20.7.12

Chung quanh cuộc Hội Ngộ A-20 tại thung lũng Hoa Vàng



                                                                  Vũ Ánh


Nguyễn Đức Thành vẫn thư sinh, trắng trẻo, nhưng nghiêm túc, nói năng gãy gọn đâu ra đó. Bùi Đạt Trung một cựu sĩ quan BĐQ mà chúng tôi gọi thân mật là Trung “điên” lần này không điên tí nào cả. Anh duyên dáng trong một bài tù ca soạn theo thể kích động và đồng thời là một “quản ca” điệu nghệ như thời gian còn trong quân trường để điều khiển những bản nhạc hát chung được anh em A-20 hoan nghênh đặc biệt. Phạm Kim Minh lúc nào cũng lặng lẽ, ít nói, nhưng khi nói ra đều là những lời lẽ thẳng thắn nhiều khi làm người đối thoại phật lòng nhưng không thể bảo anh nói sai hay không thành thật chí tình được. Sự chính xác, ngắn gọn trong mỗi nhận xét của Minh là do được đào tạo trong các khóa học liên quan đến an ninh trong quân đội. Anh Thành đã cùng một số anh em khác làm việc trong một thời gian kỷ lục để tổ chức cuộc họp mặt lần thứ hai cho những anh em cựu tù cải tạo của trại A-20 Xuân Phước mà chúng tôi quen gọi là trại kiên giam, một từ ngữ khác của loại trại trừng giới. Sở dĩ phải gọi là trại kiên giam hay trại trừng giới là vì trại này là một trong những trại có những cách trừng phạt với mục đích trả thù tàn bạo đối với với những tù cải tạo được “tuyển lựa” từ những trại tù khác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, những người mà nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam gọi là những thành phần “chỉ có lấy rìu bửa đầu ra chứ không còn có thể cải tạo được nữa” (Nhóm từ mà Lê Đồng Vũ một trung tá công an, trại trưởng trại kiên giam A-20 sử dụng khi nói với chúng tôi). Trên giấy tờ thì đám công an gọi những thành phần bị đưa lên trại A-20 Xuân Phước là những “đối tượng của Phương Án 4” theo cách phân loại đối tượng bắt chước kiểu cách của Liên Xô thời gian còn trại tập trung ở Tây Bá Lợi Á hay những trại lao cải của Trung Cộng.

Thực ra, nhà cầm quyền Việt nam Cộng sản tin rằng họ có thể cải tạo được chúng tôi cũng chỉ là một sự hoang tưởng. Lý do rất dễ hiểu. Dù các trại cải tạo được thiết lập ở trong Nam hay ngoài Bắc, chế độ lao tù của người Cộng sản vạch ra vẫn là: CHO ĂN ĐÓI-LAO ĐỘNG KHỔ SAI-ỐM KHÔNG CẤP THUỐC. Đây là 3 yếu tố khiến người tù kiệt sức và trong tình trạng kiệt sức chỉ một cơn bệnh, chẳng hạn như kiết lỵ là có thể mất mạng. Tuy thế, chúng tôi vẫn tồn tại được, vẫn thích ứng được với môi trường tù đầy không khác gì bối cảnh các trại tập trung của Đức Quốc Xã khi xưa ở Âu châu. Phim “Vượt Sóng” của một đạo diễn trẻ gốc Việt đầy nhiệt tình, nhưng chỉ diễn tả được một phần rất nhỏ bối cảnh của trại cải tạo ở Việt Nam, nhất là những tài tử đóng vai chính, vai phụ và “đám đông” tù nhân quá mập và đầy sức lực khiến cho những người Việt Nam và người ngoại quốc khi xem mà không có diễn giải thể hiểu lầm chế độ lao tù Cộng sản. Theo tôi, hình ảnh của người tù dưới chế độ cộng sản sau 30 tháng 4 năm 1975 phải là những “bộ xương biết đi”. Điều này lại càng dễ hiểu hơn nữa vì với chế độ 12 ký lương thực một tháng cho những người tù thì dù cho gia đình có gởi quà thăm nuôi mà phải làm việc khổ sai nặng nhọc như thế liên tiếp trong 8 đến 10 tiếng đồng hồ thì làm gì còn thịt trên thân thể người tù cải tạo? Tôi không nói tới những người bị biệt giam lâu như tôi, như Ngọc “đen”, như Trung “điên”, như Phạm Đức Nhì, như  Trần Danh San, như bố Lê Sáng chưởng môn Việt Võ Đạo, như các linh mục Nguyễn Văn Vàng, Nguyễn Luân, Nguyễn Duy Chương, như nhà trí thức Hồi giáo Châu Sáng Thế, Nguyễn Chí Thiệp, Đoàn Bá Phụ, Huỳnh Cự, Lê Thái Chân, Nguyễn Đình Quí, Nguyễn Đại Thuật, Hùng “cơm”…với chế độ khẩu phần từ 6 đến 9 kí lô lương thực một tháng. Chúng tôi gọi chế độ này là chế độ  “2 muỗng cơm, 2 muỗng nước” cho mỗi bữa ăn dành cho những người bị biệt giam. Hai muỗng cơm đó được chan nước muối cho mặn chát, nếm vào là lưỡi bị dộp lên thì thử hỏi có ai dám ăn hết phần ăn. Hai muỗng nước cho một bữa ăn nhạt cũng đủ làm cho người tù khát bỏng họng rồi huống chi người phải nuốt những miếng khoai mì lát dẫm nước muối như vậy? Nhịn ăn thì cỡ nào cũng có thể chịu được, nhưng nhịn khát thì thật là kinh khủng. Mỗi khi bị gọi đi thẩm cung, chúng tôi phải tìm mọi cách uống được nhiều nước để khi trở lại phòng biệt giam tiểu ra, nước tiểu đầu còn nhạt dễ uống.

Người Cộng sản nghiên cứu rất kỹ về cách quản thúc con người và có thể nói chính sách “nắm” bao tử người dân đạt được hiệu quả nhất định, nhưng với tù cải tạo thì càng bị sống trong tình trạng o ép khắc nghiệt, họ càng đoàn kết. Theo tôi, không nơi nào như ở trại A-20, đám an ninh trại giam đã tạo được mạng lưới ăng ten dày đặc như A-20, nhưng các phần tử tha hóa ấy lẫn trong số anh em chúng tôi hoạt động không hữu hiệu. Những sĩ quan trẻ tuổi đã gởi cho đám này một thông điệp dứt khoát: “Hai phần ba thời gian của một ngày các anh sống với chúng tôi, đừng vì một chút cơm thừa canh cặn mà phản bội anh em sẽ không sống nổi để về với vợ con đâu”. Vì thế những “mặt rằn” vào thời đó như T.T.V tự là Bernard (một anh Tây lai) hay Phạm Văn Đồng (trùng tên với Thủ Tướng Việt Nam vào thời đó nên bọn tôi gọi anh ta là Đồng thủ tướng) ở những trại khác ai cũng sợ nhưng Ngọc “đen” chỉ bỏ nhỏ: “Ê Đồng, tụi tao không đụng tới mày thì mày cũng đừng đụng đến bọn tao nghe mày” là anh ta không quậy cọ gì được. Trước đó, Quí “đen” một tù nhân hình sự được đám quản nhiệm trại đưa về làm trật tự để “trị” chúng tôi bị các sĩ quan trẻ đánh cho một trận tưởng chết, nhưng may mắn là hắn vùng chạy thoát được, sau đó bọn quản trại phải đưa Quí đen đến trại khác, rồi Quang “què” một cựu sĩ quan VNCH từ một trại khác cũng đã bị đánh bể đầu giữa khuya và không cho báo cáo cấp cứu cũng chỉ vì cái tật công khai ton hót với Lý “lé” an ninh trại. Kể từ sau những đòn răn đe này cho đến khi chúng tôi chuyển trại, những ăng ten chỉ dám báo cáo những chuyện vặt vãnh như  nấu nướng trong trại giam, chây lười lao động, ngầm tiếp tế cho những anh em trở về từ biệt giam, hay tụ tập nói chuyện linh tinh hoặc kể chuyện kiếm hiệp của Kim Dung để giải khuây. Trại xảy ra rất nhiều vụ như kẻ khẩu hiệu chống Cộng, chào cờ vào những ngày 19-6 hay Quốc Khánh 1 tháng 11, tổ chức hát tù ca, lãng công “No Eat No Work” để phản đối chế độ lao tù khắt khe của trại A-20 và ra được một tờ báo chui truyền tay nhau lấy tên là tờ “Hợp Đoàn”. Sự kiện đáng chú ý nhất là vụ cướp súng trốn trại của 7 sĩ quan Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân, Nhảy Dù và Sinh Ngữ Quân  Đội. Họ trốn thoát nhưng khi gần đến Phú Bổn thì bị Thượng cộng bao vây bắn chết 6 người. Người sống sót duy nhất là anh Lê Thái Chân, đại úy Pháo Binh Nhảy Dù giữa đường bôn tẩu gặp tai nạn, không đi được nữa, phải nằm lại. Anh bị bắt lại, bị đánh đập rất nặng và đưa ra tòa án nhân dân bị kết án 15 năm tù chồng lên với án tập trung lúc đó là là năm thứ sáu. Lần họp mặt đầu tiên ở Nam California, anh đã cố gắng về gặp lại những bạn đồng tù khác, nhưng không thể về lần thứ hai ở San Jose vì sức khỏe và đi đứng khó khăn.

Những lần họp mặt các cựu tù cải tạo trại A-20 đều mang tính chất riêng tư và bạn bè. Cá nhân, tôi không gọi những bạn đồng tù với tôi ở A-20 là những chiến hữu mà tôi vẫn coi đó là những đồng đội của mình, những đồng đội có trách nhiệm với nhau trong một cuộc chiến đấu khác đòi hỏi phải đoàn kết, giữ vững tinh thần và kiên trì đứng thẳng lưng. Cuộc chiến này là cuộc chiến để giữ trọn vẹn được nhân cách và niềm tin vào con người trong hoàn cảnh cùng quẫn nhất. Chúng tôi, những người tù cải tạo ở A-20 dù đến trước dù đến sau, dù ở các quân binh chủng khác nhau, dù là biệt phái sang chính phủ, dù là trong hàng ngũ những tổ chức chính trị, đảng phái khác nhau ở Miền Nam Việt Nam vẫn là những đồng đội gắn bó với nhau giữ cho nhau không bị kẻ thù thù khuất phục. 

Cho đến nay, tính ra cái giá mà chúng tôi phải bằng cả sự mất đi của tuổi thanh xuân và nhiều gia đình ly tán. Trước ngày họp mặt, anh em A-20 lại phải ngậm ngùi tiễn đưa anh Tài “đờn”, một cựu tiểu đoàn trưởng Biệt Động Quân về nơi an nghỉ cuối cùng ở Utah. Những người còn lại trong số chúng tôi mượn những dịp hội ngộ là cơ hội để gặp gỡ nhau bởi vì gặp nhau rồi vẫn không ai dám hẹn lần sau gặp lại do ở tuổi già như ngọn đèn dầu sắp tắt, biết đâu được. Mà cứ mỗi lần chúng gặp nhau là lại có những đêm không ngủ. Cũng chỉ là chuyện xưa, nhưng chúng tôi vẫn thấy cần thiết để kể lại, nhất là những đoạn đời nổi trôi sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ để vào một cái lồng  Việt Nam vĩ đại hơn. Những buổi sáng tiền hội ngộ, gặp nhau cà phê cà pháo, buông thả “mày, tao chi tớ”, gọi nhau bằng những biệt danh từng gọi nhau thân mật trong tù: nào là Trung “điên”, nào là Chung “bí đỏ”, nào là Đại “gấu”, nào là Quý “con”, nào là Tư “rè”, Duyên “voi”, Hoàng “xi cà que”, Ngọc “đen”, Tôn “lò”, Ánh “khứa lão”, Tám “chùa”, Hải “cu bi”, Tuấn “dù”, Hiền “lu bu”. Ngồi với nhau, nhìn tới nhìn lui ai cũng có cảm tưởng là còn thiếu một người nào đó. Nhưng thực tế không thiếu, bởi vì có những người bạn lúc nào cũng mang một vẻ gì đó nghiêm túc, cẩn thận trong từng suy nghĩ, từng lời nói chẳng hạn như Nhan Hữu Hậu, người từng có nhiệm vụ bảo vệ bảy đời nguyên thủ và thủ tướng VNCH, Phan Thành Lương, Cái Trọng Ty, Nguyễn Thi Ân…những người do chuyên môn đặc biệt của họ trong quân đội nên lúc nào cũng trầm lặng ít nói nên không bị đặt biệt danh. Vả lại, người được đặt biệt danh cần có vài nét nào đó đặc biệt trong đời sống lao tù, chẳng hạn như tôi bị đặt biệt danh và chết tên luôn vì năm vào tù Cộng sản dù tôi đang ở tuổi 34, cái tuổi vào lúc đó so với các sĩ quan 23, 24 tuổi đã là già rồi. Tôi lại không quảng giao và chậm chạp trong tù nên bị đặt biệt danh “khứa lão” ! Hoàng được đặt biệt danh là Hoàng “xi cà que”, khiến ai cũng tưởng anh nhỏ con, chân đi khập khiễng, nhưng nếu có ai nghĩ như thế thì lầm chết. Hoàng cao đến 1 thước 80 đẹp trai như một diễn viên điện ảnh lúc khăn gói quả mướp khởi sự cuộc lưu đầy trong các trại tập trung của Cộng sản ở ngoài Bắc. Trong trại Hoàng gặp tai nạn lao động bị gãy cổ tay trái. Không biết đám y sĩ Việt Cộng chữa trị như thế nào mà  ngày nay cái bàn tay tái và cổ tay của Hoàng dính vào nhau thành một góc gần như vuông. Đến nay qua bao nhiêu biển dâu, gặp lại người bạn tù và bạn cùng xóm, Hoàng vẫn như một tài tử dù râu tóc đã bạc trắng rồi, lại thêm óc khôi hài nên chỉ nhìn anh cũng vẫn thấy đời đáng sống lắm. Trương Văn Tám tự Tám “chùa” tuy bị đặt cho biệt anh như thế nhưng không bao giờ “chùa” của ai cái gì. Anh là sĩ quan bị gọi động viên rồi sang tác chiến trong lực lượng Địa Phương Quân, nhưng không như một số ông sang đến Mỹ chối bỏ binh chủng của mình, Tám hãnh diện thắng một bộ đồ trận trên cánh tay có mang phù hiệu Địa Phương Quân, một lực lượng diện địa mà chuyên gia du kích chiến Sir Robert Thompson đã phải hạ bút vào những năm 60: “….Miền Nam muốn thắng Cộng Sản cần phải phát triển một mạng lưới dày đặc những đơn vị có khả năng chặt đứt được đường tiếp tế cho du kích Cộng Sản…”. Nếu ai có đến thăm nơi làm việc của Tám chùa và nghe anh kể chuyện cuộc đời lên voi xuống chó trong kinh doanh sản xuất của anh mới thấy sức sống nơi con người anh. Cho tới nay, dù nhiều anh em trong chúng tôi đã trở thành ông nội, ông ngoại cả rồi, nhưng tôi nghĩ cũng chẳng có ai giận đỗi gì về những biệt danh mà bạn bè thân thiết trong tù đặt cho mình. Bởi nó làm sống lại cả một thời trai trẻ, sống lại cả một thời trận mạc lẫy lừng và thời tù đầy vì bại trận đầy những nhọc nhằn nhưng cũng là thời kẻ thù không thể phá vỡ được sự đoàn kết giữa anh em chúng tôi.

Đời sống ở Mỹ với một nền văn hóa dù ít nhiều cũng ảnh hưởng đến mỗi người trong chúng tôi và vì thế chắc chắn cũng có khác biệt trong những suy nghĩ cũng như trong cách nhìn về đời sống văn hóa, xã hội và chính trị. Nhưng tình bạn và tình đồng đội vẫn không có gì sứt mẻ. Bởi vậy mà có những A-20 ở cách xa chúng tôi một nửa quả địa cầu như Nguyễn Văn Rạng ở Úc cũng cố gắng về họp mặt cùng với những A-20 khác ở các tiểu bang vùng bờ biển Miền Tây nước Mỹ, vùng Trung Tây, bờ biển Miền Đông và Miền Nam cũng như các tiểu bang ven bờ vịnh Mexico. Cuộc “hẹn hò” lần thứ 2 của các cựu tù cải trạo trại kiên giam A-20 cũng đã tập trung được trên 160 người kể cả những người bạn đời của họ đi theo chồng. Và về nguyên tắc chúng tôi tổ chức cuộc họp mặt thân mật với sự giới hạn đến mức tối đa những lời phát biểu. Ngoại trừ diễn văn khai mạc của anh Nguyễn Đức Thành trưởng ban tổ chức dài khoảng 5 phút và tôi với tư cách cựu trưởng ban tổ chức cuộc họp mặt của các cựu tù cải tạo A-20 lần thứ nhất tại Nam California được phát biểu và theo đúng nội qui tôi nói trong khoảng hơn 1 phút. Trước đó, thời lượng của lễ khai mạc dành phần lớn cho nghi thức chào quốc kỳ VNCH và Mỹ, một phút mặc niệm và tưởng nhớ đến những đồng đội của chúng tôi đã bỏ mình trong các trại giam Cộng Sản,  trên đường vượt biển tìm tự do sau khi ra khỏi trại kiên giam hoặc trên đường bôn tẩu trốn trại.

Đặc biệt cuộc họp mặt năm nay, Trưởng ban tổ chức Nguyễn Đức Thành và những phụ tá của anh đã có sáng kiến rất ý nghĩa. Đó là lễ vinh danh và tri ân những người bạn đời của các cựu tù của trại kiên giam A-20 vì sự đóng góp lớn lao của họ trong việc hỗ trợ cho chồng vượt qua những khó khăn trong hay ngoài nhà tù ở Việt Nam hoặc trong thời gian tái định cư trên đất Mỹ. Nhưng không phải là ban tổ chức vinh danh mà là chính những cựu tù cải tạo A-20 vinh danh cho những người vợ của mình bằng một bông hồng và những nụ hôn. Buổi lễ diễn ra cảm động với những lời kể của những tình già quay ngược lại thời gian trở về lại với những mối tình trẻ diễn ra trong hoàn cảnh đất nước đang trải qua cơn giông bão của lịch sử. Trong bối cảnh ấy, tình yêu bị thử thách nghiêm trọng nhưng phần đông họ vẫn tiếp tục đi với nhau hết đoạn đường đời còn lại với con cháu đầy đàn. Trong tất cả những cặp vợ chồng tặng hoa cho nhau, đáng chú ý nhất là cặp vợ chồng A-20 Tống Phước Hiến, cựu sĩ quan CSQG. Sau 30-4, cả hai vợ chồng đều đi tù Cộng sản trong khi con cái còn nhỏ. Ngồi trên xe đò Hoàng trong chuyến trở về Little Saigon từ San Jose, nghe vợ chồng anh kể cảnh cùng khổ và bị o ép sau thời gian đi tù về tạm lánh ở quê vợ miệt dưới Sa Đéc để lao động chân tay kiếm sống, dù “tuổi già giọt lệ như sương”, tôi vẫn thấy cay cay ở hai tròng mắt. Tống Phước Hiến người Huế lấy vợ người Miền Nam cũng là sĩ quan CSQG. 

Cũng như cuộc họp mặt lần đầu tiên ở Nam California, chúng tôi có một buổi tiền hội ngộ ở tư gia của A-20 Phạm Kim Minh. Đây là một buổi gặp gỡ thân mật, không có nghi thức, nói chuyện thả giàn, tha hồ trình bày những ý kiến dị biệt, nhưng giận dữ hay giận nhau là tuyêt đối bị “cấm”. Cá nhân, tôi khoái nhất là tiền hội ngộ chỉ vì tại những buổi gặp này không có ai cấm mình “ăn tục nói phét” cả và cũng chẳng có ai bắt mình thi hành “8 Điều Lệnh Nếp Sống Văn Hóa Mới”  cho nên tha hồ nói và nếu nói văng cả bọt mép cũng không ai phiền. Tôi, Duyên “voi” và Phạm Kim Minh có dịp nói về quê hương gốc của mình là Hải Phòng vùng đất bị người Hà Nội chê là “đồng chua nước mặn”. Duyên “voi” là biệt danh sau này chứ còn thời gian học tiểu học ở trường Văn Trinh khu Trại Cau Hải Phòng cách đây 62 năm, chúng tôi gọi Vũ Hoàng Duyên là Duyên “kều” vì “lủy” vừa gầy vừa cao nhất lớp. Hồi còn học lớp nhất, Duyên “voi” thuộc loại học giỏi, nhưng nghịch ngầm có hạng. Học tiểu học tôi khá thân với Duyên “voi” và thường cùng đi đánh khăng hay đá bóng ở Vườn Hoa Con Cóc. Do tính nhát gan, thường bị ăn hiếp và bao giờ Duyên “voi” cũng là người bênh tôi. Di cư vào Nam, tôi không còn gặp Duyên “voi” nữa. Cho đến khi gặp lại anh trong buổi tiền hội ngộ lần thứ nhất ở Little Saigon tại nhà Tống Phước Hiến hồi năm ngoái. Tôi ngờ ngợ và Duyên “voi” cũng vậy. Nhưng sau một hồi kể lể hóa ra đúng là Duyên “kều” ngày xưa nay gọi là Duyên “voi”. Đến A-20 vào thời gian tôi đã bị mằm cùm trong biệt giam được gần 2 năm, Duyên chỉ nghe nói và không nhìn thấy tôi dù chỗ tôi bị còng chỉ cách nhà bếp nơi Duyên “voi” lao động khoảng chục thước. Nhưng trong các buổi tiền hội ngộ dù chỉ gồm toàn những chuyện “ăn tục nói phét” cũng có một điều nghiêm túc. Đó là chúng tôi bàn thảo và giao lại cho Houston tổ chức Hội Ngộ A-20 kỳ III vào năm 2013.
Nói tóm lại, dù Ban Tổ Chức không tránh được những sơ xuất, dù chính một số những anh em A-20 trong buổi lễ chính thức vì nóng lòng lâu ngày mới gặp lại nhau nên đã nói chuyện ồn ào quá gây khó khăn cho anh Nguyễn Đức Thành khi anh đọc một lời ngỏ chưa tới 5 phút, buổi hội ngộ lần 2 của cựu tù cải tạo trại kiên giam đã có nhiều điểm son: vẫn thân mật và cảm thông. Mọi người đã để lại ngoài cửa hội trường những khác biệt chính trị nhiều khi đến gay gắt để bảo vệ tình anh em đồng đội. Anh em cựu tù cải tạo A-20 đã thể hiện nghiêm túc một lời hứa bất thành văn với nhau: đã là A-20 thì trừ một số rất nhỏ không đáng kể những người chạy theo và cộng tác với địch, lúc nào chúng tôi cũng vẫn là anh em dù có khác chính kiến  hay đang bị những người khác chỉ trích về lập trường chính trị. Sống ở một đất nước tự do, mỗi người trong chúng tôi có cách nhìn khác nhau về đời sống, về quê hương cũ, về chuyện đối xử với kẻ thù. 

Không nên để những khác biệt này có đủ khả năng phá vỡ tình anh em đồng đội trước kia với một giới hạn rất cứng rắn: không chấp nhận những người theo đóm ăn tàn với Cộng sản. Tuy nhiên, chúng tôi lúc nào cũng thả nổi sự chọn lựa cho mỗi người để tránh những ngộ nhận.

Tôi có nhiều điều tâm đắc với cách tổ chức hội ngộ được nhiều anh em cựu tù cải tạo A-20 chấp nhận. Đó là ai thích thì về gặp nhau. Ai không thích thì không về. Có bao nhiêu chúng tôi “chơi” bấy nhiêu. Một chục, hai chục, ba chục hoặc hàng trăm người thì cũng vẫn vui như nhau miễn là dù số người ít hay nhiều nếu đã gặp thì  phải gặp với tinh thần đồng đội cũ thân mật, đoàn kết nhưng cũng không mất đi lòng tương kính từng được thể hiện trong thời tù đầy nhọc nhằn nhưng bất khuất ở A-20. (VA)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét