20.2.17

Đọc hồi ký “Đời Tôi” của Nguyễn Liệu


Trịnh Bình An



Nguyễn Liệu từng bị kết án lưu đày Côn Đảo bởi Tòa án Quân sự Đặc biệt của chế độ Đệ nhất Cộng hòa, từng bất chấp khuôn phép hành xử thông thường khi đối đầu với Cộng sản và tệ trạng tham nhũng dưới chế độ Đệ nhị Cộng hòa. Nhưng cũng chính Nguyễn Liệu với hai bàn tay trắng đã tạo dựng Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một cơ sở giáo dục miễn phí cho học sinh nghèo. Ngôi trường này từng thu hút sự hưởng ứng khắp miền Nam và nhiều tổ chức quốc tế.

Quảng Ngãi trước 1975 là một vùng đất nghèo. Đối với nhiều em trai, chỉ có hai ngõ thoát, hoặc gia nhập quân đội Quốc gia, hoặc “chạy núi” đi theo Cộng sản. Trước tình cảnh đó, Nguyễn Liệu nghĩ tới việc xây một trường miễn phí cấp trung học để nhận các trẻ em nghèo – không phân biệt gia đình em đó là theo Quốc gia hay Cộng sản.

Tác giả Hồi ký “Đời Tôi” tâm sự: 

“Việc nêu rõ thành phần ưu tiên sẽ giúp chúng tôi không đi sai hướng và vượt qua nhiều trở ngại để đạt mục tiêu cứu vớt lớp trẻ đang bị vây hãm trong nghịch cảnh có thể tìm lại nụ cười và xua tan ý nghĩ hận thù đời”.

Trong trường hợp không tiền không đất, người chủ xướng thường đứng ra kêu gọi và quyên góp. Nguyễn Liệu không làm theo cách đó, ông chọn con đường “Làm trước – Nói sau”. Qua nhiều trở ngại, cuối cùng trường được thành lập tại mảnh đất gần Quốc Lộ 1 và núi Thiên Bút Phê Vân. Lễ khánh thành vào ngày 20-1-1970.

Một tấm bảng do họa sĩ Phạm Cung kẻ thật đẹp được dựng lên với hàng chữ:

QUẢNG NGÃI NGHĨA THỤC
Trung tâm giáo dục, ngoài chính trị, ngoài tôn giáo.
Trung học miễn phí dành cho học sinh nghèo, con em gia đình tử sĩ, binh sĩ và tị nạn cộng sản.

Bảy tuần lễ sau, khoảnh đất hoang vu dưới chân núi biến thành một ngôi nhà lớn. Và chỉ trong một năm, có gần 20 lớp với khoảng 2,000 học sinh hoàn toàn miễn phí. Vài năm sau, trường còn mở rộng thêm một khu dạy cắt may và sửa máy.


Điều gì đã giúp Quảng Ngãi Nghĩa Thục thành công?

Nếu không có Nguyễn Liệu thì không có Quảng Ngãi Nghĩa Thục. Tuy nghèo về tiền nhưng Nguyễn Liệu giàu một thứ – tiếng tốt. Ông nổi tiếng là người thẳng thắn, dám nói dám làm và thường làm vì lợi ích chính đáng của người khác. Khi còn làm Quận trưởng quận Mộ Đức, Nguyễn Liệu đã tổ chức chiến dịch “Về Làng”, giúp đưa nông dân trở về quê cũ. Vì thế ông được nhiều người tin tưởng và ủng hộ. Nguyễn Liệu còn là người thông minh, có khả năng thuyết phục. Hơn nữa, ông biết rõ bản thân, biết mình có tính quá mong công việc mau thành, từ đó dễ gạt bỏ ý kiến người khác, dễ thành kẻ độc tài. Vì vậy Nguyễn Liệu đặt hẳn ra một ban quản trị và ban tài chánh tách riêng như một hệ thống “tam quyền phân lập” để tránh sự lạm dụng quyền lực.

Nhưng Nguyễn Liệu không thể làm hết mọi thứ nếu không có sự cộng tác của những người trong ban quản trị và các giáo sư. Trong số đó có những người chưa từng đi dạy vì là công chức hay sĩ quan. Những người thày “không chuyên” ấy biết mình không giỏi nên cố gắng tìm hiểu cặn kẽ bài vở và thận trọng khi giảng giải, biết chắc mới nói biết, nếu chỉ biết lờ mờ thì nói chưa biết, không “cương” ẩu, nên kết quả là họ dạy rất tốt. Tất cả đều làm việc tận sức nhưng không nhận thù lao. Nhờ đó tạo nên một bầu không khí anh em hết sức gắn bó. Chính không khí ấy đã ảnh hưởng tốt đến học sinh và trở thành động lực thúc đẩy các em cố gắng học hành và khép mình vào kỷ luật nhà trường.

Học sinh Quảng Ngãi Nghĩa Thục, dù Quốc hay Cộng, đều rất nghèo, ít được ăn no và thường chỉ có một bộ quần áo để đi học, hàng ngày phải đi bộ sáu bảy cây số đến trường. Nhưng học sinh vẫn đạt được những thành tích rất đáng khích lệ. Niên khóa 1973-74, lần đầu tiên Quảng Ngãi Nghĩa Thục có học sinh thi Tú Tài, 60 em dự thi, trúng tuyển 30. Ý chí phấn đấu của các em, kỳ lạ thay, lại đem niềm tin ngược về cho người lớn, tạo ra mối tương quan “giáo sư-học sinh” tiếp sức, thúc đẩy nhau cùng tiến tới mục đích tốt đẹp.

Cũng không thể quên Quảng Ngãi Nghĩa Thục chính là sự nối dài ý tưởng của các bậc tiền nhân. Đó là các chí sĩ Lương Văn Can, Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh…, những người đã sáng lập Đông Kinh Nghĩa Thục 65 năm về trước (1907-1908). Mục đích của Đông Kinh Nghĩa Thục là nâng cao dân trí, khích động tinh thần yêu nước và phổ biến những trào lưu tư tưởng mới. Và Quảng Ngãi Nghĩa Thục nguyện đi tiếp con đường đó.

Cuối cùng, điều giúp cho Quảng Ngãi Nghĩa Thục thành hình là nhờ mảnh đất miền Nam hào sảng và tự do dưới chế độ Cộng Hòa. Nhờ vậy, ban giám hiệu của trường mới có thể tự định ra đường hướng giáo dục đặc biệt, và nhất là có thể nhận học sinh mà không xét lý lịch, kể cả khi biết các em thuộc gia đình có người đi theo “phía bên kia”.

Trong môi trường chiến tranh khốc liệt, với điều kiện vật chất hết sức thiếu thốn, ngôi trường hoàn toàn tự nguyện Quãng Ngãi Nghĩa Thục đã đứng vững suốt 5 năm dài, đó là nhờ tinh thần “Tự túc tự cường – Vì dân vì nước” của nhà trường, nhờ tình thương yêu đùm bọc của đồng bào, và nhất là, nhờ sự tự do của nền Cộng Hòa miền Nam Việt Nam.

Trịnh Bình An
(bài đã đăng trên tập san Tin Sách số 17, tháng 1 & 2-2016)

* Tiểu sử tác giả NGUYỄN LIỆU

Sinh năm 1932 tại Quảng Ngãi.
1952 tổ chức nhóm học sinh chống Cộng, bị bắt ra tòa án nhân dân Liên Khu 5.
1954 tổ chức thanh niên chống đảng Cộng sản, tham gia lập chính quyền Quốc Gia tiếp thu tỉnh Quảng Ngãi.
1958-1960 dạy học tại trung học Nguyễn Đình Chiểu (Mỹ Tho) và các tư thục ở Sài Gòn.
1964 tốt nghiệp cử nhân Đại học Văn Khoa Sài Gòn, nhập ngũ khóa 20 Thủ Đức.
1965 tổ chức chiến dịch “Về Làng” tại Quảng Ngãi.
1965-1966 làm Quận trưởng quận Mộ Đức.
1966-1967 làm Tỉnh đoàn trưởng Xây Dựng Nông Thôn Quảng Ngãi.
1968 trở lại Trường Bộ Binh Thủ Đức khóa 27, làm sĩ quan thanh tra Quân Đoàn 3 của Trung tướng Phan Trọng Chinh.
1970-1975 Hiệu trưởng Quảng Ngãi Nghĩa Thục.
1975-1983 tù Cộng sản.
1985 vượt biển. Hiện cư ngụ tại tiểu bang California.

*Tác phẩm đã xuất bản:

- Bên Kia Đèo
- Em Không Khóc
- ĐỜI TÔI – Hồi ký. Nxb Tủ Sách Tiếng Quê Hương –
736 trang. Các ấn bản trên giấy đã hết.
Đọc bản PDF trên trang mạng www.nghiathuc.wordpress.com/sach/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét