5.5.10

Tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4 ở đâu và như thế nào?



Vũ Ánh
(03/13/2010)
 
Trong những trại cải tạo, cái đói khát triền miên, ốm đau không có thuốc, công việc lao động khổ sai không làm chúng tôi sợ bằng hằng năm cứ vào đêm 29 tháng 4, đám cai tù buộc chúng tôi phải xem lại toàn bộ hình ảnh sự thất bại của chính mình vào sáng ngày 30 tháng 4 cách đây 35 năm. Tôi không hiểu những người bạn tù khác nghĩ sao, nhưng riêng tôi, hành động này là một đòn tra tấn tinh vi nhất mà những người chiến thắng sử dụng với người chiến bại.
Hàng ngàn người tù bị đẩy ra sân trại vào buổi tối để bắt buộc phải ngó lên một màn ảnh, nhìn những thước phim được chạy qua một ống kính của máy chiếu 16 ly ghi cảnh tan hàng tức tưởi của một trong 4 quân lực hùng mạnh nhất thế giới. Hàng đống xe cơ giới, thiết giáp, M-113, đại bác, súng cối, M-16, ba lô, quân phục, cờ, thẻ bài được quay cận cảnh chen lẫn đó đây, những nhóm quân nhân VNCH phải cởi bỏ quân phục, chỉ còn chiếc áo lót và quần đùi trước mũi súng của kẻ chiến thắng. Còn nỗi cay đắng nào hơn, nhưng cuối cùng cũng phải uống những chén thuốc đắng, dù chỉ là để “nhớ nước đau lòng con quốc quốc.”
Ðầu tiên, anh em chúng tôi tìm cách khai bệnh và ở lại buồng giam để khỏi phải tập họp xem phim. Sau đó, bọn cai tù phát giác ra chuyện này và đem nhốt tất cả những ai không chịu xem phim vào xà lim để trừng phạt. Nhưng riết rồi số người từ chối xem phim ngày một đông hơn và họ vui vẻ đưa chân vào cùm trong những xá lim cá nhân. Mỗi xà lim cá nhân chỉ nhốt 2 người nhưng vào những dịp 30 tháng 4, nhân số gia tăng lên 10, rồi 15 người mỗi xà lim. Chúng tôi ngộp thở đến nỗi phải chia phiên nhau thò lỗ mũi ra cửa tò vò duy nhất của cánh cửa xà lim để thở, nhưng sao vẫn thấy lòng vẫn nhẹ nhàng và cùng nhau hát tù ca hăng hái hơn.
Nhưng sau khi được định cư ở Hoa Kỳ rồi, cảm tưởng sợ hãi lại trở lại với tôi mỗi năm đến dịp cộng đồng tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4. Ðã được may mắn hơn người khác thoát được cái nhà tù lớn Việt Nam, được sống trong một đất nước tự do, dân chủ, quyền con người được tôn trọng, được tự do phát biểu những ý nghĩ của mình, sao lại sợ hãi?
Quí vị độc giả hãy cùng tôi nghĩ lại xem trong hai thập niên qua, đã bao lần trong cộng đồng này, cứ đến gần ngày tưởng niệm, đã nảy sinh các cuộc tranh cãi về việc ai được quyền treo cờ trên phố Bolsa, ai được quyền tổ chức ngày 30 tháng 4. Rồi đến khi có được khu Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ, sự tranh cãi ai được quyền tổ chức ngày tưởng niệm 30 tháng 4 đúng ngày và phải tổ chức ở khu tượng đài vẫn là một hình ảnh đậm nét nhất.
Dĩ nhiên, không ai có thể không công nhận là tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4 ở Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ là điều kiện tối ưu. Nhưng nếu kẹt là trước đó đã có người có giấy phép làm đúng ngày này thì tại sao lại không tổ chức vào vài ngày trước đó. Ngày 25 tháng 4 thì có khác gì ngày 30 tháng 4? Ngày 20 tháng 4 thì có khác gì ngày 25 tháng 4. Thời gian đó cũng đã có thể gọi là tuyệt vọng đối với VNCH rồi. Mọi người chờ đợi cái thòng lọng tròng vào cổ mình nên đã có người gọi toàn bộ tháng tư năm 1975 là Tháng Tư Ðen cũng không ngoa.
Và nếu như thế thì việc tưởng niệm được tổ chức đúng vào ngày hay trước ngày 30 tháng 4 thì cũng vẫn là quốc hận như thường. Nếu đã gọi là quốc hận thì từ dân đến quân, cán, chính đều cùng có những đau khổ, cay đắng và nhục nhã như nhau, có gì mà phải tranh đấu cho được chính mình hay tổ chức của mình mới là người có quyền tổ chức tưởng niệm ở tượng đài.
Thực tế, ngày giờ và địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm không quan trọng lắm mà quan trọng là nội dụng của chương trình tưởng niệm có đáp ứng được mối quan tâm của đồng hương không, có biểu lộ được tinh thần đoàn kết đồng lòng rửa mối hận mất nước bằng cách khôi phục nền dân chủ và nhân quyền cho hơn 80 triệu đồng bào Việt Nam ở trong nước hay không? Nói đoàn kết mà ngay trong việc tổ chức ngày tưởng niệm 30 tháng 4 cũng còn tranh cãi với nhau thì sao tạo được niềm tin trong đồng hương.
Cho nên, hình ảnh sẽ gây được ấn tượng mạnh nhất trong lễ tưởng niệm năm nay, nếu tất cả các tổ chức tạm xếp những khác biệt chính kiến nắm tay nhau đứng hàng một dọc theo các con đường từ Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ dẫn về trung tâm Little Saigon. Làm được điều này chúng ta cũng sẽ tránh được việc phải nhờ đến thành phố, nhất là phải nhờ đến những người chẳng bao giờ thông cảm nổi nỗi đau của chính chúng ta giải quyết chuyện tranh chấp về ngày và vị trí tổ chức lễ tưởng niệm. Cá nhân, tôi ủng hộ mạnh mẽ ý kiến của luật sư Chris Phan, thành viên trong Ủy Ban Tượng Ðài và Chủ tịch Hội Quân Nhân Người Mỹ Gốc Việt, là hãy cố gắng thương lượng dàn xếp và thảo luận với Chủ Tịch Hội Ðồng Giám Sát Orange County Janet Nguyễn để hợp tác tổ chức một Lễ Tưởng Niệm 30 tháng 4 thật ý nghĩa.
Ý nghĩa của một lễ tưởng niệm không phải chỉ là sự hoành tráng của những tiết mục mà còn là nội dung nói lên được gì. Hà Nội hiện đang thuê Bắc Hàn giúp tổ chức những màn đồng diễn lớn lao. Nhưng những người tham dự đồng diễn cũng như những người ra lệnh tổ chức sẽ chỉ là những con người máy không trái tim nếu họ không nêu rõ được tinh thần chiến đấu chống ngoại xâm Trung Hoa, bởi vì hoàng thành Thăng Long tượng trưng cho cuộc chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm phương Bắc.
Ở hải ngoại, cũng vậy. Nếu chúng ta không biểu lộ được tinh thần dẹp bỏ những khác biệt để cùng nhau bày tỏ sự đoàn kết trong một lễ tưởng niệm, dù nó được tổ chức lớn lao, dềnh dàng, ở đâu đi nữa, thì vẫn không nói lên được đầy đủ ý nghĩa.
Năm nay lại còn là năm bầu cử, nhưng bất cứ ban tổ chức tưởng niệm 30 tháng 4 nào biến lễ tưởng niệm thành cơ hội tuyên truyền cho bất cứ ứng cử viên nào cũng sẽ gây tai hại khôn lường. (V.A.)


(Nguồn:  http://www.vietherald.com)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét