21.12.19

DIỄN VĂN CỦA ÔNG NGÔ KHẮC TỈNH


DIỄN VĂN CỦA ÔNG NGÔ KHẮC TỈNH
TỔNG TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA GIÁO DỤC VÀ THANH NIÊN
ĐỌC TRONG DỊP ĐẠI LỄ PHẬT ĐẢN 3518 VÀ
LỄ KỶ NIỆM 10 NĂM THÀNH LẬP
VIỆN ĐẠI HỌC VẠN HẠNH
(06 - 5 - 1974)
 
Kính thưa chư tôn Hòa thượng,
Thưa Thượng tọa Viện trưởng,
Thưa Quí vị,

Tôi rất hân hoan đón nhận vinh dự mà Viện Đại Học Vạn Hạnh đãdânh cho tôi, đến chủ tọa lễ kỷ niệm mười năm thành lập Viện ngày hôm nay. Nhân cơ hội này, tôi gửi lời chào mừng chư tôn Hòa thượng, cùng toàn thể liệt Quí vị quan khách.

Thấm thoát mười năm trôi qua. Trong khoảng thời gian qua nhanh như chớp mắt ấy, Viện Đại Học Vạn Hạnh đă thắng lướt không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách để trưởng thành và dầndần hoàn tất mục tiêu dự liệu.Với một cơ sở khang trang và đầy đủ phương tiện giảng huấn bậc Đại học như hiện có, cộng thêm những nổ lực không ngừng nhằm kiện toàn chuơng trình giảng dạy, cải thiện lề lối sinh hoạt của sinh viên,

Viện Đại Học Vạn Hạnh đã biểu lộ tinh thần Chân Kim Cang của Phật giáo trong hành trình phục vụ chuyên biệt cho giáo dục. Hiện nay Viện Đại Học Vạn Hạnh đã đủ sức thu hút hơn năm ngàn người theo học. Tôi xin ghi nhận thành quả lớn lao ấy, và nồng nhiệt ca ngợi tài lãnh đạo khôn khéo, sáng suốt của Thượng tọa Viện trưởng, cùng sự kiên trì cộng tác của toàn thể quý vị hằng tâm, hằng sản liên lục đóng góp xây dựng cơ sở giáo dục nầy.


Thưa Quí vị,

Khi nhận lãnh trọng trách phát huy văn hóa dân tộc, đào tạo những lớp người lãnh đạo và cung ứng đầy đủ chuyên viên cho mọi ngành hoạt động của Quốc gia ; thâu nhận, định giá, giảng dạy và quảng bá các loại kiến thức cùng tiến hành các công trình sưu tầm nghiên cứu và sáng tạo trong mọi lãnh vực, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển quốc gia và góp phần tiến bộ của nhân loại, mặc nhiên Đại học đã xóa bỏ lằn mức ngăn cách giã tạo giữa Đại học công và Đại học tư. Ít nhất điều nầy cũng được chứng tỏ qua chính sách của Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên, nhằm khuyến khích và nâng đỡ các Đại học tư lập phát triển trong nhiều năm qua.

Chúng ta cũng thừa hiểu rằng khi một quốc gia hứng chịu tai họa tàn phá của chiến tranh mà vẫn phải kiên cường kiến tạo nếp sống thịnh vượng cho tổ quốc như nước ta, thì mọi tầng lớp côngdânhiển nhiên phải chung lưng góp sức vào sự ngbiệp bảo vệ và xây dựng xứ sở. Do đó, một chánh sách giáo dục đa diện rộng rãi và cởi mở sẽ tạo cho mọi người có cơ hội tham gia vào việc phát triểngiáo dục, ngõ hầu kịp thời đáp ứng với nhu cầu nhân dụng trong nước. Ở những nước kém mở mang, sự thiếu hụt về tư bản nhân lực dễ nhận thấy rõ ràng hơn là sự nghèo nàn về tài nguyên thiên nhiên. Vì thế, quan niệm giáo dục là công việc do Chánh phủ chiếm độc quyền, chắc chắn không thể chấp nhận được ; và mọi sự đóng góp của tư nhân cho công cuộc giáo dục đầu tư đã trở thành quý báu và cấp thiết.

Nhưng đầu tư vào giáo dục Đại học, nhất là Đại học Tư lập, thì kinh nghiệm cho thấy rằng hầu hết các viện Đại học thuộc các tôn giáo lớn, trong nước, thường có nhiều yếu tố thuận lợi để dễ hoàn tất sứ mệnh giáo hóa của mình.

Yếu tố đầu tiên tôi muốn đề cập đến là nền tảng giáo lý mà trên đó Viện Đại học đã được thiết lập nên. Chính kho tàng giáo lý vô tận làm nền tảng đó đã giúp cho tính cách phong phú của giáo dục Đại học càng thêm phong phú. Thật vậy, do sự khẳng định về bản chất thiết yếu và quan trọng của Đại học trong công cuộc phát triển Quốc gia mà Đại học thường không tránh khỏi chú tâm về các kiến thức chuyên môn, trong khi vẫn nhận thức rõ ràng giáo dục đào tạo con người toàn diện với những giá trị muôn thuở là Chân Lý, Tự Do và Nhân Tính. Trường hợp Viện Đại Học Vạn Hạnh lại may mắn hơn vì được đặt vào trong đường hướng giáo dục Phật giáo. Mà đường hướng giáo dục ấy lại đặt trọng tâm vào việc giáohóa con người, đưa con người trở về đúng bản vị làm người. Chẳng những thế, Phật giáo lại đưa đến sự siêu hóa, tự vượt mình thường xuyên để thể nhập cuộc sống toàn diện. Giáo dục Phật giáocó cứu cánh là đưa con người trở về con người toàn diện, về con người biết thể hiện Chánh kiến trong từng động tác thường nhật. Nhưng Trí huệ là đồng lúc với Bi và Dũng. Nói rõ hơn, Trí chỉ là Trí khi có Bi và Dũng đi theo. Con người trí thức cũng là con người từ bi, dễ động lòng trước cảnh thương tâm của xã hội, nhất là một xã hội hứng chịu thảm họa chiến tranh dai dẳng. Nhưng đồng thời người trí thức cũng thừa can đảm nhận chân và tranh đấu cho sự thật, một khi phân định được tắc nhân lật lọng, gian manh.

Mặt khác, giáo dục Phật giáo khởi đi từ sự tự giác, có nghĩa con người giáo dục Phật giáo phải tự giáo dục mình trước tiên (tự giác), từ đó giáo dục người khác (giác tha) hầu mọi người cùng đi đến chân lý (giác hành viên mãn). Trong Kinh Lăng Già (Lan Kãvatãra sutra), đức Phật dạy, chân lý chính là Bất Nhị (advaya), là con đường của sự thật (margasatyam). Con người giáo dục Phật giáo phải là con người thể hiện tinh thần Bất Nhị, trong nhà trường và đời sống, không tìm phân cách Thầy, Trò, không phân biệt đối tượng và chủ thể. Nói cách khác, giáo dục là để thể nhập với đời sống phong phú, giáo dục không phải chỉ giới hạn ở nhà trường, cũng không phải chỉ kết thúc ở trường thi. Giáo dục phải tự tiêu hóagiáo dục để trở thành hơi thở dinh dưỡng của đời sống trọn vẹn, tước bỏ những chi tiết mà hòa đồng với những nguyên lý bất diệt của nhân sinh. Tóm lại, đạo Phật là một đạo của giáo dục và đức Phật là một nhà Đại Giáo dục.

Những yếu tố thuận lợi khác không kém phần quan trọng trong việc phát triển cho những Viện Đại học thuộc các tôn giáo lớn là tầm mức hậu thuẫn rộng lớn của tập thể tín đồ. Bằng phương thức Hội đồng Chỉ đạo hay ủy ban Tư vấn, tập thể tín đồ đã hỗ trợ tích cực cho viện Đại học trên nhiều phương diện. Điều nầy phù hợp với nhận định là nếu Đại học không mời dân chúng có tiếng nói trong việc định hướng, ít nữa thì cũng là trong việc thiết lập chương trình, sợ rằng tới một lúc nào đó, vì tiêu chuẩn đào tạo sinh viên không đúng đòi hỏi trên thị trường nhân dụng, dân chúng sẽ không để yên cho Đại học, trái lại sẽ áp lực Đại học phải giảng dạy những chương trình mà họ mong muốn. Lúc ấy Đại học, mất rất nhiều tự do trong việc ấn định chương trinh giảng huấn. Chính tập thể tín dồ sẽ mãi mãi giúp Đại học thuộc tôn giáo mình trong những lúc khó khăn hoặc trước các vấn đề nan giải thoát khỏi cảnh đơn độc mà các Đại học khác thường lâm phải.

Thêm vào đó, những tôn giáo lớn với quá trình tranh đấu hiển hách để bảo vệ quốc gia, một khi nhận trọng trách giáo hóa, ắt sẽ ý thức rõ sứ mệnh lịch sử của mình mà gia tăng nỗ lực tô bồi công trình huyết hản của tiền nhân trong việc xây dựng văn hóa dân tộc.

Thưa Quí vị,

Với các nhận thức trên, tôi minh xác rằng không thểcó sự kỳ thị bất cứ về phương diện gì giữa Đại học Công lập và Đại học Tư lập. Sự phân biệt hoàn toàn bị xóa bỏ vì Bộ Văn hóa Giáo dục và Thanh niên luôn nghĩ rằng sẽ không có sự đòi hỏi nhiều thứ và một chiều về phía tư nhân, cũng như sẽ không có sự cung ứng bất kham và một chiều về phía Chánh phủ. Với nguyên tắc giáo dục đầu tư, Đại học công hay tư cũng hướng chung về một mục đích : đem lại Thịnh vượng và An lạc cho quốc gia.
Hòa chung niềm hân hoan đón mừng Đại lẽ Phật đản 2518, cùng với nỗi phấn khởi nhân lễ Kỷ niệm 10 năm thành lập Viện Đại Học Vạn Hạnh, tôi xin cầu chúc Quí Viện tinh tiến trên đường phục vụ giáo dục quốc gia.

Xin cảm ơn Quí vị.

NGÔ KHẮC TỈNH
Tổng Trưởng Bộ Văn Hóa Giáo Dục và Thanh Niên
06 - 5 - 1974

(Nguồn: http://vnbet.vn/tu-tuong-so-2-nam-1974/dien-van-cua-ong-ngo-khac-tinh-10258.html)







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét