20.6.11

Trại Trừng Giới, nơi đày ải nhiều chiến sĩ VNCH



Thanh Phong/Viễn Đông

WESTMINSTER - Sau ngày 30-4-1975 nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam dựng lên hàng ngàn trại tù rải rác khắp Nam, Trung, Bắc để giam giữ, đày ải các Quân, Dân, Cán, Chính VNCH. Một trong những trại tù khét tiếng nhất có tên gọi là Trại Trừng Giới A.20 nằm trong thung lũng Kỳ Lộ, Huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quân Lực 19-6-2011, hai chiến hữu Nhan Hữu Hậu (sĩ quan cấp Tá QL/VNCH) và chiến hữu Tống Phước Hiến (sĩ quan cấp Úy, Cảnh Sát Quốc Gia) đã đến tòa soạn nhật báo Viễn Đông để kể lại giai đoạn hai ông và các bạn tù A.20ø phải chịu đựng nhục hình như thế nào tại trại Trừng Giới A.20.

Trại Trừng Giới không phải là kiểu trại như Lý Bá Sơ hay Đầm Đùn thời Việt Minh, mà mang hơi hướng của kiểu trại trừng giới do Stalin lập ra ở Siberia. A.20 là mã số Việt Cộng đặt cho từng trại như Z.30 C, A.10 (Khe Sanh), v.v.. Trừng Giới có nghĩa là trừng phạt nghiêm khắc các cựu sĩ quan quân đội, Cảnh Sát Quốc Gia và đảng viên của các chính đảng miền Nam, nhất là Việt Nam Quốc Dân Đảng mà nhà cầm quyền cộng sản cho rằng “không cải tạo được” có nghĩa là thuộc thành phần nguy hiểm, cần phải chỉ định cư trú vào những vùng rừng núi, trong những trại gọi là “kiên giam”, những người tù trong đó không bao giờ được xét tha, nếu không có những biến chuyển chính trị áp lực từ bên ngoài. Trên đây là lời giải thích hai chữ Trừng Giới A.20 của Thiếu Tá Nhan Hữu Hậu.

Cả hai vị sĩ quan trên đều bị thanh lọc từ các trại tù khác trước khi chuyển đến trại Trừng Giới. Thiếu Úy CSQG Tống Phước Hiến mô tả về trại Trừng Giới A.20:

 “Xe bít bùng chở chúng tôi rời trại Z 30D Hàm Tân lúc 3 giờ sáng. Khi những tia nắng cuối cùng tắt hẳn, chúng tôi xuống xe. Nhìn toàn cảnh đồi núi, sông, suối, ruộng đồng, tất cả đan kết gắn chặt vào nhau như cái chảo lớn mà bầu trời là cái vung thiên nhiên khóa chặt cuộc đời của những người sa chân mạt lộ. Rồi vòng rào, nhà giam kiên cố, thái độ hung hăng, lời nói chất chứa hận thù độc ác, chúng tôi biết sắp phải đương đầu với bao nghiệt ngã, khốc liệt tàn ác nhiều lần hơn các trại trước...”.

Như đã nói ở phần trên, đây là trại tù dành riêng cho những thành phần “bất trị” nên trại có 4 nhà, mỗi nhà có các Đội như sau:

Nhà 1 có Đội Vệ Sinh gồm những người tàn tật, bệnh hoạn và già lão.

Đội Văn Thể (cách rút gọn kiểu VC từ hai từ kép “văn nghệ”, “thể thao”) gồm những người có chút hiểu biết về ca hát hay viết lách và thể thao, đa số tình nguyện vào đội này và được ưu đãi hơn các trại viên khác về ăn uống và thăm nuôi. Ông Tống Phước Hiến nói, nếu ông nhớ không lầm thì nhà văn Phan Lạc Giang Đông trong nhóm chủ biên tờ “Mã Thượng” làm Đội Trưởng đội này. Một Đội khác là Đội Y Tế, ông còn nhớ có các Bác Sĩ Trần Quý Nhiếp, Nguyễn Tấn Chức, Nguyễn Văn Lịch. Ngoài những bác sĩ trên, một số doanh gia người Hoa ở Chợ Lớn từng được mệnh danh là vua sắt thép, vua lúa gạo, vua điện ảnh, v.v., trên thương trường miền Nam như Trương Dĩ Nhiên, Lý Sang, Trần Thành, Lưu Trung cũng vô được Đội này dù chỉ biết vài ba cây thuốc nam gọi là dược thảo. Ngoài ra, Nhà 1 cũng có Ban Thi Đua do Dương Đức Mai (nguyên Trung Tá BĐQ) làm Trưởng Ban và một toán Trật Tự gồm Quý đen, Trực và Thanh, hai kẻ sau là cán bộ cộng sản.

Nhà 2 là nơi giam giữ những thành phần bị án trên 18 năm và tử hình, cũng lập thành một Đội mà đa số là các Linh Mục như Vũ Huy Chương, Trần Công Chức, Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Tiến Khẩu, Huỳnh Linh, Lê Văn Hòa, Nguyễn Duy Linh và một số Sư Huynh Dòng La San Talbert như Thầy Đào, Thầy Phượng và các chiến sĩ phục quốc tại nhà thờ Vinh Sơn Sài Gòn, trong đó có Linh Mục Nguyễn Quang Minh.

Nhà 3 là nơi giam tù bị án “tập trung cải tạo” trong đó có sĩ quan, viên chức VNCH, một số tu sĩ Tuyên Úy Phật giáo như Thầy Đạt, Thầy Lưu và các tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo rất kiên cường.

Nhà 4 gồm một Đội tập trung các bệnh nhân bị bệnh nặng, đa số lao phổi.

Mỗi người vào trại đều được chúng đóng dấu to tướng bằng hắc ín trên quần áo với hai chữ “Cải Tạo” .

Trong trại cũng có một sĩ quan cao cấp của Việt cộng trước đây đã ra hồi chánh với chính phủ VNCH tại Quận Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, đó là Trung Tá Huỳnh Cự, nguyên Trưởng Phòng Quân Huấn Liên Khu 5. Sau khi về hồi chánh, ông được đề bạt làm Phụ Tá Thứ Trưởng Bộ Chiêu Hồi và Ủy Viên Công Cán. Với kinh nghiệm về cộng sản, ông Huỳnh Cự đã ngầm nói với ông Tống Phước Hiến và một số bạn tù tin cậy rằng: “Hãy cẩn thận, đừng để thái độ chống đối lộ liễu quá, không có lợi”. Ông Huỳnh Cự cũng khuyên: “Các anh nên ráng nhịn, ra khỏi trại giam rồi muốn làm gì hãy làm. Trong tù mà chết thì lãng nhách, còn nếu không còn phương cách để tồn tại thì phải lựa cách chết vừa xứng đáng, vừa danh dự, vừa không bị thua lỗ”.

Sau khi được tha về, một hôm ông Huỳnh Cự đang cỡi xe Honda chờ đèn giao thông tại ngả tư Hàng Xanh thì bị một xe Jeep nhà binh mang phù hiệu Quân Y Việt Cộng đứng chờ sẵn và nhắm thẳng vào anh lao tới. Chiếc xe Jeep tông vào ông Huỳnh Cự khiến ông ngã sấp xuống mặt đường. Người lái xe thản nhiên chạy đi trước mắt công an giao thông và sự ngỡ ngàng của người qua đường.

Ngoài muôn vàn tủi nhục và cay đắng mà bọn công an cộng sản trút trên đầu anh em sĩ quan Quân Lực VNCH, ông Tống Phước Hiến kể cho chúng tôi nghe câu chuyện anh trại viên Cái Trọng Ty bị bọn coi tù đánh vì khi gánh đầy một gánh lúa giống mà cái thúng bị đứt vành nên lúa rơi vãi ra ngoài. Để bênh vực anh Ty và cũng để nói lên tinh thần không khiếp nhược của sĩ quan quân lực VNCH, các anh đồng thanh lãn công, nhất định không lao động, không nhận phần ăn sáng.

Thiếu Tá Nhan Hữu Hậu, người lãnh đạo cuộc tuyệt thực khác kéo dài 48 tiếng đòi thực thi chế độ lao tù, đã bị bọn cai tù hành hạ đủ điều, nhưng tất cả mọi hành động tra tấn thể xác cũng như tinh thần không làm ông chùn lòng. Ông ngậm ngùi kể lại chuyện 7 anh em trong trại gồm: Đại Úy Đặng Lý Thông (trường sinh ngữ QĐ), Trung Úy Nguyễn Duy Đức (BĐQ), Trung Úy Nguyễn Ngọc Bửu (TQLC), Trung Úy Trần Lưu Úy (Phi công F5), Trung Úy Nguyễn Hồng Quân (nhà báo QĐ) và anh Lê Thái Chân đã tìm cách vượt ngục vào đêm 13-11-1980 nhưng chỉ một mình anh Lê Thái Chân sống sót, còn tất cả bị bắn chết. Anh Lê Thái Chân bị chúng bắt và đánh anh mù một con mắt. Anh hiện ở San Jose và sẽ có mặt trong Đêm Hội Ngộ của Gia Đình A.20 để kể lại câu chuyện của mình.

Nhân dịp này, cựu Thiếu Tá Nhan Hữu Hậu và Thiếu Úy Tống Phước Hiến có nhờ nhật báo Viễn Đông loan tin: Đêm Hội Ngộ Gia Đình A.20 Cựu Tù Cải Tạo Trại Trừng Giới sẽ được tổ chức vào Chủ Nhật ngày 3-7-2011 từ 6 giờ chiều đến 11 giờ đêm tại Seafood Palace Restaurant, 6731 Westminster Blvd, Suite 122, Westminster, CA 92683. Hiện nay đã có 120 chiến hữu trại Trừng Giới ghi danh tham dự. Trong đó có nhiều anh em về từ các tiểu bang khác nhau tại Hoa Kỳ, Úc Châu và Canada. Quý độc giả muốn tham dự, xin liên lạc với Ban Điều Hành: A.20 Vũ Ánh (714) 261-3616, email:
anh_vu_van@yahoo.com; Ô. Nhan Hữu Hậu (714) 893-1972; Ô. Tống Phước Hiến (714) 534-3586; Ô. Vũ Văn Lộ (714) 598-6092; Ô. Nguyễn Văn Học (714) 775-7393.

Thanh Phong



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét