6.2.18

Những ngày cuối cùng tại Bình Thuận




Tác giả A20 Phạm Ngọc Cửu

Ngày 4-4-1975 : Bỏ Ngỏ Bình Thuận.

Sáng mồng một tháng 4-1975, một cuộc họp được coi là lịch sử, đã được tổ chức tại Phòng khách danh dự trong Tòa Hành Chánh tỉnh, gồm BCH. Hành chánh, Tiểu khu và bảy Quận trưởng. Ðây là một buổi họp đặc biệt, mục đích để tìm cách đối phó hữu hiệu với đoàn di tản chiến thuật, từ Cao nguyên và Miền Trung, sắp tới Phan Thiết vì kể từ đêm qua tới nay, Bình Thuận vẫn không hề nhận được một chỉ thị hay câu trả lời ‘Ðã ghi nhận’ , chừng ấy thôi, từ BTL SĐ23BB, QĐ2,Trung tâm hành quân của Bộ TTM/QLVNCH và Phủ Thủ tướng. Thời gian này, tại địa phương, VC chỉ quấy rối lẻ tẻ nhưng không gây thiệt hại nào đáng kể. Xa hơn, tình hình chiến sự Lâm Ðồng, vừa được Trung Tá Tỉnh Trưởng Vương Ðăng Phong cho biết rất sôi động, nhất là tại mặt trận giáp ranh với Quận Ðịnh Quán (Long Khánh). Phía Nam, QL 1 đã bị VC bít cứng ở Rừng Lá (Bình Tuy), quân số tập trung cả Quân đoàn, với ý đồ chuẩn bị một trận tấn công khủng khiếp vào SÐ18BB tại Xuân Lộc. Ở Bình Tuy cũng đã lập một nút chặn rất hùng hậu, từ Căn cứ 10, ở Ngã ba cây số 46 chạy tới Thị xã La Gi, với mục đích giải giới Ðoàn quân trên.

Như vậy Ðoàn di tản chắc chằn sẽ bị khựng lại và dội ngược về Bình Thuận, chừng đó Phan Thiết sẽ hứng chịu toàn bộ sức nặng này. Ðể giải quyết một biến động tàn khóc, mà không một thẩm quyền nào, từ Trung Ương cho tới Quân Khu và các Tỉnh Thị đã bó tay, nên các cấp chỉ huy tại Bình Thuận, trong cuộc họp trên, đã đề nghị thật nhiều giải pháp như nhờ BTL.Không và Hải Quân, yểm trợ phương tiện, chuyển vận đoàn di tản từ Bình Thuận về Nam bằng máy bay và chiến hạm. Laị có những đề nghị có tính cách quân sự như dùng mìn, đánh sập vài chiếc cầu lớn trên QL1, hay xử dụng pháo binh làm thành hàng rào hỏa lực và cuối cùng là thiết lập một nút chặn tại Cà Ná, ranh giới giữa Quân Tuy Phong và tỉnh Ninh Thuận.

Nhưng dù có gọi cuộc di tản trên bằng một cái tên nào chăng nửa, thì đối với những người có trách nhiệm tại Bình Thuận, nó cũng được đánh giá như một cuộc tấn công vĩ đại nhất từ trước tới nay, trong lịch sử chiến tranh của Ba Trăm Hai Chục Năm Miền Biển Mặn. Trong khi đó, không một ai có đủ thẩm quyền bắt nó dừng lại, mà chỉ hy vọng giới hạn phần nào sự tàn phá của nó, để tiết kiệm bớt máu xương của đồng bào, giảm thiểu thiệt hại vật chất, giữ được tinh thần chiến đấu của quân, cán, chính trong tình huống xôi động này.

Hơn nữa các đối tượng trước mắt, tuyệt đại đa số không phải là địch, mà là một lực lượng vì hoàn cảnh phải di tản chiến thuật. Nên dù không một cấp chỉ huy nào nói ra hay chỉ thị, thì ai cũng phải hiểu rằng nó phải được che chắn an toàn, để tái phối trí, chứ không phải là đoàn quân phản loạn, thật sự chống lại quân Chính Phủ như tại Vùng I Chiến Thuật, vào những năm xáo trộn 1965-1967. Do đó, không một ai dám, kể cả Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm, Ðại Tướng Cao Văn Viên vào lúc đó, công khai ra lệnh tàn sát Họ. Cuối cùng cho dù có ra mặt đối phó, liệu ngăn cản đuợc hay không, trước một lực lượng đông đảo, tuy là ô hợp nhưng cũng đủ xe tăng, đại pháo, quân số và súng đạn để trả thù, tàn sát, tàn phá và cảnh nồi da xáo thịt giữa những người lính cùng chung một màu cờ sắc áo lại tái diễn, chẳng những có lợi cho giặc, mà còn trúng kế bọn Việt gian phản tặc, đám khoa bảng trí thức thân Cộng, đang thấp thỏm theo dõi tình hình từng giây phút, để mà viết bài đăng báo, làm vui đảng và ‘bác Hồ tặc Nguyễn Tất Thành’. Ðó là một bài toán nát óc, một sự khó khăn nhất trong cuộc đời quân ngũ, mà Đại Tá Ngô Tấn Nghĩa Tỉnh/Tiểu Khu Trưởng phải quyết định trong phiên họp lịch sử hôm đó “Bỏ Ngỏ Thành Phố Phan Thiết” suốt thời gian Ðoàn Di Tản đi ngang qua.

Rồi điều không ai muốn cũng phải làm trong khi đợi chờ. Tất cả đặt trong tình trạng báo động cao nhất. Ðối với các Ðơn Vị đóng dọc QL1, được lệnh lùi sâu vào phía trong, để tránh tình trạng ngộ nhận, khiêu khích giữa hai phía, và phải trở lại vị trí cũ ngay, để bảo vệ cầu đường thông suốt và ngăn chận mọi sự tấn công, đóng chốt của địch.

Tại Phan Thiết,bắt đầu ngày 2-4-1975, đã có một số đồng bào và các gia đình cán bộ, công chức, quân đội., hưởng ứng theo lời kêu gọi của Chính quyền địa phương, đã tạm thời thu xếp lánh ra ngoại ô nhất là Phú Hài, Rạng, Mũi Né để tạm lánh nạn. Ty Dân Vận Chiêu Hồi, Ðại Ðội Chiến Tranh Chính Trị, Tỉnh Ðoàn CB/XDNT cùng với Xã Châu Thành Phan Thiết, cũng đã sử dụng tất cả phương tiện truyền thanh, để trấn an và kêu gọi đồng bào bình tỉnh, trước mọi tình huống xấu, để tránh nguy hiểm, thiệt hại tài sản và sinh mệnh. có thể sẽ xảy ra.

Quận trưởng Hải Long được giao trách nhiệm, bảo vệ an ninh tỉnh lộ từ Phan Thiết tới Mũi Né, thông suốt 24/24, đồng thời bằng phương tiện sẳn có cùng phối hợp với Ty Giáo Dục và Thanh Niên, Tỉnh Ðoàn CB/XDNT.. thành lập các Khu Tạm Trú tại Trường Học, Chùa, Nhà Thờ, Nhà Lều Nước Mắm.. để chuẩn bị tiếp nhận đồng bào các nơi tới tạm trú. Quận Hàm Thuận giữ an ninh tuyệt đối trên QL1, từ Phan Thiết tới cây số 25 giáp ranh với Bình Tuy. Quận Thiện Giáo hành quân, mở rộng vòng đai, hạn chế VC pháo kích về thành phố, gây thêm chết chóc và hổn loạn khi có mặt đoàn di tản. Tiểu đoàn 229ĐP của Thiếu Tá Nguyễn Hữu Tiến được điều động về bảo vệ TK và Tòa Hành Chánh Tỉnh.

Con đường huyết mạch, nối liền Phan Thiết với Phi trường và nhất là Quân Y Viện Ðoàn Mạnh Hoạch, đã được BCH. Tiểu Khu bảo vệ chặt chẻ và cẩn mật, để sẳn sàng chuyển vận các nạn nhân đến chữa trị. Ty Y Tế và Bệnh Viện Phan Thiết trên đường Hải Thượng Lãn Ông hoạt động 24/24, đồng thời cũng lập thêm Hai Toán Y Tế cứu cấp lưu động, thường trực tại Trường Tiểu Học Ðức Thắng và Nam Phan Thiết, trên Ðại lộ Trần Hưng Ðạo, để kịp thời cứu cấp bệnh nhân, khi không thể chuyển vận họ tới được Bệnh viện hay QYV.

Riêng Ty An Ninh QÐ , Ty Cảnh Sát QG và Phòng 2 TK sẳn sàng đối phó với Ðặc Công CS, bọn này đang trà trộn trong Ðoàn Di Tản, để kích động, khiêu khích, tạo hổn loạn kể cả đốt phá các cơ sở chính quyền , cây xăng, chợ búa. Riêng Xã Phan Thiết , phải theo dõi bọn trộm cướp, du đảng có tiến án, để ngăn chận kịp thời, bảo vệ sinh mạng và tài sản đồng bào. Ngoài ta Tiểu Khu phải thiết lập ngay Một BCH nhẹ, đóng trên Lầu Ông Hoàng vớí hệ thống truyền tin 24/24.

Cuối cùng Tỉnh cũng đã dự trù kế hoạch dành cho giờ thứ 25, mở lại đường bay Dân sự Phan Thiết-Sài Gòn, ký hợp đồng thuê mướn các ghe tàu đánh cá tư nhân, để sẵn sàng chuyên chở cán bộ và gia đình, kể cả đồng bào khi cần thiết. Tiền thanh toán được rút từ Ngân khoản Khai Hoang Lập Ấp, hiện đang tạm đình chỉ, vì tình hình chiến sự. Ngoài ra Phái Viên Hành Chánh Phú QÚy cũng đã chuẩn bị sẳn sàng một đoàn ghe, khi cần thiết sẽ vào Phan Thiết công tác.

Ngày 2-4-1975, Bộ Tư Lệnh/ Quân Ðoàn II lần lượt tan hàng tại Pleiku và Nha Trang., và cuối cùng bị xóa tên, vào lúc 1giờ 45 trưa cùng ngày, qua quyết định của Bộ Tổng Tham Mưu/QLVNCH, sáp nhập phần lãnh thổ còn lại vào QÐIII. Một đêm trôi qua và cuối cùng Ðoàn Di Tản cũng đã vào lãnh thổ Bình Thuận. Các Quận Tuy Phong, Hải Ninh nhờ không nằm trên QL1 nên ít bị thiệt hại vật chất. Ngược lại Quận Hòa Ða bị tàn phá nặng nề, từ Phan Rí Cửa, Phan Rí Thành,Chợ Lầu vào tới Lương Sơn nằm dưới chân núi Tà Dôn. Tiệm ăn, quán giải khát, cửa hàng tạp hóa đều bị cướp sạch.

Trước tình hình như vậy, BCH/ Tiểu Khu Bình Thuận điều động Tiểu Đoàn 229/ĐP do Th/tá Nguyễn Hữu Tiến làm Tiểu Đoàn Trưởng, lúc đó đang làm nhiệm vụ giữ an ninh cho Khu định cư Nghĩa Thuận nằm bên kia Đập Đồng Mới, thuộc xã Lương Sơn .Tiểu Đoàn rút về tăng cường cho Nam Bình Thuận. Vào ngày 1-4-75, Đại đội 4/248/ĐP do Tr/úy Nguyễn Tấn Hợi làm Đại Đội Trưởng thay thế T Đ /229/ĐP . Trong ngày này Tiểu Đoàn được tăng phái cho Chi Khu Hàm Thuận, riêng Đại Đội 4/229/ĐP do Tr/úy Cao Hoài Sơn làm Đại Đội Trưởng, phụ trách bảo vệ Nông Trường Sao Đỏ và đồng bào hồi hương từ Campuchia tại Bình Tú, thế cho đơn vị của Đại úy Huỳnh Văn QÚy đã di chuyển tăng cường cho mặt trận Ba Hòn (Kim Bình, Hàm Thuận ).

Ngày 3-4-1975, toàn bộ Tiểu Đoàn 229 Địa Phương Quân được lệnh di chuyển về phòng thủ bảo vệ Tiểu Khu và Tòa Hành Chánh Tỉnh. Đại đội 2/229 do Đại Úy Lê Viết Duyên làm đại đội trưởng, phòng thủ chu vi Tòa Hành Chánh. Đại Đội 3/229 do Trung Úy Nguyễn Dương Quang làm đại đội trưởng trú đóng tại Vườn Hoa, Lầu Nước. Đại Đội 1/229 do Trung Úy Nguyễn Văn Thứ làm đại đội Trưởng, đóng từ Bưu Điện qua Ngân Khố dọc theo đường Hải Thượng Lãn Ông. Đại Đội 4/229 của Trung Úy Cao Hoài Sơn đóng dọc theo đường Nguyễn Hoàng, bảo vệ mặt sau Tiểu Khu.

Một ngày đêm trôi qua trong hồi hộp lo sợ, cuối cùng đoàn di tản cũng tới Phan Thiết theo ngã Quốc Lộ 1 từ Bắc Bình Thuận, sau khi đã tàn phá tất cả trên đường đi, gồm các thị trấn Long Hương, Phan Rí Thành, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Lương Sơn.

…..Tại Phan Thiết sáng ngày 4-4-1975, trên các con đường phố tràn ngập những quân xa, có cả Thiết giáp M113 và Tank M41, M48. Xe Honda và người tràn ngập trên vỉa hè, tất cả các chợ, quán ăn, tiệm tạp hóa, cây xăng đều đóng cửa.

Một số côn đồ trà trộn theo đoàn di tản, đã lợi dụng tình thế cướp giật. Đồng thời không ít Cộng quân đã đột nhập vào thị xã Phan Thiết, gây tình trạng rối ren hầu tìm cách đánh úp ta. Thành phố bị đập phá tan hoang, các cửa tiệm, cây xăng bị cướp phá kể cả các kho chứa gạo dự trữ cũng bị cướp đi. Ai nhìn cảnh này lòng cũng đều đau như cắt, nhưng vì lệnh không được nổ súng để tránh gây thêm hỗn loạn, dân lành sẽ chết và đặc công địch sẽ lợi dụng cơ hội giết thêm dân, rồi vu vạ cho ta. Đó là lý do Đại Tá Nghĩa để Phan Thiết bỏ ngỏ, tránh cảnh huynh đệ tương tàn!

Sáng ngày 4-4-75 tại Cầu Bằng Lăng ở đoạn đường vắng gần núi Tà Dôn, đoàn di tản đã bị Việt Cộng phục kích. Có hai binh sĩ của Đại Đội 4/229 đang công tác may mắn thoát chết. Theo lời tường thuật của hai nhân chứng thì đoàn di tản bị thương vong rất nhiều vì VC bắn bừa bãi vào đoàn xe, trên đó đa số là dân chạy nạn từ vùng hỏa tuyến về. May nhờ có chiến xa tiến lên tiêu diệt địch quân, yểm trợ cho đoàn di tản tiếp tục tiến vê Phan Thiết.

Cơn lốc tàn phá cuối cùng cũng đã tới, khi một số lượng lớn người và xe cộ di tản vào Phan Thiết, một số khác đi thẳng về Bình Tuy. Hỗn loạn khắp nơi, đến 10 giờ đêm thì bọn cướp đốt cháy ngôi Chợ Lồng trên đường Gia Long. ĐĐ4/229 của Trung Úy Cao Hoài Sơn đã được lệnh đến hiện trường, tìm cách giúp đỡ dân chúng chữa lửa cùng trấn áp bọn tội phạm thừa lúc hỗn loạn cướp phá. Tới hừng sáng mới dập tắt được đám cháy trong chợ thì Việt Cộng bắt đầu pháo kích vào BCH / Tiểu Khu . Nhưng đạn lạc ra ngoài quanh Vườn Hoa, dọc bờ sông đường Trưng Trắc, và Ngân Hàng Việt Nam Thương Tín. Có hai trái rớt vào khu dân cư ở Khu II Bình Hưng làm nhiều thường dân vô tội thương vong. Nhờ ta pháo trả kịp thời nên đã bịt kín họng súng của đích lúc đó đang đặt tại Xuân Phong, Đại Nẫm.

10 giờ, địch lại pháo vào Phan Thiết nhưng rớt vào nhà dân, làm tử thương thêm vài người . Một bọn du đảng ở Lò Heo nhặt đâu được một chiếc xe Jeep quân đội bỏ lại, cắm cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, tay cầm súng AK 47, mang băng đỏ, lái xe băng qua cầu Quan chạy khắp phố như chỗ không người. Nhưng khi tới trước rạp Chiếu bóng Bình Thuận và Khách sạn Anh Đào thì đụng ngay với Đại đội 1/229/ĐP của Tr/úy Nguyễn Văn Thứ . Những tràng đạn M16 của ta đã diệt gọn không sót một tên, xác chết nằm vắt trên xe, bọn này có lẽ bị VC nằm vùng giật dây, cho rằng chính quyền đã bỏ chạy hết, nên tìm cách cướp chính quyền lập công dâng đảng .

Buổi trưa có hai hỏa tiễn 122 ly từ hướng Xuân Phong, Trinh Tường pháo vào trung tâm Phan Thiết làm thương vong thêm một số người . Chừng ấy đoàn di tản mới chịu rời thành phố nhưng lại rơi vào ổ phục kích của Việt Cộng tại cây số 37 trên Quốc Lộ 1. Số còn lại chạy thoát vào căn cứ 10 thì bị Tiểu Khu Bình Tuy giải giới hết. Tuy vậy Tiểu Đoàn 229/ĐP vẫn được lệnh tiếp tục bảo vệ Thị Xã Phan Thiết thêm hai ngày mới rút.

Ngay khi Phan Thiết được giải tỏa, Tỉnh Ðoàn CB/XDNT/BT chỉ thị cho Ðoàn CB/XDNT từ Nông trường Sao Ðỏ về Trường Nam Tiểu Học để tiếp nhận hơn 10.000 đồng bào chiến nạn, từ các tỉnh Cao nguyên và Duyên Hải Miền Trung chạy về. Sau đó, số đồng bào trên, đuợc chuyển tiếp bằng GMC, tới các Trại Tạm Cư, vừa được tỉnh thiết lập, dưới rặng dừa xanh, chạy dài từ Ðá Ông Ðịa, tới Trường Tiểu Học Rạng, thuộc Xã Thiện Khánh, Quận Hải Long. Ðoàn được tăng cường thêm 10 cán bộ địa phương của Phùng Bửu Hưng, phối hợp với Ty Giáo Dục và Ty Xã Hội dựng lều trại, lập danh sách cấp phát gạo, cá thịt hộp, chăn mền, quần áo cũ, thuốc men và các phương tiện, cho những gia đình muốn về Nam.

2-Những Ngày Cuối Cùng Của Tỉnh/Tiểu Khu Bình Thuận.

Ngày 7-4-1975, sau khi Lâm Ðồng bỏ ngỏ, quân Bắc Việt từ Di Linh về tấn công Chi Khu Thiện Giáo và Trung Ðội Nghĩa Quân,bảo vệ Cầu Ngựa tại Xóm Gọ,đồng thời pháo kích vào TĐ230 ĐPQ, để chận đường tiếp viện. Trận chiến thật ác liệt., VC mở nhiều đợt tấn công nhưng đều bị chận tại hàng rào phòng thủ,bởi mìn Claymore, lựu đạn và những khẩu đại liên ở các lô cốt. Trận này, có sự tham dự của hai Ðại Ðội thuộc TĐ230, do Ðại Úy Tập và Trung Úy Sanh chỉ huy, thêm vào yểm trợ của Pháo Binh và Trực Thăng võ trang. Sáng ngày 8-4-1975, VC chém vè, bỏ lại chiến trường 72 xác chết, bên ta có 14 tử thương và nhiều binh sĩ thương nặng.

(Dương Vận Hạm 503 vớt quân cán chính Phan Rang và Tuy Phong ngày 16/4/1975)

Ngày 12-4-1975, VC lại pháo 130 ly vào quận Thiện Giáo, đồng thời chiếm Xóm Ðộng Giá, Phú Long, làm gián đọan lưu thông trên Quốc Lộ L1. Ðại Úy Huỳnh Văn Quý được chỉ định thay thế Thiếu Tá Phan Sang, làm tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 249 Địa Phương Quân. Đại Úy Nguyễn Văn Hạnh, một sĩ quan kỳ cựu thuộc Liên Đoàn 4BĐQ thuyên chuyển về Phan Thiết, được chỉ định làm Tiểu Đoàn Phó. Tiểu Đoàn được tăng cường thêm ÐÐ283/ĐPQ biệt lập của Ðại Úy Nguyễn Văn Ba (Một sĩ quan thuộc binh chũng LLĐB), đã tái chiếm lại được Cầu Phú Long và thị trấn, sau những trận đụng độ ác liệt kinh hồn. Ngày 15-4-1975, VC từ khắp nơi, pháo kích dồn dập vào Chi khu Thiện Giáo. kể cả các xã trên QL1 như Long Phú, Hòa Vinh, Tuỳ Hòa đang do Tiểu Đoàn 275ĐP trách nhiệm.Do trên Tiểu Khu cho lệnh Chi Khu di tản khỏi Ma Lâm và điều động TĐ230 về phòng thủ Phan Thiết.

Ngày 16-4-1975, phòng tuyến Phan Rang vỡ trước sự tấn công biển người của mấy sư đoàn và tăng pháo Bắc Việt. Các tướng lãnh Nguyễn Vĩnh Nghi, Phạm Ngọc Sang, Ðại Tá Nguyễn Thu Lương… cũng như hầu hết các sĩ quan trong Bộ Chỉ Huy/Tiền Phương của Quân Đoàn 3 đều sa vào tay giặc tại chiến trường, ngoại trừ tư lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh là tướng Trần Văn Nhựt đuợc HQ đậu ngoài Vịnh Ninh Chữ cứu thoát. Cũng trong ngày, quân Bắc Việt ào ạt theo Quốc Lộ 1 qua Cà Ná, tiến vào lãnh thổ Bình Thuận. Giờ thứ 25 đã tới, một số quân cán chính Tuy Phong được Tàu Hải Quân vớt tại vịnh Cà Ná.

Tại Bắc Bình Thuận, Đại Đội 4/ TĐ 248/ĐP là đơn vị tiền phương xa nhất của TK Bình Thuận. Đơn vị đóng bên này Cầu Đá Chẹt (Cà Ná) là ranh giới của Tiểu khu Bình Thuận và Ninh Thuận trên Quốc Lộ 1. Vì tình hình chuyển biến quá nhanh, nên sau khi liên lạc về BCH/TĐ248 ĐP, Đại Đội 4 nhận được lệnh bỏ Cà Ná và rút toàn bộ đại đội đến đóng quân ở một ngọn đồi thấp, đối diện với sở Nước Suối Vĩnh Hảo. Đây là một vị trí phòng thủ thiên nhiên rất lý tưởng, hơn nữa nếu nguy cấp đại đội có thể rút ra phía sau núi là bờ biển…

Lúc 10 giờ sáng ngày 16-4-75, từ trên núi Trung Úy Nguyễn Tấn Hợi, ĐĐT/ĐĐ4/248ĐP, qua ống dòm phát giác đoàn xe địch di chuyển từ Cà Ná vào và dừng lại tại xóm Vĩnh Hảo. Lúc này mặt trận Phan Rang còn đang tiếp diễn ác liệt thì làm sao có thể phá hủy cầu Đá Chẹt là đường duy nhất để đoàn quân tại Phan Rang lui quân được? Đại đội liên lạc về BCH/TĐ xin phi vụ để oanh kích đoàn xe địch đang dồn cục tại Vĩnh Hảo và phá hủy cầu Đá Chẹt. Lúc đó đoàn xe của CSBV chỉ cách ĐĐ4/248ĐP chừng 4-5 cây số và BCH/TĐ 10 cây số. Cuối cùng đơn vị trên đã liên lạc được với Không Quân khoảng giữa trưa, chỉ rõ mục tiêu cần oanh kích cho viên phi công là đoàn xe địch tại xóm Vĩnh Hảo, nhưng không hiểu vì lý do gì hai chiếc F5 lại thả hai trái bom xuống vị trí đóng quân của ĐĐ4/248, cũng may bom lạc ra phía sau hướng về cầu Đại Hòa nên không ai bị thương vong.

Theo Trung Úy Hợi qua máy vẫn nghe họ gọi danh hiệu mình là “Bản Thế” nhưng đã không lên tiếng. Ông sợ nếu họ biết được đơn vị còn thì dám có thể ăn tiếp hai trái nữa lắm. Vì không nghe trả lời nên phi công bay về hướng “Lê Lai-Sơn Tây” tức Lương Sơn, để thanh toán 2 trái còn lại xuống một đơn vị nào đó mà họ biết! Sau này có gặp Thiếu Úy Đỗ Văn Khuyến ĐĐP/ĐĐ4/TĐ/212/ĐP đóng tại Đồn Cây Táo (hiện ở Seattle), nhờ có theo dõi tình hình trên máy, nên kịp thời rút ra khỏi đồn Cây Táo và cuối cùng quả nhiên đồn này nhận 2 quả bom còn sót lại. Đoàn xe địch khi vào đến gần Lương Sơn thì bị chặn lại tại dốc Bà Chá với bãi mìn chống chiến xa làm 7 chiếc bị phá hủy. Dấu tích còn lại sau 1975 là xác 3 chiếc Tank địch còn nằm tại bờ Sông Lũy gần dốc Bà Chá xóm Ruộng Lương Sơn . Công lao này do Đại Úy Vĩnh ĐĐT/ĐĐ1/TĐ212/ĐP .

Cuối cùng toàn bộ ĐĐ4/248ĐP cũng ra được tàu nhờ sự cứu vớt tận tình của Duyên Đoàn 27, nhưng thật vất vả. Gần sáng ngày 17-4-1975, đơn vị trên được chuyển tới chiếc Dương Vận Hạm 503 đang lênh đênh ngoài vịnh Cà Ná – Cửa Xuất. Tàu đang thi hành công tác cứu vớt các đơn vị còn kẹt trên bờ. Lúc này các vị Sĩ quan Hải quân trên tàu ra dấu hiệu cho những chiếc ghe đánh cá lại gần, cho họ dầu nhờ họ đi vào bờ bốc lính ra.

Giữa lúc công tác cứu vớt các đơn vị bạn còn đang tiếp diễn thì pháo 130 ly của CSBV từ trong bờ bắn ra, vì chiếc DVH 503 rất gần vịnh Cà Ná. Nhiều quả đạn trúng pháo tháp chỉ huy và boong tàu. Trên tàu lúc này có rất ít người nên thương vong không đáng kể. Chiếc tàu lắc lư dữ dội vì đã bị thương. Trong lúc đó, hải pháo từ các chiến hạm khác bắn tới tấp vào chỗ đặt súng của địch để giải cứu cho DVH 503. Nhờ vậy tiếng súng từ bờ biển bắn ra mới im bặt. Sau đó một chiến hạm khác cặp vào bên hông, giúp Dương Vận Hạm 503 lấy lại thăng bằng khi được bơm nước ra và kè đi trong đêm tối. Tàu cập bến Vũng Tàu vào lúc 10 giờ sáng ngày 18-4-75. ĐĐ4/248ĐP được đưa lên những chiếc xe GMC do quân cảnh hướng dẫn, về TTHL /Vạn Kiếp khu tiếp tân.

(Hai chiếc trực thăng hư, bị bỏ lại trước Đài Chiến Sĩ Trận Vong Bình Thuận đêm 18-4-1975, hình của Ngô Đình Cường)

3 giờ đêm 16 rạng ngày 17 tháng 4, đoàn xe tăng trên đã lọt vào bãi mìn chống chiến xa tại Dốc Bà Chá (Xóm Nùng) trên Quốc Lộ 1 gần Lương Sơn, do Ðại Ðội 1 Tiểu Ðoàn 212/Liên Ðoàn 925 ÐP/Bình Thuận của Ðại Úy Vĩnh chỉ huy. Theo tất cả các nhân chứng hiện còn sống sót tại Hoa Kỳ, có 7 chiến xa gồm T54 và PT76 bị cháy hay hư hại nặng. Sau đó VC kéo đi 4 chiếc, 3 xe cháy còn lại hiện nằm tại Lương Sơn (Bắc Bình, Bình Thuận).

Bắt đầu đêm 17-4-1975, lửa khói đã mịt mù khắp thành phố Phan Thiết. Hải Quân 07 và Hải Vận Hạm Ninh Giang HQ 403 được lệnh tới bờ biển Phan Thiết yểm trợ hỏa lực và chờ chuyển vận binh sĩ về Nam khi nguy ngập. Chiều ngày 18-4-1975, tăng pháo và đại quân Bắc Việt vào Phú Long, TĐ249 và Đ Đ283 ĐPQ kể cả Trung Ðoàn 6/SĐ2BB (từ Long Phú rút về đóng tại Phước Thiện Xuân) đều lui quân ra hướng biển. Ác chiến đã xảy ra trên Liên Tỉnh Lộ 8 từ Tân Điền, Tân An, Trinh Tường giữa VC và các Tiểu Đoàn 202, 229, Đại Đội Trinh Sát 206 Tỉnh… mãi tới 8 giờ 30 tối cùng ngày, xe tăng VC mới chỉ vào tới Cầu Trần Hưng Ðạo sau khi vượt qua các chốt chận của TĐ275 ở Phước Thiện Xuân (Đi đường vòng) lúc này trên QL1, TĐ229 còn đang giữ vững tại Cầu Sở Muối. Do đó chúng đã cố thủ tại các vị trị vừa chiếm được, mà không dám di chuyển tới các nơi khác, vì khắp Phan Thiết vẫn còn nhiều đơn vị cố thủ chờ lệnh.

Sáu giờ chiều cùng ngày, Đại Tá Nghĩa và BCH Hành Quân Nhẹ tại Lầu Ông Hoàng rời vị trí di chuyển về gần cửa Thương Chánh chờ Tàu Hải Quân vớt. Trong đoàn có một chiếc Thiết Vận Xa M-113 bên trong chở nhiều thùng bạc do Bộ Tài Chánh vừa mới cấp cho Tỉnh vào trung tuần tháng 4/1975 nên chưa kịp phát cho một số Ðơn Vị ĐPQ+NQ, CB/XDNT.(lương tháng 4-1975). Chiếc xe bọc sắt này đã chìm không xa Bãi Thương Chánh, khi lội ra Chiến Hạm và phần lớn tiền bạc đều bị VC tịch thu, kể cả số tiền còm của các ngư dân quanh vùng mò tìm được. Riêng chủ ghe đưa Đại Tá Nghĩa ra chiến hạm, bị tù và chết trong trại giam, hiện còn người em ruột vượt biên đang ở Bắc CA, là một nhân chứng, xác nhận. Nhờ Đại Tá Nghĩa thoát chết khi bị té xuống biển nên Ông đã liên lạc được với Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh lúc đó là tư lệnh Vùng 2 Duyên Hải, mới có cuộc lui quân tại bến tàu Kim Hải.

(Tank T54 do Nga viện trợ cho CS Bắc Việt vào thị xã Phan Thiết đêm 18-4-1975, hình do Ngô Đình Cường chụp)

Tại Phú Long, lúc 3 giờ chiều ngày 18-4-75, sau khi bị trận địa mìn ở Dốc Bà Chá Lương Sơn làm cháy mất 3 chiếc và hư hại nhiều chiếc khác. Đoàn Tank địch sau hơn một ngày tán loạn nên chờ bộ binh tăng viện mới tiến vào Phú Long trước cả binh đoàn của địch có tăng pháo yểm trợ, các đơn vị phòng thủ lúc đó gồm Tiểu Đoàn 249/ĐP + ĐĐ283 ĐP, Tiểu Đoàn 275/ĐP, ĐĐ290/ĐP của Đại Úy Nguyễn Duy Sâm, ĐĐ của Đại Úy Úy, cùng các đơn vị tăng phái của Sư Đoàn 2BB + Chi Đoàn Thiết Giáp… lần lượt rút bỏ Phú Long di tản chiến thuật theo kế hoạch “Lui Binh”, hoặc ra Hải Long hay về Bình Tú, chờ các Chiến hạm Hải Quân của BTL/V2DH đến chở về Vũng Tàu.

Dù vậy, xe tăng địch chưa dám vượt qua cầu Phú Long vì sợ lại lọt vào trận địa mìn bẫy . Đại Đội 1/275 được lệnh giữ vững phía bên này cầu (thuộc xã Kim Ngọc) và tiêu diệt Tank địch . Lúc này đơn vị kiểm điểm lại chỉ còn 7 quả M72 vì đã bắn nhiều trong nửa tháng không được cung cấp thêm . Xe Tank địch thì rất nhiều như những con thiêu thân chờ đêm tối mới tràn qua cầu.

Trung Úy Nguyễn Minh Luân liên lạc với Phòng 3/TK thì được biết đã có lệnh rút lui về Bình Tú, nhưng tiểu đoàn rút đi mà không thông báo cho đơn vị biết. Dầu vậy anh đã ra lệnh chờ xe tăng địch tới gần 30m mới cho bắn, để chắc chắn. Nhưng xe tăng địch không dám qua cầu mà rẽ đường vào Phước Thiện Xuân tấn công đồn Nghĩa Quân do anh Néo làm trung đội trưởng. Tại đây một chiếc tăng T54 đã bị Nghĩa Quân bắn hạ. Trung Úy Luân gọi Hải pháo bắn chận địch để đơn vị rút quân. Đơn vị anh từ đó đã về Thanh Hải và tan hàng tại đây, tự tìm đường đi về Vũng Tàu. Riêng anh nhờ một chiếc ghe vớt anh trên thúng khi đang lênh đênh ở ngoài biển đưa vào Vũng Tàu, gặp lại tiểu đoàn tại đây.
A20 Phạm Ngọc Cửu

(Nguồn  Internet)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét