26.5.12

Hồi ức về nhà tù cộng sản Việt Nam



A20 Huỳnh Ngọc Tuấn




Kính tặng anh Nguyễn Ngọc Đăng

Các anh các chú đã từng đi qua những nhà tù Xuân Phước-Thanh Hóa-Nam Hà
Kính nhớ Bác sĩ Nguyễn Kim Long, chú Nguyễn Trưởng, anh Nguyễn Văn Bảo, anh Đỗ Hườn

Những người đã nằm xuống trong nhà tù Cộng sản Việt Nam vì những giá trị Dân chủ Nhân quyền.

Huỳnh Ngọc Tuấn

 
*****


(Phần 1)
Miền Trung Việt Nam bây giờ là chớm đông với những cơn mưa trút nước. Cánh đồng trước mặt một ngày trước đây mướt xanh màu lúa non, bây giờ đã mênh mông nước bạc. Những con đường nhỏ ngập ngụa trong bùn và rác…chẳng đi đâu được, đọc sách hoài cũng chán, mở tivi ra thi cứ toàn phim Tàu và những lời lẽ tuyên truyền cũ rích nhai đi nhai lại. Chỉ còn biết ngồi nhìn mưa và vừa nhận được email từ Úc: Ông bạn Nguyễn Ngọc Đăng đang bị ốm. Lòng buồn rười rượi. Bao nhiêu kỷ niệm lại quay về.

Trại giam Xuân Phước - Phú Yên, mùa đông 1994

Những cơn mưa nhỏ lất phất, trời không lạnh, những người tù chính trị chúng tôi trong đội 12 vào nghỉ giải lao trong một căn nhà lợp lá dừa. Cũng không phải là nhà vì chỉ có mái che, chung quanh không có phên vách gì.
Tôi - một người tù chính trị còn rất trẻ và mới toanh, lúc đó tôi mới 35 tuổi, tìm một chỗ khiêm tốn giữa những bậc trưởng thượng. 


Tôi gọi họ là trưởng thượng vì tuổi tác họ đáng bậc anh cả hoặc cha chú; về con đường đấu tranh cho những giá trị tự do dân chủ, họ là những người đi trước. Những người như chú Phạm Đức Khâm-thành viên diễn đàn Dân chủ của Giáo sư Đoàn Viết Hoạt. Thiếu tá Đặng Trần Phương, một sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng hoà. Đối với tôi, họ là bậc cha chú và cũng là những người thầy đáng kính.
Trong đội 12 lúc này, còn có Phạm Văn Thành từ Pháp về cũng rất trẻ, Thành nhỏ hơn tôi 1 tuổi. Anh Dương Văn Sĩ hơn tôi 2 tuổi nhưng tham gia đấu tranh và bị bắt lúc 24 tuổi chưa hề biết bàn tay nuồt nà của phụ nữ ra sao! Anh Trần Nam Phương, anh Hoàng Xuân Chinh, Trương Nhật Tân là những người đồng hương Quảng Nam, cũng là những người anh cả dìu dắt giúp đỡ tôi trên con đường gian khổ và đầy hiểm nguy trong nhà tù. Anh Nguyễn Văn Trung, Vũ Đình Thụy là những người đã đi trước tôi trên con đường đấu tranh này hơn 10 năm…Đứng giữa những con người này tôi thấy mình nhỏ nhoi và non trẻ. Anh Bùi Gia Liêm một cựu sĩ quan (Đại úy) có mái tóc bồng bềnh và bạc trắng với hàm râu quai nón bao kín mặt, đôi mắt hiền từ, giọng nói ấm áp, cử chỉ ân cần, mang đến cho chúng tôi một ấm trà nóng và bao thuốc lá rẻ tiền…Tôi không hút thuốc, chỉ ngồi uống trà và nghe các anh nói chuyện.
Anh công an dẫn giải đội đứng gần đó, anh này người sắc tộc miền núi phía Bắc, dáng người cao gầy (đi qua mấy nhà tù Cộng Sản, tôi chưa gặp người công an nào tốt như anh ta. Sau này anh ta bị thải hồi).
Đứng khoảng 5 phút, anh ta lại bỏ đi. Tôi không biết anh ta nghĩ gì, nhưng có lẽ anh ta muốn tỏ ra lịch sự không muốn nghe lén chuyện người khác. Hơn nữa, ở đây là rừng núi, chung quanh kiểm soát chặt chẽ chẳng sợ ai trốn.
Anh Thành ra hiệu cho chúng tôi xích gần lại để thông báo cho chúng tôi biết một tin quan trọng. Theo nguốn tin từ những anh em đi làm “rộng” cho biết: Đài VOA đưa tin sắp tới sẽ có một phái đoàn của uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đến Việt Nam để thanh sát, chưa biết chính xác thời gian nhưng khoảng một tuần nữa. Mọi người trao đổi với nhau chớp nhoáng và sơ khởi ý kiến của mình … sẽ làm gì, nói gì khi phái đoàn đến. Riêng tôi rất hồi hộp và vui mừng vì nguồn tin này.
Hai, ba ngày sau đó, ban giám thị trại giam quyết định cho tổng kiểm tra. Chúng tôi được nghỉ một buổi để kiểm tra buồng giam và đồ đạc cá nhân. Hai cán bộ an ninh - 1 trực trại cùng với 1 anh tự quản (có nơi gọi là trật tự - họ là những tù nhân thường phạm được chọn lựa cẩn thận về lý lịch). Từng người một mang đồ của mình ra sân, bày ra hai tấm chiếu trải dưới đất. Hai cán bộ của trại kiểm tra từng trang sách, từng chiếc áo, chiếc quần. Họ lộn ngược, lộn xuôi, lục lọi cẩn thận, nắm bóp khắp nơi. Họ mở từng hộp trà, bao muối, xé tung những bao mì tôm, bao thuốc lá. Xong đồ dùng cá nhân - họ khám xét trong người. Cởi quần dài, áo ngoài ra, còn lại đồ lót. Họ thận trọng nắn bóp từng chỗ kín. Nếu có nghi ngờ ai về một điều gì đó thì sẽ khám kỹ hơn. Bảo người tù cuối khom xuống, anh trật tự kéo quần lót xuống, dùng hai tay vạch mông ra nhòm vào hậu môn, hai cán bộ trại giam cũng dòm vào cái nơi tối tăm và không sạch sẽ đó, đầu nghiêng qua nghiêng lại rất cẩn trọng !!!
Kiểm tra xong, chúng tôi được lệnh chuyển buồng giam. Tôi mang đồ đạc của mình vào buồn số 2, khu A.
Sau khi ổn định chỗ nằm tôi mới biết tất cả những người tù chính trị được xem là “có vấn đề” đều dồn hết về đây. Buồng số 2 của tôi gồm có 3 đội: Đội 12, đội 17, đội 2 - Buồng số 1 cũng có 2 đội: đội nhà bếp - quy tụ những tù nhân chính trị có mức án từ 20 năm đến chung thân và phần lớn những anh em trong tổ chức Liên đảng của ông Hoàng Việt Cương, đội 6 và những nhân sự đặc biệt giúp việc cho cán bộ. Tôi và anh Nguyễn Ngọc Đăng, người của Liên đảng có quốc tịch Canada. Anh Đăng là người thấp đậm, người Bắc 54 ở cùng buồng. Trước đây, những buổi chiều, khi tôi đi làm về, cơm nước xong đi dạo ngoài sân chờ điểm danh. Chúng tôi cũng chỉ mỉm cười, chào xã giao, trao đổi một vài câu về thời tiết. Lúc này, anh Đăng đã nổi tiếng trong anh em là người ăn nói bộc trực. Có khi làm mất lòng anh em và làm cay cú những tay cán bộ trong trại. Có một lần, anh vừa đi lại trong sân buổi chiều, vừa hát rất to: “Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến, hận thù đằng đằng, nên hoà hay chiến. Nên chiến! Nên chiến…” anh hét lên rất to… Anh em ai nghe thấy cũng cười lắc đầu. Cán bộ của trại nghe anh hát với một thái độ đầy ẩn ý nhưng cũng lờ đi. Nếu là anh em quốc nội thì đã bị chụp cho cái mũ nào đó và đi cùm là cái chắc rồi . Tôi phục anh lắm.
Có một điều là ở đây, những người tù chính trị trại A20 Xuân Phước này chưởi chế độ, chưởi cộng sản rất thoải mái, không sợ hãi gì… Lúc mới vào Xuân Phước từ trại giam An Điềm Quảng Nam, nghe anh em công khai chưởi cộng sản tôi phát hoảng. Lúc này, tôi mới hoàn hồn. Vì ở Xuân Phước này khác xa với An Điềm, Quảng Nam. An Điềm, Quảng Nam là một địa ngục thực sự. Đặt chân đến Xuân Phước tôi mới hy vọng mình có thể sống sót để quay về với các con. Tại An Điềm, không có chút hy vọng nào có thể sống còn. Nếu không chết vì tra tấn đánh đập thì cũng chết vì kiệt sức bởi chế độ cưỡng bức lao động nghiệt ngã với điều kiện sinh hoạt tồi tệ đến tận cùng. Tại An Điềm, Quảng Nam chỉ có 6 tháng ở đó mà tôi đã chứng kiến mấy vụ tự tử. Một người nhảy từ cầu treo cao hơn 10m, một người treo cổ, một người uống thuốc trừ sâu, một người tự cắt đứt nhượng chân, một người tự cắt đứt nhượng tay của mình vì không chịu đựng nổi chỉ tiêu và điều kiện lao động cùng với sự tra tấn đánh đập dã man ở đây.

Ở Xuân Phước thì mình được mua hàng ở Canteen và tự nấu ăn, lao động thì cũng vừa sức và điều quan trọng là được ngủ yên giấc; không bị ngồi nội quy, không bị đánh đập tra tấn nếu không hoàn thành chỉ tiêu lao động. Người điều hành của trại giam A20 này toàn là người Miền Bắc vì là trại của Bộ công an.
Tôi có cảm tưởng là người miền Bắc họ tốt hơn người Quảng Nam. Cũng là cộng sản nhưng người miền Bắc không quá tàn ác như người Quảng Nam. Rồi khi sống gần gũi với những người như anh Nguyễn Ngọc Đăng, chú Phạm Đức Khâm, anh Phạm Anh Dũng, Phạm Văn Thành, tôi lại quý những người miền Bắc hơn. Có thể những cảm nghĩ này là ngây ngô, nhưng nó xuất phát từ tận đáy lòng.
Ba ngày sau…
Vẫn là những cơn mưa lất phất, đôi lúc tưởng trời hững nắng lúc về chiều, so với Quảng Nam thời tiết ở đây thật dễ chịu, không có những cơn mưa như trút nước hoặc dai dẳng đến thối đất. Chúng tôi vẫn đi làm và trao đổi những thông tin mới nhất. Theo nguồn tin đáng tin cậy thì phái đoàn của Uỷ ban nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ đến trong ngày mai. Buổi tối, anh em vẫn uống trà như mọi ngày, nhưng trong lòng ai nấy cũng bồi hồi vì đây là cơ hội để trình bày với phái đoàn những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Ai cũng chuẩn bị cho mình một bài “diễn văn” súc tích nhất. Chúng tôi cố gắng giữ bí mật làm như không biết gì cả, vì trong phòng có rất nhiều tai mắt Cộng Sản.
Vẫn như mỗi tối, anh Nguyễn Đức với cây đàn Guitar đặt nằm trên sàn, anh dùng một thanh sắt nhỏ, sáng bóng ấn lên 6 dây đàn, tay kia lướt trên mặt đàn, bàn tay khô gầy nhưng mềm mại, uyển chuyển, sinh động vô cùng. Tiếng đàn thoát ra du dương đến lạ lùng. Tôi có hỏi anh vì ngạc nhiên lắm, lần đầu tiên trong đời được thưởng thức âm thanh lạ lẫm và mềm mại này. Anh mỉm cười, tay vẫn lướt trên từng phiếm đàn: “Mình bắt chước tiếng Hạ uy cầm”
Tối nay, mân mê chén trà trên tay, vẫn tiếng đàn mượt mà ấy, vẫn tiếng nhạc mà tôi yêu thích ấy nhưng không sao tập trung được. Tuy vậy tôi vẫn nhận ra sự ngập ngừng khác thường khi anh Đức dạo khúc: ”Tiếng Xưa” của Dương Thiệu Tước. Có lẽ anh cũng đang trong tâm trạng như tôi.
Một đêm dài trôi qua trong thao thức, trằn trọc, tôi thức giấc khi nghe tiếng kẻng.
Như mọi ngày, làm vệ sinh cá nhân…nhận cơm sáng ăn vội vàng và ra sân tập hợp đi làm.
Hôm nay trời hững nắng..màu nắng vàng ươm trên những tán cây dừa làm cho chúng như ướt đẫm nước. Cái vùng đất Phú Yên này rất hợp với dừa, cây nào cũng trĩu quả, nối tiếp quanh năm. Tôi chợt nhận ra Quê hương mình mỗi nơi mỗi vẻ, mỗi nét riêng. Tôi đến ngồi bên cạnh chú Phạm Đức Khâm. Chú Khâm người thấp đậm, màu da hồng hào, chú đã ngoài 60, mái tóc bạc khá nhiều nhưng đó là mái tóc gợn sóng bồng bềnh, nghệ sĩ với một gương mặt đẹp quý phái…Chú là một con người nhân hậu. Khi chân ướt chân ráo đến Phú Yên, tôi may mắn được Trương Nhật Tân giới thiệu với chú. Lúc đó tôi mới 35, bằng tuổi con trai đầu của chú. Với tôi, chú mãi là người thầy đã dìu dắt tôi, trao truyền cho tôi những kinh nghiệm quý báu.
Chú là chứng nhân của một thời đại-thời đại đầy đau thương và nước mắt của dân tộc. Chú kể cho tôi nghe rất nhiều chuyện. Khi tâm sự với tôi, chú nói có dự định sau này sẽ viết một cuốn hồi ký về cuộc đời mình. Cuộc đời đã can dự và chứng kiến những thăng trầm của đất nước, những biến cố lớn của dân tộc. Tôi vẫn chờ được đọc cuốn hồi ký đó và tôi tin rằng đó sẽ là một cuốn sách hay và rất giá trị để những người trẻ sau này hiểu được những gì đã xảy ra với đất nước và dân tộc mình.
Sau khi lục xét từng người, chúng tôi xuất trại. Khu đất của đội 12 chúng tôi tiếp giáp với trại. Ở đây có nhiều ao nuôi cá, rất nhiều cá: rám cỏ, mè, rô phi, chép. Tôi được những anh em “cựu chiến binh” từ những ngày đầu kể cho nghe những ngày tháng hãi hùng trước biến cố Đông Âu và sụp đổ của Liên Xô. Lúc đó, chế độ lao từ ở đây cực kỳ nghiệt ngã, với sự tra tấn đánh đập, cưỡng bức lao động và thiếu đói: đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều anh em. Có những người còn rất trẻ, chỉ mới tuổi đôi mươi. Chưa một lần cầm tay người phụ nữ, chưa biết hương vị của tình yêu, họ đã dấn thân vào con đường đấu tranh vì không thể sống nỗi với chế độ bạo ngược tàn ác, vì không thể khoanh tay đứng nhìn những người cộng sản đang dẫn dắt dân tộc và đất nước vào hố thẳm, vì đã sớm nhận ra cái chủ nghĩa phi nhân hại nước, vì đã sớm đoán định ra cái não trạng hoang đường, phiêu lưu nguy hiểm của tập đoàn cộng sản. Và họ đã ngã xuống…, mãi mãi ra đi khi ước mơ giải phóng dân tộc khỏi sự mông muội, tái lập Tự do-Dân chủ chưa thành. Nhưng sự hy sinh của họ lịch sử sẽ không quên. 
Rất nhiều lần tôi đứng trên dòng suối nhỏ, nơi có chiếc cầu tre bắc qua. Chung quanh là màu xanh của bắp, của rau xanh, của những tán dừa… màu vàng chói chang của ánh nắng hắt lên từ mặt hồ. Tôi vẫn ý thức một cách thường trực rằng: Đất dưới chân tôi đang đứng đây, trên con đường mòn nhỏ quanh co này, máu và xương của những người yêu nước đã đổ xuống đây!
Chúng tôi được anh đội trưởng Ngô Bích phân chia công việc. 
Hôm nay, tôi, chú Khâm, Phạm Văn Thành và mấy anh em khác đi cắt cỏ, nhổ rau cho cá. Tôi và anh Trần Đức Hào gom cỏ và rau sam vào giỏ tre lớn để ném xuống ao cho cá. Dưới làn nước đục ngầu, cá rất nhiều. Tôi ôm từng đống cỏ lớn và rau ném xuống mặt hồ. Chỉ một lát sau mặt nước xôn xao bóng cá, chúng vùng vẫy tranh giành nhau, làm cả một vùng nước xao động. Những con cá trắm cỏ to bằng bắp vế người lớn, những con cá mè 10-15 kg, chao lượn … thấp thoáng những chiếc lưng đen trũi. Trông đẹp lạ lùng. 
Đến giờ giải lao, chúng tôi tụ tập trong túp lều lợp bằng lá dừa để uống trà và trao đổi tin tức. Tôi nói với chú Khâm: “Chú hát một bài cho anh em nghe đi chú”
Chú Khâm cười thật giòn: “Bây giờ có lòng dạ nào mà hát nữa chứ.”
Nói thì nói vậy nhưng chú vẫn hát. Bài hát tôi vẫn ưa thích: “Anh đến thăm em một chiều mưa”.
Anh Trần Diễn, một người rất am hiểu về âm nhạc, cộng với khả năng xướng âm tuyệt vời…huýt sáo theo tiếng hát.. Khi bài hát chấm dứt, anh nói: “Anh Khâm có chất giọng rất tốt”
Chúng tôi – mỗi người đón nhận mấy cây kẹo của thầy Mai Đức Chương trao cho. Thầy Mai Đức Chương thuộc dòng Đồng Công của Đức Cha Trần Đình Thủ… Khi chưa bị bắt, tôi có đọc báo về vụ án này… Tôi có hỏi thầy về sự thật của việc này. Thầy điềm tĩnh nhưng thoáng nét buồn rầu trên khuôn mặt già nua:
Chính quyền họ dựng lên vụ án này để cướp đất, cướp tài sản của giáo hội và cũng để trừng phạt vì Cha bề trên không chịu hợp tác với chính quyền. Họ sợ những ảnh hưởng của Đức Cha trong cộng đồng giáo dân không có lợi cho họ”. Giờ tôi mới hiểu ra đây chỉ là vụ vừa ăn cướp vừa la làng, đây không phải là vụ đầu tiên cũng không phải vụ cuối cùng!
Tôi viết những dòng này khi sự kiện Thái Hà và Toà khâm sứ vừa lắng xuống nhưng chưa chấm dứt…
Vấn đề là hoàn cảnh bây giờ đã khác xưa…Cộng sản Việt Nam không còn đủ thế và lực để làm ra một vụ như vụ án Đồng Công nữa. Cộng sản Việt Nam đã bị đẩy vào thế phòng ngự.
Chúng tôi tiếp tục đi cắt cỏ, chỉ còn hai giỏ nữa là đủ chỉ tiêu cho buổi mai. Chúng tôi cố gắng hoàn thành thật sớm để còn đi kiếm ít rau cho mình. Đi ngang qua vườn rau thơm, anh Nguyễn Đức phụ trách cái vườn này, tôi thấy anh lom khom, chậm rãi cắt rau. Ở đây có đủ loại rau thơm, bạc hà, tía tô, ngò, hành hương, rau răm, dấp cá - mùi thơm quen thuộc và hấp dẫn.
Mới sáu mươi mà anh Đức trông như một ông cụ ngoài 70 hom hem, yếu đuối. Trông anh tôi vô cùng ái ngại với bản án chung thân, với một sức khoẻ tàn tạ như thế, anh còn có cơ hội để quay về với các con không? Anh đứng lên, dùng nắm tay xương xẩu đấm nhè nhẹ vào lưng khi tôi vừa ngang qua chỗ anh, anh nhìn tôi, nụ cười thân thiện. Anh bảo: “Lấy một ít rau thơm về ăn đi em”.
Tôi cảm tạ và nhận một gói ni lon nhỏ đầy rau mà anh đã dành cho tôi… nói với anh dăm ba câu, tôi vội vã đi về bờ ao rau muống.. Tôi lội xuống hái một ít rau muống về luộc cho bữa trưa. Ao và ruộng ở đây không có đỉa. Tôi rất sợ đỉa. Thời gian ở An Điềm để lại một ấn tượng hãi hùng làm cho trong những giấc mơ tôi vẫn còn sợ. Ruộng ở An Điềm toàn đỉa ơi là đỉa. Chúng tôi bị chúng tấn công tứ phía. Cái loại sinh vật hút máu người này thật quái ác, chúng chọn những chỗ hiểm để hút máu. Có những anh em tù bị đỉa bâu vào chỗ kín, về đến buồng giam ngủ một đêm. Sáng ra thấy máu chảy dầm dề, lúc đầu phát hoảng, sau mới biết là đỉa. Cởi quần lôi nó ra, cả một cục bầy nhầy gớm ghiếc. Có những chuyện đau lòng mà tôi đã tận mắt chứng kiến chung quanh “Con đỉa An Điềm”. Có một người tù vượt biên khốn khổ, không có thăm nuôi,chắc gia đình anh nghèo quá. Chị vợ trẻ đi làm không đủ nuôi con, lấy tiền đâu thăm anh. Trong tù chỉ có cơm và muối trắng. Chỉ tiêu đặt ra cho một người bằng ba bốn người khoẻ mạnh bên ngoài thì làm sao không kiệt sức. Nếu không hoàn thành thì bị đánh đập dã man. Bọn cai ngục ở An Điềm, chúng nghĩ ra nhiều hình thức trừng phạt tù nhân vô cùng độc ác: cách ly, không được nói chuyện, quan hệ với ai, không được ngủ trưa cho lại sức, tối về bị đấu tố, hành hạ, đánh đập, sỉ nhục hoặc ngồi nội quy (ngồi nhìn bản nội quy đến sáng), hoặc cúi khom lưng xuống nền nhà như tư thế người nông dân cấy lúa với một viên đá tròn đặt trên lưng, nếu viên đá rớt xuống sẽ bị đánh, nhẹ thì 1-2 tiếng đồng hồ, nặng thì đến 12 giờ khuya. Với một chính sách “khoan hồng” như thế, làm sao không kiệt sức cho được.
Người tù vượt biển đó bị một con đỉa bu vào sau tai trong lúc hì hục vác lúa đến máy tuốt, khi máu me bê bết anh mới hay. Trong nỗi khốn cùng tuyệt vọng, anh nói: “Tau đã khổ thế này mà mày còn hút máu tau nữa sao?!”
Mấy tên công an dẫn giải và quản lý đội của anh nghe câu nói đó. Chúng nó coi câu nói toát ra từ một con người tuyệt vọng có ẩn ý gì, nên anh bị gọi lại… và một trận đòn man rợ đã phủ xuống tấm thân tàn tạ của anh. Anh không đứng lên được nữa, người ta khiêng anh về đưa xuống trạm xá trại… Rồi nghe nói người ta đưa anh đi bệnh viện… nhưng từ đó không thấy anh đâu. Có người nói anh ta đã chết, có người nói anh ta được khoan hồng cho về với gia đình.
Vừa nghĩ miên man vừa hái rau, tôi nghe tiếng ai gọi, quay lại thấy anh Dương Văn Sỹ đang trong túp lều lợp lá dừa. Tôi đi về phía anh. Anh Sỹ còn rất trẻ, chỉ hơn tôi hai tuổi nhưng ở tù trước tôi mười năm với mức án chung thân. Anh Sỹ người tỉnh Sóc Trăng, nước da trắng hồng, tay chân và ngực đầy lông, anh phụ trách việc chăn nuôi heo gà cho đội. Anh đưa cho tôi một gáo nước dừa non… thật tuyệt vời!
Ở trại Xuân Phước này chúng tôi được uống nước dừa thường xuyên, có khi chúng tôi được thưởng công vài trái dừa non hoặc bỏ tiền ra mua, dù sao cũng có cơ hội được uống thứ nước tuyệt vời này.

Kẻng báo thức buổi chiều sớm hơn thường lệ. Chúng tôi bị lùa ra sân trại. Tại đây được bày biện sẵn một dãy bàn ghế phủ khăn sơ sài, mấy lọ hoa nhựa vô duyên đứng chơ vơ, nó cũng vô duyên như mấy khuôn mặt của Ban giám thị trại - vênh váo, kệch cỡm. Chúng tôi nhìn nhau không ai nói điều gì nhưng ai cũng hiểu là có vẫn đề gì đó liên quan đến việc phái đoàn thanh sát nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Tay phó giám thị của trại Xuân Phước thông báo cho chúng tôi biết với vẻ quan trọng thái quá thường trực ở con người này:
- Chiều nay các anh được nghỉ lao động,và để đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, Ban Giám Thị trại quyết định tổ chức buổi thực tập chống bão lụt. Các anh sẽ được Cán bộ hướng dẫn các kỹ năng cứu hộ, yêu cầu tất cả mọi người nghiêm chính chấp hành mệnh lệnh của cán bộ. Ai vi phạm sẽ bị kỹ luật nghiêm khắc.
Dứt lời một vỡ kịch thô vụng được dàn dựng, một số nhân sự đặc biệt của trại đóng vai người cứu hộ, nạn nhân là những người bệnh đang chết mòn chết dần trong trạm xá của trại vì không có thuốc được đem ra diễn, trông họ thật đáng thương. Phần nhiều trong số bệnh nhân này mắc bệnh hiểm nghèo như lao phổi, ung thư, tiểu đường, bại liệt. Họ được những người tù thường phạm được huấn luyện cõng hoặc đưa lên băng ca cán ra ngoài, không biết là đi đâu. Một ít đồ đạc cá nhân được mang theo.
Đội 12 chúng tôi được lệnh xuất trại. Lần này với hai cán bộ dẫn giải, như vậy chúng tôi sẽ được quản lý chặt chẽ hơn. Chúng tôi bị dẫn vòng vèo trên một con đường quanh co dưới bóng dừa. Sau đó băng qua một rẫy mía, lại về đến đội 12 nơi chúng tôi vẫn làm việc. Chúng tôi được chỉ định nghỉ giải lao, một nửa nghỉ trong lều, một nửa nghỉ trên bờ hồ.
Mười lăm phút sau, Đại úy Thăng - cán bộ quản giáo của đội bảo chúng tôi đi cắt cỏ cho cá… Một số anh em thấy khó hiểu? Anh Nguyễn Văn Trung vốn là người nóng tính, bộc trực lên tiếng hỏi
- Chiều này chúng tôi được nghỉ để thực tập chống bão lụt mà ?
Cán bộ Thăng cười gượng gạo:
- Nói thì nói thế, các anh ngồi không cũng buồn, giúp tôi cắt cỏ cho cá, sẽ có bồi dưỡng cho các anh.
Nói rồi anh ta bảo anh TMT đi hái dừa.
Trong số những cán bộ quản giáo. Tôi nhận thấy Thăng là một người khá biết điều, không quá khắc nghiệt như những cán bộ khác. Khi tôi mới vào trại Xuân Phước được biên chế vào đội 12, qua hai tháng thì chuyển qua đội 6 để làm gạch. Công việc trong lò gạch vừa nguy hiểm vừa nặng nhọc. Tên cán bộ quản giáo Nguyễn Văn Cát là người tham lam vô độ, hắn muốn vắt kiệt sức người tù. Lúc nào cũng chèn ép anh em nhưng khi gặp sự chống đối thì hắn lại nhượng bộ, được vài hôm hắn lại tìm cách khác để bóc lột sức anh em. Công việc sản xuất gạch mang lại cho hắn những món lợi kếch xù, nhưng hắn không bao giờ thoả mãn.
Mấy tháng ở đội 6 làm tôi vất vả, tuy không nghiệt ngã như ở An Điềm nhưng cũng khá nặng nhọc, hơn nữa tôi muốn có thời gian để đọc sách thêm nên tôi rất hay nghỉ việc mà không xin phép, viện lý do là không làm nổi. Tên Cát muốn kỷ luật tôi để dằn mặt anh em. Tổ chức họp đội để lên án và lấy ý kiến làm cơ sở để kỷ luật tôi nhưng tất cả anh em đều đứng về phía tôi, bảo vệ tôi, nhất là anh Hoàng Xuân Chinh, nên cuối cùng tôi chỉ bị cảnh cáo trước trại rồi chuyển về đội 12. Tôi thoát được hình thức kỷ luật nhưng cũng trầy trật và căng thẳng vì bị gọi đi làm việc liên miên mấy ngày ròng rã.
Cả đội đi cắt cỏ, anh TM Tuấn và mấy anh em khác đi hái dừa.
Chúng tôi chui vào rẫy mía để nhổ rau dền cho cá, trong rẫy mía có rất nhiều rau dền đỏ, chúng mọc dày trên mặt đất, có cây cao hơn gang tay, tạo thành một tấm thảm lỗ chỗ màu đỏ tía trông tuyệt đẹp. Thỉnh thoảng tôi cũng nhổ một ít về luộc ăn.
Ngồi khuất trong rẫy mía chúng tôi nói chuyện tương đối thoải mái. Ai cũng đồng ý đây là một vỡ kịch để đối phó với tình hình. Chúng tôi hiểu vừa rồi, họ đưa những người bệnh sắp chết đi giấu một nơi nào đó để khi phái đoàn đến, không nhìn thấy những thây ma vật vờ làm mất đi hình ảnh “ưu việt” của nhà tù CS, thay vào đó là những người khoẻ mạnh được đóng vai bệnh nhân. Chắc là trên đầu giường của những người đóng vai “bệnh nhân” đó đầy ắp những lon sữa, những hộp thuốc quý và thức ăn mà người bệnh nằm mơ cũng không thấy. Khi phái đoàn đi rồi, những hộp sữa, hộp thuốc, hay thức ăn đó được lấy lại cất đi.
Vở kịch này tôi đã mục kích tại trại giam An Điềm, lần đó là để quay phim.
Có đoàn làm phim từ trung ương về, vậy là họ biến chúng tôi thành những diễn viên bất đắt dĩ. Bản chất lừa bịp và coi thường công luận dẫn họ đến những hành động vượt quá ranh giới của sự dối trá…nên biến thành lố bịch.
Những người tù ở trại giam An Điềm kiệt sức vì công việc quá nặng nhọc, bàn tay rách toạt, tươm máu vì nhổ mạ hay cắt lúa được bố trí ngồi đọc sách ở thư viện được mở cửa vài năm một lần, những người bệnh chỉ còn da bọc xương nằm chờ thần chết đến rước… bỗng một ngày thấy mình nằm giữa đống thuốc và thức ăn đầy ắp ngon lành…được chiêm ngưỡng trong chốc lát những thứ mình khao khát đó… Rồi hình ảnh cán bộ CS kéo chăn đắp cho tù nhân… được chiếu trên Tivi cho người dân thấy được sự nhân ái của công an CSVN làm tôi thấy buôn nôn. Ở đất nước VN này, có ai không biết công an CS và sự tàn bạo của họ, chỉ cần có cơ hội là người dân sẽ tự phát đứng lên… và máu sẽ đổ thành sông… Họ sẽ mổ bụng, moi gan Việt cộng, có khi con cái những người này cũng bị vạ lây. Nghĩ đến viễn cảnh này, tôi muốn hoá thân thành bướm như Trang Tử để khỏi phải thấy… một ngày nào đó không xa.




(Phần 2)

Nhổ xong mấy gánh cỏ cho cá, chúng tôi vào lều nghỉ. Anh TMTuấn mang dừa đến cho mỗi người một trái... chúng tôi vừa uống nước dừa vừa thì thầm nói chuyện, ai cũng lo lắng. Nếu phái đoàn nhân quyền vào trại lúc này thì không gặp được chúng tôi mà chỉ gặp được những người do trại bố trí để nói những gì họ được chỉ định, như vậy là chuyến đi của phái đoàn coi như thất bại.

Trời mùa đông đến thật nhanh, mới đó mà con đường nhỏ và rặng cây trước mắt đã nhập nhoà, như thường lệ thì chúng tôi đã về trại rồi. Anh Nguyễn Văn Trung giục anh Ngô Bích đội trưởng đến hỏi cán bộ Thăng sao chưa cho anh em về. Anh Ngô Bích ngần ngại một chút rồi đứng dậy đến hỏi: “Anh em về đựơc chưa cán bộ, đã trể rồi - còn tắm táp và ăn tối nữa chứ.” (Anh Bích nói thêm như để giải thích).
- Chưa có lệnh, các anh ráng chờ một chút.

Chúng tôi nhìn về phía trại… ánh đèn vàng ệch từ dẫy bóng tròn treo lủng lẳng trên hàng rào thép gai bao quanh trại làm dâng lên nỗi buồn thê lương. Khi những giọt mưa lất phất bay, tôi chợt nhớ đến các con. Bây giờ TV, KV, TH đã đi học về chưa? Con đường làng ngập bùn đất và xa thăm thẳm..mùa đông xứ Quảng thì nghiệt ngã, mà các con thì còn bé quá. Các con tôi đâu có tội tình gì? Có chăng chúng chỉ là con của một người cha dám lên tiếng phản kháng lại một thế lực bạo quyền đã dìm đất nước trong bất công, đói nghèo và lạc hậu. Chế độ đã tước đi của người dân tất cả: Từ của cải đến nhân phẩm, nhân quyền và cả ngay lúc này đây họ vẫn tiếp tục dùng vũ lực và sự dối trá để duy trì và bảo vệ ngai vàng của họ.

Mỗi lúc mưa lại càng nặng hạt, chung quanh tối om không nhìn thấy người bên cạnh. Từ trong bóng đêm, anh Trung hỏi:
- Cán bộ tính sao chứ anh em đói và mỏi mệt quá rồi. Nếu ở lại ngoài này thì cho anh em về mang cơm nước gì chứ ông.
Tiếng anh Trung cười dòn dã, mọi người cười theo vì ai cũng biết làm gì có chuyện ở lại ngoài này. Thăng không nói gì, ánh đèn bin trong tay quét loang loáng trong đêm. Có tiếng máy bộ đàm sôi rè rè, tiếng cán bộ Thăng trả lời: Dạ vâng… dạ vâng ạ.
Sau đó cán bộ Thăng bảo anh Ngô Bích cho anh em điểm danh để về trại.
Chúng tôi lần mò từng bước trong đêm. Con đường tuy quen thuộc nhưng bây giờ không thấy gì. Trong đội có nhiều người đã cao tuổi, ốm yếu. Ánh đèn bin tiếp tục quét qua quét lại cho chúng tôi đi.
Về đến trại, ai cũng vội vàng đi lấy nước tắm. Cơm được chia trong buồng giam vì cửa buồng đã đóng.
Nhìn thau cơm trắng tinh, những thau thức ăn ngon lành, cá chiên, rau xào và thịt kho. Chưa bao giờ chúng tôi được trại cho ăn như thế. Kể cả những ngày Tết cũng rất đơn sơ. Chúng tôi biết những món ăn này là dùng để quảng cáo, tất cả đều dối láo. Anh em nhìn nhau cười. Khi sự dối trá đã bắt đầu thì khó lòng dừng lại ngoại trừ kẻ dối trá là một con người can đảm hoặc những người bị dối gạt phải đứng lên. Không biết nó (những món hàng quảng cáo này) đã làm xong nhiệm vụ của mình chưa.

Buổi tối hôm nay thật vui… vui vì anh em được một bữa cơm ngon để bồi dưỡng cho những cơ thể suy nhược vì thiếu đói. Có rất nhiều anh em không có gia đình, không thăm nuôi, không quà. Thậm chí có vài trường hợp đã ở tù 10 năm mà không nhận được thư từ, thông tin gì về gia đình. Có những việc đau lòng xảy ra mà trí tưởng tượng con người khó hình dung nỗi.

Vì phòng vệ sinh chật chội nên mọi người phải nhường nhau. Cứ hình dung căn phòng một chiều 6m, chiều 10m.
Và phòng vệ sinh 6m x 3m mà có đến 100 con người ở trong đó…
Chỗ ngủ có hai tầng… những người lớn tuổi vì không thể leo trèo nên ở dưới, những người trẻ hơn hoặc còn khoẻ thì ngủ ở trên.

Mùa đông thì còn chịu được vì thời tiết mát mẻ, nhưng mùa hè thì thật đáng sợ, nóng chẳng khác gì cái lò bánh mì. Dưới mái nhà lợp tôn là tấm lưới chống B40, từ sàn gỗ đến mái tôn khoảng 2.5m. Mùa hè, để nghỉ ngơi buổi trưa tôi phải nhúng nước một tấm chăn lớn, vắt sơ sài để nước khỏi chảy thành dòng rồi căng lên để tránh bớt sức nóng như thiêu đốt vậy mà vẫn không ngủ được, mồ hôi tuôn ra nhầy nhụa, cứ chập chờn nửa tỉnh nửa mê, khi tiếng kẻng báo thức vang lên, thu tấm chăn xuống, nó khô giòn trên tay.
Cơm xong tôi ngồi uống trà và chờ cho mọi người làm vệ sinh hết rồi, đến gần 10 giờ đêm tôi xuống nhà tắm toilet chải răng và tắm qua quýt, vừa leo lên đến chỗ nằm thì mất điện. Căn nhà tối om… tôi ngồi bó gối trong khoảng tối chờ người trực đêm thắp đèn. Hai cây đèn dầu nhỏ ở hai đầu căn buồng không đủ ánh sáng anh Dương Văn Sỹ thắp một mẫu đèn cầy nhỏ để tôi giăng mùng, anh nói nhỏ với tôi:

- Có lẽ bây giờ phái đoàn mới đến, tụi nó tắt đèn để không ai nhìn thấy gì ở đây.
Tôi cũng nghĩ như vậy… thực tập chống bão lụt là vỡ kịch mà họ không cần diễn cho đến nơi đến chốn, giữa chừng thì bỏ dở, họ mang chúng tôi đi dấu để phái đoàn Nhân quyền quốc tế không tiếp xúc được và họ cũng không cần che đậy hay giấu giếm ý đồ của mình. Cho đến lúc này, chúng tôi vẫn chưa có thông tin gì, chỉ phán đoán như thế. Còn chuyện cắt điện cũng có thể chỉ là ngẫu nhiên thôi vì năm 1994, ở trại Xuân Phước chưa có mạng lưới điện quốc gia. Cả trại dùng một cái máy phát cũ kỹ nên chuyện cắt điện vẫn thường xảy ra.

Sáng ra, chúng tôi nhận được tin của anh em báo cho biết là phái đoàn thanh sát nhân quyền LHQ đã đến trại vào đêm qua. Họ được trại hướng dẫn đi thăm các khu trại giam và phái đoàn đã bị chi phối hoàn toàn. Những cò mồi của trại đã cung cấp cho phái đoàn những thông tin sai lạc… họ được hướng dẫn đến thăm khu của thường phạm, nhưng đề phòng có ai đó không chịu nỗi sự bất công và nghiệt ngã của nhà tù có thể nói ra những điều bất lợi cho chế độ nên tay trưởng an ninh của trại là đại uý Lâm.. răn đe họ rằng: “Tây đến rồi Tây lại đi… chỉ còn có người Việt Nam chúng ta ở lại với nhau. Các anh muốn nói gì thì cũng phải nghĩ đến tương lai và số phận của mình. Tây thì xa mà chúng tôi thì gần… nước xa sao cứu được lửa gần”.

Buổi mai hôm đó chúng tôi bỏ cơm để hội ý, anh Phạm Văn Thành và anh Phạm Anh Dũng đề nghị:
- Biết đâu phái đoàn vẫn còn ở lại và làm việc với Ban giám thị ngoài kia. Chúng ta tổ chức bãi công và hô khẩu hiệu. Khi chúng tôi (PVT và PAD) hô: Nhân quyền cho Việt Nam bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Pháp thì các anh hô thật lớn 3 tiếng “Nhân quyền! Nhân quyền! Nhân quyền!” cũng bằng 3 thứ tiếng trên.

Sau khi tham khảo ý kiến chớp nhoáng với một số anh em chúng tôi đồng ý để 3 người là Phạm Văn Thành, Phạm Anh Dũng Nguyễn Ngọc Đăng hướng dẫn và lãnh đạo cuộc đấu tranh này vì dù sao họ cũng là những người có hậu thuẫn từ các nước dân chủ. Anh Phạm Anh Dũng: Quốc tịch Pháp, anh Phạm Văn Thành: thường trú nhân. Anh Nguyễn Ngọc Đăng quốc tịch Canada. Dù sao họ cũng được sự bảo vệ của các quốc gia đó và họ cũng có kinh nghiệm trong việc đấu tranh bất bạo động. Một số người tuy không đồng ý nhưng cũng không phản đối… số nữa thì lưng chừng, vì sĩ diện. Bên ngoài có vẻ đồng ý nhưng không tham gia nhiệt tình.

Khi cán bộ trực trại vào mở của khu để chúng tôi xuất trại thì anh Phạm Văn Thành, Phạm Anh Dũng Nguyễn Ngọc Đăng cùng chúng tôi ra trước sân của khu thay phiên nhau hô to:
- Nhân quyền cho VN!
Đồng loạt, các anh em dơ nắm tay lên hô vang:
”Nhân quyền! Nhân quyền! Nhân quyền !”
Những tiếng hô lớn vang dội cả trại làm cho Đại uý công an trực trại tên là Đa và những người trật tự đi theo kinh ngạc. Đa đứng sững sờ không biết chuyện gì. Chúng tôi tiếp tục: “Nhân quyền! Nhân quyền! Nhân quyền!”, mấy tay công an đứng gác ở chòi cao cũng há hốc mồm nhìn xuống… dưới sân lố nhố người với những cánh tay vung lên mạnh mẽ và quyết đoán trong giọng hô hào hùng, đanh thép của những người con yêu nước Việt Nam.

Lịch sử của đất nước VN cũng đã có nhiều lần như thế và âm vang vẫn còn vang vọng trên sông núi nước Việt, đó là tiếng thét của đội quân Tây Sơn khi tiến quân ra Bắc Hà đánh tan quân Thanh. Hay những tiếng thét vang lên trong hội nghị Diên Hồng và tiếp nối truyền thống hào hùng bất diệt đó, chúng tôi những người tù chính trị tại A20 Xuân Phước đã vượt qua sự sợ hãi hô vang lên tiếng thét đòi nhân quyền, nhân phẩm.

Những người tù thường phạm đang tập trung ở ngoài sân trại chuẩn bị đi làm đổ xô đến xem. Họ vô cùng kinh ngạc, trên nét mặt hiện rõ vẻ vừa thán phục vừa lo sợ cho chúng tôi. Cán bộ Đa không nói gì, lặng lẽ rút lui và đuổi tất cả mọi người đang tò mò đứng nhìn. Đóng cửa khu A. Còn chúng tôi, những người tù chính trị của chế độ trong những bộ quần áo tù bạc thếch, lôi thôi, những cánh tay gầy trơ xương vẫn tiếp tục vươn cao mạnh mẽ oai hùng, tiếng hô vang động cả một góc trời. Hy vọng những tiếng hô vang này sẽ đánh động lương tri nhân loại văn minh, sẽ đên được với LHQ để mọi người trên thế giới biết rằng: Tại VN, một đất nước ở vùng Đông Nam Á, một chế độ độc tài đã cướp đi tất cả nhân quyền cơ bản của con người.

2 tiếng đồng hồ trôi qua vẫn không có động tĩnh gì từ phía trại. Chúng tôi vẫn tiếp tục hô để đòi hỏi nhân quyền và hy vọng sự lắng nghe của phái đoàn Liên hiệp quốc.
Tôi thấy anh Phạm Văn Thành rất căng thẳng, vì sau bản phúc trình anh gởi ra ngoài cho công luận quốc tế biết về những vi phạm nhân quyền và tội ác của chế độ CSVN, anh trở thành đối tượng số 1 của Trại… thêm lần này nữa, anh đã đánh một đòn đau vào chế độ. Họ có để anh yên không? Tính mạng của anh đang bị đe doạ cho dù anh có là thường trú nhân của Pháp. Không căng thẳng sao được, tôi rất hiểu tâm trạng của anh.
Buổi trưa hôm đó chúng tôi ăn vội vàng, chờ cho mọi người đi ngủ trưa… một số anh em can đảm dám dấn thân họp nhau lại ở phòng ăn (vừa là nơi nấu ăn của tù nhân, buồng 2 khu A) để soạn một bản kiến nghị gởi giám thị trại và một bản nữa gởi ra ngoài bằng con đường riêng mà các anh Phạm Văn Thành, Phạm Anh Dũng Nguyễn Ngọc Đăng đã móc nối và thiết lập được. Tôi cũng tham gia góp ý kiến vào kiến nghị đó. Anh Vũ Đình Thụy chấp bút, những người ký tên tham gia tuyệt thực để phản đối những hành vi vi phạm nhân quyền và nhân phẩm của BGT trại A20 Xuân Phước gồm có:

- Phạm Văn Thành, Phạm Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Đăng, Trương Nhật Tân, Hoàng Xuân Chinh, Trần Nam Phương, Trần Đức Hào, Trần Minh Tuấn, Vũ Đình Thụy, Trần Văn Lương, Lê Thiện Quang, Lê Văn Điểm, Nguyễn Văn Trung và tôi Huỳnh Ngọc Tuấn.
Buổi chiều ngày hôm đó BGT trại Xuân Phước cho gọi các anh đội trưởng của các đội 12, 17, 2 ra làm việc. Họ yêu cầu các anh ấy về thuyết phục anh em đi làm, chấm dứt đấu tranh. Anh Phạm Văn Thành đại diện cho anh em trả lời họ rằng sẽ tiếp tục đấu tranh.
Chúng tôi vẫn tiếp tục vừa đi dạo trên sân vừa hô to: Nhân quyền cho VN! Nhân quyền cho VN!
Chiều hôm đó những người ký tên vào bản kiến nghị không nhận cơm.
Đội nhà bếp ở buồng kế bên cùng khu, đội này tập hợp những người có mức án cao từ 20 năm đến chung thân và gồm phần lớn các anh em từ hải ngoại về thuộc tổ chức Hoàng Việt Cương. Họ không trực tiếp tham gia đấu tranh, họ chỉ qua lại để động viên chúng tôi. Anh Lê Hoàn Sơn là thường trú nhân tại Pháp đến gặp từng người để thăm hỏi và cổ vũ cho chúng tôi.

Buổi tối hôm đó, chúng tôi họp bàn những khả năng mà công an Việt cộng có thể dùng để trấn áp. Lần đầu tiên chúng tôi tiến hành một cuộc đấu tranh tập thể bằng phương pháp bất bạo động.

Hôm nay nghĩ lại thấy đa phần anh em lúc đó chưa có kỷ năng để tiến hành một cuộc đấu tranh như vậy, và cũng chưa lường hết hậu quả của nó. Chúng tôi chỉ có tấm lòng đầy nhiệt huyết.

Một đêm trôi qua trong hồi hộp và chờ đợi, nghe một số anh em là tai mắt của mình cho biết: Rất nhiều công an được huy động đến, rải ra dày đặt bên ngoài, việc thân nhân đi thăm nuôi cũng bị đình chỉ hoàn toàn. Bộ công an đã cho người về chỉ đạo trực tiếp.

Buổi sáng ngày hôm sau.
Chúng tôi tiếp tục cuộc đấu tranh, những tiếng hô vang dội giữa rừng sâu núi thẳm. Xuân Phước được mệnh danh là “Thung lũng tử thần” đang chứng kiến một việc chưa từng thấy kể từ ngày CS cưỡng chiếm miền nam. Một cuộc đấu tranh sẽ đi vào lịch sữ của trại tù CSVN. Chúng tôi tiên liệu sẽ bị đàn áp: nhưng chúng tôi sẽ không mãi mãi cúi đầu. Chúng tôi hy vọng rằng: Cuộc đấu tranh này sẽ được nhân dân biết đến như một cách làm xói mòn quyền lực tưởng như bất khả xâm phạm của CS.

Việc gì rồi cũng bị lãng quên, cuộc đấu tranh này cũng có thể đi vào quên lãng, nhưng nó sẽ mãi mãi sống trong lòng những người tù chính trị chúng tôi.
9h sáng: BGT bắt loa kêu gọi chúng tôi chấm dứt đấu tranh..nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục hô to khẩu hiệu Nhân quyền …Việt Nam.
Để không ai nghe thấy vì nhà thăm nuôi gần đó, những người nông dân thường đi làm ngang qua đó, BGT trại XP cho mắc một số loa phóng thanh và phát những bài hát để át tiếng chúng tôi buộc lòng chúng tôi phải gào thật to.
Một buổi trưa đi qua trong căng thẳng. Bây giờ thì không ai có thể nghỉ ngơi kể cả những người thờ ơ nhất…

Khi tiếng kẻng báo thức buổi chiều vang lên.. BGT và rất nhiều công an trại giam tập trung bên ngoài cánh cửa của khu A. Với loa phóng thanh cầm tay, họ tiếp tục kêu gọi chúng tôi chấm dứt đấu tranh kèm với lời đe doạ sẽ có biện pháp mạnh.
Chúng tôi rút vào phòng, mỗi người ngồi vào chỗ của mình và tiếp tục hô khẩu hiệu. 30 phút sau, BGT và rất nhiều công an trang bị mặt nạ chống độc, lựu đạn cay cầm tay, một số đông cầm dùi cui… và có vài chục người đựơc tuyển chọn từ đội thường phạm… họ là những người khoẻ mạnh lực lưỡng,trẻ và nhanh nhẹn. Những người này tôi gọi nôm na là lực lượng đặc biệt của trại.

Cán bộ Nhuận, một người có dáng dấp dễ coi, rất bảnh trai lúc đó là thượng uý phụ trách văn hoá của trại. Con người này có cách hành xử, thái độ và ngôn ngữ trái với vẻ bề ngoài. Đây là một cán bộ điển hình về sự hung bạo và thủ đoạn. Sự hà khắc quá mức đối với anh em.
Nhuận xuất hiện trước cửa phòng, trong tay cầm danh sách những người tù hiện diện trong buồng số 2 khu A, phía sau y là một đám công an lạ mặt, những anh em ở đây lâu nhất cũng không nhận ra. Tay cầm lựu đạn, một số mang mặt nạ chống độc và dùi cui điện. Y đọc tên từng người và yêu cầu mang đồ đạt ra khỏi buồng giam. Có một vài người không chịu nỗi áp lực, không thắng nỗi sự sợ hãi đã bỏ hàng ngũ của anh em để đi ra.
Điểm đến người cuối cùng trong danh sách, hắn thông báo cho chúng tôi biết:
- Chúng tôi cho các anh 30 phút để bàn bạc, sau 30’ chúng tôi sẽ sử dụng mọi phương tiện , hắn chỉ ra phía sau đám công an hùng hổ.
Có một điều làm tôi vô cùng cảm động và thán phục… trong buồng giam số 2 Khu A lúc đó có gần 20 cụ già, họ đã ở tù mười mấy năm, thân thể hao mòn, hom hem, đi lại khó khăn. Có những anh tuy còn trẻ nhưng vì bị tra tấn hành hạ cộng với cuộc sống nghiệt ngã đã trở thành phế nhân. Như anh Thành người Huế, Anh chỉ còn da bọc xương, một thân thể tàn tạ nhưng có nụ cười thân thiện. Chỉ một lần gặp, vài lần tiếp xúc, chúng ta sẽ không thể quên được anh. Những người này sẽ phải thế nào nếu những quả lựu đạn kia ném vào. Tổn thất sinh mạng của anh em là vô cùng lớn. Chúng tôi những người trẻ khoẻ và đi đầu trong cuộc đấu tranh này, được những con người này tin cậy, họ sát cánh cùng chúng tôi bất chấp hiểm nguy. Họ giao phó tính mệnh cho chúng tôi. Nhìn họ, tôi thấy rất thán phục nhưng không kém phần ái ngại. Vì họ chúng tôi đi đến một quyết định hết sức khó khăn… Chấm dứt cuộc đấu tranh.

 

(Phần 3)
Khi lực lượng công an quay trở lại và sẵn sàng đàn áp, Anh Phạm Văn Thành đại diện cho chúng tôi đồng ý chấm dứt cuộc đấu tranh và mọi người với đồ dùng cá nhân dọn ra sân.

Chúng tôi tập hợp ở ngoài sân trong khu A trước cửa buồng số 2 thành 5 hàng dọc và một cuộc đấu khẩu đã diễn ra. BGT trại Xuân Phước cáo buộc chúng tôi vi phạm nội qui trại giam. Chúng tôi phản bác lại bằng một ý kiến đã thống nhất từ trước: Chúng tôi chỉ bảo vệ nhân quyền và nhân phẩm của chúng tôi: Trại đã vi phạm nhân quyền khi không cho chúng tôi tiếp xúc với phái đoàn LHQ để nói lên những yêu cầu và quan điểm của mình,nói lên thực trạng tại nhà tù CSVN.

Xúc phạm đến nhân phẩm của chúng tôi vì BGT đã dàn dựng vỡ kịch rồi đem chúng tôi đi giấu không cho chúng tôi có cơ hội để gặp phái đoàn LHQ. Chúng tôi đấu tranh ôn hoà để bảo vệ quyền làm người của chúng tôi, điều này không hề vi phạm nội quy, nếu có vi phạm nội quy thì chính cái nội quy này đã vi phạm nhân quyền và cần phải được thay đổi.

Tay thiếu tá giám thị trại A20 nói:

- Các anh nói chúng tôi vi phạm nhân quyền. Vậy có ai ở đây tước cái quyền ăn, quyền hít thở khí trời của các anh đâu.
Không biết ông Giám thị dốt hay khiêu khích chúng tôi bằng cái giọng điệu ngu ngốc và trịch thượng, khi nhân quyền chỉ được hiểu như là quyền ăn uống hay hít thở khí trời, như vậy họ coi chúng tôi chỉ bằng động vật. Phạm Văn Thành đứng dậy, dáng anh cao lớn và đẹp như một diễn viên điện ảnh trong bộ đồ tù.

- BGT hiểu nhân quyền là quyền ăn uống và hít thở khí trời thì rõ ràng BGT coi chúng tôi như những con vật. Tôi xin nhắc lại một cách nghiêm túc:Nhân quyền là những giá trị được minh định trong công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị. Trong tuyên ngôn quốc tế nhân quyền mà nhà nước XHCN Việt Nam đã tham gia ký kết.
Anh Nguyễn Ngọc Đăng cũng đứng lên:

- Và chúng tôi yêu cầu BGT ở đây và Nhà nước CHXHCNVN phải tuân thủ những gì mình đã ký, thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một nước thành viên LHQ.
Mọi người ồ lên một chút tán thưởng, nhưng để không trở thành sự thách thức đối với những con người kém hiểu biết nhằm tránh những phản ứng đáng tiếc xảy ra.
Anh Thành quay lại phía sau cười với anh Nguyễn Ngọc Đăng, nụ cười ý nhị vừa vui mừng vừa thầm cảm ơn người đồng đội của mình.
Cảm thấy không thể tranh luận về vấn đề nhân quyền với chúng tôi, nhất là những người đã sống ở các nước Dân chủ văn minh như: Mỹ, Pháp, Úc, Canada.v.v. Một người trạc ngoại 40 tuổi, mặc thường phục từ nãy đến giờ vẫn đứng quan sát chúng tôi lên tiếng:
- Các anh nên nhớ ở đây là VN, VN có luật pháp của VN, và chúng tôi sẽ làm theo cách của chúng tôi.
Thành dõng dạc nói với họ
- Nếu các anh phủ nhận những gì nhà nước này đã ký thì không còn gì để nói ở đây cả, nhưng chúng tôi khẳng định lại một lần nữa. Chúng tôi không vi phạm nội qui mà các ông cứ cố tình ép chúng tôi thì đây:
Thành giơ hai tay ra làm như để tra vào còng. Tay công an chỉ huy ra lệnh còng tay anh Phạm Văn Thành và nói:
- Đưa nó vào kỷ luật.
Anh Nguyễn Ngọc Đăng bước ra khỏi hàng tiến về phía trước mấy bước:
- Chúng tôi sẵn sàng vào kỷ luật để chứng minh lẽ phải của mình, và chúng tôi sẽ bảo vệ lẽ phải bằng bất kỳ giá nào.
BGT và những người đi theo hơi sững sờ, vì trong thâm tâm họ không muốn đụng tới anh Nguyễn Ngọc Đăng vì dù sao anh cũng là công dân Canada. Ngần ngại một chút họ quyết định:
- Đưa anh này đi luôn
Và họ còng tay anh Nguyễn Ngọc Đăng dẫn đi cùng với Phạm Văn Thành. Tay giám thị quay về phía chúng tôi hỏi vẻ thách thức:
- Còn ai muốn đi cùm nữa không?
Anh Nguyễn Văn Trung từ dưới bước lên:
- Tôi sẽ đi cùng với anh em tôi, tôi sẽ bảo vệ chân lý đến cùng.
Anh Trung quay lại hướng về chúng tôi:
- Các anh em ở lại giữ gìn sức khoẻ
Chúng tôi đã hiểu ý anh Nguyễn Văn Trung và chúng tôi đã thoả thuận với nhau, dù sao cũng phải bảo vệ những người trong nhóm: “Thập tam Thái Bảo” để đối phó với tình hình. Không nên kéo nhau vào kỷ luật hết, phải có người ở ngoài để giúp đỡ các anh em ở trong biệt giam.
Lần này thì BGT càng ngạc nhiên hơn vì họ không ngờ rằng có những con người như vậy. Tay giám thị chỉ còn biết nói:
- Tôi lầm anh Trung rồi anh Trung ạ, tôi tưởng anh biết điều hơn.
Vậy là chúng tôi bị xé nhỏ ra từng mảnh, mỗi người về một khu để không liên lạc được với nhau. Đội 12 của tôi về khu C ở chung với những đội thường phạm.
Sau đó họ buộc chúng tôi viết kiểm điểm nhưng chúng tôi chỉ viết tường thuật để trình bày quan điểm của mình.
Trong những bản tường thuật đó, anh em vẫn giữ lập trường kiên định về những gì đã xảy ra.

Buổi tối hôm đó tôi không ngủ được. Hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Đăng cứ ở trước mắt, dáng người thấp đậm, giọng Bắc kỳ pha Sài Gòn, con người tưởng chừng dễ dãi, nóng vội không ngờ lại hành động quả cảm và đầy trí tuệ như vậy. Tôi tiếc là không có cơ hội tiếp xúc với anh sớm hơn. Bây giờ anh đã ở trong biệt giam, rồi sẽ thế nào đây? Chắc chắn là họ sẽ tìm cách trù dập chúng tôi và sẽ chuyển mỗi người đi mỗi nơi để cách ly và trừng phạt. Chúng tôi chờ đợi cái ngày ấy, không biết còn có cơ hội gặp được con người này nữa không. Anh Đăng đã tạo cho tôi một ấn tượng tuyệt vời.
Mấy ngày sau đó có một đợt chuyển trại, trong chuyến đi này, những nhân vật đứng đầu các tổ chức hoặc những nhân vật chính quyền cho là nguy hiểm như: Phạm Văn Thành, Phạm Anh Dũng, Nguyễn Ngọc Đăng, Nguyễn Văn Muôn, Phạm Đức Khâm, Trần Văn Lương, Lê Thiện Quang, Mai Đức Chương, Đỗ Hồng Vân, Lê Hoàn Sơn.

Chúng tôi vẫn còn ở lại và gặp rất nhiều khó khăn. Trước đây trại vẫn mở cửa để anh em có thể đi từ khu này đến khu khác và được dạo chơi ở ngoài sân của trại. Ở đó có một hồ nước nhỏ khoảng 20m2, một hòn dã sơn và những con cá đủ màu vàng trắng. Buổi chiều đi làm về, ăn vội bát cơm rau, mấy anh em vội vàng tụ tập ở đó để bàn thảo tình hình chính trị thế giới và thông báo cho nhau những tin tức từ bên ngoài, nơi những anh em đi làm tự giác mang về. Những thông tin quý giá mà tôi nhận được là từ anh Nguyễn Văn Thoại, anh Thoại làm việc ở nhà thăm nuôi, cũng có nhiều nhận xét không tốt về anh, đó là thời gian tôi chưa có mặt ở đây. Nhưng khi tiếp xúc với anh tôi thấy anh là người dễ mến, nặng tình cảm, hơi yếu đuối và thiếu bản lĩnh, kiến thức chính trị cũng còn hạn chế. Cũng dễ hiểu thôi, đây là thực tế vì đa số anh em chúng ta khi tham gia một tổ chức phản kháng nào đó để chống lại một chế độ độc tài toàn trị và vô cùng hà khắc, họ còn rất trẻ. Đa số họ chưa có gia đình, chưa có người yêu, chỉ mới ngoài đôi mươi. Thời cuộc đất nước đảo điên đã đẩy họ vào vòng xoáy khi họ hoàn toàn chưa được trang bị những hiểu biết về chính trị, mà họ đâu có làm chính trị. Họ chỉ là những con người can đảm, có tấm lòng yêu nước, bất bình trước sự bạo ngược của một chế độ vô thần, cực đoan và ngu dốt đang đưa đất nước tới hố thẳm và họ chống lại bằng tất cả những gì họ có, họ chống lại chế độ cường quyền vì sự thôi thúc của lương tri.

Nhưng trong số đó có rất nhiều người ưu tú. Họ là những bác sĩ, kỹ sư, giáo sư, các nhà lãnh đạo tôn giáo, nhà văn, nhà báo, nhạc sĩ, thi sĩ, hoạ sĩ, một số là cựu sĩ quan của chế độ VNCH và cũng có những người làm chính trị chuyên nghiệp nữa.
Giáo sư Đoàn Viết Hoạt là một người tiêu biểu, ông được sự quý trọng của tất cả mọi người vì ngoài kiến thức uyên bác, còn có một tình cảm thiết thân với anh em. Ông còn thể hiện cái bản lĩnh của một người lãnh đạo. Trong nhà tù CSVN, nơi tính mạng của con người không hơn một tờ “biên bản” như những người cộng sản vẫn nói.

Ông đã tạo một diễn đàn để giải đáp những thắc mắc, những ưu tư của anh em tù chính trị…về hiện tình đất nước và thế giới. Ông sẵn sàng đến gặp gỡ và trao đổi với anh em.

Trong trại tù Xuân Phước lúc đó đã hình thành những nhóm, những câu lạc bộ, những hội đồng hương, và ông đã đến với họ để trao đổi và có khi là tranh luận bất chấp những nguy hiểm đến với ông. Khi giáo sư bị chuyển ra Bắc, tôi rất buồn và tiếc vô cùng, nhiều anh em khác cũng thế, diễn đàn chính trị Xuân Phước vắng mất một vị “chủ soái”.
Tôi có một may mắn đựơc tiếp xúc với giáo sư trong một buổi gặp mặt đồng hương Quảng nam gồm có: Anh Trương Nhật Tân, Trần Nam Phương, Hoàng Xuân Chinh, chú Nguyễn Xuân Đồng, anh Trần Đức Hào…, anh Tân là người đại diện anh em Quảng Nam mời.
Lần đầu tiên gặp gỡ, tôi có ngay một ấn tượng: Đây là một con người đặc biệt, có sức cuốn hút mãnh liệt, cuốn hút người khác bởi kiến thức quảng bác và sự thân mật. Tôi có cảm giác là mình như đã thân thiện với ông từ lâu lắm. Tôi nghe anh Nguyễn Văn Thoại nói về bà Trần Thị Thức vợ của giáo sư Hoạt. Bà cũng là một con người đặc biệt, cũng là giáo sư tiến sĩ, cũng là một nhà hoạt động dân chủ. Bà có kiến thức rộng và sức cuốn hút người khác như chồng mình.

Trong một lần bà Trần Thị Thức đi thăm giáo sư Hoạt, bà Thức thông báo cho giáo sư biết những thông tin mà chế độ cho là nhạy cảm, ông giám thị trại Xuân phước đề nghị ông, bà không được nói chuyện chính trị, chỉ nói chuyện gia đình. Giáo sư Hoạt đã trả lời một cách rất hùng biện:
- Chuyện chính trị là chuyện của gia đình tôi.
Và họ tiếp tục nói về những đề tài chính trị, bất chấp sự không hài lòng của ông giám thị.

Khi tin này lan ra khắp nhà tù Xuân Phước, BGT trại biết ngay ai là người đưa thông tin đó.

Sau khi nhận biết anh Thoại cung cấp thông tin cho anh em. Trại A20 không cho anh làm ở nhà thăm nuôi nữa, từ đó một kênh thông tin đã bị cắt.

Khi Gs Đoàn Viết Hoạt gởi bản điều trần đến LHQ về giải pháp chính trị cho tình hình dân chủ hoá Việt Nam làm đau đầu nhà cầm quyền Hà Nội. Cộng với những hoạt động của giáo sư ở trong tù và nhận thấy những ảnh hưởng của giáo sư trong anh em tù chính trị nhất là những anh em trẻ.

Chính quyền CS đã quyết định chuyển giáo sư ra Bắc, mục đích là để trừng phạt ông và cách ly giáo sư khỏi chúng tôi.
Trại A20 Xuân Phước khi thiếu giáo sư Đoàn Viết Hoạt, anh em cảm thấy hụt hẩng, diễn đàn chính trị mất đi một người lãnh đạo. Rất nhiều cuộc hẹn không thực hiện được trong đó có cuộc hẹn của nhóm Quảng Nam với giáo sư Hoạt. Tôi rất tiếc và cảm thấy mất mát một cái gì đó to lớn.

Tôi có một cơ duyên nữa khi gặp chú Phạm Đức Khâm, nhân vật số 2 của diễn đàn dân chủ, mấy tháng được sống gần chú là những ngày đáng ghi nhớ trong tù. Tôi học được từ chú ấy rất nhiều. Chú đã nói cho tôi nghe về những biến cố trọng đại của đất nước về chế độ VNCH, về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam, quan hệ Mỹ, Nga, Trung trong quá khứ và hiện tại với những hệ luỵ của nó đối với Việt nam .Những lượng định chính trị trong tương lai về một trật tự thế giới mới.
Tôi cảm nhận ở nơi chú một tấm lòng quảng đại, nhân hậu, một kho tàng những kinh nghiệm và kiến thức cho những người trẻ như tôi. Tôi vô cùng biết ơn chú. Trong lòng tôi, Chú Khâm mãi mãi là người Thầy đáng kính-người chú thân tình đã giúp đở dìu dắt tôi trên một đoạn đường chông gai.

Giờ đây, chú Khâm, anh Thành, anh Đăng và một số anh em khác nữa đều bị chuyển đi. Chúng tôi như bầy chim bị bão dữ tấn công tan tác, nhưng dù cho đàn chim có tan tác nhưng từng con chim vẫn hiên ngang vững vàng, cho dù gục ngã cũng gục ngã trong vinh dự và niềm tin vào công lý và tự do.
Buổi sáng ngày cuối cùng của năm 1994, chúng tôi được lệnh chuyển trại. Tôi thu xếp đồ dùng cá nhân vào mấy cái hộp giấy ộp ẹp rồi dùng những sợi dây vải buộc chúng lại thật kỹ. Đây là những vật dụng cần thiết cho sinh hoạt của một người tù cho dù nó hạn chế đến mức không thể hạn chế được nữa. Cuộc sống và sinh hoạt của một người tù trong chế độ lao tù CS bị đơn giản đến mức vượt quá sự nghèo nàn, chỉ có tư tưởng của họ là được tự do…Chính tại nơi đây, một thế giới của bệnh tật, đói rách, tra tấn, khủng bố đã ra đời những tác phẩm nghệ thuật quý giá. Chính tại nơi nầy, nhà tù cộng sản những thi phẩm-nhạc phẩm, tiểu thuyết đã ra đời hoặc được thai nghén. Nơi tận cùng của bất hạnh là niềm cảm hứng và cũng là nơi phải trả những cái giá quá đắt quá khủng khiếp cho những sáng tạo đó:

- Giáo sư Đoàn Viết Hoạt với Tiến trình Dân chủ hoá VN.
- Anh Phạm Văn Thành với phúc trình và những tội ác về sự vi phạm nhân quyền của chế độ.
- Anh Vũ Đình Thụy 12 năm tù với một tập thơ.
- Anh Hoàng Xuân Chinh, Trần Nam Phương, Trương Nhật Tân bị kỷ luật vì những bài thơ của mình .
- Riêng phần tôi suýt bị cùm vì mấy trang nhật ký.
Chúng tôi tập trung ngoài sân trại với những đồ đạt cá nhân. BGT cố tình hạn chế tối đa những gì chúng tôi mang theo. Họ buộc chúng tôi bỏ lại những vật dụng cần thiết với lý do là xe không đủ chỗ. Có một số người lờ đi không nghe, bao giờ cũng vậy, người cai trị muốn bóp nghẹt những người bị trị, càng nghẹt càng tốt, bóp đến tận cùng và đâu là giới hạn của sự tận cùng? Đối với chế độ CS, không có bất cứ sự tận cùng nào ..sự tận cùng là ý muốn của họ nhưng cũng tuỳ vào thời cuộc và sự phản kháng của kẻ bị trị.
Trước khi lên xe chúng tôi bị kiểm tra, từ hành lý đến con người đều bị tìm kiếm, lục lọi, soi mói, nắn bóp.
Chúng tôi thực sự vui mừng khi anh Nguyễn Văn Trung với đồ đạt cá nhân được thả ra để cùng đi với chúng tôi sau hơn một tháng gông cùm trong biệt giam. Nước da trắng của anh trở nên xanh mướt, bàn tay lạnh ngắt khi bắt tay tôi nhưng nụ cười của anh vẫn rạng rỡ và tiếng nói vẫn sang sảng khi anh đến từng người thân trò chuyện hỏi han.
Việc kiểm tra gần 100 người mất một thời gian khá lâu. Gần một giờ đồng đồng hồ, chúng tôi tranh thủ để dặn dò, trao đổi địa chỉ vì chuyến đi này không biết sẽ ra sao, ở đâu? Về đâu?

Chúng tôi vô cùng hồi hộp khi chiếc xe chở tù vào sân, và tên từng người được gọi. Số người tù đầu tiên lên xe có những người bạn thân thiết của tôi: Anh Lê Văn Điểm Trương Nhật Tân, Lê Văn Hiếu, chú Nguyễn Xuân Đồng, anh Trần Đức Hào.

Chuyến thứ hai, tôi thật sự bồn chồn. Khi tên từng người bạn của tôi bước lên xe: Anh Trần Nam Phương, Hoàng Xuân Chinh, Phan Văn Bàn và rất nhiều người khác… vẫn chưa thấy tên tôi… đầu óc tôi trống rỗng cho đến khi tôi nghe gọi lên mình. Tôi bước lên xe, vào chỗ ngồi mới biết mình là người cuối cùng của chuyến xe này, nhìn xuống vẫn còn mười mấy anh em dưới đó chờ xe sau.

Định thần lại, khi tôi đã ngồi được một lát trên xe và đếm được 32 người tù, còn lại là một số cán bộ của trại Xuân Phước và mấy tay cán bộ của trại nào đó. Xe vẫn còn mấy ghế trống.

Tôi may mắn được ngồi kế cửa sổ bên tay trái, một tay còng vào thành xe. Phải công nhận lần chuyển trại này chúng tôi được ngồi trên một chiếc xe tử tế. Xe chở khách, ghế ngồi êm, xe sạch sẽ không giống như chiếc xe chờ lợn mà trại An Điềm chở chúng tôi vào Xuân Phước với những chiếc còng tay chặt cứng, ứ máu và một mớ dây nhợ trói chân chúng tôi vào nhau rồi cẩn thận hơn: vòng quanh người kéo hai cánh tay ra sau. Những sợi dây ny lông này trói cọp cũng chết huống hồ trói người.



(Phần 4)

Không hiểu sao chúng tôi cảm thấy vui, nét mặt ai cũng rạng rỡ, dù sao cũng được một chuyến rong chơi cho dù trước đó có những đồn đoán về sự khắc nghiệt ghê gớm ở những trại tù miền Bắc.

Xe bắt đầu lăn bánh chạy vun vút giữa rừng cây, tôi nhìn cảnh vật bên đường lướt nhanh, những mái nhà đơn sơ, khoảng sân nhỏ, vườn cây chật hẹp. Tôi biết người nông dân bây giờ thiếu đất canh tác vì đất là của nhà nước của Đảng, nó như là “hương hoả ”của Đảng, dùng để bán dần theo kế hoạch. Những người dân lầm lũi đi ven đưòng bên những con bò gầy trơ xương. Đã hai năm tù, mọi thứ vẫn vậy.
Xe đến ngã 3 Phú Thạnh. Chúng tôi hồi hộp tuy đã chuẩn bị sẵn sàng cho chuyến đi này và biết chắc mười mươi là sẽ ra Bắc nhưng trong lòng vẫn nôn nao. Biết đâu lại vào Nam, ánh nắng phương Nam ấm áp làm chúng tôi mơ ước. Xe rẽ trái, chiếc đầu tiên rẽ trái, chiếc tôi đang ngồi rẽ trái, chiếc thứ ba rẽ trái. Chú Trần Văn Nhi nói với sự trầm tĩnh vốn có:
- Đi Bắc rồi . Giọng chú kéo dài.
Như vậy là đã rõ, tôi thấy lòng thư thái, nhìn ra bên đường gió thổi lồng lộng, trời nắng nhẹ, một chút nắng mùa đông yếu ớt của miền Nam trung bộ.

Anh em vẫn bình thản nói cười. Tôi thầm nghĩ với những con người đã trải qua rất nhiều gian khổ và hiểm nguy, thì ở đâu, đi đâu cũng vậy thôi. Trong lòng mọi người ai cũng muốn được đi khắp các nhà tù của chế độ để chứng kiến sự dã man tàn bạo của cái thiên đường ảo tưởng này, để một ngày nào đó, nếu may mắn được quay về, họ sẽ là chứng nhân lịch sử. Chứng nhân và nạn nhân của một guồng máy bạo quyền nhân danh chân lý “giải phóng loài người”.
Khi còn ở bên ngoài, ở đâu tôi cũng thấy cũng nghe từ báo chí sách vở đài phát thanh và rất nhiều ở những diễn văn của các nhà lãnh đạo CS nói về sự “giải phóng loài người” ra khỏi sự kìm kẹp của phong kiến, đế quốc-thực dân, nhưng khi ai đó đã vào đến đây rồi: Sau cánh cổng sắt, sau những hàng rào kẽm gai dày đặt, trong một góc biệt giam tối tăm, rồi thì mọi việc đều sáng tỏ. Ở đây mọi kịch bản đều vứt bỏ, mọi chiếc mặt nạ bị lấy ra, mọi khẩu hiệu đều kéo xuống, chỉ còn một sự thật trần trụi, lạnh lùng bày ra trước mắt: Sự đoạ đầy, tra tấn, bệnh hoạn và chết chóc. Trong địa ngục, con ác quỷ đã hiện nguyên hình. Ở đây chúng tha hồ tác yêu tác quái, những thủ đoạn tàn độc nhất được thực thi mà không cần phải che dấu hay đóng kịch. Chính trong nhà tù, bản chất chế độ đã được phơi bày.

Xe đi qua nhiều vùng đất mà tôi không biết rõ tên, chỉ thấy đất nước này thật đẹp thật nên thơ, mơn mởn như một cô gái xuân nhưng bây giờ lại nằm trong tay một đám người thô lỗ, hung bạo để chịu sự dày vò, đáng tiếc và đáng buồn biết bao.
Xe chạy qua Sa huỳnh, tôi nhoài người nhìn ra khoang cửa bên kia, loáng thoáng biển xanh mênh mông, một vài chiếc thuyền đánh cá làm tôi nhớ đến bờ biển quê tôi. Biển quê tôi không đẹp như Sa Huỳnh, chỉ có bờ cát trằng và trong kia là rừng dương xen lẫn với rất nhiều những cây dứa gai. Mùa hạ đến, mùi dứa gai thơm man mát, xao xuyến lòng những đôi tình nhân nép mình vào nhau mê đắm. Tôi nhớ đến Trang - vợ tôi với những đêm trăng cầm tay nhau đi trong một khoảng trời cát trắng với mùi hoa dứa nồng nàn. Tôi nhớ đến các con tôi những chiều các cháu cùng tôi đi dạo, những đôi chân trần bé tí, những mái tóc mềm như tơ bị gió thổi tung, những vỏ sò vỏ ốc trên đôi tay mũm mỉm, những nụ cười trẻ thơ trong trẻo, hồn nhiên. Khi mỏi chân, cha con chúng tôi ghé vào một quán nước nghèo nàn, uống một chai nước khoáng và mấy cái cái bánh đậu xanh Bảo Hương nổi tiếng của Tam Kỳ. Lúc đó là những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ở quê tôi như vậy là sang lắm rồi. Các con bây giờ như thế nào đây khi không có ba ở nhà. Ai đưa đón các con tôi đi học, ai đưa các con đi chơi, ai nghe các con kể chuyện.. các con làm nũng với ai? Nước mắt tôi chảy thành dòng, tôi không phải che giấu, không cần giải thích.

Ai đã cướp mất của các con tôi những ngày tháng hạnh phúc bình thường đó? Đây là một tội ác trong vô vàn những tội ác mà CS đã gieo rắc trên đất nước tôi nhân danh một chủ nghĩa ưu việt.
Nước mắt tôi khô dần trên má, xe đi qua Quảng Ngãi, xe chạy chậm lại vì đường quá hẹp, tôi được nhìn rõ những cảnh tượng quen thuộc, những người bán hàng rong ven đường ngước mắt nhìn chúng tôi lạ lẫm. Họ bán đủ thứ, bánh mì chả, bánh ú, vé số và nhiều nhất là những lon mạch nha và đường phổi. Xe dừng lại cho mấy tay cán bộ mua quà về cho gia đình ngoài Bắc. Chúng tôi không có tiền để mua, chỉ nhìn những lon mạch nha và những bánh đường phổi để mà thèm thôi. Có một vài cô gái muốn leo lên xe để rao hàng nhưng bị công an đuổi xuống với thái độ rất thô bạo. Có một người trong bọn họ giải thích khi dân chúng tò mò nhìn chúng tôi.

- Đây là xe giải bọn tội phạm nguy hiểm, chúng là bọn cướp của giết người… bà con phải tránh xa ra.
Những người dân đi đường nghe nói vậy họ càng hiếu kỳ kéo đến xem ngày một đông. Có người nhận xét.

- Cướp gì toàn mấy ông già và mấy người hiền khô trói gà không chặc vậy! Mấy ổng nói sao chứ!
Không biết trong anh em chúng tôi có ai đó giải thích cho họ. Họ nói với nhau:
- Tù chính trị bà con ơi… ra coi tù chính trị này.
Như vậy là cả một dãy phố gần đó và những người đi đường đứng lại vây quanh xe chúng tôi. Tôi và mọi người giơ cánh tay bị cùm vẫy chào bà con với nụ cười thân mật, tự hào… trong lòng dâng lên một niềm vui khôn tả nỗi.
Mấy tay công an vất vả xua đuổi họ.
- Chính chị chính em cái gì… giải tán hết.
Mặc cho sự xua đuổi thô bạo, bà con vẫn tiếp tục vây quanh mỗi lúc một đông. Thấy tình hình bất lợi, một cán bộ vào gặp lãnh đạo. Một lát sau xe chuyển bánh, bà con vẫy tay với theo lưu luyến.

Tôi bồi hồi nhìn những mảnh đất quen thuộc lướt nhanh qua khung cửa, đây là sông Trà Khúc, núi Ấn đây rồi, tôi nhìn lên núi Ấn, núi xanh và u uẩn như mang tâm sự gì.
Đây là một dãy phố nghèo nàn chật hẹp, những người nông dân gánh những buồng chuối màu vàng, màu xanh đi bán dạo.
Hai bên đường những mảnh ruộng nhỏ như bàn tay, lúa đang lên rất xanh, chuẩn bị trổ bông, những rừng bạch đàn trên đồi cao lao xao trong nắng và gió. Xe vượt lên mấy ngọn dốc nhỏ, tôi biết đã gần đến Chu Lai, quê của anh Trần Nam Phương anh Hoàng Xuân Chinh.

Chu Lai là vùng đất đẹp tuyệt vời. Tôi đã đến đây rất nhiều lần. Phía Tây tiếp giáp với Trường Sơn, là những ngọn núi không cao lắm. Ở đó người dân đốt rừng làm rẫy. Những buổi mai và buổi chiều, trời trong và gió nhẹ nhìn lên từng cột khói trắng đang rướn mình vào khoảng không gian rồi tan loãng ở đó. Trong thời kỳ gọi là “bao cấp” và hợp tác xã nông nghiệp. Người nông dân không sống nỗi với chế độ “lúa điểm”, họ vào rừng lên núi để khai hoang..Vậy là rừng bị tàn phá.
Vào trong rừng sâu sống đơn độc một vài gia đình, mọi liên lạc với cuộc sống bên ngoài rất hạn chế.
Không có gì cả, chỉ có núi rừng bao bọc, ban đêm nằm nghe tiếng nai, tiếng man rất gần. Người ta không đi chợ vì không có chợ.
Cuộc sống hoàn toàn khác, cá dưới suối, dưới sông, chim thú trên rừng, lúa ngô tự làm ra, nhà tự cất lấy.
Cuộc sống như người tiền sử, nhưng được cái tự do, không bị gọi đi họp mỗi đêm. Ít khi tiếp xúc với công an-chính quyền để khỏi nhìn thấy những khuôn mặt đê tiện-hung bạo-hống hách hay những khuôn mặt lạnh lùng như nặn bằng sáp-không tình người không sinh khí. Chỉ là những cổ máy, những công cụ.

Tôi đã từng đi tìm vàng, len lỏi vào tận rừng sâu, dựng lều bên dòng suối để đãi vàng, đêm vào tá túc nơi nhà những người nông dân. Nhà rất hẹp nhưng tấm lòng thì rộng vô cùng, là khách phương xa được đối xử chân tình thân mật. Tôi mang cho họ vài tấm lưới, một vài cái bẫy chồn, bẫy nhím… như vậy là cả tháng trời họ cho mình ăn ngủ không mất tiền.
Lúc đó đãi vàng cũng chẳng được bao nhiêu, ngặt nỗi chẳng có việc gì làm nên phải cầu may ở số mệnh.

Phía đông Chu Lai giáp biển, không biết sao, một dẫy núi lạc loài lại nhô lên ven biển, ông trời mang đến cho Chu Lai một cảng biển nhỏ nhưng tuyệt đẹp, tàu thuyền ra vào tấp nập. Ở đây rất nhiều cá, những con cá mà khi viết những dòng này chỉ còn ước mơ chứ khó mà được thưởng thức.
Cá mú, cá chim, cá hồng, cá thu và rất nhiều mực, mực nang, mực ống..mùa hè đến Chu Lai vô cửa Kỳ Hà, từ xa chúng ta nghe xông lên mùi cá khô, cá mắm.
Xe chạy ngang qua Chu Lai, anh Phương nhờ tôi ném xuống một lá thư ngắn. Sau này mới biết lá thư ngắn này đến được tay của chị Tuyết vợ anh Phương. Tôi cũng chuẩn bị một tờ giấy nhỏ viết mấy dòng..

“Kính nhờ bà con nào nhặt được chuyển đến số nhà … giúp tôi.
Ba cùng với anh em tù chính trị ở Xuân Phước đã chuyển ra Bắc
”.

Không may cho tôi, tờ giấy của tôi bị xe công an áp tải phía sau trông thấy. Họ dừng xe nhặt miếng giấy lên. Khi đi ngang qua Tam Kỳ, tôi cầu mong trời Phật cho tôi thấy được các con tôi vô tình đi qua … Tôi căng mắt nhìn xuống phố.
Cái thị xã nhỏ bé này thật quen thuộc quá. Từ ngày ra đi, cách đây 2 năm. Tam Kỳ vẫn vậy: nhỏ bé đơn sơ. Hàng cây xà cừ xanh hơn một chút. Xe chạy rất nhanh, tiếng còi của xe mô tô công an chạy trước mở đường. Đoàn xe tù chính trị chúng tôi mỗi khi đi qua một thị xã một thành phố nào cùng có công an địa phương hộ tống mở đường nhưng khi qua Tam Kỳ tôi cảm thấy xe chạy nhanh hơn.
Cái giây phút được nhìn lại quê hương đi qua nhanh quá chưa kịp cho cái cảm giác khao khát vơi đi một chút.

Xe chạy đến đoạn đường cuối của thị xã Tam Kỳ, cái mong ước được nhìn thấy các con như vậy là hết (tôi biết điều này sẽ không xảy ra nhưng vẫn hy vọng). Khi xe ra ngoại ô thị xã, bất ngờ dừng lại trên một cánh đồng. Tôi nhận ra nơi này lúc còn đi học, những buổi chiều chủ nhật chúng tôi đạp xe rong chơi, chúng tôi ngồi bên vệ đường (ngày đó rất ít xe qua lại) ăn ổi chấm muối ớt mà các cô đã chuẩn bị sẳn ở nhà… vừa ăn ổi vừa kể chuyện cười. Tôi nhận ra chỗ chúng tôi vẫn hay ngồi và hình dung cả những người bạn của tôi… ở chỗ đó là Hà, gần bên kia là Hương, Ấn và Trinh lúc nào cũng đi cặp. Chung quanh là cánh đồng có khi ươm vàng mùa hạ và ngập nước mùa đông, chơ vơ gốc rạ mùa thu và mơn mởn khi xuân sắp về.

Tay thiếu tá công an của Bộ nội vụ là Tiếp hùng hổ bước lên xe, hắn ta mặc thường phục, khoác chiếc áo jean mặt hằm hằm quát mắng mấy người công an trên xe.”
- Chúng mày ở đây làm gì để cho chúng nó vứt tài liệu xuống, rồi quay qua chúng tôi hỏi: Ai là Huỳnh Ngọc Tuấn.
Tôi giơ cánh tay không cùm lên, linh cảm lá thư đã bị bắt được, lần đi Bắc này chắc bị cùm rồi.
Hắn ta không nói gì nhưng đôi mắt đó, khuôn mặt đó thật hung dữ, rồi ra lệnh cho mấy người công an áp giải
- Cùm hết hai tay chúng nó lại
Họ lôi ra một lô còng tay, tôi và tất cả mọi người ngồi bên cửa sổ đều bị treo tay lên trần xe. Tên công an phụ trách văn hoá của trại Xuân Phước tên là Nhuận mà anh em gọi là “con rắn độc” vì nhìn bề ngoài hắn rất đẹp trai, nhưng lại có những hành vi tàn bạo thâm độc với mọi người. Hắn bóp còng vào tay tôi thật chặt. Tôi nói với hắn:
- Chặt quá, cán bộ nới còng ra một chút để máu lưu thông, nếu không thì bỏng tay tôi mất.
Hắn không thèm trả lời, chỉ nhìn tôi hằn học như muốn ăn tươi nuốt sống. Cái nhìn này giống hệt cái nhìn tôi đã từng thấy từ tên Trung tá công an Hồ Quỳnh - Trưởng CA thị xã Tam Kỳ… khi tôi bị bắt. Đó là đôi mắt của dã thú, đó là đôi mắt của con rắn hổ mang nhìn mồi khi bị khiêu khích.

Tạo hóa cho loài người đôi mắt không chỉ để nhìn ngắm mà còn để chuyển tải một tấm lòng một tình cảm, qua đôi mắt chúng ta thấy được nội tâm của người đối diện. Có những đôi mắt nai vàng, đôi mắt thơ ngây của trẻ con, đôi mắt đa tình của cô gái, đôi mắt từ ái của cha mẹ, đôi mắt bao dung của các vị linh mục, sư sãi, đôi mắt thân tình của bạn bè..nhưng cũng đáng buồn cho những đôi mắt đầy lòng hận thù, hừng hực lửa hung bạo và sát khí. Họ căm thù những con người lương thiện, tay không tấc sắt nhưng không làm vừa lòng họ, không để họ đè đầu cưỡi cổ, không để họ tự do vơ vét, tự do chém giết. Họ căm thù những con người có dũng khí đã dám nói lên cái bí mật lớn nhất của họ đó là sự ngu dốt, não trạng hoang đường, phiêu lưu, hiếu sát, tham lam vô độ. Tôi không còn cách nào khác, chỉ còn cách xoay cánh tay để mạch máu không bị chận, nếu không bàn tay bị chết mất vì thiếu máu nhưng những ngón tay vẫn bị tê dại.
Xe ra đến chân đèo Hải Vân thì trời đã tối hẳn, chúng tôi vượt qua đèo Hải Vân trong bóng đêm dày đặc, chung quanh tối như mực, trời lại mưa lất phất.

Tôi liên tục co duỗi mấy ngón tay cho máu lưu thông, trong lòng sẵn sàn chấp nhận bỏ một bàn tay. Trong chế độ cộng sản này những người dám đứng lên phản kháng chế độ độc tài, phải chuẩn bị cho mình một khả năng là sẵn sàng buông bỏ tất cả, cho dù đó là tính mạng của mình. Nếu không chuẩn bị trước điều này thì sẽ vô cùng sợ hãi khi đối diện với gian nguy và cái chết luôn luôn gần kề.

Xe lên đến đỉnh đèo thì dừng lại, chúng tôi được ăn tối ở đây, mỗi người một dĩa cơm và một khúc cá kho, một ít rau tươi. Tôi vui mừng vô cùng vì dù sao cũng được tháo còng một lúc. Tôi co duỗi mấy ngón tay đã tê cứng, bàn tay phải như mất cảm giác khi chạm vào dĩa cơm. Tôi cố gắng để không làm rơi cả dĩa.
15 phút họ cho nghỉ ngơi và kiểm tra xe trước khi xuống dốc. Xe lại nổ máy nhẹ nhẹ chuẩn bị lên đường.
Người cán bộ còn rất trẻ đến còng tay tôi, tôi nói với anh ta.
- Cán bộ Nhuận còng tay tôi chặt quá, nếu cần thì chặt tay tôi chứ đừng còng như vậy. Tôi sẽ la lên cho mọi người biết.
Anh ta còng vừa phải. Tên Nhuận từ dưới bước lên xe đến chỗ tôi, hắn kiểm tra còng tay rồi hắn bóp chặt vào. Tôi phản đối dữ dội, tôi la lớn:
- Cán bộ muốn giết tôi à, còng tay như thế này thì chặt đi cho xong!
Mọi người quay lại nghe tôi nói. Anh em ai cũng lên tiếng phản đối. Chú Sáu Bàng lên tiếng quyết liệt nhất. Chú nói với nó:
- Nếu tử hình cũng phải có án, chặt tay cũng phải có quyết định. Cán bộ không thể hành động tuỳ tiện như vậy được.
Thấy mọi người phản đối hành động bất nhân của hắn, tên Nhuận đồng ý nới còng ra. Còng vẫn còn chặt nhưng như thế này thì bàn tay tôi sẽ không sao.
Hắn cẩn thận dùng khoá để khoá còng tay lại.
Tôi nhớ mãi khuôn mặt trắng trẻo được chăm sóc một cách cẩn thận và đôi mắt vô hồn vô cảm của hắn.

Nhuận là một điển hình của bọn công an cộng sản VN, bên ngoài lịch sự, bảnh bao vì được đầu tư từ nguồn ngân sách khổng lồ của ngành CA, ngân sách này là tiền của dân, tiền từ việc khai thác tài nguyên thiên nhiên quốc gia được chi dùng để bảo vệ chế độ, mặc cho dân sống khốn khổ trong nghèo nàn tăm tối, mặc cho giáo dục ý tế lạc hậu suy đồi. Nhưng bên trong là một trái tim hoang dã, tâm địa thâm độc, dối trá hung bạo.

Những cơn gió lạnh lùa vào khung cửa, những giọt mưa lất phất bay, bóng đêm dày đặc, xa xa có một vài ánh đèn lẻ loi, yếu ớt..đây là những hình ảnh mà chúng tôi nhìn thấy trên đường ra Bắc cũng là hình ảnh của đất nước và dân tộc ngày nay. Tôi vẫn khắc khoải trong lòng một câu hỏi lớn: Bao giờ trời sáng, bao giờ thì bóng đêm tan - còn bao lâu nữa, không thể biết chính xác. Sau khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, nhân dân VN hy vọng sẽ có những thay đổi lớn ở VN. CSVN sau một thời gian khủng hoảng đã tìm được chỗ dựa mới cho dù phải hy sinh quyền lợi quốc gia dân tộc..chỗ dựa đó là Trung Cộng. Trước đây CSVN coi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu là “hòn đá tảng”. Bây giờ “hòn đá tảng” không còn CSVN phải bám víu vào Trung Cộng để duy trì quyền lực, đối với họ Trung cộng bây giờ là “bùa hộ mệnh” đúng hơn là ông “thần hộ mệnh”.


A20 Huỳnh Ngọc Tuấn


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét