30.6.11

Tiếng nói từ trái tim



Kính thưa quý vị,

Như tôi đã trình bày trong một bài viết trước, tôi không phải là nhà văn, tôi chẳng phải là cái gì cả, nhưng chỉ vì tôi cần nói ra những gì tôi cảm nghĩ, vì không nói ra được thì trái tim tôi sẽ nổ vỡ mất nếu cố giữ kín trong lòng, nên tôi cần viết ra những gì tôi muốn viết.

Chúng tôi làm giấy tờ để ra đi theo diện ODP (làm chui từ năm 1984 và gửi qua Bangkok vì lúc đó chưa có bang giao chính thức giữa cộng sản Việt Nam và thế giới tự do), với những đóng góp về giấy tờ cũng như tiền bạc của thân nhân chúng tôi đã qua Mỹ từ trước, vì đó là quyền lợi của chúng tôi theo hồ sơ bảo lãnh ODP do các thân nhân chúng tôi đảm trách, nhưng sau đó qua những lời thỉnh nguyện của bà Khúc Minh Thơ đại diện những gia đình có thân nhân bị tù đầy trong guồng máy cộng sản đã trình bày hoàn cảnh này lên Tổng Thống Ronald Reagan và được Tổng Thống chấp nhận để chính Tổng Thống ra lệnh cho ông Thứ Trưởng Ngoại Giao Robert L. Funseth trao đổi với nhà cầm quyền cộng sản để thả và cho chúng tôi ra đi qua Mỹ. Vì vậy hồ sơ gia đình tôi được chuyển từ ODP sang HO. Chúng tôi đã tới Mỹ vào ngày 06 tháng 07 năm 1992. Nếu không có bà Khúc Minh Thơ thì không bao giờ gia đình chúng tôi qua được Mỹ theo chương trình HO, (cao lắm thì theo chương trình ODP mà thôi) và như vậy sẽ phải chờ lâu hơn. Do đó gia đình chúng tôi luôn luôn mang ơn bà Khúc Minh Thơ và những người trong hội “Gia Đình những Tù Nhân Chính Trị” đã trực tiếp hay gián tiếp giúp gia đình chúng tôi.

Khi nhân viên Hoa Kỳ phỏng vấn gia đình tôi, họ hỏi tôi là muốn đi theo diện ODP hay HO., tôi trả lời liền: “HO hay ODP, tôi đều chấp nhận, miễn sao chúng tôi ra khỏi VN càng sớm … càng tốt”.

Tôi đã được mổ mắt qua chương trình Medicare để thay lens ngay từ khi mới qua đây, vì khi tôi qua đây thì hai mắt tôi bị cataracts che mờ đến nỗi hầu như tôi không nhìn thấy đường. Bây giờ lens của tôi là bằng plastic, và tôi đọc sách báo không cần phải đeo kính nữa và đi làm một cách bình thường. Nhà tôi đã mổ tim (open heart surgery) mà không phải trả một đồng nào cả. Bản thân tôi cũng mổ cổ (anterior fusion surgery) mà chỉ trả copay rất ít. Nước Mỹ là thế đó.
Tôi và nhà tôi mới đi lên Hoa Thịnh Đốn thăm người bà con, và có dịp đi thăm bức tường đen nơi ghi tên của 58.195 người lính Mỹ, từ anh binh nhì đến sĩ quan cấp tướng, và sau đó chúng tôi được vinh dự đưa đến nghĩa Trang Arlington, là nghĩa trang quốc gia Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ là quê hương mới của gia đình chúng tôi. Hai vợ chồng tôi được đưa đi thăm Toà Bạch Ốc, Quốc Hội, và nhiều nơi khác như Lincoln Memorial, như Jefferson Memorial, như Washington Monument, v.v… và có dịp đi thăm Smithsonian Museum, nơi có trưng bầy bộ xương con khủng long từ mấy ngàn năm về trước. Nhìn thấy Tổng Thống Lincoln ngồi chễm trệ trên ghế nhìn xuống bàn dân thiên hạ, tôi mới cảm thấy sự nhỏ nhoi của mình.  Nhìn thấy ngôi mộ của Tổng Thống Kennedy với câu nói bất hủ: Đừng hỏi nước Mỹ đã làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi bạn đã làm được gì cho nước Mỹ. “Don’t ask what your country can do for you. Ask instead what you can do for your country”. Nhìn thấy những ngôi mộ của những người đã hy sinh cho Tổ Quốc mà không đòi hỏi bất cứ một cái gì cho họ cả.
Nói tới nói lui, tôi chưa trình bày với quý vị lý do bài viết của tôi.

Tôi là một người Mỹ gốc Việt. Tôi thương yêu đất nước Việt Nam của tôi vì đó là nơi tôi được sinh ra, nuôi dưỡng, lớn lên, gặp người yêu và lấy làm vợ, rồi vì tình hình chiến cuộc, tôi đã tình nguyện nhập ngũ dù tôi được miễn dịch vĩnh viễn với lý do con trai duy nhất trong gia đình. Sau năm 1975, tất cả những sĩ quan, công chức của chế độ Cộng Hoà phải đi tù. Riêng tôi đã không chấp nhận chế độ cộng sản nên đã bị bắt và ở tù tới 2296 ngày và đêm. Tôi được thả, cho về nhà và họ bắt buộc đi vùng kinh tế mới. Tôi từ chối với lý do là cha mẹ già yếu, con cái còn quá nhỏ. Do đó tôi vẫn còn ở lại Sài Gòn. Tôi đạp xe ba bánh chở vật liệu cho mọi khách hàng. Sau đó, nhờ số vốn ngoại ngữ của tôi, tôi đã đi dậy học, chính thức cũng có, chui cũng có. Rồi cha mẹ tôi lần lần mất. Bố tôi chết năm 1984, hưởng thọ 85 tuổi, mẹ tôi chết năm 1985, hưởng thọ 81 tuổi. Hai cái tang chồng chất lên tôi. Nhưng bản thân tôi buồn mà không phiền não vì tôi cảm nhận phần nào về thiền!Tôi hiểu rằng: đã đến thì rồi phải đi, níu kéo cũng không được. Và một ngày nào đó, sẽ đến lượt tôi ra đi. Có thế thôi.

Tôi đã khóc khi bố mẹ tôi mất. Tôi đã khóc khi chị tôi mất. Tôi đã khóc khi anh rể tôi mất.

Tôi đã khóc khi những chiếc phi cơ bị không tặc đâm vào hai toà nhà cao ốc là Trung Tâm Thương Mại Quốc Tế tại Nữu Ước làm chết gần 3000 người.

Tôi đã khóc khi một phi cơ khác bị không tặc cho đâm vào Ngũ Giác Đài, làm chết mấy chục người trong đó có một kỹ sư Việt Nam.

Tôi đã khóc khi một phi cơ khác đã rớt trên một cánh đồng hoang vắng nhờ lòng can đảm của những hành khách đã đứng lên chống cự với bọn khủng bố để không cho chiếc máy bay này đâm vào Toà Bạch Ốc.

Tôi đã xúc động và hãnh diện khi thấy những thành quả của những người Mỹ gốc Việt đạt được trên mọi lãnh vực, từ chính trị đến quân sự qua chuyên môn, qua học hành, từ những chuyện nhỏ nhất đến những chuyện lớn nhất.

Tôi rất xúc động khi thấy những ngưòi Mỹ gốc Việt làm dân biểu, làm nghị viên tại những tiểu bang, thành phố lớn trên nưóc Mỹ.

Tôi rất xúc động và hãnh diện khi thấy các bạn bè của tôi là những thày giáo, là những người hướng dẫn thế hệ trẻ mà chúng ta gọi là thế hệ thứ hai để thay thế ông cha khi chúng tôi qua đời.

Người Mỹ gốc Việt chúng ta không làm tủi hổ giòng giống. Và nói chung thì chúng ta vui khi thấy những thành quả đó.

Tôi đâu có muốn xa lìa Việt Nam, mà chỉ vì hoàn cảnh bắt buộc. Tôi không thể sống tại một nơi mà dân chúng không có tự do, dân chủ, nơi mà nhà cầm quyền chỉ áp đặt cuộc sống theo ý họ chứ không theo ý dân.

Tôi vẫn muốn làm một cái gì cho quê hương tôi, nhưng người ta không cho, do đó tôi phải ra đi. Gia đình tôi sống tương đối đầy đủ, vui vẻ, hạnh phúc tại quê hương thứ hai.

Tại quê hương thứ hai này, chúng tôi sống như những người Mỹ khác, không thắc mắc, không mong mỏi gì hơn là đi làm để có tiển trả những bills khi nó tới. Sống một cuộc sống rất bình thường.

Nhưng tôi vẫn trăn trở. Có một cái gì trong tôi cứ làm cho tôi khó chịu. Không biết là cái gì. Nhìn tới nhìn lui: Gia đình ổn thoả, nhà cửa tạm ổn, vì tiền mua nhà cũng sắp trả hết. Vợ chồng không hề xích mích, cãi nhau, con cái đều thành đạt. các cháu nội đều học hành tấn tới. Sống tại Austin, nơi khí hậu hiền hoà, thiên nhiên đối đãi tốt, ngôi nhà ở phía sân sau có hồ cá gần trăm con cá KOI và hòn non bộ tuyệt vời do hai cha con tôi xây dựng cả 5 năm trời mới xong. Một dàn lá mơ, một vườn rau thơm với cả chục cây ớt hiểm, còn muốn gì hơn nữa.

Khi vợ chồng chúng tôi đi thăm viếng nghĩa trang Arlington, tôi mương tưởng đến nghĩa trang quân đội Biên Hoà và rồi tôi nhận ra tôi nợ một món nợ rất lớn với các đồng ngũ đã nằm xuống. So sánh những người lính Mỹ tình nguyện gác ngôi mộ “Chiến Sĩ Vô Danh” tại nghĩa trang Arlington với nghi thức theo một nguyên tắc nhất định: bước 21 bước là vì người chiến sĩ bỏ mình vì nước được hưởng 21 phát súng (phần thưởng cao quý nhất cho một nguời chiến sĩ hy sinh với 7 khẩu súng và bắn ba lần theo truyền thống từ thế kỷ thứ 17 ở bên nước Anh). Quay lại hướng Đông là hướng ngôi mộ, nhìn ngôi mộ của người chiến sĩ vô danh trong 21 giây, nghỉ 21 giây trước khi quay đầu lại để bước 21 bước tiếp theo. Quay súng qua vai vì súng không được ở bên vai gần ngôi mộ. Đổi gác mỗi 30 phút qua một buổi đổi gác thật long trọng. Mỗi ngày, cả trăm cả ngàn ngưòi đến xem lễ đổi gác. Ngày cũng như đêm. Nắng cũng như mưa. Trời xanh, đẹp, cũng như vần vũ mưa sa bão tố. “Old Guard never changes.” Đất nước thứ hai của tôi như vậy đó, còn đất nước thứ nhất của tôi? Nghĩa trang Quân Đội Biên Hoà thật khốn đốn, thật tủi nhục. Tôi đã làm được gì cho chính những đồng ngũ của tôi? Tượng “Thương Tiếc” bị kéo giật ngay từ những ngày đầu tháng 5 năm 1975. Mồ mả những đồng ngũ của tôi bị đào xới lên, xương người quân nhân chết đã bị làm nhục. Ai chịu trách nhiệm? Trong thời gian đi tù, bọn cai tù Cộng Sản đã chửi rủa tụi tôi, là những người còn đang sống, huống hồ chi những người đã nằm xuống. Tụi Việt Cộng cười hố hố há há trên xác chết người quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.  Vậy mà chúng ta chẳng làm được một cái gì để giúp đỡ những người chiến sĩ đã chết cho Tổ Quốc, ngoại trừ ngồi bên này chỉ trích nhau, chụp mũ nhau, ai không theo đường lối chống cộng của mình sẽ là việt gian. v.v… Bởi vậy, từ tụi việt cộng cho đến những người nôm na gọi là chống cộng nửa vời mà sự thực là gieo rắc nghị quyết 36 của việt cộng, chúng tôi đều né tránh.

Thưa quý vị,

Vợ chồng chúng tôi đã trên dưới 70 tuổi. Sống chung với con cháu thật vui vẻ, hạnh phúc. Không có gì phải than thở, phàn nàn, sống như tất cả những người Việt Nam tỵ nạn cộng sản khác, rồi già đi, rồi chết đi, nhường chỗ cho con, cháu. Thế cũng xong một cuộc sống bình thường như tất cả mọi người.

Thế thì trăn trở cái gì? Thế thì khó chịu cái gì?

Xin thưa: Tôi chưa trả nợ cho Tổ Quốc Việt Nam của tôi một cách trọn vẹn. Tổ Quốc đã cho tôi tất cả, nhưng tôi chưa đáp ứng lại được một phần. Và đến ngày 30 tháng Tư 1975, tôi đã mất Tổ Quốc. Gia đình còn, nhưng Tổ Quốc không còn. Tôi là một người không còn Tổ Quốc từ năm 1975 cho đến khi tôi sang Mỹ và sau đó 6 năm thì tôi trở thành công dân Mỹ. Nhưng liệu tôi có thể chóng quên nguồn gốc của tôi không?

Vì thế, thưa quý vị, tôi tâm nguyện rằng:

Khi không còn bóng cộng sản tại quê hương thứ nhất của tôi, là nước Việt Nam, tôi sẽ về lại và làm người gác nghĩa trang, hàng ngày thắp những nén nhang cho các ngôi mộ đồng ngũ của tôi tại nghĩa trang quân đội Biên Hoà, cho đến khi tôi chết thì hoả thiêu thân xác của tôi, để một nửa nằm chung với đồng ngũ của tôi tại Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà, và một nửa thì trải tại Hồ Lake Travis tại Austin,  TX, là quê hương thứ hai của tôi.

Tôi có thể tha thứ, nhưng tôi sẽ không bao giờ quên những gì cộng sản Việt Nam đã làm cho gia đình tôi, cho đồng ngũ của tôi, cho quê hương tôi, cho Tổ Quốc tôi. Vì thế, ước muốn nhỏ nhoi của tôi trong việc thiêu xác sẽ được thực hiện qua con tôi, cháu tôi, nếu cộng sản chưa chết trong đời tôi.

Lê Hoàng Ân



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét