17.6.15

Hạt Vàng Trong Bãi Bùn Đen


A20 Đỗ Văn Phúc

Có lẽ vì thù ghét Cộng Sản quá, nên chúng ta chỉ nhìn thấy những xấu xa của họ, coi tất cả cán bộ Cộng Sản đều hung ác, thâm hiểm và dốt nát, ngờ nghệch. Nhưng thực tế, đôi khi trong chặng đường khổ nạn, chúng tôi cũng tìm thấy đó đây những tấm lòng nhân hậu, chưa biến chất bởi sự giáo dục đồi trụy của chủ nghĩa Cộng Sản vô luân, vô nhân. 

Cán bộ Ngà coi đội 13 chúng tôi rất lâu. Câu nói thường xuyên của anh là:

– Các anh cải tạo lâu dài, làm vừa vừa để còn sức khỏe mà về với gia đình.

Anh không bao giờ đặt ra chỉ tiêu cho đội hay cá nhân các đội viên. Trong lúc đội làm việc, thì anh chạy ngược chạy xuôi kiếm khi thì mớ khoai, khi mớ sắn đem về cho đội nấu ăn tại chỗ. Trong một thời gian dài, không có anh nào trong đội bị làm khó dễ hay la mắng nặng lời.

Cán bộ Hoa, trắng trẻo đẹp trai, cao lớn và rất hiền lành. Biết săn sóc cho anh em trong đội. Cán bộ Lương người Hà Tĩnh, nhưng chắc thuộc thành phần bần nông mà không được ưu đãi trong chế độ. Có lần, khi trò chuyện về giai cấp xã hội, anh đã thổ lộ:

– Người ta nói “con vua thì lại làm vua”. Mình con nhà khó, suốt đời khổ cực.

Khi tại nhà lô của đội, nơi cất giữ nông cụ và hoa màu cũng như những mớ khoai để “cải thiện” bị một anh hình sự nào đó bẻ khoá vào trộm thực phẩm. Cán bộ Lương hỏi ý kiến xem ai có cách gì để tránh mất cắp.

Có một ý kiến táo bạo đề ra là làm một cái bẫy bên trong cửa. Ai léng phéng mở cửa sẽ bị một cây cuốc rơi xuống đánh vào người. Cán bộ Lương đã tần ngần vài phút rồi nói:

– Vì một chút thức ăn mà làm hại người ta như thế thì không nên.

Chúng tôi dư biết sau nhiều năm vào Miền Nam tiếp xúc với dân Nam và qua việc hàng ngày trò chuyện với các cựu sĩ quan Việt Nam Cộng Hoà, rất nhiều cán bộ binh lính Cộng Sản đã mở mắt và nhận ra được đâu là chân lý. Chẳng qua vì chút quyền lợi cấp bách của đời sống mà họ phải bám vào cơ cấu của nhà nước.

Vì thế, đã có một cán bộ “giáo dục” thấy tôi vào ra nhà kỷ luật nhiều lần, đã nói nhỏ:

– Anh Phúc muốn vào rừng chống Cộng, muốn vượt biên, hay làm gì khác, thì phải sống và còn sức khoẻ là tiên quyết.

Ngay trong thành phần trật tự thi đua, cũng có những người tốt. Thường trại xử dụng tù hình sự để làm thi đua trật tự. Vì thế, họ rất hỗn láo với tù nhân dù đáng tuổi cha ông. Họ rất đắc lực với trại, vì họ nuôi hy vọng sớm giảm án. Việc đưa Dương Đ. M., một tù sĩ quan, làm trưởng ban Thi Đua Trật Tự phân trại E là một biệt lệ.

Ở phân trại E, Trưởng ban Thi đua (tiền nhiệm của Dương Đ. M.) là anh Hân. Hân là sinh viên Đại học Sài Gòn, đi nghĩa vụ quân sự đào ngũ tại chiến trường Kampuchea và bị tù. Hân rất mến các chú, các anh quân đội Cộng Hoà. Anh luôn tìm cách che chở và giúp đỡ cho tù nhân trong khả năng và phương tiện của mình.
Anh trật tự Trực, sĩ quan bộ đội người Bắc, lúc đầu cũng rất khó. Về sau được cảm hoá, anh cũng tỏ ra thân thiện dễ dãi với anh em tù nhân.

Một trật tự ở phân trại B, anh Của, người Tây Ninh, là một sĩ quan của Việt Cộng. Khuôn mặt anh vuông, xương xẩu, trông rất hung ác. Mỗi khi nói chuyện, hai hàm răng nghiến vào nhau. Anh Của là hung thần của Phân trại B. Nhưng từ khi có Thiếu tá Nguyễn Chí Hiền – là người cùng đạo Cao Đài như anh Của – chuyển vào B và tiếp xúc với Của, Của có phần lơi ra. Sau này Của như trở thành tà lọt cho anh Hiền. Anh Hiền là Tiểu đoàn trưởng xuất sắc của Sư Đoàn 5 BB. Sau đó, anh về làm Quận trưởng Quận Châu Thành, tỉnh Bình Dương. Trong trại, anh Hiền luôn giữ một tác phong nghiêm trang, đường bệ như thể anh vẫn còn làm một Tiểu đoàn trưởng nổi danh của Sư đoàn. Vì thế, đám trật tự thi đua cũng phải nể anh.

A20 Đỗ Văn Phúc


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét