7.3.11

DI HUẤN TRONG HUYỀN THOẠI



Trong thế giới của chúng ta, những người đi trước thường để lại dấu ấn cho thế hệ đi sau .
Chính nó dẫn dắt cái thế hệ đó đi theo con đường đã hướng. Trọng trách mà chúng ta vác trên vai không phải là chỉ khu xử với nhau, nhìn nhau trong cái nhìn của một thời tù ngục không thôi. Ngoài cái trách nhiệm cho chính chúng ta, còn một trách nhiệm không sao quên bỏ ... Những người trẻ..
Quán lá xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tống Phước Xuân Hà con gái của A20 Tống Phước HiếnCựu CSQG thiếu uý Lê Thị Xuân, bài được viết khi cháu lên 16 tuổi.

---------------
  
DI HUẤN TRONG HUYỀN THOẠI

                                               Tống Phước Xuân Hà

Tôi nhớ thuở còn thơ dại, ba tôi hay kể cho nghe những câu chuyện huyền thoại trong lịch sử Việt Nam. Trong những câu chuyện ấy, có một chuyện thật đặc biệt mà tôi khắc ghi trong lòng, đó là chuyện về “Thánh Gióng”. Tôi thích, vì câu chuyện này mang tính chất thần kỳ.
 
Chuyện kể lại rằng: Vào đời Hùng Vương thứ 6, tại làng Phù-Đổng, thuộc bộ Vũ-Ninh, Nước Văn-Lang (tên nước Việt-Nam thời bấy giờ) có một cậu bé bị dị tật bẩm sinh vì đã ba tuổi mà còn nằm nga; không biết nói, không biết cười, không biết lật, không biết bò; nhưng sau đó lại trở thành một vị Anh Hùng Dân Tộc.

 Tới khi tôi lớn lên, ba tôi mới giải thích cho tôi hiểu rõ hơn mục đích của câu chuyện.  Hôm nay, tôi xin được chia xẻ với các bạn những gì tôi đã học được từ câu chuyện thần thoại này.
 
Theo tôi thì trong câu chuyện Thánh Gióng, Cha Ông ta đã để lại lời di huấn như sau :


Thánh Gióng là một cậu bé mà cơ thể bị chứng chậm phát triển. Thế nhưng một hôm khi nghe tiếng Mẹ gọi: “Lúc đất nước lâm nguy, Tổ Quốc đang cần con, mà sao con không mau khôn lớn lên để giúp Vua cứu Nước”. Mãi tới lúc đó, Gióng bỗng vươn vai, biết nói.  Rồi sau bữa ăn do bà con trong làng đun nấu cung cấp, và được sứ giả của Vua mang roi, ngựa sắt theo yêu cầu của Gióng, cậu bé trở thành người khổng lồ.  Gióng tay cầm roi sắt, nhảy lên ngựa sắt. Ngựa sắt vừa phun lửa vừa bay ra  chiến trường đánh đuổi giặc Ân. Dẹp tan giặc, Tổ-Quốc an bình, Gióng bay về Trời. Nhân dân ta nhớ ơn Ngài và Ngài trở thành Thánh Gióng, một trong nhiều vị Thánh đã cứu Quê Hương Việt Nam qua cơn thống khổ, đọa đày bởi bọn xâm lăng cướp nước.

Cũng như Thánh Gióng, tuổi trẻ Việt Nam khi chưa nghe được lời gọi của Núi Sông thì chúng ta mãi mãi là những em bé, sẽ không bao giờ được trưởng thành. Nhưng nếu chúng ta tỉnh thức bởi tiếng gọi của Mẹ Việt Nam, hiểu được rằng miếng cơm ta đang ăn, manh áo ta đang mặc, nền nếp văn minh văn hóa ta đang thụ hưởng và hãnh diện, rồi chúng ta nhận thức được trách nhiệm của mình đối với Quê-Hương thì chúng ta cũng sẽ nhanh chóng khôn lớn, trưởng thành như Thánh Gióng.
 
Có thể vì thấu hiểu được câu chuyện này, nên một số người đã thật đau lòng khi thấy có một số những bạn trẻ lại quên cả học hành, chỉ say mê với các thú vui phù phiếm. Riêng với tôi, mấy chữ Quê Hương Đất Nước thật là thân mến dễ thương, cho nên tôi chủ trương vừa học hành, vừa tham gia vào mọi công tác hợp với khả năng, mặc dầu đôi khi có vài vị đáng bậc cha chú lại bảo rằng “hơi sức đâu ăn cơm nhà mà vác ngà voi”. Tôi cũng noi gương Thánh Gióng không quan tâm đến những điều xuyên tạc, dựng chuyện của bất cứ ai, vì có lẽ mục đích của những người đó cũng chỉ là gây chia rẽ, làm phân hóa hàng ngũ chống cộng. Tuổi trẻ chúng tôi cầu mong được thế hệ Ông Cha nêu gương sáng để dẫn dắt thế hệ chúng tôi tiếp bước.
 
Tuổi trẻ chúng tôi cũng biết thèm khát, cũng muốn được có Quê Hương với nhiều kỷ niệm để yêu quý, để hãnh diện. Nhưng tiếc thay, vì hoàn cảnh của lịch sử, tuổi trẻ Việt-Nam có Tổ Quốc nhưng lại mất Quê Hương.

Tục ngữ Việt-Nam có câu : 
“Con không chê cha mẹ khó,
 chó không chê chủ nhà nghèo”.
 
Cho nên dù kinh tế Việt Nam không bằng kinh tế của nước Mỹ, nhưng chúng tôi vẫn mong một ngày nào đó, được về sống trên Quê Cha Đất Tổ với tư cách và quyền hạn của những người đích thực thừa kế gia tài mà Tổ Tiên đã miệt mài tạo dựng bằng máu xương của hàng hàng lớp lớp Anh Hùng, Liệt Nữ. Đó là ngày Quê Hương xóa sạch bóng Cộng sản độc tài gian ác. Khi Đất Nước được Tự Do, Dân Chủ và thanh bình thật sự, có nghĩa là lịch sử bước vào một vận hội mới mà ánh sáng hừng đông hứa hẹn một tương lai huy hoàng rạng rỡ cho giòng dõi Văn Lang.

Xin được cầu mong rằng chút tâm sự này như là những lời tha thiết của thế hệ trẻ, một thế hệ sẽ tiếp bước chung đường của quý vị để về với Non Sông.

 Chúng con cũng xin thành kính nghiêng mình tri ân những bậc Trưởng Thượng đã và đang luôn luôn gắn liền trách nhiệm với tuổi trẻ, đồng thời chúng con thiết tha cầu mong tiếp tục nhận được dạy dỗ, bảo ban thêm kinh nghiệm cho chúng con hầu tiếp nối con đường quý vị đang đi.

            Cuối cùng, con xin trích một đoạn trong bài “Nỗi Lòng Học Sinh Tỵ Nạn” của tác giả Tâm Nguyên Thanh, những giòng thơ mà con xem như một lời tha thiết cầu xin của tuổi trẻ chúng con thành kính gởi đến quý Thầy Cô đang phục vụ tại các Trung Tâm Việt Ngữ :
                                                 ...........................................................

Xin kính gởi một đôi giòng suy nghĩ,
Mong Thầy Cô với năm tháng sau nầy.
Thông cảm thêm những gì con mơ ước,
Vì măng non dễ uốn thuở thơ ngây.

Xin dạy cho con về Non Nước Việt,
Nơi ác thú giăng đau thương khổ lụy.
Ai đang sống trong căm hờn phẫn hận,
Trong bất công tủi nhục miên man ?

  Ai là bọn sống nhờ vào bức hiếp,
  Tàn độc, phĩnh lừa, bạo lực, gian tham ?
  Ai đang chém nỗi sầu lên Quê Mẹ,
  Chia, cắt, bán, cầm Đất Nước Việt Nam ?

Dạy cho con, tại sao ta vong Quốc
Ra đến xứ Người chỉ biết lợi danh ?
Máu tim ta, có cần luôn thao thức,
Mài gươm thiêng nuôi chí cứu dân lành ?

Dạy con biết: nhục nhằn thân tầm gửi,
Cúi mặt an phần thân kiếp ký sinh.
Sống vong nô như "túi cơm giá áo",
Mặc Quê hương, ta ngoảnh mặt vô tình !

Thưa Thầy Cô, có cần gương Tiên Tổ,
Có bận tâm về giòng giống liệt oanh ?
Xót xa không, với Quê-Hương thống hận
Có cần không, những dấu hỏi vây quanh ?

Học tiếng Việt, là học hồn  Nước Việt,
Có  phải đâu như tiếng Pháp, tiếng Tàu.
Lòng giá lạnh, không mảy may xúc động,
 Đời quạnh hiu, con biết phải về đâu !

Dạy cho con, để sau nầy con biết,
Phải làm sao Đất Mẹ thắm cờ Vàng.
                         Khôn lớn lên, biết lối sai đường phải,
                         Xin Thầy Cô con tha thiết, chứa chan !

                                                                         (Trích Quê-Hương và Phận Người
                                                                                       của Tâm Nguyên Thanh)
                                
                                                                                 Tống Phước Xuân-Hà
                                                                                    Little Sài-Gòn 30.04.1999



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét