Chia tay nhau từ những năm sau 1980, A20 Nguyễn Văn Học đã bay một mình giữa trời gió bão
Hôm nay anh về Quán Lá, căn nhà của những cánh chim đã mỏi, bằng bao năm chinh chiến, bằng bao tuổi ngục tù, A20 Nguyễn Văn Học đã viết lại trăn trở của mình từ những năm 2008, anh viết cho anh, cho bè bạn, cho thế hệ mai sau.
Quán Lá mời các anh lắng nghe tiếng kêu gần như tuyệt vọng của con hổ ngày xưa trên chiến trường đẫm máu, tiếng kêu dưới màu cờ mà anh đã một đời dâng hiến cho đến ngày buông tay, Hãy lắng nghe tâm sự của một A20 từng chia với chúng ta ngọt bùi suốt những tháng năm trong Trại Trừng Giới .
Ngậm Ngùi Tuổi Hạc
A20 Nguyễn Văn Học
Cuộc đời tỵ nạn đã là những chuỗi ngày bàng bạc nỗi buồn - Đến mùa Quốc Hận, nỗi buồn tăng thêm cường độ, vì những kỷ niệm đau xót lại trở về - Đầu óc cũng trở nên lãng đãng bởi những suy tưởng về ý nghĩa cuộc đời.
30 tháng Tư năm 1975 đến 30 tháng Tư năm 2008, đã qua 33 năm - Những chàng trai phương cường, những thiếu phụ xinh tươi thuở ấy, tuổi ngoài ba chục, đến nay đã tròm trèm bảy chục - Gần bảy chục tuổi của các ông, bao gồm cả thời gian đại hạn, khổ sai trong lao tù cộng sản, đa số bề ngoài cũng đã hom hem lắm lắm . Trong những người hom hem đó có tôi - Chuyện này không làm tôi buồn, vì bè bạn, nhiều người giống mình, nên gặp nhau, chẳng có gì lạc lõng, cứ vui cười thoải mái.
Ngoài mặt như vậy, nhưng trong chỗ riêng tư, nhiều lúc vợ chồng già ngồi nhổ tóc ngứa, nói chuyện "ôn cố, tri tân", bàn luận sự đời với nhau lại khác - Thật hạnh phúc đấy, nhưng không sao có thể vui trọn vẹn, vì phần lớn cuộc đời đã nổi trôi cùng vận nước - Những mất mát của tuổi trẻ - Những đau xót cuộc đời chồng chất từ năm này sang năm khác - Những tang thương của đất nước ròng rã mấy chục năm trời, kể từ khi có "đảng" - Rồi "đảng" làm cho nồi da xáo thịt, gia đình ly tán, phong hóa suy đồi, con người Việt Nam bây giờ dưới chế độ cộng sản mấy chục năm không còn là con người nữa - Thấy những thảm cảnh đất nước và cuộc đời như vậy, chắc quý vị cũng có cùng cảm nhận giống chúng tôi: tuổi Hạc thuộc thế hệ "lưu vong xứ người" của chúng ta làm sao tránh khỏi.... ngậm ngùi - Tương lai của mình nắm chắc nhiều phần gửi xác nơi đất khách, nhưng còn tương lai con cháu với tương lai đất nước thì sao... Sự ngậm ngùi của tuổi già lại thường hay hướng suy tư về ... quá khứ - Đôi lúc tự hỏi, cuộc đời mình từ trước đến nay, trong hoàn cảnh của Việt Nam, đã có khi nào dân nước mình, hay chính mình được sống những chuỗi ngày sung sướng, êm đềm trong cảnh tự do, no ấm chưa?
Theo tôi nghĩ - công bằng mà nói - cũng đã có đấy, tuy chưa được bằng các nước văn minh, tiền tiến, giàu có hơn nước mình, nhưng thực sự chúng ta cũng đã được hưởng đôi chút - Đó là trong thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Đề cập đến nền Đệ Nhất Cộng Hòa và Cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tuy hiện nay, đã có nhiều tài liệu được giải mật, danh dự của ông đã được phục hồi phần nào, nhưng vẫn chưa hết bất đồng giữa những người quốc gia với nhau - Kẻ chê không ít và người khen cũng nhiều. Thôi thì việc công, tội, còn đang được người đời và lịch sử phán xét - Riêng việc có cảm tình hay oán ghét chế độ, tùy theo cảm nhận mỗi cá nhân - Nhưng dù yêu hay ghét, chúng ta phải công nhận, đã có nhiều điều tốt đẹp, diễn ra trên đất nước chúng ta, mà không ai - Dù cách này, cách khác - có thể chối cãi hay phủ nhận được - Với tôi, đây là thời gian đáng nhớ nhất, đã in sâu vào tâm trí tôi mấy chục năm nay........
Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, thế hệ chúng tôi còn là những thiếu niên vừa học xong Tiểu học, bắt đầu vào Trung học hay vừa xong Trung học đệ nhất cấp. Với số tuổi ở khoảng trên, dưới từ 10 đến 15 như vậy, chúng tôi chưa biết nhận định về chính trị, suy tư về chính sách, phán đoán về đường hướng thực thi, nhất là đánh giá, luận bàn hay, dở, đúng, sai v...v... Nhưng chúng tôi đã sống, đã cảm nhận và những cảm nhận đó rất trung thực, không bị ảnh hưởng một xu thế nào, không màu mè, cường điệu, bởi nó được nhận định bằng đầu óc còn rất trong sáng của những thanh, thiếu niên - Có điều đặc biệt là những cảm nhận đó càng ngày càng sâu đậm, khi những thiếu niên thuở xưa thành những lão ông, lão bà. Vì thế hệ chúng tôi đã kinh qua những giai đoạn tàn tệ của đất nước dưới sự lãnh đạo của các nhà "cách mạng", 1-11-63, đến các nhà "yêu nước", từ sau 1975 . Lấy cuộc di cư 1954 của dân chúng miền Bắc làm mốc - Trước đó vẫn là ách đô hộ của người Pháp đã kéo dài trên đất nước ta ngót 100 năm - Khi bắt đầu có trí khôn, tôi đã có nhiều nỗi sợ - nhất là trên đường đi học - Quê tôi ở vùng ngoại ô Hải Phòng, anh em chúng tôi mỗi sáng dắt nhau lên tỉnh học, buổi chiều trên đường về mới là nỗi kinh hoàng của chúng tôi khi nhìn thấy đủ sắc lính của Pháp, nào Tây trắng, Tây đen, Sénégalaire, Maroc gạch mặt v...v.... từ những đồn bót vùng ngoại ô túa ra đi chơi - Chúng say sưa phá phách, đánh đập dân chúng - Lũ chúng tôi thường là nen nét đi qua, làm sao có thể tung tăng sau giờ tan học như sách vở thường tả - Làm ngứa mắt mấy thằng Tây là chúng gọi lại "bợp tai, đá đít" liền. Hình ảnh bạo động, đánh đập dân chúng của lính Tây từ đó luôn ám ảnh tôi.
Nỗi sợ hãi đó của tôi được chấm dứt khi di cư vào Nam - Tôi không thấy cảnh lính Tây phá phách, ức hiếp người dân trong thành phố như khi ở miền Bắc - Qua năm 1955, dưới sự tranh đấu của chính phủ quốc gia, những người lính Tây hoàn toàn rút khỏi miền Nam, khi Pháp trao trả độc lập và sau đó thiết lập nền Đệ Nhất Cộng Hòa với quốc hiệu Việt Nam Cộng Hòa và Thủ Tướng Ngô Đình Diệm được bầu làm Tổng Thống đầu tiên.
Có lẽ đây là thời điểm hứng khởi nhất cho nền Cộng Hòa son trẻ - Toàn dân như bừng dậy một sức sống mới, họ cảm nhận được giai đoạn tự do đã đến, cuộc đời đã có những thay đổi rõ nét - Nền tảng xã hội được thiết lập theo thể chế mới, không còn cảnh đàn áp như thời thực dân - Những tệ đoan xã hội mà khi xưa chế độ thực dân dung túng, khuyến khích, cho thoải mái hưởng thụ để làm ngu dân và tê liệt ý chí đấu tranh chống lại chúng, được chính quyền mới triệt để bài trừ. Nếp sống văn hóa, xã hội được giáo dục và cải thiện, từ cung cách ăn mặc nơi công cộng, nơi quán xá, nơi học đường v...v....
Việc giáo dục chiếm ưu tiên hàng đầu, chương trình được soạn thảo kỹ lưỡng, đặt mục tiêu một nền giáo dục nhân bản mà trong đó có câu châm ngôn "Một tinh thần minh mẫn trong một thể xác tráng kiện" được thường xuyên nhắc nhở cho lớp trẻ chúng tôi.
Những gia đình Việt Nam lúc đó, nếu không sung túc thì cũng không phải nghèo khó - Ai cũng đủ cơm ăn, áo mặc - Cuộc sống thật sự ấm no - Công, tư chức hay quân nhân, thậm chí cả đến những người lao động, chỉ cần một người chủ gia đình đi làm là có thể lo cho vợ, con đầy đủ - Phong trào thể dục, thể thao lúc đó lên cao lắm - Có thể nói khắp nơi trong thành phố Sàigòn, Gia Định, Chợ Lớn. Chiều chiều, các thanh thiếu niên tụ tập nhau thành từng nhóm, trước sân nhà hay đầu xóm, cùng nhau tập thể dục, thể thao - những môn không đòi hỏi phải có nơi chốn rộng rãi như tập tạ, xà ngang, xà dọc, tôi thấy nhan nhản.
Việc giáo dục văn hóa cũng được thúc đẩy mạnh mẽ và khuyến khích - Ngoài các trường, lớp theo quy chế chính thống được mở mang, còn có thêm những trường dạy văn hóa vào buổi tối, như trường văn hóa quân đội dành cho quân nhân, trường dành cho công chức, hay những người đã trưởng thành trau giồi thêm văn hóa để tăng tiến trình độ.
Xã hội được hướng dẫn vào nếp sống lành mạnh, từ tư tưởng đến thể xác - Những cuộc vui chơi, giải trí có tính cách sa đọa hay không hợp thuần phong mỹ tục thời thực dân phong kiến bị cấm tuyệt. Cảnh trộm cắp, cướp giựt, lừa đảo càng ngày càng giảm đến mức tối thiểu - Những hành động tham nhũng của các viên chức chính quyền hầu như đếm được trên đầu ngón tay, trong suốt 9 năm đệ nhất Cộng Hòa . Điều làm tôi nhớ đến nhiều là nền âm nhạc thời đó - Hẳn quý vị cũng đồng ý với tôi, thời đệ nhất Cộng Hòa chúng ta thấy xuất hiện những bản nhạc thật nhẹ nhàng, thanh thoát - Bất cứ loại nhạc nào, từ tình yêu quê hương, đất nước, đến tình cảm trai gái, lứa đôi, thậm chí đến cả những nhạc khúc mang tính chiến đấu, đều được diễn tả một cách đầy tình tự dân tộc - Lời ca, tiếng nhạc êm dịu đi thẳng vào lòng người, đồng thời toát lên được nét nhân ái, hiền hòa, đạo đức.
Cho đến bây giờ, nhiều lúc tôi vẫn còn nhớ da diết đến những lời ca đã ăn sâu vào tâm hồn từ khi còn niên thiếu, gợi lên tình yêu quê hương, thôn xóm - Những là:
“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát ngát
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời .....”
Ánh trăng thanh chiếu qua làng xơ xác
Chiếu hồn quê bao khúc ca yêu đời .....”
Rồi đến tình đồng bào với quê hương, đất nước - Thật gắn bó thiết tha:
“Quê hương ta, đất xưa vốn nghèo, nhưng giàu tình thương nhau - Biết yêu lúa màu, xa cuộc đời cơ cầu - Gái trai biết làm tròn lời thề khi ban đầu .....”
Ca tụng đồng quê và thi vị hóa những những công việc đồng áng, ngày đêm:
“Trời xanh xanh bao la - Mây trắng trắng xoá, Tia nắng tưng bừng chiếu trên đồng lúa vàng .....”
Hoặc như trong ca khúc "Gạo trắng trăng thanh":
“Trong đêm trăng, tiếng chày khua - Ta hát vang trong đêm trường mênh mang. Ai đang xay, chày buông rơi theo tiếng vơi, tiếng đầy….”
Tình yêu trai gái được các nhạc sĩ diễn tả thanh cao, nhưng không kém phần đậm đà:
“......Nàng thôn nữ cất tiếng oanh trìu mến thánh thót nghe đê mê - Chàng nông phu say sưa yêu giọng hát quyến luyến nên quên đường về...”
Đôi lứa có xa cách, chia lìa cũng chỉ vì phải bảo vệ một tình yêu khác cao trọng hơn, tôn kính hơn, đó là tình quê hương, đất nước:
“Anh đi để tình nước thêm vững bền, rồi ngày tháng mong bình yên, thôn xóm vui triền miên ....”
Nhưng cũng không thiếu vẻ hào hùng của những chàng trai đi chiến đấu, không buồn vì ra trận, chỉ buồn nếu người yêu sầu khổ:
“Đường đi biên giới xa - Lòng này thách với tang bồng - Đừng sầu, má thắm phai hồng, buồn lắm em ơi!”
Còn nhiều, nhiều lắm - Mỗi bài hay mỗi vẻ và chúng ta có hàng ngàn ca khúc giá trị như vậy - Tôi chắc chắn trong chúng ta, ai cũng nhớ nhiều đến giai đoạn âm nhạc này và hẳn đến bây giờ vẫn thỉnh thoảng nghêu ngao một Em tan trường về... vài đoạn lời hát nào đó đã in sâu trong tâm trí - Cho đến ngày hôm nay, sau hơn nửa thế kỷ, rất nhiều bản nhạc trong số đó, vẫn còn được các Trung tâm băng nhạc cho trình diễn và vẫn được nhiều người yêu chuộng. Những năm, tháng đó tình cảm người dân đối với nhau cũng đã cởi mở. Tệ nạn phân chia Nam-Bắc-Trung, do thực dân chủ trương đã dần dần được hóa giải. Tình hình trị an trong thôn xóm cũng như thành thị thật ổn định - Việc đi lại trong đêm không bị hạn chế - Phá hoại, cướp giựt, trộm cắp, trấn lột.... rất ít thấy xảy ra - Những năm đó tôi trọ học trên Sàigòn, gia đình ở vùng quê, cách Sàigòn khoảng 20 cây số - Chiều thứ bảy tan học, tôi dùng xe đạp chạy thẳng về nhà - Trên đoạn đường dài, tôi thong dong đạp xe dù trời chiều rồi chuyển sang tối, mà lòng không hề sợ hãi - Hôm nào sáng trăng lại càng hào hứng hơn - Dọc hai bên đường, chỗ có, chỗ không dân chúng cư ngụ - Qua những ấp dân địa phương, thế nào cũng gặp vài, ba nhà đèn "măng sông" sáng choang, tiếng đàn, tiếng hát dập dìu, dân chúng trong xóm tụ tập đàn ca hát xướng, một cách giải trí rất lành mạnh, sau một tuần làm việc cực nhọc - Điều này đã nói lên sự phồn thịnh, an lạc mà dân chúng đang được hưởng.
Tôi và bạn bè đồng trang lứa cũng như toàn dân miền Nam thật sự đã được sống những ngày tháng êm đềm, thanh bình, hạnh phúc đó.
Tuổi mới lớn của anh em chúng tôi quả là thần tiên và thơ mộng - Yêu quê hương đất nước, yêu văn chương, thơ nhạc, yêu thày, yêu bạn, trong đó bàng bạc cả mối tình học trò, hành trang vào đời thật tươi vui, trong sáng.
***
Nhưng "cách mạng" 1-11-63 xảy ra - Nhiều người ngơ ngác, họ lại càng ngơ ngác hơn khi nghe loan tin anh em ông Diệm, ông Nhu đã tự sát - Nhưng không ai tin.
Tôi có một kỷ niệm nhớ đời về việc này - Sau 1-11-63, mấy ngày, tình hình đã có vẻ êm êm. Ông anh cả tôi từ Sàigòn về thăm nhà - Anh tôi chỉ là một công chức hạng xoàng, nhưng nghe nói cũng có chân trong một đảng phái chính trị nào đó - Hôm ấy tôi thấy anh có vẻ vui vui, khang khác ngày thường. Sau khi chào và nói dăm ba câu thăm hỏi thông thường gia đình, anh vớ lấy cái điếu bát, chậm rãi hút một điếu, phà khói thuốc xong một cách thoải mái, anh mở lời thăm dò ông bố:
- Từ giờ trở đi, không còn độc tài gia đình trị, may ra đất nước mới khá lên được thày nhỉ !
Ông bố tôi ngồi im không nói, lặng lẽ ném cho anh một cái nhìn bằng nửa con mắt - Ông anh tôi thấy thái độ của ông cụ như vậy nên chột dạ, cũng ngồi im thin thít. Một lúc khá lâu, ông bố tôi hỏi lại, giọng bực bội, pha chút diễu cợt và không hề nể nang:
- Thế à! Khá lên hay sắp sửa.... "bốc cứt" với nhau?
Cả hai anh em chúng tôi đều ngạc nhiên - Chưa bao giờ ông bố chúng tôi có kiểu nói năng như thế này - Có lẽ ông cụ bị "sốc" vì biến cố lịch sử vừa qua chăng - Như được khơi mào cho một việc cần phải nói mà khó mở lời, ông cụ tôi sẵn trớn nói luôn một lèo:
- Tôi hỏi anh, nhìn xem các "ông" gọi là "cách mạng", đã có người nào bén gót "người ta" chưa - Từ thành tích phục vụ quốc gia, đến đạo đức cá nhân, truyền thống gia đình! - Anh em "người ta" tội tình gì mà bị giết thê thảm như vậy? Bảo là độc tài, gia đình trị - Thử hỏi xem, có mấy người là bà con, dòng họ của người ta tham gia chính phủ, hay là tướng, tá quân đội - Nghĩ lại đi! Nếu họ thật sự độc tài, gia đình trị thì có đảo chánh nổi họ không??? Một người mà đã từng làm quan đầu triều từ khi mới có ngoài ba mươi tuổi, đã cương quyết giũ áo từ quan để phản đối thực dân, mà không xứng đáng lãnh đạo đất nước này à ??? Tài năng, đức độ như vậy, con giòng, cháu giống như vậy mà phải giết đi, để cho mấy ông từ nhỏ đã làm bồi cho Tây, sau này làm tay sai cho Mỹ, đi lính từ khố xanh, khố đỏ, lên thay thế lãnh đạo mới xứng đáng à ???
Cộng sản nó đâu có ngu dại - Muốn chống chúng nó cũng phải có sách lược, có nhân sự hiểu nó thấu đáo mới mong thắng được - Chống cộng như kiểu "phường tuồng", sớm muộn gì cũng thua nó thôi! Làm xáo trộn đất nước như vậy, tội không nhỏ đâu! Chắc sẽ mang lại hậu quả, mà hậu quả đó chẳng chóng thì chầy sẽ đổ lên đầu cả lũ cho mà xem... - Tôi nói "truyền đời" cho các anh biết, ngày xưa tội "thí quân" là trọng đại lắm - Nhà vua không phải là hôn quân, bạo chúa, bỗng nhiên giết đi, để cướp ngôi - Kẻ giết vua sẽ mang tội nặng, mà hình phạt là "tru di tam tộc" đấy!!! Điều đáng nói là bất cứ người nào, có đọc qua sách thánh hiền, biết điều lễ, nghĩa, đều có thể đứng ra xử tội, chứ không phải chỉ những quan tòa, hay người có quyền hành mới được xử, như những vụ án thông thường đâu... Ví bằng người ta có tội đi chăng nữa thì hãy cứ bắt giữ, rồi đem xét xử công khai, có lý nào giết đi một cách ám muội như vậy.
Bố già nói một lèo, ông anh tôi ngồi tím mặt, không dám cãi một câu - Tôi là người "vô can" mà cũng cảm thấy nhột nhạt, vì bao nhiêu cơn giận của ông cụ từ đẩu, từ đâu, bỗng nhiên trút ráo trọi lên đầu ông anh tôi...
***
Năm 1978, đã ba năm trong trại tù cộng sản, nhìn những gánh phân tươi vừa kéo từ trong cầu tiêu ra, được các bạn tù, cựu sĩ quan QLVNCH trong đội rau xanh, kẻ dùng dầm, người dùng xẻng, thậm chí có cả người muốn tỏ ra là mình "tiến bộ", chỉ mới trộn qua lớp cát, đã dám dùng tay không, bốc phân rải cho rau - Tôi bỗng nhớ tới câu nói "tượng hình" của ông cụ tôi mười lăm năm về trước... Bố tôi đã qua đời năm 1972 - Ông anh tôi giờ này chắc đã "thông cảm" với sự bực bội và những lời nói của ông cụ hồi đó - Còn tôi, đúng hơn là chúng tôi, đang làm công việc mà ông cụ tôi đã nói trước: "bốc cứt" - Tôi thật sự tức cười mà nước mắt rưng rưng....
Điều đau buồn cho đất nước chúng ta là sau gần trăm năm nô lệ, cuộc sống độc lập, tự do, no ấm chỉ thoáng qua rất ngắn ngủi, có 9 năm - Rồi đất nước lại rơi vào cảnh tang tóc - Lần này, không phải do ngoại xâm, mà do chính những người dân Việt, thuộc cả hai phe quốc, cộng:
- Một nhóm người vì thiển cận, tham quyền, ấu trĩ về chính trị, cộng với tính tình phản trắc, nghe lời dụ dỗ, hứa hẹn của ngoại bang mà phá hủy những nền tảng dân chủ, tự do, vừa mới được thiết lập - Không rõ họ vì bất tài, nên vô tình sập bẫy, hay cố ý, mà đã tiếp tay cho kẻ thù cộng sản, mau chóng tiến đến ngày thôn tính miền Nam. Chính bọn lãnh đạo cộng sản cũng đã xác nhận điều này. - Một bọn là cộng sản, với tà thuyết tam vô, muốn cướp công, cướp của toàn dân, định áp đặt một chủ nghĩa vô luân trên đất nước, nên phát động đấu tranh, giết hại chính anh em, đồng bào ruột thịt, nếu không cùng giai cấp. Bọn này, cho đến khi đất nước hoàn toàn nằm trong bàn tay thống trị của chúng, thì cuộc đấu tranh giai cấp và giải phóng có nghĩa là ...ăn cướp - Giết chóc, tù đày, đấu tố, cướp nhà, cướp đất v...v... máu và nước mắt tiếp tục đổ... Uất ức lại vẫn tràn dâng cho đến tận bây giờ.
Đất nước tang thương - Dân tình ly tán - Nhiều người cố gắng tom góp tất cả tiền bạc, tài sản, liều chết ra đi, trốn chạy chính quê hương mình, để rồi phiêu bạt trên khắp thế giới tìm chốn dung thân... Cho đến hôm nay, kể từ 1-11-63, Việt Nam cũng vẫn chưa một ngày được ổn định trong thanh bình, an lạc.
Ôi ! Ngậm ngùi thay cho tuổi Hạc chúng ta....
Nguyễn Văn Học
4/2008
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét