30.4.10

“35 Năm Nhìn Lại” cuộc chiến bị ngộ nhận



Vũ Ánh
(04/15/2010)
 

Cuộc chiến tại Việt Nam đã kết thúc cách nay 35 năm, nhưng nó chưa kết thúc trên báo chí, truyền thông, chưa kết thúc trong các thư viện, chưa kết thúc trong các cuộc hội thảo. Lý do cũng khá dễ hiểu: Cuộc chiến chấm dứt với khá nhiều u uẩn cả bên thua trận lẫn bên thắng trận. Chúng tôi không ở bên thắng trận nên chỉ đề cập đến những u uẩn của những người mặc áo lính VNCH. Ðiều này có nghĩa là vẫn còn nhu cầu, nếu không muốn nói là rất cần thiết, để bàn cãi, để làm sáng tỏ thêm những điều còn bị che lấp bởi bóng tối, bởi ngộ nhận. Và đó là lý do tại sao, có một cuộc hội thảo chủ đề “35 năm nhìn lại” được tổ chức tại “US Army & Navy Club” ở thủ đô Washington, DC, vào cuối tuần rồi, qui tụ 50 nhân vật gồm những cựu tướng lãnh, những nhà nghiên cứu quân sự, nghiên cứu sử học của Mỹ, các cựu viên chức cao cấp của VNCH trong thành phần diễn giả và người tham dự lên tới 200 người.

Vào dịp những người Việt tị nạn chuẩn bị tưởng niệm thảm kịch 30 tháng 4, một cuộc hội thảo với tầm cỡ này được tổ chức như vậy là một việc làm có ý nghĩa lớn lao, một nỗ lực đáng kể của ban tổ chức trong cố gắng đưa những khúc mắc trong cuộc chiến Việt Nam ra trước ánh sáng để xóa tan đi những ngộ nhận nằm chất đống và bị bỏ quên trong những kho dữ liệu, bỏ mặc những sai lạc cứ chồng chất mãi lên.

Phải đợi đến 35 năm sau, mới có một cuộc hội thảo tầm cỡ như cuộc hội thảo “35 năm nhìn lại” là đã muộn màng rồi, nhưng vẫn còn kịp thời trước khi những nhân chứng trong cuộc chiến theo nhau trở thành người thiên cổ. Khi bước vào những thư viện lớn của Mỹ hay các nhà sách nổi tiếng tại Mỹ, chúng ta sẽ thấy những tác phẩm viết về chiến tranh Việt Nam của các tác giả Mỹ chiếm một phần danh sách khá dài so với những cuốn sách viết về các cuộc chiến tranh khác. Nhưng họ viết gì? Phải nói rằng, các tác giả Mỹ với thói quen làm việc mà họ được huấn luyện từ các trường đại học ở Mỹ, nên những dữ kiện họ đưa ra đều là những việc có căn cơ biên niên sử khá vững vàng. Nhưng không thể chối cãi được là phần đông họ sử dụng các dữ kiện ấy với nhãn quan của người Mỹ. Họ ít khi đề cập đến vài trò của phía VNCH hay có đề cập thì cũng chỉ một vài dòng, coi QLVNCH chỉ là lực lượng phụ, không đáng kể, kém hoạt động, kém năng lực.

Không phải bây giờ mà ngay từ thời chiến tranh, dư luận Mỹ đã ngộ nhận là cuộc chiến Việt Nam là cuộc chiến giữa Mỹ và Cộng Sản. Ngay trong một số những quân nhân thuộc các đơn vị Mỹ đổ bộ đầu tiên lên bãi biển Non Nước, Ðà Nẵng, tháng 5, 1965, khi được báo chí phỏng vấn, phần đông vẫn cho rằng họ đến đây để thực hiện nhiệm vụ được giao phó là “bảo vệ” QLVNCH chứ không phải là “chiến đấu bên cạnh” QLVNCH.

Phía Cộng Sản thì quỷ quyệt hơn. Họ luôn luôn nhấn mạnh đến vai trò của quân đội Hoa Kỳ và ám chỉ đến sự phụ thuộc và kém cỏi của quân đội VNCH. Tuy nhiên, chính người Cộng Sản cũng đã phải nhìn nhận họ bị những tổn thất do chính quân lực này gây ra.

Chẳng hạn như vụ tổng tấn công Tết Mậu Thân ở ngoài Huế, phần lớn báo chí và các hãng thông tấn Hoa Kỳ cho rằng đây là thất bại của VNCH.

Nhưng trên thực tế, đó là một thắng lợi cho dù VNCH phải chấp nhận những thiệt hại nhất định. Trận chiến Tết Mậu Thân tại Huế 1968, lực lượng Hoa Kỳ án binh bất động và việc chiếm lại Huế là hoàn toàn do QLVNCH đảm nhiệm kể cả phi pháo. Ðó là về mặt quân sự. Còn về mặt chính trị, phải nói rằng trước khi rút khỏi Huế, Cộng Sản đã tàn sát khoảng 6,000 người đủ mọi thành phần quân, dân, cán, chính và các tu sĩ công giáo bị họ bắt được. Chính vì hành động này mà những đơn vị Cộng Sản dưới quyền của Thân Trọng Một đã lộ nguyên hình là bọn tội phạm chiến tranh. Báo chí Hoa Kỳ thường rất nhạy cảm với những tội ác chiến tranh, nhưng lúc đó họ im lặng. Rồi đến trận tái chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Ðây là một cuộc phản công tiêu biểu chứng tỏ rằng viên đạn cuối cùng chưa ra khỏi nòng súng, chưa chắc đã là sự thất bại. Chúng ta mất một phần của tỉnh Quảng Trị, nhưng việc cắm được lá cờ VNCH tại cổ thành đã vực lại được tinh thần chiến đấu của toàn thể QLVNCH và khiến cho dư luận quốc tế phải thay đổi cách nhìn cuộc chiến Việt Nam.

Năm 1972, trận tái chiếm An Lộc, một trận máu thịt của quân đội VNCH, các hãng thông tấn đều tường thuật với cách mô tả kiểu “cầm bằng là An Lộc sẽ lọt vào tay Cộng quân chỉ trong ngày một ngày hai,” nhưng từng bước một, quân đội của chúng ta đã tái chiếm và người hùng Lê Văn Hưng đã như một ngôi sao chói rạng và là đề tài cho nhiều tờ báo Mỹ khai thác.

Chúng tôi nêu lên những trận đánh tiêu biểu này bởi vì đây là những trận đánh cho thấy một điểm rất rõ rệt: Không có sự trợ lực của quân đội Mỹ, QLVNCH thừa khả năng để tự vệ và tấn công nếu như họ được yểm trợ đầy đủ đạn dược.

Ngay cả trong trận Mậu Thân, quân đội đã cho các quân nhân đi phép hết một phần ba, thì bất ngờ Việt Cộng vi phạm lệnh hưu chiến. Tuy bất ngờ và không được Hoa Kỳ yểm trợ, VNCH vẫn đứng vững và Hà Nội đã nướng tất cả lực lượng của vệ tinh của họ là MTGPMN nhất là cơ sở hoạt động bí mật của họ lộ diện và bị lực lượng an ninh VNCH phá tan. Ðây là dữ kiện có thật không phải là đồn đoán.

Gần đây, dư luận Mỹ đã nhìn lại đôi phần cuộc chiến Việt Nam, đã phục hồi lại danh dự của rất nhiều cựu binh trong chiến tranh Việt Nam. Nhưng còn sót lại vẫn là một kiểu mẫu: Ðổ lỗi cho việc thua trận ở Việt Nam là do quân đội VNCH thiếu chiến đấu. Khuynh hướng đổ lỗi và coi thường quân đội VNCH là một khuynh hướng vẫn còn khá thịnh hành. Cuốn “Khi đồng minh tháo chạy” của tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng đã nói lên một phần lý do tại sao khuynh hướng này vẫn còn tồn tại. Nhưng cá nhân, tôi không thấy rằng chúng ta cần duy trì mãi việc đổ lỗi cho kết cục của cuộc chiến Việt Nam cho Hoa Kỳ. Trước khi trách người thì hãy trách mình trước.

Vấn đề còn lại cần thiết cho chúng ta vào lúc này không phải là biện minh. Chúng ta không cần biện minh mà cần chứng minh rằng trong chiến tranh chúng ta đã chiến đấu như thế nào. Chúng ta thua trận, điều đó là rõ ràng rồi, không thể phủ nhận được. Tuy nhiên, những thế hệ người Việt Nam ở trong nước cũng như ở hải ngoại sau này cần biết chúng ta ngăn làn sóng đỏ như thế nào, chúng ta có hèn nhát vô trách nhiệm trong chiến tranh không. Muốn như thế, những người yêu nước, yêu quân đội–mà nhiều người vẫn còn sống đến ngày nay–sống chung quanh ta còn khá nhiều. Hãy liên lạc với họ, nói chuyện với họ, nghe họ kể lại chuyện đời lính của họ, tập trung lại những tài liệu này, san định, hiệu đính, in ấn thành từng tập xuất bản hàng năm. Viết được bằng tiếng Anh thì càng tốt, còn không viết tiếng bằng tiếng Việt, thì sẽ có người dịch thuật. Khi viết, không cần văn chương, chỉ cần đúng sự thật, khách quan, với những kinh nghiệm cụ thể mà mình trải qua.

Một người không thể làm được chuyện này, phải nhiều người nhiều nhóm góp sức với nhau mới có thể làm được. Theo ý nghĩ riêng của tôi, những người đã đứng ra tổ chức hội thảo “35 năm nhìn lại” là những người có đủ tầm nhìn để điều hợp những công việc vừa kể. Nhiệm vụ thật ra rất khó khăn, chúng ta lại không còn nhiều thời gian, cho nên cần vận động gấp rút sự đóng góp của toàn bộ những cựu quân nhân, công chức, cựu cán bộ và những người liên hệ trực tiếp đến cuộc chiến tranh Việt Nam ở phía chúng ta (VNCH). Những nhân chứng sống này rất quý, nhưng phần lớn tuổi đã cao. Nếu chúng ta thực hiện việc này quá chậm, tôi sợ cơ hội sẽ qua đi. Lúc đó công việc sẽ khó khăn hơn khi chúng ta phải đối chiếu lại để biết mức độ khả tín của từng nhân chứng đã khuất.

Từ lâu, chính giới Mỹ, truyền thông hay những nhà nghiên cứu Mỹ, hoặc thế hệ thứ hai của người Mỹ gốc Việt lại không đọc được tài liệu tiếng Việt mà tài liệu viết bằng Anh ngữ thì quá ít. Cho nên, để cho công tác hiệu đính lại những sự thật chiến tranh còn bị che giấu là công tác hết sức quan trọng nếu như chúng ta muốn làm sáng tỏ cuộc chiến đấu và vai trò của QLVNCH trong cuộc chiến Việt Nam để tẩy rửa những ngộ nhận và bất công.

Từ trước đến nay, người Mỹ gốc Việt Nam chỉ quen làm lớn nhiều chuyện, nhưng tác dụng chỉ lại quanh quẩn trong cộng đồng người Việt, còn những nhà nghiên cứu không đọc được tiếng Việt thì đành chịu thua trong khi những cựu quân nhân VNCH, những nhân chứng giá trị nhất thì không lại gần được vì ngôn ngữ bất đồng. Vả lại một điều thật quan trọng: Những thế hệ người Việt Nam ở hải ngoại sau này không đọc được tiếng Việt. Dịch thuật vì thế cũng rất cần thiết để chuyển những phúc trình, những ký sự, những cuộc phỏng vấn sang tiếng Anh.

Những người này có thể giúp tay tình nguyện gồng gánh những công việc vừa kể cũng không thiếu, nhất là thế hệ thứ nhất của người Việt tị nạn hiện nay có con cái đã lớn và đã về hưu, tương đối nhẹ gánh gia đình và còn sức khỏe để làm việc vài năm nữa.

Việc gây quỹ để in ấn các tài liệu chắc cũng không có gì khó khăn lắm. Chỉ cần những tấm lòng. (V.A.)



(Nguồn:  http://www.vietherald.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét