A20 Đỗ Văn Phúc
Sống trong chế độ Cộng Sản hàng chục năm ngoài
miền Bắc trước năm 1975, người dân đã quên đi chiếc bàn ủi để ủi áo quần. Có lẽ
sau khi giặt xong, vài người chỉ biết xếp áo quần lại rồi lót dưới gối cho
thẳng. Vì thế chúng ta thường thấy những cán binh Cộng Sản khi vào Saigon, ăn
mặc luộm thuộm, lùng thùng như những con rối.
Mãi cho đến những năm 78-79, có những anh em tù muốn lấy điểm, đã bày vẽ cho bọn cán bộ việc dùng bàn ủi. Văn minh miền Nam từ chiếc bàn ủi điện đã nhờ chế độ Cộng Sản, tụt xuống bàn ủi than mà chúng ta còn nhớ hình thù thô kệch với con gà trống trên đầu mũi để làm cái khoá mở ra đóng vào khi đổ than. Loại bàn ủi này đã biến mất những năm cuối thập niên 1950. Có còn chăng, hoạ hoằn là ở vùng nông thôn heo hút.
Bọn cán bộ Cộng Sản thì dĩ nhiên không dám nghĩ đến việc xa xí là sắm một cái bàn ủi than này. Lo chi, đã có bọn tù khốn kiếp bày mưu tịch thu vật dụng bằng nhôm của tù cải tạo để đúc bàn ủi xài tạm.
Tất cả các vật dụng tùy thân thiết yếu đó của toàn trại, may ra đúc được một hai cái bàn ủi. Sau đó một thời gian, chúng lại nêu ra lý do tù đã có tiến bộ, chúng lại cho phép gia đình thăm nuôi gửi nồi niêu vào để đun nấu bồi dưỡng cơ thể. Cứ vài tháng, màn thăm nuôi tiếp tế soong nồi và khám xét, tịch thu này diễn ra một lần.
Đối với người tù, không gì quan yếu, thân
thiết gắn bó bằng chiếc lon guigoz. Chẳng rõ khi hãng Nestlé thiết kế ra chìếc
lon nhôm để đựng sữa bột cho trẻ em này, họ có tưởng tượng ra rằng, một ngày
nào đó chiếc lon nhôm này lại quan yếu đến thế.
Mỗi người tù thường tậu ra cho bản thân ít lắm là một chiếc lon guigoz (từ đây xin gọi là lon Gô). Người khá giả, có thể có cả chục chiếc lon để chứa thức ăn rất tiện lợi.
Công dụng trước hết là để đựng nước uống khi đi lao động. Dù là nước suối, nước mưa hay nước giếng. Khi cần đun nấu, người tù có thể gửi ké bên bếp lửa của người nấu nước để đun chút cơm khô, nấu chút rau cỏ vừa hái trộm trên đường đi, hâm lại chút thức ăn do gia đình mới tiếp tế. Dù không khéo tay như người thợ hàn, bất cứ người tù nào cũng có thể làm được một cái niềng và quai xách bằng cọng kẽm cho tiện lợi. Họ sẽ tạo cho mình một cây dài bằng gỗ hay sắt có cái móc ở một đầu để “câu kéo”. Câu kéo là từ ngữ mô tả việc người tù đứng xúm xít quanh lò lửa nhà bếp đưa cái lon gô vào miệng lò để đun nấu. Việc này thường là bị cấm, nhưng tù có cả trăm cách để đánh du kích.
Một số tù còn khéo tay, may một cái bọc bằng vải hay simili cuire có độn vải để bao quanh lon gô, nhằm giữ ấm cho thức ăn nước uống.
Lon gô, vì rất mỏng, và phải kỳ cọ nhiều hay do rỉ sét, nên bị rò rỉ. Người tù có thể dùng hạt cơm, hay nhỏ giọt bao nylon đang chảy để trám. Người khéo tay có thể cắt một khúc nhôm hay đồng để tán lại.
Thời gian đó là khoảng cuối năm 1979, khi anh em chúng tôi từ các trại Hàm tân bị đưa ra trại A-20 Xuân Phước được chừng vài tháng. Tôi thuộc đội 13, nhà 1, phân trại E vừa mới xây xong với bốn dãy nhà gạch lợp ngói kiên cố. Trong trại, có nhiều nhân vật nổi tiếng như cụ Lê Sáng (Chưởng môn Việt Võ Đạo), cụ Võ Văn Hải (Chánh Văn phòng cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm), anh em cựu Bộ trưởng Ngô Khắc Tĩnh và Ngô Khắc Tình, Bộ trưởng Chiêu Hồi Hồ Văn Châm, Linh mục Nguyễn Quang Minh, Linh mục Nguyễn Văn Vàng, Ký giả Vũ Ánh , Luật sư Thẩm phán Trần Đức Lai, Nhà văn Duy Lam, Ca sĩ Duy Trác, Cựu Trung tá VC hồi chánh Huỳnh Cự, nhà thơ Phan Lạc Giang Đông, Luật sư Trần Danh San, cựu Phó tỉnh Phú Yên và từng là Phó quận Đồng Xuân Nguyễn Chí Thiệp (ở tù ngay trên đất cai quản của mình khi trước), và vô số những anh hùng bất khuất khác.
Tôi cũng có vài chiếc lon gô; trong đó một chiếc
có bao bọc bằng giả da cắt trộm từ chiếc ghế nệm trong xe chiếc xe Peugeot còn
tốt của tên trưởng trại lúc đi lao động gần garage của trại. Nhờ khéo tay, tôi
làm nhiều vật dụng bằng giả da, như chiếc nón vành rộng, chiếc ví tay dành cho
vợ (mà không biết thiên thu nào mới gặp lại). Lon gô của tôi giữ nước nóng rất
lâu, vì lớp bọc bên trong là một khúc vải mền dày cộm.
Sáng hôm đó, tôi giả đau khai bệnh không ra ngoài lao động. Lúc các đội về thì trời đã nhập nhoạng tối, vì đã vào muà đông. Trong khi anh em lỉnh kỉnh ra vào thu dẹp chờ đi lãnh phần ăn tối, thì đột nhiên hai ba tên cán bộ trực trại và một bầy trật tự thi đua uà vào.
– Tất cả ra ngoài sân tập họp, không được mang thứ gì theo. “khẩn chương, khẩn chương!”
Tôi đang nằm trên “lầu thượng” (Trong nhà giam có hai tầng cho tù ngủ. Tầng trên chúng tôi gọi đùa là lầu thượng.) chưa kịp xuống thì đã thấy bọn trật tự hùng hổ vào lục soát khắp nơi. Chúng tìm ra những chiếc nồi, chiếc lon quăng xuống nền nhà nghe loảng xoảng. Tôi quơ vội chiếc lon gô bọc da có chứa ít nước nóng vừa lãnh từ người đun nước rồi thư thả leo xuống.
Tên cán bộ trực trại tên Luật – một tên sadist- thấy vậy ra lệnh:
– Anh kia, giao nộp chiếc “non” ngay.
Tôi bước vội ra cửa, né tránh những bàn tay nham nhở của của bọn trật tự.
Cán bộ Luật bước theo ra định giằng lấy chiếc lon. Tôi quay lại cố tỏ ra lịch sự:
– Báo cáo cán bộ, hôm nay tôi bệnh, phải chườm nước sôi. Vì thế tôi xin giữ lại chiếc lon gô nước nóng này.
– Anh Tuyến (tên trật tự gốc tù hình sự, tội hiếp dâm), thu cái “non” giùm tôi.
Tôi nhất định giữ cho được chiếc lon. Tên Tuyến cố giằng nó. Tôi lần lữa ra đến sân trại. Biết không thể giữ được, tôi ném mạnh chiếc lon xuống sân, dùng chân giẫm lên cho bẹp dúm rồi cúi xuống lượm nó và quăng mạnh qua bên kia hàng rào trại. Làm xong việc này, tôi đứng thẳng, trừng mắt nhìn vào mặt tên trực trại Luật dõng dạc tuyên bố:
– Các anh đã cướp đoạt tài sản cả miền Nam. Nay một chiếc lon goz cần thiết cuối cùng của người tù, các anh cũng không tha. Tôi không xài được, quyết không để cho các anh xài nó.
Nói xong, tôi lẻn vào xếp hàng cùng anh em trong đội.
Có lẽ trong đời làm công an gác tù, Luật chưa hề đụng phải một hành vi chống đối táo bạo bất ngờ ngoài sự tưởng tượng. Vì thế phải mất một phút sau, hắn mới có phản ứng. Khuôn mặt tên sadist tái đi, hắn nghiến răng trèo trẹo:
– Anh kia, tên gì?
Từ trong cửa miệng của hàng trăm người tù bị coi là cứng đầu nhất trong các trại tù miền Nam, những tiếng la hét bộc lộ sự uất ức dồn nén đã bao ngày:
– Đồ ăn cướp! Đồ ăn cướp!
Luật biết không nên gây căng thẳng trong hoàn cảnh này, vì có thể xẩy ra biến cố bất lợi. Hắn xuống giọng ra lệnh cho bọn trật tự thu vén các thứ đã tịch thu vào hai cần xé, mang đi. Xong, hắn ra lệnh cho tôi bước khỏi hàng đi theo hắn.
Luật dẫn tôi đến nhà bếp cạnh nhà kỷ luật bảo chờ ở đây. Lúc đó đã có sẵn bốn năm tên công an võ trang. Bọn này sấn tới sắp sửa đánh tôi. Tôi lùi vào sát vách bếp nói lớn:
– Cán bộ không được đánh tôi. Không được vi phạm chính sách.
Bọn này đột nhiên ngừng lại, hậm hực buông lời đe doạ rồi bỏ đi. Lát sau, tên Luật và tên trật tự Quý đen (con lai Mỹ da đen, từng là binh sĩ Nhảy dù của ta) đưa tôi vào nhà biệt giam. Tôi đã quá quen thuộc việc bị cùm, nên khi nhìn thấy hàng cùm chân sắp dọc theo chân tường nhà kỷ luật, tôi nhắm ngay một chiếc cùm rộng nhất hòng để cho cổ chân có thể cựa quậy chút đỉnh. Nhưng tên Quý đã nhanh tay chọn lấy hai chiếc cùm chật nhất. Chúng đẩy tôi vào căn thứ ba, bảo leo lên bệ, duỗi hai chân ra áp vào vách cửa. Quý đen ấn hai chiếc cùm vào hai cổ chân tôi. Cùm quá chật. Hắn cố nấn nấn đẩy cho miệng cùm qua được phần xương cổ chân, rồi nhét cả phần còn lại cho lọt hẳn vào cùm như người ta nhét cái bánh chưng vào khuôn gỗ trước khi gói chặt lại. Phần gân sau của cẳng chân tôi vẫn cứ ngoan cố không chịu ép qua hai cái lỗ cùm. Vì thế, khi tên Quý đẩy cây sắt 12 li từ một lỗ ở mép bệ xi măng qua lỗ cùm, tôi phải nén đau bóp hai gân lại. Nhưng cũng không tránh khỏi việc cây sắt cứa vào rách chân đau buốt tận trời xanh. Cần nói thêm là chúng dùng sắt vuông có bốn khiá rất bén, xoắn lại trước khi uốn thành chiếc cùm chân. Vì thế nhất cử nhất động sẽ làm cơn đau gia tăng gấp bội so với loại cùm bằng sắt tròn.
Thế là hai cẳng chân vừa bị kẹp cứng trong hai chiếc cùm chật, vừa bị gác lên cây sắt có khiá cỡ 10 li. Cả sức nặng phần cơ thể tựa trên hai bàn tiếp hậu đã ốm lòi xương và trên cây sắt đó. Vì thế, cơn đau bị bó chật đang âm ỉ thì cơn đau từ nhượng chân đã phát khởi do chỗ da bị rách và cây sắt tiếp xúc trực tiếp với gân bàn cổ chân.
Bị cùm thế này, người tù chỉ có hai vị thế:
nằm hẳn ra hoặc nửa ngồi nửa nằm. Không thể ngồi hẳn lên, vì hai bàn chân quá
sát vách tường. Bị cùm ở Xuân Phước rồi, mới thấy trại Hàm Tân là thiên đường.
Tại trại Z30C Hàm Tân, nhà kỷ luật có hai gian, mỗi gian có thể cùm 5, 6 người.
Thanh sắt để xỏ cùm lớn, có đường kính khoảng hơn 2 inches, bóng mượt do nhiều
bàn chân đã mài qua trên đó nhiều năm. Dĩ nhiên qua một ngày sau, thì sức nặng
của chân cũng sẽ gây đau đớn. Nhưng người tù biết dùng cái lon gô kê dưới bắp
chân cho bớt đau (Ở Hàm Tân, cai tù cho đem lon gô vào nhà cùm). Trước mặt
người tù là một khoảng tương đối rộng. Ngày có hai lần hai vắt cơm to bằng trái
cam có rắc muối đậu phụng. Tôi đã nếm mùi cùm ở Hàm Tân hai lần, cũng tự cho
rằng đi nghỉ mát, né được lao động cực nhọc.
Ngược lại, ở Xuân Phước thì coi như tầng chót địa ngục. Người tù khi vào nhà kỷ luật chỉ vỏn vẹn bộ pijama tù mỏng dính. Guốc dép, khăn, mũ… bỏ lại bên ngoài. Không mùng mền chiếu gối dù mùa hạ hay mùa đông. Mỗi buồng giam có hai bệ xi măng hai bên vừa đủ rộng cho hai người nằm. Cai tù kiếm cho mỗi tù nhân một cái hộp nhựa mỏng đã cắt phần trên dùng để chứa thức ăn, một nửa hộp khác chứa nước uống. Và thêm một nửa hộp loại bình nước mắm hai lít để đựng phân và nước tiểu. Vì là chiếc hộp bị cắt ra, nên miệng bình đựng chất thải này nó mềm nhũn và dễ bể mỗi khi đụng vào. May mắn là thời gian trong cùm, chỉ ăn phần ăn của chim với hai ba lát khoai mì và khoảng hai ba muỗng nước mỗi ngày; nên ngoại trừ ngày đầu, thì những ngày sau đó chúng tôi chẳng có gì để bài tiết cả. Vả lại, với vị thế như vừa kể trên – hai chân bị khép cứng lại mà không ngồi được – thì chẳng thể nào làm công việc bài tiết được. Tôi đã nhịn đi cầu đến 32 ngày mà chẳng thấy bị thôi thúc gì.
Dãy nhà kỷ luật vừa mới xây xong trước khi chúng tôi đến. Mà chúng tôi lại được vinh dự khánh thành nó; vì thế chúng tôi được thấm thía thế nào là cơn lạnh muà đông trên cái nền xi măng còn ẩm hơi nước.
Qua một đêm vừa lạnh, vừa đói, vừa đau buốt như thế; hôm sau, tôi được gọi ra làm việc để bọn trực trại lập hồ sơ kết luận hợp thức hoá việc thi hành kỷ luật.
A20
Đỗ Văn Phúc
(Nguồn: http://michaelpdo.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét