16.4.13

NGƯỜI LÍNH ĐPQ: Lê Phi Ô




                                                                                           Người xứ Nghệ


    (Lê phi Ô - Mặt trận Hoài-Đức  1974)

   Rất tình cờ tôi biết được người lính Địa-phương-Quân Lê phi Ô, khi đọc bài “Tử Thủ” của tác giả Trung-Hiếu trên một tờ báo online. Nội dung viết về Tiểu-đoàn 344/ĐP, thuộc Tiểu-khu Bình-Tuy, đã cầm chân được Sư-đoàn 6 Tân lập của Việt cộng, được tăng cường một trung đoàn Pháo, dưới quyền chỉ-huy của Thượng-tướng VC Trần-văn-Trà, Tư-lịnh Quân-khu 7, trực diện tấn công Chi-khu Hoài-Đức thuộc trách nhiệm phòng thủ của Tiểu-đoàn 344/Địa-phương.






   33 ngày đêm tử thủ ở Bộ chỉ-huy Chi-khu Hoài-Đức, Tiểu-đoàn 344/ĐP quân số chỉ còn 50% hoặc ít hơn. Trong khi đó Chi-khu Tánh-Linh gần đó đã thất thủ, và đơn vị tăng phái Liên-đoàn 7/BĐQ, sau một thời gian quần thảo với Sư-đoàn 6 việt-cộng nay đã lui binh. Tiểu-đoàn 344/ĐP đã đơn thương độc mã, tả xung hữu đột, đánh trả những đợt tiền pháo hậu xung bằng biển người của địch quân không cho chúng tràn ngập Bộ chỉ-huy Chi-khu Hoài-Đức. Những người lính ĐPQ thuộc Tiểu-đoàn 344/ĐP vào thời điểm nầy, thật sự chiến đấu trong tuyệt vọng, với tình trạng một người lính ĐPQ chống 10 thậm chí đến 20 việt-cộng với hỏa lực pháo khủng khiếp. Nhưng với tinh thần Bảo Quốc An Dân hừng hực trong mỗi người lính ĐPQ, nên niềm tin nơi họ chưa tuyệt. Và cuối cùng, sự cứu viện của Sư-đoàn 18BB gồm: Trung-đoàn 52/SĐ18BB từ hướng Nam đánh lên, Trung-đoàn 43/SĐ18BB từ hướng Bắc Định-Quán đánh xuống, mà nổ lực chính là Tiểu-đoàn 2/43, Tiểu-đoàn trưởng là Thiếu-tá Nguyễn-hữu-Chế “người hùng” của SĐ18BB đã đánh tan tác các đơn vị cộng quân, giữ vững được Bộ Chỉ-huy Chi-khu Hoài-Đức điêu tàn vì bom đạn. Người hùng trong cuộc chiến 33 ngày đêm tử thủ, cầm chân được Sư-đoàn 6 Tân lập việt-cộng, không để cho Chi-khu Hoài-Đức thất thủ, đó là Đại-úy Lê phi Ô.

   Người lính ĐPQ Lê phi Ô, tốt nghiệp khóa 15 Trường Võ-khoa Thủ-Đức, quê quán Phú-Trinh Phan-Thiết, cựu học sinh trường công lập Phan-bội-Châu Phan-Thiết từ năm 1955.  Đáng lẽ,  Anh đã được  mang cấp bậc Thiếu-tá ngày 01 tháng 04 năm 1975, nhưng tình hình chiến sự, nên Quyết Định Thăng cấp từ Bộ TTM không gởi đến được, theo lời kể của bạn anh, Sĩ-quan làm việc tại phòng Tổng Quản-Trị Bộ TTM cho biết, khi tình cờ anh gặp trong trại giam sau ngày mất nước. Anh cùng đơn vị của anh và 3 Tiểu-đoàn bạn và 2 Đại-đội Trinh-sát, đã không rút lui khi một Sư-đoàn chính qui của quân cộng-sản Bắc Việt (thuộc Quân-đoàn 5 CS) được tăng cường 24 Tanks T54 và một Trung-đoàn Pháo tiến vào Thị-xã Bình-Tuy, trong đó có Bộ Chỉ-huy Tiểu-khu Bình-Tuy, so với tương quan lực lượng có thể nói là “Châu Chấu đá Xe”. Nhưng những người lính ĐPQ Tiểu-khu Bình-Tuy đã đánh một trận để đời vào đêm 23 tháng 04 năm 1975, để rồi gãy súng tan hàng…

   Cùng với vận nước nổi trôi, đã đẩy đưa anh vào những nhà tù khắc nghiệt của cộng-sản, trong chính sách trả thù tàn độc nhất của những kẻ chiến thắng. Người lính ĐPQ Lê phi Ô đã từng nằm ở khám Chí-Hòa và sau đó bị đưa đến trại Trừng Giới A20, mà lúc ở trại tù Xuyên-Mộc người viết bài nầy đã từng nghe những lời khủng bố của bọn công an được gọi là Cán-bộ Giáo-dục đe dọa: “Các anh cứ ngoan cố chống đối đi, chúng tôi đưa các anh đến trại Kiên Giam A20 là các anh tiêu đời”. Trại Trừng Giới A20 khủng khiếp đến chừng nào ? chúng tôi nhân dịp bài viết nầy, xin phép được nói về trại A20 qua lời kể của những người lính bị giam giữ ở nơi đây:

   Trại Trừng Giới A20 nằm ở thung lũng Xuân-Phước, một thung lũng tử thần, vào rồi khó có đường ra. Muốn vào tới đây, người ta phải vượt qua 60 cây số đường rừng. Nhưng tại sao lại gọi là Trại Trừng Giới ? Thực ra, không có tài liệu nào định nghĩa những trại xếp vào loại A, nhưng do qui chế với tù nhân cải tạo đặc biệt, khắc khe hơn các kiểu trại Lý-bá-Sơ hay Đầm-Đùn nên chúng tôi gọi A20 là Trại Trừng Giới. Nhưng có thể mô tả một cách tổng quát một trại tù được gọi là trại Trừng Giới, khi nó được xử dụng để làm tan vỡ sức đề kháng tư tưởng của những người tù cải tạo cứng đầu nhất, tập trung từ những cuộc thanh lọc ở các trại giam khác. Nói tóm lại, trừ phi có những biến chuyển chính trị ngoại lai, những tù cải tạo ở trại nầy có thể bị tù rất lâu mà không được xét tha. Những cán  bộ kiểm tra cộng-sản, trước khi ghi chúng tôi vào danh sách chuyển trại theo Phương Án 4 (thanh lọc) đã nói huỵch toẹt: “Vào đây (A20) thì có thép cũng phải chảy. Lũ chúng bay cứ gọi là rũ tù với những hồ sơ chết đi theo”.

   Trại Trừng Giới A20 rất đẹp, và nhìn qua người ta có cảm tưởng là một điểm du lịch, vườn rau, ao cá, những hàng dừa thẳng tắp, những căn buồng giam bằng gạch, mái lợp ngói đỏ, bệ nằm bằng xi măng, nhà ăn, một phòng văn hóa với những sách Đỏ, một hội trường thênh thang với sức chứa 1,000 người. Nhưng nếp sống của tù nhân đàng sau nét đẹp khang trang nầy, là cả một địa ngục trần gian, ăn đói, làm việc khổ sai, bệnh không có thuốc, ít được gặp gia đình. Mỗi buổi tối tù nhân phải “ngồi đồng” để phê phán nhau về lao động, bình bầu mức ăn hàng tháng, lấy của người nầy, cho người kia, gây chia rẻ cấu xé nhau trong số tù nhân. Đó là chưa kể đến buổi tối bọn cán bộ trại giam buộc tù nhân ngồi đấu tố lẫn nhau. Bọn CS trại giam cài vào hệ thống ăng-ten dày đặc, và những dãy xà lim kỷ luật, mà chúng tôi gọi là chuồng cọp cũng được dựng lên. Cán bộ an ninh trại giam thường áp dụng chiến thuật “ra tay trước”, nghĩa là một người tù chỉ được báo cáo: “không an tâm cải tạo” sẽ phải nằm trong chuồng cọp hàng năm trời, bị cắt thực phẩm, bị cắt nước uống. Trong số những “Tù Vương” (từ ngữ để chỉ những người bị cùm lâu nhất trong chuồng cọp), người viết bài nầy nhớ đến 2 vị Linh Mục là: Linh Mục Nguyễn-văn-Vàng (Dòng Chúa cứu Thế), năm 1974 lúc theo học khóa 9 Trung cấp CTCT tại Trường Đại Học CTCT Đà-Lạt, đã được nghe Ngài giảng dạy về môn học “Nghệ thuật nói chuyện”, Ngài bị bắt khi tham gia vào một tổ chức Phục Quốc, bị kết án chung thân và bị chuyển về trại giam A20, nghe những người bạn tù ở trại A20 kể: Ngài chết sau 3 năm bị cùm ở chuồng cọp, toàn thể người Ngài bị ghẻ lở, kể cả gương mặt, chỉ chừa đôi mắt. Linh Mục Nguyễn-Luân, người viết biết Ngài ở trại tù Xuyên-Mộc, người tù bất khuất đã dám viết hàng chử: Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt-Nam – không có độc lập – không có tự do – không có hạnh phúc trên mọi tờ khai lý lịch mà CS bắt Ngài viết, sau đó bị chuyển ra trại giam A20, một số bạn tù khuyên Ngài nhẩn nhục để sống, vì cuộc đấu tranh lâu dài, sẽ cần có những người như Ngài. Ngài chỉ nói: “Tôi muốn chỉ là viên gạch lót đường cho những cuộc đấu tranh sau nầy”. Ngài đã về nước Thiên Đàng sau 3 năm nằm chuồng cọp.

   Với thời gian nằm chuồng cọp nhẹ nhất là nửa tháng đến một năm và nặng nhất là từ 3 năm đến 5 năm bị cùm chân. Một bửa ăn trong chuồng cọp nhằm thời kỳ bị thẩm cung hay tù nhân bị “Đì”, chỉ được phát 2 muổng cơm hoặc 3 lát khoai mì, được trộn với một lượng nước muối đậm đặc, và 2 muổng nước nên tù nhân bị đói khát triền miên, từ ngày nầy qua ngày khác. Ngoài sự hành hạ về thể xác do cai tù chủ trương, còn có sự hành hạ của muỗi, muỗi nhiều đến nỗi mỗi người tù chúng tôi đành phải cho chúng hút máu no nê, không bay được nữa thì lăn đùng ra bệ nằm, rồi lấy tay chà để giết chúng. Cho nên khi vào chuồng cọp, phải lấy ngày làm đêm, giấc ngủ chập chờn trong thảng thốt, ăn uống thiếu thốn, ốm đau không có thuốc, sức lực tiêu tán rất mau. Để chống lại những biện pháp nầy, chỉ còn một phương pháp duy nhất: Chấp nhận phần xấu về mình, nghĩa là cầm chắc cái chết trong phòng kiên giam, khi chấp nhận cái gía nầy sẽ thấy mình thư thái, hết lo lắng, vượt qua được đói khát, vì thế người tù sống bình thản, không nghĩ gì đến cái chết và sự sống nữa.

   Ngày người viết lúc còn ở trong BCH/ hội CTNCT/New Orleans, trong một lần gặp ông Đào-văn-Bình Tổng-Hội-Trưởng Tổng Hội cựu TNCT. Ông có kể cho tôi nghe câu chuyện của phóng viên tờ Nhật báo Chính-Luận trước năm 1975, Ký-giả Nguyễn-Tú, cũng là người tù trại Trừng Giới A20 về những sỉ-nhục mà người tù bị làm nhục và hành hạ:

   Thứ nhất: Theo ông (Nguyễn-Tú) thì bọn CSVN còn tàn độc hơn bọn ác quỷ vì bọn chúng có khoái cảm hành hạ tù nhân. Tại trại tù A20, mỗi khi tù nhân bị kiên giam, cứ mỗi chén cơm chúng đổ thêm vào một chén nước muối. Vì đói quá cho nên người tù vừa gạt nước mắt vừa ăn. Khi được thả ra vì quá khát nước, nên người tù cứ gục mặt xuống uống nước cống rãnh mà không sao kéo lên được. Cảnh tượng nầy giống cảnh chết khát trên sa mạc. Trong khi đó thì bọn cai tù CS thản nhiên đứng cười hô hố !

   Thứ hai: Có một điều mà thế giới phương Tây không sao hiểu được, là trong khi họ ra sức chống lại chế độ “Phân biệt Chủng Tộc” Nam Phi, thì chính sách phân biệt lý lịch của bọn CSVN còn tệ hại hơn rất nhiều mà họ không biết. Chủ nghĩa Phân biệt Chủng Tộc Nam Phi chưa tinh vi và tàn khốc bằng sự phân biệt lý lịch phản động. Họ đã biến người miền Nam thành một loài nô lệ, một thứ dân bị trị hay đúng hơn một thứ kẻ thù cần phải tiêu diệt.

   Thứ ba: Trong khi cả loài người lên án bọn diệt chủng Pol Pot, thì người ta quên lên án tội diệt chủng khủng khiếp của bọn đao phủ Hà-Nội. Bọn Khmer Đỏ chỉ giết hại 1 triệu người thôi. Còn bọn CSVN sau khi chiếm được miền Nam, đã bỏ đói cả dân tộc suốt 15 năm. Hiện nay trẻ em còi cọc không lớn được, Phụ nữ không có khả năng sinh nở vì thiếu dinh dưỡng hoặc bị sẩy thai liên miên. Dân miền Nam đang phải đối đầu với nạn diệt chủng quy mô có toan tính, có sách lược.

   Thứ tư: Trong lịch sử nhân loại chưa có chế độ nào tàn phá lương tâm và nhân phẩm con người bằng chế độ cộng-sản. Hiện nay ở Việt-Nam chỉ cần một cái nhìn đểu là người ta có thể giết nhau, chỉ cần một tí tiền là cháu nội có thể lấy búa bổ lên đầu ông bà nội để cướp.

   Nói đến những người tù trại Trừng Giới A20, chúng ta lại nghĩ đến nhà lãnh-tụ da đen Nam Phi Nelson Mandela. Mandela ở tù 26 năm nhưng không mất vợ mất con, gia đình và Tổ-Quốc của ông vẫn còn đó. Danh vọng sự nghiệp, nhà cửa, bằng cấp, chiến hữu ông vẫn còn đó. Chắc chắn ông không bị bỏ đói, không phải kéo cày thay trâu, ông chưa phải ăn chuột chết, gián sống, chưa phải uống nước cống rãnh, chưa bị lột trần truồng cùm chân trong chuồng cọp. Chưa ngồi trong phiên họp để chửi bới, kết tội cha ông, bạn bè, chiến hữu mình. Con gái ông chưa phải đi làm đĩ, hay đi bán dưa hấu trên sân ga, bến xe, thế mà ông được cả thế giới xưng tụng là Tù Vương !? Nhưng còn Nguyễn Tú, trong đó có người lính ĐPQ Tiểu-khu Bình-Tuy Lê phi Ô, và hàng trăm ngàn Quân Cán Chính VNCH thì sao ?! Họ đã mất tất cả từ vợ con, gia đình đến Tổ-Quốc. Họ mất cả thân thế, dĩ vãng, bằng cấp, của cải và nhân phẩm. Họ đã trãi qua cuộc sống của loài thú vật trong địa ngục ghê rợn nhất. Để rồi khi được phóng thích, họ đã can đảm đạp lên cái chết, lên sóng nước hiểm nguy để tìm tự do. Và họ đến mảnh đất Hoa-Kỳ nầy trong âm thầm tủi nhục mà không ai biết đến họ. Nếu như có dịp gặp Mandela, tôi sẽ nói thẳng với ông ấy, điều duy nhất mà tôi cảm phục nơi ông ấy, là sau 26 năm ông vẫn giữ vững tinh thần chiến đấu, đó là nét đẹp tuyệt vời. Tuy nhiên những nỗi thống khổ mà ông đã chịu đựng, so với hằng trăm ngàn Tù Vương Việt-Nam sau khi nước mất thì ông chỉ là con số không !    


 (Lê phi Ô – 1964) 
 
   Sở dĩ tôi dài dòng kể lại cái khủng khiếp của những trại tù cộng-sản được dựng lên dài từ Nam ra Bắc để cầm tù Quân Cán Chính VNCH, sau khi CS cưỡng chiếm được miền Nam mà trong đó trại Trừng Giới hay trại Kiên Giam A20 là một. Vì người lính ĐPQ Tiểu-khu Bình-Tuy Lê phi Ô, sau 7 năm tù đã hiên ngang bước ra từ địa ngục A20 nầy. Thế mới biết sự chịu đựng dẽo dai, sự nhẫn nhục để đợi chờ: “ngày mai trời sẽ sáng” của những người lính, người tù khi nước mất. Qua đến xứ người, người lính ĐPQ Lê phi Ô, không cam tâm trở thành cái bóng của quá khứ, an nhàn trong cuộc sống hiện tại. Anh muốn kể lại  những chặng đường chiến đấu đầy máu lửa của thế hệ anh, những người lính can-trường chiến đấu trong cuộc chiến-tranh tự vệ, chống lại cuộc xâm lăng của cộng-sản phương Bắc. Để con cháu tương lai được hãnh diện với quá khứ của cha ông chúng, tiếp tục dấn thân vào con đường đấu-tranh cho một đất nước Việt-Nam tự do, dân chủ và quyền làm người của cả một dân tộc. Trong những hồi-ký và tùy bút chiến trường được anh viết  và tải trên Trang Blog của anh, chúng tôi đọc được những dòng chử viết bằng máu và nước mắt, của 33 ngày đêm anh cùng Tiểu-đoàn 344/ĐP tử thủ quyết không cho cộng quân chiếm được BCH/Chi-khu Hoài-Đức. Anh đã sống dưới trận mưa đạn pháo của địch, những cuộc tấn công biển người của những con thiêu thân “sinh Bắc tử Nam”. Anh đã chứng kiến những người lính thân yêu trong đơn vị mình, từng người, từng người một nằm xuống. Một địa ngục được quân cộng-sản dựng nên trong âm mưu cưỡng chiếm vùng đất thân yêu Hoài-Đức, Bình-Tuy nói riêng, và cả nước VNCH nói chung. Thì với anh, cái địa ngục trần gian A20 do bọn cộng-sản dựng lên để hành hạ những thiên-thần gãy cánh như anh, thì có sá gì !

   Bài viết rất thực, không phải tự vinh danh mình, người chỉ huy của trận đánh mà anh đã vinh danh cả một tập thể Quân Cán Chính của Chi-khu Hoài-Đức, đặc biệt là những người “Vợ Lính”. Trong một tùy bút chiến-trường với tựa “Chiến-Sĩ  Vô Danh” với lời dẫn: - Trong cuộc chiến-đấu bảo vệ miền Nam trước họa xâm lăng của cộng-sản phương Bắc, Quân-Lực VNCH đã có biết bao Anh-Hùng, Liệt-Nữ vị Quốc vong thân. Bên cạnh đó, có những hy sinh không kém hào hùng ít được nhắc tới, tôi muốn nói đến những người lính không có số quân: “Vợ Lính” ! Anh đã kể lại trận đánh có sự tham dự của những người Vợ lính, và họ đã anh dũng hy sinh trong trận đánh nầy:

   Đúng 02:00 giờ sáng ngày 09 tháng 12 năm 1974, lính vừa đổi phiên gác thì một ánh chớp cùng tiếng nổ long trời tại hàng rào hướng Tây của Chi-khu Hoài-Đức, nơi tuyến phòng thủ của một Trung-đội thuộc Đại-đội Chỉ-huy & Yểm trợ, một Trung-đội của Đại-đội 3 và Tiểu-đội Thám-báo Tiểu-đoàn. Khói lửa, cát bụi mịt mù. Đặc-công VC đã chui vào hàng rào, đặt chất nổ phá hủy nhiều lớp kẽm gai. Lập tức tổ Thám-báo Tiểu-đoàn tung nhiều quả lựu đạn vào vùng khói lửa, nơi vừa xảy ra tiếng nổ để ngăn chận bọn Đặc-công cảm tử xông vào. Trong ánh chớp kèm tiếng nổ của lựu đạn, vài tên VC chạy ngược trở ra, nhưng đã bị khẩu Đại-liên trên vọng gác đốn ngã. Những trái chiếu sáng tay và của súng cối 81 ly, được phóng lên sáng rực bầu trời, tôi gọi Trung-úy Lưu đức Thắng (khóa 24/VBĐL) Đại-đội trưởng ĐĐ3/344 cẩn thận mặt Bắc, nơi có ngôi chùa nhỏ sát hàng rào phòng thủ…Đây cũng là đường tiến sát thuận lợi cho VC, vì bọn chúng biết lính không bao giờ dám mang súng đạn vào gần chùa, dù để phục kích đêm. Trung-úy thắng báo đã bắn hạ 2 tên địch khi chúng vào tới hàng rào phòng thủ trong cùng…mười phút sau, Thắng cho biết hàng rào đã bị cắt đứt nhiều chổ. Lập tức tôi lịnh cho Trung-úy Thời Đại-đội trưởng ĐĐ2/344 đang bố trí quân tại trại cưa bên ngoài Chi-khu cách 500 thước về hướng Đông, đưa ngay một Trung-đội vào chiếm giữ ngôi chùa nhỏ. Trung-đội nầy chạm súng nhẹ và địch bỏ chạy, đây chỉ là tổ cảnh giới của địch.

   Đây không chỉ là trận đánh đơn thuần của đơn vị Đặc-công địch, vì Đặc-công chỉ lẻn vào âm thầm, chứ không phá hàng rào nhiều chổ như vậy, bọn chúng đang chuẩn bị chiến trường cho những đơn vị lớn hơn. Đúng như tin tức MẬT từ Bộ TTM cho biết trước: Việt-cộng mở chiến-dịch “Tánh Linh – Hoài Đức” để đánh chiếm hai Chi-khu nầy, theo chiến thuật mà chúng gọi là “Bóc vỏ” trước khi tiến đánh Thị xã Xuân-Lộc, nếu không thành công thì ít ra chúng cũng cầm chân được một số lớn đơn vị của ta, để dể bề đánh chiếm tỉnh Phước-Long.

   Trước đây một tuần, vì áp lực địch quá nặng nên Quân-khu 3 đã tăng cường Liên-đoàn 7/BĐQ cho Chi-khu Hoài-Đức. Đơn vị BĐQ nầy đóng quân tại Gia-Huynh nằm trên Tỉnh-lộ 333 về hướng Nam, và cách Bộ chỉ-huy Chi-khu 10 cây số. Đồng thời Bộ Chỉ-huy Tiểu-khu ra lịnh cho Tiểu-đoàn 344/ĐP  của tôi rút bỏ xã Võ-Xu và các ấp nằm dọc Tỉnh-lộ 335, về phòng thủ duy nhất cứ điểm Chi-khu và Xã Võ-Đắt.      Hoài-Đức là Quận xa nhất của Tỉnh Bình-tuy, cách Tỉnh lỵ 80 cây số đường chim bay. Chung quanh Quận lỵ là rừng bạt ngàn, phía Đông Bắc giáp với Tỉnh Lâm-Đồng toàn núi rừng của chặng cuối dãy Trường-Sơn thuận lợi cho việc che dấu và tiến sát các đơn vị lớn VC mà máy bay khó phát hiện…Những cuộc hành quân lục soát đã khám phá nhiều dấu vết địch cấp Trung đoàn, tôi cho vài người lính gốc Thượng giả dạng dân làm rừng xâm nhập những vùng nghi ngờ có địch để thám sát, nhưng những người lính nầy ra đi không về !
     


Lê phi Ô - hoạch định kế-hoạch tấn-công tái chiếm đồi Bảo-Đại (Võ-Đắt),
 tháng 12 năm 1974  
 
   Những cuộc chuyển quân của Ta và Địch làm cho người dân đoán biết được tình hình rất nghiêm trọng, nên gồng gánh ra đi bằng nhiều phương tiện khác nhau. Đêm 25 tháng 12 năm 1974, Chi-khu Tánh-Linh cách Hoài-Đức 15 cây số về hướng Đông Nam thất thủ. Chi-khu Hoài-Đức suốt tuần nay bị địch pháo bằng Hỏa-tiển 107 ly, Cối 120 ly, cối 82 ly trung bình 500 quả một ngày. Pháo-binh ta chỉ phản pháo cầm chừng vì đạn khan hiếm. Liên-đoàn 7/BĐQ ở phía Nam cũng chạm nặng với khoảng 2 Trung-đoàn VC. Pháo đội 105 ly của Pháo-đội trưởng Nguyễn-hữu-Nhân thuộc TĐ181/PB/SĐ18BB tăng cường cho LĐ7/BĐQ  phải dời vị trí nhiều lần (Nhân là anh vợ của LêphiÔ), cứ mỗi lần qua vị trí mới, là vị trí cũ bị địch pháo tan nát. Pháo đội nầy bị mất 2 khẩu Đại-bác 105 ly vào tay cộng quân. Thiết-đoàn 5 Kỵ-binh vào tăng viện cho LĐ7/BĐQ, cũng bị thiệt hại đáng kể (2 Sĩ-quan cấp Tá bị tử thương).

   Ban ngày bị pháo, ban đêm bị tấn công liên tục, xin Phi-cơ C123 yểm trợ và soi sáng không có…tổn thất lên cao mỗi ngày. Đang cầm máy liên lạc các Đại-đội phản công địch thì 2 Cảnh-sát Dã-chiến hớt hãi chạy đến báo: “Thưa thẩm quyền, ông Trưởng-chi của tụi tôi bị VC bắt rồi !”. Tôi tái mặt, Chi Cảnh-sát nằm ngay trong BCH/Chi-khu và cách BCH/Tiểu-đoàn tôi 30 thước, với một Tiểu-đội CSDC, gần 10 Cảnh-sát viên và tổ Thám-báo Tiểu-đoàn 5 người…mà bị Việt cộng bắt ?! Tôi và Thượng-sĩ Hường Thường vụ Tiểu-đoàn, 2 anh cận vệ cùng CSDC vội vã băng qua Chi Cảnh-sát. Việt cộng đã đột nhập cắt Chi-khu ra làm hai vì hỏa-lực nơi đây tương đối yếu. Trước khi bị anh em Cảnh-sát và lính phản công, Việt cộng khi rút lui đã bắt được Đại-úy Long Trưởng Chi Cảnh-sát và 2 Cảnh-sát viên mang theo, một số lính Tiểu-đoàn và Cảnh-sát bị thương. Tôi tăng cường thêm 3 người lính của toán Hỏa-đầu vụ Tiểu-đoàn cho tuyến của Cảnh-sát (vì không còn quân). Trên đường trở lại BCH/Tiểu-đoàn, thoáng thấy một bóng người nép vội vào gốc cây xoài bên hông văn phòng Quận cách tôi 10 thước, dáng dấp khả nghi không giống như lính. Tôi ra dấu cho Thượng-sĩ Hường và một anh cận vệ nép sát vào tường sẳn sàng yểm trợ, tôi và một anh cận vệ bò về hướng cây xoài. Bóng người lạ xê dịch như muốn chạy, cả hai chúng tôi hướng súng định bắn, bổng một trái chiếu sáng tay bừng sáng trên trời soi rỏ bóng người lạ chỉ cách tôi 3 thước, không có súng và hình như đàn bà, “Nữ Đặc-công VC ?” vừa thoáng nghĩ trong đầu thì anh cận vệ của tôi nhảy chồm lên người tên Đặc-công, còn súng của tôi thì kê sát vào lưng hắn sẳn sàng bắn. Anh cận vệ bổng la lên: “Mầy hả ?”, anh ta quay lại tôi nói nhỏ: “con bé Hạ, ông thầy ơi !”- Tôi quát khẻ: “Mầy làm gì ở đây ?!”, con bé mặt còn nguyên nét sợ hãi: “Dạ em…dạ em…!”, vài quả đạn pháo nổ quá gần, chúng tôi chạy ùa vào lô-cốt kế cận, tôi hỏi lại: “Mầy làm gì ở đây ?” Thượng-sĩ Hường nói: “Mấy bửa nay nó thay thằng Xuân đi tiếp đạn cho anh em…” Tôi nói như trách Thượng-sĩ Hường: “Mấy bửa nay ?! thằng Xuân đi đâu mà nó phải đi tiếp đạn ?”- “Dạ, thằng Xuân anh của nó…chết rồi !”

   Tôi hụt hẫng, cổ họng có cái gì nghèn nghẹn ! Ông già Mai, ba của con bé Hạ một nông dân hiền lành sống với ruộng rẫy, thằng Đông con lớn của ông, đi lính tử trận ngoài Trung, từ đó mỗi khi đi làm rẫy, nhận được tin tức gì của Việt cộng ông đều bí mật báo với chính quyền Quốc Gia, bọn cơ sở nằm vùng của Việt cộng biết được, đã chặt đầu ông ngoài rẫy với một bản án để răn đe. Thằng Xuân là lính của Tiểu-đoàn tôi…con bé Hạ không dám ở nhà một mình, nên vào đồn sống với anh nó, bây giờ thằng Xuân chết rồi…nó sẽ sống với ai ?! Tôi nói thật khẻ với Thượng-sĩ Hường, như nói với chính tôi: “Bố Hường, tạm thời bố nuôi bé Hạ giùm tôi…để khi nào yên tôi sẽ tính sau !”, Tôi quay về hầm chỉ-huy của tôi dưới làn mưa pháo của địch.

   Sau khi Quận Tánh-Linh thất thủ bọn VC dồn cả lực lượng cấp Sư-đoàn tấn công LĐ7/BĐQ và Chi-khu Hoài-Đức do Tiểu-đoàn tôi tử thủ với quân số còn lại khoảng 200 người. Trước trận đánh, vì Bình-Tuy không đủ quân số nên xin tăng cường thêm 2 Tiểu-đoàn ĐPQ, Quân-khu 3 chỉ tăng cường một Tiểu-đoàn ĐPQ cho Chi-khu Tánh-Linh đến từ Long-An (TĐ335/ĐP), còn Tiểu-đoàn tôi bổ sung quân số lên trên 500 người lấy từ các Tiểu-đoàn khác trong Tiểu-khu và thêm Đại-đội 512/Trinh-sát.

   Xác VC không ai chôn nên đã bốc mùi, xác lính chôn tạm và phủ lên một lớp Poncho, thương binh còn kẹt lại 50 người vừa nặng vừa nhẹ vì Phòng-không của VC dày đặc nên Trực-thăng không vào được để tải thương, hơn nữa phải ưu-tiên cho mặt trận Phước-Long. LĐ7/BĐQ sau thời gian quần thảo với địch quân, tổn thất đáng kể, nên được lịnh triệt thoái khỏi Hoài-Đức. Như thế, Tiểu-đoàn ĐPQ của tôi còn lại hơn 200 người (kể cả thương binh) bị Sư-đoàn 6 VC, thêm Trung-đoàn 812 Sông Mao và 4 Tiểu-đoàn Đặc-công 18, 19, 20 và 200C (tài liệu của Dr. Nguyễn-đức-Phương tác giả “Chiến-tranh VN toàn tập”),  Quân số Việt cộng từ 6 đến 8 ngàn quân, bao vây tấn công ngày đêm. Thượng cấp cho tôi toàn quyền quyết định: Tử thủ, hay di tản chiến-thuật. Tôi đã cho thăm dò nhiều con đường rút nhưng không thể thực hiện được, nếu lính tráng đi phải bỏ lại vợ con họ ! và còn thương binh nữa ? – Chúng tôi quyết định Tử thủ !.

   Tôi liên lạc vô tuyến với hai đại-đội đang hoạt động bên ngoài thì, Đại-đội 1/344 do Đại-úy Trương-kiêm làm Đại-đội trưởng đã tan hàng mất hẳn liên lạc. Đại-đội 2/344 của Trung-úy Thời quân số còn được 36 người. Đại-đội 512 Trinh-sát của Trung-úy Đường vì áp lực địch quá mạnh phải lui lại khu chợ cách BCH/Chi-khu không xa. Trưa cùng ngày Trung-úy Đường tử thương và Trinh-sát tan hàng ngay sau đó. Trước tình hình nầy, không riêng gì con bé Hạ mà các Chị Vợ và Con của lính cũng được cấp phát súng đạn, vợ Trung-sĩ Hảo là cô Đở (bà Mụ ở nông thôn) trở thành y-tá của Tiểu-đoàn, hai tay chị lúc nào cũng đầy máu. Một thương binh cánh tay trái chưa đứt lìa hẳn, đã bốc mùi thối phải cắt bỏ, không có thuốc tê, với lưỡi dao cạo chị cố lấy bình tỉnh cắt bỏ cánh tay, anh thương binh cắn răng với hai hàng nước mắt chảy liên tục vì quá đau đớn ! Tôi cố gắng an ủi từng người, anh tài xế của tôi bị gãy chân trái vì đạn pháo, thấy tôi anh ấy khóc, tôi cố an ủi: “Vết thương của anh không đến nỗi phải cưa chân đâu !”, anh ấy nói trong nước mắt: “Không phải em sợ cưa chân, nếu được tải thương coi như chắc chắn được sống…thấy ông thầy ở lại…em thương cho ông thầy quá !” Anh ấy nghẹn lời, anh có biết đâu tôi còn nghẹn  hơn anh ấy nữa !  Tình huynh đệ chi binh như thế đấy…bản thân không lo mà chỉ lo cho đồng đội.(Sau ngày tôi ra tù, anh ấy biết tin, từ SaiGon với đôi nạng gổ và một chân…anh ấy xuống Bà-rịa thăm tôi !).

   Con bé Hạ đầu quấn khăn tang cho anh nó bằng cuộn băng vãi trắng, mặc áo trận, vai mang M16 người nó trông cứng cỏi như người lính thực thụ, mới 16 tuổi mà trông nó gìa dặn như người 30, 40 tuổi. Một tiểu-đội “Nữ binh” được thành lập, đặt dưới quyền điều động và chỉ-huy của Thượng-sĩ Hường, Tiểu-đội trưởng là vợ Trung-sĩ Man-Ngui (người Thượng). Các toán thám sát được tung ra ngoài, nay trở về, họ cho biết VC đông như kiến cỏ, phòng thủ dày đặc. Tiểu-đoàn không thể rút lui ra ngoài được, nếu mở đường máu, may mắn lắm là sống sót không tới 1/3.  Hôm đó VC không tấn công ban ngày mà chỉ pháo, tôi đoán đêm nay bọn chúng sẽ làm thịt chúng tôi…các thương binh còn cầm súng được đều phải ra phòng tuyến ngoài. Các Sĩ-quan phải rời bỏ vị trí chỉ-huy ra ngoài chiến hào cùng anh em chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, kể cả tôi. Nhưng đêm đó vẫn yên tỉnh đến lạ lùng và ngạt thở.

   Đúng 09:00 giờ sáng ngày 04 tháng 01 năm 1975 tất cả hỏa-lực của đủ loại súng bọn VC bắn như vãi đậu, tiếng hò hét xung phong man rợ.  Anh em chúng tôi mắt mở trừng trừng, tay để sẳn cò súng, nghiến răng…chờ giờ phút sau cùng của đời mình sẽ đến ! Bọn VC vẫn chưa xung phong. Đại-úy Đinh quang Chính trưởng ban 3 Tiểu-đoàn quay lại tôi hét lớn: “Trung-hiếu (Ám danh đàm thoại của tôi)…khoan cho lịnh bắn, tụi nó dụ cho mình hết đạn đó !“, Tôi gật đầu đáp nhận, không riêng gì Đại-úy Trưởng ban 3, mà tất cả hình như cũng hiểu như vậy. Vài lần hò hét xung phong không có kết quả, bọn VC nổi điên xung phong thật…

   Chiến trường bây giờ là địa ngục, là máu, là thịt xương vung vãi khắp nơi…lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy được địa ngục ! Trước đó chừng 20 phút, tôi nghe một giọng nói lạ trong máy Truyền-Tin bảo tôi cho biết tọa độ chính xác để Pháo-binh yểm trợ. Việt cộng không thể gạt được tôi, tôi chửi trong máy: “Tiên sư các anh, muốn bắn thì…bắn đi, cái Quận to tổ bố không thấy sao mà xin tọa độ !”, và sau đó không lâu, tiếng nói lạ lại vang lên trong máy AN/PRC.25: “Yêu cầu Bạch-Vân cho biết tọa độ chính xác giữa Ta và Địch !” (Bạch-Vân là danh hiệu Truyền tin Tiểu-đoàn), Tôi đáp: “Tao ở bên trong, tụi bây ở bên ngoài…muốn chơi bao nhiêu thì…cứ chơi !” Nói xong tôi cúp máy. Bọn kiểm thính của tụi nó biết cả danh hiệu Truyền-tin Tiểu-đoàn, biết thì biết, tôi thầm nghĩ…giờ phút nầy bọn chúng muốn biết tên cha mẹ của tôi…tôi cũng cho luôn !

   Tôi vừa buông ống liên hợp xuống thì…tiếng kèn, tiếng hô xung phong vang dội xen kẻ với tiếng đạn pháo chát chúa, long trời lỡ đất. Đạn đại bác tung cát bụi mịt mù…hình như cả ngàn quả nổ cùng một lượt, nhưng không có quả nào lọt vào bên trong mà nổ phía bên ngoài hàng rào, nổ ngay trên tuyến của Việt cộng ! Thân xác bọn “sanh Bắc tử Nam” bị đạn Đại bác hất tung lên từng đợt…từng đợt. Đại bác nổ liên tục vào bọn cộng phỉ nghe ghê rợn hơn cả “Lịnh xé xác” của truyện kiếm hiệp Kim-Dung. Hơn trăm mạng người còn sống sót của chúng tôi ngẩn ngơ quên cả bóp cò súng, giương đôi mắt nhìn một màn xi-nê sống động và hay hơn cả những phim chiến-tranh mà chúng tôi đã xem trước đây. Vì đây là cảnh thật chứ không phải trên màn ảnh, tiếng Đại bác vẫn nổ liên tục trên phòng tuyến địch cho đến trưa. Xen lẫn trong tiến nổ của đạn pháo là tiếng máy bay phản lực nghe càng lúc…càng rõ. Trên bầu trời những chiếc F5 quen thuộc xuất hiện như những Thiên-thần, tiếng đại bác vừa ngưng là những chiếc F5 chúi xuống thả từng cặp Bomb Napal trên đầu giặc biến Võ-Đắt thành biển lửa. Quân Tử thủ chúng tôi như tỉnh cơn mê…từ há hốc mồm kinh ngạc, bổng nhiên vỡ oà trong tiếng reo hò ầm ỉ: “Quân tiếp viện đến…! Quân tiếp viện đến…!”. Đại-úy Chính trưởng ban 3 Tiểu-đoàn chạy lại phía tôi la lớn: “Sư-đoàn 18 vào tới rồi…mình sống rồi Trung-hiếu ơi !”. Nước mắt lưng tròng, Tôi, Đại-úy Chính và các binh-sĩ  hình như tất cả chúng tôi đều khóc ! những giọt nước mắt sung sướng lăn dài trên gò má, rồi chảy xuống chiến bào đã khô cứng vì bụi cát, đất và máu của đồng đội bao ngày. Võ-Đắt đã được hồi sinh sau 33 ngày sống trong địa ngục trần gian !!!

   Tôi đi một vòng quanh phòng tuyến, đứng nghiêm chào trên mỗi xác của đồng đội. Ôm vai hoặc nắm chặt tay những đồng đội còn sống hay bị thương để nghe niềm xúc cảm dâng trào trong tim thay cho muôn vạn lời nói ! Khi đi ngang một lô-cốt, thấy bé Hạ ngồi khóc, tôi hoảng hốt hỏi cô bé có bị thương không ? nó lắc đầu, rồi đưa tay chỉ xuống hầm. Tôi chui vào, nhìn thấy xác hai chị “Vợ Lính” nằm kề bên nhau, tay vẫn còn giữ chặc hai khẩu súng. Nhìn qua lỗ châu mai, khoảng cách gần, xác 3 tên VC bị bắn vỡ toang đầu. Nhìn lại thân xác hai chị nằm đó, như người đang ngủ say ! Tôi đứng nghiêm chào và thầm nói: “Thưa các chị, xin các chị hãy yên giấc ngàn thu, Tổ Quốc muôn đời mãi ghi ơn các chị ! Trong trận chiến khốc liệt để bảo vệ sự an nguy, Tự-do, Hạnh-phúc cho người dân miền Nam nói chung, đồng bào Hoài-Đức Bình-Tuy nói riêng…sự hy sinh của các chị sẽ được ghi vào sử sách của những người lính không có số quân, và không có cả luôn 12 tháng lương tử tuất. Các chị đã nối bước tiền nhân, không hổ danh con cháu Bà Trưng, Bà Triệu. Tôi xin đại diện cho những người còn sống hôm nay, kính cẩn nghiêng mình trước vong linh của những Anh-Hùng Liệt-Nữ vô danh, xin ngàn thu vĩnh biệt !” Nước mắt của tôi tự dưng trào ra…Tôi bưóc ra khỏi hầm, với gương mặt trầm buồn, nhưng tâm tư chất chứa niềm kiêu hãnh cho một thế hệ, bất kỳ nam hay nữ, đã và đang cống hiến cuộc đời, và thân xác mình cho cuộc chiến chính nghĩa, bảo vệ sự an bình, tự do cho đất nước VNCH. Tôi ngước mắt lên nhìn trời, cảm ơn Thượng Đế đã cho tôi và các anh em binh-sĩ được sống, chiến đấu, và biết thế nào về hai chử Anh-Hùng trong chiến trận…và tôi, may mắn được chiến đấu bên cạnh những Anh-Hùng đó, những chiến-sĩ Anh-Hùng vô danh mang tên “Vợ Lính”!

   Trong những lần trò chuyện với anh qua email, được anh cho biết có mở riêng một trang blog để giới thiệu về những bài anh viết. Tôi đọc được 4 Hồi-ký “Một thời Lửa Đạn”, 4 Tùy-Bút Chiến-Trường, 12 bài của bạn bè viết cho anh và 20 bài Thơ của anh và của bạn bè. Có thể là rất nhỏ bé, nhưng đã trang trải một chặng đường dài cuộc đời của
‘Người Lính Địa-Phương-Quân Lê phi Ô’. Từ quãng đời thơ mộng lúc còn đi học, cho đến ngày cống hiến đời trai vào nghiệp chiến chinh để bảo vệ Tự-Do, Dân-Chủ, ấm no, Hạnh-Phúc cho miền Nam Việt-Nam nói chung, và cho vùng đất thân yêu Bình-Tuy nói riêng. Và bây giờ lưu lạc trên xứ người, người lính ĐPQ Lê phi Ô vẫn còn trăng trở với nỗi đau của Quê Hương, đang trầm luân dưới chế độ độc tài Đảng trị CSVN. Chắc là anh cũng như bao người lính VNCH tự đặt cho mình một câu hỏi: Ta làm gì với quãng đời còn lại cho Quê Hương ?!

   Người viết xin cám ơn người lính ĐPQ: LÊ PHI Ô, từ những bài của anh tôi tìm thấy một phần đời của một thời cầm súng. Tôi trở thành người dân ‘Đất Biển Tình Nồng’ Bình-Tuy rất muộn, nhưng tại Quê-hương thứ 3 nầy, tôi tìm thấy những tình thương yêu rất mặn nồng, của người dân Bình-Tuy dành cho người lính ĐPQ trong chiến đấu, hoặc bị tù sau khi Nước mất. Và, tôi đã có câu trả lời: “Tại sao những người lính ĐPQ lại đổ xương máu để bảo vệ vùng đất thương yêu nầy đến giây phút cuối cùng, trong đó có người lính ĐPQ Lê phi Ô”.

(Lê phi Ô – 2012) 

   Người viết xin được kết bài viết bằng bài thơ “Tiếng Gọi Việt-Nam” của người lính ĐPQ Lê phi Ô, nói lên một quãng đời lính tráng cũng như năm tháng tù đày của mình khi gãy súng tan hàng. Và những trăng trở về những vùng đất đã đi qua của một thời chinh chiến:
       
Mười hai năm lính, bảy năm tù
Hai mươi mốt năm một cuộc bể dâu
Tánh-Linh, Hoài-Đức rừng Xuân-Phước
Lính trận, tù binh bạc mái đầu !

Biển-Lạc, núi Ông, cầu Nín-THở
Quân đi quét sạch lũ cuồng điên
Ngờ đâu chớp mắt tinh cầu vỡ
Quỷ lộng hồn oan dậy bốn miền.

Long-Giao,  Suối-Máu tù trơ xương 
Mìn gở phanh thây máu đỏ đường                                               
Chiếu rách xác gom vùi gió cát
Mồ chôn vô chủ lạnh khói hương.
                        
Vợ bỏ con thơ theo cán bộ
Đồng tiền đánh đổi cả nhục vinh
Hởi ơi, canh bạc đời…đen đỏ
Mỹ nhân hề…chén rượu tàn canh !

        Mẹ già ôm áo trận thương con
        Hương lính còn vương trận Động-Đền
        Mù mắt chờ con, con biền biệt
        Con về khóc mẹ mộ không tên.

        Long-Hải, Long-Điền phu gánh cá
        Nặng đôi vai gánh cả giang sơn
        Đội cá, mơ…Nữ-Oa đội đá
        Vá trời…thẹn mặt với non sông !

        Bao giờ gặp lại cố nhân ơi !
        Lạc-Tánh, Bình-Tuy vắng khách mời
        La-Gi, Võ-Đắt, đồi Bảo-Đại
        Ru thầm tiếng gọi Việt-Nam ơi !

        LPO. (cựu tù A20)



 (Lê phi Ô – 1963) 
 


                                                                    



NGƯỜI XỨ NGHỆ


                                                       

                                                                                                                                                                    
                                                                                                           








          
        



















                                                                                                                                                                                                                                                

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét