22.4.10

Sàigòn Chỉ Vui Khi Các Anh Về



Nhạc và lời: Khuất Duy Trác

Tôi đã gặp em bỡ ngỡ tình cờ

Đôi mắt ngây thơ đến từ thành phố
Ngục tù tối tăm nói với cuộc đời
Sàigòn có vui ? Sài gòn có vui ?
Em ngước nhìn tôi cúi đầu nói nhỏ:
"Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ
Thành phố đớn đau vẫn còn nhắn nhủ
Sài gòn chỉ vui khi các anh về"

Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa công viên tràn nắng mới
Tôi sẽ về quỳ bên thánh giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu cho tình yêu và cuộc sống
Đem tiếng khóc cười dâng đời khúc hát say mê
Cám ơn Sài gòn tôi sẽ trở về
Sài Gòn mến yêu ! Người tình dấu yêu ! Tôi sẽ trở về !

(* Bảo Chương: tức ca sĩ Khuất Duy Trác)










Ông bà Duy Trác, Houston, Texas năm 2000



SÀI GÒN CHỈ VUI….

Tôi – CTHàĐông – không giới thiệu nhân vật Duy Trác với quí vị, việc giới thiệu không cần thiết. Mời quí vị đọc Lời Kể của Ca sĩ - Luật sư - Sĩ Quan Biệt Phái - Người Tù Khổ Sai – Người Tị Nạn  Duy Trác về những năm tháng trong Tuổi Trẻ và trong Tuổi Già của ông.
Quí vị vừa đọc bài viết của Duy Trác, Người Ca Sĩ Tài Tử của Sài Gòn thời gian 1965-1970. “ Tài Tử ” tôi dùng đây với nghĩa “ không chuyên nghiệp.” Ca sĩ Duy Trác không lên sân khấu, không lên TiVi, không lên báo nên trước năm 1975 dù nổi danh, Sài Gòn có ít người biết mặt Ca sĩ Duy Trác.

Tôi ở trong số người trước 1975 không được gặp Ca sĩ Duy Trác lần nào. Do đó tôi không được biết dung nhan ông. Nhưng sau 1975 tôi được nằm phơi rốn với ông 4 mùa lá rụng trong Nhà Tù Chí Hoà. Số là năm 1980 chúng tôi đi tù Cộng Sản lần thứ nhất trở về. Qua ông bạn Dương Hùng Cường, tôi được quen biết Luật sự Ca sĩ Duy Trác và ông Sĩ Quan Không Quân Trần Ngọc Tự. Qui luật các nhà Quân Tử Tầu gọi là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”- nôm na là “cùng bọn thì lọn xọn mí nhau” -  làm chúng tôi mấy mạng dân Sài Gòn đi tù CS về tụ lại thành một nhóm gửi những sáng tác – Thơ, Văn, Nhạc, Ảnh – ra nước ngoài.

Người sĩ quan Duy Trác đi tù ngụy quân. Một hôm cùng các ông bạn tù làm khổ sai ven con đường vào Trại Tù, thấy mấy bà vợ tù đi trên đường vào trại thăm chồng, người tù khổ sai  Duy Trác hỏi:

-         Sài Gòn có gì vui không mấy chị?

Một bà trả lời:

-         Sài Gòn chỉ vui khi các anh về.

Cảm khái vì câu trả lời, người tù khổ sai Duy Trác làm bản nhạc “Sài Gòn chỉ vui..” Năm 1982, hay 1983, từ Sài Gòn Duy Trác gửi bản nhạc này sang Paris cho ông bạn Trần Tam Tiệp. Bản nhạc được phổ biến ở hải ngoại, nhạc sĩ - tác giả ký tên dzởm là Ve Sầu. Tháng Năm 1984 bọn P 25, hay PA 25 – nghe nói là bọn Công An VC chuyên về Phản Gián – trong một đêm “tó” hết cả nhóm văn nghệ sĩ Sài Gòn Xưa liên lạc với ông Trung Tá Không Quân Trần Tam Tiệp ở Paris. Nhóm này bị bọn Công An Thành Hồ gọi là bọn Biệt Kích Cầm Bút.

Bọn P 25 tó các ông Dương Hùng Cường, Duy Trác, Trần Ngọc Tự trong một đêm. Ba ông, cùng ông Nhà Văn Doãn Quốc Sĩ, nằm phơi rốn trong Nhà Tù Chí Hoà 4 năm mới được đưa ra toà. Trong 4 năm tù ấy, ông Dương Hùng Cường chết trong đêm trong một sà-lim Nhà Tù Số 4 Phan Đăng Lưu. Năm 1986 bọn CS định đưa nhóm Biệt Kích Cầm Bút này ra tòa với tội danh “Gián điệp” Khi ấy chúng định xử tử  hình Nhà Văn Doãn Quốc Sĩ – Theo Bộ Luật Hình Sự của VC, người bị kết tội gián điệp bị xử án tối đa là Tử Hình, án tối thiểu là 12 năm Tù – bọn VC đinh xuống tay phang một cái án thật nặng để đe dọa những người khác, loại án “ Sát nhất nhân, vạn nhân cụ ” - Giết một tên làm vạn tên khác sợ - để không còn ai trong nước dám viết bài tố cáo chế độ gửi ra nước ngoài. Nhưng chúng lần chần chưa kịp xử thì nhân dân những quốc gia Đông Âu vùng lên đập phá gông cùm cộng sản. Tượng Lenin, Tượng Stalin bị kéo ra nằm ở những bãi rác, vợ chồng “Đồng chí Sô-sét-cu quí mến” bị nhân dân Lỗ dí súng vào đầu bắn bỏ,  “Đồng chí Na-dzi-bu-la vĩ đại” bị nhân dân Ác-ga-nit-tan lôi ra treo cổ lên cột đèn, bọn Đầu Xỏ Bắc Cộng đái ra máu. Bọn chúng bị bắt buộc phải khặc khừ làm cuộc đổi mới. Trong cáo trạng kết tội nhóm Biệt Kích Cầm Bút, tội danh “Gián điệp” được hủy, thay vào là tội “Tuyên truyền phản cách mạng.” Án tù của tội này tối đa tù 12 năm, tối thiểu tù 2 năm. Ra toà năm 1988, Biệt Kích Duy Trác bị án tù 4 năm, Biệt Kích Trần Ngọc Tự án tù 4 năm.

Biệt Kích Trần Ngọc Tự can tội vác máy hình chụp một lô ảnh Sài Gòn Vỉa Hè những năm 1982, 1983. Trong số có tấm ảnh làm tôi cảm khái là ảnh một thiếu nữ Sài Gòn ngồi trên vỉa hè, sau tấm nylon trên có mấy chồng bát đĩa, cái bàn ủi điện, cái máy sấy tóc, mấy con dao..Nhiếp ảnh gia Biệt Kích Trần Ngọc Tự phụ đề tiếng Việt dưới hình này câu:
Nhìn Em đi anh..!”

Tính từ ngày bị bắt, hai ông Biệt Kích Cầm Bút - Cầm Máy Hình Duy Trác, Trần Ngọc Tự đã nằm phơi rốn trong tù đúng 4 năm, ra toà bị án tù 4 năm, hai ông giã từ tù ngục Chí Hoà, trở về mái nhà xưa.

*
Tôi dịch đại bài Youth:
TRẺ
Tác giả Samuel Ullman – 1840-1925.

Trẻ không phải là một thời của đời sống, mà là một trạng thái tinh thần, Trẻ không phải là má hồng, môi thắm, đầu gối dẻo, mà là một vấn đề của Ý Thức, một kết quả của Tưởng Tượng, là sức mạnh của Cảm Súc, Trẻ là sự tươi mát của Suối Xuân Đời.
Trẻ có nghĩa là sự ngự trị của Can đảm trên tật e ngại vì thèm muốn, ngự trị của Sự Khác Lạ trên tật thích Nhàn nhã. Tình trạng ấy thường đến với người tuổi sáu mươi hơn với người tuổi hai mươi. Không ai già chỉ vì số tuổi. Ta già đi vì ta chối bỏ những Lý tưởng của chúng ta.
Năm tháng có thể làm làn Da ta răn reo, nhưng việc chối bỏ Hứng Khởi làm răn reo Hồn ta.
Lo, sợ, việc tự không tin ở Ta làm Tim ta chùng xuống, làm Thần Thức ta trở về Đất.
Sáu mươi hay mười sáu tuổi, trong tim của mỗi người có sự mời gọi của Kỳ diệu, có sự mong đợi thơ trẻ muốn biết có gì sắp đến, có niềm Vui của Trò Chơi Sống. Trong trung tâm của tim bạn, tim tôi, có một đài vô tuyến, khi nào nó còn nhận những tin Đẹp, Hy vọng, Ca ngợi, Can đảm từ Người và Vũ trụ, khi đó ta trẻ.
Khi những cột thu tín hiệu ngả xuống, khi tinh thần bạn bị phủ bằng tuyết khinh nghi, bằng đá bi quan, đó là lúc bạn già dù khi đó bạn hai mươi tuổi, nhưng khi những cột thu tín hiệu của bạn vẫn dương cao, để bắt những âm ba hỷ lạc, bạn có hy vọng bạn chết trẻ năm bạn tám mươi tuổi.


Và đây là Lời Ca bản nhạc Sài Gòn Chỉ Vui của Nhạc sĩ Ve Sầu Duy Trác:

 Tôi đã gặp em bỡ ngỡ tình cờ
Đôi mắt ngây thơ đến từ thành phố
Ngục tù tối tăm nhẹ  hỏi cuộc đời:
“ Sài Gòn có vui ? Sài Gòn có vui ? “

Em ngước nhìn tôi, cúi đầu nói nhỏ
“ Còn gì nữa đâu thành phố mộng mơ
“Thành phố đớn đau ngày đêm nhắn nhủ:
“ Sài Gòn chỉ vui khi các anh về!”

Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa công viên tràn nắng mới

Tôi sẽ về quỳ bên Thánh Giá bao dung
Tôi sẽ nguyện cầu cho Tình Yêu và Cuộc Sống
Đem tiếng khóc cười dâng đời khúc hát say mê
Cám ơn Sài Gòn, tôi sẽ trở về
Sài Gòn mến yêu ! Người tình dấu yêu ! Tôi sẽ trở về !

*

Ôi..! Cảm khái cách gì.

Tôi sẽ về đòi lại quê hương đã mất
Tôi sẽ về cùng em lau khô hàng nước mắt
Tôi sẽ mời em dạo chơi phố xá tươi vui
Những con đường tình, trường xưa công viên tràn nắng mới!

Không bao giờ Nhạc sĩ Ve Sầu “ đòi lại được quê hương đã mất..” Ông có về nhưng ông về rồi ông lại đi. Lần này ông tự nguyện làm Cuộc Lưu Đày-Biệt Xứ qua một nước lạ ở tân nửa bên kia trái đất. Chuyện “ Anh về đòi lại quê hương..” chỉ là chuyện trong mơ.

Người Tình Dấu Yêu Sài Gòn rồi có bao giờ Vui không? “
“ Ới Người Tình ơi..!”

Cảm khái cách gì!

CÔNG TỬ HÀ ĐÔNG


(*Nguồn: http://hoanghaithuy.wordpress.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét