18.6.15

Tù Trong Tù


A20 Đỗ Văn Phúc

Trong căn phòng tối mịt mù này, tôi không còn ý thức rõ rệt về thời gian. Tôi chẳng nhớ đã bị đưa vào cùm nơi đây bao nhiêu ngày rồi. Dễ cũng đến hơn hai tháng chứ không ít đâu. Những người tù thay phiên nhau vào ra ở phòng hai bên đã nhiều bận mà tôi thì vẫn cứ trụ trì trên chiếc bệ xi măng lạnh cóng này; với hai cổ chân xích cứng vào thanh sắt 12 li bằng hai chiếc cùm xoắn oan nghiệt.

Mỗi ngày, tên cai tù cùng một tên trật tự vào đưa cơm một lần. Theo thông lệ là phần ăn trưa. Có lúc chúng đem vào khoảng 9 giờ sáng, khi nhà bếp vừa ra chảo bánh khoai mì đầu tiên. Có khi mãi đến giờ lao động buổi chiều mới nghe tiếng dép lẹp kẹp của chúng. Hai mươi bốn tiếng đồng hồ chờ đợi, chỉ để nhận khi thì vài lát khoai mì luộc, khi thì một góc chiếc bánh cũng bằng bột khoai mì chỉ nhỏ bằng phần tư bao thuốc lá. Chẳng phải vì đói mà chúng tôi mong sớm đến bữa ăn đâu. Chẳng qua là muốn cho ngày tháng qua mau kẻo nằm mãi trong xà lim cũng buồn chán và kiệt sức quá đỗi.

Tôi vào ra xà lim như người ta đi chợ. Ở cái trại Xuân Phước này, một chút vi phạm cũng đủ là cớ để bọn cai tù đọc bản án cùm 7 ngày, mười lăm ngày như chơi. Chỉ cần tên ăng ten nào đó hót bậy một câu với cán bộ quản giáo, là thấy trước mắt hàng tháng dài trong nhà đá lạnh lẽo. Phân trại E chứa khoảng gần 700 tù nhân cải tạo. Ða số là thành phần quân nhân; có khoảng mười lăm phần trăm là các anh bị bắt sau 1975 do các hoạt động chống đối. Một số thuộc nhóm Vinh Sơn, một số thuộc lực lương Fulro bị bắt từ các tỉnh Tây Nguyên đưa về. Xung quanh phân trại E là các phân trại chứa tù hình sự có án từ mười lăm, 20 năm đến chung thân, tử hình. Ði sâu vào phía núi khoảng 10 cây số là phân trại B, giam giữ các quân cán chính mà theo Cộng Sản là thành phần nguy hiểm nhất. Tôi đã ở phân trại E gần năm năm, sau ba năm chuyển vòng vòng từ các trại ở Long Khánh, Biên Hoà ra Hàm Tân. Cứ mỗi lần chuyển trại là thấy bị đẩy xuống thêm một tầng của địa ngục; là thấy ngày về một xa xôi, và đi dần đến tuyệt vọng. Coi như chôn chặt cuộc dời trong cái thung lũng khỉ ho cò gáy này thôi. Ba năm sau cùng, tôi cũng đươc ưu ái cho vào phân trại B để nếm cho đủ mùi khổ nhục trần gian trước khi lãnh tờ giấy ra trại trở về với gia đình sau đúng 10 năm tròn làm kiếp tù.

Mấy ngày trước đây, tên cán bộ an ninh vào mở cùm dẫn tôi ra làm việc. Làm việc có nghĩa là bị hỏi cung trong một không khí vừa hăm doạ vừa vuốt ve. Khi thanh sắt vừa được kéo ra, tôi nhanh chóng tháo cùm để cho hai chân vội vàng hưởng ngay cái giây phút nhẹ nhàng hiếm có. Chiếc cùm do chính tên cán bộ lựa chọn sao cho siết cứng vào cổ chân, đã làm rách da ở phía nhượng chân tôi. Chỉ nửa giờ sau khi bị cùm là có ngay cảm giác đau đớn tột độ. Hai lòng bàn chân úp sát vào vách không cho phép tù nhân ngồi thẳng dậy. Chỉ có hai vị thế. Một là nằm dài ra, hai là gượng nhổm lên một chút. Sức nặng của hai chân tì lên thanh sắt nhỏ 10 li, dần dần như một khối đá nặng làm tăng lên sự đau đớn. Cơn đau này kéo dài ít lắm vài tuần lễ trước khi cơn đói và lạnh làm cho tù nhân gầy guộc nhanh chóng để cảm nhận sự lỏng lẻo của chiếc cùm.

Bị đưa ra hỏi cung cũng là một điều may mắn. Không cần biết những gì đang chờ đợi trong căn phòng u ám kia, sau khuôn mặt gian xảo, độc ác của những tên cán bộ an ninh trại. Chỉ cần cho đôi chân được thoải mái vài giờ đồng hồ. Ðược ra ngoài nhìn thấy ánh sáng mặt trời, hít thở chút không khí trong lành, và nhìn thấy được sinh hoạt của anh em là vui lắm rồi. Nhất là một dịp để vục mặt xuống uống cho đã thèm từ bất cứ nguồn nước nào. Có khi là vũng nước đọng nơi góc tường, có khi là từ chảo nước rửa cạnh nhà bếp. Cũng có khi may mắn, ngắt đươc cọng rau sam, rau dệu ven đường. Ðến rau trai dai nhách cũng không chừa.

Tuy có các vườn rau bát ngát xung quanh trại do anh em tù ngày đêm chăm bón, nhưng suốt năm dài, hoạ hoằn lắm chỉ được ăn vài ba bữa có rau tươi. Mà lại là các ngọn rau đã già dai như giẻ rách. Thứ nào non mềm thì thu hoạch đưa ra nhà bếp cán bộ hết rồi. Anh em tù phải tự cải thiện lấy bằng các loại rau rừng hay lẹ tay chôm nhẹ từ các luống rau. Ða phần là chẳng rửa ráy gì, cho nhanh vào miệng nuốt vội kẻo bị cán bộ bắt gặp là mang hoạ vào thân. Người bên ngoài đã thế, thì người trong xà lim càng thảm hại hơn. Chất rau, chất ngọt, chất thịt là những thứ chỉ có trong giấc mơ của người tù. Ngay cả nước uống, tù nằm xà lim cũng chỉ được cấp cho vừa đủ nhấp thấm môi. Mỗi ngày chừng một phần tư lon nước, đong ra được ba bốn muỗng canh thôi.

Vì thế, cứ được mở cùm ra ngoài là vui rồi. Ðối phó ra sao ta sẽ liệu tính. Phải tìm cách để kéo dài thời gian hỏi cung; phải tìm cớ để được ra thêm, dù phải căng thẳng chuẩn bị để khỏi bị sơ hở, sa bẫy bọn an ninh mà hại cho bạn bè hay chính bản thân mình.

Chút kinh nghiệm mà anh em chúng tôi truyền nhau là cứ chối, chối phăng tất cả, ngay dù có bị chúng nó nắm được đầu dây mối nhợ. Vì có nhận tội, thì cũng bị cùm tiếp tục để cho chúng khai thác dài dài để mong truy ra thêm nhiều vấn đề khác. Mà có chối thì cũng bị giam thêm cho đến khi nào chúng thấy không thể khai thác gì được. Khi thân xác sắp kiệt quệ, nghĩa là khi tên cán bộ đánh giá cái thân tàn ma dại kia không cho ra thì sớm muộn cũng bị tử thần lôi đi. Ðó là lúc chúng vêu mồm khoe khoang cái nhân đạo của đảng, của cách mạng cho ra khỏi cùm để học tập, lao động cho sớm tiến bộ. Chẳng phải chúng coi trọng cái sinh mạng khốn khổ của người tù đâu. Nhưng có những cái chết mà chúng thấy không cần thiết bằng để cho sống lây lất mà lao động làm tôi mọi cho chúng cũng như một thứ lợi khí tuyên truyền để làm ổn định trật tự trong trại giam.

Lần nào ra làm việc thì tên cán bộ cũng cho người đem vào một bát cơm trắng, có chút thịt từ nhà bếp cán bộ. Ðặc biệt là có vài điếu thuốc thơm. Có anh em tù nhân khẳng khái không thèm nếm bát cơm ngon lành đó. Có anh cho rằng ăn thì ăn, mà cứng đầu thì cứ cứng đầu. Tội gì không ăn để cho cơ thể có chút sinh lực mà chịu đựng. Tôi đã ra làm việc tổng cộng ba lần trong thời gian bị cùm ba tháng vào dịp Giáng sinh năm 1979 vì tội chống đối. Ngày đầu tiên vào cùm, chúng lột sạch trên người chỉ chừa bộ áo quần tù bằng vải mỏng màu xám tro. Không chăn, không chiếu, không cả chiếc mù xoa, đôi dép. Trong cơn lạnh mùa đông của núi rừng, ngày đêm co ro run cầm cập. Cố nhắm mắt cho qua ngày đêm dài dằng dặc cũng không xong. Tấm lưng chịu lạnh riết rồi cơ quan bài tiết cũng bị hư luôn, không tự kiểm soát được việc tiểu tiện. Tự dưng thấy ướt mông là biết mình đái; thấy chất nhờn chảy ra trong quần là biết mình đã xuất tinh. Lần đầu, tên cán bộ Hiến gọi tôi ra khoảng mười lăm ngày sau khi vào xà lim, tôi đã đem chuyện Hồ Chí Minh cởi áo lạnh cho tù binh Pháp mà thuyết phục y; so sánh giữa kẻ thù ngoại chủng và người “trại viên cải tạo” đồng màu da để mong y có chút nhân tố nào còn sót lại trong thâm tâm. Ðêm đó, khi trở về nhà cùm, tôi được tên trật tự quẳng vào cho chiếc chiếu. Ðó là giây phút hạnh phúc tuyệt vời nhất. Hoá ra hạnh phúc của con người thật đơn giản và mang tính tương đối. Những ai sống sang giàu, nhung lụa có bao giờ tưởng tượng được một muỗng cơm, một bát nước, một tấm chiếu rách là cả một thiên đường của những người cùng khổ.

Nhờ tấm chiếu đó, tôi yên thân được thêm một thời gian để chịu đựng cơn đói và khát. Hai lần ra làm việc sau này cũng chẳng bên nào thắng lợi. Tôi chẳng đòi hỏi được thêm gì, cũng chẳng nhường một bước nào. Vì quả tình thì có gì mà khai với báo ngoài việc tôi đã hành động chống đối và chịu sự trừng phạt đến mức này. Việc anh em bên ngoài âm thầm tổ chức sinh hoạt Giáng Sinh, viết khẩu hiệu dán đầy phòng giam, tôi biết rõ các bạn tôi ai hô, ai ứng. Chẳng Phạm Ðức Nhì, Nguyễn Tú Cường, thì Hoàng Ngọc Thủy, Phạm Văn Hải, Huỳnh Văn Bá Vạn chứ còn ai vào đây. Nhưng tôi nằm trong cùm thì tại sao mà hỏi tôi? Mà nếu tôi ở ngoài thì có bắn chết, anh em tôi cũng chẳng khai nhau ra. Ai xui bị tó thì rán chịu một mình. Tụi Quang què, Cao H. V., Dương Ð. M. thì bị coi như chó ghẻ; ai chơi với chúng mà chúng biết đầu dây mối nhợ. Tiếc là những năm sau cùng, Ngô Văn L. phản thùng. Từ nhân vật tranh đấu rất anh dũng đã trở cờ làm ăng ten khi bị đưa vào phân trại B. Có lẽ thời gian tù lâu quá làm cho anh ta mỏi mòn, tưởng có thể lập công mà về sớm.

A20 Đỗ Văn Phúc



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét