Vũ Ánh
Dường như ngày 30-4 nào trong 38 năm qua, ngày mà một số người gọi
là Ngày Quốc Hận thường là cơ hội cho hai lớp người đặc biệt: Các chính trị
gia, các nhà hoạt động thích “spotlight” đọc diễn văn hô hào
và những cựu quân nhân nào thích mặc quân phục quân đội VNCH có dịp mặc những
bộ quân phục đặt may cho vừa kích thước thân thể của người lính già nay đầu tóc
đã bạc phơ, thân hình đẫy đà hơn gấp hai, có khi gấp ba thời trai trẻ, đứng
nhìn xuống chỉ thấy bụng. Cho nên dù có cắt may khéo léo cách nào đi nữa, bộ
quân phục cũng không thể nào làm người mặc nó hùng dũng đầy sức sống như thời
còn trai trẻ, bụng phẳng lỳ, tóc cắt ngắn ba phân, da dẻ sạm nắng lồng vào
trong bộ quân phục tác chiến đã bạc mầu, dù có giặt ủi hồ thế nào đi chăng nữa
nó vẫn không thể làm mất mùi khen khét của thuốc súng mang về từ chiến trận.
Thời chưa bị gọi động viên, nghĩa là chưa vào lò luyện thép ở đồi
Tăng Nhơn Phú, tôi cũng đã có 4 bộ quân phục tác chiến bộ binh, giầy bốt, nón
sắt và áo giáp, ba lô. Lý do: Tôi là phóng viên mặt trận cho Hệ Thống Truyền
Thanh Quốc Gia, tất cả quân trang do Quân Nhu cấp, nhưng chỉ được mặc khi ra
mặt trận và chuyện này cũng có luật lệ của nó. Nội qui của Bộ Quốc Phòng cấm
các phóng viên mặt trận không phải là quân nhân mặc quân phục ở những nơi “không
phải là mặt trận”.Trên nón sắt phải sơn một bảng nền trắng chữ đen “Báo
Chí-Press”, phía trên sát nắp túi phải có bảng tên và tên cơ quan mà
mình phục vụ, đeo trên cổ thường có hai thẻ: một do Nha Báo Chí Bộ Thông Tin
VNCH cấp và một thẻ khác do Phải Bộ MACV cấp để phòng khi xin chỗ ngồi trên máy
bay hay trực thăng của quân đội Mỹ hoặc khi phải đi tường thuật hành quân của
lực lượng Mỹ.
Rất hiếm khi một đơn vị trưởng lại tiếp một phóng viên đi theo đơn
vị mình mà lại mặc thường phục. Lý do: Người phóng viên mặc quần jean, áo thun
dễ trở thành cái đích của địch quân và khi đụng trận, một vài quân nhân hốt
hoảng có thể bắn lầm nếu mình mặc thường phục. Ngoài ra, quân phục tác chiến
thuận tiện để người phóng viên hành nghề trên chiến trường. Thời chiến, chỉ là
phóng viên dân sự thôi cũng đã phải mặc quân phục và mặc phải đúng cách nếu
phải tường thuật ở mặt trận. Khi đã có luật lệ thì tất có sự phiền hà nếu mình
làm sai luật. Tôi đã bị một đơn vị trưởng VNCH từ chối cho lên trực thăng đổ
quân khi có một lần tôi mặc áo trận nhưng lại mặc quần jean như một số phóng viên
Mỹ đi tường thuật hành quân ở phía lực lượng Mỹ.
Từ kinh nghiệm làm phóng viên mặt trận, khi phải thi hành lệnh
động viên vào học khóa 5/69 ở trường Bộ Binh Thủ Đức, tôi không bỡ ngỡ lắm đối
với giờ học quân phong quân kỷ cũng như các giờ học khác về vũ khí đạn dược và
chiến thuật. Vào thời chiến, tại miền Nam Việt Nam có biết bao nhiêu lớp thanh
niên đã phải qua các khóa đào tạo tại ngôi trường này cũng như mãi về sau này
do nhu cầu chiến trường cần nhiều sĩ quan trung đội trưởng nên trường Đồng Đế
cũng phải mở thêm cửa để đón nhận lớp thanh niên trí thức “xếp bút
nghiên tạm theo việc đao cung”. Ra trường đa số những tân sĩ quan trẻ
tuổi này được bổ sung cho các đơn vị tác chiến. Bộ quan phục tác chiến bắt đầu
thấm mồ hôi và trong nhiều trường hợp thấm máu mình trên chiến trường. Cho nên,
một trong những tư trang giá trị nhất mà một người lính mang trên người trong
suốt thời chinh chiến là bộ quân phục, một trong những vật bất ly thân do quân
đội cấp phát chứ không phải mua được ở chợ, và không phải ai cũng có thể mặc
được bộ quân phục đó trên người nếu họ không đổ mổ hồi trên các quân trường trước
khi ra đơn vị. Cho nên bộ quân phục là một kỷ niệm tinh thần đối với một người
lính. Tinh thần đó là gì ? Tiếng Anh có một chữ rất thích hợp để diễn tả, đó là
động từ “earn”, nghĩa là “đạt được” bằng mồ
hôi, nước mắt và trí óc, rồi sau này khi ra trường, bộ quân phục ấy thấm thêm
máu mình và đồng đội.
Tuy nhiên huấn lệnh cũng như quân luật của quân lực VNCH lấy từ
nền tảng tổ chức theo cách của quân đội Hoa Kỳ cũng như quân đội của những đất
nước tự do, cho nên cũng rất nghiêm khắc đối với việc mặc quân phục, nhất là
những trường hợp cấm mặc quân phục chỉ với mục đích để “giữ thanh danh
và kỷ luật cho quân đội”. Dù đã 38 năm qua kể từ khi chiến tranh Việt
Nam kết thúc, tôi vẫn còn nhớ rất rõ huấn lệnh nghiêm cấm các quân nhân không
được mặc quân phục trong những trường hợp sau đây:
- Tại những nơi tập họp thương mại hay chính trị trừ những trường
hợp được cho phép.
- Khi làm việc ở những cơ sở tư nhân trừ trường hợp được biệt phái
sang làm việc ở những cơ quan chính phủ.
- Xuất hiện để đọc diễn văn chính trị hay là khách mời của một tổ
chức chính trị hay vận động, hoặc được phỏng vấn, chụp hình trên báo, quay phim
đều phải được phép của cơ quan có thẩm quyền của quân đội.
- Khi tham dự các cuộc biểu tình ủng hộ hay chống chính phủ hoặc
quân đội.
-
Một quân nhân bị tước
đoạt binh quyền vì vi phạm thanh danh quân đội không được quyền mặc quân phục.
Nói tóm lại, quân đội được thành lập để bảo vệ quốc gia, tất cả
những thứ họ mặc trên người hay vũ khí đạn được và các phương tiên chiến
tranh, lương bổng và phụ cấp gia đình của người quân nhân đều từ tiền thuế của
dân chúng đóng góp nên quân đội phải đứng ở vị trí trung lập với chính trị,
thương mại. Các huấn lệnh và quân luật được viết ra là dựa trên mục tiêu“giữ
ký luật và thanh danh quân đội”. Trong thời chiến, có khá nhiều thanh
niên trốn quân dịch bằng cách mặc giả quân nhân. Nếu những người này không bị
quân cảnh xét hỏi thì dĩ nhiên không sao, nhưng nếu họ bị xét hỏi và bị bắt giữ
thì không phải bị phạt vì tội sợ chết trốn lính mà vì mặc giả quân nhân với ý
định xấu hay hù dọa làm mất thanh danh quân đội.
Trước 30-4-1975, khi VNCH còn và quân đội VNCH còn, ngoại trừ
những nghệ sĩ trong Biệt Đoàn Văn Nghệ Trung Ương hay địa phương, những nghệ sĩ
lên trình diễn trên các sân khấu không được mặc quân phục nếu không xin phép và
khi mặc quân phục phải cho đúng cách. Vào thời chiến, nhiều khán giả rất bực
mình khi nhìn thấy một số nghệ sĩ lên sân khấu mặc quân phục nhưng lại “rất
không đúng cách”. Điều không đúng cách nhất của những nghệ sĩ này là
tóc không cắt ngắn ba phân hay cho dù được châm chước đi nữa thì cũng phải cắt
cao lên. Cứ tưởng tượng như một nghệ sĩ tóc dài xuống gáy mà chụp cái mũ lưỡi
trai lên đầu, quân phục thì bảng tên đeo bên trái, huy chương đeo bên mặt thì
còn ra cái thể thống gì nữa đối với bộ quân phục? Một cách giản dị và dễ hiểu
nhất là khi đã mặc bộ quân phục vào người thì người đó phải xứng đáng để mặc
nó.
Sự thua trận ngày 30-4-1975 đã làm thay đổi tất cả và đối với
những người mặc áo lính, đó là một vết chém không bao giờ quên được. Bộ quân
phục vì thế trở thành một kỷ niệm thiêng liêng hơn. Do nó là thiêng liêng nên
không thể bừa bãi, nhất là trong tình trạng đất nước không còn, quân đội thì đã
tan hàng từ 38 năm nay. Huấn lệnh và luật lệ về quân phục dù có mang được phó
bản sang đây cũng không còn giá trị gì nữa, nhất là nhiều cựu quân nhân VNCH
hiện nay sống ở Mỹ và hầu hết đã trở thành công dân Hoa Kỳ. Cho nên quá khứ
kiêu hùng của quân đội VNCH không may vẫn chỉ là kỷ niệm, là quá khứ. Rất hữu
lý nếu như các cựu sĩ quan VNCH mặc quân phục đến để chào kính một cấp chỉ huy
cũ hay bạn đồng đội của của mình khi họ qua đời, hoặc là một buổi lễ được cử
hành tại tượng đài mang tính chất quốc gia, nhưng cũng phải rất giới hạn số
người được mặc. Còn lại, tất cả các trường hợp khác đều không nên, ngay cả
trong những cuộc họp mặt của các hội đoàn cựu quân nhân để tránh sự hiểu lầm
của đồng hương cũng như của những người Mỹ khác là chúng ta khoe khoang.
Nhưng đáng buồn thay là việc mặc quân phục ngày càng thịnh hành ở
Little Saigon này và ở nhiều cộng đồng Việt Nam khác trên đất Mỹ, thậm chí còn
mặc quân phục để biểu dương trong các cuộc biểu tình chính trị hay các cuộc
biểu tình phản đối, lại còn “thắng” lên người những bộ quân
phục mầu ngụy trang vốn là quân phục dành cho những lực lượng tổng trừ bị hàng
hầu của quân lực VNCH. Chúng ta thường thấy trong rất nhiều buổi họp báo để
phản đối lập trường chính trị của người này, quan điểm của người kia cũng có
một vài cựu quân nhân mặc quân phục. Tôi đã từng nghe nhiều người buột
miệng: “Làm cái đếch gì mà đi phản đối người ta về làm ăn buôn bán ở
Việt Nam mà cũng mặc quân phục. Để hù ai?”. Cá nhân, tôi thấy những
người này nói không sai. Giả sử như VNCH còn, quân đội VNCH còn, câu than phiền
của những đồng hương cũng vẫn rất đúng, chiếu theo huấn lệnh của quân đội qui
định về việc mặc quân phục, huống chi mọi chuyện nay đã thay đổi. Tôi vẫn
thường tự hỏi, trong số những người mặc quân phục VNCH mà tôi thường thấy trong
các buổi họp mặt, hay lễ lạc liệu có ông nào bỏ lính bỏ dân để lo cho an toàn
riêng của mình giữa lúc đất nước nghiêng ngửa không? Nếu có tức là họ đã vi
phạm vào lệnh gìn giữ thanh danh cho quân đội và bộ quân luật. Và nếu có thì
liệu họ có thể mặc bộ quân phục trên người nữa không?
Có nhiều cựu quân nhân và bạn bè nói với tôi rằng, lúc mới sang
thì do còn xúc động nên chỉ có vài người mặc quân phục, nhưng sau dần bắt chước
nhau đi mua sắm không những quân phục mà còn cả cấp hiệu, mũ, giầy bốt, huy
chương, giây biểu chương. Chỉ cần đặt câu hỏi “Ai kiểm soát được việc
mặc quân phục, ai bảo đảm rằng người mặc quân phục VNCH không làm những hành
động mất thanh danh quân đội chẳng hạn như mặc quân phục đi biểu tình, đi họp
mặt chống Cộng nhưng trong túi đã có vé máy bay về Việt Nam để thụ hưởng hay
làm ăn buôn bán với chính phủ của người thắng trận, ai bảo đảm trước kia một
ông nào đó trốn lính, lính ma, lính kiểng nay lại thắng lên mình bộ quân phục
ngụy trang của những đơn vị hàng đầu trong quân lực VNCH?”.
Do đó, theo tôi, mặc quân phục VNCH tại quê hương thứ hai phức tạp
hơn ở VNCH trước 30-4-1975 rất nhiều, trong khi không một người cựu quân nhân
nào quên được bộ trang phục tác chiến mà họ mặc trong nhiều năm trước khi không
còn được mặc. Vì vậy người cựu quân nhân VNCH ở Mỹ không còn nhiều lý do để mặc
quân phục và tốt nhất là không nên mặc quân phục nếu tự thấy mình không còn
xứng đáng với nó hoặc chỉ nên mặc nó trong trường hợp thần cần thiết như tôi đã
trình bày ở trên. Chắc các cựu quân nhân VNCH hiện đang sinh sống tại Mỹ cũng
đã thấy cách ăn mặc của những cựu quân nhân Mỹ. Họ chỉ cần mặc Âu phục có thắt
và vạt, trên vạt áo khoác ngoài gắn một “pin” nhỏ mầu quốc kỳ
và ngay phía dưới quốc kỳ là một huy chương cao quí nhất mà mình được ân thưởng
trong thời gian phục vụ trong quân ngũ. Nhiều cựu quân nhân còn đeo một giải
băng trắng qua vai, trên giải băng có phù hiệu của các đơn vị mà mình từng phục
vụ hoặc các đơn vị bạn mà mình từng hợp đồng tác chiến. Một chiếc nón ca-nô
xanh chung cho các cựu quân nhân Mỹ. Như thế vừa tiện lợi, vừa hòa đồng với các
bạn chiến đấu ở những đơn vị khác.
Đến Bức Tường Đá Đen ở thủ đô Washington, chúng ta có thể thấy
ngay những cựu quân nhân Mỹ đến viếng đồng đội tử trận trong chiến tranh Việt
Nam vẫn chỉ mặc theo kiểu của “Vietnam Veteran”. Có cựu chiến
minh Mỹ chỉ mặc một chiếc áo trận cũ mà ngày xưa họ mặc khi tác chiến trên
chiến trường Việt Nam có thêu hàng chữ “Vietnam Veteran”, có
người chỉ đội chiếc nón của đơn vị mình trước đây, vừa kín đáo, vừa tỏ ra trang
trọng mà rất khiêm tốn.
Người Mỹ vẫn còn quốc gia, vẫn còn quân đội mà họ còn xử sự như
thế thì tại sao những cựu quân nhân VNCH lại không hành động giống họ? Tại sao
lại cứ phải làm những hành động như còn quân đội Việt Nam Cộng Hòa trong khi
thực tế trước mắt là 38 năm trước, chúng ta, tất cả những người mặc áo lính đã
không bảo vệ được đất nước, đã không làm tròn tín niệm Tổ Quốc-Danh Dự-Trách
Nhiệm. Muốn cho thế hệ thứ hai trong đó có con cháu chúng ta biết chúng ta đã
chiến đấu như thế nào trong thời chiến thì có nhiều phương cách lắm, trong đó
phương cách tốt nhất là sống như một mẫu mực cho con, cho cháu trong gia đình
và ngoài xã hội chứ không nhất thiết phải bằng bộ quân phục tự mua sắm.
Tôi nghĩ trong tình hình đất VNCH không còn, quân đội VNCH tan hàng từ 38 năm trước mà mặc quân phục để biểu dương ở những nơi không cần biểu dương sẽ chỉ làm rõ sự thất bại ê chề của chúng ta mà thôi. Càng nhiều người mặc quân phục, và bộ quân phục càng oai phong bao nhiêu thì càng khiến cho đồng hương so sánh họ với thực tế phũ phàng của ngày 30-4 ở thời điểm 38 năm trước. Bộ quân phục được mặc và xuất hiện bừa bãi ở những nơi trước kia huấn lệnh của quân đội VNCH cấm rõ ràng không thể sửa chữa lại được những lỗi lầm đã trở thành Quốc Hận 30-4 của chúng ta.
A20 Vũ Ánh
Để cám ơn anh....
Trả lờiXóathư cho thằng bạn cũ
mầy hỏi làm chi mấy thằng ở đó
tụi nó bây giờ chẳng nhớ gì đâu
sướng cái thân nên quên mẹ trong đầu
những lát khoai khô ruồi bu kiến đậu
ta cá với mầy đéo thằng nào nhớ
mũi súng sau lưng giặc bắt xếp hàng
suối Lạnh Hàm Tân moi từng củ rạng
chùi gấu quần nuốt sống ngọn rau lang
mầy nhắc chi những ngày Phú Khánh
gió mùa hạ Lào như cháy trên da
sáu năm – tao, mầy ở chung một nhà
về một lượt, sống còn như phép lạ
tao cũng thư thăm vài thằng quen cũ
nói tào lao cho qua chuyện rồi thôi
tao nghe nhiều, toàn những chuyện trời ơi
thằng lập đảng, thằng dựng cờ quật khởi
cũng như mầy tao vươn dài cổ đợi
mấy mươi năm, lẩn quẩn chuyện nhục vinh
cứ tháng tư là áo trận giày đinh
hổng biết tụi nó sao còn dám bận
bộ đồ đó tao nhớ ngày tan trận
thằng đốt, thằng chôn bỏ chạy lấy người
bây giờ tụi nó lấy mặc khơi khơi
còn lon lá thêm đầy trên ve áo
mầy nói với tao là mầy mất cả
còn mỗi bạn bè đang ở tứ phương
bảo tao nhắn là mầy vẫn can trường
đợi tụi nó về vẫy vùng một trận
thôi đi mầy ơi ! cơ đồ khánh tận
tụi nó chỉ về theo kiểu dạo chơi
vác mác Việt kiều ăn nhậu một hơi
rồi dông tuốt mặc xác thằng ở lại
tụi nó còn đám con thơ, vợ dại
mấy mươi năm xây dựng ở xứ người
sang giàu và cái nghèo rớt mồng tơi
trời ! đụ mẹ mầy ngu chưa từng thấy
tao lẩm cẩm nói mấy điều tàn nhẫn
cố mà nghe rồi quên mẹ nó đi
tao với mầy chỉ chờ lúc ra đi
tiếc cái là chết trong vòng tay giặc
bao nhiêu năm mình giữ lòng son sắt
tới cuối đời sống cùng lũ âm binh
mai ghé tao uống một chén cạn tình
quên hết mẹ thân phận thằng ở lại
nguyễn thanh-khiết
03-2011