20.5.11

MÃN TÙ



A20 Nguyễn Liệu

Bảy cái Tết rồi. Tết nào cũng vậy, khoảng đưa ông Táo về trời là anh em xôn xao về tin sắp được tha. Tin tức thật phong phú. Nào năm nay về nhiều, vì chánh quyền đã mạnh rồi, nào về nhiều để ngoại giao với nước ngoài, nào về nhiều vì có Liên Hiệp Quốc can thiệp, có Mỹ can thiệp… Thậm chí còn biết con số mấy trăm người được ân xá …Từng nhóm, từng nhóm bàn tán xôn xao. Tuy biết tin xạo, tin vịt rất nhiều nhưng nghe cũng khoái, bởi vậy ai nấy đều đi hỏi, đi tìm tin tức. Tôi cũng ưng nghe những con vịt cồ đó nhưng thú thực, chưa bao giờ tôi nghĩ tôi được về. Tôi biết rất rõ tôi không bị giết là may rồi. Nhiều lần tôi nghĩ cộng sản xử bắn tôi cũng là điều công bằng, không có gì oan ức. Thế mà tôi còn sống, còn nhớ con nhớ vợ, còn nhìn những đêm trăng đẹp, còn thưởng thức những bình minh tươi thắm thì cộng sản nói riêng ở Quảng Ngãi là ân nhân của tôi rồi. Phải sòng phẳng, phải có lương tâm mà nói vậy. Thù là thù, hận là hận, ân là ân, oán là oán, đâu đó phân minh không lẫn lộn. Cho nên tôi không nôn nao mất ngủ rồi qua một cuộc thả về không có tên phải buồn chán nhiều ngày như anh em. Không hi vọng nên tôi không chờ đợi, không hồi họp và không thất vọng.Tôi dửng dưng. 

Tại hội trường, tù đông nghẹt nói đủ thứ, khói thuốc mịt mù.

Có lẽ không đâu hút thuốc nhiều bằng nhà tù. Trung tá giám thị trưởng đến nói về chính sách Nhà Nước Xã Hội Chủ Nghĩa hệt những bài tôi nghe suốt gần tám năm. Cũng ba dòng thác cách mạng, cũng khoa học kỹ thuật, cũng nếp sống văn minh văn hoá mới, cũng đỉnh cao trí tuệ loài người… Tám năm chưa thêm mục nào mới.

 Tôi ngồi xa thẳm phía sau, thấy ông trên sân khấu nhỏ và thấp chỉ nổi bật cái nón lưỡi trai đỏ chói. Một tràng vỗ tay vang dậy cho biết giám thị trưởng đã hoàn thành thắng lợi một cuộc nói chuyện.

Phó giám thị bước ra để đọc danh sách cải tạo được tha về như tin tức cho biết. Tất cả ào ào kéo sát sân khấu để nghe cho rõ. Lại một phen mất trật tự la ó. Nhưng ông phó chỉ nói về chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà Nước đối với người cải tạo tốt. Ông nói đi nói lại chừng một tiếng đồng hồ rồi lui vào trong uống nước lấy lại sức. Một ông phó nữa bước ra nói về cách ăn ở với dân chúng, sau khi được tha cho về. Tài liệu này nhắc nhở người mới về phải nghe theo chỉ bảo của dân và phải học từ dân vì dân làm chủ, đảng lãnh đạo. Ba ông nói từ đúng 8 giờ đến quá 11 giờ trưa. Vỗ tay lần thứ ba lơ thơ mệt mỏi.

Tôi dựa lưng vào tường. Gió núi hơi lạnh lạnh của những ngày cuối đông khiến tôi lim dim ngủ.

Lúc đó mới thực sự đọc tên người được tha.

Người đọc là thư ký trại giam. Trước khi đọc, ông dặn ai có tên thì đứng dậy cho biết rồi về phòng thu xếp đồ đạc lên tập họp tại hội trường để ra về.

Chưa lúc nào cả hội trường im lặng lắng nghe như lúc này. Khi đọc dứt một tên, tất cả đều ồ lên như chia xẻ nỗi mừng của người tốt số. Qua chừng năm sáu chục tên, bỗng người xung quanh tôi la ồ!

Tôi giật mình không hiểu gì hết trước những tiếng gọi lớn “Anh Liệu, anh Liệu”.

Người thư ký ngừng lại nhìn quanh hội trường. Tôi như thất thần đứng dậy một cách e dè. Người thư ký đọc lại một lần nữa tên tôi, chức vụ quê quán. Tôi như từ trên trời rớt xuống trong lúc anh em la lớn “về phòng lấy đồ về”.

Trong phòng tôi chỉ có hai người được về chuyến đó, là anh Châu, đại úy cảnh sát và tôi. Châu nằm ngay sát bên tôi và cũng cùng quê với tôi.

Tôi không có gì cần thu xếp, cũng không có gì để lại cho anh em. Tôi chỉ bỏ lại vài bộ đồ tù, mặc cái áo lính cũ ra về. Tôi siết chặt tay anh em và hầu hết đều rưng rưng. Tôi chào Yên, anh khóc đưa tôi ra cổng.

Quanh phòng một vòng, tôi ứa nước mắt, mừng và buồn, nỗi buồn từ giã, nỗi mừng được tự do


NGHĨ VỀ NHỮNG NGÀY TÙ

Đời tôi chịu hai lần tù của hai chế độ — Cộng Sản trước 1954, Cộng Sản sau 1975 và thời chánh quyền quốc gia Ngô Đình Diệm.

Từ năm mười bảy tuổi còn là một học sinh trung học Lê Khiết, tôi đã chống cộng sản. Kết quả bị đuổi khỏi tất cả các trường ở Việt Nam. Trốn ra vùng tự do (83), bị bắt đưa ra tòa án nhân dân liên khu V.

Thời tổng thống Ngô Đình Diệm, tôi bị tòa án quân sự đặc biệt cho lãnh năm năm cấm cố đày đi Côn Đảo vì tham gia cuộc đảo chánh của đại tá Nguyễn Chánh Thi.

Như thế là thời nào tôi cũng bị đưa ra tòa và bị án tù.

Những ngày tù bị tra tấn, đánh đập, bị chửi rủa tục tằn nhất là thời gian bị giam giữ bởi mật vụ Ngô Đình Cẩn tại một nhà tù bí mật giữa đô thành Sài Gòn.

Nhiều đảng viên Cần Lao Nhân Vị, hầu hết sinh trưởng ở Huế, cố đô lễ nghi cổ kính, đã biến thành những hung thần dưới trướng Ngô Đình Cẩn vốn thiếu học, không hiểu biết chỉ theo ý riêng bất chấp pháp luật, bất kể quốc gia. Thật khó mà quên những cái tên Dương Văn Hiếu, Lê Văn Giai, nhất là tên Lưu, từng làm mưa làm gió ở trại tù mật vụ Ngô Đình Cẩn.

Nhưng những ngày tù làm cho tôi cay đắng nhất, làm cho tôi nhục nhã nhất, làm cho tôi xấu hổ nhất, làm cho tôi thấy được cái ti tiện vô lương tâm của con người nhất, là giai đoạn tù cộng sản sau 1975.

Vì tôi làm đội trưởng toán tù lò gạch nên mang tiếng là làm việc với ban giám thị, tức làm cho cộng sản. Điều này tôi và Lê Vinh Thiều thấy từ đầu, nhưng tôi tin việc làm của mình sẽ nói lên mình có phải là tên theo cộng sản hay không. Tôi biết tôi là người không sợ trách nhiệm. Tôi biết tôi là người tự tin và khi làm việc gì luôn quyết tâm làm cho kỳ được, dù gặp khó khăn.

Tôi nghĩ ai nói gì thì nói, chứ không thể nói tôi không quyết liệt chống cộng — nhất là người ở địa phương Quảng Ngãi. Tôi có thể tự hào là khó tìm thấy người nào dám chống cộng sản công khai, quyết liệt như tôi.

Tôi không chống cộng sản theo lệnh trên, theo tư lợi, theo trào lưu hay tuỳ hứng mà chống do lý tưởng, chống bằng công việc cụ thể, chống bằng sự thi đua với kẻ thù làm lợi ích cho giai cấp vô sản, chống bằng tấm lòng trong sạch, không tham nhũng, chống bằng cả sự tàn bạo cùng sự cao thượng ngoài chánh kiến, chống bằng nền giáo dục lành mạnh để cải tổ một xã hội.

Tôi vẫn tin nếu tôi được ở vào giai tầng lãnh đạo cao cấp thì không bao giờ miền Nam Việt Nam bị cộng sản vốn là kẻ thù sút kém về mọi mặt, thôn tính. Bởi đến nay, ai ai cũng biết tương quan lực lượng hai phe quốc gia và cộng sản ở Việt Nam rất chênh lệch. Lực lượng quốc gia mạnh hơn lực lượng cộng sản rất nhiều, nhưng đã thua, chỉ vì giới lãnh đạo thiếu lòng yêu nước, thiếu ý chí đấu tranh.

Khi phải sống trong tù, tôi vẫn nghĩ như vậy và trong giới hạn nhỏ bé cùng cực của đời sống tù đày, tôi vẫn đặt mình trước trách nhiệm với mọi người, nhất là với bạn bè cùng cảnh ngộ bi thảm. Và, do tự tin ở khả năng của mình nên tôi dứt khoát nhận vai trò đội trưởng với ý hướng cố tìm cách giảm nhẹ mức ê chề trong đời sống mà chúng tôi đang gánh chịu. Trên thực tế, dù bị vây hãm giữa khó khăn ràng buộc, cuộc sống của anh em tù ở trại lò gạch Kim Sơn đã có những nét dễ chịu rõ rệt:

- Giữ được vệ sinh sạch sẽ cho anh em tới mức có thể nói không trại tù nào ở Việt Nam sánh bằng.

- Được dùng tiền mua đồ ăn không lén lút. Thịt cá đem tận lò gạch công khai bán cho tù nhân.

- Thân nhân thăm nuôi được ở lại ban đêm với tù nhân ngay trong trại tù. (84)

- Bảo vệ tư cách của anh em tù, không phạm các điều tệ hại như ăn cắp, đánh lộn… Can đảm góp ý với anh em bị kiểm điểm để tránh hình phạt trong nhiều vụ như đã xảy ra với các anh Lê Văn Tường, Phạm Công Đồng, Lê Văn Quỳ, Trương Ngọc Hồng, Hồ Bảng v.v… Những người trên hiện đều sống ở nước ngoài, hầu hết ở Mỹ.

Riêng thái độ của cá nhân tôi có thể biểu hiện cụ thể nhất (84) qua việc từ chối ký biên bản khi cán bộ trực trại đánh tù rồi lập biên bản ghép tù vi phạm kỷ luật. Việc này dẫn đến chuyện tôi phải chịu kỷ luật vì không nghe lời cán bộ, bị đưa ra khỏi lò gạch và đưa đi trại khác.

Thế nhưng, việc tôi làm đội trưởng một đội thường được ban khen sản xuất đạt chỉ tiêu, vượt chỉ tiêu đã trở thành điểm tựa cho những xì xào bàn tán tôi đã theo cộng sản, chấp hành nghiêm chỉnh mệnh lệnh của cộng sản. Trên thực tế, cái gọi là chỉ tiêu, gọi là vượt chỉ tiêu, gọi là thành khẩn lao động tốt v.v… chỉ có giá trị trên danh từ, trên khẩu hiệu, trên báo cáo, trên thuyết trình để qua mặt ban giám thị vì hết thẩy đều là giả tạo mà các toán trưởng đều biết rõ cùng lời dặn phải giữ kín của tôi. Lời dặn của tôi đã bị toán trưởng toán ngói Phạm Văn Chất báo cáo với quản giáo Chạy như tiết lộ của chính cán bộ này khi gọi tôi lên kiểm điểm.

Với tôi, điều ngạc nhiên nhất là ngay những người ở trại lò gạch hưởng được nhiều thứ mà người tù khác không có, những người hiểu rõ nhất về mọi sinh hoạt ở đây lại sẵn sàng hùa theo luận điệu đó. Tôi hiểu phần lớn động cơ thúc đẩy chỉ do nhu cầu chứng tỏ tinh thần chống cộng sản. Vì thế khi còn trong trại tù, có lần tôi không nén nổi bực bội trước lời lẽ xì xào kia đã nói thẳng: “Các anh và cả dòng họ các anh chống cộng suốt đời không bằng tôi chống cộng mười lăm phút”. Đáng buồn là câu nói không nên nói đó lại gắn kết với thực tế.

Tôi qua cả thẩy sáu trại tù và phải nói thực, chưa thấy một anh tù nào dám công khai chống đối ban giám thị hay cán bộ giữ tù. Trừ một số rất hiếm như anh Chương người Bình Định dám giết cán bộ cộng sản để vượt ngục, hầu hết gần như trăm phần trăm đều cầu an, miệng câm như hến, luôn tỏ ra ngoan ngoãn nghe lời quản giáo, không bao giờ dám cãi, dám trái ý cán bộ. Không ít người trong số này khi ra tù, nhất là ra được nước ngoài, có cuộc sống tương đối thoải mái đã cố tìm cách tự tô điểm một quá vãng anh hùng với không ít chuyện tưởng tượng về thời sống trong tù.

Tôi vẫn thường nghe nhắc là “có những sự thực không nên đưa ra” nhưng tôi lại nghĩ lương tâm con người không cho phép đồng loã với những trò lường gạt xảo trá.

Tôi không giết cán bộ, không chửi quản giáo, không đốt trại tù…như một số người thường khoe trong các quán cà phê, các quán nhậu, nhưng tôi không hoàn toàn câm như hến, khiếp nhược cúi đầu trước mọi đòi hỏi của kẻ thắng mà thực tế đã chứng tỏ qua trường hợp người tù trích thơ Chế Lan Viên, trường hợp Hồ Bảng …


RA TÙ

Trong số sáu chục người được thả, chỉ có hai người quê quán Quảng Ngãi là tôi và anh Châu. Năm mươi tám người kia đều vào Sài Gòn. Tôi cũng về Sài Gòn với quyết định sẽ sống cuộc sống bất hợp pháp.

Chiếc xe ì ạch chở sáu chục người chúng tôi đổ xuống ga La Hai lúc mặt trời vừa lặn. Có lẽ không ga xe lửa nào nhỏ hơn ga La Hai vì chỉ là nơi tạm dừng, ngoài con đường sắt chính không có các nhánh phụ để đổi wagon, đầu máy.

Gia đình ông xếp ga ở ngay trong văn phòng nhà ga.

Ông xếp ga cho chúng tôi biết đến 10 giờ khuya có chuyến tàu chợ vào Nha Trang, ông sẽ cho tàu ngừng lại cho chúng tôi đi, không phải mua vé. Anh em về Sài Gòn được phát bảy chục đồng, về Cần Thơ chín chục đồng, về Quảng Ngãi ba mươi lăm đồng. Khi ký nhận tiền, tôi hỏi cán bộ tài chánh, tôi có gửi một trăm năm chục đồng khi mới đến trại, bây giờ có được nhận lại số tiền đó không. Cán bộ cho biết không thể nhận được vì không thể kiếm lại sổ sách cách đây vài năm.

Xóm ga buồn, nghèo xơ xác.

Năm ba người già, nghèo lam lũ đến hỏi mua những cái áo lính cũ anh em chúng tôi đang mặc. Nhìn những người này tôi biết dân chúng đói khổ lắm. Tôi dặn anh Châu khi về quê không cho ai biết tôi về Sài Gòn. Buổi tối nhịn đói, nhưng tôi không thấy đói, có lẽ vì xúc động quá và nôn nao hồi hộp lo lắng đủ thứ. Nằm trên chiếc ghế dài trước hè ga, tôi nghe hai anh bạn nói chuyện. Một người nói mấy năm rồi tối nay mới ăn một bữa ngon lành. Người kia hỏi ăn ở đâu, anh trả lời đi vòng xung quanh đây không có quán xá gì hết, anh vào đại một nhà nói họ nấu cho bữa ăn. Họ bảo có gạo nhưng không có đồ ăn. Sau cùng chủ nhà nấu cho anh hai lon gạo bỏ chút muối, và anh ăn ngon quá. Câu chuyện rầm rì tâm sự của hai anh bạn tù khiến tôi thấy buồn thương cho thân phận con người.

Ông chủ ga dặn “phải khẩn trương lên tàu” vì tàu chỉ dừng không quá một phút. Trước nửa tiếng, chúng tôi nôn nao chực sẵn trên sân ga. Một hồi còi hú dài rồi từ xa đèn tàu sáng loá. Tàu chạy rất chậm, các toa đều đóng kín có lẽ chở hàng hóa chớ không chở người. Hai toa sau cùng trống. Chúng tôi ào lên trong chớp nhoáng và tàu chuyển bánh, bỏ lại nhà ga với ông chủ ga xách cây đèn báo hiệu xanh đỏ trong đêm tối. Tôi không nhớ bao năm rồi tôi mới bước lên xe lửa. Gió khuya lạnh, phía ngoài chìm trong đêm tối. Lâu lâu tôi lại tự nhắc“Mình ra khỏi tù rồi, ra khỏi tù rồi” với cảm giác lo sợ mơ hồ. Tôi nghĩ vợ con tôi nghe tin tôi được về sẽ rất mừng. Tội nghiệp vợ tôi sức yếu, không quen lao động, con còn quá nhỏ mà phải đương đầu với cuộc sống vừa tủi hổ vừa cô đơn nghèo đói. Tôi hi vọng sẽ thay thế nổi vợ tôi để lo cho gia đình. Tôi không dám nghĩ nữa vì rời nhà tù không phải là đã được tự do. Xã hội chủ nghĩa là một nhà tù lớn. Tàu chạy thật chậm, thỉnh thoảng dừng không phải ở ga mà ngay giữa rừng núi. Tôi ngạc nhiên nhưng anh em cho biết xe dừng để xuống đồ buôn lậu, tránh thuế vụ.

Anh em bảo sáng mốt, tờ mờ sáng chúng tôi mới tới Sài Gòn. Tôi chỉ mong ngay sáng mai sẽ tới và giật mình nghĩ đến mẹ tôi. Lạy trời, khi về còn được thấy mẹ dù chỉ một ngày cũng được. Nếu hôm trước không có Quân vào thăm nuôi thì tôi đâu biết cha tôi đã qua đời ba năm rồi. Tôi thấy tàu chạy chậm quá. Tờ mờ sáng hôm sau, chúng tôi mới biết toa tàu chúng tôi chen chúc lên là toa tàu chở heo. Tuy có quét dọn rồi nhưng vẫn còn ít rơm rạ lót cho heo nằm và mùi phân heo còn thoảng thoảng, dù gió thổi mạnh qua cửa khi tàu di chuyển. Tự nhiên tôi nghĩ đến lần ở tù từ Côn Đảo về năm 1963 khi chánh quyền Ngô Đình Diệm bị truất phế. Năm đó ba mươi mấy người chúng tôi được dân chúng xem như những nhà ái quốc từ Côn đảo về đất liền. Đồng bào Sài Gòn chen lấn chờ đón chúng tôi từ sáng sớm. Chúng tôi về với hi vọng được sống trong một xã hội mới không còn chính thể độc tài gia đình trị. Nhưng chiếc tàu thủy chở chúng tôi thay vì đến Sài Gòn đúng 8 giờ sáng như đài phát thanh loan báo trước đó, lại được lệnh phải về sau 12 giờ trưa.

Phải trễ như vậy để dân chúng tản bớt. Chi tiết nhỏ này cho thấy tâm địa thực của những người đảo chánh và những người mang tâm địa đó lại trở thành người lãnh đạo dân tộc trong cuộc chiến đối đầu với cộng sản!

Lần này cũng từ tù ra nhưng khác rất xa vì thuộc phe chiến bại mà kẻ thắng lại không mang tim óc con người. Chúng tôi rakhỏi tù, nhưng thực sự chỉ là ra khỏi nhà tù nhỏ để bước vào một nhà tù lớn cùng với dân tộc cũng đói khổ, cũng tủi nhục không kém nhà tù nhỏ. Ý nghĩ hiện ra với tôi ngay lúc đó là nhất định phải tìm cách đi khỏi nhà tù lớn này đến một nơi thực sự của con người, không thể sống lẫn lộn với thú vật.

Miên man với những ý nghĩ ấy, tôi không hay xe đã đến ga Nha Trang. Ngày xưa ga này là ga lớn, tàu qua lại nhộn nhịp bây giờ cũng tiêu điều rách nát. Tiếng rao lanh lảnh bán nước uống, trái cây, cơm dĩa, nhưng rất ít người mua. Chúng tôi xuống tàu theo lời ông chủ ga La Hai dặn vì tàu chở chúng tôi đến đây là hết đường phải quay về Qui Nhơn. Vừa xuống toa để chờ tàu đi tiếp vào Sài Gòn, một người đàn bà bưng một cái tràng trên sắp sáu dĩa cơm trắng thật trắng trên mỗi dĩa một con tôm lớn bằng ngón chân cái chiên vàng, đầu tôm, râu tôm, chân tôm và đuôi tôm như còn nguyên. Tôi nuốt nước miếng, nhìn nơi khác. Hai mươi bốn giờ rồi tôi không có gì ăn. Tôi bọc kỹ ba mươi lăm đồng lộ phí, không dám động đến, sợ phí phạm. Nhịn, nhịn về Sài Gòn sẽ tính.

Tàu chở khách từ Sài Gòn ra dừng lại ga Nha Trang. Khách xuống tàu có những người rất sang trọng. Đám bán hàng rong bỏ chúng tôi chạy ùa lên chiếc tàu đó. Có người la lớn “Tàu Thống Nhất đến”. Hai tiếng “Thống Nhất” bỗng khiến tôi khó chịu, cay đắng. Khách xuống ăn nhiều quá, tôi nhớ lại ngày trước cũng trên những chiếc tàu như thế chúng tôi về quê ăn tết với ý nghĩ lý thú là “khách giang hồ từng trải, khách lãng mạn xây nhà trên bốn biển.”

Tôi đang quan sát con tàu chợt nghe gọi lớn: “Anh Liệu! Anh về hồi nào?” Tôi chưa kịp trả lời thì người gọi đã ôm chầm lấy tôi mừng rỡ. Đó là Dũng, Bùi Dũng cán bộ Xây Dựng Nông Thôn và cũng là em út của tôi trong chiến dịch Về Làng. Dũng mừng hỏi rối rít, còn tôi rất e dè vì mới ra tù, đang đi vào con đường sống bất hợp pháp. Dũng kêu cho tôi một tô bánh canh của người bán trước mặt, nhét vào túi tôi gói thuốc Thái Lan và một trăm bạc. Mấy cử chỉ này lẹ quá, tôi không kịp gì hết. Dũng nói gọn “Về Sài Gòn gặp anh, bây giờ tàu chạy rồi em phải đi Hà Nội, mừng cho anh.” Dũng vừa nói vừa chạy theo con tàu đang chuyển bánh chậm chạp nặng nề.

Tôi sững sờ nhìn con tàu khuất vào đêm tối.

Một hồi còi hú dài nhịp thêm mấy tiếng báo hiệu một con tàu sắp đến. Những người bán hàng rong náo nức như rối loạn, lại la lớn “Tàu Thống Nhất đến”. Tôi hỏi một em bán nước uống xách một cái ấm, tay cầm vài cái ly nhựa, ở tư thế sẵn sàng chen lấn lên tàu. Em cho biết tàu này vào Sài Gòn chỉ dừng ở đây chừng nửa giờ. Tôi nôn nao. Con tàu sang quá, y như con tàu lúc nãy Dũng đi ra. Những thiếu nữ ăn mặc chỉnh tề đứng trong toa nhìn qua cửa sổ. Tôi thấy vui vui, nghĩ thầm vẫn còn những người có vẻ lãng mạn. Con tàu ngừng hẳn. Người bước xuống, người chen lên. Tôi cũng chen lên theo lời dặn của ông chủ ga La Hai:

-  lên cho lẹ, họ có hỏi vé thì nói mới ra tù, xin họ một chuyến chứ không có tiền. Nếu họ không cho, thì năn nỉ, nếu năn nỉ không được, thì xuống chờ chuyến khác…”

Trên tàu khách đông quá không còn ghế trống. Tôi đành đứng chờ. Tôi nghĩ đứng cũng được, sáng mai tới Sài Gòn rồi. Tôi sắp gặp lại mẹ tôi, các em tôi, bạn bè, bà con tôi. Tàu chậm chậm rời sân ga, rồi tăng tốc, chạy nhanh trong đêm tối mịt mù. Một hành khách thấy tôi đứng liền dẹp cái xách tay xuống sàn, bảo tôi ngồi bên cạnh. Tôi rụt dè rồi cũng ngồi xuống, dựa lưng ra phiá sau.

Gần tám năm rồi tôi mới được ngồi trên ghế nệm êm như lún xuống thân ghế. Dựa ngửa thoải mái, tôi mồi điếu thuốc thơm Dũng mới cho, kéo dài hơi thả khói. Suốt một ngày hai đêm bây giờ tôi mới có được phút thư thả dễ chịu. Cô gái ngồi bên tôi hỏi “Chú ở trại nào về, ngoài Bắc hả?”. Tôi hỏi “Sao cô biết tôi là người cải tạo mới ra?”. Cô cười thật dễ thương: “Bịt mắt cháu cũng biết, người tù khác xa người ngoài đời?” Tôi nói thật: “Tôi ở trại Xuân Phước về”. Mắt cô sáng lên “Thật hả, ba cháu cũng ở trại Xuân Phước về trước đây hai năm, ổng về rồi đau hoài, họ bảo ở trên đó nước độc lắm phải không chú?”

Tôi trả lời bâng quơ vì thói quen e dè ít lời.

Dựa vào ghế thoải mái, tôi lim dim ngủ.

Tôi giật mình, người soát vé đập vào vai. Tôi lễ phép đứng dậy thưa, mới ra tù chiều hôm qua xin ông một chuyến xe về nhà. Ông định hỏi thêm điều gì nhưng cô nhỏ bên cạnh nói: “Chú này ở tù mới ra, anh cho chú một chuyến chứ đuổi xuống tội nghiệp, trong túi chú không có một xu mà.” Người soát vé vỗ vai bảo tôi ngồi xuống. Thế là tôi khỏi bị đuổi. Con tàu chạy nhanh, êm êm trong đêm tối về Sài Gòn. Cô bé nói “Cháu về Biên Hòa, tàu dừng đó không quá mười phút rồi chạy về ga Bình Triệu, tới đó chú xuống kiếm xích lô mà về”.

Trời sáng rõ, tàu dừng tại Biên Hoà là nơi tôi quá quen khi làm thanh tra ở Quân Đoàn III. Cô bé chào tôi, chúc tôi về đoàn tụ gia đình.

Tàu vào ga Bình Triệu lúc mặt trời mọc.

Ánh nắng le lói buổi sáng chiếu trên các hàng cây hai bên đường. Một buổi sáng đẹp, lý thú và tôi sắp sửa gần người thân, gần mẹ tôi. Tàu chạy chậm lại từ từ một hồi lâu rồi ngừng hẳn.

Một đám đông phần nhiều trẻ tuổi, ồ ạt vừa la vừa chạy lên các toa tàu. Tôi đi xe lửa nhiều lần nhưng chưa từng thấy cảnh ồn ào xô bồ như thế này. Người chạy lên giành giựt những túi xách hành lý, ôm những đứa bé, vồn vã mời, “mời bà, mời ông, mời cô… theo tôi xuống xe tôi đang chờ đưa ông, cô, bà…về nhà giá rất rẻ”. Miệng nói không ngừng, tay xách, tay mang, hành lý bước xuống tàu. Có người giựt lại la lớn “Tôi ở gần ga không đi xe, trả lại cho tôi…” Nhưng phần lớn khách ngoan ngoãn bước theo để khỏi lạc mất đồ đạc. Tôi nghe vài phát súng nổ và được biết công an đuổi bắt đám cướp giựt trên sân ga. Đông quá, kẻ lên người xuống không còn phân biệt nổi gì hết.

Một số anh em chúng tôi ở Cần Thơ chen lên chiếc tắc xi thuê chuyến về miền Tây. Chúng tôi không kịp và cũng không cần chào chia tay, mạnh ai nấy đi. Tôi ra khỏi nhà ga, tính đi bộ về nhà em tôi ở Bến Tắm Ngựa, đường Yên Đổ, bây giờ là đường Lý Chính Thắng. Tôi nghĩ chịu khó đi bộ chậm lắm cũng vài giờ đồng hồ, đỡ tiền xe nên tôi từ chối mọi mời gọi của xích lô, xe thồ. 

Đi chừng non trăm mét thì một chiếc xích lô như chận trước mặt tôi. Đạp xe là thằng nhỏ cỡ mười lăm tuổi lên tiếng: “Mời chú lên”. Tôi đã định tiết kiệm nhưng thấy thằng nhỏ ốm yếu tội nghiệp nên hỏi nó “Về Bến Tắm Ngựa bao nhiêu em?”. Thằng nhỏ cười: “Chú cứ lên mà, cháu không biết Bến Tắm Ngựa, chú chỉ đường, cháu đưa chú về nhà”. Thấy thằng nhỏ vui vui, tôi bước đại lên xe bảo đưa về khu chợ Trương Minh Giảng. Nó lại hỏi Trương Minh Giảng là ở đâu. Lỡ lên xe rồi, tôi hơi lo thằng nhỏ đòi tiền cao quá trong khi tôi đang cần tiện tặn. Thằng nhỏ im lặng không nói chuyện với tôi, hình như nó mệt lắm, tôi nghe nó thở hổn hển. Gần đến nhà em tôi, tôi bảo dừng lại để đi bộ vào hẻm. Bước xuống xe, tôi hỏi: “Bao nhiêu cháu?” Tôi hi vọng ba mươi lăm đồng trại phát cho tôi về miền Trung đủ trả nó nên rút số tiền ra cầm sẵn trên tay. Thằng nhỏ mồ hôi nhuễ nhại, quành đầu xe, cười nói: “Chú cũng như ba cháu đi cải tạo về, cháu không lấy tiền đâu”. Tôi sửng sốt chới với. Níu chiếc xe lại, tôi giơ cao nắm tiền nói: “Không được, chú có tiền đây, trại cho chú mấy chục đồng. Chú không xài gì. Cháu còn nhỏ và ốm yếu đạp xe vất vả quá. Chú cho cháu đây, cháu phải cầm. Cháu có ý tốt như thế là đủ rồi, chú cảm ơn, nhưng cháu phải lấy.” Thằng nhỏ một mực chối từ, rồi vụt đạp xe đi vừa nói “Thôi, chú vào gặp gia đình đi”. Tôi chỉ kịp nói với theo “Chú nhớ ơn cháu”.

Nhìn thằng nhỏ lẫn trong đám xe cộ qua lại, tôi bàng hoàng. Bất chợt tôi vụt nhớ cảnh trước khi ra khỏi tù hỏi số tiền một trăm năm mươi đồng gửi cơ quan cất giữ đã nhận được câu trả lòi thản nhiên của người cán bộ “hai năm rồi không còn sổ sách”. Trong đầu tôi hiện lên ý nghĩ so sánh mỉa mai về sự khác biệt giữa hai thứ máu tư sản và máu cộng sản. Thằng nhỏ này quả là có máu tư sản!

Thằng nhỏ có thể không còn nhớ việc làm của mình, nhưng tôi mãi mãi không bao giờ quên. Với tôi, nó không chỉ tặng cho một cuốc xe miễn phí mà đã giúp giảm thiểu tâm trạng bi quan chán nản. Tấm lòng hào hiệp của nó cho thấy dù giữa
một xã hội giành giựt bạo tàn, những đốm lửa ấm của tình người vẫn không lịm tắt. Nhiều lần tôi kể lại cho các con nghe câu chuyện như một bài học cao quí về sự hồn nhiên làm việc thiện trong sự âm thầm, không cần ai biết, không cần ai khen.
……

A20 Nguyễn Liệu

(Trích “Hồi ký Đời Tôi” trang 565 do nhà xuất bản Tiếng Quê Hương ở Mỹ ấn hành)


(Nguồn: https://nghiathuc.com/)




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét