A20 Đỗ Văn Phúc


Ở các trại khác còn nghe chuyện tù trốn thoát chứ tại Xuân Phước thì con kiến cũng không ra lọt. Ðể phòng ngừa tù trốn trại, bọn cán bộ cấm ngặt gia đình tiếp tế các thực phẩm khô. Những đội tù gồm quân nhân chế độ cũ chỉ được lao động quanh quẩn gần trại; bao quanh là các đội hình sự. Khi xuất trại, dù mưa hay nắng, anh em phải đi chân đất. Mùa hè, cơn nắng miền trung nung cháy con đường đất, bước chân đi như dẫm lên than hồng. Mùa mưa, đường sá ngập bùn lầy lội, trong lúc bọn cán bộ ngồi trong căn nhà lô, ăn uống lu bù, thì anh em tù vẫn phải làm việc. 

Bọn Việt cộng dùng sự tắm rửa như một ân huệ cho những ai làm đủ chỉ tiêu trong ngày; dù là tắm vội vàng trong một khúc suối đọng, nước quậy lên đen ngầu toàn rác rưởi pha với phân người. Trước khi ra khỏi trại, các đội phải ngồi chờ đến phiên, là lúc bọn thi đua đảo qua đảo lại kiểm soát xem có ai mang theo thứ gì không. Chúng tôi chỉ được mang theo một bình nhựa đựng nước uống mà thôi. Khi nhập trại lại một màn lục soát rất kỹ, xem tù có hái trộm rau trái hay mang vào những vật cấm. Việc xét phòng xảy ra thường xuyên hàng tháng. Tuy vậy trong chúng tôi vẫn có người dấu được con dao, hộp quẹt, giấy mực… Hoá ra chỗ lộ liễu nhất vẫn là chỗ kín nhất. Có lần tôi để chiếc lò than (chúng cấm nấu nướng trong phòng) chình ình ngay giữa sân mà không tên nào phát hiện. Trốn, thì cũng nhiều anh trốn, nhưng thoát thì không. Ða số là bị bắt lại ngay quanh quẩn trong địa phương vì dân ở đây họ sẵn sàng báo cho công an để đổi lấy thực phẩm. Ði ra xa thì không phương kế mưu sinh. Ðâu cũng là núi, rừng. Nước thì độc, trái cây không có, thú rừng cũng không. Rừng phía tây chạy ngút ngàn về hướng Phú bổn; rừng phía Nam dẫn vào trại tù A-30 chẳng kém phần dã man; ra Bắc thì lọt vào khu căn cứ du kích cũ của chúng, chỉ thấy toàn những khuôn mặt thù nghịch. Năm 1980, có mười bốn anh em (trong đó có Trung Úy Trần Lưu Úy, phi công F-5; Đại Úy Lê Thái Chân, Pháo binh Dù) thoát khỏi trại, giết một tên chủ tịch xã người thượng, cướp súng đi về hướng Phú Bổn; nhưng sau đó bị du kích Thượng truy đuổi và bắn chết hết, chỉ còn Lê Thái Chân bị bắt về chịu án 18 năm. Có lần, một anh bên hình sự trốn về được gần sáu tháng, trốn lên miệt rừng làm rẫy, cũng bị bắt lại. Trại này có đủ cán bộ và thì giờ cộng với sự kiên nhẫn, chúng mò về tận quê nhà người tù, phục kích hàng tháng trời cho đến khi bắt lại mới thôi.

Nhớ lại những ngày đầu tiên, ngay sau khi Việt cộng cưỡng chiếm miền Nam, chúng cho trưng bày những hình ảnh trong trại tù Côn sơn mà chúng gọi là “tội ác Mỹ Ngụy”. Hình ảnh người tù bị nhốt trong những chuồng cọp, bị tra tấn đánh đập… Chúng viết những lời lẽ rất khích động về việc ngược đãi tàn nhẫn do chế độ Việt Nam Cộng Hoà hành xử đối với tù phiến cộng. Nhìn kỹ mới thấy những tấm hình đó rất cũ, chụp từ thời còn mồ ma thực dân Pháp, với những người lính cai tù mặc chiếc quần sọt rộng thùng thình, trên đầu đội mũ vải rộng vành của lính viễn chinh. Tất cả những gì xấu xa mà chúng có, chúng đều gán cho ta; còn dành về phần chúng những gì cao quý nhất, tốt đẹp nhất. Thời chiến tranh, chúng ta đã tôn trọng Công ước Geneve về việc đối xử với tù binh. Chúng ta trả chi phí ba dollars mỗi ngày cho một người tù binh. Họ tổ chức lấy ban kiểm thực, được quyền từ chối những thực phẩm thiếu chất lượng. Mỗi tuần phải cho họ hai bữa ăn ngọt, hoặc chè, hoặc bánh. Ðau ốm thì có cả container thuốc tây để điều trị. Tôi nhớ có lần gặp chuyến bay chuyển tù từ Saigon ra Ðà Nẵng, người tù Cộng Sản được phát bữa trưa gồm bánh mì và cá hộp Sumaco hoặc một khoanh chả lụa. Những người này khi được trao trả về Bắc sau Hiệp định Paris có lẽ không dám nói ra sự thực. Vì trong chế độ Cộng Sản, ai nói điều tốt cho kẻ địch là phản động. Ðối với tù nhân là cán bộ, du kích miền Nam, tuy không được hưởng quy chế tù binh, có thể bị đánh đập ngay khi vừa bị bắt để tra vấn. Nhưng một khi đã chuyển vào nhà giam, nếu không có hành vi phá rối, cũng được đối xử rất nhân đạo.

A20 Đỗ Văn Phúc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét